“Mắt trong” và hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng

Vanvn- Bùi Việt Phương là tác giả sinh ra ở miền núi nhưng phần lớn thời gian công tác và làm việc ở phố núi. Núi đấy, vùng cao đấy mà vẫn phố thị. Chất liệu đó hiển thị trong sáng tác của nhà thơ như thế nào?

Nhà thơ Bùi Việt Phương ở Hoà Bình

Giữ thói quen cũ mở tập thơ mới

Tiếp nhận tập thơ “Mắt trong” của Bùi Việt Phương ngay sau khi tác phẩm đạt giải nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 – 2020. Với cá nhân tôi mà nói thì giải thưởng chỉ có giá trị khi tác phẩm đó có những câu thơ lưu bám. Nó khiến người ta mở ra, đọc rồi bị cuốn hút bởi câu chữ, đề tài mà nhà thơ bày tỏ. “Mắt trong” có được tiêu chí này?…. Sáng tác nghệ thuật luôn khách quan và nó nằm ngoài mọi yêu ghét, vị kỷ. Và tôi đã mở đọc tập thơ với rất nhiều câu hỏi như thế.

Thuộc thế hệ những người cầm bút mới của văn học Hòa Bình, Bùi Việt Phương và các tác giả cùng lứa không khỏi băn khoăn với câu hỏi: vùng sáng tác nào thuộc về mình? Với những chất liệu tưởng như đã quá quen thuộc, những người sáng tác mới thường tìm cách lạ hóa bằng những diễn tả cảm xúc táo bạo thiên về cảm hứng sinh ra bởi nhục cảm hoặc tìm cách đổi mới theo lối triết lý cầu kỳ, ra vẻ cao siêu, rối rắm. Chưa mở tập thơ, tôi đã dùng suy nghĩ quy chụp và thói quen cũ để áp đặt cảm nhận của chính mình. Và tôi chắc sự đắc thắng của những quy chụp ấy sẽ lớn lên dần theo từng trang sách lật mở mỏng đi , tỉ lệ nghịch với nỗi thất vọng của chút hứng khởi khi đón nhận một sáng tác mới. Cùng với những mâu thuẫn đó, tôi mở mục lục, đọc tiêu đề và mở đại một tác phẩm.

“Vụ gặt” là lựa chọn ngẫu nhiên được mở ra, đọc qua loa, ít thiện cảm. Thật là may, khách quan trong cảm nhận và sáng tác đã buộc tôi phải đọc lại những qua loa, ít thiện cảm đó và ghi ra những bám gợi:

“Người thợ rèn

Hình như cũng biết

Cúi xuống với chiếc điếu cày

Thả những lưỡi liềm trắng

Lên gặt một đám mây…”

(Vụ gặt)

Đám mây được gặt bởi dụng cụ thật là lưỡi liềm trắng. Từ động tác cúi xuống với chiếc điếu cày – chất liệu thực tới ngẩng lên gặt mây, thu về cảm hứng và kết quả của sáng tạo. Lưu bám này đã giúp tôi bỏ qua ngẫu nhiên của thói quen đủ để bắt đầu mở lại, đọc từ đầu tới cuối tập sách.

Hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng

Sinh ra tại miền núi, dù muốn hay không thì cuộc sống miền núi cũng có mối liên hệ với người cầm bút. Người sáng tác không thể cách ly mình hoàn toàn với cuộc sống hiện thực. Nhưng, mặc định là người núi thật tình, giọng núi giả ngây sẽ ngang tai. Cảm nhận, chắt lọc sẽ mang tới tinh túy, tự nó gọt giũa những thô tháp đơn giản.

Bùi Việt Phương đã “… có được cho mình những lựa chọn khá thông minh khi thể hiện những điều đã cần mẫn gom nhặt, mài gọt và sắp xếp vừa phải mà không bị sa vào sự ôm đồm, rườm rà, đồ sộ hay cố ý làm cho hoang dã, bồng bột khi “kể chuyện trên cao”. Hoặc mỹ lệ hóa hay trau chuốt để làm cho tưng bừng, lộng lẫy miền rừng núi nhiều bí ẩn. Dõi theo tập thơ “Mắt trong”, có một cảm giác sống gần, sống thật với cảnh quan, đèo dốc, với người, với số phận, với văn hóa, truyền thống mà ta biết rằng, mỗi người đến đó không dễ để nhận lấy và được đón nhận….” – theo Quang Hưng.

Thật may mắn khi người cầm bút tìm ra được miền sáng tác của mình và anh ta không phải lên gân theo triết lý xa xôi hoặc lụy nghiêng theo xúc cảm thuần túy đời thường. Cái đời thường tẻ nhạt được nâng niu, được suy cảm sẽ trở thành đối tượng thẩm mỹ thuyết phục. Cùng với hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng, “Mắt trong” đã xác lập được một vùng tư cảm như thế. Đó là hành trình suy cảm để định hình chính mình trong dòng chảy đông đảo, muôn màu của thế hệ những người cầm bút trẻ. Hành trình đó hẳn không dẽ dàng, đơn giản ‘ .. Ai từng rút mình ra đan / Mới biết mùa xuân ngắn ngủi” (Với mùa xuân sẽ đến).

Nghĩ, Tìm và đẻ rồi chiêm nghiệm, tư duy, người sáng tác nhận ra được nhiều điều bất ngờ ngay với chính anh ta:

Khi gỗ tạp vào bếp thay cho giấy nháp

Trước phút than tàn bỗng lại nổi vân vi

Biết đâu đấy mới là dòng thơ có thật trên đời?

(Một hình dung)

Những câu hỏi tiếp nối vang lên, không ngừng thôi thúc người cầm bút suy nghĩ về công việc sáng tạc. Anh ta đã có được gì, đã bỏ qua gì và đang hướng đến đâu? Tự nhiên và thuyết phục, những trăn trở không ngừng hiển thị trong sáng tác của Việt Phương, trong hành trình Nghĩ và Tìm.

Phương là tác giả sinh ra ở miền núi nhưng phần lớn thời gian công tác và làm việc ở phố núi. Núi đấy, vùng cao đấy mà vẫn phố thị. Chất liệu đó hiển thị trong sáng tác của nhà thơ như thế nào?

Em về phố mùa thu đôi mắt túi ba gang

Sao gom hết vàng mười bay theo gió

(Mùa…)

Từ nhỏ sống trong rừng mùa hạ

Về vườn mùa xuân phải qua phố mùa thu

Những vòm xanh giếng ngọc

Dạy tôi ngước lên, uống những thật thà

(Mưa…)

Như đã khẳng định, tìm được miền sáng tác là may mắn và hạnh phúc của người nghệ sĩ. Việc còn lại, khó khăn hơn là anh ta mở lối và làm sáng miền sáng tác đó như thế nào? Nó là miền thuộc về anh ta hay những chắp vá được vay mượn thiếu tự nhiên? Trả lời câu hỏi này, người đọc “Mắt trong” sẽ nhận ra tác giả đã có điểm lùi cần thiết. Lùi ra xa cảm xúc cá nhân của mình (nghĩ và tìm) để chiêm nghiệm và lặng lại. Khoảng lặng cần thiết để cảm xúc được chín muồi, thăng hoa.

Đêm tháng Giêng

từng giọt sương nhát đục

Phù điêu tóc bạc một người

(Đêm tháng Giêng)

Thời gian công bằng với tất cả mọi người. Ý sáng tác cũng vậy. Nó có thể sinh ra ở mọi cá nhân từa tựa nhau nhưng cách người cầm bút xử lý và sáng tạo như nào thì thuộc về năng lực tự thân. Một câu ngắn, đủ lạ, đủ mới về vòng chuyển hồi đó khiến người đọc không nản lòng để mở tiếp cuốn sách: Con người đếm từng vì sao để dắt ra đồng ( Viết trong ngày palindrome).

Nét phố khắc nếp vùng cao

Phương sinh ra ở miền núi, tôi cố tình nhắc lại điều này để thấy nét phố trong thơ anh đã khắc tạc nếp vùng cao ra sao? Nhẩn nha đọc, giữ khách quan, không quy chụp để cảm nhận, người đọc sẽ bắt gặp những liên tưởng,ngâm ngợi thú vị.

Bà ngồi chợ phiên

đợi thật lâu

Người mua đã nhấc lên từ sớm nay

… Và buổi chiều đặt xuống

(Măng rừng)

Ngược Khe Gió, lên đây hầu chuyện đá

Lúa vượt màn thang, dâng một mùa vàng,

Ngày chầm chậm chảy nâu vào đất

Đá tiền nhân thâu đêm khẩn hoang.

(Đồi Thung)

Trẻ từng mơ giấc sông

Già hãy còn thức núi,

Vẫn còn tháy nhau qua cây mộc miên đỏ ối…

(Cây gạo của mường)

Nhịp sống tuần tự diễn tiến dễ đẩy xúc cảm vào trạng thái buồn tẻ, mọi sự làm mới không khéo sẽ trở nên khiên cưỡng. Nhịp điệu buồn tẻ hay sinh động còn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Như vậy, độ lùi và khoảng lặng cần thiết đã dẫn mời được dòng cảm hứng sáng tạo ghé thăm:

Cánh cửa đã mở xong về phía mặt trời

Đã được thấy hoa nở mọi khi ta vắng mặt

Nếu ngày mai, ngày kia… lại vẫn là chủ nhật?

Ngày đã hết hoa hồng ta lại tưới vì gai

Căn nhà bước vào mùa ta có mặt

(Ở nhà)

Với “Mắt trong”, Việt Phương không che giấu cảm xúc nhiều khi bất lực của con đường nghĩ, tìm, lặng để sáng tác:

Mưa tạnh

Đường mòn đã già nua

Nhớ bập bõm bầu trời từng vũng

Bàn chân nhỏ ngỡ lấp đầy thung lũng

Hóa ra làm tung tóe những đám mây

Mây bị mẹ mắng

Còn ta giời đầy

(Đường mòn)

Đường mòn của nhịp sống được cảm nhận, được nâng niu và chắt lọc. Nét vùng cao thân thuộc qua đó cũng được khắc họa mang nét riêng. Vùng cao đấy, cũ mà vẫn mới nguyên:

Những người già cười xòa như thác

Đến hận thù cũng không giữ nổi,

Lòng bầu rượu đi nương

Rót cho bạn cả điều chưa nói được

(Người già)

Nhà thơ Nguyễn Hồng Nhung

Bùi Việt Phương khắc họa vùng cao theo cách riêng của mình. Một vùng cao không thô tháp mà giàu chiêm nghiệm. Người vùng cao ở phố. Người vùng cao vẫn giữ nếp suy nghĩ, ứng xử của quê hương, dòng tộc, ăn đời ở kiếp, chan hòa với cây cỏ, thiên nhiên. Chất liệu tưởng đã quá xưa cũ và quen thuộc trở nên mới mẻ. Không gian vùng cao, nếp nghĩ, cuộc sống của người miền núi được chắt gạn vừa độ, không sa vào thái cực đẩy cao lên thành cái hùng vĩ, rườm rà.

Người miền núi biết rủ cây gùi bắp

Cùng tiếng chim leo dốc kiếm thuốc lành

Nhặt nhạnh nắng dệt chăn phà mềm mại

Nhường thú nước nguồn, mượn lá những đôi tai ( Biên thùy)

Đêm đầu tiên

Ông bà tôi ngủ nhà sàn họ Lò

Họ Hoàng nhường gạo

Họ Cẩm sẻ áo

Cái tình ngai ngái gỗ tươi trên rừng

Thế mà dựng nhà bao đời vẫn vững

Ở được thành anh em

(Dòng họ)

Khoảng lặng chính là không gian cần thiết và với tập “Mắt trong” thì nó trở nên quý giá để tạo bề sâu nhất định. Nếu không có những băn khoăn, trăn trở nghiêm túc về việc sáng tác thì không thể có khoảng lặng hay độ sâu này. Gửi gắm trong những xúc cảm bình dị là những đối sánh, những trăn trở cùng khiến người đọc suy nghĩ:

Tôi ngồi gọt bút chì

Khi rất nhiều tiếng sấm

Viết gì để không là mưa?

(Nhật kí)

Viết gì để không sa vào xáo mòn, xa vào dễ dãi, xa vào khuôn thức?

Trăn trở suy tư được truyền tải dung dị, nhẹ nhàng mà giàu hình ảnh và sức nặng. Vậy là mang thói quen cũ mở tập thơ mới, tôi đã bị dòng cảm xúc thơ, hình ảnh thơ dẫn dụ thôi thúc đọc từ đầu tới cuối tập sách. Con đường sáng tác còn dài, còn đòi hỏi nhà thơ không ngừng làm mới mình. Viết gì để không là mưa? Câu hỏi nương bám và xác lập nét riêng trong những thi liệu tưởng đã cũ mòn. Nét dung dị, tinh tế đã tạo nên một “mắt trong” bước ra khỏi khuất lấp của thế hệ những người cầm bút sinh ra và lớn lên ở miền núi. Sáng tác của Việt Phương có thể đi xa tới đâu nữa? Câu trả lời nằm ở cảm xúc và lao động miệt mài, nhọc nhằn của chính tác giả!

NGUYỄN HỒNG NHUNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *