Về Điền Trì, tìm “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa

Vanvn- Tôi rất thích cuốn “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa từ khi còn học phổ thông. Ấy vậy, nhưng phải tới gần đây, tôi mới có dịp về thăm làng Điền Trì, quê ông dù nơi đó cách chỗ tôi ở có vài chục cây số. Cảm xúc của chuyến tìm về góc sân của chú bé Khoa năm xưa, thật là đặc biệt…

“Thế giới nhỏ của Khoa”

Làng Điền Trì của chú bé Khoa năm xưa nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vật đổi sao dời, những dấu vết của làng quê thuần nông năm xưa, nay đã lùi dần vào dĩ vãng. Cũng là sáng sớm về làng, tôi bâng khuâng nhẩm hai câu thơ “Cánh đồng làng Điền Trì/ Sớm nay sao mà rộng?” của nhà thơ Trần Đăng Khoa rồi tự hỏi lòng mình đồng bãi xưa kia đâu.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh giới thiệu khu vườn nhỏ với những cây cau, cây dừa và giàn trầu không nay đã được trồng lại.

Cũng chẳng còn cái cảnh “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” như trong thơ của ông nữa. Nhà cửa hai bên đường tôi đi, giờ đã giống phố hơn là giống làng. Lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng ấy, là ngôi nhà ngói đầy ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ và khoảng sân gạch cùng khu vườn nho nhỏ mà hai anh em nhà thơ Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa tu sửa thành Nhà Lưu niệm. Đây là ngôi nhà ngói được cha mẹ các ông làm năm 1972 để thay thế cho ngôi nhà gianh. Hai ông đã và đang cố gắng níu giữ lại phần ký ức không chỉ của gia đình ông mà còn ký ức của biết bao thiếu nhi lớn lên trong những năm chống Mỹ.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Trần Đăng Khoa bên những hiện vật đầy ắp kỷ niệm của gia đình thời ấu thơ.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu, sách vở, hình ảnh quý về cha mẹ và về hai anh em. Ở giữa căn nhà là gian thờ tưởng nhớ cha mẹ. Hai bên có hai không gian riêng dành cho hai anh em. Phần còn lại là những hiện vật gắn với cha mẹ, với tuổi thơ của các ông.

Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhà thơ Trần Nhuận Minh giới thiệu tỉ mỉ về lai lịch từng hiện vật cho chúng tôi biết. Nào là chiếc võng bà mẹ nhà thơ vẫn ngồi, chiếc tràng kỷ gia đình thường dùng tiếp nhiều khách văn chương nổi tiếng ở Hà Nội về thăm gia đình, chiếc cối đá, chạn bát, quang chành, chiếc chum của một bà địa chủ chia cho gia đình bần nông (nhà ông) năm 1956, cái mẹt sàng gạo, tủ sách của hai anh em nhà thơ.v.v.. Nhiều hiện vật còn được đề thơ, những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa được nhiều thế hệ biết đến. Mỗi hiện vật trong nhà đều đã đi vào thơ một cách rất tự nhiên như: “Chiều nào gánh phân/ Quang chành quét đất”…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa chúng tôi đi trên khoảng sân đã lát gạch đỏ chỉ ra vườn buông lửng câu nói đầy tiếc nuối: “Giờ chẳng còn cây gì năm xưa nữa. Giàn trầu không năm xưa cũng không còn”. Hai anh em nhà thơ cho trồng lại trên nền đất cũ một giàn trầu mới đã bén rễ xanh tươi, dây trầu đã bắt đầu leo lên giàn.

Nhìn giàn trầu không, nhà thơ Trần Đăng Khoa bùi ngùi nhớ mẹ, nhớ bà ngoại và những kỷ niệm ấu thơ. Người mẹ nhân hậu của nhà thơ đã dạy cho các con biết rằng mỗi cây cối, con vật trong vườn nhà đều như có hồn. Vì vậy, mẹ bảo con khi hái trầu không được làm cây đau, phải vặn to ngọn đèn lên cho cây nhận ra mặt mình. Và khi buộc phải hái về đêm thì phải biết đánh thức nó. Cậu bé Khoa năm xưa khi đi hái trầu cho mẹ vào buổi tối đã không đọc như mẹ nói mà làm bài thơ “Đánh thức trầu”.

Sau này, bà ngoại nhà thơ mất, mẹ nhà thơ xé khăn tang đưa cho chú bé Khoa, bảo Khoa  ra buộc cho cây cối, để chúng cũng được để tang như các thành viên trong gia đình, vì sợ chúng buồn, chúng sẽ héo mòn mà chết. Người mẹ ấy tâm niệm rằng, một đứa trẻ không nỡ làm đau một cái cây, một con vật thì lớn lên chắc chắn nó không thể làm ác với con người. Đó là những mầm thiện được người mẹ nghèo gieo vào tâm hồn thơ trẻ. Tâm hồn ấy là nền tảng tinh thần và đạo đức, để sau này thành thi sĩ, bởi thi sĩ thì, lúc nào cũng biết thương người, dễ rung động trước cái đẹp, cái nhân hậu. Xưa nay, nhà thơ thì khó mà có thể làm ác với đời.

Điều rất đáng nói là người mẹ của chú bé Khoa là người thất học, không biết đọc, biết viết, nhưng điều kỳ lạ là bà lại thuộc lòng nhiều truyện thơ Nôm Việt Nam. Đêm đêm, trong ngôi nhà tranh vách đất nhỏ bé, vắng lặng, mẹ vẫn thường ru Khoa ngủ bằng những câu thơ Kiều. Chính những lời ru ấy đã tưới tắm, bồi đắp nên hồn thơ thần đồng Trần Đăng Khoa.

Ngôi nhà của cha mẹ nay được nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Trần Đăng Khoa xây dựng thành nhà lưu niệm của hai anh em.

Tôi nhìn vào di ảnh cụ Trần Thị Sen được đặt trang trọng trên bàn thờ mà chắc mẩm rằng, chính người mẹ đã góp phần tạo dựng lên một thế giới thơ cho con trai mình. Người mẹ, khu vườn tuổi thơ và cảnh vật làng quê, đã là những đề tài đi vào thơ của chú bé Trần Đăng Khoa. Thấy cậu bé Khoa xuất khẩu thành thơ, mà toàn những bài thơ về con gà, con cóc, con kiến, quả na trong vườn nhà, nhiều người từ ngạc nhiên đến tò mò. Từ tò mò đến thách thức. Họ thách bằng cách ra đề bài và bắt Khoa làm thơ ngay. Họ bắt cậu làm thơ về cây chuối, cây dừa, vườn khoai, con chó chạy mất sau trận bom…

Năm 1968, khi bé Khoa tròn 10 tuổi, được xuất bản tập thơ riêng đầu tay “Góc sân và khoảng trời”. Sau đó, đoàn quay phim Cộng sản Pháp, do đạo diễn Gérard Guillaume về làng Điền Trì quê cậu, quay phim “Thế giới nhỏ của Khoa”, được lần lượt chiếu ở các nước Châu Âu, cổ vũ nhân dân các nước ủng hộ cuộc chiến đấu chống giặc của nhân dân Việt Nam.

Bộ phim khắc họa được cảnh làng quê Việt Nam những năm chiến tranh chống Mỹ chân thực nhất, khiến nhiều khán giả vừa xem vừa gạt nước mắt xúc động. Đó là cảnh làng quê với những buổi đập lúa trên sân hợp tác xã, cảnh lũ trẻ con đi học với bùi nhùi rơm, leo qua chiếc cầu bằng tre bé tí với cây sào chống rất chông chênh. Những cây dừa, cây xoan, chiếc chuồng gà, chiếc võng, con mèo mà cô Giang, em gái nhà thơ thường ôm ngủ mỗi ngày… Tất cả đều đã đi vào trong những câu thơ thuở nhỏ của nhà thơ thần đồng.

Những câu thơ viết về ngôi nhà, mảnh vườn, về làng quê, theo cảm nhận của riêng chú bé Khoa, đúng là thế giới nhỏ của Khoa như tên bộ phim. Từ thế giới nhỏ đó, nhà thơ đã đến với những khoảng trời rộng lớn hơn. Đó là khoảng trời của quê hương đất nước, của nhân dân, của thiếu nhi nhiều thế hệ và xa hơn là khoảng trời của nhân loại.

Đưa biển về khoảng trời quê

Thực ra, ở tập thơ “Góc sân và khoảng trời”, nhà thơ chỉ viết loanh quanh ở trong sân ra đến cái vườn rồi mới ra đến khoảng trời mênh mông. Sau này, ra Quảng Ninh, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về Hạ Long. Ông kể: “Ra Hạ Long, đêm đêm tôi nhìn ra Vịnh, thấy đèn như sao trời hóa ra là đèn của bà con ngư dân đi đánh cá. Thế rồi về nhà, nhớ Hạ Long, đêm, tôi ngước lên nhìn sao trời ở quê, thấy như đèn đánh cá. Rồi lại thấy mây bay như những cánh buồm trên Vịnh Hạ Long. Tôi tưởng trên nóc nhà tôi cũng là Hạ Long, cũng là biển, cũng là Hòn Gai đấy chứ. Và tôi viết: “Lấp lóe lửa chài sao hiện ra/ Mây bay lóng lánh cánh buồm xa/ Em mang sắc biển về quê đó/ Sắc biển xanh trên những mái nhà”. Đấy ra Quảng Ninh, tôi mang biển về bầu trời trên mái nhà”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động kể lại ký ức ấu thơ trong ngôi nhà cũ.

Quảng Ninh được coi là quê hương thứ hai của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Gia đình tôi một nửa ở Quảng Ninh. Và như thế, những vui buồn của tôi có nhiều liên quan với Quảng Ninh. Ông anh ruột tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh, ra Quảng Ninh từ năm 1962, khi ấy còn là khu mỏ Hồng Quảng. Em gái tôi sau này cũng ra Hòn Gai học cấp 3, rồi sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm thì về Cẩm Phả dạy phổ thông trung học. Hai con bà chị ruột tôi cũng ở Cẩm Phả và khá đông các cháu. Chính anh Minh là người mở đường cho tôi đến với văn chương qua các tác phẩm văn học mà anh cho tôi đọc”.

Sau những lần ra Quảng Ninh thăm anh trai, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã để lại cho vùng đất này nhiều bài thơ hay như: “Cầu Cầm”, “Lời của Than”, “Hạ Long”, “Em về Hồng Gai”, “Bãi Cháy”, v.v. Ông quan niệm, Quảng Ninh là vùng đất đặc biệt, là quê hương thứ hai của mình, nơi có người anh yêu văn chương đưa sách về cho ông đọc và đưa ông đến văn chương.

Chúng tôi chia tay làng Điền Trì, như thể chia tay với ký ức tuổi thơ của chính mình. Ký ức về làng quê của hai anh em nhà thơ Trần Đăng Khoa và Trần Nhuận Minh, cũng chính là ký ức của nhiều người. Bởi vì, trong chúng ta, gần như ai cũng được sinh ra từ làng, hay là đều có một quê hương bản quán, đều có một góc sân và khoảng trời tuổi thơ của mình, để hôm nay, khi đã lìa xa rồi,  thì luôn khắc khoải nhớ về.

PHẠM HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *