Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 3

Vanvn- Văn chương Nam Định tạo thành 4 cặp rất thú vị. Trần Quốc Tiến giỏi viết về nông nghiệp nông thôn thì Trần Hồng Giang mạnh về những trang viết về thanh niên với cuộc sống hiện đai. Lê Hà Ngân mượt mà với những ngôn ngữ đẹp như tranh lụa nhưng truyện còn thiếu những đột phá về tình huống thì Mai Tiến Nghị có cấu tứ chắc chắn tình huống hấp dẫn nhưng văn phong ngôn từ thô ráp khô như đất ải. Bên cạnh Phạm Trọng Thanh lành hiền chỉn chu trong cấu tứ nhưng chấp nhận lối xưa thì Nguyễn Thế Kiên dám làm mới cách thể hiện một cách bạo liệt. Trần Văn Lợi đằm thắm với suy tư về thân phận của người quê đất quê thì Phạm Trường Thi cười cợt bao đồng từ chuyện vi mô xung quanh mình đến vĩ mô của đất nước có khi còn vươn ra thế giới…

>> Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 1

>> Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 2

4– Bây giờ mới tính toán một tý. Nhà văn người Nam Định có 94 người, hơn chục cụ đã khuất núi, giờ hiện diện còn 80. 80 nhà văn ngự trên mảnh đất diện tích già 1600 ki lô mét vuông với khoảng hai triệu người sinh sống thì bình quân mỗi người viết về 20 cây số vuông và hai mươi nghìn người. Chắc chỉ hai năm thì không còn gì để mà viết. Ấy là tính cơ học như thế chứ thực ra đời còn nhiều thứ để mà viết.  Nhưng có lẽ các anh các chị sợ cái nạn “văn nhân mãn” như thế giới khiếp “nhân mãn” nên bỏ đất mà ra đi đến nơi khác để làm ăn và viết lách. Ở nhà giờ còn nhõn 8 người. Ít quá… nên trầy trật hai chục năm xin với Ban Chấp hành Hội được thành lập Chi hội Nhà văn Việt nam tại Nam Định mà không được. Mãi đến ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Nguyễn Bính mới được bác Hữu Thỉnh mới đồng ý.

Nhà văn Mai Tiến Nghị

Ít người nên cũng dễ, già trẻ cũng là anh em, thôi thì bảo ban nhau mà viết. Cái nghề văn chương có cái hay là nước sông chẳng lẫn nước ao, mỗi người viết đều có cái tạng riêng của mình, chả ai giống ai, nên nếu cần thì góp ý cho nhau chứ chả có gì để mà bực bõ, thành thử lúc nào cũng đoàn kết.

Người đầu tiên phải kể đến là nhà văn Trần Quốc Tiến vừa được mừng thọ tuổi 80 hồi đầu xuân năm nay. Được cái ông vẫn mạnh khoẻ, trang phục chỉn chu… chỉ khổ một nỗi đi họp hành thì nghe bằng… mắt. Cũng không hẳn là do tuổi già mà do ngày xửa ngày xưa lúc còn là thanh niên chưa vợ, hăng hái đi làm thuỷ lợi. Giai trinh mà lại cao lớn đẹp lồng lộng… nên các cô (cô ngày ấy chứ giờ lên cụ hết rồi) cô nào cũng thích trêu chọc. Các cô thi nhau tỏ tình bằng cách ném bùn vào anh chàng. Không may một nắm bùn chui tọt vào tai ông nhà văn tương lai. Ngày ấy y tế sơ khai, thuốc men hiếm hoi nên chàng thanh niên Trần Quốc Tiến bị hỏng một bên tai. (Bên tai lành do tuổi già giờ cũng giở chứng nên nghe rất khó khăn). Nhưng trong cái rủi lại có may vì trong thời gian chữa bệnh trên Hà Nội lại là thời gian mua được nhiều sách và đọc được nhiều nhất. Rồi thành nghiện đọc… Mấy năm sau mạnh dạn viết truyện ngắn đầu tay: “Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa”. Đưa dự thi, truyện ẵm luôn giải cao. Vậy là bắt đầu nghiệp viết. Ngày đi làm ruộng, đêm về viết. Đến năm 1993 đã in hai cuốn tiểu thuyết dày dặn cùng vài chục truyện ngắn in trên báo. Ngày ông được kết nạp Hội Nhà Văn vào năm 1996, cả làng cùng vui. Họ mạc tổ chức lễ đón quyết định kết nạp của Hội Nhà Văn Việt Nam như thể đón danh hiệu anh hùng. Long trọng lắm.

Cho đến nay ông đã xuất bản bảy tập sách gồm 6 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn. Hôm vừa rồi ông băn khoăn: còn 3 bản thảo tiểu thuyết nữa mà chưa in được vì chưa có giấy phép xuất bản.

Trần Quốc Tiến chủ yếu viết về nông nghiệp nông thôn. Là người trực tiếp làm nông nghiệp ở nông thôn nên trong tác phẩm các vấn đề ông đưa ra được mổ xẻ phân tích thấu đáo. Chính vì vậy đã có lần ông được mời lên Trung ương để trình bày thực trạng nông nghiệp nông thôn để cấp trên tham khảo và có quyết sách phù hợp. Am hiểu nông thôn, với văn phong sáng sủa chỉn chu, cách viết tuyến tính theo thời gian, chi tiết chân thật nên độc giả dễ tiếp nhận nội dung và cách giải quyết vấn đề của tác giả.

Cùng tuổi, cùng được mừng thọ một lần với nhà văn Trần Quốc Tiến là nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Ông trưởng thành từ công nhân rồi đi bộ đội và công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định từ những năm đầu thành lập năm 1977. Liên tục từ 1977 đến 2006, là Ủy viên BCH, Trưởng bộ môn Thơ của Hội VHNT Nam Định. Cho đến nay ông đã xuất bản 12 tập thơ cùng rất nhiều bài bút ký, nghiên cứu phê bình được in trên các báo và tạp chí. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã vinh dự được trao 8 giải thưởng về thơ, bút ký của Liên hiệp các Hội VHNT VN, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Tiền Phong và giải thưởng VHNT của Tỉnh. Năm 2020 ông đạt giải A giải thưởng VHNT mang tên Lương Thế Vinh của Nam Định.

Nhà thơ Phạm Trọng Thanh được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998.

Với trình độ Hán học tương đối rộng, cùng với trí nhớ tốt lại chịu khó nghiên cứu nên thơ Phạm Trọng Thanh nền nã nghiêm cẩn theo truyền thống từ tư duy lập tứ đến cách thể hiện. Ông rất cẩn thận trong việc trích dẫn tầm chương trích cú, tổ chức ngôn từ chặt chẽ. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng thanh thoát như cách nói cách giao tiếp của ông. Phạm Trọng Thanh là nhà thơ được đồng nghiệp yêu mến, người đọc tin tưởng về sự lịch lãm và chỉn chu cả trong thơ và trong cuộc sống.

Chi hội trưởng Hội Nhà văn VN tại Nam Định đồng thời Chi hội trưởng Chi hội Nhà báo tạp chí Văn Nhân là nhà thơ Phạm Trường Thi. Ông đã kinh qua thời gian làm lính chiến quân đội tham gia chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972, rồi sau này phục vụ bên ngành Công an. Nguyên là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân. Ông sáng tác văn chương từ khá sớm ngay từ khi còn làm lính và duy trì niềm đam mê sáng tác cho đến hôm nay. Ông sáng tác ở cả ba lĩnh vực thơ, văn xuôi và sân khấu. Đã xuất bản 12 tác phẩm gồm 8 tập thơ, 3 tập truyện ngắn và ký, 1 kịch dài và một số vở kịch ngắn.

Phạm Trường Thi mạnh về thơ lục bát. Với cách nói hóm hỉnh, sử dụng ngôn từ linh hoạt, thơ mang nhiều tính tự sự nên tạo được sức hút với người đọc bằng những chi tiết độc đáo. Người ta bất ngờ khi đọc đến câu kết vì ở đó chủ đề tư tưởng, thông điệp mà tác giả gửi gắm mới phát lộ. Người đọc thích sự bất ngờ đó vì nó thể hiện tư duy của người viết từ khi lập tứ rất thông minh.

Trong lĩnh vực văn xuôi, Phạm Trường Thi cũng có nhiều thành công đáng nể. Truyện ngắn “Vết sẹo hình con rết” gây tiếng vang trong dư luận năm 1995- 1996.  Đặc biệt những năm gần đây ông đã có 2 truyện ngắn được chọn vào top 10 truyện ngắn hay của năm Tuần báo văn Nghệ. Có thể nói với lợi thế là nhà thơ nên truyện ngắn của ông văn phong mượt mà nhưng không kém phần gai góc. Cách giải quyết tình huống truyện bất ngờ với giọng văn pha chút hài hước làm người đọc thoạt đầu thấy nhẹ nhàng thoả đáng nhưng thoáng sau lại rưng rưng.

Nhà thơ Phạm Trường Thi được kết nạp vào Hội Nhà văn VN năm 2005. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao về VHNT của tỉnh mang tên Lương Thế Vinh. Đặc biệt đã đạt Huy chương Bạc trong Liên hoan Phát thanh và truyền hình toàn quốc.

Nam Định có ba nhà thơ khá thành công về thể loại lục bát. Đó là Nguyễn Bính và hai hậu duệ là Phạm Công Trứ, Nguyễn Thế Kiên. Cùng hoàn cảnh từ quê lên phố, nếu Nguyễn Bính đằm thắm mượt mà chân quê, lục bát gắn với tự sự để người ta chóng thuộc nhớ lâu “Hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, thì hậu duệ là Phạm Công Trứ hùng hổ thách thức thành phố “Nhà quê khí huyết tràn trề/ tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân” còn Nguyễn Thế Kiên lại nhẹ nhàng hơn “Ngược xuôi đi giữa tảo tần/ Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành” Chỉ một câu ấy thôi mà ra cả cuộc đời.

Nguyễn Thế Kiên sinh năm 1971 ở Ý Yên, Nam Định – một vùng quê yên lành. Học xong phổ thông thì yên tâm ở nhà theo mấy sào ruộng Hợp tác xã. Rồi lấy vợ sinh con như bao trai làng khác. Nhưng cái tính ham đọc và nguy hiểm nhất là biết làm thơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã làm khổ ông. Cho đến một ngày bật dậy suy nghĩ “Bến quê buộc phận con đò/Văn chương rụng giữa tàu mo trái mùa” Nguyễn Thế Kiên quyết lòng dứt áo xa quê nhằm Thủ đô trực chỉ.

Thơ của ông là dấu ấn hành trình của một con người nặng lòng với quê nghèo và đầy trách nhiệm công dân. Ngay từ những bài thơ đầu tiên trình làng trên văn đàn là những câu thơ đau đáu nhớ cha mẹ, nhớ họ hàng làng xóm, thương từ cây đa bến nước sân đình, đồng cảm với cỏ cây và mọi kiếp người. Năm 2014 bài thơ “Lời mẹ Âu Cơ gửi đảo” đã được đánh giá rất cao trong dư luận.

Cái tên Kiên Lục bát giờ như một thương hiệu. Đằm thắm nhuần nhị theo truyền thống và giản dị trong câu chữ, nhưng mỗi câu thơ của Kiên khiến người ta phải nghĩ phải suy bởi có có nhiều sáng tạo trong việc tạo dựng ra hình ảnh, tứ thơ lạ. Sự kết hợp khéo léo giữa tinh hoa của thơ dân tộc với những sáng tạo mới, hiện đại đã tạo cho lục bát Nguyễn Thế Kiên một phong cách riêng khó lẫn với mọi người.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên đã xuất bản 12 tập thơ, phê bình và tiểu luận. Ông đã được hai lần nhận giải thưởng về VHNT mang tên Lương Thế Vinh của tỉnh và được kết nạp vào Hội Nhà văn VN năm 2016 Điều đó khẳng định năng lực và sức sáng tạo văn chương toàn diện của một tài thơ Nam Định trong nền văn học của cả nước.

Trong tám nhà văn quê chỉ có một nữ sĩ, đó là nhà văn Lê Hà Ngân. Là giáo viên văn trung học cơ sở, dạy học là nghề chính nhưng thành công của Lê Hà Ngân lại là nghiệp viết… Điều khởi đầu may mắn nhất là nữ sĩ được sinh ra từ một gia đình có truyền thống văn hoá văn nghệ. Bà nội của Lê Hà Ngân thuộc lòng “Truyện Kiều”, thuộc lòng các truyện nôm khuyết danh như “Tống Trân Cúc Hoa”, “Pham Tải Ngọc Hoa”… Ngày xưa thỉnh thoảng còn được nghe cụ ngâm nga thơ Chu Mạnh Trinh, thơ Tản Đà. Bố mẹ của Lê Hà Ngân cực kỳ yêu văn học nghệ thuật, yêu đến đam mê. Trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng thơ tiếng nhạc… Có lẽ được sống trong môi trường thấm đẫm văn chương như thế đã gieo mầm và nuôi dưỡng trong tâm hồn Lê Hà Ngân sự nhạy cảm với xung quanh và yêu thích cái đẹp của ngôn từ. Rồi như một phản xạ tự nhiên, tản văn “Hoa thì là” được ra đời bởi cái đẹp bình dị đã thôi thúc cô giáo phải viết ra. Tản văn đầu tiên ấy được in trên nhiều báo và đánh giá cao. Một loạt tản văn về hoa về rượu của Lê Hà Ngân đã ra đời như thế.

Được các bậc đàn anh khuyến khích, Lê Hà Ngân chuyển thế mạnh viết tản văn của mình sang viết truyện ngắn. Thành công luôn. Đọc truyện ngắn của Lê Hà Ngân thấy đẹp: cảnh đẹp, người đẹp, hoa lá biết nói chuyện với nhau, hoa nói với người, người nói với hoa, người với người cũng nói và ứng xử rất đẹp với nhau. Lấy xưa để chuyển tải ý tưởng của hôm nay nên truyện ngắn của Lê Hà Ngân là tập hợp của lối nói, lối ứng xử, lối viết, lối kể gần như vẹn nguyên lề lối ngày xưa đã cho độc giả được đằm mình vào không gian truyện để tiếp nhận thông điệp một cách tự giác. Những giấc hoa, bánh trôi hoa, hoa tửu, rượu son… gắn với những câu chuyện tình giai nhân tài tử với các cung bậc cảm xúc yêu thương hờn ghen tiếc nuối thường cho người đọc cảm giác vừa được thưởng thức bữa tiệc của ngôn từ.

Trong truyện ngắn với cốt truyện hiện đại thì Lê Hà Ngân vẫn duy trì phong cách như thế. Đọc tác phẩm của Lê Hà Ngân có cảm tưởng như đang được xem tranh lụa. Ở đây ta thấy đường nét mềm mại thướt tha, những sự mơ màng rất nữ tính nhưng cũng rất sinh động và cuốn hút.

Lê Hà Ngân viết rất khoẻ, số lượng tác phẩm tản văn, tuỳ bút, truyện ngắn… mỗi năm có đến ngót trăm bài in trên các báo. Đặc biệt hơn, năm nào nữ nhà văn cũng có không dưới chục bài in trên báo tết. Đã xuất bản 5 tập ký, tản văn, truyện ngắn. Giành 4 giải thưởng cho các tác phẩm, trong đó có 2 giải trong cuộc thi của Hội Nhà văn VN phối hợp với các bộ ngành tổ chức, 1 giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và 1 Giải nhì VHNT của tỉnh mang tên Lương Thế Vinh. Năm 2017 được kết nạp vào Hội Nhà văn VN.

Nhà văn Nam Định có hai người rất đặc biệt bởi bản thân gặp hoàn cảnh hy hữu. Đó là Nguyễn Ngọc Ký và Trần Hồng Giang. Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt từ nhỏ kiên trì tập luyện viết bằng “Đôi chân kỳ diệu” (tên một tác phẩm viết về ông) rồi học Đại học Tổng hợp Văn về dạy học và trở thành nhà văn.

So với Nguyễn Ngọc Ký thì Trần Hồng Giang khó khăn hơn rất nhiều. Nguyễn Ngọc Ký liệt hai tay nhưng các bộ phận còn ngon lành cả. Trần Hồng Giang sau một tai nạn khủng khiếp (khi mới lên 5 tuổi, còn chưa được đi học), may mà còn sống, nhưng cơ quan duy nhất còn hoạt động bình thường là cái đầu và trái tim. Trái tim của cậu bé chưa từng được cắp sách đến trường ấy vẫn đập để tiếp tục sống nhân ái, cái đầu nuôi ước mơ hoài bão và nghị lực để làm tất cả mọi việc và trưởng thành. Bằng ý chí quyết tâm, Trần Hồng Giang đã tự học mọi thứ từ cách đọc, cách viết đến mọi kiến thức của đời sống ở ngay trên giường bệnh của mình. Trần Hồng Giang viết bằng cách kẹp bút vào má và vai, nhưng ông viết ra những con chữ đẹp và nhanh hơn hẳn những người lành lặn.

Lại nữa, Trần Hồng Giang còn là một chuyên gia IT cực giỏi. Và chỉ bằng cách tự học mà bây giờ ông đọc, viết và dịch tiếng Anh một cách chuẩn chỉ. Bằng chứng hiện nay Trần Hồng Giang đang làm biên tập cho một nhà sách chuyên về mảng dịch thuật, nhiệm vụ của ông là đối chiếu bản gốc với bản dịch để chỉnh sửa. Ông tự học để có kiến văn rộng và sâu. Ông đang lao động để nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội không thua bất cứ một người lành lặn nào nếu không nói là hơn. Khi VTV đưa chàng trai Nick Vujicic người Mỹ về thuyết giảng làm gương về nghị lực sống vượt qua khó khăn cho người Việt, thì tôi nghĩ họ chỉ biết tôn vinh người ngoài. Tấm gương Trần Hồng Giang sờ sờ đấy mà không biết. So với Trần Hồng Giang thì anh chàng Nick kia đúng chỉ là một kẻ gặp may vì được sinh ra ở một xã hội phát triển, và anh ta cũng chỉ có được mỗi cái khả năng thuyết giảng, chứ không trực tiếp tạo ra được sản phẩm phục vụ xã hội. Thật!

Trần Hồng Giang viết văn viết báo và dịch thuật ngay từ khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn đang ở tuổi thiếu niên. Cho đến nay ông đã có 11 đầu sách được xuất bản chưa kể hàng trăm bài báo in trên các báo trong và ngoài nước. Trong số đó có 5 tập thơ và trường ca, 1 tập thơ dịch, 3 tiểu thuyết và 2 tập truyện ngắn. Thơ của Trần Hồng Giang rất đằm thắm mang tính triết lý. Với tập trường ca “Thương lắm quê mình” kể về quê hương Nam Định, về đất Thiên Trường và con người Nam Định với hào khí Đông A vẫn còn mạnh mẽ cho đến hôm nay. Có tự hào có xót xa, có niềm vui thành công nhưng có nỗi buồn của mất mát. Thơ của Trần Hồng Giang là như thế, nó không thuận một chiều ngợi ca, mà đọc lên từng chữ từng câu buộc ta phải ngẫm nghĩ.

Với văn xuôi thì Trần Hồng Giang thành công hơn. Ông vào Hội Nhà văn VN với tư cách là một tác giả văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi của ông khá đa dạng: Có chủ đề phản ánh cuộc sống của lớp trẻ ở thị thành (tiểu thuyết “Những con vịt cánh sẻ”, “Mẹ ơi, con nhớ nhà”); có chủ đề về nông nghiệp nông thôn (tập truyện “Đàn ông ở làng”…), có chủ đề về an ninh (tiểu thuyết “Đường về xứ đạo”)… Ở các tác phẩm này Trần Hồng Giang tỏ ra rất thấu hiểu đời sống xã hội. Ông mạnh dạn đưa hiện tượng tình dục đồng giới trong lớp trẻ vào các chi tiết của mình. Nhiều chi tiết lạ mà chỉ người sống ở nông thôn gắn bó với nông thôn mới có thể biết. Văn phong của Trần Hồng Giang chỉn chu mực thước nhưng có lúc cũng rất gai góc dữ dội, lúc thì hóm hỉnh, thậm chí nhiều lúc đáo để chát chua… Quan trọng là những điều ấy luôn được đúng chỗ đúng hoàn cảnh tạo nên sức hút cho người đọc.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Trần Hồng Giang đã được nhiều giải thưởng về văn học và báo chí do các Bộ, ngành cũng như các địa phương tổ chức.

Với người viết bài này thì Trần Hồng Giang là nhà văn có thực tài, có nghị lực, có bản lĩnh tiêu biểu của Nhà văn Nam Định.

Cùng quê Nghĩa Hưng với Trần Hồng Giang là Nhà thơ Trần Văn Lợi. Ông xuất thân trong một gia đình công nhân nông nghiệp ở Nông trường Rạng Đông, nay là Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông làm thơ từ khi đang là học sinh lớp Bảy và có thơ đăng trên báo năm 15 tuổi (học lớp 9) Nhà thơ tâm sự về cái sự khởi đầu của nghiệp làm thơ: “Tôi yêu văn chương qua các tác phẩm dân gian trong lời kể của mẹ và các tác phẩm học trong nhà trường. Mùa hè 1989 tôi bắt đầu làm thơ ghi lại những điều quan sát thấy và cảm xúc của mình. Viết rồi để… cất đi vì hồi đó ở quê tôi chưa có sách báo như sau này”.

Đam mê làm thơ theo đuổi Trần Văn Lợi suốt từ tuổi mười ba qua quá trình học xong Đại học để trở thành Giáo viên dạy Văn như bây giờ. Ông viết chậm nhưng chắc. Chỉ khi có cảm xúc sâu đậm và thấu hiểu đối tượng khá đầy đủ rồi mới viết chứ không như một số nhà thơ khác gặp cảm xúc là ra thơ luôn. “Tôi làm thơ như công việc của nông phu trên cánh đồng người” theo lời của nhà thơ. Chính vì vậy mà chủ đề tập trung để nhà thơ Trần Văn Lợi thể hiện là nông thôn nông dân, đối tượng viết là làng quê, người nông dân trong ký ức và hôm nay trong quá trình đô thị hoá. Trần Văn Lợi viết về chủ đề ấy, đối tượng ấy nhưng khác mọi người viết là để ngợi ca thì ông viết về những số phận những con người mà ông bị ám ảnh. Ông tìm thấy ở họ những suy nghĩ sâu kín, những day dứt trong sự thay đổi đến chóng mặt cả về tinh thần, vật chất của xã hội sau mỗi ngày mỗi tháng…

Trần Văn Lợi đã xuất bản 6 tác phẩm gồm 4 tác phẩm thơ, 1 tập tản văn và 1 tập nghiên cứu phê bình văn học. Tập thơ “Đã như là hoá thạch những mồ hôi” xuất bản năm 2019 (Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh của UBND tỉnh Nam Định) được dư luận đánh giá khá tốt, có thể coi là một bước tiến mới trong sự nghiệp văn chương của Trần Văn Lợi. Ở đó, ông thể hiện những trăn trở chiêm nghiệm về cuộc đời về làng quê của mình hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc.

Cho đến nay Trần Văn Lợi đã nhận hơn ba chục giải thưởng, bằng khen của các Bộ Ban ngành cho các tác phẩm của mình. Đặc biệt ông được nhận giải thưởng trong cuộc vận động viết về Nông nghiệp nông thôn của Hội Nhà văn VN và Bộ NN& PT NT tổ chức, tặng thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2017 và 4 giải Lương Thế Vinh của UBND tỉnh Nam Định từ năm 2000 đến nay. Ông được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2021.

Người cuối cùng trong số các nhà văn thuộc chi hội Nam Định là Mai Tiến Nghị. Khác hẳn với các Nhà văn kể trên ở hai đặc điểm: Mai Tiến Nghị là giáo viên Toán vốn dân ngoại đạo văn chương và đến với văn chương muộn mằn hơn cả. Mãi năm 2006 khi 52 tuổi mới có truyện ngắn đầu tay như một sự tình cờ ghép duyên muộn với văn chương. Ấy là ngồi học Nghị quyết thấy nhạt quá bèn lấy giấy bút ngồi viết chơi đặt tên cho là “Vô duyên”. Viết xong thì để đấy. Một hôm có vài ông bạn đang là nhà văn Tỉnh đến chơi. Tiện thể đem khoe… bạn động viên gửi dự thi truyện ngắn báo Văn nghệ. Báo đăng ngay chỉ thay đổi tên thành “Mặt trời chói loá” vì NV Dạ Ngân bảo để cái tên cũ nó sái nghiệp văn. Rồi ẵm luôn cái giải Tư của cuộc thi. Được đà viết tiếp “Mùa cua rận”, lần này được Văn nghệ Quân đội nồng nhiệt đón nhận (Truyện ngắn này được Đại học Montana bang Califocnia Mỹ chọn dịch sang tiếng Anh cùng 17 tác giả khác in thành sách phát hành ở Mỹ). Thế rồi tiếp tục viết, viết đến đâu gửi luôn báo đến đấy và được đăng luôn. Thành ra nghiệp văn từ đấy.

Mai Tiến Nghị viết không nhiều. Ông tập trung viết về hai chủ đề mà ông trải qua và am hiểu nhất đó là người lính và chiến tranh (ông đi bộ đội trực tiếp đánh nhau từ 1972-1975 ở chiến trường miền Nam); chủ đề thứ hai là viết về Giáo dục (vì ông là giáo viên) Cho đến nay mới xuất bản 8 tác phẩm. Trong đó có 2 Tiểu thuyết và 6 tập truyện ngắn. Các giải thưởng đến với ông cũng đều là tình cờ. Giải Ba truyện ngắn tạp chí xứ Thanh là do gửi truyện vào Thanh in cho vui chứ không biết là có cuộc thi. Giải Ba của cuộc thi tác phẩm viết về nông thôn do Hội Nhà Văn kết hợp với Bộ NN & PTNT là do in sách trên Đất Việt. Giám đốc Công ty thấy sách hay thì đưa sang dự thi. Được giải thì người ta báo lên nhận chứ tác giả không biết có cuộc thi. Cuốn Tiểu thuyết “Đông trùng hạ thảo” thì đầu năm 2019 khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì trong lễ kết nạp nghe thấy có cuộc thi tiểu thuyết 5 năm 2016-2019. thế là mang bản thảo lên nộp. Năm 2020 nghe thông báo mời lên nhận giải. Giải thưởng Lương Thế Vinh cho văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định thì hai lần dự thi đều đạt giải cao nhất về văn xuôi.

Các cuộc thi truyện ngắn sau của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Mai Tiến Nghị đều tham dự. Lần nào tác phẩm cũng lọt vào chung khảo, in vào tuyển tập truyện ngắn hay của cuộc thi… Nhưng không được giải! Các Nhà văn Quân đội thường gọi đùa Mai Tiến Nghị là “ngôi sao chung khảo”. Ông đã có 6 lần được báo Văn nghệ chọn in trong tôp 10 truyện ngăn hay của năm…

Nguyên nhân là do Mai Tiến Nghị xây dựng cốt truyện tốt, tình huống truyện khá hấp dẫn, diễn biến logic, nhiều chi tiết hay và thuyết phục, giọng điệu hóm hỉnh, giải quyết vấn đề hợp lý, thông điệp mang triết lý sâu sắc  nhưng văn phong chưa chỉn chu mẫu mực, vốn từ nghèo nàn… Ông biết điều đó nhưng ngẫm ra rồi tặc lưỡi: cũng phải thôi, mình chỉ là dân Toán. Chính vì vậy khi sang viết tiểu thuyết thì ông đã thành công. Hai cuốn tiểu thuyết “Lính trơn” và “Đông trùng hạ thảo” đều được đánh giá cao, đều được giải cao của Hội Nhà văn VN và của tỉnh Nam Định.

***

Một điểm chung của 8 Nhà văn trong Chi hội HNV ở Nam Định là đều từ thực tế lao động công tác tại đơn vị của mình, đam mê sáng tác, bằng năng lực tự thân mà trưởng thành trở thành Nhà Văn. Cả 8 người đều không được học tập ở trường viết văn Nguyễn Du hoặc những lớp bồi dưỡng sáng tác văn chương nào. Do đó khó có nền móng vững chắc để có những tác phẩm đỉnh cao.

Tuy nhiên từ khái quát tính cách của các nhà văn đã bàn ở trên, ta thấy tạo thành 4 cặp rất thú vị. Trần Quốc Tiến giỏi viết về nông nghiệp nông thôn thì Trần Hồng Giang mạnh về những trang viết về thanh niên với cuộc sống hiện đai. Lê Hà Ngân mượt mà với những ngôn ngữ đẹp như tranh lụa nhưng truyện còn thiếu những đột phá về tình huống thì Mai Tiến Nghị có cấu tứ chắc chắn tình huống hấp dẫn nhưng văn phong ngôn từ thô ráp khô như đất ải. Bên cạnh Phạm Trọng Thanh lành hiền chỉn chu trong cấu tứ nhưng chấp nhận lối xưa thì Nguyễn Thế Kiên dám làm mới cách thể hiện một cách bạo liệt. Trần Văn Lợi đằm thắm với suy tư về thân phận của người quê đất quê thì Phạm Trường Thi cười cợt bao đồng từ chuyện vi mô xung quanh mình đến vĩ mô của đất nước có khi còn vươn ra thế giới… Nhiệm vụ của mỗi người trong chi hội là phấn đấu trau dồi năng lực, tăng cường sự giúp đỡ chân thành góp ý bổ sung cho nhau để các tác phẩm ngày càng hoàn thiện. Làm được điều đó không phải dễ dàng nhưng với tinh thần đoàn kết, tình thương yêu chân tình giữa những người cầm bút chắc chắn sẽ có những tác phẩm xứng đáng với đất Nam Định hào sảng văn hiến, xứng đáng tiêp bước sự tài hoa, dũng cảm những nhà văn tiền bối của quê hương.

MAI TIẾN NGHỊ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *