Chùm thơ Bảo Ngọc viết cho thiếu nhi

Vanvn- Nhà thơ Bảo Ngọc họ tên khai sinh Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh năm 1974, quê quán ở Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên; tốt nghiệp Khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du; hiện đang làm việc tại Báo Thiếu Niên Tiền Phong ở Hà Nội và là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

Tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Bảo Ngọc: Hồn thời gian (tản văn), NXB Hội Nhà văn, 2008; Bến trăng (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2015; Giữ lửa (thơ) NXB Hội Nhà văn, 2015; Gõ cửa nhà trời (thơ), NXB Kim Đồng, năm 2019.

Nhà thơ Bảo Ngọc tâm sự: “Sau khi cùng đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam rồi trở ra Bắc, “gia tài” cha tôi mang về cho cô con gái bé nhỏ chỉ có ba lô toàn sách kèm một em “Cúp-bê” mắt xanh, tóc vàng xoăn tít. Đó là cả “thế giới đầy kinh” ngạc đối với những đứa trẻ nơi thôn quê thuở ấy. Từ ba lô sách của cha – một người lính mộc mạc, yêu văn chương, từ ánh mắt biếc xanh của “Cúp-bê” nhỏ, tôi đã lẫm chẫm bước vào khoảng trời mơ mộng của mình. Với tôi, văn chương như là một người bạn, một người thầy – một con đường để mình được trải nghiệm sâu sắc những bài học từ cuộc sống!

Nhà thơ Bảo Ngọc

Tôi là đứa trẻ của cỏ dại, của nắng gió và mây trời! Tuổi thơ tôi cũng mò ốc, bắt cua, cũng mót khoai, cấy lúa lặn ngụp trên đồng.Ấy vậy mà đôi bàn chân tôi thì lúc nào chỉ muốn nhấc lên khỏi mặt đất. Tâm trí tôi thuộc về cái “Khoảng – không – vô – tận” đằng sau những đám mây. – Nơi đó, tôi hằng tin, đó là “Ngôi nhà của các thiên thần”!

Mải miết đi qua bao năm tháng đời người, càng ngày tôi càng không thể quên những ánh mắt trẻ thơ và yêu vô cùng những nụ cười ánh lên rạng rỡ! Thậm chí, ngay cả khi đời sống ngày một đủ đầy, tiện ích, ai cũng có thể “khám phá cả thế giới từ chiếc điện thoại trong lòng bàn tay” thì tôi vẫn tin món quà vô giá mà Trái đất đã tặng cho các em chính là những tiếng gọi tha thiết từ cỏ dại, nắng gió mây trời!

Tôi viết “Lớp học Thung Mây” để được cùng các em đến gần hơn với những thanh âm nối giữa mặt đất với bầu trời! Bạn nào muốn nghe tiếng cười khúc khích của đám thóc vàng trên sân, tiếng rào rào của những cơn mưa bóng mây đuổi nhau trên đồng, hay bạn nào muốn “nhún chân trên đỉnh lá” tập bay theo giọt sương… thì mời cùng đến nhé!

Phí vào lớp học, chỉ bằng: Một  – Chuỗi – Cười – Trong – veo!”

 

NẮNG HỒNG

 

Cả mùa đông lạnh giá

Mặt trời trốn đi đâu

Cây khoác tấm áo nâu

Áo trời thì xám ngắt

 

Se sẻ giấu tiếng hát

Núp sâu trong mái nhà

Cả chị ong chăm chỉ

Cũng không đến vườn hoa

 

Mưa phùn giăng đầy ngõ

Bảng lảng như sương mờ

Bếp nhà ai nhóm lửa

Khói lên trời đung đưa

 

Ngõ quê in chân nhỏ

Lối quê gió lạnh đầy

Nép mình trong áo ấm

Vẫn cóng buốt bàn tay

 

Màn sương ôm dáng mẹ

Chợ xa đang về rồi

Chiếc áo choàng màu đỏ

Như đốm nắng đang trôi

 

Mẹ bước chân đến cửa

Mang theo giọt nắng hồng

Trong nụ cười của mẹ

Cả mùa xuân sáng bừng

 

VẼ MÀU

 

Màu đỏ cánh hoa hồng

Nhuộm bừng cho đôi má

Còn màu xanh chiếc lá

Làm mát những rặng cây

 

Bình minh treo trên mây

Thả nắng vàng xuống đất

Gió mang theo hương ngát

Cho ong giỏ mật đầy.

 

Còn chiếc áo tím này

Tặng hoàng hôn sẫm tối

Những đôi mắt biết nói

Vẽ màu biển biếc trong.

 

Màu nâu này biết không

Từ đại ngàn xa thẳm

Riêng đêm như màu mực

Để thắp sao lên trời…

 

Mắt nhìn khắp muôn nơi

Sắc màu không kể hết

Em tô thêm màu trắng

Trên tóc mẹ sương rơi…

 

GẶT CHỮ TRÊN NON

 

Bình minh vừa tỉnh giấc

Nắng nhuộm hồng núi xanh

Tiếng trống rung vách đá

Giục đôi chân bước nhanh

 

Bóng em nhòa bóng núi

Hun hút mấy thung sâu

Gió đưa theo tiếng sáo

La đà trên tán lau

 

Em đi tìm cái chữ

Vượt suối lại băng rừng

Đường xa chân có mỏi

Chữ vẫn gùi trên lưng

 

Cái chữ rơi xuống nương

Mùa cho bông trĩu hạt

Cái chữ bay lên ngàn

Rừng ríu ran chim hót

 

Càng đi chân càng vững

Lớp học ngang lưng đồi

Mắt em như sao sáng

Gặt chữ trên đỉnh trời!

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

DUNG DĂNG DUNG DẺ

 

Dung dăng dung dẻ

Vui vẻ đi chơi

Đầu đội nắng trời

Chân bơi mặt đất

 

Gió choàng tỉnh giấc

Đánh thức ngõ quê

Chuồn chuồn ngủ mê

Giật mình thấp nước

 

Cá cờ bơi trước

Tôm lướt theo sau

Ai đào ao sâu

Cho cây mọc ngược

 

Rặng tre vi vút

Gảy đàn trâu nghe

Chú nghé ngộ ghê

Nằm nhe răng sún

 

Vểnh tai cậu cún

Trông sân thóc đầy

Hương đồng ngủ say

Trên cành sen cạn…

 

Em theo chúng bạn

Dung dẳng dung dăng

Lên tới cung trăng

Thì chơi đuổi bắt…

 

TRỜI MƯA TRỜI GIÓ

 

Trời mưa, trời gió

Ông mang cái vó

Bố vác cái nơm

Đi đơm con cá

 

Mẹ ngồi khâu vá

Bà bện chổi rơm

Chị thì nấu cơm

Cún ngồi trông cổng

 

Đám mây ướt sũng

Chẳng buồn rong chơi

Con mướp ngủ lười

Cuộn khoanh trong bếp

 

Ê a Tí học:

“Một bọc ngô rang

Một sàng cơm nếp

Một thếp bánh dày

Một khay khoai mật…”

 

Nhì nhằng chớp giật

Có giỏ cá đầy

Cái bếp trưa nay

Tha hồ bày cỗ!

 

KHẤN MA TỊT

 

Khi trong bụi rậm

Lúc ở bờ rào

Chẳng rõ thấp cao

Là con ma tịt

 

Bọn trẻ nhắng nhít

To nhỏ truyền nhau:

“Xó xỉnh, tránh mau

Nhà ma tịt đấy”!

 

Tự nhiên mà thấy

Mẩn đỏ đầy người

Chắc chắn mười mươi

“Bị ma tịt bắn”.

 

Xin đừng lo lắng

Lá lốt, bùn nâu

Đốt lửa, têm trầu

Gọi ma tịt đến:

 

“Ma tịt…ma tịt…

Ăn thịt bùn nâu

Ăn trầu lá lốt

Đừng đốt trẻ con…” *

 

Miệng khấn nỉ non

Người quơ hơi lửa

Rủ nhau mẩn ngứa

Tức khắc lặn mau

 

Chẳng rõ từ đâu

Có con ma tịt

Nhưng bài khấn này

Trẻ quê đều thuộc!

______

* Bài khấn dân gian khi trẻ nhỏ chơi trốn tìm các góc vườn, bờ rào, bờ dậu… mà bị mẩn ngứa.

 

BẢO NGỌC

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *