Tình cảm học trò qua những trang thư

Vanvn- Năm 2021 là một năm đặc biệt bởi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề ở Việt Nam. Thầy trò chúng tôi phải chuyển sang hình thức học trực tuyến từ tháng 5.2021 và vẫn chưa biết chính xác khi nào có thể chuyển sang học trực tiếp.

Tôi vinh dự là giảng viên của một trường đại học có danh tiếng ở TPHCM – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngôi trường tôi đã gắn bó suốt 18 năm nay. Ngôi trường đã giúp tôi trưởng thành và cũng là ngôi trường giúp tôi gắn bó với rất nhiều lớp sinh viên học đại học.

Tác giả Quang Học tên thật Đỗ Văn Học, Tiến sĩ – Giảng viên chính, Trưởng khoa Lưu trữ học – Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

Trong học kỳ 1, năm học 2021 – 2022, tôi có giảng dạy môn học quen thuộc là: Văn bản quản lý nhà nước và kỹ thuật soạn thảo văn bản cho 1 lớp đại học hệ chính quy và 1 lớp đại học hệ vừa làm vừa học (VLVH) niên khóa 2019 – 2023. Môn học có 3 tín chỉ. Trong đó có 2 tín chỉ lý thuyết (30 tiết), 1 tín chỉ thực hành (30 tiết). Tổng cộng 60 tiết, được trải đều cho 12 buổi học dành cho mỗi lớp.

Lớp hệ VLVH có gần 30 sinh viên là cán bộ đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Lớp hệ chính quy có 94 sinh viên ngành Lưu trữ học và 09 sinh viên ngành Ngôn ngữ học đăng ký học với tư cách là môn học tự chọn.

Ngoài 2 phần chính của môn học là lý thuyết và thực hành soạn thảo văn bản hành chính, tôi mở rộng một chút để sinh viên tự tìm hiểu về phương pháp soạn thảo một số bản văn diễn thuyết, thư từ. Ở những thể loại văn bản này, sinh viên có thể sử dụng từ lúc còn trên ghế nhà trường để trao đổi với người thân, bạn bè và cả với thầy, cô. Sau khi ra trường, các em vận dụng để sử dụng vào nhiều mục đích của công việc cũng sẽ mang lại những hiểu quả rất thiết thực.

Chủ đề được gợi mở là sinh viên viết một lá thư nói lên những cảm nhận, suy nghĩ về trường, về khoa, về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến việc học hành; hoặc có thể viết về việc học trực tuyến (online) – hình thức học mới lạ so với những năm trước; gần nhất, các em có thể viết thư phản hồi những nhận xét, đánh giá về môn học Văn bản quản lý nhà nước và kỹ thuật soạn thảo văn bản hoặc giảng viên phụ trách môn học đó là tôi.

Dạy và học trực tuyến của Khoa Lưu trữ học – Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM

Đáp lại những gợi mở này của giảng viên, hầu hết các em đã gửi thư cho tôi sau khi học xong 10 buổi, nhưng cũng có em chờ sau khi hoàn thành 12 buổi học.

Qua những lá thư, thấy được hàng trăm câu chuyện nhỏ của các em ở nhiều tỉnh, thành trải dài khắp dài miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù có những khó khăn riêng, hoàn cảnh riêng, nỗi buồn, nỗi nhớ khi phải xa trường, xa thầy, cô và các bạn, nhưng trong những lá thư đó, các em đã viết lên biết bao suy nghĩ tích cực, biết bao nhiêu hoài bão, biết bao nhiêu sự yêu thương, trân quý trong cuộc sống này.

Chẳng hạn như một số dòng trích đoạn trong những lá thư khác nhau sau đây:

– “Thầy ơi, “Nhân Văn” thân thương như bao người vẫn gọi, từ lạ lẫm đến thân quen, đến bây giờ em càng thêm tự hào về hai từ này. Nhờ có “Nhân Văn” mà em đã thay đổi rất nhiều, từ một người trầm tính, ít nói em trở nên cởi mở hơn với mọi người. Em biết chủ động nắm bắt những cơ hội tốt, biết phấn đấu hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Tại đây các sinh viên được khám phá những tri thức mới mà em tin chắc rằng ở nơi khác khó mà biết được. Trường và khoa thường xuyên tổ chức các buổi talkshow, workshop, hội thảo nghiên cứu khoa học,… giúp sinh viên có cơ hội được tìm hiểu sâu về lĩnh vực đang học tập hoặc các lĩnh vực liên quan. Em học thêm được nhiều điều mới, điều hay và các kinh nghiệm từ các giảng viên hay các anh chị đi trước, điều đó khiến em tự tin hơn khi bước ra xã hội”.

– “Trong  đại  dịch  vừa  qua  thì  gia  đình  của  em  cũng  là  một trong  số  nhiều  người  bị nhiễm  bệnh,  nhưng  không  phải  vì  vậy  mà  em  trở  nên  tiêu  cực  hay  buồn  rầu.  Bởi  qua  đại  dịch  đã  giúp  cho  em  nhận  ra  những  tình  cảm  thật  tốt  đẹp  luôn tồn tại xung quanh mỗi  người chúng ta, chỉ là  do mình luôn  chạy theo nhịp sống vội vã  của  xã  hội  mà quên  mất đi  điều  đó”.

– “Thời gian này cũng là lúc chúng em bước vào kỳ thực tập, với tình hình dịch diễn biến phức tạp tại địa phương, em rất lo lắng vì khó khăn trong việc chọn cơ quan và viết báo cáo thực tập. Em hi vọng dịch bệnh mau qua đi để mọi người cùng trở lại làm việc và học tập thuận lợi. Em mong muốn sớm được trở lại trường, gặp gỡ thầy cô, bạn bè và tiếp tục thực hiện những ước muốn trong tương lai còn đang dang dở”.

– “Em rất tự hào là sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và là sinh viên khóa 2019 của Khoa Lưu trữ học – Quản trị văn phòng nói riêng. Thầy cô và tất cả bạn bè trong khoa đều rất quan tâm đến nhau. Thầy cô vẫn luôn hỏi han, quan tâm đến sinh viên của mình, luôn có những chính sách hỗ trợ kịp thời đến những bạn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID hiện tại”.

Nội dung lớn nhất, được nhiều em sinh viên đề cập đến nhất là phân tích, đánh giá và khẳng định tính hữu dụng của môn học Văn bản quản lý nhà nước và kỹ thuật soạn thảo văn bản các em được học. Cùng với đó, là tình cảm, sự trân trọng dành cho giảng viên phụ trách môn học.

– “Trong những tuần qua, chúng em được biết đến Thầy thông qua môn Văn bản quản lý nhà nước và kỹ thuật soạn thảo văn bản. Em tự cảm thấy may mắn khi được Thầy hướng dẫn và giảng dạy nhiệt tình trong những tuần qua. Cách thầy giảng bài và tương tác với sinh viên rất dễ chịu. Thầy rất hay cười và trong tiết học lúc nào Thầy cũng ung dung, vui vẻ và Thầy có rất nhiều sắc thái khác nhau trong buổi học”.

– “Em cảm ơn Thầy rất nhiều vì Thầy luôn là người thầy chuẩn mực, đáng tin tưởng, rất trách nhiệm. Thầy tạo cho sinh viên cảm giác an toàn, cảm giác muốn trở nên giống Thầy để cống hiến hơn nữa cho xã hội. Thầy là một nhân vật truyền cảm hứng lớn đối với chúng em”.

Đọc đi, đọc lại tới cả hơn trăm lá thư, lòng tôi thấy cứ lâng lâng một niềm vui khó tả. Những ghi nhận, đánh giá và những tình cảm của sinh viên khiến tôi càng yêu nghề dạy học, càng yêu các em sinh viên nhiều hơn nữa và chắc chắn rằng mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin, yêu của các em.

Để tỏ lòng tôn trọng đến các em; đồng thời, cũng là để luôn nhắc mình hàng ngày phải cố gắng nhiều hơn, tôi quyết định đóng thành 1 tập những lá thư này. Tập hợp những lá thư đó, tôi tôn trọng tuyệt đối nguyên bản các em gửi. Tôi chỉ tác động đến nội dung các lá thư đã được in ra bằng chữ viết tay của mình nếu như có một số chi tiết nào đó cần chú thích, diễn giải để khi đọc lại xác định cho rõ, chính xác hơn (chẳng hạn như trong file lá thư, các em không giới thiệu họ và tên. Bởi vì, thông tin cá nhân về họ và tên, mã số sinh viên được ghi trong E-mail nhưng tập hợp này không in chi tiết đó).

Đây là một học kỳ đặc biệt vì trò và thầy gặp nhau chỉ theo hình thức trực tuyến. Năm 2021 này, sẽ mãi mãi được nhớ đến với những nỗi khó khăn, vất vả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng, chắc chắn rằng, những lá thư này của sinh viên cũng sẽ là một trong số những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời nhà giáo của riêng tôi và sẽ được tôi lưu giữ lại.

QUANG HỌC

One thought on “Tình cảm học trò qua những trang thư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *