Vanvn- Những ngày gần đây cụm từ này thường xuyên được nhắc đến trên mặt báo và các trang mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Hoạt động thiện nguyện tự thân đã là một hành vi văn hóa cao, tại sao dư luận lại xôn xao về “văn hóa từ thiện”? Nói chính xác thì nhiều hành vi ứng xử cùng mục đích thiếu trong sáng của một số người khi tham gia từ thiện đã vấp phải phản ứng của dư luận.

Theo quan sát của người viết bài này, có thể tạm chia thành các loại hành vi sau đây:
1. Làm từ thiện kiểu “chém gió”. Còn nhớ cách đây không lâu, người ta tổ chức đấu giá vì mục đích từ thiện, có truyền hình trực tiếp. Một công ty thắng cuộc khi bỏ giá tiền tỷ, được vinh danh. Thế nhưng kết thúc phiên đấu giá, đại diện công ty đó cũng lặn mất tiêu, và dĩ nhiên món tiền từ thiện khổng lồ kia cũng biến mất chẳng khác bầy vịt giời của chú cuội.
2. Làm từ thiện kiểu “du lịch”. Trường hợp này phần lớn rơi vào những người trẻ, mục đích chính của họ là đi chơi, ngoạn cảnh những vùng xa xôi, kết hợp tặng chút quà cho bà con vùng sâu, vùng xa nhưng lại khoác lên người mác “đi làm từ thiện”. Chính những bức ảnh “tự sướng” chụp với núi non, tuyết trắng đã “tố cáo” hành động giả tạo của họ.
3. Làm từ thiện kiểu “dàn dựng”. Những người này có làm từ thiện thật, nhưng không hoàn toàn xuất phát từ lòng thương cảm, chia sẻ với đồng loại cho nên họ thường chọn những sự kiện đang được dư luận quan tâm. Họ trương những tấm biển to tướng ghi số tiền hoặc dịch vụ, tươi cười chụp ảnh kỷ niệm, hoàn toàn trái ngược với tình cảnh đau đớn, bi thương của người nhận từ thiện. Để tăng thêm độ ép-phê cho hoạt động của mình, có người còn nhẫn tâm thuê trẻ con vùng cao ăn mặc phong phanh, đi chân đất dầm trong tuyết lạnh để chụp ảnh đưa lên mạng xã hội.
4. Làm từ thiện theo kiểu “bố thí”. Những người này đem những thứ “có cho cũng chẳng ai lấy” để làm từ thiện như bánh kẹo, sữa, mì quá đát hoặc quần áo rách nát phát cho đồng bào gặp khó khăn, sau đó công bố bản thân (hoặc công ty) đã đóng góp cả chục, cả trăm triệu đồng vì mục đích thiện nguyện.
5. Làm từ thiện kiểu “mê muội”. Hầu hết những người này thuộc diện khá giả, coi sự thành đạt mà mình có được là do “cô thương, cậu thương” nên đã bỏ những món tiền lớn xây đình, xây miếu rất lãng phí, trong khi khoản tiền ấy có thể được dùng vào những mục đích hữu ích hơn cho cộng đồng như xây cầu, sửa đường, dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh…
Dễ thấy, vì sao những hiện tượng kể trên bị dư luận phản ứng. Bản chất của hoạt động từ thiện là hành vi nhân đạo vốn được tôn vinh, khích lệ ở hầu hết các quốc gia, dân tộc. Với người Việt thì đó là biểu hiện văn hóa rất cao, đã trở thành truyền thống, đi vào ca dao, tục ngữ: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng; Lá lành đùm lá rách…; nâng lên ở mức cao hơn là Lá rách ít đùm lá rách nhiều. Ý này rất quan trọng, vì nói lên một điều, rằng không phải cứ giàu có, dư giả thì mới đi làm từ thiện, mà sự thương yêu, sẻ chia một miếng khi đói bằng một gói khi no, cứu vớt người trong cơn hoạn nạn mới là ý nghĩa đích thực của hoạt động thiện nguyện.
Làm từ thiện có cần quảng bá không? Có, nhưng cần được thực hiện một cách tinh tế với sự trung thực, tự nguyện…, tuyệt đối tránh khoa trương. Quảng bá để kêu gọi, cổ vũ những người khác tham gia làm từ thiện, cũng là một cách “tích thiện” cho bản thân và xã hội, chứ không phải để đánh bóng bản thân mình.
Thế nào là văn hóa từ thiện? Đó là, hãy làm công việc từ thiện một cách văn hóa.
HỮU VIỆT