Dâng hương ngày Tết

Vanvn- Mỗi khi năm hết, tết về, người người náo nức, nhà nhà tươi vui. Ai cũng chờ đợi thời khắc thiêng liêng của giao thừa để dâng lên ban thờ gia tiên một tuần hương thơm nhất, vừa là để “tống cựu nghinh tân”, tiễn một năm cũ với bao vui, buồn, được, mất đi qua, đón một năm mới đang đến thật gần với mong ước quốc thái dân an, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc và những lời chúc đầu năm đầy may mắn, tài lộc.

Trong tâm thức người Việt, thắp hương hay dâng hương là một truyền thống nghi lễ lâu đời. Nghi lễ này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về yếu tố tâm linh, phong tục tập quán và văn hóa cộng đồng như vào các ngày lễ lớn, ngày rằm, mồng một. Đặc biệt là vào ngày Tết Nguyên đán. Dâng nén hương thơm ngày xuân để tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên. Dâng hương cũng giúp con người có thêm niềm tin, thêm điểm tựa về sự bình an và được chia sẻ những điều gần gũi với những người thân yêu đã mất. Thắp hương ngày Tết cũng là để dặn dò con cháu bài học đạo lý uống nước nhớ nguồn và hướng về nguồn cội.

Tục thắp hương, dâng hương thờ cúng tổ tiên không chỉ là văn hóa Việt Nam, mà còn là văn hóa của nhiều nước Châu Á như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Người Việt ngoài tôn giáo riêng của mình, thì đại đa số các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng tạo nên bản sắc, văn hóa của người Việt mỗi khi tết đến, xuân về. Việc thắp hương, dâng hương mùa xuân còn xuất hiện trong các lễ hội để tôn thờ tất cả những người có công với đất nước, với quê hương, những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Người Việt còn có lễ giỗ tổ Hùng Vương vào dịp mồng Mười tháng Ba hàng năm.

Những ngày áp tết, ngày cuối cùng của năm tôi thường theo bà ra cánh đồng làng, thành kính dâng nén nhang thơm cắm lên phần mộ để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Nhìn bà quần áo chỉnh tề, vấn khăn mỏ quạ dâng hương lên phần mộ tổ tiên rì rầm khấn vái, mong được đón rước các cụ về nhà mình cùng các con, cháu đón tết vui xuân, lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Đứng giữa đồng làng khói hương nghi ngút, mùi gió, mùi đồng đất đổ ải, mùi cỏ cây mùa xuân quyện lẫn mùi hương trầm thơm ngào ngạt khiến con người thư thái, bình yên. Cái khát khao được trở về những ngày cuối năm luôn thôi thúc, giục giã mỗi chúng ta hướng về cội nguồn dòng tộc. Bà bảo, dâng hương tảo mộ những ngày cuối năm trên cánh đồng cũng như một lễ tạ ơn đặc biệt. Tạ ơn cánh đồng một năm mưa thuận, gió hòa, tạ ơn những người đã khuất, tạ ơn những thần linh cai quản xứ này cho những linh hồn được siêu sinh tịnh độ.

Bao thế kỷ trôi qua, tục dâng hương lễ hội mùa xuân, dâng hương cánh đồng, dâng hương tảo mộ, dâng hương ngày tết luôn gần gũi và quen thuộc. Dâng hương thờ phụng tổ tiên là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu với các bậc sinh thành. Chúng ta luôn thấu hiểu đạo lý một cách sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai, có tổ tiên thì mới có các thế hệ hôm nay. Bà luôn căn dặn con cháu “Sống là nhà, chết là mồ”, tảo mộ là sắp xếp, dọn dẹp lại mồ mả cho gọn gàng, tu sửa mộ phần cho tươm tất, sạch đẹp. Dâng hương là phải làm xong trước ngày ba mươi Tết để tổ tiên, ông bà còn kịp sửa soạn về đón giao thừa. Sau phần lễ tạ bao giờ bà cũng đưa cho tôi một nắm hương để chia đều cho các phần mộ xung quanh. Bà bảo: Cháu nhớ chỉ dâng lên một nén nhang hoặc ba nén nhang thôi, một nén thể hiện cho sự nhất tâm, ba nén thể hiện cho phật pháp, tuyệt đối kiêng dâng hương số chẵn. Khi dâng hương phải kính cẩn, tâm thành thì sẽ nhận về được sự may mắn, tốt lành.

Sau ngày tảo mộ là lễ cúng tất niên thường được các gia đình tổ chức vào ngày ba mươi Tết với hai mâm cúng đó là: Dâng cúng gia tiên và dâng cúng thiên địa, vạn vật đất trời, thiên nhiên cây cỏ, bởi người Việt quan niệm cái gì sinh ra cũng đều có linh hồn. Dâng cúng gia tiên gồm các đồ ăn mặn, mâm cúng tất niên phải được chuẩn bị thịnh soạn, kỹ càng để ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần ngồi lại với nhau tổng kết, nhìn lại một năm đã qua và hoạch định cho một năm sắp tới. Dâng cúng thiên địa gồm đèn, nến, hương hoa, trà quả, trầu cau, bánh trái và rượu trắng để cầu cho một năm hanh thông, thuận buồm, xuôi gió, giúp con người vượt qua những trở lực như thiên tai, dịch bệnh và đem đến những điều tốt lành.

Dâng hương là một việc làm vô cùng quan trọng đối với người Việt, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết và các ngày giỗ lạt, tảo mộ. Dâng hương cũng là một cách chỉ hành động cung kính để lòng thành đưa lên bề trên, như tổ tiên, dòng tộc. Theo Phật giáo, nhang, trầm, nến thơm, đi kèm với đèn, hương, hoa trái, nước sạch là chứng minh được cái tâm sáng với đức Phật. Với những người đã khuất bóng, người ta tin rằng, dâng hương sẽ kết nối được tinh thần, làm cho con người ấm áp, tự tin hơn trong cuộc sống. Chúng ta có thể thấy rằng, dâng hương rất quan trọng, có giá trị tinh thần, thể hiện lòng thành kính với bề trên, giúp tâm hồn được thanh tịnh, ấm áp trong những ngày xuân.

ĐINH TIẾN HẢI

Báo Bắc Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *