Vén sương, nhìn núi

 (Suy nghĩ thêm về hiện tượng nhà văn Lý Văn Sâm)

Vanvn- Nhìn tổng thể, Lý Văn Sâm là ngòi bút có tài, cuộc đời ông là những trang hoạt động sôi nổi và phong phú. Tài năng của ông bộc lộ khá sớm, và với những quan điểm tiến bộ về xã hội và lý tưởng thẩm mỹ, văn chương của ông có sự gắn bó với thời cuộc và đem lại những hiệu quả tích cực trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng

Nhà văn Lý Văn Sâm

Chuyên đề Văn học Đồng Nai:

>> Khách của quê nhau rún – Tiểu thuyết của Khôi Vũ – Kỳ 2

>> Chùm thơ Nguyễn Đức Phước

>> Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu thuyết Trần Thu Hằng – Kỳ 2

>> Chuyện nhỏ bên hồ tràm – Truyện ngắn Hoàng Ngọc Điệp

>> Khách của quê nhau rún – Tiểu thuyết của Khôi Vũ – Kỳ 1

>> Trở lại Đắc Lua – Bút ký của Lê Đăng Kháng

>> Thơ Trần Ngọc Tuấn: Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay

>> Má Năm – Truyện ngắn của Nguyễn Trí

>> Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu thuyết Trần Thu Hằng – Kỳ 1

>> Chuyện tình ở Hầm Hinh – Tiểu luận của Bùi Công Thuấn

>> Thơ Đàm Chu Văn: Ngọn nguồn nối mạch ca dao

 

II. Hé lộ kho báu

Vào cuối năm 1974, với những chiến thắng vang dội, tình hình cách mạng miền Nam có sự chuyển động mạnh mẽ, báo hiệu ngày thắng lợi đang đến gần. Hòa cùng nhịp phát triển chung, báo Văn nghệ giải phóng, nơi tôi đang công tác,cũng cải tiến, chuyển từ tạp chí thành tuần báo, mở rộng khổ, cấu trúc lại bài vở, trang mục, tăng cường nhân lực để chuẩn bị ra một tờ báo văn nghệ trong thành phố khi Sài Gòn giải phóng. Dự kiến số đầu của tiến trình đổi mới sẽ ra vào ngày 1-1-1975.

Lúc đó, tôi đang phụ trách biên tập phần lý luận phê bình của báo. Trong cơ cấu bài vở của số đầu, Ban biên tập giao cho tôi mời nhà văn Lý Văn Sâm viết một chân dung nghệ sĩ tiêu biểu của Hội, mở đầu cho chuyên mục. Dù sống trong cùng tiểu ban, sinh hoạt cùng đơn vị, ăn cùng bếp, hằng ngày vẫn thường gặp và trò chuyện, nhưng thấy ông ít viết thể loại này nên tôi cũng ngần ngại khi đặt vấn đề viết bài.

Không ngờ ông nhận lời liền. Chừng ba ngày sau ông đã gọi tôi lên lấy bài. Bất ngờ nữa là bài không theo đúng theo số chữ mà báo đặt. Khi trao đổi, tôi đã lưu ý bài viết tối đa không quá 2000 từ, nhưng ông viết đến gần 15 trang đánh máy. Ông là lãnh đạo, mươi năm trước đã là Tổng thư ký Hội, phụ trách báo Văn nghệ giải phóng, giờ đang là Ủy viên tiểu ban, tôi chưa biết xử lý làm sao cho hợp, cố giấu nỗi bối rối của mình. Bài ông viết về soạn giả, nghệ sĩ Trần Hữu Trang, vị chủ tịch Hội văn nghệ giải phóng đáng kính đã hy sinh. Bài viết bằng một văn phong giản dị mà cuốn hút, phong phú về tư liệu, đánh giá cao sự nghiệp và phẩm cách của người nghệ sĩ đàn anh, chứng tỏ ông rất am hiểu và giàu kỷ niệm với người đã khuất. Khi nghe tôi báo cáo và đề nghị, Ban biên tập đồng ý dùng liền trong hai số báo[1]. Sau đó ông còn bảo “Mình sẽ viết tiếp cho các cậu một hai bài nữa”, và quả vậy, sau đó ông viết tiếp cho hai kỳ nữa về nhà thơ, nhà báo Dương Tử Giang, cũng là một người bạn thân thiết và nhiều gắn bó với ông. Phần tôi, không chỉ vui vì đặt được bài tốt, mà còn mở ra phát hiện bất ngờ về nhà văn Lý Văn Sâm, một con người vui tính, giản dị, xuề xòa, hằng ngày thường gặp, nhưng phía sau là cả một kho hiểu biết và nội tâm hết sức phong phú. Một bài báo nhưng hé lộ bên trong con người vóc dáng mảnh khảnh kia là cả một cuộc đời đầy giông bão và bí ẩn, không phải ai cũng biết và hiểu.Từ đó tôi để tâm hỏi chuyện nhiều hơn, tìm hiểu thêm về quãng đời và việc viết văn của ông trong quá khứ.

II. Những trải nghiệm và chuyển động

Nhưng việc tìm hiểu cũng không dễ dàng, vì thời kỳ huy hoàng và sung sức nhất của ông qua đã lâu lâu, khoảng những năm 1940- 1950, đến lúc này đã hai ba mươi năm, đã vậy, ông lại không thích nói về mình, sách báo tư liệu trong chiến khu lại cực kỳ khan hiếm, cho nên cách tốt hơn cả đều phải qua hỏi chuyện gián tiếp. Lâu lâu mới thêm được một chút, cứ như vậy, dần dần tôi thấy, sự nghiệp của ông như ngọn núi chìm khuất sau màn sương mờ, bởi thế khó biết được sự hùng vĩ của nó, nếu không vén được màn sương kia.

1. Phải mươi mười lăm năm sau ngày miền Nam giải phóng tôi mới được đọc Lý Văn Sâm một cách đầy đủ và hệ thống, và tôi nhận ra rằng: Từ trong bản chất, Lý Văn Sâm là một con người nghệ sĩ, và chất nghệ sĩ chi phối cuộc sống của ông. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã cảm thấy không yên ổn với cuộc sống gia đình, ưa thích nuôi mộng ra đi để bước vào cuộc đời giang hồ mà thời đó như là một hình mẫu lý tưởng. Rồi những mối tình bồng bột và say đắm của tuổi trẻ cấp thêm năng lượng cho ông. Có dịp là cảm xúc lãng mạn trong ông bừng nở, như khi được ra Huế học, ông cảm thấy “Cảnh nắng vàng trên sông Hương và sương xanh trên núi Ngự đã đưa hồn lãng mạn của tôi lên tuyệt vời”.[*]

Từ chỗ không bằng lòng với thực tại, dần dần, ông thấy ở đónhững bất công, những nỗi bất bình không thể chấp nhận, chỉ mong được thoát khỏi những giam hãm tù túng. Ông không bằng lòng với cuộc sống của một công chức, và cũng không chí thú làm giàu, không đam mê với công việc kinh doanh, dù có những điều kiện thuận lợi từ gia đình. Ông từng tâm sự: “Trước năm 1945 tôi là một con người bất đắc chí, một trí thức bị vây hãm bởi những tư tưởng thù địch. Là con của một viên chức kiểm lâm, nhưng tôi không nối nghiệp cha làm viên chức cho Tây. Trong đầu óc tôi có những tư tưởng phản kháng. Tôi ghét Tây, không chấp nhận xã hội mình đang sống. Ra trường tôi thích phiêu lưu đây đó. Ở đâu những điều ngang trái nảy sinh từ một xã hội nô lệ cũng đều đập thẳng vào óc, vào tim, vào mắt tôi. Đau quá! Nhưng không sao tránh né được” “Hồi đó tôi chưa gặp Đảng nên chẳng biết mình phải hành thế nào cho đúng. Thôi thì…hành động một cách tự phát vậy”. Với vốn liếng của nả người cha để lại, ông để lỗ dần, cụt vốn, để rồi lại bùng dậy ước muốn lên đường để thực hiện ước mơ của mình. Khát vọng tự do của một tâm hồn trẻ trung phóng khoáng, mở ra những chân trời mênh mông của sự tưởng tượng, và bút pháp lãng mạn chắp cánh cho những lý tưởng thẩm mỹ sôi sục trong lòng.

Lúc đầu là thơ tình, tình yêu lứa đôi, nhưng xem ra không phải là sở trường của ông, lại không được đón nhận nhiệt thành như ông nghĩ, ví dụ như khi đưa thơ cho Trần Hữu Trang, một người đàn anh mà ông yêu quý xem, thì “bị chê ra mặt: Hồi này em làm thơ ẹ quá, toàn những chuyện yêu đương gì gì đâu, lãng xẹt”. Viết như kiểu Mũi tên diệt bạo, một sáng tác thời kỳ trướcđó,thì cũng chính Trần Hữu Trang bảo “không hát được, vì không phải tuồng bết mà tại em nói toàn những chuyện bị ở tù như chơi”. Đó là kỷ niệm đầu đời cũng là sự bế tắc trong suy nghĩ của ông. Nhưng khát vọng lành mạnh trong lòng ông thì không bao giờ tắt, cho nên, ông tìm đến những vùng đất trong tưởng tượng. Đó là những nơi hoang sơ, hoang dại, mà thuở thiếu thời ông từng sống và gắn bó, nhưMã Đà, Định Quán, Túc Trưng… ẩn kín giữa rừng sâu, xa cách con người, xa cách đô thị. Như trong truyện Kòn Trô, ông dựng nên một xã hội, nơi mà “Lòng thương của những kẻ vô gia cư, không cha, không mẹ thân thế và cuộc đời gần giống in nhau (…) chung đụng lâu năm nó gây cho họ tình đoàn kết bền bỉ, không ai có thể cắt đứt được. Ở đây không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tị, nó làm cho người ta phải cực lòng lo nghĩ vì nhau. Tâm hồn họ đã hòa chung cùng cỏ cây hoang dại”; ở đấy “Chúng tôi trồng khoai, cấy lúa, gieo bắp gây riêng một thế giới phóng khoáng, xa hẳn chốn gió bụi thị thành”.

Truyện Rồng bay trên núi Gia Nhang, cũng có phần tương tự, trong đó, tác giả xây dựng hình ảnh người “lãnh tụ” giàu tài năng, giàu nghĩa khí, thương dân chúng có tên là Châu Phiên, được tôn vinh “chẳng những là vị cứu tinh của người Mọi mà lại là một vị thiên thần đã mang lại sự thái bình cho thôn dân”; hoặc trong truyện Sương gió biên thùy thì ngay cả những người ở những chiến tuyến khác nhau cũng đối xử với nhau theo cách của người quân tử, giàu nghĩa khí, và chính điều đó đem lại cho cuộc đời kết cục lạc quan. Sự lịch duyệt và tình cảm thắm thiết giữa một chàng trai trẻ Việt Nam và một tiểu thư người Pháp chính là lý do để khi chàng bị bắt, lại được chính tiểu thư Pháp cứu sống trở về cùng đồng đội.Bối cảnh của những truyện loại này được dựng lên qua những tưởng tượng kỳ lạ nơi thâm u, hoang dã, có sự pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo,nên một số người định danh là truyện đường rừng. Lý Văn Sâm có sở trường về thể loại này, cho nên mặc dù là tác giả đi sau, nhưng ông vẫn tạo được lối đi riêng. Nhưng ở một phía khác của cuộc sống, thực tiễn mà ông trải nghiệm lại không thuận chiều và bằng phẳng như ông nghĩ, mà đầy gian truân, có khi bế tắc vì tác động từ những người thân yêu nhất là vợ con, bè bạn gần gũi nhất. Chẳng hạn, nơi trú ngụ còn không có làm sao cưu mang được vợ con (Thèm một ngọn đèn); hoặc thảm hại hơn, khi trong lòng tình nhân ái đang rộn ràng bừng sáng, nhưng vấp phải sự can ngăn của người thân yêu nhất vì sợ liên lụy, chính là gáo nước lạnh dập tắt ngọn lửa của lòng cao thượng, để lại một nỗi đau và sự ân hận suốt đời (Ngoài mưa lạnh).

Cũng cần phải nói thêm rằng, một số bài viết có ý đề cao“tính chất đường rừng” trong truyện của Lý Văn Sâm, cho đó là yếu tố tạo nên bản sắc riêng trong nghệ thuật của ông. Thật ra, tính chất này trong một số tác phẩm của ông chỉ là phương thức tạo dựng bối cảnh cho nhân vật hoạt động, cũng chính là lĩnh vực mà ông có điều kiện hiểu biết sâu sắc từ lúc thiếu thời và cả trong thời gian đầu cầm bút. Hơn nữa, trong điều kiện chế độ nô lệ, chưa có điều kiện phát ngôn trực diện quan điểm văn chương tiến bộ và cách mạng, nhất là khi phải đối mặt với sự hà khắc củachính quyền thực dân hiện tại, thì cách thức huyền ảo hóa bối cảnh, nhằm gián tiếp biểu lộ thái độ của mình, cũng được coi là giải pháp thông minh và cần thiết.

2. Nhưng dần dần, bản chất hướng thiện cùng với những nhận thức của một thanh niên được tiếp xúc với những người cách mạng mà ông gọi là “những người anh lớn” như Nguyễn Văn Ký, đảng viên cộng sản từ 1932, sau là Bí thư tỉnh ủy Biên Hòa; như Phạm Văn Thuận, sau từng là Bí thư tỉnh ủy Thủ Biên và Phước Long; như Hồ Văn Đại, sau là Trưởng ty công an tỉnh Thủ Biên v.v.. đã giúp ông có thêm nhận thức và cách nhìn mới, vượt lên những khát vọng chung chung có phần không tưởng. Ý thức chính trị chuyển biến kéo theo lý tưởng thẩm mỹ cũng chuyển động. Trong tâm tưnhững nhân vật chủ yếu mà tác giả gửi gắm, thường vang lên những tiếng gọi của Non sông, Dân tộc, Tổ quốc…Hình ảnh nhữnganh hùng, chiến sĩmang sứ mạng thiêng liêng vì sự nghiệp (Sứ mạng), sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả, vì lý tưởng của nhân dân, dân tộc, đã có sức cổ vũ khích lệ con người tham gia vào sự nghiệp đấu tranh (Mũi tổ, Tàn một mùa ve, Tiếng rên trong rừng lạnh). Không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm đôi khi thấp thoáng xuất hiện sự kiện, hình bóng, không khí sôi động của nhữngngàytoàn dân khởi nghĩa giành chính quyền thời Cách mạng Tháng Tám 1945 hoặc buổi đầu kháng chiến chống thực dân Phápxâm lược.

Càng ngày ý thức giác ngộ của ông càng sâu sắc hơn, thì quan điểm chính trị và nghệ thuật của ông còn tiến thêm những bước dài nữa. Trong truyện ngắn “Vợ tôi người dân tộc thiểu số” người ta còn có thể tìm thấy thái độ phê phán tư tưởng phân biệt chủng tộc, phá hoại sự đoàn kết trong cộng đồng. Ông đã để cho nhân vật Phong phát ngôn “Muốn làm văn hay, phải hòa mình vào thực tế xã hội. Phải tạo cho mình và người đọc mình những quan niệm mới về nhân sinh” và bình luận đó là “những ý kiến tiến bộ”. Hoặc trong một truyện khác, ông nêu lên ý tưởng “Oan trái cứ  buộc với nhau hoài, biết đến bao giờ mới hết! Sống là phải khoan dung, cởi mở, tìm hiểu lẫn nhau. Sống là phải nương dựa lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau. Người ta không thể giết nhau mãi mà nhân loại tiến bộ được” (Một chuyện oan cừu).

Khi có điều kiện tiếp xúc và hiểu thêm về đời sống của nông thôn trong kháng chiến chống Pháp, ông giác ngộ ra rất nhiều về  thực tiễn, về những con ngườianh dũng chiến đấu và sản xuất góp phần cho kháng chiến, cũng là những người duy trì lối sống cao đẹp, giàu tình nghĩa, giàu nhân bản, nhân đạo của người nông dân Việt Nam. Từ đó khi suy nghĩ về vấn đề nông thôn, nông dân, những quan điểm trong tác phẩm của ông, dù đã viết ra từ mấy chục năm trước, nhưng vẫn còn giá trị vàphù hợp vớisuy nghĩ về những vấn đề thời sự “tam nông” đang bàn luậnhiện nay“Muốn tìm một đề tài sống về dân tộc, ngòi viết phải hướng về nông thôn. Bởi vì nông dân chiếm phần đông trong dân tộc. Bởi vì đồng ruộng là nền tảng kinh tế xứ sở. Phải sống với nông dân mới biết giá trị của lao động. Gần tình cảm với nông thôn mới thông cảm và  trình bày hết được tình cảm dân tộc. Văn nghệ đồng áng phải là thứ văn nghệ linh động và hấp dẫn” (Nước lên). Và từ đó ông nhận thấy “Muốn tạo nên những tác phẩm hợp với cảm quan đại đa số quần chúng nhân dân, văn nghệ phải từ nông thôn mà ra và trở về với nông thôn” (Nước lên).

3. Sau Hiệp nghị Geneva, ông được phân công ở lại miền Nam hoạt động trong phong trào báo chí ở đô thị.Đây là một môi trường hoạt động hết sức đặc biệt, không chỉ gian khổ hiểu theo một nghĩa nào đó mà còn đòi hỏi một sự nhạy bén, tinh tế và dũng cảm. Chính ông đã từng lưu ýnhững người nghiên cứu muốn tìm hiểu hình thái hoạt động này rằng: “Tưởng cũng nên nhắc lại hoàn cảnh của những người cầm bút ở vùng tạm chiếm. Hoạt động trong lòng địch phải hết sức thông minh, linh hoạt, dũng cảm và khôn khéo. Viết văn, viết báo phải có cách luồn lách ngòi bút qua mắt kiểm duyệt”. Một hiện tượng đặc biệt trong giai đoạn này là truyện ngắn “Chuông rung trên tháp đổ”. Mượn câu chuyện về con khỉ, thầy Tầu, tiếng chuông trong cái tháp đổ, tác giả muốn thể hiện bản chất của chế độ “gia đình trị” họ Ngô dưới sự giật dây của ngoại bang xâm lược, sự phẫn nộ của nhân dân đòi lật đổ ách kềm kẹp của chế độ độc tài, thông qua hình tượng của đôi vợ chồng trẻ cầm súng bắn chết con khỉ đột để không còn tiếng chuông ghê rợn.

Cùng với những bạn bè như Hoàng Tấn, Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Trúc Khanh, Thẩm Thệ Hà, Mai Văn Bộ… và các nhà văn khácnhư Vũ Hạnh, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Trang Thế Hy, Sơn Nam… những hoạt động trên lĩnh vực báo chí văn học thời kỳ này đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh công khai đòi hòa bình, đòi hiệp thương Tổng tuyển cử thực hiện thống nhất nước nhà. Câu chuyện trong tác phẩm trên đã thêm một lý do để chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ông. Và ông đã phải trải qua nhiều tra tấn, giam cầm trong nhà tù kẻ địch, để rồi không còn con đường nào khác, ông đã cùng đồng đội thực hiện cuộc phá ngục vượt ra vùng giải phóng vào tháng 12-1956. Và cuộc đời ông bước sang một trang mới, đó là hoạt động trong tổ chức cách mạng nơi chiến khu.

Thời đoạn này với nhiều trọng trách được giao, từ Chánh văn phòng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Chính trị viên đoàn văn công, sau là Tổng thư ký Hội văn nghệ giải phóng, Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ giải phóng, Vụ trưởng vụ Văn nghệ trong Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy viên Tiểu ban văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Công việc sự vụ chi phối, việc sáng tác của ông có phần giảm đi, nhưng tự coi mình như một cán bộ tác chiến, ông vẫn làm đủ thứ, như ông từng tâm sự “hồi đó tôi viết búa xua, cần văn viết văn, cần cải lương viết cải lương, cần đàn chơi đàn kìm…làm tất tật” miễn là những công việc đó có ích cho cách mạng. Khi hiểu rõ điều này chúng ta càng thêm yêu mến, kính trọng và thông cảm với ông hơn, chứ không đòi hỏi như đối với một người chỉ chuyên công việc sáng tác. Tuy vậy, những tác phẩm và bài viết của ông trong giai đoạn này cũng rất đáng chú ýnhư truyện Bến xuân, Chuyện ấy đã qua rồi, hay các bài viết về Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hữu Trang, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Nghệ, Hoàng Tấn… và một số bản cải lương phục vụ yêu cầu thời sự chính trị đột xuất.

III. Vén mây, ngắm núi

Nhìn tổng thể, Lý Văn Sâm là ngòi bút có tài, cuộc đời ông là những trang hoạt động sôi nổi và phong phú. Tài năng của ông bộc lộ khá sớm, và với những quan điểm tiến bộ về xã hội và lý tưởng thẩm mỹ, văn chương của ông có sự gắn bó với thời cuộc và đem lại những hiệu quả tích cực trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và của nhân dân. Về nghệ thuật, với lối bố cục gọn gàng, hấp dẫn, với bút pháp nhẹ nhàng, tình cảm như lời tâm sự, kể chuyện thường ngày, với ngôn từ trong sáng nên dễ cảm hóa các đối tượng, nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm của đông đảo bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp, đặc biệt là những người lao động nghèo khổ.

Trong sâu thẳm tâm hồn ông, từ những ngày trai trẻ đầy mộng mơ, cho đến khi giác ngộ dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian khổ, những ngày vinh quang khi được giao những trọng trách, ông đều nung nấu những khát vọng cao đẹp, những lý tưởng tiến bộ, giàu lòng nhân ái, yêu thương con người, đem hết sức lực, trí tuệ để phục vụ cho ướcvọng, chiến đấu cho tự do hạnh phúc của những người nghèo khó. Cuộc đời ông, có thể nói là những trang hào hùng, đáng tự hào, nhưng do những tác động của chiến tranh,những biến động của cuộc đời, do tính cách khiêm tốn của con người, cho nên sự nghiệp và thành tựu đặc sắc của ông nhiều khi bị khuất lấp, khiến không ít người chưa hiểu và đánh giá đúng. Từ đó, bản thân ông và gia đình đã phải gánh chịu những thiệt thòi không đáng có. Nhìn một cách hình tượng, thành tựu của ông từng có thời như ngọn núi kỳ vĩ, rồi có thời bị che khuất bởi những đám mây mù, nên người đời không dễ nhận ra,vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là cần vén những đám mây mù kia để ngọn núi hiện ra đúng như thực tế, để người đọc có thể chiêm ngưỡng tất cả vẻ đẹp của sự nghiệp đồ sộ của một nhà văn nơi địa bàn còn hiếm hoi của mảnh đất miền đông Nam Bộ yêu mến này.

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc cho sự công bằng cần thiết đó, và một trong những người góp phần quan trọng chiêu tuyết cho hình ảnh ông, là hoạt động của nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, với tất cả tình cảm và sự tâm huyết của mình, anh đã dành nhiều thời gian và công sức, sưu tầm, giới thiệu, quảng bá về tác phẩm, con người, sự nghiệp của ông đến với bạn đọc trong tỉnh, cả nước và rộng xa hơn nữa. Đóng góp quý báu đó thật đáng trân trọng và biểu dương.

Và tôi nghĩ cuộc Hội thảo quan trọng này cũng là một cách để chúng ta tiếp tục vén mây để ngọn núi Lý Văn Sâm thêm sáng rỡ trong lòng công chúng và trong dòng chảy của văn học dân tộc.

LE QUANG TRANG

________________

[1] Văn Nghệ Giải Phóng số 43 và 44 (bộ mới), ra ngày 1-1-1975 và 15-1-1975

[*] Những dẫn chứng trong bài dựa theo Lý Văn Sâm toàn tập (3 tập), Bùi Quang Huy sưu tầm, chú thích, giới thiệu; NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2002.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *