Ma có thật không?

Vanvn- Rất nhiều người trong số chúng ta tin rằng ma, hay linh hồn người chết, là có thật. Nhưng liệu có cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó không?

Nếu tin vào sự tồn tại của ma quỷ, thì bạn có lẽ không phải người duy nhất.

Rất nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới đều tin, thậm chí xây dựng dựa trên câu chuyện về những linh hồn sống sót sau cái chết, để rồi tồn tại ở một “cõi” khác. Trên thực tế, ma quỷ là một trong những hiện tượng huyền bí có được sự tin tưởng rộng rãi nhất trên thế giới, với hàng triệu người tin rằng ma là có thật.

Một cuộc thăm dò của tổ chức Ipsos vào năm 2019 cho thấy 46% người Mỹ nói rằng họ thực sự tin vào sự tồn tại của ma quỷ. Trong đó, 18% nói rằng họ đã nhìn thấy ma hoặc từng gặp ma. Vậy, ma quỷ là gì dưới góc độ khoa học?

Khoa học đi tìm lời giải: Ma có thật không?

Không thể phủ nhận rằng trong lịch sử loài người, hay thậm chí cuộc đời của một con người, có thể xuất hiện những hiện tượng kỳ lạ, gây ngạc nhiên, và không thể lý giải.

Chúng có thể là những điều hết sức đơn giản như cánh cửa tự đóng, đồ vật bị biến mất, một nơi nào đó bất chợt thay đổi nhiệt độ, cho đến hình ảnh của người thân đã chết hiện lên trước mắt.

Bởi vậy, luôn có những sự khó khăn nhất định trong việc đánh giá sự tồn tại của ma quỷ dưới góc độ khoa học.

Khoa học vẫn chưa đánh giá được sự tồn tại của ma quỷ (Ảnh: Getty).

Theo GS. Stephen Hupp, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Nam Illinois Edwardsville, Mỹ, có rất nhiều hiện tượng bị hiểu lầm là do ảnh hưởng của ma quỷ.

Một trong số đó là hiện tượng bóng đè, hay tê liệt khi đang ngủ. Đó là trải nghiệm đã được khoa học chứng minh và thừa nhận. Thế nhưng từ trước khi được khoa học biết đến, người ta cho rằng đây là hiện tượng bị ma, hay quỷ ám.

Ngoài ra, có rất nhiều mâu thuẫn cố hữu trong quan niệm về ma. Thí dụ như ma có phải là vật chất hay không? Chúng có thể di chuyển xuyên qua các vật thể rắn?

Dựa theo logic và các định luật vật lý cơ bản, thì dường như hình ảnh về ma quỷ (nếu chúng thực sự tồn tại) đã đi ngược lại tất cả những gì mà ta từng biết. Thí dụ như nếu ma là linh hồn của con người, tại sao chúng lại xuất hiện với quần áo và những đồ vật vô tri như mũ, gậy, váy…

Hay nếu ma có thể giao tiếp với con người, thì tại sao linh hồn của những người bị giết hại không tìm cách để báo với cảnh sát, nhằm tìm ra hung thủ, hoặc minh oan cho một ai đó?

Với rất nhiều lý thuyết cơ bản trái ngược nhau, rất ít chủ đề khoa học đề cập đến ma quỷ. Thế nhưng khoa học cũng không phủ nhận sự tồn tại của ma quỷ và linh hồn.

Trái lại, nhiều phát biểu cho rằng ma quỷ có thể tồn tại, nhưng nếu chúng không thể bị phát hiện, hoặc xuất hiện để ta nhìn thấy dưới hình thức nào đó, thì tất cả tranh ảnh, video, âm thanh… cũng không thể được coi là bằng chứng về ma. Nói cách khác, ma quỷ có thể được coi là một đề tài chưa thể tìm ra câu trả lời của khoa học.

Vì sao ta tin rằng ma tồn tại?

Theo GS. Stephen Hupp, một nguyên nhân phổ biến cho sự tin tưởng vào ma quỷ là do hội chứng pareidolia. Đây là hội chứng khiến người ta có xu hướng nhận thức (hay áp đặt) một cách giải thích có cơ sở lên một hình ảnh mơ hồ, khiến nó trở thành một vật thể, khuôn mẫu, hoặc mang theo ý nghĩa nhất định.

Một thí dụ phổ biến là khi chúng ta nhìn thấy các khuôn mặt, hoặc hình người xuất hiện ở trên mây, tại các bụi cây, hay bên trong một ngôi nhà tối. Bên cạnh đó, niềm tin vào thế giới linh hồn cũng có thể là sự đáp ứng cho nhu cầu về mặt tâm lý.

“Vũ trụ này vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu, và một số người có thể sẽ cảm thấy thật thoải mái khi lấp đầy khoảng trống đó bằng những lời giải thích về thế giới siêu nhiên”, GS. Stephen Hupp cho biết.

“Những lời giải thích siêu nhiên thường được đưa ra một cách đầy tự tin, ngay cả khi không có bằng chứng thực tế, và sự tự tin này có thể mang lại cảm giác sai lầm về thực tế”.

Nếu ma là có thật và là một loại năng lượng, hoặc thực thể nào đó vẫn chưa được biết đến, thì sự tồn tại của chúng (giống như tất cả các khám phá khoa học khác) sẽ được các nhà khoa học phát hiện và xác minh thông qua các thí nghiệm có kiểm soát.

“Điều cuối cùng mà bạn muốn nghe về ma quỷ, là sự tồn tại của chúng theo một lời kể của ai đó, nhưng lại không có bằng chứng khoa học”, GS. Stephen Hupp kết luận.

MINH KHÔI

Dân Trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *