Tiếng nói tri âm với nghệ sĩ trong thơ Lê Chí

Vanvn- Những vần thơ của ông giãi bày sự đồng điệu với họ về tâm hồn, lẽ sống và sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Nó không chỉ làm xao lòng người đọc và giúp người đọc hiểu hơn về chiều sâu thẳm trong tâm hồn nghệ sĩ, mà còn trân quý hơn tâm huyết của họ đối với cuộc đời và văn chương.

Nhà văn Lê Chí. Ảnh: Phan Hoàng

1. Hơn nửa thế kỉ sáng tạo thơ, Lê Chí đã góp cho thơ Việt Nam đương đại nhiều tập thơ hay như: Thời gian (2012), Hạc (2013), Đời (2017), Nhớ (2017), Nếu… (2019), Những câu thơ còn mất (2022), Muối (2023). Với ý thức “nhìn thẳng lắng nghe”, thơ Lê Chí thể hiện sinh động nỗi thao thức, ưu tư đến quặn lòng của thi nhân trước cuộc đời. Cõi đời, cõi người được ông suy ngẫm và “nói hết tấm lòng cho nhau” qua những vần thơ giản dị, giàu tâm huyết hướng đến đời thường.

Đến với thơ Lê Chí, người đọc hiểu thêm khúc nhân tình đa cung bậc về thế sự trong thơ ông. Ông cảm nhận và thể hiện chuyện đời từ nhiều chiều kích khác nhau, qua những lời thơ tâm tình đậm chất suy tư. Đặc biệt, trong thơ Lê Chí có những vần thơ giãi bày sự đồng cảm sâu sắc với nỗi niềm của người nghệ sĩ, khi ông nghĩ về thân phận của họ. Dù không nhiều nhưng qua những bài thơ về một số nghệ sĩ tiêu biểu ở miền sông nước Cửu Long, Lê Chí giãi bày sự đồng cảm sâu sắc với họ, cũng như gửi gắm niềm trăn trở, thao thức thấm đẫm nỗi buồn vui của nghề, nhất là sự hòa điệu với tâm hồn trong cách sống, cách nhìn, cách nghĩ về đời thường của người nghệ sĩ nói chung.

Nhà văn Trang Thế Hy (1924 – 2015)

2. Nghĩ về Trang Thế Hy (1924 – 2015), Lê Chí nhận thấy, đó là một nhà văn trầm tĩnh tự răn mình, luôn băn khoăn, trăn trở với văn chương. Ông cảm nhận được điều mà Trang Thế Hy thao thức: văn chương vốn vô mệnh nhưng trong cuộc sống toàn cầu hóa, nó có tạo được cho mình được cái mệnh không và nếu có, e rằng cũng là mỏng…, bởi qua nhiều năm tháng trải nghiệm, Trang Thế Hy thấu hiểu Tiếng khóc và tiếng hát (1993) giữa đời và thực tế, trong cuộc sống vẫn còn đó Vết thương thứ 13 (1989), Nợ nước mắt (2002). Đó là những nỗi đau khó lòng nói hết khi viết về thân phận con người.

Vì lẽ đó, đến thăm Trang Thế Hy, hơn ai hết, Lê Chí thấu cảm được niềm hạnh phúc của nhà văn khi ông biết vượt qua những nỗi đau để có được sự thanh thản giữa đời thường, để yêu thương, gắn bó hơn với cảnh sắc dân dã của một miền quê với vườn dừa bạt ngàn, dòng sông nặng phù sa và một mảnh vườn con,…. Cuộc sống bình yên, trong lành ở miền quê đó đã giúp Trang Thế Hy có thời gian chiêm nghiệm và trở thành “người giải phẫu tài hoa góc khuất tâm hồn/ bằng nụ cười đắng nghét”, luôn biết tự dặn lòng: “Đừng buồn!/ Cái đẹp nào cũng phù du/ Vì chỉ có cái phù du mới đẹp”– Lời nói dối nhân ái

Yêu sự thật và viết về sự thật qua nhiều trang văn, vần thơ, song cũng thật bất ngờ, thú vị khi Trang Thế Hy vẫn mong có được những Lời nói dối nhân ái dù nó “ngược ngạo”, hay “cực kì khó tin” nhưng nó lại đem đến cảm giác yêu thương, hạnh phúc, nhiều khi nó là “giọt nước thần” có thể làm nên những điều kì diệu. Cũng vì lẽ đó, ông đã buồn xót xa, trăn trở khi phải nghe “những lời nói dối không nhân ái” giữa đời. Lê Chí nhận thấy, Trang Thế Hy “không ham những thiên đường có sẵn trên cao” (Tấm vé số và những thiên đướng có sẵn – Trang Thế Hy) mà đã tìm về cảnh quê với “mảnh vườn con mấy gốc ổi gốc chanh gốc mít/ vài cây ớt cây cà…” để trầm ngâm suy nghiệm lẽ đời, tình đời: “một góc quê vui một góc quê buồn/ chén rượu cay trong vắt/ ngắm hoài không hết chiều sâu”- Thăm nhà văn Trang Thế Hy.

Theo Lê Chí, thái độ sống, cách xử thế nói trên, tự nó đã ngời sáng lên vẻ đẹp về nhân cách của Trang Thế Hy. Phải chăng, qua đó Lê Chí đã giãi bày được nỗi niềm về một cuộc sống giản đơn, bình dị mà thấm đượm tình đời, tình văn của một văn nhân nói riêng và của người nghệ sĩ nói chung.

Nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008)

Với nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008), Lê Chí cảm nhận Sơn Nam là ông già Nam Bộ. Ông già ấy cả đời mình chầm chậm đặt chân trên khắp mọi nẻo đường của miền đất Nam Bộ; ông đã đến với những cánh rừng đước, rừng tràm ngát hương; qua những ngọn nguồn sông rạch, “lênh đênh Hòn Nghệ, Hòn Tre, Củ Tron, Phú Quốc” của biển đảo quê hương để thấu hiểu và tự hào hơn về cuộc sống và con người Nam Bộ. Lê Chí nghĩ về phong thái của Sơn Nam và hình dung cảnh Chầm chậm ông đi để lặng nghe âm thanh tiếng “chim vịt kêu chiều”; để thấy “những mùa len trâu hiu hắt mưa dầm”; để cảm nhận nỗi đau buồn từ “cây lúa mặn phèn vô vọng”; để lòng thêm nặng trĩu nỗi “đau đất đau đời” và cứ thế, chầm chậm ông đi:“theo lối lòng dân/ học cách của người U Minh, Đồng Tháp/ tìm lai lịch cho đất, tìm tiếng thơm cho người”– Chầm chậm ông đi

Qua những trang văn của Sơn Nam, những nét đặc sắc của thiên nhiên, văn hóa cũng như con người Nam Bộ được ông thể hiện qua lời văn giản dị, mộc mạc, rất chân thật và sinh động. Từ góc độ cảm nhận của một nhà thơ, Lê Chí không nói ông là nhà Nam Bộ học mà khẳng định ông là người đi “tìm lai lịch cho đất, tìm tiếng thơm cho người”. Đó chính là đóng góp lớn lao, cao cả và rất đỗi thiêng liêng cho quê hương đất nước mà không phải nhà nghiên cứu, nhà văn nào cũng làm được như ông.

Nhà thơ Chim Trắng (Hồ Văn Ba) ,1938 – 2011

Còn với nhà thơ Chim Trắng (1938 – 2011), Lê Chí cho rằng, đó là người chọn được cho mình đôi cánh “lặng lẽ bay/ thật nhanh/ thật xa” giữa cuộc đời với bao lần “lầm lũi băng qua lửa đạn mịt mùng/ căng lồng ngực đón hòa bình gai góc”. Lê Chí cảm nhận, thơ Chim Trắng không ồn ào, cao giọng mà “lặng lẽ”, “thong dong”, luôn ấm áp và thấm nặng tình người, tình quê hương đất nước: “ông là con chim của vườn dừa thăm thẳm/ thong dong trên sóng Hàm Luông/ vỗ cánh miệt mài đất nước” – Chim Trắng

Những cảm nhận của Lê Chí về Chim Trắng ở bài thơ trên có tuy ngắn gọn nhưng có sức gợi cho người đọc hiểu hơn về một thi nhân, một người không nghĩ đến những điều cao siêu, kì diệu, mà ý thức mình “chỉ là hạt gạo” (Nhân có chim sẻ về). Chỉ là hạt gạo bé nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn và thiết thực cho đời. Cánh chim ấy đã bay xa mãi mãi, không hẹn hò, mà “lặng lẽ” để lại cho quê hương, đất nước “những bài thơ tươi xanh/ thức cùng bè bạn” – Chim Trắng.

Đó còn là Hoài Tường Phong – người thợ chuyên trồng răng giả làm thơ. Thơ với người thợ đó chỉ là nơi gửi gắm những nỗi niềm qua những điều trông thấy về cuộc sống quanh mình với trăn trở, thao thức và khát vọng có được sự đổi thay đem lại cuộc sống đẹp giàu trên quê hương. Là người thợ trồng răng, Hoài Tường Phong hiểu rằng, răng làm giả càng đẹp giá càng cao và người sử dụng càng thích càng tin tưởng, nhưng thơ thì không thể dùng kĩ xảo để “giả hóa bài thơ/ giả hóa nỗi đau quê hương xứ sở” mà làm hài lòng thói quen của những ai “thích hát thích cười thích chơi đồ giả”.

Từ nhận thức đó, nên anh “dốc lòng sinh nở những câu thơ” về sự thật của những nỗi đau buồn, nhọc nhằn trên quê hương xứ sở và anh cảm nhận: “Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi” (Trăng nghẹn – Hoài Tường Phong). Hơn ai hết, Lê Chí đã đồng cảm với nỗi băn khoăn đó của anh và trăn trở: “lúa vàng đồng sao khốn khó tứ giăng”, để rồi trào dậy niềm mong mỏi: “anh chờ/ vầng trăng viên mãn/lung linh đến tận xóm nghèo”- Người thợ trồng răng.

Viết về người thợ trồng răng Hoài Tường Phong, nhà thơ Lê Chí không chỉ giãi bày sự đồng điệu của mình trước nghịch lí giữa đời qua những tâm tình của một người làm thơ không chuyên, mà còn khẳng định điều tất yếu thơ cần hướng đến đó là cảm hứng nghệ thuật về sự thật của đời.

Đặc biệt, Lê Chí có ba bài thơ dành tặng cho họa sĩ Ph đó là: dòng sông cổ, cấp cứu thiên nhiên và nỗi nhớ sắc màu. Ông cảm nhận, họa sĩ Ph là “người họa sĩ già” (nỗi nhớ sắc màu), “người họa sĩ trầm tư”, “người họa sĩ ẩn mình” (dòng sông cổ), “người họa sĩ đồng quê hồn hậu” (cấp cứu thiên nhiên). Họa sĩ Ph bằng những nét vẽ tài hoa đã “lùa hết động vật hoang dã vào tranh” và làm nên một “khu vườn nhỏ xíu” với các loài chim để giữ lấy một phần của thiên thiên, để các loài chim “không còn sợ ai săn bắt” và tránh được nhiều cách tận diệt của con người. Người họa sĩ đó những mong “con người học được cách thiên nhiên” và đó cũng là một cách cấp cứu thiên nhiên.

Lê Chí còn cảm nhận được nỗi niềm của người họa sĩ qua nỗi nhớ sắc màu. Đó là nỗi đau buồn khi màu xanh tươi mát, ngập tràn sự sống của “tràm xanh”, “đước xanh” ở Cà Mau dần mất đi và xuất hiện màu “đen trũi” trước cảnh hoang tàn. Điều này đã làm cho người họa sĩ già thổn thức nhớ tiếc: “người họa sĩ già/ đưa mắt nhìn xa/ nỗi nhớ rung lên/ sắc màu thổn thức”- Nỗi nhớ sắc màu

Với sự đồng cảm sâu sắc, Lê Chí như thấy người họa sĩ đó đang “quằn mình”, “trầm tư”, “ngậm ngùi” và “thao thức”; người họa sĩ ấy “tái tạo nỗi đời bằng chính cuộc đời” bằng chính những sắc màu và đường nét tài hoa, để qua đó gửi gắm bao nỗi niềm, khát vọng, bởi: “dưới những tầng đá ngầm của dòng sông cổ/ ở đó có thật nhiều điều/ ta chưa hề biết/ và ta lãng quên” – Dòng sông cổ.

Họa sĩ Ph lặng thầm gửi gắm những trăn trở thao thức với đời qua từng nét vẽ về miền đất phương Nam – miền sâu thẳm trong cõi lòng người họa sĩ tài hoa mà Lê Chí bày tỏ sự đồng điệu và niềm cảm phục.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Lê Chí còn bày tỏ niềm trân trọng đối với nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, khi chị đã tìm được “lối vào cánh đồng có tên bất tận” để phơi bày sự thật về đời sống ở nơi mà “nhiều người đã tới nhiều người ngại ngần”, hay không nhận ra. Nơi đó, có cảnh cánh đồng nhiễm mặn, hạn hán, “nuôi tôm vụ rủi, vụ may”, “đàn vịt dập dềnh rày đây mai đó” và chợ quê nghèo xế chiều với người đàn bà bán mấy con vịt cúm…, nhà thơ cảm nhận đó là: “nỗi đau đem bán chiều nay/ nỗi đau cười ra nước mắt”. Nhà thơ những mong, người cầm bút với bản lĩnh và trách nhiệm cần dũng cảm nhìn thẳng, nhìn sâu vào sự thật mà cảm nhận thế sự. Đồng cảm với Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Lê Chí khẳng định, Cánh đồng bất tận nhưng thực ra, nó ngay ở bên mình, gắn bó máu thịt với cuộc đời mình: “cánh đồng gần lắm/ ngay chính lòng mình …” – Cánh đồng.

Cũng vì lẽ trên, đã bao lần trong thơ mình, Lê Chí băn khoăn tự hỏi: “ai đến cùng ai máu xương ngày ấy/ ai đến cùng ai hạnh phúc bây giờ” – “Đường về”. Điều này luôn là niềm ưu tư, trăn trở trong nỗi lòng nhà thơ Lê Chí. Cũng do vậy, đến với thơ ông, người đọc bị ám ảnh bởi điệu buồn đau trong khúc nhân tình ngậm ngùi, da diết. Khúc nhân tình đó luôn âm vang trong niềm thao thức của ông.

TS Nguyễn Lâm Điền ở Đại học Tây Đô, Cần Thơ – tác giả bài viết

3. Có thể nói, trên hành trình thơ của mình, Lê Chí không chỉ có những khúc nhân tình nhiều cung bậc về đời, mà còn có những cảm thức về thân phận, sự tài hoa của các nghệ sĩ nói trên. Những vần thơ của ông giãi bày sự đồng điệu với họ về tâm hồn, lẽ sống và sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Nó không chỉ làm xao lòng người đọc và giúp người đọc hiểu hơn về chiều sâu thẳm trong tâm hồn nghệ sĩ, mà còn trân quý hơn tâm huyết của họ đối với cuộc đời và văn chương. Phải chăng đó cũng chính là những nỗi niềm riêng sâu kín trong cõi lòng mình mà nhà thơ Lê Chí muốn giãi bày?

NGUYỄN LÂM ĐIỀN

_______________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyên An (2021), Lê Chí đi tìm hạt giống để gieo thơ, https://vanhocsaigon.com/le-chi-di-tim-hat-giong-de-gieo-tho/,truy cập ngày 6.3.2023.

[2] Trần Hoài Anh (2021), Thơ Lê Chí và những niềm khắc khoải nhân sinh …, https://vanvn.vn/tho-le-chi-va-nhung-niem-khac-khoai-nhan-sinh/, truy cập ngày 25.2. 2023.

[4] Lê Chí (2012), Thời gian, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5] Lê Chí (2013), Hạc, Nxb Hội Nhà văn.

[6] Lê Chí (2017), Đời, Nxb Phương Đông, thành phố Cà Mau.

[7] Lê Chí (2017), Nhớ, Nxb Hội Nhà văn.

[8] Lê Chí (2019), Nếu … (tập thơ song ngữ Việt – Anh do Nguyễn Bá Chung và Fred Marchant, tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Hội Nhà văn

[9] Lê Chí (2022), Những câu thơ còn mất, Nxb Hội Nhà văn.

[10] Lê Chí (2023), Muối, Nxb Hội Nhà văn.

[11] Trung Trung Đỉnh (2014), Lê Chí và thơ, https://tienphong.vn/le-chi-va-tho-post740626.tpo , truy cập ngày 3.3.2023.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *