Về tiểu thuyết Kim Ji Young sinh năm 1982 của Cho Nam Joo

Vanvn- Tôi sinh ra trong một gia đình chỉ có ba chị em gái.

Chỉ có ba chị em gái, nghĩa là bố mẹ tôi hoàn toàn không có con trai.

Từ khi còn bé xíu, tôi đã thường xuyên được nghe những lời trêu chọc của mọi người xung quanh là “đồ vịt giời vô tích sự”. Tôi ghét ông hàng xóm vô cùng vì ông hay trêu chị em chúng tôi bằng cách hát rống lên: “Chúng con là lũ vịt giời/ Bé thời ăn hại lớn thời bay đi”, vì ông có những ba cậu con trai nghịch như quỷ sứ!

Và thực sự suốt những năm tháng ấu thơ dại dột đó, tôi đã hơn một lần ước mình được là con trai, hoặc mình có một anh trai hay một em trai!

Tiểu thuyết “Kim Ji Young sinh năm 1982” của Cho Nam Joo, Dương Thanh Hoài dịch, NXB Phụ Nữ 2019

Em gái tôi, năm nó học lớp 7, đã biết đanh thép tuyên bố: chúng mình không phải con trai, nhưng chúng mình phải học giỏi, phải ngoan ngoãn, tháo vát, tốt đẹp, để những người có đầy con trai phải ao ước đẻ được những đứa con gái như chúng mình!

Đây là một cách “xù lông” bởi nó cũng đã bị tổn thương quá nhiều vì những lời trêu chọc tưởng như vô hại từ người lớn, trong đó, đáng buồn thay, lại có rất nhiều người thân thiết, ruột thịt!

Bao kỷ niệm ngốc nghếch ngày xưa ùa về khi tôi đọc “Kim Ji Young sinh năm 1982” của  Cho Nam Joo, một nhà văn nữ Hàn Quốc.

Cuốn tiểu thuyết nhỏ xinh, 200 trang in, viết rất gọn bằng thứ văn chương đời thường giản dị, rủ rỉ kể chuyện đời của một người phụ nữ. Người phụ nữ đó là Kim Ji Young. Sinh năm 1982, nghĩa là Ji Young còn rất trẻ. Cô thuộc về thế hệ phụ nữ hiện đại của cuộc sống đương đại đầy bận rộn và tiến bộ này. Có chồng yêu thương, có con gái xinh xắn, có hai bên gia đình nội ngoại đủ đầy, cuộc sống của Ji Young tưởng chừng viên mãn khi cô chỉ phải lo việc nội trợ, chăm con hàng ngày. Nhưng Ji Young lại phát điên bởi cuộc sống tưởng chừng viên mãn ấy. Thân phận của người phụ nữ châu Á (vâng, Kim Ji Young là đại diện cho những phụ nữ châu Á) được gợi lên thật sự chua xót trong cuốn tiểu thuyết này.

Mỗi chương của tiểu thuyết tương ứng với một đoạn đời của Ji Young: Thuở ấu thơ, thời áo trắng, bước nhỏ vào đời, gia đình nhỏ, cuộc sống vẫn chảy trôi. Kim Ji Young giống bao cô gái Hàn Quốc khác, sinh ra đã chịu áp lực nặng nề của việc mình là con gái. Trước cô, mẹ đã sinh một chị gái, nên cô trở thành nỗi thất vọng lớn lao của cả gia đình. Việc có con trai đã trở thành bắt buộc đối với “nghĩa vụ sinh đẻ” của những người vợ, người mẹ trong gia đình. Đến nỗi ngay chính những người phụ nữ cũng mặc nhiên thừa nhận điều này. Bà nội Kim Ji Young luôn có một niềm tự hào lớn lao trong suốt cuộc đời là: “Dù thế nào thì tôi cũng đã sinh ra và nuôi dưỡng được bốn đứa con trai (…) Ngay cả khi con trai không làm được gì thì vẫn phải có bốn đứa” (trang 36). Và đúng là con trai bà “không làm được gì” cho bà cả, khi “người nấu cơm nóng cho bà ăn, trải đệm cho bà ngủ trên sàn nhà ấm áp không phải con trai bà mà là con dâu Oh Mi Sook, mẹ của Ji Young, nhưng bà vẫn luôn nói như vậy”(tr 36). Mỗi lần mẹ Kim Ji Young sinh ra một bé gái là một lần phải cúi đầu xin lỗi mẹ chồng, và câu an ủi của mẹ chồng như xát muối vào lòng con dâu, vào lòng độc giả: “Không sao đâu, đứa thứ hai sinh con trai là được” “Không sao đâu, đứa thứ ba sinh con trai là được” (tr 37). Đúng là không sao nếu như có con trai. Thân phận của những bé gái chỉ được chấp nhận nếu nó có anh hoặc em trai. Tôi bị ám ảnh rất nhiều bởi hình ảnh bà mẹ khi sinh đứa con gái thứ hai (chính là Kim Ji Young) đã đau đớn thốt lên: “Con ơi! Mẹ xin lỗi con”.. . Xin lỗi, bởi bà biết rõ rằng, mình đem con đến với thế giới này, nhưng không thể đủ sức cho con một cuộc sống hạnh phúc hoàn toàn vì con là con gái. Biết bao đắng cay đã mặc định trên đầu một đứa bé gái, từ khi mới lọt lòng. Và đắng cay hơn, khi có những bé gái vĩnh viễn bị tước cơ hội sống từ khi còn là một bào thai, chỉ vì mình là con gái, vì cái giới tính không thể nào chọn lựa được. Lần mang thai thứ ba của mẹ Kim Ji Young là thế! Bà buộc phải bỏ đi đứa con vừa rõ hình hài, vì nó không phải là con trai như kỳ vọng của cả gia đình! Bà bác sỹ già, người thực hiện thủ thuật loại bỏ thai nhi đã nắm tay người mẹ đang đau đớn phát điên để nói lời xin lỗi! Rõ ràng, cùng là phụ nữ, cùng hiểu đến tận cùng những nỗi đau của việc phân biệt giới tính, nhưng họ không thể nào chống lại được cả tập quán, cả xã hội! Biết bao bé gái đã bị tước đoạt cơ hội chào đời chỉ vì lý do như thế!

Cuối cùng mẹ Kim Ji Young cũng sinh được con trai! Cuộc sống với bà đã dễ thở hơn vì cởi bỏ được áp lực phải sinh con trai cho dòng tộc. Nhưng áp lực chuyển sang hai cô con gái của bà. Mọi quyền lợi, mọi ưu đãi trong gia đình dồn cả vào cậu em trai, khiến cho Kim Ji Young và chị gái luôn cảm thấy: “em trai và những gì thuộc về em là quý giá nhất, không một ai có thể tùy tiện đụng tới bất cứ thứ gì, Kim Ji Young cũng chỉ là “không một ai” trong con mắt của bà. Và chị gái cô cũng vậy” (tr34). Bao nhiêu ưu tiên trong gia đình dồn hết cả vào cậu em: “Em trai sẽ được ăn những miếng đậu phụ và há cảo nguyên vẹn còn Ji Young và chị gái thì chỉ được ăn những miếng bị vỡ. Đũa hoặc tất, quần áo giữ nhiệt, cặp sách hay túi đựng giày của em trai đều là lành lặn và có đôi có cặp, còn của chị gái và Ji Young thì cọc cạch cũng là chuyện đương nhiên (…) Nếu đồ ăn vặt chỉ có hai phần thì em trai ăn một phần còn hai chị em Ji Young chia nhau phần còn lại (tr 35)

Nhà phê bình Nguyễn Thị Việt Nga

Cái bóng ma phân biệt giới tính trùm lên cuộc sống của tất cả những người phụ nữ trong tác phẩm này. Không chỉ có chị em Kim Ji Young mà bất kỳ ai là phụ nữ trong cuộc sống quanh cô, đều là nạn nhân của việc kỳ thị đó. Bà nội Kim Ji Young cả đời vất vả vì phải đối mặt với chiến tranh, bệnh tật, đói khát, kiếm tiền cật lực để lo cho bốn cậu con trai, trong khi “ông nội của Ji Young, người đàn ông voeis gương mặt trắng trẻo và đôi tay đẹp đẽ, cả đời chưa bao giờ cầm lấy một nắm đất. Thậm chí ông không đủ năng lực và không bao giờ suy nghĩ về việc lo toan, gánh vác gia đình” (tr 36) thì “bà nội cũng không bao giờ trách móc ông nửa lời”. Niềm an ủi to lớn nhất của bà trong cuộc đời là đã đẻ được bốn đứa con trai. Mẹ Kim Ji Young cùng các chị em gái của mình phải bỏ học ngang chừng để đi làm công nhân vất vả, với đồng lương ít ỏi “dùng để đóng học phí cho em trai hoặc anh trai”. Bởi vì “người ta quan niệm rằng con trai phải gánh vác gia đình, đó là sự thành công và cũng là hạnh phúc của một gia đình. Còn con gái thì phải sẵn sàng hỗ trợ cho anh em trai của họ” (tr 46).  Các cô bạn cùng làm công nhân với mẹ Kim Ji Young ngày trẻ cũng vậy! Họ có nghĩa vụ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi anh, em trai của mình ăn học đàng hoàng. Họ không được học hành tử tế không phải bởi nhà nghèo (các anh em trai của họ đều được đi học) mà chỉ bởi họ là con gái! Mãi sau này, mẹ Kim Ji Young vẫn cay đắng thốt lên: “Hồi mẹ còn học tiểu học, trong số năm anh chị em thì mẹ học giỏi nhất đó. Mẹ học còn giỏi hơn cả bác nữa kia”. Cô gái học giỏi nhất nhà cuối cùng trở thành người phụ nữ quanh quẩn trong bốn bức tường, kiệt sức lo việc nhà, kiệt sức trong việc kiếm tiền! Không phải bà không ý thức được sự vô lý của cuộc đời đang dồn lên đôi vai những người phụ nữ, nhưng bà vẫn cam chịu, vì không thể nào làm gì khác được. Có một lần duy nhất thấy bà phản kháng. Đó là khi ông chồng uống rượu say về, hớn hở kể với vợ rằng mình gặp lại mấy ông bạn cũ ngày xưa. Hóa ra so với các ông ấy, mình còn thành công gấp bội: “Bố Kim Ji Young cuối cùng lại trở thành người kiếm được nhiều tiền nhất và có nhà rộng nhất. Thêm nữa, ông lại có một cô con gái là giáo viên, một cô con gái khác thì đang học đại học ở Seoul, và một đứa con trai út khỏe mạnh làm cho tất cả mọi người đều phải ghen tị” (tr 107). Mẹ Kim Ji Young đã thẳng thắn: “Cửa hàng cháo là do tôi bảo mình làm, nhà cửa là tôi mua. Các con thì tự chăm sóc nhau mà lớn lên. Cuộc đời mình được như bây giờ cũng đúng là một sự thành công thật, nhưng sự thành công đó không phải là công sức của một mình mình (…) Tôi 7 phần, mình chỉ 3 phần thôi” (tr 107). Nhưng những lời nói thật đó cũng chỉ dám thốt ra một lần duy nhất, trong lúc ông chồng trong cơn say và tâm trạng đang đầy hứng khởi! Đến khi Kim Ji Young đi học đại học, đi làm, những bạn bè, đồng nghiệp nữ của cô cũng vậy, cũng là bản sao của những người mẹ, người bà, cả đời làm lụng vất vả, hết lòng cho chồng, con nhưng luôn chỉ là cái bóng của chồng!

Cuộc sống của Kim Ji Young từ khi còn là cô bé đến lúc trưởng thành là những chuỗi ngày đối mặt với sự bất công. Ở trường phổ thông, cô bị bạn nam bắt nạt mà không tìm được sự bênh vực từ ai, kể cả giáo viên, khi cô giáo cho rằng bạn nam đó thích em nên mới làm như vậy. Những quy định của nhà trường đối với học sinh nữ bao giờ cũng khắt khe hơn đối với nam, từ chuyện trang phục trở đi. Học sinh nam luôn được ưu ái hơn. Kim Ji Young còn chứng kiến việc nữ sinh bị chính thầy giáo trong trường sàm sỡ, quấy rối. Đến khi cô suýt là nạn nhân của việc quấy rối trê xe bus bởi một nam sinh cùng trường, thì chính bố cô đã một mực đổ hết lỗi cho con gái mình: “Ông mắng cô vì sao lại đi học ở trường xa như vậy, sao gặp ai cũng bắt chuyện, vì sao mặc váy ngắn như thế (…) Rằng lỗi của cô là đã không biết để mà tránh” (tr 83). Cô bé phải tự chịu trách nhiệm về tội lỗi của những kẻ khác gây ra cho cô. Từ một nạn nhân, cô lại trở thành người có lỗi. Ở trường Đại học, khi chia tay bạn trai, cô bị coi là “miếng kẹo cao su người khác đã nhổ đi”, trong khi các nam sinh thoải mái yêu rồi chia tay mà không lo lắng bất cứ sự đánh giá về đạo đức nào. Đến lúc nộp hồ sơ tuyển dụng cho hàng chục công ty, Kim Ji Young cay đắng nhận ra rằng phụ nữ quả thật không – là – gì – cả! Ông lái xe taxi không muốn chở khách hàng đầu tiên trong ngày là nữ. Nhà tuyển dụng nhận hồ sơ của phụ nữ thường không hồi âm. Nhà trường Đại học thường chỉ tiến cử những sinh viên là nam cho các công ty chứ tuyệt nhiên không tiến cử nữ: “các giáo sư đã nói với chị những lời giải thích mà chị không hiểu nổi, như là doanh nghiệp có xu hướng muốn chọn sinh viên nam, rồi thì đây cũng coi như một sự bồi thường cho việc sinh viên nam phải đi nghĩa vụ quân sự, sau này sinh viên nam sẽ trở thành trụ cột của gia đình” (tr 118). Thậm chí có nhà tuyển dụng còn lợi dụng việc phỏng vấn để “nhìn vào các bộ phận cơ thể của cô hoặc đôi khi có cả những sự tiếp xúc cơ thể không cần thiết” (tr 126). Điều đó khiến cho Kim Ji Young đang bước những bước đầu tiên vào đời “cảm giác như mình đang đứng trong một con ngõ nhỏ chật hẹp giăng đầy sương mù” (tr 121). Đó là cảm giác bơ vơ, mù mịt và rất đỗi hoang mang. Dường như cuộc sống không chừa cho cô bé một lối nhỏ nào.

Nhưng sau này, may mắn kiếm được công việc, đi làm rồi, cảm giác của Kim Ji Young với cuộc đời không tươi sáng hơn mà càng ngày càng tồi tệ. Ở chỗ làm, là người trẻ nhất, lại là nữ, cô đương nhiên phải nhận những phần việc lặt vặt phục vụ mọi người ngoài những việc chuyên môn chính: pha cà phê mang đến chỗ cho từng người trong phòng, chia khăn giấy và lấy thìa đũa cho mọi người mỗi bữa ăn trưa tại cơ quan, thu dọn bát đĩa…vv. Vậy mà thứ cô nhận được sau những nỗ lực hết mức về công việc, về phục vụ mọi người lại là những trêu chọc, thậm chí những lạm dụng từ các đồng nghiệp nam. Cuộc sống chốn công sở cũng không khác gì cuộc chiến, mà Kim Ji Young cũng như các nữ đồng nghiệp của mình dù có cố gắng đến đâu, làm tốt đến đâu cũng luôn bị xếp sau đồng nghiệp nam. Nam giới thăng tiến nhanh hơn và được ưu ái hơn trong công việc: “Từ khi mới vào công ty cho tới bây giờ, cô biết rằng lương bổng của các đồng nghiệp nam luôn cao hơn mình”, và tổng giám đốc thì “không coi nhân viên nữ là những đồng nghiệp có thể cùng làm việc lâu dài”, vì họ còn phải kết hôn, nghỉ thai sản để sinh con… Điều đó  khiến Kim Ji Young mang cảm giác “mình đang đứng ở giữa một mê lộ”. Hoàn toàn không có lối đi sáng sủa, đúng hướng nào dành cho cô!

Nhưng Kim Ji Young vẫn phải sống như những người phụ nữ quanh cô. Cô kết hôn, sinh con, rồi cũng nghỉ việc ở nhà trông con bởi không thể vừa vất vả đi làm vừa nuôi con  nhỏ. Nghỉ việc, với Kim Ji Young là sự hy sinh lớn lao và đau đớn. Không đơn thuần chỉ là việc không đi làm nữa. Công việc là niềm đam mê, là sự yêu thích, là nơi cô phấn đấu để khẳng định mình. Từ bỏ nó, nghĩa là cuộc sống của cô đã mất mát rất nhiều! Không một ai, kể cả chồng cô thấy đó là sự mất mát. Tất cả đều coi đó là lẽ đương nhiên, là thiên chức, là trách nhiệm của người phụ nữ. Chuyện đánh vật với một đứa trẻ và cả núi việc nhà chưa bao giờ là đơn giản, nhưng với những người không – phải – là – phụ – nữ lại luôn thấy đó là điều quá ư đơn giản. Kim Ji Young vốn mang trong lòng một vết thương sâu từ khi buộc phải nghỉ việc để sinh con, nuôi con khiến cô luôn u uất. Đến khi tình cờ nghe được những người đàn ông trong quán cà phê nói những người phụ nữ ở nhà như cô là “sâu ăn bám” “vừa uống cà phê bằng tiền của chồng vừa được ở nhà chơi” thì cô thực sự phát điên: “Cốc cà phê đó có 1.500 won. Những người đó có uống cà phê nên chắc biết giá của nó. Anh, em không đủ tư cách để uống một cốc cà phê 1.500 won sao? Mà không, kể cả cốc cà phê 15.000 won cũng vậy (…) Em đau đến gần chết để sinh được đứa con, em từ bỏ tất cả cuộc sống của em, công việc của em, ước mơ của em, tương lai của em để nuôi con. Vậy mà họ bảo em là sâu ăn bám? Bây giờ em phải làm thế nào đây?” (tr 198)

Và Kim Ji Young điên thật!

Bác sỹ gọi đó là hội chứng trầm cảm sau sinh!

Cô không thể nói bằng ngôn ngữ của mình được nữa. Cô toàn nhập vai người khác. Lúc là cô bạn đã chết từ lâu. Lúc là giọng điệu của mẹ mình… Rõ ràng, sống trong một thế giới mà người phụ nữ hoàn toàn không – là – gì – cả, thì việc họ không được nói bằng tiếng nói của mình, không được sống là mình, hoàn toàn là điều rất dễ xảy ra.

Cốt truyện giản dị, văn phong giản dị, tiểu thuyết này đã chạm đến những nỗi niềm sâu thẳm trong trái tim của mỗi người phụ nữ Á Đông. Tác giả  Cho Nam Joo dường như không dụng công nhiều trên phương diện văn chương, thậm chí có nhiều đoạn nhà văn ghi chép nguyên văn các số liệu báo cáo, các con số thống kê khách quan, lạnh lùng: “Hàn Quốc là có tỷ lệ chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ lớn nhất trong số các nước thành viên của OECD. Theo thống kê năm 2014, nếu nam giới kiếm được 1000.000 won thì nữ giới chỉ được nhận 844.000 won, đây là mức bình quân của các nước OECD, nhưng ở Hàn Quốc thì nữ giới chỉ được nhận 633.000 won. Theo tờ Economist của Anh, các chỉ số “trần kính’ của Hàn Quốc cũng ở mức thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát, và đây cũng là  đất nước có môi trường làm việc mệt mỏi nhất cho phụ nữ” (tr 154). “Ngay cả những năm 90, Hàn Quốc vẫn là nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở mức rất cao. Năm 1982 khi Kim Ji Young ra đời, cứ mỗi 100 bé gái thì có tới 106,8 bé trai được sinh ra. Tỷ lệ bé trai được sinh ra ngày một tăng, tới năm 1990 đã đạt mức 116,5 bé. Tỷ lệ sinh tự nhiên là 103 bé gái trên 107 bé trai” (tr 65). Nhưng chính những mẩu ghi chép tưởng như đậm chất thống kê báo chí này lại mang đến hiệu ứng văn chương sâu sắc. Với những tác phẩm sử dụng tư liệu không phải như một loại nguyên liệu để sáng tạo văn chương mà là một phần máu thịt của tác phẩm thế này, tôi tạm gọi đó là dòng văn chương tư liệu, và sẽ bàn sâu hơn về thể loại mới mẻ này trong bài viết khác.

Thoạt đầu, tôi định đọc “Kim Ji Young sinh năm 1982” để giải trí, bởi lời giới thiệu ở ngay bìa 1 “Bức tranh chân thực về cuộc sống của đa số phụ nữ Hàn Quốc đương đại”, nhưng tim nhói đau ngay từ những trang đầu. Đây hoàn toàn không phải cuốn sách đọc để giải trí! Nó lay thức mỗi chúng ta trong nỗi xót xa vô hạn cho thân phận người phụ nữ ở giữa cuộc sống hiện đại và luôn được nêu cao khẩu hiệu bình đẳng giới này. Không phải tất cả mọi phụ nữ hiện nay đều là Kim Ji Young nhưng rõ ràng bóng dáng Kim Ji Young đều thấp thoáng trong mỗi người phụ nữ, dù ở góc này hay góc khác. Cuốn sách cũng hoàn toàn không cất cao giọng đòi hỏi gì hơn cho người phụ nữ. Kim Ji Young không đòi hỏi gì hơn cả. Cô chỉ cần sự thấu hiểu, cảm thông! Khi được thấu hiểu, cảm thông, người ta sẽ có đủ nghĩ lực và sức mạnh để đi qua mọi giông bão, mọi cay đắng, mọi khó khăn!

Ước gì không có bé gái nào bị tước đi quyền được sinh ra, được sống, chỉ vì giới tính của mình!

Ước gì không bé gái nào bị ghẻ lạnh, hắt hủi, chịu bất công hơn các anh, em trai của mình!

Ước gì không người phụ nữ nào cảm thấy đau khổ vì mình là phụ nữ! Không cô con dâu nào phải cúi đầu nói lời xin lỗi mẹ chồng vì chưa sinh được cho dòng họ nhà chồng một đứa con trai!

Đó là tất cả cảm xúc của tôi sau khi đọc xong cuốn sách này!

Hải Dương, 7.3.2021

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *