Vanvn- Trong thị phần sách trên thị trường hiện nay, sách dành cho thiếu nhi chiếm một tỉ lệ khá cao. Tuy nhiên, có thể thấy một điều, số lượng các đầu sách dành cho thiếu nhi vẫn chủ yếu là sách dịch. Các đầu sách do tác giả Việt viết cho thiếu nhi Việt khá khiêm tốn, đơn lẻ.
Có nhiều nhà văn từng có tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng dường như đa số người viết vẫn coi văn học thiếu nhi là một cuộc “dạo chơi” vào một miền đất mới hoặc là cách để họ thay đổi không khí văn chương của mình, chứ người viết chuyên tâm cho thiếu nhi vẫn khá hiếm hoi.
Cho đến nay, Nguyễn Nhật Ánh vẫn được coi là nhà văn chuyên nghiệp hàng đầu về viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Suốt hơn 40 năm nay, ông vẫn giữ được phong độ ra sách đều đặn hằng năm và cũng được coi là nhà văn duy nhất của Việt Nam “sống khỏe” nhờ viết văn.

Với những đầu sách nhiều kỷ lục như “Kính vạn hoa”, “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, “Bồ câu không đưa thư”…, tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh dường như đã gắn liền với thế giới tuổi thơ và trở thành nhà văn có lượng độc giả đông đảo nhất với tổng số lượng bản in sách đã bán chưa có tác giả nào vượt qua được.
Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từng ghi dấu ấn với nhiều cái tên và những tác phẩm đồng hành với tuổi thơ như Tô Hoài với “Dế Mèn phiêu lưu ký”, Sơn Tùng với “Búp sen xanh”, Nguyễn Huy Tưởng với “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, Võ Quảng với “Quê nội”, Phùng Quán với “Tuổi thơ dữ dội”, Đoàn Giỏi với “Đất rừng phương Nam”, Xuân Sách với “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”, Vũ Tú Nam với “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”, Xuân Quỳnh với “Bầu trời trong quả trứng”, Trần Đăng Khoa với “Góc sân và khoảng trời”…
Cho đến nay, đây vẫn là những tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu, có số lần tái bản nhiều nhất. Những năm gần đây, các nhà văn nổi tiếng như Trần Đức Tiến, Trần Hoài Dương, Bình Ca, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa… cũng đã có những tác phẩm viết cho thiếu nhi gây chú ý của dư luận và bạn đọc. Tuy nhiên, một cảm nhận khá rõ nét đó là, số lượng tác giả – tác phẩm viết cho thiếu nhi vẫn thưa vắng so với nhu cầu của đối tượng bạn đọc là các em thiếu nhi.
Vừa qua, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài, 12 ấn bản của “Dế Mèn phiêu lưu ký” – tác phẩm viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài đã được xuất bản, tái bản và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của độc giả.
Sức sống mãnh liệt của một tác phẩm văn học suốt 80 năm qua kể từ khi ra đời, đã khiến “Dế Mèn phiêu lưu ký” trở thành một tác phẩm văn học đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Nó cũng là minh chứng rõ rệt nhất cho nhận định cho rằng, việc chăm chút, bồi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ bằng văn học là việc cần được làm thường xuyên, liên tục và phải nằm trong chiến lược giáo dục lâu dài của một quốc gia.
Hình tượng Dế Mèn cũng đã chính thức trở thành tên một giải thưởng thiếu nhi được phát động lần đầu tiên vào tháng 5.2020 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức. Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã trở thành giải thưởng phi lợi nhuận sẽ được trao hằng năm cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật – giải trí xuất sắc của thiếu nhi kể từ năm nay.
Sau hơn 3 tháng Ban tổ chức đã nhận được 110 sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi cả nước ra đời từ 1.1.2020 đến hết 7.9.2020. Từ gần 40 tác phẩm vào chung khảo, Ban tổ chức đã trao 1 Giải thưởng Lớn mang tên “Hiệp sĩ Dế Mèn” cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm “Làm bạn với bầu trời” và 4 giải thưởng mang tên “Khát vọng Dế Mèn”.
Một tín hiệu vui đối với văn chương là trong số 4 “Khát vọng Dế Mèn” đã có 2 tác phẩm là sáng tác văn học thiếu nhi đó là: “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” (bản thảo truyện dài của Cao Khải An – 12 tuổi, con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) và “Mộng giang hồ” (bản thảo tập truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan). Điều đó cũng cho thấy, các cuộc thi sẽ luôn là những “bà đỡ” mát tay cho những tác phẩm văn học.
Việc ra đời Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn với tính chất thường niên, không chỉ khẳng định sức sống mãnh liệt của hình tượng chú Dế Mèn mà còn là nguồn động viên, khích lệ đáng kể đối với các sáng tạo văn học nghệ thuật của thiếu nhi, dành cho thiếu nhi. Các giải thưởng thiếu nhi như Giải thưởng Dế Mèn được kỳ vọng sẽ có vai trò như những “cú hích”, tạo đà, ươm mầm cho sự ra đời của những tác phẩm văn học sau này.
Quan tâm đến văn học thiếu nhi cũng chính là quan tâm đến đời sống tinh thần, sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước. Bên cạnh sự tôn vinh xứng đáng đối với các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, cần có thêm những cuộc thi, các đợt bồi dưỡng sáng tác – phê bình về văn học thiếu nhi.
Việc thành lập các quỹ sáng tác văn học thiếu nhi có lẽ cũng là phương án cần tính toán. Ngoài ra, việc tạo ra các “sân chơi văn học” để thiếu nhi có cơ hội viết về mình và bạn bè mình là một “công đoạn” quan trọng để tạo ra lực lượng sáng tác trẻ tuổi kế cận có tính chất lâu dài.
NGUYỆT HÀ
- Đại sứ Ấn Độ thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam và đặt hoa tưởng niệm thi hào Tagore
- Thư gửi Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về việc mua ấn phẩm Viết & Đọc
- Thơ 1-2-3 Hà Nguyên: Mình tự nhắc mình đến ga cuối mới dừng chân
- Những con Covid nhỏ mọn không chịu buông tha cho người đẹp trai
- Margaret Mitchell và cuốn tiểu thuyết duy nhất “Cuốn theo chiều gió”