Gió – linh hồn Phú Hội – Tản văn Hoàng Thu Thảo

Vanvn- Cơn gió âm ẩm mùi cũ kĩ làm rối tung cả một khoảng trời. Anh vuốt lại mái đầu lộn xộn, đôi mắt biết nói vẫn sáng rực, và giọng nói trầm khàn vẫn vương vít trong bầu không gian. An đưa chiếc máy ảnh lên ngang tầm mắt, và “tách” một cái. Vậy là cái vẻ mặt say sưa của anh bỗng chốc hoá thành một mảng kí ức trong những chuyến đi nối dài của An, bình yên và nhẹ nhàng.

– “Hồ nhiên nhi thiên
Chí vọng thâm ân
Minh hoài hậu đức”…

An chợt bứt ra được khỏi dòng xao lãng khó cưỡng mà không gian nơi đây mang đến. Theo hướng anh bước đi, cô như bị hút vào vệt màu kí ức đọng lại trên ba bức hoành phi – ở đó có phải là đang đặt cuốn phim đen trắng ấm nóng nhất về những ngày sục sôi của Phú Mỹ không?

– Các bạn thân mến, mái đình nhỏ bé này đã che chở những đứa con anh hùng dưới đôi mắt gian ác kẻ thù, chứng kiến sự mến thương, tôn kính dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Linh hồn của Phú Mỹ có lẽ chính là ba bức hoành phi sơn son thếp vàng với ba câu thơ ý vị, như chứa đựng cả tấm lòng ơn nghĩa sắt son, vừa ấp ủ nét can trường, nhạy bén của đồng bào nơi đây…

Cây bút trẻ Hoàng Thu Thảo ở Đồng Nai

Mọi người trong đoàn tản ra tham quan quanh ngôi đình bạc đầu bởi nắng mưa miên trường, nét mặt họ như những người lữ khách, phiêu lãng và ngẩn ngơ. An nhìn thấy anh dõi ánh mắt lên phía bầu trời, hít một hơi thở dài tưởng như no nê lắm và anh bước những bước đi vô thức. Anh dừng lại trước gốc cổ thụ cao ngất đặt trước cửa đình, chạm vào gốc cây thô ráp bằng cả hai bàn tay. Ánh mắt anh dịu dàng khép lại. An không kìm được mà bấm thêm một bức ảnh nhạt màu – kí ức về gió và anh.

– Anh có cảm thấy được linh hồn của đất không?

Anh không giật mình, mà an tĩnh như thể sự xuất hiện của An đơn thuần là hữu ý.

– Em biết không, mọi thứ đều có linh hồn…Linh hồn của quê hương đã ấp ủ và che phủ cho mái đình này khỏi những vẩn đục của nhân gian, để kí ức được nguyên màu, và để gió được tự do mơn trớn khoảng không gian.

– Có phải, anh là gió? Một làn gió lãng du…

Anh nở một nụ cười, nhẹ hơn cả màu nắng chênh vênh.

***

– Anh có muốn em chụp cho anh thêm một tấm nữa không? Sau chuyến này, phải cảm ơn em vì đã làm cho anh được nguyên cuốn album hình đó nhe.

– Cô nhóc à, em đã chụp nhiều lắm rồi đó. Em không sợ sau chuyến đi này, những bức ảnh em có được chỉ toàn là màu nhạt nhoà của anh à? Nào đưa đây anh chụp cho em, để sau này, em còn nhớ được ra là em có đi trên chuyến xe này chứ!

– Anh không biết anh làm mẫu ảnh là đẹp như mơ luôn à? Thôi, nhưng mà anh không muốn nữa thì mình đổi, anh chụp cho em một tấm vậy nha!

An chạy lại về phía bóng cây lợp mát, đang tính vòng tay qua ôm lấy gốc cây để vừa tạo dáng vừa tranh thủ thu vào lồng ngực mình chút mùi cũ kĩ của Phú Mỹ trước khi rời đi thì một ngọn gió từ hư vô lùa qua, khiến mái tóc cô rối bù và đôi chân đang đặt trên một đoạn rễ cây thì nghiêng ngả.

Mái đình Phú Mỹ – Nhơn Trạch – Đồng Nai

Anh lại cười, tới bên đỡ cô đứng dậy.

– Em hậu đậu thật đấy!
– Không phải em, không phải em đâu nha.

Cô cười xoà tỏ vẻ vô can và thở ra một tiếng thầm thì:
– Là gió không muốn rời xa đấy thôi…

– ” Mỗi cành cây, chiếc lá, hòn sỏi dù nhỏ dù to, nếu đã ở đây thật lâu, thì đã đều chứa đựng linh hồn, nên mấy đứa đừng mang chúng đi… Chẳng biết mấy bạn nghĩ như thế nào, nhưng với thầy, thầy đi gần hết đất nước Việt Nam, thầy vẫn thấy thích đến những đình, chùa. Thầy cũng không biết có phải do con người hoài cổ như vậy hay không, nhưng với thầy chẳng cần đâu xa, nơi đâu đã gắn liền với lịch sự, chứng kiến quá khứ, hiện tại và có lẽ sẽ là cả tương lai, miễn là gắn bó đủ lâu, thì đấy chính là văn hoá…”. Anh có nhớ lời thầy đã nói với tụi mình không?

– Đó là tiên hướng của anh khi bước chân theo nghề “khoác ba lô dạo” này, anh chưa kể với em sao, An?

Anh nháy mắt tinh nghịch, trái hẳn với vẻ trầm tư theo kiểu “già dặn thái quá” của anh mỗi khi nói về các di tích. Dường như, thiên chức của anh được giao phó ấy chính là kẻ kể chuyện thay cho những linh hồn…

– Anh, em vừa có một ý nghĩ. Anh còn nhớ Mẹ Tâm không? Em nhớ những giọt nước mắt rơi trong thầm lặng. Mẹ có lẽ đã không còn đủ minh mẫn để nhớ mình là ai, nhưng cái ám ảnh trong lòng về hình ảnh những đoàn người về rồi lại đi vẫn đau đáu trong lòng Mẹ. Và những đôi mắt sáng rực trên bàn thờ…Anh, với em mà nói, cũng như mái đình cũ bạc mái đầu trong nắng gió, những tấm di ảnh trên bàn thờ, những người Mẹ, và cả những giọt nước mắt ấy cũng đã quyện hoà vào hai tiếng “văn hoá” nơi mảnh đất cổ Phú Hội kiên cường, đẹp đẽ này…

Anh chợt xoa đầu An rất dịu dàng và tiếng trầm đều ấy vang lên rất khẽ:

– Gió sẽ nhớ em lắm đấy, cô bé!

Anh vẫy vẫy tay với An, đi lên trước đoàn người để điều khiển họ trở về chiếc xe rộn rã đã sẵn sàng lăn bánh. An xốc lại ba lô, nhìn theo nụ cười của anh rồi lại ngoái đầu nhìn về mái đình Phú Mỹ, khẽ chớp đôi mi.
Chiếc máy ảnh trong tay cô vẫn đang mở chế độ xem ảnh – bức ảnh về cô gái mỉm cười với gió.

Cho những khoảnh khắc

mơ về mái đình Phú Mỹ – Nhơn Trạch – Đồng Nai

HOÀNG THU THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *