Xúc động đêm thơ “Văn Công – Cuộc đời và trang viết”

Vanvn- Vào tối 07.10.2023, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã diễn ra đêm thơ “Văn Công – Cuộc đời và trang viết”, do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phối hợp với Câu lạc bộ Thơ Nguyễn Huệ tổ chức nhằm bày tỏ lòng tri ân và tôn vinh nhà thơ Văn Công – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhân ngày giỗ đầu của ông.

Hai người con gái của nhà thơ Văn Công: Cao Thị Hòa An – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên (thứ 3 từ trái sang) và Cao Thị Hiền Lương – Giám đốc Bưu điện Phú Yên (thứ 6) đại diện gia đình tặng hoa cho ban tổ chức đêm thơ đêm thơ.

>> Nhà thơ Văn Công: Sống và viết thủy chung với cách mạng

>> Chùm thơ song ngữ Việt – Anh của nhà thơ Văn Công

>> Lãnh đạo Hội Nhà văn VN thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Văn Công

 

Nhà thơ Văn Công (1926 – 2021) tên khai sinh Cao Xuân Thiêm quê ở Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An, là bộ đội Nam tiến, gắn bó với Phú Yên, với Khu 5 hơn 3/4 thế kỷ, từ tháng 3.1946 đến khi từ giã cõi đời vào tháng 9.2021.

Ông là một trong những bậc đại thụ của cách mạng Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng giữ cương vị Quyền Trưởng ban Chi viện tiền phương Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Trong thời bình, ông từng đảm nhận các trọng trách: Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (1983-1984).

Không chỉ là bậc cách mạng lão thành, nhà thơ Văn Công còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 và được tặng 3 giải nhất của Báo Thống Nhất (Hà Nội) về những bài thơ vượt tuyến đặc sắc trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng miền Nam (1954-1960).

Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Đình Phùng – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu
 Đông đảo các nhà thơ, người yêu thơ Văn Công đến dự đêm thơ. Ảnh: Minh Ký

Nhà thơ Văn Công để lại cho đời nhiều tác phẩm văn chương có giá trị: Bất khuất (1965), Mảnh đất yêu thương (1978), Khúc hát miền quê (1985), Hương đêm (1996), Tuyển tập thơ – văn (2003), trường ca Năm tháng không quên (2009) và tuyển tập Văn Công – Cuộc đời và trang viết (2011). Ông là tác giả các tập ký sự đặc sắc như: Miền đất huyền thoại (1990), Vùng đất lửa (1992), Hậu cần nhân dân (1997), Người Ba Na ở Phú Yên (1998), Ký ức về một miền đất (2001), Sống và viết ở chiến trường (2006), Đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến (2010). Nhà thơ Văn Công còn là đồng tác giả các tác phẩm in chung: Tiếng hát miền Nam (1960), Tuyển tập thơ – văn Việt Nam 1945-1960, Đảng cho ta mùa xuân (1970), Thơ miền Trung thế kỷ XX (1995), Một thời để nhớ (1998).

Bà Cao Thị Hiền Lương – con gái nhà thơ Văn Công, một người xuất thân ngành Ngữ văn, tâm sự về cuộc đời, sự nghiệp đáng tự hào của cha và bày tỏ sự xúc động về đêm thơ.

Tại đêm thơ “Văn Công – Cuộc đời và trang viết”, các đại biểu được nghe trình bày 14 bài thơ tiêu biểu nhất mà nhà thơ Văn Công – Cao Xuân Thiêm đóng góp cho thơ ca, cho văn học quê hương và đất nước hơn 3/4 thế kỷ. Các nhà nghiên cứu, nhà báo, những người từng gắn bó và yêu mến nhà thơ, như bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Phan Đình Phùng; nhà báo Phan Xuân Luật – Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Phú Yên; nhà báo Phan Thanh Bình… cũng chia sẻ cảm nhận về trang viết và cuộc đời nhà thơ Văn Công.

Tại đêm thơ, bà Cao Thị Hiền Lương, con gái nhà thơ Văn Công, chia sẻ: Gia đình vô cùng xúc động khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và Câu lạc bộ Thơ Nguyễn Huệ – nơi ba tôi từng sinh hoạt thơ, đã tổ chức đêm thơ “Văn Công – Cuộc đời và trang viết” nhân ngày giỗ đầu của ông.

TRẦN QUỚI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *