Hoa Đăng – “Ngọn bút hòa tâm tỏa sáng ngời”

Vanvn- Đọc tập thơ “Sống” của Hoa Đăng, trước tiên tôi đánh giá rất cao thái độ tỉnh táo của tác giả khi cầm bút. Nhà thơ đã sớm thể hiện tâm trạng của một nhân vật hiểu biết, trải nghiệm việc đời, và có thể sẵn sàng dám bình tâm, nhẹ nhõm để vượt qua nó: “Bút nghiên, thi họa vui thanh tịnh / Nguồn cội ta về  chốn tự nhiên” (Bến đỗ). Đó là suy nghĩ chín chắn ở tầm một người đã ngộ ra trọn vẹn cốt lõi của Đạo và Đời, khá bất ngờ đối với một nhà thơ còn rất trẻ.

Thêm nữa, tác giả coi việc luyện bút hàng ngày không phải để cầu lợi, cầu danh, mà khi nhà thơ đến với văn chương, chỉ là cốt mong sao cho tâm trí mình cân bằng, tĩnh lại, trí tuệ mình được rèn giũa sắc bén, sáng láng hơn: “Luyện chữ mỗi ngày để tĩnh tâm / Tan bao nóng giận, tuệ ươm mầm” (Học). Đó quả là những nhu cầu cao đẹp, vô tư, của một người cầm bút có tư cách và có thiện chí, thiện tâm, đồng thời cũng thể hiện một thái độ sống thanh cao, thánh thiện, luôn biết vượt lên trên những ước muốn tầm thường: “Giữ mình trong sáng, tâm không thẹn / Rèn trí thanh cao, phận chẳng hèn!” (Cánh hồng sen).

Có được thái độ cầm bút và cả thái độ sống như thế, người viết phải tự nguyện hy sinh đi những khát khao về danh về lợi, cũng như khá nhiều điều “được và mất” – tuy cũng nhỏ bé và vô vị thôi, nhưng thường dễ lôi kéo mọi người. Tuy nhiên, khi đã xác định được một đích đến cao siêu hơn, chừng như còn ở tận hư vô, mà chỉ hiện ra rõ nét và cụ thể cho ai biết nó và tin nó, thì sự xuất hiện của nó cũng đủ hấp dẫn đến mức không thể chối từ: “Lợi danh, được mất là hư ảo / Giữ chặt tâm không, hiện Niết bàn!” (Bình yên).

Sống (Living) Tập thơ song ngữ Việt – Anh của Hoa Đăng, do Nguyễn Thanh dịch

Mơ tới Niết bàn và bỏ qua những lợi danh tầm thường, không có nghĩa là nhà thơ muốn tránh đời hay muốn lìa bỏ mọi mối quan hệ phải có trên đời. Trái lại, ở một chỗ khác, Hoa Đăng đã viết thật khiêm tốn và chân thành: “Văn thư nghiền ngẫm gương hiền triết / Học đắc nhân tâm, vẹn nghĩa tình” (Đối diện). Vậy là tác giả vẫn đặt mình vào vị thế một người có trách nhiệm, luôn chịu học hỏi các bậc tiền nhân, nhằm đạt đến sự tin cậy và yêu mến của mọi người xung quanh, để được sống trọn vẹn nghĩa tình với mọi người thân, bạn bè và các đối tác trong xã hội.

Có thái độ sống như thế, từ trước đến sau, Hoa Đăng vẫn muốn xứng đáng được làm một cư dân thực sự của Trái đất, được sống hết mình, được thật sự bay bổng trên cõi đời này, dù vẫn biết Cõi Người không phải là vĩnh viễn, và chỉ là “cõi tạm” mà thôi: “Khoác túi văn chương làm bạn quý / Sống trong cõi tạm thỏa hồn bay!” (Cõi vô ưu). Biết là “cõi tạm” thật đấy, nhưng đó vẫn là nơi ở tốt đẹp của chúng ta, xứng đáng để ta gửi gắm mọi nỗi niềm nhân thế sâu xa, và không bao giờ được quyền khinh bạc, rẻ rúng nó, có thái độ “hư vô chủ nghĩa” đối với nó, vì đó vẫn là một thực thể sinh động, có tứ mùa bát tiết, có âm dương nuôi dưỡng muôn loài, có mọi cảnh quan sinh động lôi cuốn hồn người: “Nhật nguyệt hóa sanh nên tứ tượng / Âm dương nuôi dưỡng tạo muôn loài / Núi sông hùng vĩ mê người ngắm / Mây gió ôn hòa lạc cảnh say” (Cõi vô ưu). Đây chính là thái độ để ta sống thân thiện, tích cực, luôn biết hàm ơn trước trái đất và vũ trụ.

Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Điều quan trọng hơn nữa, lại là mối quan hệ giữa người với người. Hoa Đăng rất khổ tâm khi nói về sự bon chen giữa con người với con người trong một xã hội mà đồng tiền và sự tranh giành lợi nhuận vật chất đang vẫn lên ngôi: “Tìm kiếm gì đây ở cuộc đời / Danh quyền phù phiếm tựa màn chơi / Thắng thua được mất đầy chua chát / Giành giật đua chen quá rối bời!” (Hỏi). Vì sao lại diễn ra tình cảnh ấy? Dễ hiểu thôi, chỉ vì lòng người còn bị chi phối bởi Tham, Sân, Si: “Luân hồi hai chữ vốn nào thay / Tham muốn, sân, si, cảnh đọa đày” (Luật). Tác giả luôn muốn tách mình ra khỏi mớ hỗn độn ấy của sự bon chen vô nghĩa: “Bỏ những lo toan, nhẹ việc trần / Buông dòng tục lụy chẳng phân vân” (Buông). Nhưng ra khỏi đám đông tham, sân, si ấy rồi, không khỏi có lúc tác giả xót xa vì mình hóa thành người cô độc: “Biển rộng trời cao vẫn một mình / Tự tìm khoảng lặng, giữ tâm minh” (Tự tình). Khao khát lớn nhất bây giờ là có bạn, mà là bạn tâm giao, phải đồng tâm nhất trí với nhau về niềm tin, lẽ sống: “Mấy ai có được người tri kỷ / Trọn nghĩa thâm giao một chữ đồng” (Giọt đắng).

Tới khi có được tình bạn tâm giao rồi, Hoa Đăng quan tâm tiếp đến cung cách đối xử trong tập thể, trong cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả tung ra một loạt bài thơ, đi với nhau thành chùm. Nhà thơ nhấn mạnh đến 5 đức tính trong quan hệ giữa người với người, vốn là nguyên lý ứng xử trong Khổng giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, dĩ nhiên, trong cách hiểu mới mẻ của người đương đại. Tiếp đó, tác giả bàn luận và lý giải tiếp các phạm trù có liên quan và bổ sung cho nhau, như: Hỏi và Trách, Luận và Ngẫm, Nhẫn và Buông, Sắc và Tài, Định và Luật, Đức và Hạnh, Phúc và Lộc, Bình và An, Nguyện và Duyên, v.v, hầu như đều sử dụng thể thơ tứ tuyệt, giàu ý và kiệm lời, sắc sảo mà tàng ẩn triết lý. Hình thức Đường thi với niêm luật chặt chẽ của tứ tuyệt và thất ngôn bát cú cũng chính là lợi khí đắc lực, để tác giả có thể phát huy năng lực cá nhân, tung hoành, phóng túng trong sáng tạo.

Tôi muốn nhấn thêm vào hai bài thơ: “Hỏi hoa” và “Nét hồng”, cả hai bài đều có cái tinh tế và nhạy cảm rất hiện đại, ít thấy ở thơ Đường luật xưa. Bài trên nói về một cảm xúc đột ngột khi mưa đổ giữa đêm, nhân vật trong thơ giật mình tỉnh giấc, canh cánh lo làm sao cứu được nhánh lan rừng vừa mới nở, không chịu nổi khí lạnh bất thường, có thể sẽ úa tàn trong đêm! Bài thứ hai tả một đóa hồng lẻ loi trong tĩnh lặng, cánh hồng thì vẫn tươi mà nhụy hoa sao lại cứ u sầu ảo não, trong khi ở khắp xung quanh, tất cả mây núi mênh mông cũng không hề hay biết vì lí do gì? Lời thơ rất bình lặng, nét tinh tế ẩn rất kín, nhưng đủ làm xao động lòng người, chính vì cách nói thật nhẹ nhàng, lặng lẽ như không, tưởng như rất vô tâm vô tình ấy! Đấy là hai bài thơ ngắn, mà nhà thơ đủ bộc lộ được nét nội tâm nhạy cảm rất sâu kín và mảnh mai trong dòng cảm xúc nhân hậu rất nữ tính của mình.

Cả 100 bài thơ trong tập “Sống”, Hoa Đăng đều chọn hình thức thơ Đường luật để diễn tả mọi cung bậc thấp cao trong trái tim mình. Sự lựa chọn ấy của tác giả đã thuyết phục được người đọc, khi nhà thơ biết cách thể hiện được trọn vẹn tâm hồn sâu lắng của mình trong thể thơ Đường luật rất hàm súc với hệ thống niêm luật không dễ làm chủ này! Nhưng, như chúng ta vừa thấy, tác giả đã thực sự làm chủ thể thơ Đường luật một cách nghiêm cẩn mà vẫn phóng túng, theo cách riêng của mình. Và trong hai bài thơ tứ tuyệt vừa được dẫn chứng ở trên, có thể nói, là tác giả còn có khả năng làm mới cách thể hiện thơ Đường luật, bằng sự bột phát của cảm xúc trực giác của mình. Đúng như tác giả đã kỳ vọng, khi nào ngòi bút bắt kịp cảm xúc tinh tế của tâm hồn, thì câu thơ vụt đã bừng sáng lên và thực sự đưa tác giả đạt tới thành công, như chị từng đã ước muốn: “Chẳng màng thế sự đua tranh mãi / Ngọn bút hòa tâm tỏa sáng ngời!” (Bút hòa tâm). Xin được chúc mừng tác giả, với tập thơ đã tạo ra được rất nhiều ấn tượng đẹp đẽ cho bạn đọc!

BẰNG VIỆT

________________________

Thông tin sách:

Tên sách: Sống (Living)

Tên tác giả: Hoa Đăng; Người dịch: Nguyễn Thanh

Thể loại: Thơ song ngữ Việt – Anh

Khổ: 20x21cm

Số trang: 210

Năm xuất bản: quý 3/2023

Cấp phép: NXB Hội Nhà văn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *