Xuất khẩu văn chương

Vanvn- Không ít tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng tôi phải nói thẳng, đa số bạn đọc nước ngoài quan tâm đến văn học Việt đều là công dân của các quốc gia ít nhiều “gắn bó” hoặc có mối liên đới với Việt Nam trong lịch sử. Và họ đọc với tâm thế tò mò nhiều hơn là bị thúc bách bởi sự cuốn hút thực sự của giá trị văn chương. Trong một lần trao đổi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi gọi thẳng đó là cách đọc trên “tâm thế thực dân”.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Khoảng năm 1991, một nhà báo Italy đến tìm hiểu về trường Viết văn Nguyễn Du qua giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Về nước, ông viết một bài theo kiểu phỏng vấn rồi đăng trên một tờ tạp chí, sau đó gửi sang cho Hoàng Ngọc Hiến.

Trong bài trả lời của mình, giáo sư Hiến nhắc tên vài học viên tiêu biểu của cả bốn khóa, trong đó có tôi. Nhưng thầy Hiến tìm mãi không thấy tên Anh Duy Ta (viết theo kiểu Âu ngữ) đâu để chỉ cho tôi. Cuối cùng ông đành phải lần từ trên xuống, dịch cả một đoạn nội dung để khẳng định cái tên Tao Dinh Sing lạ lùng trong bài, chính là để chỉ trường hợp của tôi.

Tức là nếu có ai ở Italy đọc bài báo ấy, thì họ được thông tin là có tay Tao Dinh Sing nào đó đang học ở cái trường viết văn nào đó bên Việt Nam. Nếu chẳng may gặp phải người cẩu thả không đọc cẩn thận, họ có thể tưởng nhầm tác giả đang viết về cái trại chăn nuôi, vì cái tên Tao Dinh Sing hoàn toàn có thể là tên một giống chó châu Á nào đó lắm (Ngao Tây Tạng chẳng hạn).

Chuyện thứ hai, xảy ra trong trong chuyến chúng tôi được mời đi Mỹ. Một tờ báo địa phương thấy hơn chục ông nhà văn nhà báo vừa từ Việt Nam sang, bèn cho người đến phỏng vấn, đại ý bản báo muốn biết chúng tôi thấy nước Mỹ của họ thế nào (so với phần còn lại của thế giới). Người hướng dẫn đoàn mời vài người, trong đó có tôi, đại diện trả lời. Hôm sau trên tờ báo đó có đăng hình mấy nhà văn Việt Nam trượt tuyết, cười toe toét và tôi được chú thích là “nhà văn trẻ nổi tiếng Tau Dong”. Làm sao Ta Duy Anh lại thành Tau Dong, thì chỉ có Chúa biết.

Để tránh làm tổn thương người khác, tôi kể vài chuyện chỉ liên quan đến mình về cách mà người nước ngoài quan tâm đến nhà văn Việt Nam.

Không ít tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng tôi phải nói thẳng, đa số bạn đọc nước ngoài quan tâm đến văn học Việt đều là công dân của các quốc gia ít nhiều “gắn bó” hoặc có mối liên đới với Việt Nam trong lịch sử. Và họ đọc với tâm thế tò mò nhiều hơn là bị thúc bách bởi sự cuốn hút thực sự của giá trị văn chương. Trong một lần trao đổi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi gọi thẳng đó là cách đọc trên “tâm thế thực dân”.

Việc tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài chưa bao giờ là ít quan trọng với những người cầm bút chúng tôi, nhất lại là những người cầm bút ở cái xứ sở mà văn chương vẫn còn lép vế toàn diện với thế giới.

Nhưng việc đó đang diễn ra như thế nào?

Nhờ mối quan hệ lịch sử, cho đến nay, có lẽ chỉ ở Liên Xô trước đây, là có đội ngũ dịch thuật tiếng Việt được đầu tư, đào tạo bài bản, ở tầm quốc gia. Hầu hết những tác phẩm văn học của các nhà văn sau năm 1945, đặc biệt lớp nhà văn chống Mỹ, được giới thiệu ở Liên Xô là thông qua đội ngũ dịch thuật này.

Gần đây có thêm một đội ngũ dịch tiếng Việt người Hàn Quốc, nhưng cũng chỉ ở cấp các tổ chức xã hội.

Còn lại, về cơ bản sách của các nhà văn Việt Nam được dịch ra nước ngoài đều do Việt kiều, hoặc người Việt biết ngoại ngữ dịch. Số người có học vấn giỏi ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa, thông thạo phong tục nước mà họ sinh sống làm việc – những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng bản dịch – không nhiều. Đó là chưa kể việc dịch – cũng là một kiểu sáng tác – phải có đam mê rất lớn. Trên thực tế, đa số họ dịch vì tình yêu tiếng Việt, muốn quảng bá văn học Việt, chứ không hề nghĩ đến thù lao và cũng chả khi nào có thù lao.

Văn học của chúng ta vẫn chưa có cách “vượt biên” nào khác.

Tiểu thuyết của Bảo Ninh, những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, các tập truyện ngắn của một số nhà văn Việt Nam… như tôi biết, chủ yếu đều theo cách này.

Bởi vì đầu tư để đào tạo những người bản ngữ thông thạo tiếng Việt chỉ để dịch văn học Việt (ít nhất ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Ảrập…) vẫn còn là một ý tưởng mang mầu sắc viễn tưởng. Không cá nhân, tổ chức nào có thể làm việc này hiệu quả, mà phải là Nhà nước. Và nó phải nằm trong chiến lược quảng bá quốc gia có tầm nhìn dài hạn.

Nhưng giả sử một dự án như vậy thành hiện thực, thì vẫn còn rào cản cuối cùng cũng khó vượt qua không kém, đó là việc chọn tác phẩm để dịch. Sẽ là một cuộc cãi nhau hơn mổ bò, không chỉ từ các cá nhân, mà từ chính các Hội đồng thẩm định nghệ thuật (giả sử có các Hội đồng ấy).

Vì thế, con đường xuất ngoại của văn học Việt theo cách như tôi nói ở trên, vẫn sẽ còn là thực tế khá lâu nữa, có lẽ phải cho đến khi văn học Việt có giải thưởng quốc tế lớn, hoặc đất nước vụt cất cánh như đại bàng khiến năm châu bốn biển đều “đổ dồn” mắt tới.

TẠ DUY ANH

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *