Văn học miền Nam Trung Bộ – Nhớ lại một thời chín năm…, ấn tượng ban đầu

Vanvn- Chiến tranh Việt Pháp bắt đầu năm 1946, lúc tôi 9 tuổi, học lớp Nhì (lớp 4 ngày nay), kết thúc năm 1954, lúc tôi 17 tuổi, sau khi hết cấp II nghỉ học đã 2 năm. Lúc ấy tỉnh Phú Yên chưa có các lớp cấp III, cha mẹ tôi đang lâm cảnh nghèo, không có tiền cho con ra Bình Định học tiếp.

Sinh trưởng trong một gia đình tiểu tư sản nông thôn, ông nội tôi là một nhà nho, tham gia phong trào Cần vương Lê Thành Phương, cha tôi là thầy dạy học cả chữ nho và quốc ngữ, trước Cách mạng tháng 8.1945 tham gia Hội Khuyến học Quốc ngữ, năm 1946 tham gia Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh Phú Yên. Ông cha bao đời yêu thích sách vở, nên tôi được tiếp cận với văn học khá sớm, lúc học lớp Tư (lớp 2 ngày nay), qua phần sau của Giáo dục tạp chí. Đây là nguyệt san của Nha Học chánh Đông Dương phổ biến trong các trường bậc tiểu học, gồm có 3 phần. Phần thứ nhất là các bài mang tính giáo dục, sư phạm. Phần thứ hai, phần chính, là hướng dẫn cách soạn bài và một số bài soạn mẫu dùng trong một tháng, đủ các môn cho các lớp. Phần thứ ba “Tạp loại” đăng thơ, ca dao, cổ tích, không có văn xuôi thể loại truyện, tản văn, tùy bút. Quyển tiểu thuyết tôi đọc đầu tiên là sách dịch: Lâu đài họ Hạ – chưa biết tên tác giả, cũng như người dịch.

Nhà văn Trần Huiền Ân ở Phú Yên

Trong Giáo dục tạp chí không có thơ tình cảm yêu đương, mà là một số bài thơ lịch sử, các đề tài như Hội đền Hùng, Hưng quốc khánh niệm (lễ quốc khánh), và một số bài ngụ ngôn, như: Chó sói với giàn nho, Con ve và con kiến v.v… (sau này tôi mới biết Nguyễn Văn Vĩnh dịch La Fontaine). Tôi thích phần truyện cổ, nhất là Thành Tây Giai với Bình Khương nương, Chuyện cổ tích Hời: cái bẹ cau. Mãi đến năm 2000,nhân một chuyến du khảo miền Bắc, tôi mới được đến Thành Nhà Hồ, viếng miếu thờ Bình Khương nương.

Đến giờ này, tôi chưa có dịp đọc lại Lâu đài họ Hạ, không biết nội dung câu chuyện thế nào, chỉ nhớ ba chi tiết. Một là, cảnh hai người đàn ông đi ngựa đến lâu đài vào một đêm bão tuyết, người chú quất mạnh roi ngựa vào cánh cửa gỗ, gọi quản gia: Phan Xa, Phan Xa… Mày để tao chết rét ngoài này sao? Thứ hai, người cháu, còn trẻ, âm thầm si mê sắc đẹp bà Sơ Dạ Hương, vợ Tử tước Hạ Gia Địch, lớn tuổi hơn. Bà là một phu nhân diễm lệ, đài các, sang trọng, lúc nào anh ta cũng nghĩ đến phu nhân mà không dám nói ra. Bà cũng có cảm tình với cậu, thấy cậu dễ thương. Thứ ba, hình như Tử tước Hạ Gia Địch có biết, ông cho là tính nết trẻ con, ông ham thích săn bắn và yêu mến phường săn của ông. Một hôm, trời lại trở gió bấc mạnh, bỗng nhiên nghe ông nói: Ở đây, chỉ có một thứ gió ấy, cay nghiệt quá, và tiếng kèn đồng thô lỗ của bọn phường săn.

Tiếng kèn đồng thô lỗ của bọn phường săn, nghe thật kiêu hãnh, tự hào, cùng với tiếng roi da quất vào cửa gỗ vang lên trong đêm khuya đã ghi khắc sâu đậm khiến tôi nhớ mãi. Sau đó, được tham dự vào những lần săn nai trên giồng đồi cao nguyên, của gia đình ông Phó Bộ Huân, tuy chỉ được giao việc như nhiều người là cầm một khúc cây hò reo đập đuổi để lùa con thú rừng vào trổ lưới, giữa ban trưa chói nắng mắt như hoa lên, tôi tưởng tượng đang ở trong phường săn của Hạ Tử tước, ngồi trên lưng ngựa, cho nó tung bờm phi nước đại theo “tiếng kèn đồng thô lỗ”…

Xin quay lại nội dung chính của đầu đề, trình bày tác phẩm đã đọc theo từng bộ môn trong thời gian này.

Cổ văn

Có lẽ tôi vướng duyên nợ với cổ văn, nên lúc còn ngơ ngáo chưa biết gì đã đọc một bài văn tế và một bài hịch.

Bài văn truy điệu các hàng nghĩa sĩ… vào giữa năm 1945, sau này mới biết do Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn soạn, khá dài, thích thú những câu kể về tiền nhân:…

Rong ngựa sắt Đổng Thiên vương phá giặc, khói anh linh mây phủ núi Trâu Sơn.

Phất khăn hồng Trưng Nữ tướng hưng binh, gương tiết liệt trăng in hồ Lãng Bạc.

Dòng máu đỏ, sông Bạch Đằng còn gợn, nào những trận phá Hán Ngô vương Quyền, cầm Hồ Trần Hưng Đạo, oai danh kia muôn thuở vang lừng.

Đống xương tàn, thành Long Đỗ còn đây, nào những trận bình Ngô Lê Thái tổ, tảo

Mãn Nguyễn Quang Trung, công đức ấy nghìn thu ghi tạc.

… Rưới mưa móc thấm miền Thuận Quảng, áo dày cơm nặng, khúc hoài nam còn

ngấm đức tài bồi.

Phát chông gai mở cõi Nam Kỳ, tấc đất ngọn rau, bia kỉ niệm vẫn ghi công khai thác.

… Chén thuốc độc liều mình Phan Thanh Giản, đất Nam Kỳ sáu tỉnh tiêu hao.

Bát trà suông kết kiễu Nguyễn Tri Phương, thành Hà Nội bốn bề tan tác.

Tổng đốc Diệu trải bao phen chống cự, hết lòng vì nước, quyết tồn vong thề với cô

thành.

Phò mã Lâm sau mấy trận xông pha, giữ tiết cùng cha, thề sinh tử phó cho đại bác…

– Hịch đánh giặc Pháp, được phát ra từ đầu năm 1946. Bài hịch cũng dài, hồi ấy ngu ngu không biết chép lại, mà nếu chép thì sau 5 lần gia đình thay đổi chỗ ở theo thời cuộc (Vân Hòa – Củng Sơn – Lương Sơn – Đá Bàn về lại Vân Hòa) cũng thất lạc, giờ này vẫn không biết tác giả, chỉ còn nhớ một số câu, đoạn đầu và lúc Nam Bộ kháng chiến.

… Làm dân nước hiến thân giúp nước, nước có còn dân mới được vinh.

Giận quân thù lấy máu rửa thù, thì phải diệt máu dù có chảy.

Nước Việt Nam chúng ta: Lập quốc bốn ngàn năm. Tính dân hai lăm triệu.

Con giòng cháu giống, nòi Lạc Long nào phải bọn tầm thường.

Biển bạc rừng vàng, cõi Đông Á đã vào hàng phú hữu.

Nào thuở trước đánh nam dẹp bắc, gái Trưng Vương, trai Hưng Đạo, khí hào hùng sử

sách vẫn ghi tên.

Mấy mươi năm nước mất nhà tan, trước Pháp tặc, sau Phù Tang, nỗi thống khổ giấy

từ không kể xiết …

… Lơ-cờ-léc đứng ra sắp trận, trận có thành ấy cũng mượn tay ai.(1)

Đác-răng-lơ lên giọng Toàn quyền, quyền đâu nữa mà mang mặt tới(2)

… Một trường oanh liệt, bạn Nam Kỳ hết sức tiến công,

Mấy triệu đồng bào miền Trung Bắc kíp nên hưởng ứng…

Tình hình Nam Trung Bộ

Trước khi đi vào nội dung văn học đương thời tại Nam Trung Bộ xin nói qua về tình hình vùng này. Lúc bấy giờ khá phức tạp. Phía bắc, Pháp chiếm từ Đà Nẵng ra Huế. Phía nam Pháp chiếm từ Khánh Hòa trở vô. Tây Nguyên cũng bị pháp chiếm. Tuy vậy tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên vẫn có những mật khu hoạt động. Gọi là “vùng tự do” chỉ có 4 tỉnh Nam Ngãi Bình Phú, trung tâm đặt tại Bồng Sơn tỉnh Bình Định. Nam Ngãi Bình Phú chịu sự bao vây bốn mặt, bởi phía biển luôn luôn bị tàu chiến Pháp đe dọa bằng các cuộc đổ bộ càn quét. Phải hoàn toàn tự túc về kinh tế, tất cả lương thực, thực phẩm, vải bô, thuốc men, còn phải tiếp tế gạo cho chiến trường Bắc Khánh và Tây Nguyên.

Giấy bạc Việt Nam Dân chủ cộng hòa không lưu thông được nên phải tiêu dùng một loại “tín phiếu” in khắc gỗ tại địa phương, kỹ thuật thô sơ, giấy nam trung không bền. Đường sá bị phá hoại, việc vận chuyển chỉ có xe “goòng”, dùng sức người đẩy trên từng đoạn đường sắt và xe ngựa cũng chạy trên từng đoạn đường bộ ngắn. Ngựa được nuôi nhiều để chuyên chở mọi thứ. Người đi bộ chân đất hàng ngày là chuyện thường, còn phải gánh gùi nữa. Nói chung rất khổ sở. Do đó, toàn dân phải thi đua sản xuất để đáp ứng mọi nhu cầu đời sống và thời cuộc. Văn học nghệ thuật tất nhiên tập trung sáng tác cổ võ kháng chiến và sản xuất, không còn bóng dáng “lãng mạn tiểu tư sản” như thời Tự lực văn đoàn.

Sách Giáo khoa

Ở bậc sơ học, chúng tôi học Quốc văn giáo khoa thư do Nha Học chánh Đông Dương giao cho các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn. Năm 1945, đáng lý tôi thi bằng Sơ học Yếu lược, nhưng Chính phủ Trần Trọng Kim bãi bỏ văn bằng này. Sau khởi nghĩa việc học bị gián đoạn một năm, giữa năm 1946 mới học lớp Nhì.

Thầy Nguyễn Luân (dạy tiểu học) cho tôi 2 quyển sách của Phan Kế Bính: Việt Hán văn khảo và Quốc văn sơ học độc bản. Cuốn thứ nhất dần dần cho tôi được biết về cổ văn, các thể thơ phú của Tàu và Ta. Lúc đó thích cuốn thứ hai hơn.

Trang đầu có thư của Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh vâng lệnh Hoàng đế Bảo Đại ban cảm ơn và ban khen thành tâm của soạn giả. Tiếp theo là thư khen và cảm ơn của các quan chức cao cấp, các nhà giáo. Các tác giả có bài trích giảng trong sách đều có thêm tên hiệu ở trước tên chính. Đẹp vô cùng. Bưu Văn Phan Kế Bính, Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng, Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến v.v… Những bài văn theo lối biền ngẫu… thật tuyệt vời.

Làng tôi trên cao nguyên, lúc ở Lương Sơn, học trường tại Xòm Bàu, trên đường đến trường qua nhiều gò cỏ, có chỗ trũng mùa mưa nước đọng trong ngần. Đi học ngày mưa, chúng tôi mang áo tơi lá kè, chạy băng qua từng vũng nước, tôi như người lĩnh xướng, đọc bài: Mưa dầm vui cho ai, buồn cho ai, đã thuộc lòng để các bạn đọc theo…

… Nào những ai… quan sơn nghìn dặm, ra lầy vó ngựa, vào ướt bánh xe, gội tuyết tắm mưa, chân trời góc bể… Rồi động lòng … tha hương cố quận, đường đi lối lại ngổn ngang, nghĩ ra ngõ lợi đường danh, gối mỏi chân chồn chán ngán…

Vui biết bao nhiêu…

Van học bình dân

Các tác phẩm loại ca dao, hò, vè, diễn ca, đăng tải trên các tạp chí, báo địa phương và in thành sách khổ nhỏ, phổ biến rộng rãi, do các cơ quan tuyên truyền phát hành miễn phí. Tôi có được mấy quyển, như Ca dao phong dao kháng chiến, Miền Nam kháng chiến diễn ca… Nhiều câu ca dao miêu tả người chiến sĩ với phong thái anh hùng thuở xưa, “thanh gươm yên ngựa”, tình yêu của các thôn nữ cũng như vậy.

-… Khu Năm Khu Sáu anh hùng

Ai về nhắn với Quang Trung(3), Nguyễn Kèn(4)

Chỉnh quân rèn cán cho bền

Thi đua giết giặc núi Hiềm(5), Thái Phiên(6)

Ai người thắng trận đầu tiên

Em về bán muối Lệ Uyên(7) em mừng

Quảng Nam xin bán quế rừng

Em lo giáp trắng ngựa hồng cho anh.

– Chàng mà về tới Buôn Hồ(8)

Giết Tây trăm đứa đốt khô rẫy chè

Rượu ngon em nguyện trăm ghè

Chiêng trồng trăm chiếc, cườm huê trăm giàn.

Rượu ngon, chiêng mới, cườm ngàn

Để em đi cưới cho chàng trăm cô

Khi mà chàng tới Buôn Hồ

Giết Tây trăm đứa đốt khô rẫy chè.

Lời người lầm đường lạc lối trở về cũng nhẹ nhàng, khỏe re, không bị học tập cải tạo ngày nào:

Trèo lên núi Chúa(9) nửa ngày

-Sao núi độ rày buồn rứa núi ơi?

Núi rằng: -Núi tủi mấy người

Bỏ cha bỏ mẹ nghe lời thằng Tây

-Nhắn giùm cho núi được khuây

Cho rừng khỏi hận, cho cây đỡ hờn.

Rằng người bữa trước Việt gian

Hôm nay người nhớ Việt Nam người về.

Trong đó có những bài đồng dao:

-Chiều chiều quạ nói với diều

Ở trong xóm Chiếc có nhiều gà con.

Con gà kháng chiến mập tròn

Con bươi ngoài vườn, con nhảy trước sân.

-Le le, vịt nước, bồng bồng

Con ăn ngoài đồng, con tắm trong ao.

Tây ơi, mày ở chỗ nào

Tao vác bồ cào tao bổ cho coi.

Ca dao học sinh sáng tác dán trên bích báo nói về tòng quân:

Chiều chiều én liệng qua cầu

Nguyễn Huệ (10) dẫn đầu trong việc tòng quân

Nguyễn Nghiêm (10), Lê Khiết (10) cũng gần

Nhẹ cân sút thước chịu phần kém thua!

Miền Nam kháng chiến diễn ca theo thể thơ lục bát, Miền Nam được hiểu là Nam Trung Bộ, nội dung thuật lại từ khi Pháp trở lại chiếm Sài Gòn, ra Hà Nội, rồi chiến tranh lan rộng:

… Thực dân cố giữ mộng tham

Chưa trôi Nam Bộ đã toan Bắc Hà.

Hai lần Pháp ký với ta

Nhận ta là nước cộng hòa tự do(11)

Nước nhà mưu sự ấm no

Thức tâm ký kết để lo hòa bình

Ngờ đâu… Pháp bất thình lình

Dở trò bội bạc, coi khinh giấy tờ…

… Hà Thành súng bỗng nổ vang

Mười chín tháng chạp máu tràn thủ đô

Ấy là giặc Pháp mưu mô

Những mong cướp sạch cơ đồ nước ta …

Lời kết:

Dẫu rằng Pháp đánh tứ tung

Hết dùng đại bác lại dùng phi cơ.

Mà ta vẫn vững đến giờ

Miền Nam vẫn rạng sắc cờ Việt Nam.

Thơ

Mấy tập thơ tôi được đọc.

Tập thơ của người lính (Lưu Trùng Dương), có những bài phổ biến rộng rãi, như bài Làng tôi, tác giả tả một ngôi làng thôn quê, cuộc sống lặng lẽ, một hôm bộ đội vềđóng tạo thành không khí vui vẻ, sinh động, khi bộ đội chuyển đi như đem theo cả nỗivui của làng.

Nhà buồn hóa rộng thênh thang

Hàng tre nghiêng xuống, dặm đàng vắng tanh!

Về sau một số nhà nghiên cứu Quảng Nam lầm những câu sau đây là ca dao:

Sông tôi chẳng có bóng thuyền

Mong gì hóng gió những miền biển khơi

Tủi lòng sông lắm thuyền ơi

Chê chi thôn nhỏ ham nơi phố phường…

Cùng cảm xúc trước cảnh ấy, Phạm Hổ viết trong tập Lúa non, buổi sáng sau khi bộ đội chuyển đi, hai bà cụ gặp nhau:

Định nói: Họ đi rồi trông sao vắng gớm

Đã nghe: Họ đi rồi trong xóm vắng ghê!

Có cô thôn nữ

Quay sợi đầu hè

Nghe lời hai cụ

Lòng buồn se se…

Phạm Hổ có bài Tôi nghe vui dậy mùa xuân, viết về Phạm Thế Mỹ:

Hắn là đưa em trai nhỏ

Con út trong nhà

Bao tình thương anh chị mẹ cha

Dồn ấp lại trút lên đầu lên cổ…

Đứa em xin đi Thiếu sinh quân, bà mẹ không muốn, rồi chiều con, phải bằng lòng, vì con hứa thỉnh thoảng ghé về, nhưng đến tết không thấy con về, bà mẹ buồn quá: Chuối bánh làm chi để đó! Mồng một tết, hắn về:

Hắn hát từ ngoài ngõ

Ba lô nho nhỏ

Gọn gàng hắn cõng trên lưng

Chiếc đàn xinh xinh

Quý yêu hắm ôm trong nách.

Hắn đi tung tăng

Bước cao bước thấp

Thấy cả nhà ra ngõ

Hắn nheo đôi mắt hắn cười.

Quanh mình nắng gió cũng cười theo

Có con chim nhỏ tí teo

Hót giữa cành xoài lá lụa…

Pham Hổ đi tập kết, nhưng khoảng 1957 thấy bài thơ Cày của ông trên tuần báo Văn nghệ Tiền phong Sài Gòn, ghi tác giả P.H, không rõ ai đưa đăng.

Khương Hữu Dụng có tập Quảng Nam – Đà Nẵng hùng ca, in litho. Về sau thấy in lại tên sách là Từ đêm mười chín. Trong tập, có bài Trận đánh đồn Cẩm Phô, trước đã in báo. Một bài nói về rừng núi Quảng Nam có câu:

Có suối chân hùm còn để dấu

Có rừng cây vút tuyệt đường chim.

Tế Hanh, khi Staline chết cũng có bài than khóc:

Tim vĩ đại đã ngừng trong vạn đại…

Tôi cũng có được tập THƠ của Tố Hữu, NXB Thuận Hóa,. Những bài tình cảm nhẹ nhàng như Tiếng hát đi đày, Người về, Con chim non…, mạnh bạo: Ly rượu thọ. Sau hiệp định Genève chúng tôi chuyền nhau bản chép tay bài Ta đi tới, trong đó địa danh Bến Hải viết là Bến Hạt. “…Sông Hương, Bến Hạt, Cửa Tùng…”

Nhật Tĩnh (Nguyễn Trọng Thuật) và Tịnh Hà (Ngô Xuân Sanh – em Xuân Diệu) có tác phẩm in chung, không nhớ tên tập thơ. Tịnh Hà còn có tập thơ Máu, bìa in chữ Máu và mấy dòng máu chảy màu đỏ đậm. Năm 1975 tôi có gặp Tịnh Hà làm việc tại tòa soạn tuần báo Văn nghệ Giải phóng Sài Gòn.

Nhật Tĩnh (bút danh thường “bị hiểu” một cách vui vui là “Ngủ Ngày”) cũng làmnhiều ca dao. Theo lời chị Huỳnh Thị Như Hải, lúc ấy là cán bộ phụ nữ tỉnh thì nhânmột câu chuyện tình cảm, Nhật Tĩnh ứng khẩu:

Thương chi cho uổng công tình

Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ.

Bị các chị phản đối, ông sửa lại:

Thương nhau cho thỏa tâm tình

Nẫu về xứ nẫu dẫn mình đi theo.

Câu trên, đến nay nhiều người còn nhớ.

Hồ Thấu, Xuân Phụng và Đoàn Anh (Phạm Văn Tu) chỉ có thơ đăng báo. Thơ Hồ Thấu nghiêng về chính trị, như bài Đời cán bộ. Xuân Phụng tả cảnh những làng xóm yên vui:

Dừa xanh, sông chảy, cát bồi

Đây thôn Mỹ Phụng (12) thuyền trôi lung dòng

Phan Thanh (13) cảnh mới trong lòng

Quê người mới gặp đã thành duyên tôi…

Sau 1954, Xuân Phụng ở lại Miền Nam, dùng bút danh Phượng Tứ (Phượng=Phụng, Tứ=Bốn, Phượng Tứ = Tư Phụng) trong loạt bài viết về nạn đói ở Phú Yên năm 1952, nhiều người cùng nhau lên núi đào khoai khai làm lương thực: Chiến dịch khoai khai. Đoàn Anh với bài Đường đi Buôn Lắc viết về dân công gánh gạo lên Tây Nguyên:

…Chiều nay mưa đổ mặc mưa

Ngù tranh phủ kín, gạo khô giữ gìn.

Mồ hôi nước mắt của mình

Gạo anh là gạo trăm tình mến thương…

Có những bài đến nay tôi còn nhớ toàn văn, lúc ấy không biết tác giả. Như bài Chị Vĩnh Điện ca ngợi sự hi sinh anh dũng của một cô gái Vĩnh Điện, năm 1966 gặp nhà thơ Tường Linh (Nguyễn Linh) tôi mới biết anh là tác giả. Một bài nói về việc ngư dân bám biển ra khơi mặc dù bị quân Pháp ngăn đón, khủng bố, gợi hình ảnh đẹp:

… Anh buông cánh tay

Lưới rơi trên sóng

Anh quay bánh lái

Con thuyền chạy vòng

Biển xanh đón lưới vào lòng

Giọng hò nhịp ánh nắng hồng rung rinh…

… Người say mà sóng cũng say

Người say với gió, sóng say với thuyền …

Năm 1976 gặp nhà nghiên cứu Mịch Quang (Nguyễn Thế Khoán) mới biết ông là tác giả.

Không có văn xuôi các tỉnh phía nam. Chỉ vài bài thơ, vè.

Một người Khánh Hòa từ chiến khu nhìn xuống làng quê thấy

Sừng sững ngọn Ba Cụm

Mờ mờ vịnh Cam Ranh…

Một bài vè kể chuyện dân chúng Thuận Thành (Ninh Thuận):

… Mắt chị sưng vù

Tôi hỏi: Vì sao thế?

Chị bèn kể lể sự tình…

Nguyên tôi người ở Thuận Thành trước kia.

Quân cướp nước bắt lìa nhà cửa

Chúng dồn làng lần nữa là ba.

Ban ngày chúng thả cho ra

Đêm vô đồn ngủ như là bò trâu…

Trước ngày tập kết ra Bắc, tại Phú Yên phổ biến bài vè dài thể song thất lục bát của Nguyên Hồ, nội dung nói quân đội của Ngô Đình Diệm hiếu chiến, hung ác, giết người khắp nơi, đồng bào hãy tin tưởng ngày tổng tuyển cử sẽ tới.

Văn xuôi

Tôi chỉ đọc được một số tác phẩm. Đã in thành sách, như một truyện của Ngọc Cư theo chủ đề chống mê tín. Một tập truyện của Nhật Tĩnh và Tịnh Hà. Một số truyện của Nguyễn Thành Long, Lưu Nghi (hình như đang công tác tại Quảng Nam). Giấc ngủ mười năm của Trần Lực (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Vài bài ký đăng báo đăng báo như: Bếp lửa giữa rừng lạnh Tây Nguyên, Khu rừng kháng chiến, không nhớ tác giả. Và dày dặn hơn là tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng. Theo lời nhà thơ Lam Giang (Nguyễn Quang Trứ) thì bản thảo trải qua một cuộc góp ý của Hội Văn nghệ Liên khu V: “Khi dắt vào, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, đến khi dắt ra, là Con trâu của Văn nghệ liên khu V”. Sau hiệp định Genève tôi có đọc tập ký Ánh điện giải phóng của ông.

Trong tập của Nhật Tĩnh có truyện Men Sơn. Men Sơn là tên nhân vật, người dân tộc thiểu số. Lúc ấy các thanh niên thiểu số thường lấy tên có chữ Sơn, bắt chước Trung đoàn trưởng trung đòan79, đóng tại Sơn Hòa, người Tày, là ông Thu Sơn. Men Sơn có người vợ nước da đen như bồ quân và thằng con trai hai tuổi tròn như hột mít, anh giác ngộ, đi bộ đội, một hôm về thăm quê, gần tới đầu buôn, anh gọi to người bạn thân: Bơ Lúp Mứ Mừ… Bơ Lúp Mứ Mừ… Hoàn toàn im lặng, chẳng có tiếng đáp trả. Anh đến nơi thì buôn đã bị Tây càn đốt cháy trụi, chỉ còn tro than, không một bóng người, anh lại ra đi, lòng chất ngất hận thù… Chân người chạm suối, suối động rên dài, đầu người chạm cây, cây hoảng sợ rùng mình ớn lạnh… Một truyện khác, Nhật Tĩnh nói về “anh hùng vô danh” bị Tây giết: Người dân quân bị giặc chặt tiện đầu quăng sông. Thân người trôi về đâu ai biết? Người tên chi và ở xã nào?

Ngọc Cư trong bút ký Đêm Vũng Rô kể lại lần lên Đèo Cả thăm Tiểu đoàn Độc lập đóng quân ở đó, vào dịp thi hành tạm ước 14.9 nên rất yên tĩnh. Hôm nay Vũng Rô đang khoác chiếc nhung y xanh biếc trong giá rét của đông thiên. Nghe một người lính nói rằng ở đây có một giống chim tiếng kêu trong đêm khuya nghe như tiếng trẻ con khóc, ông nghĩ: Tiếng chim hay là tiếng người? Dầu sao cũng là tiếng khóc. Những tiếng khóc não nùng của lũ con thơ dại trong lòng người cha chiến sĩ đang trấn thủ chốn biên khu… Năm ấy mười tuổi, tôi thấy mấy câu này của Ngọc Cư, mấy câu Nhật Tĩnh tả Men Sơn lại ra đi… hay quá, hay quá, kể cho các bạn trang lứa thì chẳng ai hiểu gì để hưởng ứng!

Trước năm 1945, Ngọc Cư đã đăng truyện trên Tiểu thuyết Thứ Bảy Hà Nội. Sau 1954, ông dùng bút danh Diễm Bình. Tôi cũng thích những chi tiết tế nhị, nhỏ nhỏ, vui vui. Như trong Con trâu (Nguyễn Văn Bổng) có tiếng con cu cườm gáy săn giòn giữa buổi trưa vàng. Tôi sống ở nhà quê, vẫn thường gặp mãi mà không quên cảnh ấy. Trong một truyện không nhớ tên truyện và tác giả, sau trận đánh, tiếng súng ngưng chưa lâu, người lính chợt thấy trên cành cây khô trụi, có con chim cất tiếng hót thật hiền lành, thản nhiên. (Sau này mới tự hỏi: Con chim hót trong cảnh này? Có thật vậy chăng? Hay chỉ là hư cấu thăng hoa?)

Một trận đánh ở Quảng Nam, bộ đội giết nhiều sĩ quan (?) Pháp. Mấy cụ già cười nói với nhau:

-Răng năm ni quan Tây đi làm tri phủ nhiều rứa? (Đi làm tri phủ có nghĩa là đi xuống âm phủ).

Đặc san – Tạp chí – Tuyển tập

– Đặc san “Đại hội luyện quân khu V”.

Năm 1947, khu V có các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. (Sau đó nhập khu V, khu VI và phân khu Tây Nguyên thành Liên khu V = Miền Nam Trung Bộ). Đại hội luyện quân tại Quảng Ngãi có 4 trung đoàn cử đơn vị tham dự. Một tập đặc san nội dung phong phú được xuất bản, gồm các bài tường thuật, thơ, truyện… Trinh bày và minh họa ghi các họa sĩ Quảng, Mạnh, Huỳnh, Định, Vĩnh. Hai văn nghệ sĩ đến góp mặt trong buổi thi bắn súng là Vũ Hân và Nguyễn Viết Lãm. Theo lời xướng ngôn viên (qua bài tường thuật) thi sĩ Vũ Hân là nhà “thiên xạ”, đã bắn trúng “đám mây”.

Bác sĩ Lê Đình Thám làm thơ:

Đại hội luyện quân của Khu Năm

Gây thêm tin tưởng khắp trời Nam.

Súng trường bắn trúng vòng đen trắng

Lựu đạn ném hay lúc đứng, nằm.

Chiến thuật khôn ngoan, đi chạy giỏi

Xung phong can đảm, học hành chăm.

Sẵn nhiều vũ khí ngày tinh xảo

Quyết sẽ tiểu trừ lũ ngoại xâm.

Không khí thao trường được diễn tả trong bài thơ:

… Ga phố vui vầy, đò xe chen chúc

Lớp lớp sóng người, nhà dựng nương khoai.

Núi Bút điểm trang, sông Trà lên điệp khúc

Ai về đây qua núi thẳm sông dài.

Những từ mẫu theo đàn con áo xám

Đến trường thi chờ súng nổ phập phồng

Mắt yếu chân gầy, đường đi thăm thẳm

Có hề chi, ôi, tình mẹ mênh mông!

Và cha đứng nơi thao trường lo lắng

Con vung tay, cha hồi hộp nhìn theo

Quả đạn rớt, cha quên mình tóc trắng

Nhảy cời lên, tung mũ múa hò reo…

Khi đại hội bế mạc, tất cả các đơn vị chia tay, nơi ấy còn lại sự vắng vẻ, có người thao thức nhìn ra:

… Đêm đã gần phai

Trăng khuya đã ngã bóng dài qua sân…

–  Đặc san “Mùa đông binh sĩ”

Phần văn nghệ đăng bài ĐêmVũng Rô của Ngọc Cư đã nói trên. Bài thơ của Thuần Hoa tả tâm sự người phụ nữ Hà thành đan áo gởi ra mặt trận:

… Tiếng gió heo may, lá rụng vàng

Kinh thành sửa soạn chiếc kim đan

Dưới đèn có những bàn tay nhỏ

Vội vội cho xong áo ngự hàn…

Đoạn cuối:

…Và đây… áo gởi người anh dũng

Mặt trận xa nào lạ tính danh

Anh đã là người trai đất Việt

Đây quà gái Việt kính dâng anh.

Một số ca dao, như:

Ai kêu ai hú bên sông

Tôi đang dệt áo cho chồng tôi đây

Đông về lạnh lắm bớ người

Chồng tôi đứng gác ngoài trời khuya lơ…

– Đặc san “Hồn Trẻ”

Nhóm chủ trương Hồn Trẻ muốn làm một tạp chí, nhưng chỉ ra được một số, thì coi như đặc san.

Lúc này, cuối năm 1946, tôi học lớp Nhì trường tiểu học Ngân Sơn trong vùng đồng bằng sông Cái Tuy An, xa nhà, phần lớn đường đi dốc núi, phải ở trọ, vài ba tháng dịp nghỉ lễ mới về nhà một lần. Tuy còn tuổi nhỏ, tôi nhận ra không khí có điều gì căng thẳng. Bên đường dán nhiều khẩu hiệu in chữ đậm: BÌNH TĨNH – CHUẨN BỊ – KỶ LUẬT: CHỜ MỆNH LỆNH CHÍNH PHỦ. Thấy tập Hồn Trẻ (xuất bản tại Tuy Hòa), tôi mua ngay.

Nhân dịp có đoàn văn nghệ sĩ Miền Bắc vào để đi thăm mặt trận Củng Sơn tham gia bài vở nên nội dung rất phong phú. Tranh bìa: họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Trình bày: họa sĩ Trần Viết Lý. Lời mở đầu, như giới thiệu Phú Yên: Một tỉnh khá lớn. Một tỉnh trù phú. Phong tục thuần mỹ. Sông núi giăng đầy sương sớm. Gió vần vũ khắp không trung quyền lực… rồi nói đến lý do Hồn Trẻ ra đời.

Bài chính luận: Cái đẹp của thanh niên, cái đẹp của nhân loại, chê nhan sắc của Dương Quý Phi, Tây Thi, Chiêu Quân, ca ngợi vẻ đẹp của nữ hồng quân Liên Xô trong cuộc duyệt binh: “thật là một đàn voi, ngực căng lên, mặt nhìn thẳng”. Có bài phỏng vấn Nguyễn Tuân. Truyện Người học trò của Nguyên Hồng, viết về thân phận con người nông thôn qua nạn đói năm Ất Dậu, dưới tên truyện ghi: Một dĩ vãng đen tối của dân tộc ta. Một chuyện thảm khốc của bạn trẻ đổng ruộng. Chung tặng các trẻ em Việt Nam. Và riêng tặng em T.. không biết giờ đánh giày bán báo ở nơi nào.

Một bài thơ tôi không nhớ tác giả, chỉ nhớ những câu:

… Những kỹ nữ suốt một đời làm dáng

Những trai tơ còn vọng ước xa xanh

Chim bâng khuâng thương nhớ mộng trên cành

Chiều họa điệu vàng tơ trên biển suối…

Thời đã đến tháng năm thêm những tuổi

Hồn tinh anh vùng dậy đón sao vàng…

Sau này, hỏi anh Đoàn Anh, anh ấy nói: “Giọng đó là giọng Xuân Diệu”. Không xác định của ai.

-Tạp chí “Văn nghệ Miền Nam Trung Bộ”

Truyện của Nguyễn Thành Long, Lưu Nghi, tùy bút Đêm tĩnh túc (hay Gió tĩnh túc) của Nguyễn Viết Lãm, tôi thích hai từ “tĩnh túc”. Thơ Hồ Thấu, Đoàn Anh, Mịch Quang…

Ngoài phần sáng tác có mục tường thuật các cuộc bình thơ. Các vị tham dự buộc phải đọc bài thơ đưa ra bình, không cho Phạm Hổ ngâm, vì Phạm Hổ có giọng ngâm hay, người nghe không nhận ra chỗ nhược điểm của tác phẩm. Người ăn nói thẳng thắn xẳng xớm nhất là thi sĩ Lam Giang, ông chê những bài vè của Ng.Đ. và những câu của các tác giả khác:

-Cảnh chạy tản cư mà thấy con đường “dặm hiền màu xanh”. Sáo! Rồi: “Ơi anh du kích! Nhà kia cửa nọ, gởi lại tay anh”. Vô trách nhiệm. Và bài Nằm bên bộ đội: “Quê anh ở đâu? Hỡi anh bộ đội? Sao anh không nói. Đến vợ đến con. Ngày mai giết giặc diệt đồn. Đêm nay anh vẫn ngủ ngon như thường” Không phải thơ.

-Mấy tạp chí xuất bản ở Miền Bắc

Năm 1951 dạy văn lớp chúng tôi là thầy Bùi Bình Hiếu, làm thơ với bút danh Hoài Lang. Thầy cho chúng tôi học bài Làng Nghẹt trong rừng đêm của Nguyễn Xuân Sanh. Khi giảng những câu:

…Tình sau trước, nghĩa trước sau

Em cây say chữ nên trau chuốt cành…

… Thêm cây đàn ngọt như trăng

Màu mây tháng ấy cũng rằng thanh thanh…

Thầy nói qua về Xuân Thu nhã tập và những câu nhiều người cho là bí hiểm, như: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà.

Tôi được thầy thương, cho đến nhà chơi, nói về nhóm Xuân Thu, với chủ trương của họ. “Có rung động là có thơ. Phải cần và chỉ cần có rung động ấy. Thơ = Trong = Đẹp = Thật. Thơ là tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, Thơ là Đạo”. Thầy vẽ một vòng tròn, gọi là vòng tương sinh, kép kín những chữ: Đạo –> Âm + Dương -> Sáng Tạo -> Rung Động -> Thơ -> Đạo.

Chỉ có một thằng học trò nhỏ mà Thầy nói còn hay hơn lúc giảng bài ở lớp: “Lúc Thôi Oanh Oanh quay đi, lông mày như vầng trăng khuyết lẫn vào màu tóc như mây trời. Vẻ đẹp ấy là tứ thơ, chưa phải là bài thơ. Khi bước chân nàng in trên cát, ban đầu nhẹ nhàng, dần dần lún xuống như ngập ngừng bịn rịn, rồi vội vã biến mất. Điệu cao thấp ấy mới là bài thơ. Và Trương Quân Thụy đã đọc được bài thơ trên cát, là độc giả duy nhất xứng đáng”.

“Là thi sĩ khi ta đạt được Thơ. Là bài thơ, khi áng văn ấy, bất cứ ở thể nào, có chất Thơ, nghĩa là chứa trọn sự rung động siêu thoát, phảng phất cái hương vị tuyệt vời: Trong-Đẹp-Thật. Đó là Đạo trong Nghệ Thuật”.

Tại nhà thầy trọ, tôi được đọc vài tạp chí văn nghệ Miền Bắc. Có tập nơi đầu trang 1 ghi: “Gởi em Sanh để em nghiên cứu. Xuân Diệu”. Sanh là Ngô Xuân Sanh, tức Tịnh Hà, em ruột Xuân Diệu. Trong một số tạp chí có truyện Người đàn bà Tàu của Nguyên Hồng, viết về một phụ nữ Hoa kiều có con trai gia nhập bộ đội Việt Nam. Sau 1975 tôi có gặp lại truyện ấy, không nhớ trên báo nào, nhan đề là Một người mẹ Trung Quốc.

Sau 1954 thầy Bùi Bình Hiếu cộng tác với nhóm Đại Nam văn hiến (Sài Gòn) của Thế Phong với bút danh Bùi Khải Nguyên. Thầy trò cùng có thơ được dịch, in trong An Anthology of Vietnamese Poems (Yale University Press).

-Tuyển tập “Tập văn cách mạng và kháng chiến”

Cũng nhờ thầy Bùi Bình Hiếu tôi được đọc Tập văn Cách mạng và Kháng chiến xuất bản ở Việt Bắc. Là một tuyển tập văn học, rất dày, nhiều tác giả nổi tiếng đương thời. Trong đó có Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương), tản văn Bình hoa (Minh Đạo), thơ Lên Cấm Sơn (Thôi Hữu), Phan Khôi có bài Dưới gốc hòe (dịch thơ Trung Quốc). Bài thơ Đèo Cả chỉ có đoạn đầu, ngắn, tên tác giả một chữ Hữu (không có chữ Loan(?)

Trước đó, trong giờ giảng văn chúng tôi có học một đoạn trong Thư nhà, và đọc trong sách của Nguyễn Vỹ một đoạn trong Làng. (Ông Nguyễn Vỹ, nhà giáo, lúc này làm Giám đốc Nha Giáo dục Miền Nam Trung Bộ, không phải nhà văn-thơ Nguyễn Vỹ). Đọc Tập văn Cách mạng và Kháng chiến hiểu được một phần quan trọng sinh hoạt văn học lúc ấy. Cho đến bây giờ, tôi chưa nghe bạn nào (ngang tuổi và sau này) cho biết là đã có đọc tuyển tập ấy. Cũng cảm thấy mình “hơn” bạn bè, và cũng cảm thấy “thiệt thòi” vì nói về tuyển tập ấy không biết nói với ai.

Sách dịch

– Sách Trung Quốc.

Các tiểu thuyết: Sự biến đổi ở Lý Gia Trang, đề tài về địa chủ gian ác. Trời hửng, Thù làng, cũng đề tài tranh chấp nhau ở nông thôn. Chúng tôi thấy khô khan, không hay.

– Sách Liên Xô.

Tỉnh ủy bí mật của Phê-đô-rốp, Nguyễn Du Kích (Hồ Chí Minh) dịch. Người Xô Viết chúng ta, Nam Trân dịch. Ngôi sao, không nhớ dịch giả. Thời gian ủng hộ chúng ta, Thép Mới dịch. Một tập thơ văn có bài Đợi anh về của Si-mô-nốp, không phải bản dịch Tố Hữu, mấy bài thơ và truyện Huỳnh Lý dịch. Mặt trận trung tâm của trận Stalinhgrad, Võ Nguyên Giáp dịch, sách mỏng, in khổ nhỏ bằng bàn tay.

Trong Người Xô Viết chúng ta, tôi nhớ chi tiết, nghe tên sĩ quan Đức lăng mạ cả dân tộc mình, người thiếu nữ không cầm lòng được nữa, sẵn thanh gươm có chạm con ó phát xít nàng cầm lên đâm lút tận chuôi. Sau 1975 thấy bản in mới, tên sách đổi một chữ: Người Xô Viết chúng tôi.

Chúng tôi có học một đoạn văn của Ilya Erenbourg với thầy Võ Hồng (nhà văn). Cách giảng của thầy Võ Hồng chậm rải, điềm đạm đã cho chúng tôi những ấn tượng đẹp về Thời gian ủng hộ chúng ta. Khi đọc toàn truyện, tôi thấy thích những đọan tác giả nói đến tình yêu quê hương: “Dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào trường giang Volga, Volga đi ra biển … Tình yêu nước bắt đầu từ tình yêu làng xóm, yêu cái cây trồng trước nhà, yêu con phố nhỏ chạy ra bờ sông … Chiến tranh khiến cho mọi công dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của quê hương. Người Miền Bắc nhớ bóng thùy dương tư lự…”. Những chi tiết thật lạ: “… Tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể… Rượu vang sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê…”.

Mấy anh lớn tuổi hơn thường bàn luận về tình yêu của trung úy Trapkin và hiệu thính viên Katya trong Ngôi sao, nhất là ở đoạn kết, Katya gọi mãi ám danh “Ngôi sao, ngôi sao…” không có tiếng trả lời.

Mặt trận trung tâm của trận Stalingrad thuật lại không khí nóng bỏng, nghẹt thở lúc thành phố bị quân Đức bao vây, “đằng sau họ, sông Volga lạnh ngắt mù đen, là vận mệnh của nước Nga”.

Truyện của Huỳnh Lý dịch tầm thường, nói về giống hạnh đào lý tưởng mới được lai tạo, nói về một người lính đi trên xe lửa bị rơi chiếc mũ, anh ta nhảy xuống, lượm được và chạy theo đuổi kịp, đu lên xe. Một bài thơ thuật chuyện một nhà tư bản Mỹ, tên được Việt hóa là Chuyết-tư.

…Chuyết-tư tiên sinh cựu Bộ trưởng

Chuyết-tư tiên sinh, giàu kếch sù…

Vừa cởi giày ra bỗng nhiên nảy ý

Rong chơi thế giới giải trí vợ con.

Phu nhân tán thưởng ý chồng

Tiểu thư ngoan ngoãn về phòng điểm trang…

Gia đình ông đi du lịch nhiều nơi, bà vợ hống hách, độc ác “dù đầm thúc mạnh lưng người lái xe”. Họ đến Liên Xô, do kỳ thị chủng tộc ông không chịu ở tại khách sạn có người da màu, mà khách sạn nào cũng có người da màu từ châu Phi, châu Á. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi, nơi nào cũng vậy, ông nhất định không chịu ở, cuối cùng mệt quá, Chuyết-tư tiên sinh nằm gục xuống dưới chân cầu thang “của Ăng Lê khách sạn, một xó lầu Liên Xô”. Tác giả và dịch giả đều có vẻ hả hê!

Văn học sử – Lý luận văn học

Việt Nam văn học sử của Lê Trí Viễn, trọn bộ 4 quyển, đầy đủ các tác giả. Nhờ sách này tôi biết được những tác giả, tác phẩm không có trong chương trình học bậc phổ thông. Thích phong cách ngang tàng của Phạm Thái và chuyện tình đau xót Phạm

Thái – Trương Quỳnh Như:

… Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng ngọc nát châu chìm, chua xót bởi vì đâu!

Nay qua nấm cỏ xanh tưởng người mệnh bạc, sụt sùi đôi hàng tình lệ, giải bày một

bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài tỏ cùng nương tử!

Và:

Gió thu hiu bắt khóm phương tùng

Thổi rụng hàng châu nghẹn má hồng

Cỏ biếc chẳng đeo hồn Sở trướng

Cúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.

Niệm đảo mơ màng hồi thu cổ

Sinh tiêu nghe lắng tiếng thiền chung…

Những phương tùng, thu cồ, thiền chung gặp nhiều nơi, còn nghẹn má hồng, độc đáo, chỉ thấy ở đây.

Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Hoài Thanh. Lúc ấy tôi chưa được đọc Trương Tửu, dù có biết Nguyễn Bách Khoa là Trương Tửu. Trong sách, Hoài Thanh chê Nguyễn Bách Khoa “bắt mạch và ghi bệnh trạng Kiều một cách liều lĩnh”. Ông cũng chê Đồ Chiểu “tả Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự tử mà như nhảy trên sân banh” . Tác phẩm gợi cho tôi bước đầu nghĩ về Hoài Thanh. (Chưa được đọc Thi nhân Việt Nam).

Chinh phụ ngâm của Đặng Thái Mai. Chữ lót tên ông là Thái, có dấu sắc. Sau 1975 thấy dấu sắc biến mất chỉ còn Thai Mai. Chú thích nhiều chi tiết. Nhờ sách này tôi thuộc Chinh phụ ngâm. Ông bác bỏ quan điểm các nhà nghiên cứu khác về dịch giả, bảo vệ quan điểm của ông: dịch giả là ĐoànThị Điểm.

Triết Học

Chỉ đọc được một quyển Triết học phổ thông của Trần Văn Giàu.

Nhớ hai chi tiết. Thứ nhất, ông nói thanh niên Sài Gòn thời ấy, có ông, coi Nguyễn An Ninh là thần tượng, kiểu tóc cũng bắt chước Nguyễn An Ninh. Thứ hai, ông nói về quan điểm của Berkeley, tưởng là dung hòa, trái lại: “Đức cha Berkelay bị kẹt giữa hòn đe và chiếc búa. Duy vật công kích ông đã đành, duy tâm cũng phê phán ông nặng nề…”

Sách Chính trị

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh. Nói về 3 giai đoạn của cuộc kháng chiến: phòng ngự, cầm cự, phản công. Trong giai đoạn cầm cự có cuộc chiến “cài răng lược”.

Nhân sinh quan mới, bản dịch từ Tân nhân sinh quan của Trung Quốc. Sách do Thầy Trần Sĩ, Hiệu trưởng trường trung học Lương Văn Chánh đưa cho đọc. Thầy bảo đọc thì đọc, sợ Thầy hỏi lại. Đọc không hứng thú, chỉ nhớ đoạn tác giả phê phán tính ích kỷ tiểu tư sản:

Chỉ ưu gia lý môn tiền tuyết

Mạc quản tha gia ngõa thượng sương.

(Chỉ lo nhà tớ sân đầy tuyết

Chẳng quản nhà người ngói phủ sương).

-Có một chuyện vui vui về từ ngữ chính trị, liên quan đến thời sự, trong một tài liệu đánh máy, không phải là sách. Năm 1953 một lần cha tôi và mấy chú, mấy anh ngồi bàn bạc, tôi pha trà cũng được dự, khi nghe nhắc đến từ ngữ mọi người phân vân “tư bản mại bản”. Tôi nói: “Nước ta mới có tư bản bán mại bản, chưa có tư bản mại bản”. Một người hỏi: “Sao em biết?”. Tôi nói: “Đọc trong Đề cương chính trị đệ trình hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng”. Ai cũng ngạc nhiên: “Đâu? Tài liệu ấy đâu?” Tôi nói: “Tập ấy giấy rất mỏng. Bữa trước hết giấy hút thuốc, mấy anh bảo tìm, em hỏi: Giấy này hút được không? Anh T… nói: Được, được. Hút được. Em rọc ra đưa cho mỗi người một xấp hút thuốc rồi!”. Mọi người cùng cười, biết nói sao nữa!

Đả kích văn chương lãng mạn

Cuối năm 1952 học sinh cuối cấp II chúng tôi có một ngày nghe cán bộ tỉnh về trường giảng đề tài đả kích văn chương lãng mạn.

Những tác phẩm của Tự lực văn đoàn mới đây được học, trích ra “những đoạn văn hay” tả cảnh, tả người, dùng làm bài văn mẫu, bây giờ phải quét sạch. Chụp ảnh, “chơi album” cũng là cách sống tiểu tư sản. Trong buổi học này, chúng tôi được khuyến khích nêu ý kiến thảo luận. Cảm thấy nóng nực có thể cởi áo ra. Không sao hết. Cốt là được thoải mái thôi.

Trong tài liệu, đoạn nói về âm nhạc có lên án các bài hát, “từ bài Riquita lẳng lơ đến bài Đàn tôi yếm thế”. Bài Đàn tôi thì mấy anh lớn, chơi nhạc, có biết. Bài Riquita gì đó thì chẳng ai biết cả. Cá nhân tôi, nay hơn 70 năm qua, cũng không hề biết bài Riquita thế nào. Nhưng có vài bạn khá thuộc lòng bài giảng của cán bộ bữa ấy, một bạn mấy hôm sau cứ bô bô nhắc lại: “Ta phải giữ tâm hồn trong sáng, xóa bỏ hết dấu tích các bài hát yêu đương lãng mạn, ủy mị, từ bài Riquita lẳng lơ đến bài Đàn tôi yếm thế”.

Lời kết

Nhắc lại chuyện đọc sách một thời chín năm, là để nhớ lại bản thân lúc thiếu niên đến khi sắp vào tuổi trưởng thành, ham đọc sách và đọc được những gì. Trong đó, qua một phần – dù ít – cũng nhận thấy được nếp sinh hoạt văn học thuở ấy. May ra, có thể gặp một bạn xa xôi nào đó… san sẻ được với nhau thì thật vô cùng hạnh phúc.

Thời gian qua lâu. Chắc có một số từ nhớ không được hoàn toàn chính xác, nhưng ýchính thì không sai.

Cũng xin nhân đây bày tỏ lòng nhớ ơn với quý Thầy (đã truyền cho tôi ngọn lửa văn học để sưởi ấm mặt tinh thần suốt cuộc đời) nay không còn nữa: giáo sư Bửu Thọ, nhà thơ Bùi Bình Hiếu, nhà văn Võ Hồng và thầy Nguyễn Luân.

TRẦN HUIỀN ÂN

————————————————

(1) Tướng Leclere de Hautecloque được De Gaullle cử làm Tư lệnh Lục quân Pháp tại Đông Dương.

(2) Đô đốc Thierry D’Argenlieu được De Gaulle cử làm Cao ủy Pháp kiêm Tổng Tư lệnh tại Đông

Dương.

(3) Đàm Quang Trung.

(4) Tên một vị Trung đoàn trưởng

(5) Đồn Pháp tại nam Phú Yên, sau đó bỏ, rút về Khánh Hòa.

(6) Tức Đà Nẵng – tên gọi một thời gian ngắn sau khởi nghĩa 1945

(7) Vùng sản xuất muối của Phú Yên

(8) Thuộc tỉnh Đắc Lắc.

(9) Thuộc tỉnh Quảng Nam

(10) Tên các trường phổ thông cấp 3

(11) Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946: Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (Etat libre) tự trị trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp. Thỏa ước tạm thời (Modus Vivendi), gọi tắt là tạm ước, ngày 14.9.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet.

(12) Tên một thôn vùng biển Sông Cầu lúc ấy thuộc xã Phan Thanh

(13) Tên xã đặt theo danh nhân năm 1945, một thời gian ngắn, nay là xã Xuân Lộc thị xã Sông Cầu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *