Từ “Những khoảnh khắc sống” của Lê Kiên Thành

Vanvn- Đọc truyện, người đọc qua từng trang viết, biết nhiều thông tin về đời sống đất nước những năm có chiến tranh, và đường đời không được trải thảm đỏ của con trai một trong những người nhiều năm có quyền lực nhất nước.

Nhà văn Lê Kiên Thành

Có những cuốn sách đọc nhanh mà viết về nó không dễ.

Trong buổi ra mắt sách long trọng và đông vui ở trụ sở mới vừa tân trang của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam tại 65 Nguyễn Du – Hà Nội trước Tết Giáp Thìn, thương tình ông lão về hưu, NSND – Đại tá, Giám đốc Đoàn Nghệ thuật CAND Nguyễn Thúy Hiền mua tặng tập bìa giấy mỏng (bìa cứng giá hơn 1tr), “Những khoảnh khắc sống” của một tác giả có nhân thân hơi đặc biệt, vốn không thuộc giới văn chương. Lê Kiên Thành một doanh nhân thành đạt, là một trong những người con của Tổng bí thư Lê Duẩn. Tập sách chưa đến 200 trang, in khổ lớn 16/24, có 15 minh họa của danh họa Thành Chương, gồm 2 phần: Truyện và Tự sự.

Sẽ không có gì đáng chú ý, nếu đây chỉ là một tác phẩm văn chương đơn thuần, như khá nhiều tác phẩm được xuất bản khá dễ dàng thời nay. Đọc truyện, người đọc qua từng trang viết, biết nhiều thông tin về đời sống đất nước những năm có chiến tranh, và đường đời không được trải thảm đỏ của con trai một trong những người nhiều năm có quyền lực nhất nước. Có thể nhờ vậy mà những trang truyện ông viết mang đậm hình ảnh thật của đời sống, trung thực và đáng tin cậy.

Trong lời đầu sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: ”Với tất cả những gì tôi đã đọc của Tiến sĩ Lê Kiên Thành, và gần đây nhất là bản thảo tập truyện Những  khoảnh khắc sống của Ông, tôi gọi Ông là một người kể chuyện của thế gian. Lê Kiên Thành là một người vừa bền bỉ cất tiếng về những điều tốt đẹp của đời sống con người trong thời đại Ông đang sống, vừa cảnh báo về những gì có thể  giết chết những điều tốt đẹp ấy. Ông cất tiếng một cách trung thực, xúc động sâu sắc và đầy lo sợ. Ông không đẩy câu chuyện đi quá bản chất của nó, Ông không bi kịch hóa câu chuyện, nhưng Ông nhận thấy bản chất của câu chuyện. Chính vì vậy, Ông trở thành một người kể chuyện tin cậy.”

Đó là cảm nhận có thể rút ta từ 8 truyện : Làng ven sông, Hai tiếng sét, Bàn học bên Hồ Tây, Hương ngọc lan, Số phận một con người, Mối tình đầu, Gia đình Má Chín Nhơn Tiếng hát trên trời. Đằng sau những tên truyện xem ra rất quen ấy là những trải nghiệm mang đậm dấu ấn của một chàng trai trẻ lớn lên khi đất nước có chiến tranh, có bóng dáng học trò mới lớn, có chứng kiến của một người lính từ binh nhì, đến một sinh viên du học ở học viện Không quân, rồi chuyển kỹ sư cơ khí máy bay, một tiến sĩ viện nghiên cứu hạt nhân, một doanh nhân thành đạt. Ở vị trí nào, chủ thể trang viết cũng hiện ra là một người khiêm nhường, nặng về tình cảm, sống hòa đồng, biết trân quý những giá trị của tình người: gia đình, đồng học, đồng đội, đồng chí, bạn bè, những người không may mắn. Dấu ấn của một người con trai, dẫu sinh trong một gia đình danh giá, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt mà luôn thiếu hơi ấm của gia đình.

Điều đó hiện rõ trong phần tự sự. Để bạn đọc có dịp hiểu hơn về đời sống gia đình của một nhà chính trị lớn. Xưa nay, chúng ta quen nhìn họ với tư cách một nhà lãnh đạo chính trị. Nhưng trong cuộc sống gia đình, với người thân, cha mẹ, với vợ con, đồng đội thì không mấy ai biết. Qua những mẫu chuyện trong phần tự sự, người đọc có thể hiểu hơn về tác giả và gia đình: Đồng đội, Tiểu đội trưởng, Bà nội, (Hai người mẹ – Mẹ tôi, Mạ tôi ), Chị tôi, Tâm hồn Nga, Nụ hôn đầu, Cô gái trong quán cà phê, Hoa phượng đỏ, Chú Việt Phương, Lê Kiên Thành là con thứ 2 của đồng chí Lê Duẩn với bà vợ thứ 2, khi Ông đang hoạt động ở miền Nam. Ngày nay đây là việc cấm kỵ, nhưng vào những năm trước sau Cách mạng, chuyện hai vợ không phải là cá biệt.

Trong tự truyện O Tôn nữ Huế tha hương, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai, con gái của Đại thần Tôn thất Đàn kể bố mình có đến 4 bà vợ. Đạo diễn Lê Cung Bắc trong Bụi cát chân mây, con trai của một Hàn lâm viện thị giảng là con út của bà vợ thứ 3. Thường là bà cả ở nhà với bố mẹ, ông bà, chăm sóc thờ tự, nuôi những người thân, một người theo chồng khi luân chuyển đi trấn nhậm các nơi theo sự điều động của Chính quyền. Người vợ đầu của đồng chí Lê Duẩn được gia đình sắp đặt khi mới 22 tuổi, còn làm thư ký hỏa xa và tham gia hoạt động cách mạng. Chú ruột tôi là Ngô Hữu Sồ, cùng Ông nội, cha tôi – Liệt sĩ Ngô Sừ và cậu là Trần Công Khanh lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh tháng 5.1930, cũng được cha tôi tổ chức cưới vợ khi ông không có mặt, cũng với mục đích có người chăm sóc cha mẹ, giỗ chạp tổ tiên. Nói thế để thấy chuyện 2 vợ ngày xưa ấy không là trường hợp cá biệt.

Chúng ta biết, đồng chí Lê Duẩn sau cách mạng tháng 8.1945 mới được giải phóng khỏi địa ngục trần gian Côn Đảo, về tham gia lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ, là Bí thư Xứ ủy. Năm 1954, sau Hiệp định Genever, đưa gia đình lên tàu tập kết, rồi Ông bí mật ở lại lãnh đạo phong trào kháng chiến Nam Bộ, với lời hẹn 20 năm sẽ… Bà Nguyễn Thị Vân đang mang bầu Lê Kiên Thành cùng con gái Lê Vũ Anh vừa lên 3 tập kết. Nhưng sau sửa sai Cải cách ruộng đất, có lẽ có vấn đề về nhân sự, nên 1957, Bác Hồ quyết điều động đồng chí ra Bắc, và từ Đại hội III của Đảng, làm Bí thư Thứ nhất, rồi Tổng Bí thư cho đến khi qua đời 1986. Tự sự cho người đọc biết, trong những năm trực tiếp xử lý nhiều công việc nặng nề của đất nước, đồng chí  cũng chịu nhiều giằng xé về những chuyện trong gia đình. Bà cả vẫn ở với Ông cụ, chăm sóc chu đáo mọi việc nhà. Thậm chí còn nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau, làm mắm ngay trong khuôn viên nhà Tổng Bí thư. Bà Vân, sau thời gian ngắn ở miền Bắc, lại sang công tác ở Trung Quốc, rồi về làm báo ở Hải Phòng, và đến 1964, Bà quyết định để lại 3 người con, để trở về miền Nam, trên chuyến tàu không số.

Những năm tháng đó, Lê Kiên Thành có thời gian được ở với cha, được nghe cha kể chuyện về Bà nội, đã mất từ 1936, với một niềm kính trọng sâu sắc. Nhờ đó, Thành biết chuyện, năm lên 5, Ba bị một trận ốm rất nặng, ngỡ là không qua khỏi. Nhưng có một ông thầy chữa bệnh cho, còn khuyên bà gắng nuôi con, bởi cậu bé này có chân mệnh đế vương. Nhưng khi ông bắt đầu hoạt động cách mạng, bị truy bắt, tù tội, Ông nội than: “Chẳng thấy làm vua ở đâu, còn bây giờ thì đang làm giặc”. Bà còn kể,” Ngày xưa nhà nghèo lắm. Bữa đó, đi ngang qua nhà hàng xóm, thấy họ luộc một nồi khoai lang to, mạ cứ ao ước bao giờ nhà mình có được nồi khoai như thế…. Khi đã giữ trọng trách của Đảng, tối nào bữa ăn của Ba cũng có những lát khoai lang để nhớ đến người mẹ yêu thương.“ (tr 146).

Có rất nhiều chuyện thể hiện Tổng bí thư là một người hết sức nguyên tắc, nhưng rất trọng tình nghĩa. Ở vị trí rất cao của mình, nhưng gặp nhiều chuyện ngang trái trong gia đình riêng, ông đã xử sự rất mềm mỏng. Con trai Lê Kiên Thành khi vừa qua tuổi 17 là nhập ngũ như mọi thanh niên khác. Chị gái Lê Vũ Anh đòi đi Nam, ông ngăn, vì sức yếu (chỉ hơn 30kg), vượt Trường Sơn chỉ làm phiền cho nhiều người khác, thông minh, sắc sảo, khi sang học ở Liên Xô, không yên tâm, đã tổ chức kết hôn với một bạn học trong nước. Nhưng bất chấp hậu quả, cô đã ly dị, để yêu người thầy học, một nhà khoa học thiên tài nhưng lập dị, hơn mình đến 20 tuổi. Mãi khi có con, gia đình mới biết. Chỉ là chuyện riêng tư, nhưng là của người có cương vị cao trong nước, đúng vào lúc quan hệ quốc tế, giữa Liên Xô và Trung Quốc đang căng thẳng. Rất nhiều dư luận không hay xung quanh chuyện tình yêu không bình thường này. Nhưng biết là không thể ngăn khi hai kẻ si tình đã dính vào nhau, nên Ông đã không làm bất cứ điều gì để họ thấy bị xúc phạm. Chỉ tiếc là khi Vũ Anh sinh con thứ 3, bị băng huyết, biết chị là con một nhân vật quan trọng, nên các thầy thuốc tại chỗ không dám can thiệp, mời được các chuyên gia hàng đầu tới, thì đã quá muộn. Thương người cha lập dị một mình nuôi 3 đứa con thơ, bà Vân đã sang mang bình tro cốt con gái, xin đưa  đứa trẻ mới sinh đã mất mẹ về tự tay chăm sóc cho đến khi cứng cáp mới trả về cho ba chị em đoàn tụ. Xung quanh việc này có rất nhiều giả thuyết, đàm luận, nhưng trong nổi đau đột ngột mất một người con yêu thương, Ông đã luôn xử sự rất ân tình.

Mấy ngày, sau khi Những khoảnh khắc sống ra mắt, trên báo Tiền phong Chủ nhật 25.2.2024, nhà báo Xuân Ba có bài Chuyện sau cuốn sách của con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn. Là nhà báo, qua Thành, mà tiếp cận được với bà Bảy Vân, lấy tư liệu viết báo. Nhưng dạo ấy, 2007, báo chỉ đăng được mấy kỳ Chuyện người vợ miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Được bà cho phép, Xuân Ba đã đọc được những dòng nhật ký xưa. Qua đó, ta có dịp hiểu thêm về tâm tình sâu nặng của đồng chí, trong một nghịch cảnh có tính lịch sử .

“Ngày 25.12.1960. Anh thương em, thương em nhiều lắm. Em đừng thấy một vài biểu hiện bên ngoài, hoặc một vài điều gì không may, không hay mà sinh những ý nghĩ có thể hiểu lầm anh.Vì một lần hiểu lầm như vậy có thể tổn thương một ít tình yêu của anh với em. Mà tình yêu cũng giống như mọi của cải quý giá khác của con người cần phải bồi dưỡng và xúc tích luôn luôn. Chúng ta phải tìm đủ mọi cách để xây đắp ngày càng lớn, càng sâu tình yêu của chúng ta. Hạnh phúc là tình yêu, là tấm lòng thiết tha thương nhau, chết sống không bao giờ và không thể bỏ nhau. Đến một lúc thì tình yêu không phải là hạnh phúc vật chất, và vật chất không phải là cơ sở nữa mà chính là tấm lòng yêu nhau, quý nhau, hiểu biết chân tình ý nghĩ đầy đủ của nhau…Em ạ, tình thương giải quyết tất cả. Em thương anh thì em có thể giải quyết tất cả những khó khăn, trở ngại. Em không bao giờ trách các con, không phải vì nó dại mà là vì em thương chúng nó nhiều. Em cũng phải thương anh như thương các con. Lòng thương có thể xóa tất cả. Nó rất dũng cảm. Lòng thương phải không đáy vì bao nhiêu chứa vẫn không vừa .Lòng thương là duy nhất trong sáng như tấm gương, và không có gì êm ái nhẹ nhàng ấm áp bằng tình thương của mẹ thương con, của vợ thương chồng.

Người đàn bà là một linh hồn để xoa dịu những nổi khổ đau của con người..

Em phải là người đàn bà ấy.”

Và đây là phút bà Bảy Vân chia tay để trở về chiến trường miền Nam năm 1964 .

“Khi xe đến đón, tôi cúi xuống hôn anh và Vũ Anh. Hai tay con gái run bần bật trong tay tôi.Trời ơi, chắc nó có biết bao điều cần nói với mẹ nhưng không kịp (Năm đó con gái đầu 12 tuổi- NT ). Anh nhắm mắt tự kiềm chế nhưng nước mắt cứ dàn ra.Tôi dặn anh Khai: Khi nào anh Ba về thì hãy về. Đừng để anh ấy một mình. Anh Khai ôm tôi hôn và tôi cũng khóc. Bỏ 3 đứa con lại ra đi, tôi như cầm dao cắt rời 3 khúc ruột của mình.”

Mẩu chuyện cuối của cuốn sách Chú Việt Phương, mách bảo với bạn đọc một cách xử sự đầy tính nhân văn của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn thấu đáo về văn hóa văn nghệ. Việt Phương nhiều năm là thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông yêu, chơi nhiều với giới văn nghệ sĩ ,và thỉnh thoảng có làm thơ. Bài thơ ông viết ngày Bác Hồ mất là một trong những bài hay nhất trong những bài thơ về Bác. Năm 1970, tập Cửa mở là tập thơ đầu tay của ông được xuất bản. Nó đã gây ra một cơn địa chấn lớn trong dư luận xã hội. Rất nhiều hội thảo, rồi bài báo, phân tích phê phán khá gay gắt. Nhất là những câu thơ: Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa/ Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương/ Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa/ Mạc tư khoa còn hơn cả thiên đường/ Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào/ Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao ! (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi).

Do áp lực từ nhiều phía, một thời gian sau, Việt Phương không còn được làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và Ban Bí thư đã tổ chức một cuộc họp để xem xét hình thức kỷ luật cho tác giả tập thơ.Trái với thông lệ, hôm đó Tổng Bí thư đã tới dự, và phát biểu đến 2 giờ về những vấn đề của văn học nghệ thuật thời kỳ hiện tại, kết thúc, Ông nói gọn :“Chuyện của anh Việt Phương, nếu các anh không để làm cho anh Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng) nữa thì đưa về làm cho tôi nhé.” Một vụ án văn học lớn đã tránh được nhờ cách xử sự thấu đáo và đầy ân tình như thế để Việt Phương còn tiếp tục công viêc cộng tác với nhiều lãnh đạo cao cấp cho đến cuối đời.

Tôi xin dẫn lại mấy câu kết bài giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều để bạn đọc có thể hiểu thêm một cách nhìn về tập sách: “Hiện thực xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều chuyện đau buồn, thù hận, thất vọng và lo sợ. Nhưng nhà văn không thể làm cho nó đau buồn hơn, thù hận hơn, thất vọng hơn, và lo sợ hơn trong những trang viết của mình, mà phải tìm trong đau buồn ấy, trong thù hận ấy, trong thất vọng ấy và trong lo sợ ấy những vẻ đẹp, những yêu thương, những giấc mơ của con người và từ đó đặt niềm tin vào con người. Và Lê Kiên Thành đã làm cho tôi tìm thấy những điều đó.”

NGÔ THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *