Tô lại màu văn

Vanvn- Để học sinh hiểu hơn về giá trị của văn chương, các giáo viên thuộc tổ xã hội, Trường THPT FPT đã tổ chức workshop có tên “Tô lại màu văn”. Qua đó, học sinh biết cách viết một bài văn, nuôi dưỡng cảm xúc, rung động, đưa văn học gần hơn với việc học văn của học sinh trong nhà trường ở giai đoạn hiện nay.

Việc đổi mới phương thức dạy và học văn trong trường THPT được quy định cụ thể tại công văn 3175/BGĐT – GDTrH ngày 21.7.2022. Công văn này quy định rõ về việc thay đổi phương thức dạy và học, vận dụng, trình bày, thảo luận, rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu. Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay, việc đọc sách, quan tâm đến việc cảm thụ, sáng tác văn chương chưa được quan tâm đúng mức. Xã hội vẫn thiên lệch trong coi trọng việc học các môn tự nhiên so với các môn xã hội. Có nhiều quan niệm vẫn cho rằng chỉ số thông minh (IQ) được đánh giá cao mà chưa đánh giá hết tác dụng của trí thông minh xúc cảm (EQ).

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, các kỹ năng mềm như giao tiếp, tạo lập mối quan hệ, kỹ năng viết, cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật được nhiều gia đình quan tâm hơn vì đó là những điều cần thiết cho công dân của xã hội số. Tạo lập cho con em mình nền tảng về văn hóa, bồi đắp giá trị để con người phát triển toàn diện. Mà trong đó văn học, phát triển về ngôn ngữ là khía cạnh quan trọng để hoàn thành các kỹ năng này. Người viết văn có thể không dạy văn nhưng có kỹ năng về ngôn ngữ, kết hợp với óc quan sát, trí tưởng tượng và sự logic trong nghệ thuật sắp đặt các con chữ để tạo nên tác phẩm có thông điệp truyền tải, mang dấu ấn cá nhân tác giả.

Mở đầu buổi chia sẻ, diễn giả đọc 2 câu văn “Mái lá rách thủng lỗ chổ, ban ngày nắng soi xuống mặt chiếc bàn dài, thả những bóng trứng vịt xuống bên mâm người ngồi nhậu, và ban đêm người ta có thể uống cả một vì sao xanh rơi trong lòng cốc”1 và “Thị thành bị xé toang trong loang lổ như những vết thương, chằng chịt những nỗi đau”2. Hai câu trích đoạn trong hai tác phẩm văn học của hai giai đoạn sáng tác khác nhau, nhưng những câu văn ấy giàu hình ảnh mà người đọc sẽ tưởng tượng ra khi đắm mình, cảm thụ tác phẩm. Học sinh còn trao đổi về việc làm sao để viết có cảm xúc mà vẫn có điểm cao theo đúng như đáp án. Diễn giả và giáo viên cũng chia sẻ, theo kinh nghiệm cá nhân thì việc nắm chắc ngữ pháp, ngôn ngữ, cấu trúc là điều cần thiết. Sau đó mới phát triển ý tứ, cảm xúc. Để viết hay, đầu tiên phải viết đúng, xây dựng được khung, dàn ý cho bài viết rồi mới tiếp tục phát triển ý.

Học sinh còn được tham gia vào các trạm như trạm sáng tác, trạm phê bình, trạm đồng điệu. Mỗi trạm, học sinh sẽ được giáo viên, diễn giả tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện tác phẩm của mình. Học sinh còn hỏi về chất liệu sáng tác của nhà văn, cách để học văn có hiệu quả cũng như làm sao để có thể cảm thụ sâu một tác phẩm văn học, làm như thế nào để có thể theo đuổi con đường viết lách chuyên nghiệp…Kết thúc buổi trao đổi, mỗi học sinh có các “tác phẩm” mang dấu ấn cá nhân của mình, được diễn giả góp ý và những sản phẩm này sẽ được đăng tải lên trang mạng xã hội của trường, bình chọn và trao giải.

Cô Phùng Thị Loan, Giám đốc điều hành trường THPT FPT chia sẻ. “Workshop có cái tên rất hay “Tô lại màu văn”, tức là môn văn hiện nay còn nhạt, cô trò cùng tô lại để màu văn đậm sắc hơn, rõ nét hơn. Nhà trường có rất nhiều các hoạt động để học sinh hướng ra bên ngoài. Nhưng lần này, với sự đồng hành của câu lạc bộ văn học của nhà trường, nhà trường mong rằng đây là hoạt động mở đầu để các con có thể hướng về bên trong. Xây dựng sức mạnh nội tâm, tinh thần cho các con. Bản thân tôi cũng là người dạy văn, nhưng vì bận rộn công việc mà cũng chưa có thời gian để nuôi dưỡng cảm xúc, viết lách của mình. Đồng thời, từ đây, nhà trường sẽ tìm kiếm, phát hiện để bồi dưỡng các em có kỹ năng viết, nhà trường đào tạo để các em có thể dấn thân nhiều hơn. Trong thời gian tới, một số tiết văn học địa phương nhà trường sẽ liên hệ với Hội Nhà văn Đà Nẵng để có thể kết nối cho các em với các nhà văn, nhà thơ tại địa phương.”

Việc đổi mới phương thức dạy và học môn văn thường xuyên được thảo luận và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bởi lẽ văn học chưa bao giờ thoát khỏi hiện thực đời sống và phản ánh phần nào đó văn hóa, giá trị của xã hội đương thời. Mỗi trường học sẽ có cách làm khác nhau để phát huy giá trị của văn học quá đó giáo dục cho học sinh về tính thẫm mĩ, kỹ năng viết, cảm thụ tác phẩm và sống đẹp hơn, tử tế hơn khi cảm xúc được nâng niu, nuôi dưỡng. Việc giáo dục văn học cũng không đơn thuần là một bộ môn của tổ xã hội mà đó đòi hỏi sự cộng tác của học sinh, sự thay đổi của giáo viên, nhà quản lý. Đồng thời gia đình cũng đồng hành, cùng con đi nhà sách, nuôi dưỡng và đem lại cho con những rung động từ cuộc sống bình thường để con có thể phát triển nhân cách hoàn thiện.

TẠ NGỌC ĐIỆP

_______________

1 Trích trong tác phẩm Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi

2 Trong tác phẩm “Nước mắt Mặc nưa” của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, Truyện ngắn được trao giải nhì, Cuộc thi sáng tác về công nhân năm 2023.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *