Nhặt nắng trong “Tiếng mưa” của Vũ Trần Anh Thư

Vanvn- “Dan díu” với thơ trong thời gian qua, Vũ Trần Anh Thư là một nét thơ nữ tính, đằm thắm của nhóm thơ Facebach. Chị sinh năm 1973 tại Kiến Xương, Thái Bình và hiện sống tại Hà Nội. “Tiếng mưa” là tập thơ đầu tay của Vũ Trần Anh Thư, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành, ra mắt năm 2022.

“Tiếng mưa” của Vũ Trần Anh Thư là thi tập gồm 56 bài thơ và 5 phụ bản tranh được trình bày mảnh mai, thanh nhã. Nhan đề cuốn sách khiến người đọc tưởng sẽ hát lên cùng những thanh âm ngọt ngào sâu lắng của bản giao hưởng mưa, nhưng thật bất ngờ khi từng trang thơ lại kéo người đọc vào cơn “cảm nắng” không lường trước. Và đó là nắng trong “Tiếng mưa”.

Tập thơ Tiếng Mưa của nhà thơ Vũ Trần Anh Thư

Màu nắng trong “Tiếng mưa” cũng vàng nhưng mà “nó lạ lắm”. Vàng đến vô tư. “Ngoài kia nắng vẫn vàng như thể/ chẳng biết đầm sen hoa sắp nhạt rồi” (Ru hạ). Nắng gì mà mê mải đến nỗi “chẳng biết đầm sen hoa sắp nhạt rồi”? Một sự trách hờn dịu dàng và đáng yêu.

Ở một khung trời khác, nắng rắc mật ong cho hoa điệp thêm vàng, khiến cô gái Huế trở nên dịu dàng hơn, ngọt ngào hơn. “Huế này anh/ đường phố nhỏ xinh chùm điệp vàng đơm nắng/ cô gái bên đường dịu ngọt lời yêu” (Huế). Nắng làm nhạt màu hoa sen, nắng điểm trang cho hoa điệp vàng hơn, xinh hơn. Nhưng dẫu nắng có quyền năng thay đổi sự vật thế nào chăng nữa thì đôi khi nắng lại chỉ là cái cớ dễ thương. “Thơm…/ là cớ để hương bay/ nắng…/ là cớ để hây hây má hồng” (Cái cớ).

Nắng có phải là anh không? Một cách ẩn dụ tinh tế khiến cho câu thơ thật nhẹ nhàng, mong manh và cũng rất trẻ trung, tinh nghịch. “Vạt nắng đã thức dậy rồi/ gió rủ rê, gió gọi mời về đây” (Hái xuân). “Chắt chiu đêm để cho ngày/ cho mê mải nắng cho mây ngọc ngà” (Chắt chiu). Nắng đáng yêu như thế nên có người trót si mê, phải lòng nắng, yêu nắng tự khi nào. “Trúng bùa ngải/ trót si mê/ tràm nghiêng hoa nắng kết bè sang nhau” (Mùa nước nổi miền Tây).

Có một tình yêu đối với nắng, tình yêu rất lớn đối với nắng, nên mỗi khi nắng lên là lòng reo rộn rã. Giống như hai kẻ yêu nhau được gặp nhau. “Cứ để tháng Giêng hôn lên má mùa xuân bằng những cánh đào/ còn run rẩy giọt sương ban sớm/ anh sẽ thấy nắng bừng trong tâm khảm/ theo em về phía xôn xao” (Xôn xao). Nắng chính là anh, nắng không thể là anh được sao!? Khi mà “Nỗi nhớ hối hả trong anh/ thoa lên gương mặt em bao nhiêu là nắng” (Chân dung tháng Ba).

Nhà thơ Trần Nhã My – tác giả bài viết

Có anh như có nắng về, nhẹ nhàng, lặng lẽ. Lặng lẽ tựa khoảnh khắc giao mùa, phải thật sự chú ý, thật sự yêu lắm, quan tâm lắm mới nhận ra sự đổi thay của giây phút ấy. Như người nghệ sĩ chỉ lặng yên ngắm bức tĩnh vật bên cây đàn dương cầm mà dường thấy nắng dâng trong tâm cảm, những kẻ đang yêu cũng có giác quan thứ 6 mách bảo để nhận ra tình cảm của nửa kia đối với mình “Rồi anh lặng đi trước bức tĩnh vật của mùa/ dịu dàng thuần khiết/ dường như loa kèn đang ngủ/ nào biết nắng đang lên” (Khúc giao mùa). Làm sao giấu che được mắt môi nồng nàn khi nắng cứ theo bước anh thắp ấm khu vườn nàng. Nắng thơm lên giấc “loa kèn mơ ngoan”, nắng giục cúc quỳ trổ bông. “Ngày rừng mơ tiếng cúc quỳ/ có người nghiêng vai tháp cổ/ gọi nắng đơm miền miên di” (Ngày rừng mơ tiếng cúc quỳ).

Đôi lứa yêu nhau nhiều phen cũng giận nhau, dỗi nhau, làm cho đối phương hoặc cả hai cảm thấy hụt hẫng. “Và cuộc đời đã vơi nửa thời gian/ em bất chợt giật mình quay nhìn lại/ giọt nắng mơ phai rơi xuống lưng đồi” (Tự khúc). Rồi anh đi xa, rồi nắng cũng đi xa làm nàng quay quắt nhớ. “Violet miên man ngàn chớp mắt/ này nắng phương Nam, nhớ nhiều không?” (Ship một nhành mai). Khi nhớ nhau thì tìm mọi cơ hội để được ở bên nhau. Muốn gặp nhau, có khi phải khẩn trương lên, vội vã lên như thể “tình non sắp già rồi” (Xuân Diệu). “Không thể lỡ với cúc quỳ được nữa/ những yêu thương thắp nắng lên rồi/ em không muốn chín vàng ngày đợi/ bởi non xanh mắt nhớ đã bời bời” (Chỉ cúc quỳ thổ lộ). Hẫng khi giận nhau, buồn khi xa nhau, thì khi gặp lại nhau hoặc khi hết giận hờn, con tim rộn rã, muốn “loay hoay sửa soạn lại áo quần” (Tagore). “Anh gửi nắng về rồi đấy phải không/ mà tháng Giêng gọi mời trước ngõ/ xuân khẽ nhón chân qua thềm cửa/ vén tà lên nhẹ bước kiêu sa” (Ship một nhành mai).

Đến đây, không thể chối nàng ví anh như nắng. Say nắng, yêu thương, hờn giận, đợi nắng, gọi nắng, nhớ nắng… rốt cùng cũng là xoay quanh nắng với nhiều cung bậc cảm xúc. Ngoài ra còn biết bao thi ảnh liên tưởng tới nắng như “ban mai”, “ráng chiều”, “hong”… mà nàng thơ nhắc đến trong “Tiếng mưa”.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ dùng tiếng mưa diễn tả nỗi buồn nhân thế, nỗi nhớ người yêu. Cũng vậy, Vũ Trần Anh Thư, trong những ngày mưa, những ngày không có nắng, không có anh thì những thanh âm mưa cũng cứu rỗi nỗi nhớ nắng, nhớ anh. Có phải thế chăng?!

TRẦN NHÃ MY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *