Vanvn- Những cuộc điện thoại gọi đi gọi về giữa hai miền đất, tôi nghe tiếng thở dài của ngoại. Những ngày Sài Gòn bùng dịch, tôi hiểu dì và hàng trăm nghìn lao động tha hương khác cũng rơi vào cảnh túng quẫn, khó khăn trăm bề. Tôi biết được qua những tiếng qua giọng kể nghẹn ngào của ngoại, của má mỗi khi ai đó trong Nam gọi về.
Dì tôi vào Sài Gòn từ những năm 16 tuổi, bôn ba bươn chải đủ nghề, từ bán rau, bán vé số dạo cho đến làm các công việc lao động chân tay khác. Nhiều năm trước đây, cứ mỗi chiều 27, 28 Tết đã thấy dì đứng nơi đầu ngõ. Trên tay dì là đồ đạc lỉnh kỉnh, tay nách xách mang nào quà Tết, quần áo mới. Tôi và má đi đón dì về, thấy chúng tôi dì vỡ òa khóc như đứa trẻ đôi mươi.

Nhưng rồi đại dịch hoành hành trong 2 năm trở lại đây, người con xa quê như dì lo lắng chẳng biết bao giờ mới về được quê hương. Dường như càng đi xa, người ta càng hướng về đất mẹ, càng đi xa, nỗi nhớ nhung quê dày đặc lên năm tháng, dày xéo trái tim người phụ nữ đã gần 60 tuổi ấy.
Tôi nghe má kể, hơn 40 năm tha phương cầu thực nhưng dì chưa bao giờ quên vị quê, quên giọng quê. Cái chất giọng xứ Quảng đặc sệt mỗi khi tôi gọi dì, đều thấy thương nhớ vô cùng. Nhưng cũng đâu thể làm được gì, khi dịch bệnh đã ngăn cách những người xa nhau gặp lại nhau.
Cho đến khi dì được đăng ký hồi hương trong một chương trình về quê của tỉnh tổ chức, dì vừa vui mừng vừa lo lắng. Tôi nghe dì gọi điện cho má, giọng nói run run. Dì bảo: “Chẳng biết có được về quê hay không!”. Dì nói xong, không nén nổi bất an, nhưng khóe miệng vẫn cong lên như muốn cười với tôi. Tôi hiểu nụ cười ấy chất chứa điều gì. Là chờ đợi, là hy vọng, là niềm tin, là khát khao, là nỗi nhớ quê da diết.
Chuyến hàng đầu tiên gửi vào trong Nam, là mấy gói tiêu ngoại hái phơi khô, là mấy quả dưa leo má trồng, là đôi ba con cá mà vợ chồng dì Út quăng lưới ngoài khơi. Lần đầu tiên, tôi thấy cái gọi là “tình làng nghĩa xóm”, là tinh thần “lá lành đùm lá rách” của những người dân quê tôi. Bà con lối xóm gom góp từng chút rau, chút cá để gửi lên thị thành, để những con người kẹt lại nơi thành phố nhận được những thức quà tươi ngon.
Ngoại tôi hái tiêu, phơi khô rồi đóng thành từng túi nhỏ, má tôi chăm mấy luống dưa leo cũng đã trổ bông ra trái trĩu cành, dì tôi đi biển ngoài khơi xa dăm bữa mang về thúng cá tươi. Rồi tất cả họ hàng, bà con ngồi cạnh nhau, người đóng gói, người chất vào thùng. Cho đến khi thùng hàng cuối cùng được gửi vào phố, ngoại vẫn đứng đó mắt nhìn theo, hai dòng lệ lặng lẽ rơi xuống.
Xong công việc, hai mẹ con quay về, nhưng ngoại còn đứng đó. Tôi đi được một đoạn, quay lưng lại, thấy bóng dáng ngoại lom khom gầy guộc, chiếc nón lá trong tay vẫy vẫy theo như gửi gắm điều gì. Tôi nhìn ngoại, nghe lòng sao chua xót.
Chuyến xe chở hàng vào thị thành ấy, chẳng đơn giản là mang cá mang thịt vào cho dì tôi mà là mang yêu thương, gửi nỗi nhớ. Những yêu thương mà chỉ khi có đợt dịch này mới bùng lên mạnh mẽ, lan tỏa khắp nơi, như một ngọn lửa sưởi ấm những con tim lạnh giá ở phương xa.
Ngoại đứng đó một lúc lâu mới về. Rặng cau trước nhà đung đưa theo gió, trong một chiều buồn hiu.
Lại một cuộc gọi, nhưng mang đến sức sống cho một mùa xuân mới.
Má nói với dì điều gì đó tôi nghe không rõ, đoạn má nói với ngoại hơn hai tuần nữa dì sẽ về.
Nghe má nói xong, gương mặt ngoại giãn ra đôi chút, tôi thấy từ trong khóe mắt ấy là hạnh phúc, là niềm vui, là mong ngóng. Tôi sà vào lòng ngoại, thủ thỉ cho ngoại nghe những câu chuyện trong Nam mà tôi loáng thoáng nghe được từ cuộc nói chuyện của ba má.
Khi tôi viết dòng chữ này, là chỉ còn vài ngày nữa dì tôi sẽ về với nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi dì sinh ra và lớn lên, nơi dì cùng mẹ tôi vi vu trên cánh đồng lộng gió, nơi dì và mẹ tôi trải qua khung trời tuổi thơ hoa mộng.
Hồi còn bé, mỗi khi dì về quê, tôi đều quấn lấy dì hỏi những câu ngu ngơ, đại loại như Sài Gòn đẹp không, có vui không, sao dì không ở trong đó ăn Tết chơi mà lại về. Bởi vì khi ấy, nhà ngoại tôi nằm hun hút trong xa, bao quanh mênh mông là đồng nước. Hơn nữa, hiện tại có muôn vàn khó khăn, từ dịch bệnh cho đến áp lực về kinh tế. Dì nhìn tôi mỉm cười: “Người ta chết vẫn hướng về quê hương đó con!”.
Tôi nhớ đến những con chim di trú thường xuyên bay đi bay lại giữa hai miền đất. Vào những ngày cuối thu, chúng từ phương Bắc kéo nhau bay về phương Nam tránh rét. Từng đàn chim bay nối đuôi nhau, theo hình chữ V in dấu trên nền trời xanh thẳm. Tôi từng tự hỏi tại sao chúng không chọn nơi ấm áp ấy làm nơi trú ngụ lâu dài. Cho đến bây giờ tôi mới ngộ ra, bởi vì phương Nam không phải là nhà của chúng. Chỉ cần một nơi không phải là nhà, tất cả đều chỉ là nơi tạm trú.
Tôi tin là con người cũng vậy, mưa gió bão bùng thế nào, dịch bệnh khốn đốn ra sao, vẫn một lòng hướng về nhà. Chỉ cần về nhà, mọi giông bão cũng dừng chân nơi cánh cửa. Chỉ cần về nhà là thấy yên ổn.
NGUYỄN PHẠM HẢI DƯƠNG (Quảng Nam)