Giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu lần thứ 4: Được chọn lọc từ nền tảng văn chương dày dặn

Vanvn- Cuộc thi nhận được hơn 200 tác phẩm, mất độ trên dưới mười cái viết chưa thành truyện, một số truyện đã đủ hình hài nhưng đọc xong là xong, non một trăm truyện đọc xong còn dư vị…

Nhà văn Lê Lựu (1942 – 2022)

Lần đầu tiên, với truyện ngắn “Khúc Thiên thai” của Võ Thị Xuân Hà có nhân vật hoàn toàn hư cấu về thần thức Người. Tôi – Quân Thành và Hùng là lính gác Lăng, tôi luôn coi việc được thần thức Người dạy bảo, tâm sự như một bí mật nhưng không ngờ Hùng cũng có bí mật tương tự. Đây là một ẩn dụ hàm chứa, Setlin – tác giả Lao động nhà văn có nói, “văn học là đi tìm cái bí mật chung của mọi người” vận vào đây thì vừa vặn. Thần thức Người không nói những câu quen thuộc mà khi sống Người thường nói, Người khuyên “con hãy luyện tập ngay trong khi đang làm nhiệm vụ đứng gác nơi này. Con sẽ dèo dai và giành thắng lợi”. Cái câu đồng dao làng Diên [Dâu?] Bẻ ngô nướng ăn nửa bắp. Nửa bắp còn dành lại cho sâu/ Cười vui một nửa. Một nửa để sầu… hay và minh triết, Người bảo tiền nhân “chỉ nói một nửa tâm can cho con cháu, nửa còn lại các con phải tự từng trải để tìm ra” lại thêm một tầng minh triết nữa. Cứ thế mà Khúc [sáo] Thiên thai lan tỏa vào lòng người, theo một trình tự cũng thấm đầy minh triết: Các nhân vật lịch sử, rồi sẽ đi vào tâm thức dân gian; lắng lọc ở đấy để thành huyền thoại, cổ tích sống mãi. Võ Thị Xuân Hà còn một truyện hay nữa: “Giữa bầy cừu”. Các nhân vật sống nhọc nhằn cơ cực trên cát, cát nóng đến mức chân bỏng thành sẹo, nhưng tình yêu chắp cánh để người mẹ chết trẻ rồi giờ đây là con gái bay lên thành các vì sao. Văn đẹp và lãng mạn!

Phan Đức Lộc trở lại với đề tài đồng giới anh từng bắt đầu mấy năm trước với những kiểu bi đát mới. Bi kịch của giới tính cộng thêm bi kịch do chiến tranh là một kiểu, tương đối cổ điển. Bi kịch này khiến cô gái đằm thắm đa tình bị người chồng từ chiến tranh về hành hạ, Đề không tự biết nguyên nhân bẩy đứa con dị tật và yểu mệnh của y là do y nhiễm chất độc Dioxin mà mặc nhiên đổ tại vợ. Đề đánh đập Lý, thả trôi đứa con hở hàm ếch của họ. Hinh vớt được bé, nuôi làm con, hằng ngày kiếm sống trên sông, hát ru con gái bằng những lời ca tự vịnh đời mình – một cuộc đời bằng ý chí và tình yêu con người, Hinh đã trỗi vượt tình cảnh bê đê để xứng đáng là “Người đàn ông của dòng sông”. Bi kịch trong “Lỗ sẻ” lại bi đát kiểu khác. Người cha trên danh nghĩa của tôi từng mò cua cào hến nuôi con, một mình vừa làm cha vừa làm má, một mình đóng cả hai vai Romeo và Juliet. Đứa con gái lớn lên, ra thành phố kiếm sống quăng quật, gặp tai họa đến có thể chết người nhưng cũng gặp được tình yêu. Chính ở chỗ thắt ngặt này, tôi nhận ra mình đã yêu em gái của người yêu, và nhờ tuổi trẻ, sự thấu cảm giới tính thứ ba của xã hội và đặc biệt là lòng nhân ái đã giúp tôi được chuyển giới, được sống là chính mình. Truyện trở nên hấp dẫn hơn khi đứa con gái trở về, gặp lại người cha đã già nua hốc hác nhưng vẫn đang sắm cả hai vai Romeo và Juliet, diễn sâu như thể vở bi kịch cổ điển đã trở thành riêng một thế giới nghệ thuật – thành chỗ để sống của người cha. Phan Đức Lộc có tài dùng cốt chuyện để cơi nới nỗi lòng bạn đọc, khiến cái bi đát biến hóa thành niềm bùi ngùi cứ lan tỏa mãi ra theo sâu rộng của nỗi lòng ấy.

“Mặn mòi vị biển” của Đinh Ngọc Hùng viết về một làng biển nghiệt ngã bất trắc. Họ sống nhờ ân phước của biển, ấy là khi biển hiền, nhưng khi dữ, biển có thể lấy mạng người đến vãn đàn ông, bỏ lại những người đàn bà thèm khát, đói khát, nhọc nhằn. Ngư dân vì vậy mà mê tín, cầu cúng ở mọi cung bậc hoàn cảnh, đời họ trở nên tối tăm, nhòe lẫn vào những bất thường, bất trắc kỳ dị như chính thế giới tự nhiên. Nếu như ở truyện này, lối thoát là kinh tế thị trường để biển mở ra dịch vụ nghỉ dưỡng, cô gái góa còn gần như trẻ con rồi cũng thành vợ một ông chủ quán ăn, âu cũng là một kiểu yên ổn. Nhưng đến “Vỡ làng” thì ngược lại, hệ lụy của kinh tế thị trường là các tệ nạn gái điếm, ma túy, tham nhũng đất đai, tai nạn giao thông chết người… khiến vẻ thanh bình xưa, lề thói xưa, văn hóa truyền thống bị biến dạng, vỡ ra từng mảnh trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Đinh Ngọc Hùng am hiểu nông – ngư dân, hy vọng anh vững tin vào mình, tin vào quy luật “phú quý sinh lễ nghĩa”; khi đó, khi nông thôn đã giàu có lên, giàu có thật thì tự nó sẽ hàn gắn lại làng, tạo nên một diện mạo mới, văn hóa mới cho làng quê.

Khó khăn nhất đối với chúng tôi là chọn giải Tư, vì có nhiều tác phẩm xứng đáng. Cuộc thi nhận được hơn 200 tác phẩm, mất độ trên dưới mười cái viết chưa thành truyện, một số truyện đã đủ hình hài nhưng đọc xong là xong, non một trăm truyện đọc xong còn dư vị: “Những mầm lúa ngọt” (Lê Quang Trạng) cho một hình dung về khát vọng, ý chí và tài năng của đời đời những lão nông tri điền đã chọn lọc, duy trì hạt giống thích nghi với thổ nhưỡng để nuôi dưỡng giống nòi. “Người nuôi trâu tế” (cũng của Lê Quang Trạng) lại cho thấy bóng hình của lão nông tri điền kiểu khác, ấy là yêu thương gia súc, coi chúng thiêng liêng như bạn của người; có thể hy sinh vì nhau – ở đây là con trâu tế đã tự nguyện gánh lấy cái chết để cứu người, cứu đàn trâu. “Xóm ngoài đê” (Phạm Xuân Đào) kể về mối tình lệch tuổi, gần như chú – cháu, nó là chuyện dị biệt ở làng quê; vậy mà rồi họ đã dứt khoát bước qua hủ tệ để tự tạo hạnh phúc cho mình. “Ma lợn” (Trương Thị Thúy) “Nẻo khát”, “Những mảnh hồn lưu lạc”, “Tiếng gọi buổi hoàng hôn” (Trần Thị Tú Ngọc) “Tiếng hát đêm rừng” (Quàng Thị Diên) “Con trai con gái”, “Gã đồ tể” (Trần Hồng Giang) “Lấy vợ cùng cao” (Trần Nguyên Mỹ)… Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, những truyện ngắn để lại ấn tượng mạnh về nhiều mảnh sự đời, nhiều vẻ đẹp mới lạ về văn hóa trong cuộc thi này, có thể kể vài ba chục cái tên như thế!

Nhưng Thể lệ chỉ có bốn giải Tư, chúng tôi đành phải ưu tiên cho thể tài ký và cả vùng miền nữa: “Còn nợ những hương linh liệt sĩ” của Bùi Ngọc Quế, người lính trở lại chiến trường xưa, ký ức về những đồng đội mưu trí dũng cảm sống lại. Ở đây là sáng kiến của người anh hùng, phải thoát hiểm bằng cách vượt sang đất địch, đánh vào sau lưng địch – nơi chúng ít phòng bị nhất. Cuộc tập hậu thắng lợi oanh liệt nhưng anh đã hy sinh trên đất địch nên không tìm thấy xác; đơn vị đành xác nhận là mất tích. Những dòng kể vào đêm khuya, tác giả nhận cú điện thoại của người con gái duy nhất của liệt sĩ nức nở kể về nỗi đắng cay, thua thiệt vì bị ngờ là cha đào ngũ bỏ chạy theo giặc khiến người đọc gai người. “Mự tôi” của Hồ Ngọc Quang còn lùi xa hơn nữa, về thời chiến tranh chống Mỹ. Người lính “tụt tạt” về thăm vợ một đêm, không dám cho xóm riềng, cha mẹ biết. Anh ra đi trong đêm hạnh phúc và ra đi mãi mãi. Thật may là anh kịp để lại giọt máu rồi ra sẽ thành đứa con trai khả dĩ đền đáp cho những tai tiếng, dè bỉu, kỳ thị của người thân và dư luận nghiệt ngã một thời. Anh lính ấy là cậu tôi, cháu kể về mợ, mự tôi ôm con đi “di tản” khỏi dư luận, cắn răng sống nhờ một bản xa Tây Bắc. Cuộc gặp lại, với sự nghiệp thành công của Mự và đứa em họ nay thành chủ tịch một huyện – cuộc gặp lại tràn giào nước mắt, rửa trôi những giọt nước mắt tủi hổ xưa. Giải Tư có truyện thật hay, nó vượt lên cả chùm vài ba chục truyện là “Bước qua ranh giới” của Nguyễn Văn Học. Ở đây là ranh giới giữa thói quen – tiềm thức với lú lẫn – alzheimer của người già. Đó là ông Tảng, nguyên Viện trưởng một viện nghiên cứu. Ông ta, gần như cả đời sắp xếp tổ chức, đưa người này lên, hạ kẻ khác xuống theo ý chí của mình, tạo ekip cho mình. Thế rồi, kẻ ông nhắm thay mình thì quên ngay ông, xếp thằng con vào ghế thì nó bỏ ngang đi theo ý nó. Nhưng quen với việc cả đời sắp xếp rồi, khi về hưu, ông vẫn giơ bút lên ký, đôi khi ký ký vào khoảng không. Đến bà giúp việc cũng có chức, “Bà Lan – Tổ trưởng Tổ Nội trợ”.

Xin đọc một đoạn: “Ông nghĩ cách quy hoạch gia đình. Mỗi người phải có một cái chức. Ông là Giám đốc. Hạnh, con gái cả là Trưởng ban Ngoại giao. Thằng Hùng làm Trưởng ban Phát triển thị trường, còn thằng Thành ương bướng, ngang ngạnh cho làm Trưởng ban Thi đua khen thưởng, kiêm Trưởng ban Giám sát. Thằng cháu nội của ông, cu Bin, làm gì nhỉ? Nó còn nhỏ quá, cũng hay lý sự với ông, cãi ông chem chẻm. Thằng cháu đích tôn làm Đội trưởng Đội Thiếu niên nhi đồng, quản lý luôn cả hai đứa cháu ngoại, con cái Hạnh. Ông gật gù tự nhủ mình đã phân công nhiệm vụ một cách khoa học” Truyện do con trai ông Tảng kể lại vừa hài hước vừa chua chát, giễu nhại một thứ bệnh do quan liêu hóa gây nên đấy mà thương cảm đấy, rất người.

Song Ngư có hai truyện đều cảm động. “Cầu vồng ma” chỉnh thể hơn, số phận của trai gái trẻ vùng cao bấp bênh như cầu vồng ma, quyền được hợp mốt thời trang mâu thuẫn sống còn với điều kiện ngặt nghèo của miền núi cao chưa phát triển đã khiến chồng Giang đi tiếp tay cho buôn bán ma túy phải ngồi tù; mâu thuẫn giữa nhận thức có hạn với thâm u bí ẩn của miền sơn cước vốn là thế mạnh của du lịch vùng này đã khiến Giang không thắng nổi định mệnh, cái chết của cô lại tấp lên huyền tích vốn có của thác Khe Chàm thêm những huyền tích mới mang tên cô. “Giao cảm” có vẻ như khó bị thuyết phục với mối tình giữa bố tôi với cô Trâm, bạn mẹ về mặt tuổi tác. Có vẻ như họ đã 60 ngoài, nhất là từng trải qua TNXP chống Mỹ, họ sẽ “lấy nhau” kiểu khác. Nhưng những chi tiết mẹ vun vén cho cô Trâm với chồng cũ, đoạn anh trai cô Trâm mang số tiền mẹ san sẻ cho cô làm nhà trả lại mẹ và xin tờ giấy biên nhận thật cảm động.

Trong các tổ hợp văn bản của Nguyễn Hải Yến hầu như đều có ma sống với người, thân thiện như người, tiếp tục nỗi niềm người. Trong truyện “Đồng tháng ba sương bắt đầu lên”, nhân vật “Tôi” kể về cái Đống Mả Thần, nơi mẹ anh Cu chết đói khi vớt củi rều; cũng là nơi những người lang thang, đói khát các nơi lưu lạc đến rồi chết ở đấy, vào những ngày giáp hạt tháng ba. Bởi thế, đời này sang đời khác, người làng thường nghe văng vẳng tiếng trẻ khóc, tiếng mẹ ru con. Cho đến một đêm, tình cờ bác Vượng, bố nuôi anh Cu chứng kiến cảnh mẹ anh Cu (đã chết) mang xâu cá chép về Đống Mả Thần nướng mà làm giỗ chung cho cả Đống thì mới hiểu hoá ra mẹ anh Cu chết đói là vì nhường lại nắm cơm cho những linh hồn đói khát đang tụ tập quanh Đống Mả Thần. Mẹ anh Cu chết vì cứu người, vì nhịn ăn cho con người khác, để lại anh Cu cho người khác nuôi. Bác xây cái miếu nhỏ, rồi về sau, cứ cái ngày bị mất cá, bác Vượng lại làm giỗ một lần, cho tất cả (trong đó có mẹ anh Cu). Khổ thân, bác không giàu có gì, gầy như xác ve, cả đời không ai nhìn thấy bác mặc quần áo dài, cứ suốt đêm lần sờ hết sông lại đồng như con ma cá; kiếm được bao nhiêu cá đều nhờ bà tôi bán đi, giữ hộ tiền, tính để rồi xây một cái nhà ngói cho thoả nguyện mẹ anh Cu (một người dưng) trên mảnh vườn bà tôi cho mượn đất mà dựng nên túp lều từ những ngày nảo ngày nào. Cái vòng yêu thương, cưu mang cứ quẩn quanh lặp lại. Nhân nghĩa người Việt chúng ta cũng hình thành và truyền đời từ những điều rất đỗi bình thường như thế, phải chăng?

Đến “Người đàn bà của dòng sông”, bút pháp Hải Yến thêm một lần biến hoá, ấy là cái ô trọc, nghiệt ngã của đời định đẩy con người thành ma bùn, thì chính người đã quyết liệt đứng dậy làm người – cùng với đất đai, với những hồn ma từng bị đất lở và lũ cuốn đi đều tụ về để cùng hơi người làm rễ cho đất đai sinh nở, bám trụ – thế rồi, đến lượt mình, đất đai trở thành giá đỡ cho tình yêu, cho nhân tính. Thú vị là ở đây, cô bảo cậu “không ngáo đá cũng giết người hàng loạt” còn cậu lại hỏi “cô là người hay ma”, khi nhận ra rồi thì nhất thiết bảo cô là “điên rồ”; cứ nhấm nhẳng vậy mà thành ra một chuyện tình say đắm, cao quý, chết thôi.

“Phần mềm” của Phan Đình Minh đọc như xem một vở chèo về cung cách, nhân cách đám quan chức ở cái viện nghiên cứu của nhà nước, một vở chèo vừa hài hước vừa bi thảm. Ở đó, vợ viết phần mềm quản lý hệ thống hộ chồng vì như bố chồng tôi nói “Anh viết có mà thành rác chữ.” Nếu phần mềm HOX2 được nghiệm thu, Đông sẽ cầm hơn 6 triệu, gồm cả mấy lần anh bỏ tiền túi ra mua quà bôi trơn; nhưng phải ký nhận 73 triệu có lẻ. Nhưng cái cuộc nghiệm thu đã diễn ra như một trò hề mà lại hết sức chân thực, ông viện trưởng Quảng suốt ngày chơi games không biết gì đã đành, nhiều quan chức phòng ban cũng hỏi như một cách phản biện nhưng toàn câu hỏi ngu; do không nắm được tính năng của HOX2 lại nhân lúc bốc, ông Quảng còn nói về mô đun tìm kiếm dựa vào các trường mẫu phiếu điều tra, thoả mãn phép toán OR định tính; cho nên ông Khả, quan chức cấp trên về đòi hỏi chính tác vụ ấy thì Đông thành ú ớ. HOX2 thành vỡ chuyện, không thể nghiệm thu. Phía sau hài hước của Phần mềm là thảm cảnh của trí thức, Đông cứ phải “nhặt tiền” kiểu ấy, nhưng vẫn phải làm anh cả, phải thể hiện khi ông bố hợm hĩnh đòi sửa nhà; vợ Đông là Huệ vừa phải trám vào chỗ thiếu hụt học vấn của chồng, vừa phải mặc kệ cho lão Quảng biến thái làm cái việc biến thái trên cơ thể mình, bởi chị biết chắc, nếu phản đối lão, cái HOX2 có mà bung toang, HOX2 mà bung toang, thì lấy đâu ra tiền để sửa nhà cho bố chồng, để thể diện anh cả của chồng được chắp vá cho xong?

Ở truyện “Cha tôi – Kép Cúc”, Phan Đình Minh kể về mối tình tay ba, họ đều là trai tài gái sắc và đều là học trò yêu của Trưởng Chiếu tuồng làng Thạch Lãm, cụ Trùm Thảo. Là chiếu tuồng khiến làng tôi nổi tiếng quanh vùng, nó làm xao xuyến mỗi khi làng mở đám vào hội; các tuồng tích nhân đạo trung nghĩa, anh hùng nghĩa trương thấm đẫm vào hồn người làng; làm nên chính hồn làng. Vậy rồi mẹ mắc lỗi với cha khi ngả vào Kép Cúc sau một đợt họ vào vai tuồng hai nhân vật yêu nhau, như một tất yếu hóa thân. Đúng dịp ấy thì cha tôi từ chiến trường về, do bị thương mà ra Bắc an dưỡng. Cái tên truyện đã phản ánh tinh tế về khả năng tôi được ra đời, viết như thế thì có nghĩa cha tôi là Kép Cúc, nhưng cũng có thể hiểu là cha tôi và Kép Cúc. Họ đã thách đấu nhau gần suốt đêm, rồi Kép Cúc bỏ đi biệt tích hơn chục năm trời. Cái chết của Kép Cúc hóa giải ân oán giữa họ. Còn cái nghĩa từng gắn bó nhau một thời tuổi trẻ say mê học tuồng diễn tuồng khiến cha tôi khóc nấc lên cạnh huyệt mộ Kép Cúc trước khi lấp đất, ông chấp nhận di chúc của cố Trưởng Chiếu tuồng Kép Cúc, đặng vực dậy mảnh hồn làng Thạch Lãm bấy lâu chểnh mảng, rã rượi trong xu thế đô thị hóa, ô trọc hóa.

Hồn làng xưa ở “Ngưu hoàng” của Lê Hoài Lương rã ra từng mảnh sau mấy chục năm mối mọt trường kỳ nghiến ngôi nhà rường cổ. Thổ cư của lão bá hộ rộng cả mẫu với những cây ăn trái lâu năm đã thành rừng cây cổ thụ, nhà ngang dãy dọc, chuồng trại, kho lẫm khang trang lại có nhà cho kẻ ăn người ở. Trong ngôi nhà cổ bày biện toàn đồ gia bảo, nhưng “Bọn phá hoại. Lão rủa inh lên mỗi độ về. Nhưng là rủa chung chung thôi. Bọn phá hoại có ba thằng con trai lão. Đứa này nục xin tấm phản gõ dày cả gang tay về xẻ làm sa lông thẻ, đứa xin cái tràng kỷ chạm khắc xà cừ về kê nằm mát, đứa cái mâm đồng, đứa chở chum vại, hũ, tỉn có tuổi hơn trăm năm… Rồi cũng chẳng còn ở nhà chúng nó. Hoặc bán cho đám đồ cổ hoặc vứt đi thay đồ hiện đại. Tan hoang này có lỗi của lão: chính lão cũng không thấy hết giá trị ngôi nhà của cha mẹ và đã dễ dãi vứt bỏ. Ba đứa con trai không đứa nào thèm nhận nhà từ đường và lão cũng hùa về phố ở với chúng.” Cảm thấy mình sắp chết, lão về lại cơ ngơi xưa. Ký ức vụt dậy, câu chuyện về ngưu hoàng – cái túi mật của con bò vàng do lão thầy Miên nói, là một loại kỳ dược, có thể cải tử hoàn sinh. Bản năng sống âm ỷ trong cơ thể rệu rã của lão bùng lên như bấc cạn dầu, mùi hương của đàn bà, cả hương âm con ma nữ áo trắng đi từ dưới ao lên vẫn “sống” trong truyền kỳ, từng trong mơ biến gã trai mười bảy là lão thành đàn ông rồi cứ nương vào hương vợ, cả các cô con dâu lẫn đứa người làm mà thức dậy, lan tỏa, mời gọi lão. Cả những truyền kỳ đàn gà từ gò phía sau chui qua lũy tre mà vào khu vườn âm u kia rồi bị bắt lại, khi mặt trời lên, gà hóa thành vàng. Cả cuốn sách gia truyền “Vạn pháp quy tôn” xưa người Pháp biết nó quý giá từng tìm mọi cách để có mà không có được. Tất cả chỉ còn là ký ức, cuốn “Vạn pháp quy tôn” được chôn giấu kỹ trong vườn, nay cũng mủn ra thành bột; hồn làng xưa ngụ trong hồn của lão, hồn lão ngụ trong cơ thể đang dần tàn lụi còn chính lão thì ngụ trong ngôi nhà rường đang mòn mỏi giữa đàn mối mọt kiên trì và ráo riết gặm nhấm. Chi tiết cái chết của lão bá hộ ở đây, cũng như cí chết của Kép Cúc trong Cha tôi – Kép Cúc thật vang vọng, văng xa.

Cái tích Từ Thức gặp Tiên đã quá quen thuộc, vậy mà Lê Hoài Lương dám kể chuyện một người vì đi uống nước ở giếng Tiên mà ngủ suốt 80 năm nay, trong truyện Sóng khác, kể cũng liều. Nhưng gã ngư phủ ngày xưa sống hạnh phúc khỏe khoắn với vợ và với thiên nhiên chợt hiện ra trước lớp lớp người hiện đại như một “báu vật” còn gã cũng không sao hiểu nổi vì đâu mà con người sống giữa những “cái hộp” với sự trợ giúp của bao nhiêu tiện nghi công cụ – trong đó có công cụ tình dục mà vẫn không hạnh phúc thì rõ là mới lạ. Và hay!

Chúng tôi thống nhất cao ở ba tác giả tốp đầu: Lê Hoài Lương, Phan Đình Minh, Nguyễn Hải Yến. Thật mừng là ở họ, viết về hồn làng, ở Sóng khác là hồn biển với một ý thức rất cao, được vun bồi dày dặn và thấm thía để trở thành tư tưởng nghệ thuật. Ở Phần mềm, tuy là viết về một viện trí thức ở đô thị, nhưng bao trùm lên vẫn là hình bóng của những nông dân thấp thoáng hồn làng. Đằng khác, từ các tác phẩm của họ mở ra một định đề: hồn làng là hồn Việt, hiện còn là một nguồn cảm hứng mênh mông thăm thẳm cho sáng tạo văn chương.

VĂN CHINH  

GIẢI THƯỞNG QUỸ NHÀ VĂN LÊ LỰU – LẦN THỨ 4

 

Giải Nhất, 50 000 000đ, 01 giải.

Tác giả Lê Hoài Lương- Tác phẩm: Sóng khác, Ngưu hoàng

Giải Nhì, mỗi giải 20 000 000 đ; 02 giải:

Tác giả Phan Đình Minh – Tác phẩm: Cha tôi – Kép Cúc, Phần mềm

Tác giả: Nguyễn Hải Yến- Tác phẩm: Người đàn bà của dòng sông, Đồng tháng ba sương bắt đầu lên

Giải ba, mỗi giải 15 000 000 đ; 03 giải:

Tác giả: Đinh Ngọc Hùng – Tác phẩm: Mặn mòi vị biển, Thăng trầm của đất, Vỡ làng

Tác giả: Phan Đức Lộc – Tác phẩm: Lỗ sẻ, Người đàn ông của dòng sông

Tác giả: Võ Thị Xuân Hà -Tác phẩm: Khúc Thiên thai, Giữa bầy cừu

Giải Tư, mỗi giải 10 000 000 đ; 04 giải:

Tác giả: Song Ngư – Tác phẩm: Giao cảm, Cầu vồng ma

Tác giả: Hồ Ngọc Quang – Tác phẩm: Mự tôi

Tác giả: Bùi Ngọc Quế – Tác phẩm: Còn nợ với hương linh liệt sĩ

Tác giả: Nguyễn Văn Học – Tác phẩm: Bước qua ranh giới

Văn Hóa Doanh Nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *