Chuyện hối lộ trong lịch sử

Vanvn- Nhận hối lộ, theo thuật ngữ pháp lý ngày nay, là hành vi nhận các lợi ích vật chất của người có chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Hành vi đưa và nhận hối lộ có thể trực tiếp hoặc qua trung gian. Theo luật hình các thời đại, khi vụ việc bị phát giác, tùy vào giá trị lợi ích đưa và nhận hối lộ, các chủ thể của tội danh này sẽ bị xử các mức án nặng nhẹ khác nhau.

Hình ảnh xử án thời Nguyễn. Ảnh tư liệu

Trong lịch sử nước ta, từng có rất nhiều vụ hối lộ được ghi nhận, lớn nhỏ đủ cả. Lớn nhất có vụ nhận hối lộ của người nước ngoài mà hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, khiến vua cũng thiệt mạng. Đó là chuyện xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành cuối đời nhà Trần. Năm 1376, khi thấy vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua Trần Duệ Tông sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên vua để cầu hòa. Tuy nhiên Đỗ Tử Bình lại ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Do đó vua Duệ Tông mới nổi giận, quyết ý thân chinh dù nhiều người can ngăn. Cuối cùng, ngày 24 tháng Giêng năm sau, vì trúng kế của Chế Bồng Nga, Trần Duệ Tông bị vây gần kinh thành Đồ Bàn rồi cùng hầu hết quân lính tử trận trong tay giặc.

“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép về hậu quả thảm khốc của vụ “ăn chặn” và nhận hối lộ của Đỗ Tử Bình: “Ngày hôm ấy ở kinh sư, ban ngày mà trời tối om, chợ búa phải đốt đuốc để mua bán”.

Tin dữ báo về kinh thành Thăng Long, Thượng hoàng Nghệ Tông sai quân đi bắt Đỗ Tử Bình nhốt vào cũi rồi giải về vì tội không cứu Vua. Khi đoàn dẫn giải về qua phủ Thiên Trường, dân chúng biết tin liền kéo đến ném gạch đá vào thuyền chở Tử Bình mà chửi hắn.

Tuy nhiên sau đó Thượng hoàng Nghệ Tông xử tội Tử Bình quá nhẹ, hắn không bị xử tội chết, chỉ phải đồ làm lính, rồi sau đó lại còn được cho phục chức, cho đi chống quân Chiêm Thành tiếp, nhưng đánh trận nào đều thua trận đó khiến Chiêm Thành nhiều lần chiếm được Thăng Long, nhà Trần suy yếu sau đấy mất về tay Hồ Quý Ly.

Khi đọc đến kẻ ăn hối lộ khủng khiếp này, vua Tự Đức đã phải phê vào bản thảo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”: “Tội hai người này (Đỗ Tử Bình và Hồ Quý Ly) đáng giết, không dung tha được; thế mà lại còn vẫn dùng! Chính sự nhà Trần không có kỷ cương gì cả, trách nào chẳng bại vong!”.

Nhưng thời xưa cũng có những tấm gương không nhận hối lộ được sử sách khen ngợi. Đó là việc Thái phó Tô Hiến Thành quyết tâm phò Thái tử Lý Long Trát lên ngôi (là vua Lý Cao Tông), sau khi vua Lý Anh Tông băng hà (năm 1175). Trước đó, hoàng tử Lý Long Xưởng lớn tuổi nhưng phạm tội, bị vua cha truất ngôi thái tử. Tiên vương vừa mất, Chiêu Linh Thái hậu là mẹ đẻ của Long Xưởng muốn con mình lên ngôi, đã mang vàng bạc đút lót cho vợ ông. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng:

“Bấy giờ Thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp lập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Dù Thái hậu cố gắng trăm cách thuyết phục cũng không được, mà Tô Hiến Thành là quan đầu triều giữ lòng cương nghị, nên trăm quan đều nhìn đó mà noi theo. Hết tang Lý Anh Tông, Chiêu Linh Thái hậu lại ban yến cho các quan ở biệt điện, tiếp tục mua chuộc họ để mong đưa con lên ngôi, nhưng các quan đều chắp tay cúi đầu nói: “Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh”.

Thời Trần, cũng có một viên quan kiên quyết không nhận hối lộ được sử sách khen ngợi khác, đó là Trần Thì Kiến. Đời vua Trần Anh Tông vào tháng 4/1279, nhà vua bổ Trần Thì Kiến làm Kiểm pháp quan, nhậm chức Đại an phủ Kinh sư. “Toàn thư” chép rằng Thì Kiến tính người cương trực, được Hưng Đạo vương tiến cử, được cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường. Có người trong hương, nhân ngày giỗ đem biếu mâm cỗ, Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trị sở nên đem biếu chứ không kêu xin gì. Nhưng mấy ngày sau, quả nhiên người kia có việc kêu xin, Trần Thì Kiến liền móc họng nôn hết đồ ăn ra. Khi ghi sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận rằng: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ”.

Chuyện hối lộ không chỉ diễn ra trong nội bộ triều đình, mà còn diễn ra trong quan hệ bang giao. Như thời Lê sơ, đời vua Lê Thái Tông cuối năm 1436, sứ nhà Minh là Chu Bật, Tạ Kinh sang báo việc vua Minh Anh Tông lên ngôi và việc gia tôn thái hoàng thái hậu. “Toàn thư” chép rằng: “Bọn Bật tham lam thô bỉ, trong bụng rất hám tiền của nhưng ngoài mặt làm ra vẻ liêm khiết, mỗi khi có tặng lễ vật vàng bạc, đều từ chối không nhận, nhưng lại nhìn những người đi theo nét mặt ngần ngại. Triều đình biết ý, mới đưa những người đi theo sang dự yến ở phòng khác, rồi nhân lúc rót rượu, ngầm lấy mấy nén vàng ấn vào lòng bọn Bật. Bật mừng rỡ khôn xiết. Bọn Bật lại mang nhiều hàng phương Bắc sang, đặt giá cao, ép triều đình phải mua. Đến khi về nước, phải bắt đến gần một nghìn dân phu khiêng gánh đồ cống vật và hành lý của bọn Bật”.

Việc tặng quà riêng cho sứ thần Trung Quốc thực ra đã được quy định thành điển lễ của các triều đình Việt Nam. Các thời Lý, Trần… hiện không còn tư liệu, nhưng như thời Nguyễn, sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1803 ra Thăng Long nhận lễ tuyên phong của Nhà Thanh, xong xuôi có đãi yến sứ đoàn ở công quán Gia Quất (Gia Lâm) và tặng biếu phẩm vật. Chánh sứ Tề Bố Sâm (Án sát sứ tỉnh Quảng Tây) chỉ nhận lấy the, lụa, vải, sừng tê, kỳ nam, còn dư đều trả lại, lại tiến mừng nhà vua phương vật nước Thanh. Vua Gia Long đáp lễ, cũng “sai thu nhận một vài thứ để yên lòng”.

Chuyện ăn hối lộ cũng được ghi chép nhiều trong thời Lê, như vụ hai công thần là Nguyễn Sư Hồi và cha là Nguyễn Xí bị tố cáo nhận đút lót của người ta 80 lạng bạc. May cho cha con ông này nhờ có công tôn phù nhà vua lên ngôi nên được tha tội chết. Mặc dù vậy, nhà vua cũng sai viên Tư lễ giám Nguyễn Áng đem tờ sắc đến quở trách Sư Hồi để lấy lại số bạc đã ăn đút lót ngày trước và răn bảo rằng: “Nhà người có lỗi chớ ngại đổi, may ra sẽ không có sự ăn năn sau này”.

Thời Lê Thánh Tông cũng có một quan nổi tiếng thanh liêm, không bao giờ ăn hối lộ, được đời sau khen ngợi. Đó là Hoàng giáp Vũ Tự, làm đến chức Tả thị lang bộ Hình. Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có nhận xét ông là “tính liêm thẳng, làm quan trong sạch, cần kiệm, chưa từng lấy bậy của người”.

Thời Nguyễn, các vua Minh Mạng, Tự Đức đều thẳng tay xử lý các trường hợp ăn hối lộ. Năm 1838, vua Minh Mạng từng xử án sát tỉnh Bình Định là Vũ Thế Trường dung túng người nhà ăn hối lộ, tang vật đến hơn 100 lạng bạc, bị cách chức chờ xét, nhưng còn kêu oan. Vua sai Thượng thư bộ Lại là Lê Đăng Doanh đem cờ, bài mệnh vua đến nơi đốc sức án sát mới là Phạm Quỹ xét hỏi, rõ hết được tội trạng. Kết quả, Vũ Thế Trường bị phát lưu, đi an trí ở Nghệ An. Vua bảo thị thần: “Trường là chân Khoa đạo (do thi đỗ mà được bổ nhiệm), trẫm thấy tâu đối được minh bạch, tưởng là người tốt, không ngờ lại hỏng về việc tham tang, trước kia chỉ biết mặt mà chưa biết lòng, quả là việc biết người khó đến thế!”

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Tuần phủ Thuận Khánh là Tôn Thất Lương hặc tâu tham tán Trấn Tây Dương Văn Phong trước ở Bình Thuận, có dân trong hạt cầu tha thuyền lậu, đã nhận tiền hối lộ đến 100 lạng bạc, bị người tố cáo. Vua ra chỉ sai Phong tâu về, nhưng Phong không nhận tội. Vua cho là tang vật tuy chưa rõ, nhưng làm việc có tiếng tăm, tội cũng khó từ chối, giao bộ Hình nghị xử vào án cách chức. Các quan Khoa đạo là Vũ Danh Thạc, Lê Chân tâu rằng, làm quan không gì tệ hơn tư tình nhận của lót, nay Phong nhận của lót, có người nói việc khai ra mà vợ lẽ của Phong chưa từng đối chất, nếu không xét rõ, chỉ phải cách chức, thì phép luật triều đình có bị khuất; còn nếu Phong vì bị vu khống mà phải tội, thì nhục suốt đời, xin cho phái viên tra xét, để cho thực xét xử công bằng.

Vua bèn sai Binh khoa Chưởng ấn cấp sự trung là Nguyễn Tự đi tra xét thì việc ấy đều do vợ lẽ Phong và người nhà riêng nhận của lót, đến khi việc phát hiện, đã đem bạc ấy trả lại người chủ, Phong không dự biết. Án xử vợ lẽ và người nhà Phong đều bị phạt trượng, còn với Phong, vì là quan to một địa phương, xin vua định đoạt. Vua đặc cách cho Phong vẫn cách lưu.

Vua Minh Mạng năm 1822 cũng xử Nguyễn Cư Tuấn, nguyên Cai bạ Quảng Trị (con trai danh sĩ Nguyễn Cư Trinh), vì sách nhiễu hối lộ đến hơn 900 quan tiền, tội đáng xử tử. May cho ông này là phạm tội trước khi có lệnh ân xá khi vua lên ngôi, nên được gia ân miễn cho tội chết, bị đồ 6 năm làm lính, truy một nửa tiền tham tang trả cho dân.

Thời vua Tự Đức, tháng Chạp năm 1854, có thương nhân nước ngoài tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc ở Quảng Nam. Biết tin, vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến tỉnh điều tra làm rõ. Án được trình lên, có tới 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức. Trong vụ án này, Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc, dù đã trả lại 80 lạng, vẫn bị bắt giam, rồi lâm bệnh chết trong tù. Đây có lẽ là vụ án xử tội nhận hối lộ lớn nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến.

Vua Tự Đức cũng từng xử Án sát tỉnh Lạng Sơn là Nguyễn Mậu Kiến vì tội nhận tiền hối lộ, và làm mất bản án. Tội này đáng phải tội thắt cổ, nhưng vì số bạc ấy chưa tiêu, và ông này có chút công mộ quân đánh giặc, nên vua mới cho gia ơn cách chức, phát giao cho quân thứ Ninh – Thái, làm việc chuộc tội.

Bàn về việc phải xử lý các tội tham nhũng, ăn hối lộ của các quan, có lẽ sâu sắc nhất là lời của Trạng nguyên Vũ Kiệt thời Lê sơ (dân gian hay gọi là Trạng Vít). Bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt trong kỳ thi khoa Nhâm Thìn (1472), đời vua Lê Thánh Tông được triều đình coi như kiệt tác về sách lược trị nước, an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập. Trong bài thi này, Vũ Kiệt viết rằng: “Sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan… Quan lại thất đức, việc ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được”.

Vũ Kiệt cũng chỉ rõ cách khắc phục các hiện tượng tham ô này: “Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách… Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trường cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ…”.

Vua Tự Đức triều Nguyễn, vào năm 1875, trong tờ dụ cho bộ Lễ, cũng đã chỉ ra rằng: “Nước mà hỏng việc, là do quan bất chính, quan thiếu chức vụ là tại ăn hối lộ”.

LÊ TIÊN LONG

An Ninh Thế Giới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *