Võ Quốc Việt & “Dân gian triết – Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định”

Vanvn- Tiếp nối lòng hoài vọng giữ gìn bản sắc văn hóa Nam bộ nói riêng và văn hóa Việt nói chung qua “Hạt phù sa sông nước Cửu Long”, Võ Quốc Việt đã hoàn thiện tập sách “Dân gian triết – Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định”. Đây là tập sách thứ hai gồm loạt bài chuyên luận về văn xuôi Trần Bảo Định qua nhãn quan văn hóa và nhân bản, tiếp tục đưa bạn đọc du hành vào không gian văn hóa miền sông nước Cửu Long.

Ở chặng đường này, Võ Quốc Việt đi sâu hơn vào địa hạt tư tưởng của nhà văn Trần Bảo Định, qua đó làm rõ quan niệm sống của người lao động bình dân Nam bộ. Lắng nghe và chuyển tải đời sống tâm tình của phận người “chân lấm tay bùn”, Võ Quốc Việt tập trung vào những khám phá và phản ánh của Trần Bảo Định trên trang văn, góp phần bày tỏ những vẻ đẹp đáng quý trong đời sống lao động sản xuất, trong sinh hoạt thường nhật và trong tâm hồn chân phương đôn hậu của người bình dân Nam bộ. Ngoài ra, bạn đọc sẽ có thêm gợi mở để cảm nghiệm trang văn Trần Bảo Định thông qua loạt bài của Võ Quốc Việt trong tập sách này.

Tác phẩm “Dân gian triết – Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định” của Võ Quốc Việt

Người thầy học cũ của nhà văn Trần Bảo Định – GS. Nguyễn Khắc Dương có lần nhận xét: “Bảo Định viết một cách tự nhiên về những gì xảy ra trong đời sống mà anh ta đụng chạm, quan sát, cảm nhận… Lạ lùng ở chỗ là những điều anh ta viết lại ẩn chứa ý niệm triết học mà có vẻ như anh ta không hề nghĩ là đang triết lý … Đó mới là dân gian triết: sống, quan sát, cảm nhận … ghi chép và trong đó ẩn chứa ý niệm triết học một cách tự nhiên! Bảo Định là một hiện tượng mới lạ, rất lạ!”[1]. Có lẽ Võ Quốc Việt cũng nhận ra vấn đề “dân gian triết” theo hướng đó, để rồi cứu xét từng khía cạnh triết lý trong trang văn Ông già Nam bộ nhiều chuyện. Tác giả tập sách này cũng nhấn mạnh cách thế chuyển tải triết lý hết sức tự nhiên của Trần Bảo Định trong mỗi sáng tác. Võ Quốc Việt giúp bạn đọc nhận thấy nhà văn không chủ động tuyên thuyết mà triết lý bộc lộ trong vẻ đẹp văn hóa dung dị đơn sơ trong từng sinh hoạt đời sống của người lao động bình dân. Do đó, hình bóng quê nhà Nam bộ hiện lên vừa chân phương, vừa sâu sắc, vừa tràn đầy tình thương mến. Có lẽ, những chia sẻ trong tập sách này có thể giúp bạn đọc nhận ra vẻ đẹp thôn dã của miền quê cũ (tưởng phôi phai nhưng hãy còn đong đầy) trong tâm thức mỗi người.

Tiếp cận vấn đề “dân gian triết”, Võ Quốc Việt sử dụng lối viết đơn giản. Có lẽ tác giả tập sách những mong bạn đọc nhận ra “dân gian triết” vốn dĩ hết sức đơn sơ và gần gũi. Chẳng qua, đó chỉ là những quan niệm thiết dụng trong đời sống hằng ngày, biểu hiện trong từng sinh hoạt thường nhật của người nhà quê. Và trong tâm tư người bình dân quê nhà, triết lý sống tức là sự việc đang diễn trước mắt, ở giây phút hiện tại và ngay bây giờ; không phải những khái niệm trừu tượng trường quy. Dân gian triết, trong nhãn quan kiến giải của Võ Quốc Việt, biểu hiện như “sinh thể văn hóa” sống động đang diễn tiến chứ không phải tư biện hàn lâm. Qua đó, Võ Quốc Việt còn nhấn mạnh đời sống tâm hồn người bình dân không hề cạn cợt mà ngược lại thống nhất sâu sắc bởi triết lý sống nhuần nhuyễn, xuyên suốt.

Trong tập sách này, các bài viết được sắp xếp theo trật tự mở rộng không – thời gian văn hóa. Võ Quốc Việt mượn hình tượng “trùn đất bình nguyên Cửu Long” để mở đường đưa bạn đọc về miền quê cũ với những con người hiền hậu, cần cù, gắn bó đất đai quê nhà. Để rồi, bạn đọc đến với giá trị văn hóa trong hình tượng “bánh tét”, đằng sau đó lại ẩn chứa triết lý sống trong mỗi phong tục tập quán. Tiếp đến, Võ Quốc Việt sẽ mời bạn vào miền triết sử dân gian của Trần Bảo Định để khai mở nhân sinh quan Nam bộ với tinh thần lạc quan, yêu đời, trọng nghĩa tình. Ở tập sách “Hạt phù sa sông nước Cửu Long”, Võ Quốc Việt đã phác họa “nữ quyền luận của người phụ nữ phương Nam” thì ở tập sách này, Võ Quốc Việt xác lập địa vị người phụ nữ như “nhà giáo dục” trong mái gia đình. Người phụ nữ Nam bộ giàu đức hy sinh, thấm nhuần nho đạo dân gian để khuyên chồng, dạy con, giữ nền nếp cho mái gia đình Việt. Bước vào lãnh vực địa chính trị, Võ Quốc Việt lại tập trung làm rõ hai vấn đề “dân tộc” và “nhân tính” với mong muốn gìn giữ giá trị truyền thống dân tộc làm rường cột cho lối sống đạo đức nhân nghĩa vốn có của người bình dân Nam bộ. Đồng thời, những băn khoăn của Trần Bảo Định về vấn đề đạo đức lối sống cũng được Võ Quốc Việt bàn luận và đưa ra nhiều kiến giải gợi mở, giúp bạn đọc nhìn nhận lại vai trò quan trọng của việc giữ gìn đạo đức nhân cách. Sau cùng, bạn đọc hãy lắng đọng tâm tư cùng lòng mong mỏi và gửi gắm của Trần Bảo Định đối với công cuộc “trồng người” trên quê hương hôm nay. Lời kết tập sách này càng cho thấy vẻ đẹp đạo đức nhân nghĩa của người bình dân Nam bộ, kết tạo trên nền tảng nhân bản trong sáng suốt chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi hơn ba trăm năm. Võ Quốc Việt góp phần khai mở tâm tư Trần Bảo Định đối với việc giáo dục nhân tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn rèn luyện nhân cách đạo đức trong đời sống xã hội Nam bộ xưa nay.

Cùng với bộ sách “Đất và người Nam bộ mến yêu” của nhà văn Trần Bảo Định, tập sách “Dân gian triết – Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định” của Võ Quốc Việt là một trong số những nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong đời sống xã hội Nam bộ. Thiết nghĩ, thời buổi giao lưu văn hóa đương đại đa chiều cần có những tấm lòng nặng nghĩa với quê hương cố thổ, ra sức giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo điều kiện nhận diện cốt tủy chân quê sâu đậm trong tâm thức mỗi người hôm nay. Bấy giờ, bạn đọc có thể nhận ra giá trị dân tộc như hằng số nhân tính cần thiết cho đời sống kinh tế thị trường đương thời.

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TPHCM

____________

[1] Đỗ Thắng Cảnh (2022). Khoảnh khắc (chút tâm tình chia sẻ cùng thân quyến, bạn bè). TPHCM: NXB. Tổng hợp, tr.194-195.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *