Hội thảo khoa học quốc gia tôn vinh Giáo sư Hoàng Tuệ

Vanvn- Ngày 30.3.2024, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ở Hà Nội đã diễn ra trang trọng Hội thảo Khoa học quốc gia “Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng phối hợp tổ chức.

Hội thảo nhằm tưởng nhớ, tôn vinh một trong những nhà ngữ học quan trọng nhất nước ta là Giáo sư Hoàng Tuệ, người cùng với các tên tuổi khác thuộc thế hệ tiên phong sau cách mạng như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Hoàng Phê, Hoàng Văn Hành, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Thị Châu, Đỗ Hữu Châu, Trần Chút,… đã đặt nền móng xây dựng, phát triển ngành ngôn ngữ học non trẻ.

>> GS Hoàng Tuệ – Người định hướng khoa học cho tôi

>> Nhà ngữ học Hoàng Tuệ và nhà văn Bảo Ninh

 

Đến tham dự hội thảo có đông đảo các nhà ngữ học đầu ngành trong và ngoài nước là đồng nghiệp, học trò các thế hệ của Giáo sư Hoàng Tuệ (1921 – 1999) như: Nguyễn Thiện Giáp, Lý Toàn Thắng, Irina Samarina, Nguyễn Tuyết Minh, Đinh Văn Đức, Hoàng Văn Ma, Phi Tuyết Hinh, Nguyễn Văn Khang, Phạm Văn Tình, Trần Kim Phượng, Phạm Văn Lam, Nguyễn Thị Phương…

Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học là học trò của GS Hoàng Tuệ đồng thời là bạn văn thân thiết của con trai ông là nhà văn Bảo Ninh cũng được mời tham dự: Nguyễn Quang Thiều, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Phan Hoàng, Phạm Ngọc Tiến, Phạm Đình Ân, Phạm Xuân Nguyên, Yên Ba,… và nhà báo Nguyễn Thế Thanh từ TPHCM.

GS Hoàng Tuệ sinh ngày 20.9.1921 tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình giàu truyền thống Nho học. Ông nội là Thượng thư Huỳnh Côn thời nhà Nguyễn, từng dạy học cho vị vua yêu nước Duy Tân. Cha là sử quan Hoàng Châu Tích làm Biên tu Quốc sử quán. Tuổi thơ Hoàng Tuệ gắn liền với kinh đô Huế và ông cũng sớm tham gia cách mạng khi đang học Quốc học Huế năm 1937.

Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội”

Tốt nghiệp trung học, Hoàng Tuệ ra Hà Nội học Trường Đại học Luật và tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Quân Pháp tái xâm lược, ông gia nhập đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu ở Mặt trận Nam Trung Bộ rồi sang Lào. Đến năm 1948, khi đang ở Mặt trận Bình Trị Thiên, ông được điều động sang ngành giáo dục, dạy học tại Trường Nguyễn Xuân Ôn và Trường Huỳnh Thúc Kháng của Liên khu 4.

Năm 1954, miền Bắc giải phóng, Hoàng Tuệ về giảng dạy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đây ông vừa giảng dạy trong và ngoài nước vừa nghiên cứu tiếng Việt, đồng thời được tín nhiệm giữ nhiều chức trách, trong đó có 10 năm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn Ngữ.

GS Hoàng Tuệ là nhà ngữ học uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, phát triển ngành ngôn ngữ học non trẻ của nước ta. Ông đã được trao 2 Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ cho công trình cá nhân và tập thể.

Tại cuộc Hội thảo Khoa học quốc gia “Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội”, một cuốn kỷ yếu khoa học về ông do NXB Dân Trí ấn hành dày gần 620 trang khổ lớn 19x27cm với 68 bài viết của các chuyên gia đã phân tích, đánh giá, ghi nhận công lao to lớn của nhà ngữ học tiên phong.

Nhà ngữ học Nguyễn Thiện Giáp phát biểu
Nhà ngữ học Irina Samarina người Nga nhắc về những kỷ niệm xúc động với GS Hoàng Tuệ

Đồng thời, nhiều ý kiến khác tại cuộc hội thảo, trong đó có phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của ngành ngôn ngữ học mà GS Hoàng Tuệ là đại diện tiêu biểu đã lưu giữ, phát huy những giá trị của tiếng Việt trong tiến trình lịch sử thăng trầm của dân tộc. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chính các nhà văn nhà thơ đã tiếp nhận, thừa hưởng những giá trị từ hồn cốt tiếng Việt để sáng tạo nên các tác phẩm, mà tiêu biểu là nhà văn Bảo Ninh, người được thụ hưởng trực tiếp từ cha mình qua văn bản cũng như lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Từ trái sang, các nhà văn: Lê Hải Triều, Phan Hoàng, Phạm Xuân Nguyên, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến, Yên Ba.

Có thể nói, Hội thảo Khoa học quốc gia “Giáo sư Hoàng Tuệ – Ngôn ngữ trong đời sống xã hội” là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng, chẳng những tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Tuệ mà còn là hoạt động khoa học nhân văn có ý nghĩa.

VANVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *