Thế giới nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Hoàng Lệ Thủy

Vanvn- Đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình là đề tài quen thuộc trong các sáng tác văn học hậu hiện đại. Cùng đi vào đề tài thế sự, khai thác những mảng sáng tối, những góc khuất trong thế giới nội tâm của nhân vật là thế mạnh trong các sáng tác của nhà văn Hoàng Lệ Thủy. Qua những trang văn giàu tính biểu cảm, nhà văn đã khơi lên trong lòng bạn đọc sự đồng cảm sâu sắc với những đau khổ, dằn vặt của con người khi bước vào ngưỡng cửa của tình yêu, hôn nhân, gia đình. Đôi khi, các tác phẩm của chị cũng hướng đến những nỗ lực, những phương cách để cùng nhân vật vượt qua nỗi đau, để hàn gắn những mảnh ghép chưa hoàn hảo của tình yêu.

1. Thế giới nội tâm nhân vật

Ca dao Việt xưa thể hiện sự ước muốn trong tình yêu: Đôi ta như tượng mới tô, như trăng mới mọc như đèn mới khêu”. Thế nhưng cuộc sống luôn là một dòng chảy và tình yêu thì cũng vậy. Tình yêu luôn luôn đối mặt với thời gian và sự đổi thay, đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách của cuộc sông, khiến tình yêu dạn vỡ, gây bao nỗi đau. Mô tả thế giới nội tâm nhân vật chịu nhiều khổ đau trong tình yêu, Hoàng Lệ Thuỷ đưa bạn đọc vào những cung bậc khác nhau.

Nhà văn Hoàng Lệ Thủy ở Sơn La

1.1 Khi nhân vật là những mảnh ghép chưa ăn nhập của tình yêu

Có đau khổ do người trong cuộc tình là những mảnh ghép chưa ăn nhập vào nhau. Đó là nhân vật người chị trong truyên “Đêm ấy gió ngừng thổi”, lớn  lên ở bản làng, xinh đẹp, được nhiều người yêu mến, có quyền lựa chọn người mình thương yêu. Nhưng do bị cám dỗ vật chất nhân vật chị đã tự ghép mình với một mảnh ghép có độ lệch quá nhiều. Chồng chị, một chàng trai phố thị con nhà giàu sang chỉ yêu mến vẻ đẹp ngoại hình. Sống ở nhà chồng dưới phố thị, sự lệch pha về văn hoá, thiếu sự thấu hiểu đồng cảm, yêu thương khiến nhân vật chị đã bỏ về nhà cha mẹ đẻ, sống trong khổ đau, ân hận.

Đó là Lín sinh ra trong nghèo khó cơ cực dù đã có người chồng yêu thương nhưng mảnh ghép tình yêu giữa chị và chồng cứ ngày càng rạn nứt: “Lín thường cố tránh không dẫm chân lên những bông hoa. Lín rên lên khi nhìn thấy những bông hoa bị đập nát dưới bàn chân của chồng Nín phía trước”, “Lín nghĩ đến cái hòm đặt ở góc nhà trong đó số ngô và thóc dự trữ đến mùa sau đã vơi đi quá nửa. Lín nghĩ đến người đàn ông sang trọng với ánh mắt rực lửa mỗi lần nhìn Lín” (Mùa này hoa bìm bìm đang nở). Dục vọng về cuộc sống nhàn hạ, xa hoa nơi phố thị đã khiến Lín từ cô gái có chồng con yêu thương, sau khi tham gia vào đội múa xòe, xuống thủ đô ca hát để rồi vấn vương, để rồi ngã vào vòng tay những gã trai lơ. Có những mảnh ghép trong hôn nhân bị lệch pha khi người phụ nữ mong muốn tìm kiếm sự chiều chuộng, cung phụng ở người chồng mà hoàn cảnh sống và khả năng của anh chỉ có thể cho chị một cuộc sống giản dị nơi vùng núi cao.

Đó là Sóng trong truyện “Gió đông rưng rức” chồng mất, rất lâu chị không thể quên được người chồng cũ. Khi có người chồng mới yêu thương chị lại bị “linh hồn” của chồng đeo bám qua những giấc mơ, qua con rắn “cứ ở trong nhà mà không chịu rời đi khiến chị rất đau khổ và cảm thấy có lỗi với người chồng hiện tại. Nhưng đồng hành với nhân vật Sóng người chồng đã thấu hiểu những khúc mắc trong lòng vợ, anh đã không đánh mắng mà còn có những việc làm thể hiện sự sẻ chia nên cuối chuyện họ đã tìm thấy hạnh phúc bên nhau: “Pàn nhìn vào mặt vợ, Sóng như cảm nhận được nên nhắm nghiền mắt lại, ôm chặt lấy chồng mình…

Đi sâu vào thế giới nội tâm những mành ghép chưa ăn nhập của tình yêu, tác giả muốn gửi đi một thông điệp: Hôn nhân rất cần tình yêu, và tình yêu chỉ có thể xây đắp trên cơ sở sự đồng điệu về tâm hồn, sự cảm thông chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách, cùng sưởi ấm cho nhau xây dựng hạnh phúc bền lâu.

1.2 Khi nhân vật đang gánh chịu những đau khổ giằng xé trong tình yêu

Ở một góc nhìn khác về tình yêu và hôn nhân, tác giả Hoàng Lệ Thuỷ đã đi sâu vào miêu tả thế giới nội tâm của nnững nhân vật đang gánh chịu những đau khổ giằng xé trong tình yêu. Có rất nhiều mảnh vỡ của tình yêu mà nạn nhân là những người phụ nữ sống trong nỗi dằn vặt, giằng xé khi buộc phải lựa chọn hoặc là sống theo dư luận có phần lạc hậu của cộng đồng làng xóm để chôn vùi tưởi trẻ hoặc là phải bứt phá để vươn lên sống cho mình, dành cho mình những xúc cảm yêu đương.

Đó là người mẹ trong truyện “Gió của đại ngàn” chồng mất sớm, chị ở vậy nuôi ba đứa con thơ, đến khi chúng có thể tự lập chị đi lấy chồng. Nhưng chính việc chị không “nhịn” được mà đi lấy chồng khiến dân làng bản phẫn nộ, họ gièm pha, khinh rẻ “đứa con gái không có người dạy dỗ”,  khiến đứa con gái của chị không thể lấy người mình yêu, nó đã tự vẫn, kết liễu cuộc đời mình trong đớn đau, ê chề.

Đó là May, chồng mất, cũng ở vậy nuôi con giữ mối tình thủy chung với người đã mất nhưng chị như cái cây non chưa đủ độ dẻo dai mà cứ phải chống chọi với nỗi cô đơn, chống chọi với vất vả mưu sinh nên đã không giữ mình mà ngã vào vòng tay anh chồng người bạn. Bị làng phạt vạ, phải mua lễ cúng ma, không có tiền, lại bẽ bàng đau khổ, chị đã quyên sinh.

Đó là người phụ nữ trong truyện “Hoa mận trắng xóa” lấy chồng phố thị, làm nghề bán thịt lợn bản, gia đình đang êm vui thì chồng chị đổ bệnh, chị vừa lo làm vừa chạy chữa cho chồng với hi vọng bệnh tình thuyên giảm. Thế nhưng chị đã phạm tội với anh, chị ngoại tình, chị đau khổ dằn vặt, tự ghê sợ mình. Với tình yêu thương còn lại chị đã thoát khỏi mối tình vụng trộm, được anh tha thứ nhưng chồng chị cũng ra đi, không còn nữa.

Đi sâu vào bi kịch của những phận người sống nơi vùng cao, Hoàng Lệ Thủy muốn kêu kên một tiếng dài ảo não. Tác phẩm của chị cũng nêu ra căn nguyên sâu xa trong rất nhiều nỗi khổ đau mà họ gánh chịu là mâu thuẫn giữa khát vọng sống cho mình, khát vọng vươn lên của người phụ nữ với những khó khăn về kinh tế, hay những tập tục, định kiến lạc hậu đeo bám. Đành rằng sự tự ý thức về giá trị cá nhân, mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo, khát vọng bình quyền nam nữ là hoàn toàn chính đáng nhưng cách thức thực hiện những ước mơ còn nhiều sai lầm là căn nguyên gây bao sóng gió cho những mái ấm gia đình nơi vùng cao biên giới xa xôi.

1.3 Khi nhân vật là những mảnh vỡ của tình yêu

Mother Teresa đã từng nói: “Dục vọng là một phần của tâm hồn con người, và nó có thể mang đến niềm vui và hạnh phúc nếu được thực hiện đúng cách. Nhưng nếu nó không được kiểm soát đúng cách, nó sẽ dẫn đến những hậu quả đau đớn”. Đọc truyện của Hoàng Lệ Thuỷ bạn đọc thấy rất rõ là dục vọng của kẻ không chung thuỷ trong tình yêu đã mang lại bao bi kịch, bao nhiêu nỗi đau khó có thể đếm đong.

Đó vợ chồng Dơ lấy nhau mãi mà không có con, chị đã không bàn bạc để chùng chồng tìm cách giải quyết mà một mình đi lấy rượu thuốc chữa bệnh hiếm muộn cho chồng. Khi đã có con rồi, chồng Dơ vì không chống lại với dục vọng mà bỏ nhà đi ăn ở với người phụ nữ khác khiến Dơ mang một nỗi uất hận khôn nguôi.

Đó là nhân vật “hắn” trong truyện “Khi mặt trời khuất núi”. Người vợ, bỏ đi theo người đàn ông khác do cuộc sống túng thiếu, nghèo nàn. Anh chồng không thể chấp nhận sự thật, anh đã bán con bò, tài sản duy nhất có giá của gia đình để mua cho vợ cái lắc tay bằng vàng như lời anh hứa lúc anh chị chưa kết hôn. Để nguôi ngoai nỗi đau anh đã dắt người con gái ra chợ làm nghề giết mổ gà thuê. Do không có cha mẹ ở bên, do cửa nhà không có cô con gái nhỏ của anh đã bị một tên đàn ông khốn nạn hãm hiếp. Nỗi đau chồng nỗi đau khiến anh đã phạm tội giết người, giết tên đàn ông đã hãm hiếp, làm tắt đi niềm vui sống cuối cùng của người đàn ông khốn khổ.

Đối mặt với nỗi đau của tình yêu do dục vọng mang lại, các sáng tác của Hoàng Lệ Thuỷ cũng muốn cùng bạn đọc đi tìm cách hoá giải những bi kịch. “Ngày mai, tôi không thể không làm gì. Tôi phải cho cha mẹ biết sự thật. Con của chồng tôi trong bụng chị đang ngày một lớn. Cháu ngoại của cha mẹ tôi sẽ đến ngày phải chào đời, nhưng không phải ở trong ngôi nhà cha mẹ đã sinh ra tôi và chị. Con của chồng tôi phải được sinh ra ở đây, ở chính ngôi nhà mà tôi và chồng tôi đang nằm ngủ” (Sương còn giăng trắng núi). Nhân vật người em đối diện với nỗi đau bị phụ tình bằng một thái độ sống bình tĩnh và bao dung. Cách ứng xử đó có thể cũng làm cô đau xót nhưng đó là cách tốt nhất mà cô có thể làm để kết thúc chuỗi ngày đau khổ mà chị cô, chồng cô, cha mẹ cô, và tương lai là cả cháu cô sẽ phải gánh chịu. Với thời gian, trái tim có thể tự chữa lành khi người trong cuộc dám chấp nhận và chọn cho mình những nhịp đập yêu thương.

Bên cạnh đó, ở không nhiều tác phẩm Hoàng Lệ Thuỷ cũng có những gợi ý để con người không phái trở thành những mảnh vỡ trong tình yêu. Trong truyện ngắn “Như cánh chim bay giữa đại ngàn”, tác giả miêu tả câu chuyện tình yêu của ba nhân vật Giàng A Lộng, Giàng Thị Day, Mùa Thị Súa. Do có định kiến về tình yêu nam nữ, mang nặng tư tưởng lạc hậu “cha mẹ đặt đau con ngồi đấy”, suy nghị hạn hẹp nên Súa đã dùng lá ngón tự kết liễu đời mình. C̣òn Giàng A Lộng và Giàng Thị Day do có tình yêu, dám đứng lên bảo vệ tình yêu nên họ đã được cùng chung sống, xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Xây dựng hình ảnh nhận vật những người trẻ như Lộng và Súa tác giả ví họ như những cánh chim giữa đại ngàn, họ đã và sẽ là người gieo mơ ước, nghị lực cho không ít những người dân sống ở vùng cao, giúp người dân vùng cao vượt lên những định kiến, phong tục tập quán còn lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no.

2. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật

Đi sâu vào mô tả những mảnh vỡ trong tình yêu, hôn nhân tác giả Hoàng Lệ Thủy có mảnh đất màu mỡ để mô tả thế giới nội tâm của con người. Bằng một nghệ thuật miêu tả nội tâm xuất sắc, nhiều trang viết của tác giả để lại nhiều vấn vương trong lòng bạn đọc.

 2.1 Nghệ thuật miêu tả nội tâm qua thủ pháp tả cảnh ngụ tình

Về điểm này Hoàng Lệ Thủy đã kế thừa nhà văn Nam Cao, Thạch Lam và có nhiều điểm gần gũi với nhà văn Y Ban. Ngày xưa Nguyễn Du có thơ rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thiên nhiên gần gũi và quen thuộc với các nhân vật nên việc miêu tả thiên nhiên trở thành phương tiện để miêu tả tâm lí nhân vật một cách chân thực.

Nhiều khi tả gió đấy nhưng mà để tả tiếng lòng người trong cuộc. Cũng  là gió nhưng gió khi được miêu tả trong không gian cô gái về làm vợ người chồng mà lòng chưa hiểu và yêu: “Sóng về làm vợ Pàn khi cơn gió đông cuối cùng ngúng nguẩy trở về trở về ngủ trong khe núi, để lại tiếng thở dài tê tái lòng người”(Gió đông rưng rức). Cũng là gió, tiếng gió được cảm nhận trong nỗi lòng của đứa em khi hủ tục ở vùng cao đã giết chết chị cô: “Trong lúc tôi lịm dần để chìm vào khoảng trống đen ngòm thì bỗng trong tai tôi tiếng ù ù như tiếng rên của thú dữ từ trên đỉnh Roob Zoob Ho ào tới. Tiếng rên ấy bị gìm lại trong cổ họng của con thú rin rít, ùng ục như tiếng của xiềng xích từ dưới địa ngục vọng về” (Gió của đại ngàn). Cũng là tiếng gió được cảm nhận trong cõi lòng của một người vợ bị phụ bạc:“Khi ấy, mưa vẫn lã chã rơi nhưng tuyệt nhiên không có gió. Đêm đen quánh lại đặc sệt như một tảng nhựa hoa Paj Zech. Dơ không ngủ cũng chẳng nằm được, ruột gan cứ chộn rộn như con suối ngày lũ về” (Rượu tứn khửn). Cũng là tiếng gió được cảm nhân trong tấm lòng của một người vợ bị phụ bạc nhưng chị đã chọn cách hi sinh để mang lại hạnh phúc thực sự cho người chị của mình: “Đêm hôm ấy trời không mưa nhưng gió ghê lắm. Gió rin rít trên nóc nhà nghe như tiếng tru của lũ chó sói từ trong rừng thẳm vọng về. Tôi vật vã cùng gió suốt đêm. Cũng như trời, tôi không khóc, tự thiêu mình bằng những nỗi đau”(Sương còn giăng trắng núi).

Khi xây dựng nhân vật của mình Hoàng Lệ Thuỷ dành cho nhân vật của mình những dòng miêu tả đầy dự cảm. Truyện “Đêm ấy giá ngừng thổi” là một ví dụ điển hình trong rất nhiều truyện ngắn tác giả sử dụng thành công nghệ thuật miêu tả mang nhiều dự cảm. Mở đầu câu chuyện về nguời chị gái, người em kể về bức ảnh cưới trong dự cảm: “Từ chỗ này tôi ngồi đối diện với bức ảnh của chị nên khi ngẩng đầu lên là bắt gặp ngay mắt chị đang dõi theo tôi. Trong đôi mắt chị có hai đốm lửa bên trong làm cho mắt chị long lanh như có nước. Chính trong lúc đó tôi đã kịp hiểu tại sao tôi lại có cảm giác bần thần khi ngắm nhìn cô dâu xinh đẹp là chị”. Người em dự cảm về khát khao cuộc sống giàu sang của nhân vật chị có thể làm cho cuộc sống của chị cô có cả nước mắt mang theo. Với  mẹ cô, những người đã từng có nhiều trải nghiệm thì khi nhìn bức ảnh con gái bà có dự cảm không lành: “Từ lúc chị đem bức ảnh về, cha mẹ sau khi nhìn ngắm một hồi thì bỗng dưng buồn hẳn”. Cả cha mẹ đều buồn vì bức ảnh cưới không còn vẻ truyền thống của những bức ảnh cưới của người vùng cao: “Tôi nghĩ đến những bức ảnh cưới của các cặp vợ chồng trong bản gần như chúng đều giống nhau theo một quy định có sẵn, cô dâu mặc váy đen áo cóm màu đỏ hoặc màu trắng, búi tóc cẩu cao cài một bông hoa trắng với nụ cười bẽn lẽn. Bên cạnh, chú rể đứng trang nghiêm trong chiếc áo thổ cẩm nhuộm den. Họ không ôm eo nhau như anh và chị nhưng trong mắt họ ngập đầy sự bình yên và hạnh phúc”. Những dự cảm không lành cũng thành sự thật, những hào quang về tiền bạc và cuộc sống an nhàn nơi phố thị không đem lại hạnh phúc cho con gái họ, cô gái đã trở về: “Nhưng đàn gà của mẹ chưa kịp lớn thì sáng ấy chị bỗng hiện ra dưới chân cầu thang khi tôi và cha mẹ đang chuẩn bị lên nương. Chị như vừa qua một trận ốm, đầu tóc xác xơ mặt gầy hốc hác, hai con mắt trũng sâu như lâu rồi không được ngủ. Cha mẹ hình như đã có sự chuẩn bị sẵn nên không ai hỏi chị điều gì”.

Có được cách miêu tả có chiều sâu tâm lí và mang nhiều dự cảm như vậy, Hoàng Lệ Thuỷ chắc chắn không chỉ dùng tài quan sát mà còn rất thấu hiểu lòng người, thấu hiểu đời sống vật chất, đời sống tinh thần của con người vùng cao. Người mẹ, người cha qua nhiều trải nghiệm mà hiểu hơn vì sao ta hạnh phúc; người chị có sắc đẹp, tuổi trẻ trong tay nên khát khao vật chất và sự đổi thay. Người ở bản làng thì dù cuộc sống có khó khăn, cũng có mong ước đỡ vất vả hơn nhưng cuộc sống có tình cảm cộng đồng yêu thương nhau đã bù đắp cho họ khá nhiều. Người phố thị có cuộc sống sung túc tiện nghi nhưng do tính chiếm hữu cao mà có thể rơi vào bi kịch. Những thông điệp, những dự cảm về hệ quả của sự xâm thực của văn hoá vật chất thị thành đối với văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng cao được tác giả truyền tải qua nghệ thuật miêu tả mang nhiều dự cảm thật nhẹ nhàng mà cũng thật sâu sắc.

2.2 Xây dựng ngôi kể ở cự li gần để mô tả nội tâm nhân vật

Người kế chuyện trong các sáng tác có rất nhiều khi là một người em (Đêm ấy gió ngừng thổi, Sương còn giăng trắng núi) hay người con gái mới lớn (Gió của đại ngàn). Ở vai này, nhân vật người kể  mang trái tha thiết yêu thương. Mang trong mình trái tim còn non nớt để kể về những nỗi đau mà người thân của mình đang từng ngày gánh chịu.

Trong truyện Gió của đại ngàn”, nhân vật cô con gái đóng vai người kể chuyện. Từ nhỏ cô cũng chịu thiệt thòi, bố mất khi còn nằm nôi. Hơn 10 tuổi cô buồn khi mẹ đi lấy chồng: “tôi buồn và nhớ mẹ nhiều lắm. Tôi thường chạy lên đỉnh dốc đứng nhìn về phía có mẹ. Nhiều lần không chịu được tôi cất tiếng gọi: mẹ ơi”. Nhưng “tôi” biết đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ nên em hiểu: “Mẹ như cái cây chênh vênh trên vách đá, cố bám chặt dễ mà vẫn nơm nớp sợ dễ bung ra. Thui thủi hết mùa rẫy này sang mùa rẫy khác, mẹ không nhớ là mẹ còn rất trẻ, như cái cây đang ủ nhựa sau lớp vỏ xù xì”. Sau những ngày dằn dỗi không cho mẹ đi lấy chồng, sau khi chứng kiến mẹ gian ríu với người đàn ông đã có vợ trên lều nương, người con đã đồng ý cho mẹ đi lấy chồng. Suy nghĩ hành động của em cho thấy em yêu thương mẹ biết chừng nào.

Cũng là một cô thiếu nữ đang tuổi mới lớn trong truyện “Đêm ấy gió ngừng thổi”, nhân vật tôi đi kể câu chuyện của chị mình. Từ khi còn là một cô bé, em đã có cảm giác tự hào về người chị: “Tôi nâng chiếc váy phía sau người lâng lâng như đang bay theo bồng bềnh chiếc váy”. Đến khi lớn hơn nhân vật tôi thấy người chị trở về nhà do không thể sinh nở, bị chồng nghen tuông đánh đập thì nhân vật em thương chị: “Tôi nhìn anh rể hằn học, nghĩ đến vết răng trên bầu ngực của chị mà thương chị đến nát lòng”.  Kết thúc truyện ngắn này vẫn là nỗi đau khôn nguôicủa người em khi chứng kiến chị mình bị dòng nước cuốn đi: “Tôi gục đầu vào chiếc hòm có chị đang trốn tôi ở phía bên trong để nói với chị, nói với đứa bé nhỏ của chị là cháu của tôi những lời yêu thương mà tôi chưa kịp nói”.

Nhân vật người em trong truyện “Sương còn giăng trắng núi” là người kể lại câu chuyện bi kịch của chị gái và của bản thân. Bi kịch tình yêu của cô bắt đầu trong một ngày hội chàng trai đã đem lòng yêu cô chị nhưng do cha mẹ ép duyên nên chàng trai không lấy được cô chị, cô chị đi lấy chồng mà không có tình yêu, bị đánh đập rồi bỏ về nhà. Khi kể câu chuyện này trong vai người chứng kiến, cô em bày tỏ sự đồng cảm, xót thương. “Thương chị đơn côi, tôi càng ghét anh rể”. Sau khi trưởng thành, cô em chứng kiến người chồng mình yêu thương lại là người yêu của chị gái mình, ăn nằm rồi có con với người chị, cô gái đã đau lòng biết bao nhiêu: “Tôi vẫn còn yêu anh vẫn còn ham muốn anh, ham muốn dữ dội. Cơ thể tôi vẫn nóng bừng lên mỗi khi anh vô tình chạm vào người tôi”. Chọn cách ra đi để chị gái được trọn vẹn hạnh phúc, lòng nhân vật tôi vẫn không khỏi bão giông: “Tôi đang mang giông tố về nhà cha mẹ. Mỗi bước chân tôi đi, giông tố cũng cuồn cuộn đi theo”.

Những trang văn như những dòng nước mắt của người trong cuộc, của những người được gắn bó trong sợi dây liên kết của tình thân như chảy tràn trong lòng bạn đọc. Đó là thành công trong các sáng tác của Hoàng Lệ Thuỷ khi tác giả lựa chọn nghệ thuật trần thuật lấy điểm nhìn từ bên trong.

Nhà phê bình trẻ Đặng Thị Thu – tác giả bài viết

2.3 Sử dụng yếu tố tính dục như một phương tiện để miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật

Trong thế giới của muôn loài, nhu cầu tình dục luôn tồn tại. “Tính dục mang giá trị mĩ học và nhân văn là tính dục nhằm tôn vinh con người, khai phóng năng lực tiềm ẩn của con người, giúp họ nhận thức đầy đủ giá trị của mình, tận hiến, tận hưởng cuộc sống trong sự bọc của những cảm xúc thiêng liêng. Con người sẽ tự nhục mạ mình khi thả lỏng theo sự sai khiến của xung động bản năng” (Hoàng Đăng Khoa – Phiêu lưu chữ trang 26). Đánh giá của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa rất đúng khi ta nghĩ về các nhân vật trong các sáng tác của Hoàng Lệ Thủy.

Ở trường hợp thứ nhất, tính dục giúp những khai phóng năng lực tiềm ẩn của con người giúp họ nhận thức đầy đủ giá trị của mình. Nhân vật người phụ nữ có hoàn cảnh éo le chồng mất, ở vậy nuôi con, nghe người ta nói mà nghe như tiếng lòng của chị. “Day à, mười mấy năm nay mày ép mình lại như ép chum dưa muối, như người ta nén vại dưa cà. Bây giờ con của mày lớn hết rồi, mày còn trẻ, phải vớt vát tí chút tuổi xuân còn lại cho mình”. Sau khi chị gạt bỏ định kiến, được sự ủng hộ của các con, mặc dù vất vả nhưng “trong đáy mắt mẹ có đốm lửa”.

Nhân vật người vợ mất chồng trong truyện Gió đông rưng rức tính dục của được miêu tả như một phương cách bày tỏ sự tình yêu sau chuỗi ngày về làm vợ “lẳng lặng như con suối Muội lững lờ chảy ngày cạn nước, nhưng đêm nay nó ầm ào dữ dội như lúc lũ tràn về. Pàn thỏa sức ngỡ ngàng tan chảy trong vòng tay Sóng”. Tính dục khiến vợ chồng Pàn gần nhau hơn nhưng để có được tình yêu, để là chỗ dựa vững chãi cho nhau vợ chồng Pàn còn phải trải qua hai thử thách nữa. Thử thách về lòng rộng lượng của Pàn khi linh hồn người chồng cũ của sóng hiện diện về làm tình với vợ. Ban đầu Pàn còn giận dỗi khi nghĩ vợ không có tình yêu với mình, chỉ dành tình yêu và sự thăng hoa trong tình dục cho những giấc mơ hoan lạc với người chồng đã mất nhưng khi có linh vật con rắn hổ mang vào nhà  lần thứ hai, cổ rắn có vết lằn sâu như người chồng xấu số của Sóng trước khi chết thì Pàn đã tin tưởng người vợ và cùng vợ làm cho con rắn mang linh hồn người chồng cũ một cái miếu trong khu vườn sát nhà. Tính dục trong truyện như một chất liệu để thử thách nhân vật, nhân vật chỉ có thể sống yên vui khi có niềm tin vào sự không phản bội của người ở bên.

Ở chiều ngược lại, trong rất nhiều truyện tính dục khiến cho các nhân vật tự tạo ra bi kịch hoặc bị kéo xuống thấp hơn trong những bi kịch của đời mình. Nhân vật Lín và những người phụ nữ trong đội múa xòe “mắt đong đưa, miệng cười duyên như hoa pắc mạ, mắt long lanh như người lên cơn sốt” , thường “thở dài quay lưng về phía chồng” đến một lúc nào đó sà vào vòng tay những người thị thành lắm tiền nhiều của: “Lín gục đầu vào ngực người đàn ông. Người đàn ông đỡ Lín trong tay, vuốt tóc cho Lín rồi rìu Lín bước đi” (Mùa này hoa bìm bìm đang nở). Nhân vật Đượi trong truyện “Mùa rắn động” đã bị đột tử sau khi trong anh ta bắt rắn đem bán và uống rượu rắn để gia tăng khả năng làm tình. Nhân vật chồng Dơ trong truyện “Rượu tứn khửn” sau khi được vợ cho uống loại rượu kích dục mà bỏ vợ, bỏ con, cuối cùng chết trong bệnh tật. Nhân vật Day và Phứ trong truyện “Mật ong đắng” không vượt qua được cám dỗ của dục tình, qua lại vụng trộm khiến vợ Phứ đau khổ và Day thì phải chọn cái chết do ân hận, xấu hổ.

 Nhà phê bình Đặng Thai Mai đã từng phát biểu: Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hổn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, sức sống của những tác phẩm vĩ đại”. Với dụng tâm đi sâu mô tả thế giới nội tâm nhân vật, các sáng tác của Hoàng Lệ Thuỷ đã xây dựng nên những nhân vật mà bên trong họ mang rất nhiều khát khao tính dục, mang rất nhiều tha hóa và cũng mang rất nhiều phẩm chất tốt đẹp. Thông qua đó, nhà văn Hoàng Lệ Thủy gửi gắm đến bạn đọc một thông điệp: hãy yêu thương, cảm thông cho những con người bất hạnh; hãy chắt chịu và dung dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho con người, đó là cách tốt đẹp nhất mà văn học có thể làm được khi đi xây dựng những giá trị con người vùng cao Tây Bắc nói riêng và giá trị con người Việt Nam nói chung hôm nay và mai sau.

Sông Mã, ngày 18.01.2024

ĐẶNG THỊ THU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *