Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Bắt đầu từ một con đường…

Vanvn- Nhà văn Nguyễn Khắc Phê – Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012), năm nay đã gần 85 tuổi. Ông quê gốc ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê sinh ra và lớn lên trong một gia đình đặc biệt dòng dõi. Dù “bôn ba” nhiều nơi nhưng cuộc đời ông gắn với Huế, lớn lên từ con đường của thời “hoa lửa”.

Cha ông chính là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954), một quan Đại thần Triều Nguyễn, từng là Tham tri Bộ Hình, Phủ Doãn Thừa Thiên, Quyền Tổng đốc Thanh Hóa. Các con của cụ đều là những người thành đạt.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong một lần đi thực tế.

Nổi tiếng hơn cả, có lẽ là bác sĩ, nhà văn, nhà văn hóa, GS. Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997). GS. Nguyễn Khắc Viện chính là người khai sinh ra phương pháp dưỡng sinh mang tên ông: “Dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” mà người Việt Nam một thời  ai cũng biết. Năm 1997, GS. Nguyễn Khắc Viện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; và năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê kể lại: “Tôi sinh ra ở Huế… Mẹ tôi sinh tôi lúc mới 36 tuổi, độ tuổi viên mãn của một người đàn bà. Thời kỳ đó, bố tôi đương chức Phủ Doãn Thừa Thiên”. Và ông hóm hỉnh: “Tuy không biết được “các cụ” gặp nhau ở Huế hay Hương Sơn lúc tạo nên hình tướng đầu tiên thằng con trai… sau này mang cái tên Phê không lấy gì làm đẹp, nhưng có điều chắc chắn là 9 tháng trong bụng mẹ, tôi đã được du lịch vô Huế… và những ngày ở Huế cũng được du ngoạn trên sông Hương hay những cảnh đẹp như Đồi Vọng Cảnh, Điện Hòn Chén, vịnh Lăng Cô hay Bạch Mã…”.

Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm và phu nhân sinh ra được 9 người con, Nguyễn Khắc Phê chính là trai út. “Giàu con út, khó con út”, nghĩa là khi nhà giàu thì con út hưởng lợi nhiều nhất, khi khó khăn con út cũng chịu vất vả nhất. Trường hợp thứ hai ứng với Nguyễn Khắc Phê.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê kể lại rằng: “Mang tiếng là con quan to, nhưng trong ký ức của tôi hầu như không lưu giữ được hình ảnh nào về cuộc sống giàu sang, lóng lánh sắc màu bạc vàng… mà chỉ toàn là những cảnh nhổ cỏ, cuốc đất, bắt cá, đơm lươn… lam lũ như một gia đình nông dân”.

Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm có tiếng là quan thanh liêm. Vì thế gia cảnh bình dân thanh bần. Khi đó Nguyễn Khắc Phê còn bé, nhưng anh ông, Nguyễn Khắc Viện kể: “Sáng dậy ăn cháo với mấy quả cà, có khi có chút cá kho, kêu cá mặn thì mẹ bảo: Mặn thì ăn ít cà, ăn nhiều cơm cháo vào?!”, (theo Nguyễn Khắc Viện: “Bàn về đạo Nho”).

Gia đình ông lại từng là “nạn nhân” của cải cách ruộng đất, chịu cảnh cùng cực. Mẹ ông từng dắt díu đàn con lưu động nay đây, mai đó, lao động không ngừng nghỉ. Khi bố ông cáo quan về quê Hương Sơn, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đang là cậu bé 13 tuổi. Năm 1976, sau khi thành lập tỉnh Bình Trị Thiên, gia đình Nguyễn Khắc Phê thành những “cư dân” của Huế; “Sẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng…” cùng với Huế, từ đó đến nay.

Sinh thời nhà thơ Ngô Minh từng nói: “Nguyễn Khắc Phê là một trong rất ít nhà văn có gốc gác “oách” nhất trong các nhà văn Việt Nam đang sống ở Huế. Gọi Nguyễn Khắc Phê thuộc dòng “trâm anh thế phiệt” hay gia đình có truyền thống Nho học, cách nào cũng đúng”.

Trong “Số phận không định trước” (tự truyện), NXB Hội Nhà văn, 2016; nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho biết: Khi anh trai ông, GS. Nguyễn Khắc Viện mất, GS. Vũ Ngọc Khánh viết: “Một gia đình như gia đình cụ Nguyễn Khắc Niêm thật độc đáo….Ông quan, người cán bộ dưới chế độ mới, nhà giáo, nhà văn… Gần như tất cả các luồng văn hóa Đông Tây, cũ mới đều quy về gia đình này. Tôi biết, họ rất tôn trọng nhau”.

***

Học hết cấp 2, năm 1954, lúc mới 15 tuổi, Nguyễn Khắc Phê theo anh trai Nguyễn Khắc Viện từ Kẻ Gôi (Hương Sơn, Hà Tĩnh) ra Hà Nội “kiếm đường sống”. Là người có năng khiếu văn chương, nhưng ông “bắt đầu ôm mộng văn chương trên những đường phố Hà Nội phồn hoa”, như tự bạch.

Rồi ông vào học Trường Kỹ thuật của ngành Giao thông vận tải. Tốt nghiệp đại học, kỹ sư Nguyễn Khắc Phê về “đầu quân” cho Đội Cầu 2 thuộc Cục Kiến thiết cơ bản. Đây là đơn vị thi công cầu chủ lực, có lịch sử từ thời chống Pháp.

Nguyễn Khắc Phê có mặt trên công trường cheo leo biên ải phía Bắc. Sau đó, đơn vị cầu của ông chuyển lần lượt về Hà Đông, trở lại xứ Nghệ quê nhà, vào Quảng Bình tuyến lửa. “Đời văn” Nguyễn Khắc Phê bắt đầu từ đây.

“Năm 1959, theo bước chân những người bạn đi trước, từ công trình cầu Khe Choang trên đường số 7 (Nghệ An), tôi được Bộ Giao thông vận tải điều vào Ban Kiến thiết 212 (còn gọi là “Ban A”) đường 12A Tây Quảng Bình. Lúc ấy tôi đâu có ngờ nơi mình đến rồi sẽ trở thành một địa chỉ nổi tiếng khắp thế giới”, Nguyễn Khắc Phê, kể lại.

Nhà văn gọi đó là “Nơi bắt đầu con đường mòn ấy” – đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Sau năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đường 12A trở thành một trong các “tọa độ lửa”, trọng điểm bom đạn của không quân Mỹ.

Nhiệm vụ đơn vị ông là mở đường, bảo đảm giao thông cho xe vào tiền tuyến. Với Nguyễn Khắc Phê còn là viết. “Trang viết mở đầu của tôi về cuộc chiến trên đường 12A chỉ là bài báo viết nhanh ngay sau trận bom đầu tiên vào khu vực cầu Bãi Dinh – một cầu lớn dưới chân đèo Mụ Dạ, chiều 14.4.1965. Cũng có thể nói, đây là trang viết mở đầu một giai đoạn sáng tác quan trọng của tôi”, nhà văn hồi ức lại một thời cầm bút. Chính cụ Lại Văn Ly, thời còn làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, sau khi gặp Nguyễn Khắc Phê tại “Đại hội Chiến sĩ hai giỏi”, đã quyết định đưa ông về phụ trách công tác tuyên truyền thi đua. Đó là cuối năm 1966.

Một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Dù chưa hình dung được hết, tôi đã bắt đầu nhận ra nơi mình đang sống có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Không đợi tới lúc bom nổ ở Bãi Dinh, ngay từ ngày đầu tôi mới đặt chân lên đường 12A, ở đây có lúc nào vắng những người đi chiến đấu?”. “Vì sự sống con đường”, tập bút ký đầu tiên, ông viết về những đồng đội của mình, trong đó có gần 1.000 thanh niên xung phong Quảng Bình, trong đó có Đại đội Thanh niên xung phong 759 Anh hùng, được xuất bản năm 1968. Đường 12A trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn, như ông tự bạch.

Nguyễn Khắc Phê ở trong ngành Giao thông vận tải 15 năm, đến năm 1974 nhà thơ Xuân Hoàng và nhà văn Trần Công Tấn xin lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cho ông chuyển về Hội Văn Nghệ Quảng Bình. Phân vân trước “ngã rẽ”. Anh trai ông, GS Nguyễn Khắc Viện khuyên không nên “chuyên nghiệp hóa” sớm, nhưng cuối cùng Nguyễn Khắc Phê đã “chia tay” ngành Giao thông vận tải. Đó chỉ là sự chia tay về “biên chế”, thay đổi cơ quan nhận lương.

Suốt từ năm 1959, lúc ông 20 tuổi, khi bài ký “Những người đi tiên phong” được đăng trên Báo Văn học (nay là Báo Văn nghệ); cho đến nay, giao thông vận tải vẫn là “đề tài lớn” trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khắc Phê. Có thể nêu các tác phẩm như “Vì sự sống con đường” (Ký sự, năm 1968), “Đường qua làng Hạ” (tiểu thuyết, năm 1976), “Đường giáp mặt trận” (tiểu thuyết, năm 1976; tái bản 1985, 2011), “Chỗ đứng người kỹ sư” (tiểu thuyết, năm 1980, tái bản 2011), “Miền xa kêu gọi” (tiểu thuyết năm 1985). Nó nằm trong “gia tài” 26 tác phẩm của nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cũng đã đạt nhiều thành tựu như Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012); tiểu thuyết “Chỗ đứng của người kỹ sư” được Giải thưởng văn học đề tài công nhân (1975 – 1980) của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam; tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” được Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Cố Đô của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế….

Gần 85 tuổi đời, gần 65 năm cầm bút, Nguyễn Khắc Phê là “một phần” của văn chương khu vực Bắc miền Trung. Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế.

Hôm qua, hôm nay, ngày mai trên trang văn Nguyễn Khắc Phê là một dòng chảy. Nhiều dịp được gặp ông, nhà văn giản dị với chiếc xe đạp điện khi lao tới những cuộc gặp bạn bè. Vẫn nụ cười tươi rói, chiếc áo bạc vai, ngồi với bạn bè nhắc đến những năm tháng trên chiến trường khốc liệt nhà văn vẫn bồi hồi, rưng rưng xúc động. Ông nhớ những người lính, đồng đội… đã nằm lại trên đường ra tiền tuyến. Và ông vẫn chan chứa nỗi niềm khi viết về những con đường ấy…

NGÔ ĐỨC HÀNH/ VNCA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *