Vanvn- Buổi sớm đầu thu, tôi đi trên cây cầu qua mặt đập hồ Nà Lừa. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm Tân Trào năm 1961, Bác đã gợi ý đồng bào địa phương nên làm thuỷ lợi, để chủ động tưới tiêu cho cánh đồng Kim Long màu mỡ chắc ăn hai vụ.
Thực hiện gợi ý của Người, năm 1970 huyện Sơn Dương đã tiến hành xây dựng công trình tích nước. Năm 2005, huyện tiếp tục rải thảm bê tông mặt đập rộng bốn mét, tiện lợi cho khách tham quan các điểm di tích… Điều này cho thấy Bác không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản công nhân quốc tế, danh nhân văn hóa đặc sắc Việt Nam, Bác còn là người Cha, người Bác, người Anh… tỷ mỷ, cụ thể trong từng lĩnh vực. Miễn là việc nào có lợi cho dân, thì Bác quyết tâm làm kỳ được.

Gió từ phía dãy núi Hồng thổi về mát rượi, khiến mặt nước hồ Nà Lừa lao xao không ngớt, khói sóng bốc lên nghi ngút… Tôi thả những bước chân thật chậm, cảm nhận tiếng gió ngàn vi vút, lắng nghe tiếng sóng vỗ không dứt vào bờ đập.
Đến gần bìa rừng, tôi dùng lại, mặt nước chợt hồng lên thật lạ, bởi mặt trời vừa xua tan màn sương dày đặc.
Đi hết con đập, trước đường lên lán Bác, có tấm đá hình gốc cây cổ thụ do các nhà điêu khắc sáng tạo. Phía trên không cao lắm, được đục phẳng như một tấm bảng màu đen vừa phải, chữ nhũ vàng khắc chìm, ghi tóm tắt thời kỳ Bác ở lán Nà Lừa chỉ đạo kháng chiến. Tấm đá hình gốc cây cổ thụ còn là biểu tượng: gốc rễ cách mạng cũng là đây, cội nguồn cách mạng cũng là đây…
Chúng tôi chầm chậm bước lên 79 bậc đá. Kia rồi! Lán Nà Lừa bình dị, phên nứa, mái gồi hiện ra. Rừng tái sinh gồm: lim, trám, nứa, giang… rợp mát. Thoảng nhẹ tiếng lá, tiếng sương rơi trên khoảng đất bằng trước lán. Tiếng chim buổi sớm trong veo, ríu rít làm cả vùng rừng sôi động khác thường. Trước lư hương lớn, tôi đã thấy rất nhiều bà con ta từ nam tới bắc, cả trẻ lẫn già, xếp hàng ngang thắp hương dâng Bác. Có tiếng nấc khe khẽ, nhiều người lấy khăn lau nước mắt … Tôi, nhà thơ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Tuyên Quang, Tổng biên tập Báo Tân Trào đứng sau chờ đợi dòng người lui bước. Cắm hương xong, nhà thơ Nguyễn Văn Tuấn trở ra, tôi vẫn đứng đó chưa muốn rời, bồng dùng nước mắt chảy tràn, nhòe ướt, mặn chất trên môi…
Là người con của vùng đất cách mạng, do hoàn cảnh lịch sử mà gia đình tôi xa quê hương tổ quốc ròng rã mấy chục năm trời, với rất nhiều khổ đau trên xứ người… Đổi lại, tôi biết rất rõ vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi Bác Hồ từng dừng chân trên con đường cách mạng cứu nước. Các địa danh: Bản Đông, Phi Chít, Mục Đa Hán, Noông Bua, Làng hữu nghị Thái – Việt ở bản Mạy, tỉnh Na Khon Pha nôm. Đặc biệt là Noọng ổn, nơi được chính quyền Thái Lan xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khánh thành cuối tháng 8/2011, và một hội thảo rất trang trọng, về hoạt động cách mạng của Bác, thời kỳ 1928 – 1929 (thế kỷ XX) tại Udonthani … Có lẽ từ những năm tháng xa quê, trở về Tổ quốc, lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của xóm làng. Trước lán Nà Lừa hôm nay, tình cảm ấy một lần nữa được cộng hưởng, nhân lên gấp bội , tình yêu kính Bác, khiến tôi không cầm được lòng:” Lán Nà Lừa Bác thức mấy canh khuya / Phên liế phong phanh đơn sơ mái lá/Cơn đau thập tử nhất sinh Người nằm rung sàn nửa/ Vận nước mong manh cả dân tộc gọi Bác Hồ… (Tân mạn Tân Trào- Cao Xuân Thái)
Thật vậy, tại đây cơn bạo bệnh tưởng chừng Bác không qua khỏi. Cả cách mạng, dân tộc lúc này đều hướng về Người. Từ các đồng chí cảnh vệ ra sông Phó Đáy bắt ba ba lấy tiết cho Bác uống, dân bản kiếm lá để Bác xông, đến người lính Đồng minh cho Bác uống thuốc ký ninh… Nhưng phải đến người cuối cùng là một cụ già dân tộc, cho Bác uống củ cây rừng, một loại thảo dược đến giờ người dân Tân Trào vẫn chưa biết, chưng cất với nước suối nguồn, uống xong thì sức khoẻ Bác hồi phục, và cụ già dâng cây thuốc quý cứu Người đến giờ vẫn là một ẩn số. Câu chuyện cải tử hoàn sinh với Bác cứ như là huyền thoại. Cũng tại nơi đây vào thời khắc khó khăn nhất. Bác dặn lại đồng chí Võ Nguyên Giáp – Lời dặn trở thành lời thề bất tử:” Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”…
Trở lại Tân Trào lần này mọi việc đều trôi chảy, thuận lợi. Khi tôi đặt vấn đề với Phó Chủ tịch Hội – Nhà thơ Nguyễn Văn Tuấn vào buổi sáng. Đầu giờ chiều đã nhận được thông tin anh gọi qua di động: Chủ tịch Hội – Họa sỹ Mai Hùng đồng ý bố trí xe để chúng ta thực hiện chuyến công tác nhanh chóng…
Qua cây cầu Nông Tiến mới nâng cấp, chiếc xe Nhật gầm cao, theo quốc lộ 37 đưa chúng tôi về Sơn Dương. Lúc này tôi mới thực sự “choáng” vì một nhẽ: Tân Trào đã quá nổi tiếng với các địa danh: Lán Nà Lừa , Đình Hồng Thái, Cây đa, cùng với dòng Phó Đáy, Suối Lê, Khuôn Pén… Tất cả đã đi vào thi ca, lịch sử. Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan ban, ngành trung ương ở, làm việc, lãnh đạo toàn dân tộc thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tháng 8/1945 và trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp… Một đề tài lớn về lãnh tụ, cách mạng, sức mạnh toàn dân tộc… Đã được các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, điêu khắc, điện ảnh… trong và ngoài nước khai thác triệt để, kể cả những hồi ký của những nhân chứng lịch sử. Nhiều tác phẩm có sức lan toả rộng. Vậy chuyến đi này tôi sẽ viết gì? Điều lo lắng ấy cứ ám ảnh theo tôi suốt lộ trình. Đến đầu cây cầu sắt sang huyện. Phía hữu ngạn dòng sông Phó Đáy, rẽ trái là con đường Kim Lộng dẫn vào Tân Trào. Tôi mải mê nhìn ngắm quần thể công viên bề thế, thoáng đãng với cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng, vườn hoa khoe màu rực rỡ. Con đường chạy song song với dòng Phó Đáy, soi bãi xanh mượt mà mía, ngô. Cánh đồng lúa hè thu tươi tốt. Những cụm dân cư bám theo con đường vươn dài vào điểm di tích. Mỗi lần ngược đường vào thăm Tân Trào, tôi lại phát hiện ra vẻ đẹp thơ mộng của dòng Phó Đáy. Con sông gắn liền với các địa danh lịch sử và thi phẩm “Nguyên tiêu” tuyệt bút của Người…

Tại phòng khách Bảo tàng Tân Trào. Trước một chồng sổ vàng bìa đỏ, Giám đốc Hoàng Như Loan, đồng ý lấy trong kho ra cho chúng tôi tham khảo. Tôi lướt qua từng trang quý giá và thầm nghĩ: Có lẽ bài viết bắt đầu từ những dòng lưu bút này… Thấy tôi băn khoăn trước chồng số vàng ngất ngưởng, cuốn nào cũng dày cộp, nếu đọc chăm chú cũng phải mất cả tuần. Hoàng Như Loan gợi ý: “Bác cần những tài liệu nào tham khảo, để em bảo cán bộ nghiệp vụ tra cứu giúp…
Có một gợi ý rất hay nữa làm tôi nhớ lại. Năm 2009, khi kết thúc trại hè thanh niên sinh viên quốc tế tổ chức tại Tân Trào. Quy mô trại hè gồm 500 người, thuộc hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thăm lán Nà Lừa, các điểm di tích quanh Tân Trào. Đêm chia tay các em mở lễ hội, đốt lửa trại tại quảng trường, giao lưu ca hát, nắm tay nhau nhảy múa thể hiện tình đoàn kết, anh em, bè bạn thân thiết. Đây là những trí thức tiêu biểu của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, được mắt thấy tai nghe cả những câu chuyện cảm động về Bác, và sự ra tát đời của nước Việt Nam mới đầu tiên ở Đông Nam Châu Á… Biết đâu tất cả những điều tốt đẹp, được các em đem về ươm trồng trên tổ quốc mình, góp sức để nhân loại mỗi ngày bớt đi những điều bất hạnh và thế giới thực sự trở thành khu vườn bất tận của các nền văn hoá trong tình yêu thương con người:” Ở đâu trên trái đất này vẫn còn khổ đau áp bức/Xin về đây để biết phẩm giá con người”… (Cao Xuân Thái …)
Gần hết buổi sáng, công việc tập hợp tài liệu giúp tôi cơ bản hoàn tất. Tôi bồi hồi trước những dòng chữ run rẩy, xúc động được viết ra trên mỗi trang sổ vàng … Ngày 13/8/2006, lúc đó đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, đang giữ chức vụ: Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lên thăm Tân Trào, đồng chí để lại những dòng tâm huyết, tiếp tục khẳng định, ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị lịch sử cách mạng to lớn của địa danh Tân Trào:” Chúng tôi rất xúc động và tự hào thăm lại khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào – Nơi đầy ắp các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và dân tộc. Xin chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói chung, huyện Sơn Dương và xã Tân Trào nói riêng mãi mãi giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương và đất nước, xây dựng cuộc sống dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh theo con đường Bác Hồ và Đảng ta đã chi ra Xin cảm ơn đồng chí và đồng bào đã có công giúp đỡ cán bộ và cách mạng trước đây, và ngày nay. đang gìn giữ những di tích lịch sử cách mạng vô giá của Đảng và nhân dân nước ta”…
Từ đất nước Triệu Voi, người anh em thủy chung, sau trước: Phó Giáo sư – Tiến sĩ Saykhongsay nasine, cảm nghĩ rất sâu sắc:” Nhân dịp năm đoàn kết Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào chúng tôi rất vui mừng được đến thăm tỉnh Tuyên Quang, đến thăm khu di tích lịch sử cách mạng Lào Đá Bàn, bản Ngòi và khu di tích lịch sử Tân Trào. Chúng tôi rất tự hào qua chuyến thăm này đã giúp cho chúng tôi biết và hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn cách mạng của Việt Nam cũng như của Lào, biết được cội nguồn của tình đoàn kết đặc biệt, tình chiến đấu keo sơn giữa hai dân tộc, trên tinh thần đồng chí, anh em ruột thịt trái ớt bẻ đôi, hạt muối cắn chung, cùng chống một kẻ thù chung để dành độc lập và giải phóng dân tộc Việt và Lào. Từ đó chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước, để hiểu sâu và tiếp tục xây dựng vun đắp và gìn giữ cho tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện của nhân dân hai nước ngày càng tươi đẹp và đời đời bền vững Chúc nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục giành được thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển”… (Ngày 20/7/2012)
Những người Pháp, một thời từng bên kia chiến tuyến. Nay thể hiện nghĩa cử cao đẹp:” Chúng tôi, những người bạn Pháp hiểu rõ con người vĩ đại Hồ Chí Minh, Người đã dẫn dắt đất nước dành độc lập tự do. Chúng tôi cũng hiểu rõ đó là quyền của mỗi dân tộc. Chúng tôi mãi mãi là những người bạn thân thiết của Việt Nam” – (Tân Trào 24/4/2006) Thiengribaren..
Bà Duang Duean Mantham (Thái Lan) khẳng định: “Tôi đã nhiều lần đến thăm Tân Trào, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của nước Việt Nam. Nơi đây không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, gắn liền với công lao trời biển của danh nhân văn hóa thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà con người vùng đất này thật mến khách, còn giữ được bản sắc văn hoá độc đáo và có nhiều đặc sản hấp dẫn. Tôi rất thích được nghe hát then, chơi đàn tính, thích món cơm lam và cơm ngọt của bà con dân tộc Tày xã Tân Trào. Nhiều món ăn rất riêng có của người dân nơi dậy như canh rau ngót rừng, rau bồ khai xào có vị ngọt bùi như được chắt lọc từ đất và núi rừng… Tân Trào, nơi đến để trở lại Tôi sẽ giới thiệu với đông đảo bạn bè về mảnh đất Tân Trào, về Tuyên Quang”…
Đại diện tổ chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc công tác tại nhà máy Z113: Bành Trung Cát, Ngày 27/11/1998, khí tới thăm Tân Trào bày tỏ: “Hai nước Việt – Trung núi sông liền một dải chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, mãi mãi xanh tươi. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân hai nước Trung – Việt” …
Còn rất nhiều cảm nghĩ của các bạn: Liên Xô, Đức, Ấn Độ, Angeria, Argentina, Cuba, Venezuela… Những lão thành cách mạng của Trung ương cục miền Nam Thành đồng Tổ quốc, tấm lòng của người dân khắp Trung – Nam Bắc, bà con hải ngoại, các cháu thiếu niên nhi đồng … Do khuôn khổ của bài viết mà tôi không thể trích dẫn hết được. Chỉ biết đó là những tình cảm chân thành, sâu nặng, kính trọng, khâm phục và biết ơn với Bác Hồ, Thủ đô kháng chiến, Thủ đô khu giải phóng một thời ..
Trở lại Tân Trào lần này có một điểm mới: Di tích Văn phòng Chủ tịch Phủ – Thủ tướng Phủ, xây dựng trên khu đất Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên- Sơn Dương, đã hoàn tất những hạng mục cuối cùng, sẵn sàng phục vụ khách tham quan. Còn đề án nâng cấp, tôn tạo, mở rộng Bảo tàng Tân Trào xứng tầm là Bảo tàng lịch sử, cách mạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đang được các ngành, các cấp triển khai. Từ khâu chọn vị trí, mặt bằng xây dựng, quy mô công trình … Chắc chắn đó phải là công trình hiện đại, mẫu mực, kết hợp hài hòa với kiến trúc truyền thống… Tại trụ sở UBND xã Tân Trào, các đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Kinh tế xã hội của xã những năm qua đã có bước tiến vượt bậc. Bộ mặt nông thôn mới đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm, thiếu bền vững nên cả xã vẫn còn hộ nghèo. Đảng bộ nhiều năm liền đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Xã còn có cơ chế, chính sách, hỗ trợ giữ lại 15 ngôi nhà sàn thôn Tân Lập, làm điểm du lịch cộng đồng. Sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc được chăm lo, các lễ hội dân gian được khuyến khích phát huy. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững… Còn tôi thì hình dung ra: Thị trấn Tân Trào bề thế to đẹp đang hiện hình trong tương lại. Đời sống của người dân no ấm, văn minh như tâm nguyện của Bác ngày nào.
Về Tân Trào mùa này, không thể không nhắc tới cây phách – Một loại cây đặc trưng của núi rừng Tân Trào:” Ve kêu rừng phách đổ vàng” – (Tố Hữu). Cây phách thuộc họ lim, đồng bào còn gọi là cây xẹt, hay lim xẹt. Tán lá dày, toả rộng. Tháng 3 đến tháng 4 lá cây chuyển sang màu vàng, cũng là lúc mùa cây thay lá. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 hoa nở mênh mông tím ngát. Cuối thu thì hoa tàn. Điều may mắn cho chúng tôi, đây mới là tiết đầu thu. Hoa phách còn nở miên man khắp núi rừng Tân Trào. Mùa hoa tím thuỷ chung như nhắn nhủ chúng tôi một ngày trở lại…
CAO XUÂN THÁI