Vị tướng duy nhất làm Tư lệnh hai Binh chủng hiện đại bậc nhất của QĐND Việt Nam

Vanvnm- Theo Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, vị tướng đó là Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh (1964-1968) và Binh chủng Tăng Thiết giáp (1971-1974) – hai binh chủng kỹ thuật hiện đại bậc nhất của QĐND Việt Nam.

Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm sinh năm 1918 tại làng Tân Xuân, huyện Hàm Thuận (nay là phường Xuân An, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ông xuất thân trong một gia đình khá giả. Cha ông không chỉ lo làm giàu mà còn có đầu óc cầu tiến, canh tân.

Sau khi học xong chương trình trung học đệ nhất cấp (tương đương trung học cơ sở hiện nay) tại Quy Nhơn, Nguyễn Thế Lâm ra Huế để học tiếp trung học đệ nhị cấp. Sau 3 năm dùi mài kinh sử, ông đã xuất sắc giành được bằng tú tài toàn phần theo hệ tú tài Pháp, tương lai đang rộng mở đối với ông.

Thời đó, những người có bằng tú tài toàn phần thường đi làm việc cho chính quyền bảo hộ Pháp. Tuy nhiên, Nguyễn Thế Lâm lại quyết định thi vào Đại học Y khoa Hà Nội. Thập niên 40 thế kỷ trước, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, đặc biệt trong giới học sinh – sinh viên tại Hà Nội và các thành phố lớn. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, Nguyễn Thế Lâm hăng hái tham gia các phong trào yêu nước và được kết nạp vào tổ chức Việt Minh.

Năm 1944, ông nhận nhiệm vụ về Huế hoạt động và tham gia Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh Thừa Thiên, chính thức trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ.

Trong cuốn hồi ký của mình, tướng Nguyễn Thế Lâm ghi: “… Chưa hiểu lý tưởng của Đảng, chưa biết nguồn gốc Việt Minh, nhưng động cơ yêu nước đã đưa tôi vào tổ chức Việt Minh để tham gia giành độc lập cho đất nước. Đọc lời kêu gọi bí mật của Nguyễn Ái Quốc, biết Người đứng đầu tổ chức Việt Minh của cả nước, tin tưởng ở ‘vị cứu tinh của dân tộc’, tôi đã bắt đầu suy nghĩ, đơn giản như thế trên con đường cứu nước, tìm đến với Đảng”.

Không chỉ sớm nhìn thấy ánh sáng của cách mạng, ông còn khuyên hai em của mình là Mười Sạng và Mười Sơn nhanh chóng thoát ly, rời thành phố lên chiến khu nhận công tác kháng chiến tùy sở trường.

Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm chụp hình cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dấu ấn về tài thao lược trên chiến trường của ông được thể hiện rõ ở 101 ngày ra quân tại mặt trận Nha Trang cuối năm 1945. Đó là sự vận dụng xuất sắc những bài học về chiến tranh nhân dân, về hai đòn chiến lược của chủ lực và chiến tranh du kích.

Năm 1954, Bộ Quốc phòng điều ông Nguyễn Thế Lâm về làm Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Pháo binh rồi sau đó cử sang Liên Xô 5 năm học về pháo binh – tên lửa ở Học viện Pháo binh Kalinin tại Leningrad (Saint Petersburg). Kết thúc khóa học năm 1964, ông về nước và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng pháo binh.

Năm 1959, trong thời gian công tác ở Bộ Tư lệnh pháo binh, Nguyễn Thế Lâm được Bộ Quốc phòng điều về làm cận vệ của Bác Hồ khi Bác tiếp Tổng thống và nguyên thủ một số nước khi họ đến thăm nước ta.

Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, giữa năm 1968, Nguyễn Thế Lâm lại được Trung ương điều về làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên – Huế (chiến trường B4), một chiến trường ác liệt nhất của cuộc Chiến tranh giải phóng miền Nam.

Đến năm 1971, tình hình quân khu Trị – Thiên cũng như toàn miền Nam đang từng bước khôi phục và kiện toàn lực lượng chuẩn bị cho kế hoạch đánh lớn, ông được điều về và trở thành Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp đầu tiên.

Năm 1974, ông được điều về công tác tại Hội đồng Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng. Cùng năm, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Trong hồi ức “Tôi là chiến sĩ xe tăng”, ông viết: “Trong đời Anh Bộ đội Cụ Hồ, tôi được vinh dự làm Tư lệnh hai Binh chủng QĐND trong những thời kỳ quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau nhiều năm công tác và chiến đấu ở Binh chủng Pháo binh, đầu năm 1971, tôi được điều động về làm Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp, hiện nay là Tăng – Thiết giáp: Tư lệnh đầu tiên của một Binh chủng vào loại hiện đại của Lục quân, nỗi lo chủ yếu của tôi là chưa được học chuyển binh chủng theo thông lệ”.

Đầu năm 1975, ông được điều về Hội đồng Khoa học Quân sự của Bộ. Trưa ngày 30.4.1975, ông có mặt tại Tổng hành dinh và đã xúc động đến trào nước mắt khi nghe đồng chí Tổng Tư lệnh vui mừng thông báo xe tăng ta đã vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền, treo cờ Giải phóng lên nóc dinh.

Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1979-1981, ông công tác tại Học viện Quân sự cấp cao.

Với những cống hiến trong suốt cuộc đời, ông được tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công (hạng Nhất và hạng Nhì)…

Năm 2017, UBND thành phố Phan Thiết đã lấy tên ông để đặt tên đường. Đoạn đường dài 100m, rộng 9m thuộc khu dân cư Hùng Vương, phường Phú Thủy (lô E trước đây).

QUỲNH NHƯ

Báo Người Quan Sát

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *