“Vua Duy Tân trong tôi” và những ám ảnh của vàng son quá khứ

Vanvn- Kể chuyện từ ngôi thứ nhất là đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Hữu Nam; cũng là một trong những kĩ thuật tiểu thuyết hiện đại được tác giả sử dụng hiệu quả không chỉ trong Vua Duy Tân trong tôi mà ở cả hai tiểu thuyết GốmVua Thành Thái trước đó.

Nhan đề tiểu thuyết Vua Duy Tân trong tôi là một tín hiệu thẩm mĩ khá sáng rõ. Quả vậy, toàn bộ tiểu thuyết là lời kể, những cuộc trò chuyện trong tưởng tượng, là những trang hồi kí bị chính người viết, vương phi Hồ Thị Chỉ đốt đi, ngay khi nó vừa chớm có hình hài. Nhưng làm sao có thể đốt hết kí ức của vị vương phi mà cuộc đời bị buộc chặt vào hai vị vua hoàn toàn khác biệt về tâm hồn, tính cách và lý tưởng?

Vua Duy Tân trong tôi – Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Hữu Nam

Khởi từ bi kịch cá nhân, từ chuyện nàng tiểu thư nhà Hồ Đắc bị người mình yêu bội hôn đến chuyện bà cựu vương phi vỡ mộng khi đón nhận hung tin cựu hoàng qua đời đem theo cả tham vọng chính trị, tiểu thuyết Vua Duy Tân trong tôi của Nguyễn Hữu Nam (BestBooks Vietnam & Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022) đã phục dựng chân dung của một thời nhiễu nhương với bao chứng nhân lẫn nạn nhân thời cuộc. Đó là vị vương phi của vua Khải Định dành toàn bộ tuổi xuân để âm thầm hoài nhớ, viết và kể về “Vua Duy Tân trong tôi”. Đây là một người đàn bà đặc biệt trong mối quan hệ với hai vua triều Nguyễn: một Duy Tân anh hùng đã lẳng lặng từ hôn để khỏi làm liên lụy người mình yêu và dấn thân vào con đường cách mạng, đổi vận cứu nước; một Khải Định hèn nhược, sẵn sàng làm con rối của thực dân Pháp.

Khởi từ màu tím đầy ma mị và ám ảnh, thứ màu đặc hữu của xứ thần kinh, tác phẩm đã gieo ấn tượng độc đáo về mặt thị giác, gợi cho độc giả thẩm nhận sâu sắc về thân phận và ẩn ức thầm kín. Tím bàng bạc trong từng hiện vật. Tím nhuộm khắp không gian. Sắc tím trên tấm ảnh báo trước số phận của một tiểu thư tài sắc đồng thời hé mở những thăng trầm lịch sử, gắn với cựu hoàng Duy Tân và các yếu nhân triều Nguyễn. Sắc tím đặc biệt của áo dài nữ sinh Đồng Khánh phần nào giúp tiểu thư Hồ Thị Chỉ được chọn làm phi rồi lần lượt bước vào chuỗi bi kịch không lối thoát. Tím trùm khắp hậu cung không bóng trẻ con và thanh âm của sự sống cùng những ngày tàn của một vương triều…

Tiếp tục đề tài về các vị vua triều Nguyễn, với Vua Duy Tân trong tôi, Nguyễn Hữu Nam một lần nữa tạo được dấu ấn riêng ở khuynh hướng tiểu thuyết tân lịch sử. Cái bi, thay vì cái hùng, trở thành nhân-vật-chính của một lịch sử được viết lại, viết tiếp. Cái đẹp không ở những vàng son lộng lẫy mà lấp lánh từ những nghịch cảnh, đau thương.

Với nghệ thuật trần thuật hiện đại, Nguyễn Hữu Nam dẫn dắt người đọc ngược dòng lịch sử từ thuở Vĩnh San còn là một thiếu niên, cho đến khi phế đế bị lưu đày và tử nạn; từ lúc tiểu thư Hồ Thị Chỉ còn mơ mộng được sống trọn đời cùng Nguyễn Phước Hoảng, cho đến khi vị vương phi của ông Hoàng Cả Nguyễn Phước Tuấn này héo úa, tàn tạ rời khỏi hậu cung; từ lúc Khải Định còn say sưa “hiện đại hóa” kinh thành với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, cho đến khi Bảo Đại từ bỏ ấn kiếm sau những bất thành trong canh tân, giành lại thực quyền… Ngồn ngộn sự kiện và nhân vật lịch sử. Tầng tầng lớp lớp các bí ẩn về hoàng tộc, về những thân phận phụ nữ gắn liền với các cá nhân lĩnh nhận thiên mệnh không khác gì cái án đế vương. Chọn kể chuyện bằng hồi ức của Ân phi Hồ Thị Chỉ với các chương liền mạch (không xuống dòng), Nguyễn Hữu Nam đã khéo léo lí giải chính sử từ góc nhìn đời tư, vừa đảm bảo tính khách quan của sự thật lịch sử vừa “nâng tầm” dã sử hay những đồn đoán, thêu dệt dân gian, ngõ hầu kể lại, kể thêm về những câu chuyện mà sử gia còn bỏ ngỏ, những “câu chuyện mà tôi không muốn đặt dấu chấm hết”. “Tôi” hiển lộ trong tác phẩm là nhân vật người kể chuyện, vương phi của vua Khải Định; song “tôi” còn là hóa thân của tác giả thông qua một vai kể đặc biệt, để kể chuyện từ điểm nhìn của người trong cuộc. Chuyện dẫu hư cấu, lịch sử dẫu được nhìn từ phía khác, phía của phỏng đoán, tưởng tượng, trở nên đáng tin và mang đến sức hấp dẫn bất ngờ.

Nhà phê bình văn học Thái Phan Vàng Anh

Kể chuyện từ ngôi thứ nhất là đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Hữu Nam; cũng là một trong những kĩ thuật tiểu thuyết hiện đại được tác giả sử dụng hiệu quả không chỉ trong Vua Duy Tân trong tôi mà ở cả hai tiểu thuyết GốmVua Thành Thái trước đó. Nhan đề tiểu thuyết Vua Duy Tân trong tôi là một tín hiệu thẩm mĩ khá sáng rõ. Quả vậy, toàn bộ tiểu thuyết là lời kể, những cuộc trò chuyện trong tưởng tượng, là những trang hồi kí bị chính người viết, vương phi Hồ Thị Chỉ đốt đi, ngay khi nó vừa chớm có hình hài. Nhưng làm sao có thể đốt hết kí ức của vị vương phi mà cuộc đời bị buộc chặt vào hai vị vua hoàn toàn khác biệt về tâm hồn, tính cách và lý tưởng? Đằng sau những chắp nối rời rạc trong mạch tự sự của người đàn bà mang “tâm bệnh” này là một Duy Tân khí phách, tài hoa; một Khải Định bù nhìn, “bất lực”; một Bảo Đại “ham chơi” và xa lạ với vương triều, quốc dân. Chân dung của người thầy Tây dạy Duy Tân – Philippe Albert Eberhardt, hay vị kiến trúc sư thân tín của Khải Định – Beau de Champeaux, những nhân vật có thực lẫn hư cấu cũng được tái hiện, làm đầy thêm những khoảng khuất lịch sử xoay quanh hai người đàn ông đặc biệt trong đời cô tiểu thư nhà Hồ Đắc mà số phận bi thảm đã hé lộ từ bức ảnh “nạp phi”, với nỗi buồn màu tím ẩn sâu trong đáy mắt. Tuy vậy, tâm điểm của bức tranh lịch sử gắn liền với ba triều vua từ Duy Tân, Khải Định đến Bảo Đại lại là thế giới của những người đàn bà bất hạnh trong chốn hậu cung. Đó là vương phi Mai Thị Vàng, người phụ nữ “may mắn” được theo vua Duy Tân trong cuộc lưu đày, song chỉ hai năm sau đã phải quay về, ẩn mình nơi thôn dã và âm thầm thủ tiết. Đó là đấng Từ Cung uy nghiêm quyền thế, song không thể nào xóa đi thân phận thấp kém cùng những ngày tháng tủi nhục bởi nghi vấn hoang thai. Đó còn là những bà phi “trinh trắng” đau đáu trong nỗi câm nín tuyệt vọng, dù đêm đêm vẫn được đưa đến long sàng, vẫn kề cận long thể theo thủ tục và nghi thức cung đình.

Trong tiểu thuyết Vua Duy Tân trong tôi, Duy Tân, thật ra, không được đề cập như là nhân vật trung tâm. Những trang viết về vị vua này cũng không quá nhiều, nếu so với các nhân vật khác như Hồ Thị Chỉ, Khải Định, Mai Thị Vàng. Tuy vậy, hình ảnh Duy Tân luôn thấp thoáng ở mọi sự kiện, mọi câu chuyện. Bởi bắt đầu là vì Duy Tân, kết thúc cũng vì Duy Tân, và mọi biến thiên lịch sử được kể lại đều liên quan đến biến cố Duy Tân, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Vua Duy Tân trong tôi không chỉ là một vị vua, một thủ lĩnh tinh thần, một cựu hoàng năng nổ chờ ngày hồi loan mà còn là một người đàn ông “vừa cay nồng như quế vừa xao xuyến tựa gió”, người như chỉ vừa bước ra từ ký ức thanh tân nồng nàn mà nàng tiểu thư nhà Hồ Đắc đã thương yêu và hẹn ước. Vua Duy Tân trong tôi cũng là vua Duy Tân qua cái nhìn tiểu thuyết hóa và tìm kiếm cái đẹp từ chứng “ám ảnh” của tác giả đối với những phế tích, những vàng son một thuở, những người muôn năm cũ.

THÁI PHAN VÀNG ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *