Vanvn- Bấc về sớm. Từ mấy tháng trước Tết đã nghe những cơn gió xuân hây hẩy thổi hơi lạnh mơn man như muốn đánh thức những mầm xanh cho kịp kỳ nụ nở, đâm chồi.
Trong buổi sớm sương của những ngày năm cùng tháng tận ấy, tía vẫn giữ thói quen bước xuống giường thật sớm. Việc đầu tiên của ngày là nhóm bếp, bắt ấm nước để pha trà. Nhà có bếp điện, bếp gas nhưng với tía, chẳng có góc bếp nào qua chiếc cà ràng un xơ dừa, củi mục.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”
Tía gom hết chà chôm, dăm bào, miểng dừa cho vào bếp lửa. Lửa không kén những tạp nham vụn vặt, bừng lên cháy phập phồng. Trong lúc chờ nước, tía cời than, thủ thỉ: Ngày trước bên bếp lửa của bà nội bây bao giờ cũng ngún khói một con cúi long ba. Rồi tía ôn tồn, rẽ ngang: Ở nhà một cấp đợi dịch ổn hẵng đi, nhà mình cũng đâu phải thiếu thốn gì để phải phương trời trôi dạt nữa.
Bạn về từ giữa tháng 7. Rồi thình lình toàn vùng giãn cách, bạn vẫn nghĩ là mình bị “kẹt” lại nhà. Mười mấy năm di trú, bạn như con ong chăm chỉ kiếm tìm bình yên ở ngoài kia. Hạnh phúc là khi được rời khỏi nhà, nơi rất nhiều lần tuổi thơ bạn bị từ chối một cái vỗ về, cưng nựng, ấp yêu, nơi vắng người thường xuyên và nếu có người thì luôn ồn ào những trận cãi vã.

Má lục tủ tìm cho bạn mấy bộ mặc nhà nhàu nhĩ. Mùi ẩm mốc tố giác sự thiếu hơi người. Bạn giống như vị khách ở chính cái nơi mà bạn được sinh ra. Năm bạn về đôi lần. Có lần tan làm bạn xách xe máy chạy một mạch sáu giờ đồng hồ về quê tận nửa đêm, con chó tên Xệ nhớ hơi nên lặng thinh. Nhà ở quê đêm không khóa cửa. Bạn lẳng lặng cất xe và trèo lên bộ vạt trống vẫn dành cho khách, tự bỏ màn rồi co ro ngủ như một con mèo. Lúc cả nhà giật mình xen lẫn vui mừng vì sự có mặt của bạn thì có khi bạn đã chuẩn bị để rời đi. Vừa đủ cảm nhận còn đó nỗi thương nhớ và ngóng mong để ôm giữ khoảnh khắc tốt đẹp ấy bên mình là bạn lại mất hút.
Thì ra nỗi ám ảnh theo thời gian cứ hoài đeo đẵng. Cứ ngỡ không cách gì thoát ra được, ấy mà, những ngày bất đắc dĩ sống chậm dài hạn tại nhà: Nghe, thấy và chứng kiến quá nhiều cuộc chia ly; trải nghiệm cuộc sống từng ngày bất trắc khiến bạn thấy lòng mình rộng hơn, biết bao dung hơn, kịp trở về với lòng mình để cảm nhận ấm áp và bình yên từ bên trong, từ những điều rất nhỏ.
Như một buổi sớm nào bạn bị tiếng rì rầm trong căn chòi dựng tạm trong lúc chờ xây nhà mới đánh thức. Nghe má thủ thỉ với bạn đời hàng bao chuyện vụn vặt: Nào là đàn ngỗng gọi ổ, con mái mơ vừa ấp nở đàn gà con hay bầy vịt đồng rớt hột, trứng so nhưng lòng đỏ vì đủ mồi.
Như một buổi chiều bạn nhìn má mồi lửa đốt đụn lá khô sau hè giữa nhập nhoạng gió xuân, quầng khói bảng lảng rồi ngược gió bay cay xè mắt, hương mùi cũng có ký ức. Thị thành cũng có khói: khói thải từ công trường, nhà máy, khói bụi kẹt xe hay khói thuốc nồng nặc trong quán cà phê buổi sáng… nhưng chẳng ngọn khói nào gợi nhiều nỗi niềm và cảm giác xao xuyến như làn khói chiều ấy. Bạn gọi đó là mùi quê: Ngọn khói lam trong nỗi nhớ hương nhà.
Như sớm xuân nay bạn ngồi bên bếp lửa, nghe tía gợi tên con cúi, đánh thức trong bạn những điều xưa cũ tưởng đã trở thành lãng quên. Nhưng đối với những người mà trong tâm hồn đã trót mang nặng những ký ức thân thương, thì dù qua tháng qua năm, ký ức đó vẫn hiện hữu trong tâm thức chỉ chờ được nhắc nhớ sẽ đưa họ quay về cùng kỷ niệm.
Con cúi với bạn đâu chỉ là vật giữ lửa mà còn là bà và mùi tết. Mỗi lần nhìn dáng bà khom lưng bện từng con cúi mới là biết tết sắp về. Con cúi mang lửa ấm, là ánh sáng là niềm vui, cũng là dấu hiệu của mùa xuân, mùa của yêu thương và hy vọng.
Nhớ quê đồng thuở ấy chỉ cấy lúa mùa, mỗi năm một vụ: Tháng 5 âm lịch gieo mạ, tháng 8 cấy lúa, hết tháng 10 đã có lúa về. Đêm đốt con cúi, nhà nhà tuốt lúa. Rơm vàng hạt mẩy, những sợi rơm óng dài được trữ lại, dựng thành từng cây cao ngất trước nhà.
Lũ nhỏ trong xóm đầu trần chân đất, vẫn thường chơi trốn tìm chạy quanh đống rơm. Gà vịt có đệm lót chuồng. Trâu bò có nguồn thức ăn dự trữ qua tết chờ mưa xuống đến mùa cỏ ngọt. Gian bếp của má có chất đốt để nấu những bữa ăn. Nội có đủ rơm để bện con cúi giữ lửa và sưởi ấm.

Những ngày tết cận kề, chẳng việc gì quan trọng với nội hơn là giữ ngọn lửa trong nhà không bao giờ tắt. Hễ con cúi còn ngún khói thì vẫn còn hy vọng có lửa nấu nồi bánh tết bằng nếp mới và lá chuối tươi. Và cái khéo của người là phải giữ được ngọn lửa qua tháng qua năm chỉ từ việc bện cái rơm con cúi. Bện lỏng tay cúi dễ cháy ngang hông, nhanh tàn thành tro bụi. Bện quá chặt và dày rơm lửa chết yểu, nghẹt nhưng không ngún, lửa tắt giữa đàng.
Từ con cúi tưởng là vật vô tri, nội dạy các cháu về bí mật của lửa: Con người cũng hệt như con cúi, luôn mang trong mình một hơi ấm từ lúc sinh ra. Hơi ấm ấy dùng để sưởi ấm bản thân, sưởi ấm người khác mà cũng để dẫn đường cho một người đi qua đêm tối. Nội dặn: Phải luôn giữ gìn một ngọn lửa trong tâm hồn mình.
Bạn không còn nội từ lâu, cũng không còn chiếc rơm con cúi nào treo trong gian bếp khi tết cận kề, nhưng ngọn lửa của tía vào buổi sớm xuân như thì thầm với bạn bài học tuổi thơ, nhắc nhớ về ký ức tết xưa bên bà để bạn kịp nhận ra trong lòng mình vẫn luôn còn một hơi ấm. Về nhà cũng chính là về với lòng mình. Và bạn chợt hiểu ra rằng bình yên không ở đâu xa. Bình yên ở chính trong tâm hồn rộng mở, bao dung và biết tha thứ.
HOÀNG THANH LINH (Sóc Trăng)