Về tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai

Vanvn- Tôi thích Trần Thùy Mai từ những truyện ngắn chị in trên báo văn nghệ, với giọng văn rất “gái Huế”, nhẹ nhàng, ngọt ngào và trong trẻo. Cho nên, khi tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” được xuất bản, thì ngay lập tức nó có trên kệ sách của tôi.

Cũng như nhiều độc giả khác, tôi đọc 800 trang của bộ tiểu thuyết này một mạch với lòng yêu mến đức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu trong chính sử, một mệnh phụ nhà Nguyễn (quý phi của hoàng đế Thiệu Trị, mẹ ruột hoàng đế Tự Đức) nổi tiếng đôn hậu, đức cao vọng trọng, từ vua quan đến dân thường đều yêu kính.

Nhà phê bình Nguyễn Thị Việt Nga

Tiểu thuyết khá dày, chia làm hai tập, quyển thượng và quyển hạ, được viết theo lối kết cấu tuyến tính truyền thống nên khá dễ dàng trong việc tóm tắt. Nhân vật chính trong truyện, như tên của truyện, là Từ Dụ Thái hậu. Tác phẩm kể về cuộc đời của bà, bắt đầu từ khi còn là cô bé Phạm Thị Hằng lên mười, ái nữ của viên quan đại thần tài giỏi Phạm Đăng Hưng cho đến lúc ở trên ngôi cao thái hậu. Mười ba tuổi, Phạm Thị Hằng được tiến cung, bắt đầu cuộc đời khác, một cuộc sống trong cung cấm mà với người ngoài là niềm ngưỡng vọng và mơ ước cao vời, nhưng với người trong cuộc thì thực sự là một hành trình nhọc nhằn, cay đắng và nguy hiểm. Cung đình không chỉ có những vàng son lấp lánh mà còn là chốn đầy máu và nước mắt. Đi đôi với những quyền lực ngất trời là sự mưu mô, toan tính, đấu đá, tranh giành, sát hại lẫn nhau. Phạm Thị Hằng, cô tiểu thư bé bỏng, xinh đẹp, ngoan lành và trong trẻo đã đi qua những tháng ngày đầy cam go nơi cung cấm với không ít hãi hùng. Kết duyên cùng hoàng tử Miên Tông, Phạm Thị Hằng có địa vị vững chắc nơi lầu son gác tía. Nhưng dù xinh đẹp, ngoan lành, nàng cũng không được sống một cuộc đời êm ấm, phẳng lặng bên người chồng “thanh mai trúc mã” hết mực yêu thương mình. Những mưu kế, ganh ghét từ hậu cung mà thái hậu Trần Thị Đang là người tạo dựng luôn tạo nên những đợt sóng ngầm khủng khiếp nhằm nhấn chìm những người không cùng bè cánh với bà. Không có mưu sâu kế hiểm, Phạm Thị Hằng chỉ có tấm lòng nhân ái bao la, sự trong trẻo, thiện lành làm vũ khí để đối lại với những tàn khốc chốn hậu cung. Và cuối cùng, nàng đã chiến thắng, với một kết cục khá có hậu khi nàng trở thành đức Từ Dụ Thái hậu.

Công bằng mà nói, Trần Thùy Mai đã khá dụng công khi viết tiểu thuyết này. Quãng thời gian được tái hiện trong tiểu thuyết chỉ khoảng 30 năm, nhưng trải 3 đời vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Trong lịch sử các triều đại phong kiến nước nhà, mỗi lần có sự đổi ngôi vua là một lần có sóng gió triều chính, dù sóng ngầm hay sóng nổi, dù âm ỉ hay cuồn cuộn thét gào. Tác giả tiểu thuyết chắc chắn phải “cảo thơm lần giở trước đèn” để đọc kỹ lịch sử các triều đại nhà Nguyễn với biết bao thăng trầm, biến cố để hình dung ra số phận của các nhân vật lịch sử, từ đó xây dựng thành nhân vật văn chương. Tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” đã khá trung thành với chính sử. Có thể hình dung chính sử như một ngôi nhà đã xây dựng xong phần thô. Trần Thùy Mai hoàn thiện bằng những tô vẽ, thêm thắt các chi tiết hư cấu nghệ thuật để thành một công trình sinh động và đẹp đẽ.

Tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai

Như vậy, điều quan trọng nhất trong việc sáng tác về đề tài lịch sử là sự “tô vẽ, thêm thắt”, là các yếu tố văn chương. Nếu không, tác phẩm chỉ như sự diễn giải cụ thể, thậm chí dài dòng và khô cứng về lịch sử. Trần Thùy Mai đã làm tương đối tốt việc “tô vẽ, thêm thắt” đó. Chị có ưu thế đặc biệt khi thực hiện cuốn tiểu thuyết lịch sử này: là người con của quê hương xứ Huế, có tình yêu da diết với mảnh đất cố đô, có sự am hiểu về những phong tục, tập quán nơi đây… Những điều mà nếu không phải là người Huế, chắc chắn sẽ phải bỏ công tìm hiểu rất nhiều. Điều khiến Trần Thùy Mai “ghi điểm” nhất trong tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu”, theo tôi chính là việc nhà văn đã dựng lên được một cách sống động, chân thực và hấp dẫn cuộc sống phía hậu cung, điều mà chính sử không ghi chép lại nhiều, và nếu không phải là người trong cuộc, thì cũng khó lòng được thấy. Trần Thùy Mai đã vén tấm rèm lấp lánh của cung đình, để soi rọi vào cuộc sống nơi tử cấm thành, tưởng như êm đềm với những cung tần mỹ nữ, những hoàng hậu, hoàng thái hậu chỉ biết chuyên tâm chuyện phấn son váy áo, nấu nướng thêu thùa, sinh con đẻ cái cho hoàng tộc mà hóa ra nhiều sóng gió hơn cả chốn triều chính ngoài cung điện. Những mưu mô kinh hoàng nơi hậu cung không chỉ tác động tới thân phận bao con người trong đó mà còn có thể làm chao đảo triều chính, dập vùi bao đại thần trung chính, tài năng; thậm chí có thể quyết định vận mệnh của muôn dân, của cả giang san, đất nước. Những nhân vật của “Từ Dụ Thái hậu” bước từ chính sử vào tiểu thuyết một cách tự nhiên, nhuần nhị, được Trần Thùy Mai “nhuận sắc” khá tài tình. Nhân vật nào cũng mang thân phận. Nhân vật nào cũng sống động, cá tính. Đặc biệt là trong cả dàn nhân vật mỹ nữ nơi cung cấm, Trần Thùy Mai xây dựng “mỗi người một vẻ”: Phạm Thị Hằng nhuần nhị, đoan trang, hiếu hạnh, nhân từ; Hạnh Thảo trọng nhân nghĩa, khéo léo, đa cảm nhưng giàu nghị lực; Cam Lộ hừng hực sức sống, nuôi mộng lớn mà nông nổi, dại khờ, dễ bị lợi dụng; Ngọc Bình cả đời ôm nỗi đau hận câm lặng của một tam phi được sủng hạnh trong khoái lạc man rợ của       quân vương; thái hậu Trần Thị Đang đầy tham vọng quyền lực, tuy mưu lược, thông minh, sắc sảo,  nhưng tàn độc, lạnh lùng đến ghê rợn…vv. Những cơn bão quét qua chốn hậu cung toàn do Trần Thị Đang nhen nhóm, thổi bùng, đẩy bao cuộc đời vào bi kịch đớn đau. Thái hậu Đang mang bóng dáng của nhân vật Võ Tắc Thiên trong lịch sử Trung Quốc, người đàn bà quyền lực nghiêng trời, lệch đất nhưng cũng như rắn độc chốn hoàng cung (cho dù chính sử Trung Hoa vẫn còn nhiều bàn cãi về nhân vật phụ nữ quyền lực này).

Thành công nhất của Trần Thùy Mai trong tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” không phải là việc “viết lại sử bằng văn” dù có viết một cách sinh động, say mê, tỉ mỉ và trung thực mà là khám phá, tạo dựng, hư cấu những điều không có hoặc không được ghi trong sử sách. Chính chỗ khuyết thiếu, ảo mờ đó là mảnh đất cho sáng tạo văn chương. Những mối tình đẹp đẽ trong tiểu thuyết này là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Tình yêu đơn phương câm lặng nhưng sâu sắc của Phạm Đan Quế dành cho Phạm Thị Hằng. Mối tình trong trẻo, keo sơn của hoàng tử Miên Tông với Phạm Thị Hằng. Tình yêu muộn màng, thử thách qua biết bao sóng gió của Phạm Đăng Hưng và Hạnh Thảo. Cả tình yêu quái gở của đức vua Gia Long với tam phi Ngọc Bình được ngòi bút tinh tế của Trần Thùy Mai lý giải thật thấm thía: Ngọc Bình vốn là hoàng hậu nhà Tây Sơn, chính thất của Cảnh Thịnh Đế Nguyễn Quang Toản, nhưng khi Tây Sơn bại trận nàng  trở thành phi tần của Gia Long. Gia Long đắm đuối Ngọc Bình vì nhan sắc nên mới giữ nàng lại làm phi, không giết như những tay chân, thân tộc khác nhà Tây Sơn. Nhưng ngài yêu Ngọc Bình trong sự giày vò thân xác dã man, chỉ cảm thấy hoan lạc trên nỗi đau hoảng loạn của Ngọc Bình, bởi, Trần Thùy Mai lý giải, Ngọc Bình như một nấm mộ nhà Tây Sơn còn hiện hữu, đêm đêm Gia Long khai quật lại, trong niềm hưng phấn man dại của kẻ chiến thắng, chà đạp lên kẻ thù đang quằn quại. Bởi thế, Ngọc Bình là thân phận đau đớn nhất, đáng thương nhất trong cuốn tiểu thuyết này. Tình yêu cũng chính là căn cốt sâu xa để dẫn đến bao tranh đoạt, ghen hờn, mầm mống của những tội ác  kinh hoàng. Thái hậu Trần Thị Đang trở thành một con người đáng sợ cũng do những cay đắng, ghen tuông, tủi hờn chốn hậu cung. Từ một  người vợ tào khang gắn bó với  vua Gia Long từ thuở hàn vi, được vua hết lòng yêu vì, nể phục, đến khi nhà vua nghiêm ngắn ở ngôi cao, nghĩa vợ chồng dường như đã lạt, tình phu thê dường như dần phai vì bên cạnh nhà vua còn biết bao nhan sắc mĩ miều mê hoặc. Không còn địa vị độc tôn trong trái tim người đàn ông duy nhất của đời mình, thì bà tìm cách củng cố địa vị quyền lực chốn cung đình với bao mưu mô hiểm độc. Nhân vật Trần Thị Đang trong tiểu thuyết của Trần Thùy Mai khác với thái hậu Trần Thị Đang trong lịch sử rất nhiều. Và chính cái khác này đã khiến cho đây là nhân vật được xây dựng thành công nhất của tiểu thuyết này. Dường như tác giả bứt ra được cái bóng của lịch sử để thỏa sức sáng tạo nhân vật của riêng mình. Đây là thành công và cũng là hạn chế của tác phẩm. Hạn chế bởi tên tác phẩm là “Từ Dụ Thái hậu”, nhưng nhân vật phụ đã lấn át nhân vật chính. Thậm chí thái hậu Trần Thị Đang xuất hiện nhiều hơn cả Phạm Thị Hằng. Gần hết quyển Thượng nhưng hình ảnh Phạm Thị Hằng vẫn còn rất mờ nhạt, ngược lại nhân vật Trần Thị Đang sinh động, sắc nét, cá tính nổi bật từ đầu đến cuối tác phẩm. Nếu không câu nệ vào tên sách, có lẽ người đọc sẽ thấy cuốn tiểu thuyết này viết về Trần Thị Đang hơn là Phạm Thị Hằng. Trần Thùy Mai viết “Từ Dụ Thái hậu” để thể hiện sự ngưỡng vọng, tri ân một con người được hậu thế hết lời ca tụng như bộc bạch của chị ở đầu sách: “Lúc còn ở Nam Giao, tôi hay vào thăm lăng Xương Thọ, nơi yên nghỉ của bà. Khi bước đi trên nền gạch vỡ nát của ngôi lăng cũ, những hình ảnh xa xưa thường hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi như những thước phim sống động. Tính giản dị, khiêm nhường và tình thương của bà như dòng nước dịu mát giữa tàn khốc của những âm mưu chốn cung đình, những khúc quanh đau buồn của lịch sử”. Và nhà văn thực sự đã bị “đóng đinh” vào những ký ức quen thuộc của cộng đồng về nhân vật Từ Dụ Thái hậu: tính giản dị, đức khiêm nhường, tình thương bao la… Bởi vậy, Trần Thùy Mai đã không dám – vâng, thực sự là không dám, bứt ra khỏi ký ức quen thuộc đó để thỏa sức sáng tạo nhân vật. Phạm Thị Hằng – đức Từ Dụ Thái hậu trong truyện không có độ chênh với nhân vật ngoài đời (được ghi lại trong sử sách) nên ít gây hứng thú cho người đọc bằng các nhân vật khác, dù nhà văn đã hết sức nỗ lực chăm chút cho nhân vật này.

Trở lại tên truyện. Rõ ràng sức hàm chứa trong tiểu thuyết này lớn hơn tên truyện. Tôi vẫn lấy làm tiếc và cứ hình dung ra nhà văn trung thành với ý tưởng ban đầu là viết tác phẩm về đức Từ Dụ Thái hậu nên lấy tên bà là tên tác phẩm. Đành rằng qua một thân phận con người sẽ hiện lên cả xã hội, cả triều đại, nhưng trong tiểu thuyết này, như tôi đã nói, sức bao chứa của nó lớn hơn nhan đề nhiều và hỉnh ảnh những nhân vật phụ nhiều khi lấn át nhân vật chính. Tuy nhà văn viết rất kỹ, rất dụng công trong việc xây dựng bối cảnh lịch sử, miêu tả phong tục, tập quán, lễ nghi nhưng vẫn có lúc sơ xuất trong ngôn ngữ. Nhân vật triều Nguyễn của bà có lúc sử dụng ngôn ngữ hiện đại. Những cảnh miêu tả tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của Phạm Thị Hằng với hoàng tử Miên Tông cũng theo chiều hướng “hiện đại hóa”, từ ngôn ngữ cho đến cử chỉ, điệu bộ, tâm trạng… của nhân vật. Một Phạm Thị Hằng thuần khiết, nết na, gia giáo trong tình yêu đầu đời mới chớm ở giữa chốn hoàng cung không thể giống Phạm Thị Hằng nhí nhảnh, say mê như những cô gái hiện đại trong miêu tả của Trần Thùy Mai được.

“Từ Dụ Thái hậu” viết theo lối an toàn, và so sánh với tiêu chí của tiểu thuyết lịch sử truyền thống thì khá thành công,  nhưng như đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh – Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V của Hội Nhà văn là “có sự cách tân về tiểu thuyết”, là  “cái mốc của sự phát triển tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” (trả lời phỏng vấn trên báo Thời Nay, ngày 25/9/2020, Hà Dương thực hiện) thì thực sự chưa tới. Nhìn tổng thể, “Từ Dụ Thái hậu” vẫn là sự diễn giải trung thành lịch sử, tuy có sinh động, tỉ mỉ, hấp dẫn bởi lối kể chuyện có duyên của Trần Thùy Mai. Nếu Trần Thùy Mai mạnh dạn thoát khỏi sự ám ảnh của việc “trung thành với lịch sử” để nhìn nhận, đánh giá, lý giải lịch sử theo cách riêng của mình, thì tôi tin cuốn sách sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

Hải Dương, 20.2.2020

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *