Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải: Máy gặp lỗi khi đang học

Vanvn- Một buổi đang ngồi học bình thường thì màn hình “Phòng học” bị thu lại nhỏ tí trong khi âm thanh vẫn bình thường. Đúng lúc ấy cô bảo Phương đọc bài tiếng Việt. Phương tìm mãi ở ở cuối “Phòng học” bấm liều vào một chỗ mình đoán là có nút “Mic”. May quá, đúng là nút này và Phương báo với cô: “Cô ơi! Tự nhiên màn hình “phòng học” của con thu nhỏ lắm. con không thấy gì ạ”. Cô nói: “Vậy thì con mở sách giáo khoa ra đọc. Đọc xong, con nhờ người thân điều chỉnh lại màn hình cho trở lại bình thường”.

Nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai

MÁY GẶP LỖI KHI ĐANG HỌC

 

Việc học trực tuyến không phải cứ theo thời gian đi dần vào nề nếp được với mọi học sinh lớp Một. Bố kể rằng lớp Một-Bốn của Phương có gần chục bạn như Phương, sinh vào đầu năm. Trong khi đó cũng có mấy bạn sinh vào cuối năm. So tuổi thì bằng nhau nhưng so tháng thì chênh nhau đến hơn nửa năm. Ông nội nói: “Ở lứa tuổi này mà lớn nhỏ hơn nhau nửa năm là sự tiếp thu khá khác biệt”.

Phương không rõ lắm sự khác biệt mà ông nội nói là gì. Chỉ biết là trong lớp, có những bạn nói chưa sõi, rất khó nghe. Có bạn đã học gần hết học kỳ Một mà vẫn chưa biết tự tay mở hay tắt “Mic”, phải nhờ người nhà thực hiện giúp. Vì vậy khi cô gọi, bao giờ bạn này cũng trả lời chậm, thường là sau khi có tiếng người thân nhắc: “Nói đi”.  Nhiều bạn thì sau khi trả lời xong, quên tắt “Mic” nên cả lớp nghe rõ những lời nói, âm thanh vang lên từ “phòng học” nhà bạn ấy. Cô luôn phải nhắc “Tắt Mic ngay!”.

Mỗi buổi chiều, cô đều nhắn tin cho các phụ huynh về bàì tập đọc, bài tập viết hay bài toán cho học trò làm ở nhà. Phụ huynh chụp hay quay lại, gửi cho cô để cô kiểm tra. Việc này thì bố thực hiện không bỏ sót buổi nào. Qua sáng hôm sau, cô nhận xét những bài làm tốt hoặc những bài còn sai sót, mắc lỗi. Thỉnh thoảng Phương cũng bị nhắc. Hết giờ học, ông nội nhắc lại và yêu cầu Phương phải chỉnh sửa lỗi vào buổi chiều.

Phương tự nhận xét là mình thuộc nhóm tương đối sử dụng “phòng học” đạt yêu cầu. Mở máy vi tính, vào Zoom, đến “phòng học” của cô, đánh mật mã dưới tên mình dể

vào lớp. Trong khi học, luôn mở “Cam” để cô nhìn thấy mình, :Mic” thì tắt, chỉ mở khi nghe cô gọi đọc bài, sau đó lại tắt.

Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những “sự cố kỹ thuật”. Ông nội bảo thế.

Một buổi đang ngồi học bình thường thì màn hình “Phòng học” bị thu lại nhỏ tí trong khi âm thanh vẫn bình thường. Đúng lúc ấy cô bảo Phương đọc bài tiếng Việt. Phương tìm mãi ở ở cuối “Phòng học” bấm liều vào một chỗ mình đoán là có nút “Mic”. May quá, đúng là nút này và Phương báo với cô: “Cô ơi! Tự nhiên màn hình “phòng học” của con thu nhỏ lắm. con không thấy gì ạ”. Cô nói: “Vậy thì con mở sách giáo khoa ra đọc. Đọc xong, con nhờ người thân điều chỉnh lại màn hình cho trở lại bình thường”.

Phương làm theo lời cô. Ông nội suy nghĩ một lát rồi bảo Phương tìm cái nút có hình ô vuông ở phía trên khung hình rồi bấm vào đó xem sao. “Nhưng ở phía trên không có cái nút vuông nào cả”. “Vậy thì con tìm ở phía dưới”. “À! Đây rồi. Phía dưới có cái nút vuông”. Phương bấm vào cái nút. Lập tức màn hình “Phòng học” trở lại bình thường. Ông nội nói:  “Vậy là lúc nãy con vô tình bấm vào nút thu nhỏ”. Giờ giải lao, ông nội bảo Phương thử bấm thu nhỏ, phóng to mấy lần để thành thạo việc điều chỉnh.

Lại một buổi học, Phương vào “Phòng học” nhìn thấy tất cả, từ cô đến các bạn nhưng không nghe được âm thanh nào. Cầu cứu ông nội, ông bảo thử “thoát” ra rồi vào lại xem sao. Nhưng tình trạng vẫn như cũ. Phương bấm “Mic” báo với cô là mình không nghe được gì. Cô trả lời, mà tất nhiên Phương không nghe được. Pương đoán là  cô bảo Phương nhờ người thân giúp. Ông nội loay hoay mãi vẫn không nghe gì, phải gọi điện báo cho bố biết. Bố hướng dẫn này nọ toàn  những việc hai ông cháu đã làm. Cuối cùng, bố như sực nhớ ra điều gì liền hỏi: “Phương có thấy phía phải của máy có gắn dây tai nghe không? Nếu có thì rút ra ngay”. Đúng là bố gắn tai nghe để làm việc tối hôm trước mà quên rút ra. Phương làm theo lời bố, lập tức máy có âm thanh. Sau lần này, Phương lại có thêm một kinh nghiệm dùng máy vi tính.

Nhưng mặc dù thế, việc học trực tuyến vẫn có nhiều bí mật mà không biết lúc nào sẽ xảy ra. Hẳn là với học trò lớp Một như Phương, đây vẫn là một việc quá sức…

 

SẮP KIỂM TRA HỌC KỲ RỒI

 

Cô lại thông báo họp với phụ huynh vào buổi tối thứ bảy. Bố ngồi họp trực tuyến, sau đó báo cho Phương biết là Phương sắp phải dự kiểm tra học kỳ Một. Tính từ đầu tuần sau thì chỉ còn mười ngày nữa. Cô sẽ ôn tập cho cả lớp hai môn kiểm tra trực tuyến là môn Tiếng Việt đọc và viết cùng môn Toán. Cô đề nghị các phụ huynh nhắc nhở con em mình tập trung ôn tập vào các buổi chiều và người nhà không được trợ giúp. Ngày kiểm tra, cô sẽ đọc đề cho học trò làm trong thời gian quy định và có thêm một cô dạy lớp Hai cùng theo dõi học trò làm bài.

Ông nội nói:

– Trước nay ông nội không hề trợ giúp Phương nên con có thể tự tin một mình làm bài kiểm tra. Ông nội biết là con sẽ vượt qua buổi kiểm tra. Nhưng dù sao con cũng phải tập trung ôn tập nghe chưa.

Bố còn thông báo là theo lệnh của Phòng Giáo dục thì dự kiến sau khi kiểm tra hoc kỳ một tuần, học sinh sẽ được đến trường đi học trực tiếp. Phương reo lên:

– Thích quá! Con sẽ được nhìn “cô thật”, được gặp các bạn cùng lớp…

***

Cô dành nhiều thời gian cho việc ôn tập môn Tiếng Việt đọc vì trong lớp còn nhiều bạn đọc chưa tốt. Cô soạn ra mười bài tập đọc trong đó có tám bài văn và hài bài thơ. Cô gửi cả mười bài cho phụ huynh để in ra, cho con em tập đọc trước. Bố in ra giấy, nhờ ông nội cho Phương đọc xem sao. Mười bài thì chỉ có ba bài là bài đã học trong sách giáo khoa, còn bảy bài là bài mới, không biết cô lấy ở sách nào. Hai bài thơ thì đều có ba khổ, một bài mười câu, một bài mười hai câu. Bài văn cũng dài đến năm câu.

Ông nội bảo Phương đọc thử bảy bài mới, ba bài đã học được cho qua. Những bài mới có nhiều chữ lạ nhưng Phương đều nhẩm đánh vần nhanh và đọc đúng cả. Chỉ có vài chữ tuy đọc được nhưng Phương không hiểu. Ông nội liền giải thích. Hiểu nghĩa rồi, Phương đọc lưu loát hơn. Ông nội nhận xét:

– Con chỉ cần tập trung nghe cô ôn tập là đọc đúng và lưu loát đạt yêu cầu…

– Nhưng cô đánh giá ba mức là Cần cố gắng, đạt và tốt. Con muốn được tốt cơ.

– Ừ! Vậy thì con cố gắng nhé!

 

EM QUỲNH ĐÃ BIẾT ĐÒI

 

Em Quýnh được mười một tháng tuổi rồi. Bố mẹ bảo sẽ làm lễ thôi nôi cho em, sau đó còn làm sinh nhật một tuổi.

– Sao mỗi năm con chỉ có một lần sinh nhật mà em Quỳnh lại có cả thôi nôi lẫn sinh nhật?

– Thôi nôi là tròn năm theo âm lịch, còn sinh nhật là tròn năm theo dương lịch. Thôi nôi chỉ có một lần, còn sinh nhật thì năm nào cũng có.

– Con không hiểu. Âm lịch là gì? Dương lịch là gì?

– Âm lịch là ngày tháng tính theo lịch cổ truyền, còn dương lịch tính theo lịch mới. Con nhìn tờ lịch đi. Số to bên trên là ngày dương lịch còn số nhỏ bên dưới là ngày âm lịch. Con cứ biết như thế đã. Sau này học lên các lớp trên, con sẽ hiểu rõ hơn.

Phương vốn rất tò mò, bố gọi là “chuyên gia hỏi nghĩa là gì, hỏi tại sao?”. Lần này “chuyên gia” cũng phát huy tình tò mò của mình:

– Ông nội ơi! Thế nào là tháng, thế nào là năm?

– Ngày, tuần, tháng và năm là các đơn vị thời gian, trong đó năm là dài nhất. Một năm có mười hai tháng, có năm mươi hai tuần, có ba trăm sáu mươi lăm ngày.

– Khó quá, con không nhớ được đâu.

– Cũng không cần con phải nhớ hết. Trước mắt, con chỉ cần nhớ một tuần có bảy ngày, con học năm ngày từ thứ hai đến thứ sáu, còn hai ngày cuối tuần là thứ bảy và chủ nhật thì được nghỉ.

Phương nghĩ thầm: “Xem ra còn quá nhiều điều mình chưa biết. Người lớn sao chuyện gì họ cũng biết nhỉ? Ở nhà bây giờ, mình chỉ hơn mỗi em Quỳnh”.

***

Em Quỳnh đã biết nhiều hơn trước. Bây giờ thay vì ngồi nhìn mọi người thì em đã biết biểu lộ đôi điều. Chẳng hạn như em biết cười khi có điều gì làm em thấy thích thú. Em biết đòi bế bằng mấy tiếng “A… A…” và dang hai tay về phía trước. Khi ngồi ghế hơi lâu, em biết co một chân rút ra khỏi dây thắt an toàn để hòng đứng lên. May mà lần nào người lớn cũng phát hiện nên em mới không bị ngã nguy hiểm.

Bố mua cho em Quỳnh chiếc xe tập đi. Em thích lắm, ngồi trong xe, chân em bước tới để di chuyển khắp nơi trong nhà. Tuy vậy, khi không có xe thì em chỉ tự đi được một hai bước đã phải ngồi xuống rồi cười ngỏn nghẻn.

Giúp bà dỗ em, Phương thích cho em ngồi xe tập đi. Khi ấy, em hay “nói chuyện” với chị Hai. Phương còn lấy chiếc xe đạp của mình ra “đi” cùng em. Chiếc xe này ở bánh sau có thêm hai bánh nhỏ để giữ cho xe không bị dổ, sau này bố tháo hai bánh nhỏ để Phương tập đạp xe hai bánh như người lớn. Phương tập mãi vẫn chưa được, cứ phải lấy chân giữ mỗi khi xe nghiêng qua một phía. Không chừng em Quỳnh biết đi trước khi Phương đi được xe đạp hai bánh cũng nên.

“Hai chị em mình thi đua nhé!”. Phương nói với em Quỳnh mà biết rằng chỉ có chị Hai mới hiểu…

 

KHỔ CHƯA! BỆNH MẤT RỒI!

 

Sau buổi học trực tuyến sáng ngày thứ ba của mười ngày ôn tập kiểm tra học kỳ Một, Phương cảm thấy trong người mình hâm hấp nóng hơn bình thường.

Bữa cơm trưa, Phương nói với bố:

– Bố ơi! Con bị sốt rồi thì phải…

Bà  nội nói thêm:

– Sáng nay bé Phương ho húng hắng đó…

Bố lấy máy đo thân nhiệt bằng pin ra đo nhiệt cho Phương. Đo ở trán thì 37 độ 3, đo ở thái dương tới 37 độ 8. Bố nói:

– Gần sốt thôi. Chắc Phương lại bị viêm họng nữa rồi.

Thời gian học Mầm Non, Phương thường bị viêm họng, lần nào bác sĩ cũng dặn Phương không được uống nước lạnh hay ăn kem. Lần này rồi chắc cũng thế thôi.

Bố cho Phương uống thuốc giảm sốt, đợi tối xem sao rồi sẽ đưa đi khám bác sĩ.

Nhưng buổi chiều mẹ về trước bố, đo nhiệt độ lại cho Phương thì thấy sốt đến 39 độ. Mẹ vội làm “tét nhanh” thì thấy hiện lên hai vạch, nghĩa là kết quả dương tính. Mẹ lo lắng báo cho cả nhà biết. Ông bà nội cũng lo lắm. Bốn người lớn trong nhà, ai cũng đã chích ngừa, có người hai lần, có người ba lần, chỉ có Phương và em Quỳnh chưa được chích. Bố về, lập tức báo cho y tế phường biết.

Mọi người đoán xem Phương bị lây bệnh từ đâu. Hôm chủ nhật Phương theo mẹ về nhà ngoại ở quê, có chơi với đám trẻ lối xóm. Bố gọi điện hỏi nhà ngoại thì biết không ai bị bệnh. Vậy có thể nguồn lây là từ một đứa trẻ lối xóm nào đó chăng?

Phương không có triệu chứng nặng, nhà lại có điều kiện nên được cách ly điều trị ở nhà. Gia đình nhỏ của Phương có bốn người ở cả trên lầu. Em Quỳnh được gửi xuống tầng trệt ở với bà nội. Phương phải ở riêng một phòng, là phòng của bố cũng là phòng Phương học trực tuyến.

Cả nhà phải đeo khẩu trang, trừ em Quỳnh. Bố nói sẽ điện cho cô biết là Phương bị bệnh, xin cô cho nghỉ học từ ngày mai. Nhưng Phương xin:

– Nếu con khỏe thì bố cho con ngồi học. Chứ không học thì con buồn lắm. Lại sắp kiểm tra rồi…

Tối ấy, Phương phải ngủ một mình, tủi thân thút thít khóc suốt cho đến khi ngủ thiếp đi.

NGUYỄN THÁI HẢI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *