Vòng tay – Truyện ngắn Lý Thị Thủy

Vanvn- Tôi mân mê chiếc vòng bạc có đính những hạt ngọc sáng lấp lánh, cẩn thận tháo nó khỏi tay, bỏ vào một chiếc hộp. Nhẹ nhàng đặt chiếc hộp nhỏ xíu và xinh xắn đó vào một chiếc hộp lớn. Trong đó có sẵn quyển “Cuốn theo chiều gió” và tập truyện ngắn của Quân. Bao bọc thật kĩ. Nhìn chiếc hộp, mắt tôi  nhòa đi, những kỉ vật đó mờ dần như một ảo ảnh dù nó đang nằm trong tay tôi. Tôi gạt nước mắt, đến bên gương. Hôm nay, lần đầu tiên trong đời tôi muốn mình thật đẹp. Tôi phải thật đẹp trong mắt anh.

Trong gương, tôi thấy rất rõ một người đàn bà hai mươi chín tuổi gương mặt hãy còn trẻ lắm, rất trẻ con so với cái tuổi hai chín. Điểm nhấn của khuôn mặt dừng lại nơi đôi mắt u sầu buồn bã. Tôi nhìn thẳng, nhìn thật sâu vào đôi mắt ấy. Đôi mắt là bộ phim quay chậm cày xới tâm trí tôi…

Nhà văn Lý Thị Thủy ở Phú Yên

Một đám cưới của cô gái miền sơn cước đang là sinh viên đại học sư phạm diễn ra chóng vánh. Vẫn là những tiếng thầm thì của thứ ngôn ngữ mang hơi thở của cỏ cây, vẫn rượu ngập tràn trong tiếng hát “ hôi lên” và những nghi lễ chúc phúc tồn tại từ thuở  nào, duy chỉ cô dâu là không mặc trang phục truyền thống như thường lệ mà được thay bằng bộ áo váy cưới dài quét đất. Thấy cô con gái ngoan ngoãn vì sợ mẹ  tự tử nên chịu về mặc chiếc áo đó, cả nhà vui ra mặt. Vui vì không những món nợ bấy lâu được xí xóa mà còn được kết thông gia với một gia đình khá giả. Với khát khao chàng con rể tương lai sẽ manh lại cho con gái nhiều sung sướng! Chỉ  có khuôn mặt cô dâu chẳng biểu lộ vui hay buồn, hay thái độ bất cần hay cô tê dại vì đau đớn cũng không rõ nữa, có lẽ là tất cả. Đám rước dâu diễu hành trong cơn mưa giăng kín trời. Người cầm ô, người đội nón mặc áo mưa, co ro, xuýt xoa vì bộ quần áo mới quanh năm, thi thoảng  mới có dịp đem ra chưng diện một lần như thế này lại đang bị bùn đất văng lên theo bước chân làm vấy bẩn cả.

Cũng vì ai cũng mải lo cho mình nên chẳng ai biết được khi đám rước đang đi qua một con cầu nhỏ một bắc ngang một nhánh thượng nguồn sông Gianh, ánh mắt của cô dâu kia không nhìn thẳng đường đến bến bờ hạnh phúc như mọi người bảo mà cứ nhìn xoáy xuống dòng sông đang đỏ ngầu cuồn cuộn chảy xiết dưới kia…  Cô cứ nhìn như thế cho đến khi cô trở thành đàn bà. Để rồi từ đó, mọi người gặp cô đều nhận ra ngay một điều cô có ánh mắt thật buồn, buồn cả khi cô cười.

Mọi người trong gia đình nhà chồng ra  sức cưng chiều cô vì nhờ cô mà họ nhà mình có người làm cô giáo, vinh dự  lắm. Thế là cô trở thành người quan trọng , oằn lưng ra gánh việc nước, việc nhà, việc họ để xứng đáng với sự yêu thương tín nhiệm đó. Sáng cầm phấn chiều cầm cuốc, cô mệt nhoài, khốn khổ hơn tuổi thơ cơ cực mà cô từng ao ước muốn thoát khỏi nó. Chỉ hơn mỗi một buổi lên lớp. Còn lại, như xưa, thậm chí khổ hơn xưa cả cái độ thức khuya dậy sớm. Vì mọi người nghĩ đi dạy như đi chơi, đi ngồi không. Mà đã ngồi không thì về nhà phải phụ giúp nhiều hơn mới phải. Được ngồi không, được mặc đẹp rồi mà. Cô lầm lũi, vùi đầu vào công việc cho mệt lả để cứ đặt lưng xuống là ngủ, là quên đi tất cả.

Ngày phụ nữ Việt Nam, học trò tặng quà, nhà trường tổ chức liên hoan, cô được gọi về vì nhà có chuyện gấp. Đến nhà được câu giải thích rằng:  “Phụ nữ không nên nhậu nhẹt, giao tiếp nhiều.  Xong việc thì phải về với cậu con trai ngay”. Vậy là lần đầu tiên cô cãi lại chồng, cô to tiếng nhưng cũng chỉ dừng ở câu thứ hai vì cái tính sĩ diện xấu chàng thì hổ ai. Cô viết blog. Chồng cô cũng không muốn gì cái chuyện cô viết lách. Nhưng thấy vợ ôm mỗi cái vi tính ở nhà là anh ta yên tâm nhất. Khỏi phải kiểm tra là đi đâu, có hay nhắn tin cho ai không. Cô thích viết, cứ viết, gõ phím đến ê cả đầu ngón tay mà cũng như chẳng kịp để giải tỏa những uất ức bấy lâu. Khổ nỗi, cũng vẫn cái sĩ diện. Nó đeo bám cô đến cả trang blog. Cô nào dám viết trắng trơn nỗi buồn của mình, nếu có ai phát hiện ra con người thật của mình cũng chết. Nên cô thường khéo léo lồng ghép tâm sự của mình vào từng trang viết. Như vậy thì phải viết nhiều hơn mới mong giãi bày được một chút gì đó. Bao nhiêu người vào blog của cô. Họ bị chú ý bởi cái tên Hồng Miên, mà cũng có thể họ thích những lời tâm sự của cô nữa. Thế rồi, một sớm đầu xuân, cô gặp Quân một người trong số mấy chục nghìn người ghé thăm blog của cô.  Anh ta viết lên Wail nhà cô:

 “Anh lại ghé nhà với Hồng Miên

  Mưa xuân mái đọng giọt rơi nghiêng

  Lòng anh thờ thẫn cùng hoa trắng.

  Anh chỉ riêng mình em hai riêng.”

Có lẽ vì thấy hình đại diện của cô là hình cặp đôi diễn viên Hàn Quốc nên anh ta nói “hai riêng”.

Thấy thú vị, vì những câu thơ ấy gợi cho cô nhớ đến giai thoại Nguyễn Trãi “Em ở nơi nào bán chiếu gon….” Cô thầm nghĩ “Hắn cũng khéo đùa thật!” Nên cô cũng tinh nghịch gõ phím đáp lại:

“Khách xuân chợt ghé nhà Hồng Miên

 Lòng xuân dẫu có chút tơ duyên,

 Pơ-lang một góc trời đỏ thắm

 Món nợ ân tình mãi không quên.”

Câu chuyện cứ thế kéo dài..   

Rồi niềm đam mê văn chương của Quân với lòng yêu mến văn chương của cô đã kéo hai người gần nhau hơn. Anh đọc rất kĩ những gì cô viết và lại hay comment bài viết của cô. Những lần trò chuyện với nhau tăng dần, và rồi cô biết được anh  chính là nhà văn, là biên tập viên của một tờ  báo văn nghệ.  Anh bảo thích những bài viết của cô, hướng dẫn cô tập viết bài gửi báo để nhận nhuận bút. Cô bị cuốn hút bởi tài năng văn chương của anh. Còn những nỗi buồn thoắt ẩn thoắt hiện trong từng trang viết của cô lại khiến anh tò mò. Anh cất công tìm hiểu. Cô càng cố giấu thì anh lại cứ lao vào để tìm kiếm sự thật. Để rồi, bao nhiêu uất ức bao nhiêu niềm đau tưởng đã ngủ yên bấy lâu bỗng sống dậy giày vò cô. Thế rồi, chẳng hiểu tự lúc nào cô cần đến cỗ máy tính này thật sự, đi dạy về, tranh thủ xong việc là cô lại lao vào nó nhiều lúc chỉ để xem có anh trên trang mạng xã hội mà cô viết blog hay không, anh có gửi thư cho cô không.

Trái tim cô run lên, lẩy bẩy trước lời thú nhận tình cảm của anh, người đàn ông thành đạt đã có vợ con đề huề. Anh yêu cô thật đấy ư? Anh ta yêu mình khi biết mình đã có chồng. Anh bảo anh có một gia đình mà biết bao nhiêu người mơ ước, nhưng anh cô đơn vô cùng vì niềm đam mê của anh chẳng có ai chia sẻ. Anh cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Anh chẳng thể nói chuyện nửa câu văn với vợ. Những khi được đọc một đoạn văn hay, anh ồ lên sung sướng như vừa được nhận một tấm vé đi du lịch nước ngoài hay khi nghĩ ra một tình tiết truyện, một lời thoại đắc địa cho nhân vật là anh lại hào hứng ra mặt cứ như vừa trúng số độc đắc. Chẳng đừng được sự sung sướng, vừa vơ vội tờ lịch viết vội ý tưởng để lưu lại không thì nó bay mất, vừa đọc vang khoe với vợ. Chưa dứt câu văn, lời thoại thì đã nhận ngay cái nguýt của vợ: “Văn với chả thơ, chỉ thấy tốn tiền, in cho lắm vào rồi chất đầy nhà, phí của!”.  Vợ anh cứ nghĩ chỉ cần cung cúc tận tụy với chồng là được, và như thế là người chồng phải biết mình đang hạnh phúc và may mắn có người vợ như thế. Anh yêu vợ, thương vợ và biết ơn vợ, chung thủy tuyệt đối với vợ nhưng anh bảo anh rất cô đơn. Niềm đam mê văn chương, coi văn chương là sự nghiệp của đời của anh chẳng ai hiểu cả. Anh lạc lõng ngay giữa người thân của mình. Rồi anh nói anh sẽ không làm gì có lỗi với vợ, anh sẽ sống thật hạnh phúc, biết ơn vợ nhiều và bù đắp cho vợ nhiều hơn, nhưng cô mới là người anh yêu, anh yêu cô hơn yêu bản thân mình.

Tranh của họa sĩ Thụy Vy

Cô cảm thấy sợ, tâm trạng cô rối bời, cảm xúc lẫn lộn. Cô không hiểu nổi mình. Cô muốn dứt ra khỏi trang blog ấy nhưng rồi lại tự mở nó ra từ lúc nào chẳng biết. Cô cố gắng lấy cuộc sống hằng ngày, cố gắng lấy hình ảnh của chồng để lấn át những dòng suy nghĩ về Quân-người chưa từng một lần gặp mặt ngoài đời cứ lởn vởn trong đầu cô. Chồng cô làm nông, hay nhậu nhẹt lại còn mê gà chọi. Tối về thì tụm năm tụm ba cùng với mấy anh bạn nối khố, mấy người hàng xóm vây xung quanh những chai rượu, hút như những con ong khát mật, hút cho cạn sạch hương rượu  mới thôi, và thường về nhà trong cơn say, mà khuya mới về. Cô yêu chồng cô như kiểu tình yêu của một con chó biết ơn đối với ông chủ đã tốn tiền mua nó về chỉ để giữ nhà. Con chó thì nào có quyền đòi hỏi phải biết chủ đi đâu, làm gì, khi nào về. Chỉ cần khi chủ về nhớ ngoáy tít đuôi tỏ vẻ mừng rỡ hay im lặng là được.  Nhưng sao lúc ấy cô cứ muốn chồng đừng uống, và hãy cứ ở nhà với cô thôi. Cô muốn chồng ở bên để xua đi những lời yêu đương mật ngọt quái quỷ của ông  Biên tập viên báo chí  – người đã hơn một lần sửa bài viết cho cô để được đăng ở tờ báo văn nghệ kia ra khỏi tâm trí mình. Nhưng đâu chỉ có rượu, ngoài rượu ra chồng cô còn có con gà chọi của anh ta nữa.

Nhìn miếng thịt nạc vừa mua về đã bị cắt xén mất hơn một nửa, cô ấm ức. Cổ họng nghẹn đắng, nước mắt như chực trào ra rồi lại lặn ngược vào trong. Đúng là hạnh phúc thì giống nhau nhưng niềm đau thì mỗi người mỗi cảnh. Ai khổ vì chồng cờ bạc, rượu chè, hay gái gú. Cô thấy cô còn khốn khổ vì gà.

Ngoài sân, chú gà chọi đang đường hoàng, khoan thai mổ những viên thịt nạc đã được bằm thật kĩ trên một cái đĩa thủy tinh trước cái nhìn chăm chú và hết mực âu yếm của lão chồng của cô.(Lão hơn cô đúng mười tuổi  nên sau lưng chồng có lúc cô còn gọi là lão ta). Với lão, nuôi gà chọi như một niềm đam mê mãnh liệt, niềm đam mê ấy đã ăn sâu vào tận xương tủy của lão. Lão biết cách chăm sóc, huấn luyện, và đánh giá một con gà chọi như một chuyên gia thứ thiệt. À, không phải như mà lão đã là chuyên gia thứ thiệt.

Cô thầm nghĩ, với chừng ấy vốn kiến thức về gà chọi, nếu lão chồng của cô mà đem viết thành sách về cách nuôi và thuần dưỡng một chú gà nòi thì chắc chắn sẽ được xuất bản và trở thành một cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường. Cô mường tượng, lúc đó có khi lão không phải chỉ được người ta biết đến như một tay chơi gà sành sỏi như bây giờ mà tiếng tăm của lão sẽ nổi như cồn nhờ vốn kiến thức rất cần thiết đó, vì theo lão, giới chơi gà chọi trên cái đất nước này đâu có ít. Mà  thử hỏi có mấy ai có được kinh nghiệm như lão. Chỉ hiềm một nỗi, trời ban cho người ta cái tài này thì lại lấy đi mất cái khả năng kia, cứ như là sợ người ta trở nên xuất sắc quá đỗi ấy.

Trời cho lão niềm đam mê và sự sành sỏi về gà chọi, cho lão huyên thuyên mãi một mớ bòng bong hỗn độn về cái con vật hai chân mà theo cô là chỉ để làm bữa trưa thịnh soạn, làm cho cậu con trai của cô cười toe toét vì sung sướng khi được nhận cái đùi gà. Nhưng lại không cho lão cái khả năng biến vốn hiểu biết đó thành sách để truyền cho đời, để kiếm tiền.

Cô thấy khó chịu và tự oán trách mình, thấy mình nhỏ nhen vì đang ghen với một con gà. Vì từ khi có cái giống gà cao cao, da thịt đỏ au, ít lông này về nhà thì trong mắt lão chồng, mẹ con cô bị tụt xuống hàng thứ hai, xếp sau con gà. Bảo sao cô không ấm ức. Thay vì ngủ nướng với cậu con trai, để cô trở dậy lo bữa sáng như mọi khi. Lão dậy từ sớm, ngày nào cũng vậy. Lão ra mở chiếc chuồng đã được xây khóa cẩn thận, tra chìa vào ổ khóa, ôm  con gà ra, mát xa, nắn bóp chân cho nó. Rồi cùng nó chạy thể dục quanh vườn. Trở về lão lại ngồi nhìn gà say đắm. Cái cách cho gà ăn của lão còn kĩ hơn chăm cậu quý tử của lão. Thực đơn của gà ngon gấp mấy lần bữa cơm đạm bạc của gia đình. Vì theo lão là cứ để nó ăn để nó còn chiến đấu, đem lại tiền bạc và vinh quang cho lão. Lão bỏ bê công việc để chăm gà rồi cùng nó đến với những trận quyết đấu sinh tử. Ăn nói chuyện gà, nhậu nói chuyện gà, ngủ nói chuyện gà, dường như mỗi lần lão mở miệng là từ gà cứ phải tự nhiên bay ra trước.

Trong khi mọi người lục tục ngoài đồng ruộng, thì lão cũng say sưa với một mớ công việc nào là nấu nước trà xanh để tắm cho gà, cho gà tắm nắng, nào là giã gừng với rượu đế để mát xa cho gà, tỉa lông gà, sưu tập lông gà. Kĩ tính hơn, lão biết được từng cánh của con gà có bao nhiêu lông. Lão theo dõi, xăm xoi  xem có vô tình rụng mất chiếc lông nào làm giảm mất độ oai của chiến binh gà thì lão lại tỷ mẩn, chọn từng cái một làm sao cho hợp màu, vừa vặn với gà rồi cận thận nối vào. Rõ là nghề chơi cũng lắm công phu. Xong đâu đấy, lão lại ngồi ngắm nghía, miệng lẩm nhẩm cứ như khấn phật. Chắc là lão đang nhẩm tính, với phong độ kia thì chàng chiến binh của lão cũng đáng vài chai chứ chẳng chơi. Lão lạy trời trận đấu sắp tới chiến thắng về với thầy trò lão. Nó thấy lão bận túi bụi với những trận quyết đấu. Có đêm, khuya lơ khuya lắc, lão bật dậy, mặc áo cho gà, nổ máy, chạy khỏi nhà sau một tiếng chuông điện thoại reo.

Vì gà, lão quên trời quên đất, quên luôn rằng mình còn là cái trụ cột của gia đình này. Cái vẻ êm đềm mà mọi người vẫn cho là hạnh phúc ấy  hóa chênh vênh chỉ vì một con gà. Có hôm cô ốm, gà cũng ốm. Lão còn mải đi mua thuốc cảm cho gà, hái lá nấu nước xông cho gà mà quên mua thuốc cho cô. Tủi thân, cô khóc.  Nhìn vợ ôm gối sụt sùi trên gường, lão quát: “Có chân thì tự đi mua lấy, người chứ có phải gà đâu!”

Vậy là cô lại vào blog.

– Em khỏe chứ?

– Em khỏe.

– Anh định viết một truyện ngắn về em để dự thi đấy, cả tiểu thuyết nữa. Anh sẽ viết như một món quà dành tặng cho người anh yêu.

– Dừng lại được rồi đấy. Đừng liên lạc gì với em nữa, em cần sự bình yên cho cái gia đình này.

– Chỉ là anh yêu em thôi, em có yêu anh đâu mà bảo là có lỗi. Hãy coi anh như một người bạn văn chương. Với lại chỉ là nhắn tin nói chuyện trên thế giới ảo này thôi mà. Anh van em là chỉ xin nói chuyện với anh như thế này thôi cũng được. Chỉ có em mới có thể giúp anh có cảm hứng, có nghị lực để cho ra đời những trang viết mà cả đời anh khao khát và mơ ước.

– Không được, bí mật nói chuyện với người đàn ông khác ngoài chồng cũng là có lỗi, huống chi em đang nói chuyện với người đàn ông nói yêu mình.

– Nếu em cắt liên lạc với anh hoàn toàn, anh sẽ chết mất, anh sẽ hóa điên mất. Anh gặp em cứ như một định mệnh, anh biết anh đang có lỗi với mọi người xunh quanh nhưng anh không thể nào làm khác được.

– Thôi đi, anh có biết những gì anh vừa nói có thể làm sụp đổ tất cả không? Sự tin tưởng ngưỡng mộ của vợ con và mọi người, đồng nghiệp, hạnh phúc gia đình. Tất cả sẽ chấm hết. Cả em nữa, em sẽ còn dám cao giọng giảng bài học làm người trước hàng nghìn học trò nữa không?

Cô tắt máy, khóa blog không liên lạc với Quân nữa nhưng cũng chỉ được đúng ba ngày, cô lại  bật máy tính lên từ lúc nào chẳng biết. Một lá thư với lời lẽ thật chân tình, Quân nói anh sẽ cố xem cô như một người bạn, sẽ ứng  xử với cô như một người bạn chỉ xin cô đừng biến mất như thế nữa. Rằng anh chẳng thể làm được gì trong ba ngày qua. Cô đồng ý, đồng ý lặng lẽ đi bên cạnh anh,  như là một cái bóng mờ mờ ảo ảo. Niềm vui ấy khiến anh có thể viết một cách say sưa, cứ xong những đoạn văn anh lại gửi ngay cho cô đọc và góp ý. Nói lên cảm nhận của mình. Cô cũng cố gắng viết,  cô muốn viết một cái gì đó như là để động viên anh, những tâm tư tình cảm của mình cô gửi cả vào trang viết. Để rồi mỗi lần đọc lại cô giật mình, mặt nóng ran, thấp thoáng sau những con chữ mà cô vừa viết lên ấy là hình ảnh của người đàn ông không phải là chồng mình. Lẽ nào cô đã yêu anh. Lần đầu tiên cô thấy mình đang trải qua những cung bậc cảm xúc kì lạ như thế, nhưng cảm xúc mà cô chẳng thể nào kiểm soát được. Tựa hồ như một con vật bị nhốt, càng cố chèn ép nó, trói buộc nó thì nó lại càng giãy giụa vùng vẫy mạnh mẽ hơn. Tự nhiên cô cứ thích đọc văn của anh, cô chờ đợi từng trang viết rồi hồi hộp đọc nó, cô cứ muốn, cứ mong những gì anh viết phải đoạt giải thưởng lớn, để lại tiếng vang cho đời. Cô tìm mọi cách để giấu nhẹm cảm xúc đó, kể cả với anh.

Đúng ngày mùng tám tháng ba, cô nhận được bưu phẩm, đó là tập truyện ngắn của Quân vừa xuất bản, kèm với một chiếc vòng tay với những hạt ngọc lấp lánh. Ai nhận quà mà chẳng vui sướng, nhưng cô chẳng thấy vui gì, cô sợ những ngày lễ như vậy. Cứ có dịp là nhà trường, đồng nghiệp, học trò tặng quà. Nhưng càng nhận nhiều thì cô càng thấy tủi thân vì món quà từ người cô mong được nhận nhất lại không có. Lúc này, nhìn chiếc vòng vừa vặn trên cổ tay, cô bất giác rơi nước mắt. Cô khóc, khóc ngon lành. Rồi như sực tỉnh, cô tháo nó ra, cẩn thận bỏ vào ngăn trong cùng của cái cặp đen hằng ngày vẫn theo cô lên lớp.

– Này anh! Cô thủ thỉ bên tai chồng- Em là một người vợ tốt chứ?

– Tốt!

– Vậy anh thương em chứ?

– Bữa nay cô lạ nhỉ? Thế mấy hôm nay cô bị đuổi ra khỏi nhà à? vớ vẩn!

– Vậy hôm nay ngày quốc tế phụ nữ, cũng gần hết ngày rồi anh mua tặng em thứ gì đi, một chiếc vòng nhựa cũng được… để mai em lên trường có cái mà khoe với đồng nghiệp cho đỡ tủi. Xưa giờ anh có tặng em lần nào đâu.

– Đàn bà rách việc, vòng với chả nhẫn, không đói là may rồi! Lo trông nhà tôi đi qua ngồi với mấy thằng một tí.

Hình ảnh những bông hồng, hoa cẩm chướng chúm chím trong những cái xô của người bán hàng. Cả những người đàn ông vẻ hào hoa, lịch thiệp một mình lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống vừa mua xong ghé lại mua hoa tặng mẹ, tặng chị, tặng vợ hay người yêu. Những cặp vợ chồng, những đôi tình nhân ríu rít bên nhau.  Các anh, các chàng mua hoa rồi với cử chỉ tràn đầy yêu mến trao cho một nửa của mình. Những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc mà cô thấy ban sáng khi đi ngang chợ hiện về làm sống mũi cô cay xè. Bao nhiêu năm rồi cô không còn biết đến những ngày lễ như vậy, và sẽ còn bao nhiêu năm cô không biết nữa nhỉ.  Cô nhắm mắt lắc đầu xua đuổi chúng ra khỏi đầu nhưng sau sự cố gắng đấy chiếc vòng tay của Quân lại hiện lên trước mắt. Cô đã bất lực trong cuộc tìm kiếm một món quà để thay thế nó.

Quân đang dồn hết tâm huyết vào tác phẩm dự thi lần này, anh nói với cô như vậy. Và anh muốn gặp cô, gặp người trong mộng một lần ngoài đời thực. Chẳng thể từ chối, vì cô biết nếu cô từ chối thì tác phẩm  kia sẽ chẳng thể hoàn thành. Cô càng không thể kể cho anh biết rằng cô đang cô đơn, đau đớn đến cùng cực. Chồng cô ngày càng lún sâu hơn vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, vào những trận đá gà sinh tử.  Cô bình thản  lướt trên bàn phím nói những câu động viên anh rằng hãy cố gắng và đừng bao giờ quên quan tâm chăm sóc vợ con. Quân hứa, vì cô anh sẽ không bao giờ để vợ phải buồn đổi lại cô phải cho anh gặp mặt một lần rồi ra sao cũng được. Cô đồng ý với một điều kiện: sẽ gặp anh khi tác phẩm được nhận giải thưởng cao nhất…

Và hôm nay, giây phút này tôi thấy ánh mắt người đàn bà trong gương ánh lên một niềm hạnh phúc niềm tự hào khôn tả. Vì trên tay cô đang cầm tấm vé mời dự đêm  giao lưu trao giải thưởng văn học danh giá nhất cho tác phẩm của Quân.

Khẽ nhíu mày, đưa tay lên vỗ nhẹ trán để trấn tĩnh mình trở về với thực tại. Thoa lớp kem lót rồi phấn, rồi son. Quả là trông mình cũng khác hẳn, tác dụng của phấn son có khác. Nghĩ thầm đến một người bạn cho rằng son phấn làm cho người đàn bà đẹp hơn cũng đúng quá đi chứ. Nhưng hơn cả son phấn, khi yêu và được yêu thì người đàn bà còn đẹp hơn nhiều.

Lần đầu tiên gặp mặt, thấy anh có chút bối rối, anh phong độ và trong lịch lãm hơn tôi tưởng tượng. Hoặc giả tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng cụ thể hình dáng bên ngoài của anh là như thế nào. Cũng như anh, tôi yêu cái tài văn chương, yêu tâm hồn của anh chứ tôi không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Tôi luống cuống chìa cho anh chiếc hộp nói là quà, run rẩy bắt tay anh. Thấy tay mình nhỏ bé, lọt thỏm trong bàn tay ấm áp đang siết chặt như chẳng muốn rời. Tôi ù té chạy, chạy mãi, tôi phải chạy khỏi cuộc đời anh. Có tiếng phanh gấp, tiếng thét, tiếng va đập… nhanh lắm! Và máu…Chiếc xe tải lùi lại rồi lao vút đi trong đêm. Tôi cố thu lấy sức tàn mở ví lấy điện thoại gọi. Hổn hển thở gấp, tôi thở mũi, bằng miệng, bằng cả tai. Bấm đến lần thứ hai mới nghe thấy tiếng người quát tháo: “Rõ cái thứ đàn bà! Hôm nay lại giở chứng kiểm tra chồng đi đâu. Ông mà thua là liệu hồn, thật là xui xẻo!”. Tôi ú ớ…tiếng tút tút phát ra từ chiếc điện thoại rồi chìm trong im lặng. Tôi nhắm mắt, không còn thấy đau, không còn thấy lạnh, không còn thấy buồn hay cô đơn, không còn thấy dòng sông chảy xiết trong đám cưới ngày nào. Chỉ thấy mình nhẹ lắm, cứ bồng bềnh, bồng bềnh … tôi đang bay. Thấy trước mặt cậu con trai bé bỏng đang chìa đôi tay bé xíu, chạy sà vào lòng mẹ. Thấy lũ học trò đang quây quần bên mình hát vang bài ca “Cô giáo về bản”.

LÝ THỊ THỦY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.