Văn Giá – một đời dạy và viết

Vanvn- Nhắc đến PGS-TS Ngô Văn Giá (bút danh thường gặp: Văn Giá) nhiều bạn đọc yêu văn chương trong cả nước ít ai không biết. Ông quê Tân Yên – tỉnh Bắc Giang. Được sinh trưởng trong một gia đình hiếu học, đến với sự nghiệp văn chương, Ngô Văn Giá đã trải qua con đường khổ học thành danh. Lại có cái duyên được các thầy giỏi đào tạo, cùng với sự phấn đấu không mệt mỏi, ông đã trở thành một nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học có uy tín hiện nay.

PGS-TS Ngô Văn Giá

1. Tôi là người rất hân hạnh, được gặp và tiếp kiến với ông cùng PGS-TS Đỗ Lai Thúy, trong một lần ông về Thanh Hóa giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ viết phê bình văn học, do Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa mời giảng. Quả tiếng đồn không sai, ông là người dễ gần, điềm đạm, chân tình, kiến thức LL- PBVH uyên bác. Những vấn đề mà học viên cần bổ sung thêm kiến thức, đã được ông hướng dẫn chu đáo. Với kinh nghiệm lâu năm của một nhà giáo đã từng làm chủ nhiệm khoa viết văn – Báo chí của trường Đại học văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du), nhà giáo, Nhà LL-PBVH Văn Giá đã đưa ra những kinh nghiệm vô cùng quí giá để các cây bút phê bình trẻ tiếp thu hiệu quả.

Sau nhưng giờ lên lớp ấy, nhiều bạn trẻ, học trò của thầy không quên nhắc lại những kỷ niệm mà năm tháng được học trước đây tâm sự: “Nhà giáo Văn Giá là người có trách nhiệm với học trò, thẳng thắn, luôn sẵn sàng giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là việc chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng cho những cô cậu học trò, có năng khiếu văn chương, trên con đường hướng nghiệp”. Ông đã không quên nhắc nhở sinh viên, cần phải có cảm xúc lớn với dân tộc, với đất nước. Việc kích thích tinh thần yêu nước với học trò, bao giờ cũng thường trực  trong tâm trí ông trong những giờ lên lớp. Ông từng tâm sự: “Nếu mỗi cá nhân không cảm nhận được mình là một phần máu thịt, gắn bó thiêng liêng với Tổ quốc, thì chắc chắn không thể có một cảm xúc lớn để viết” (Văn Giá).

Trong cuộc sống đời thường có biết bao nhiêu điều nghịch lý. Đúng sai đôi khi còn lẫn lộn. Thậm chí nói về nhà giáo, có những người bản thân là nhà giáo, nhưng có thời cơ chuyển công tác, lên chức ông này bà nọ lại không dám nhận mình là nhà giáo, hoặc gặp lại bạn bè đồng nghiệp rất nhạt, không còn mặn mà như cái thời đi dạy. Riêng Văn Giá với bạn bè rất thủy chung, với mọi người rất ân cần, trân trọng. Thực tế hiện nay, có những người thành công trong sự nghiệp, giàu có, nhưng vẫn cố tình quên đi câu ông cha ta dạy: “Không thầy đố mày làm nên”.

Nhiều người nhận ra một điều, với Văn Giá luôn đặt chữ “nhà giáo” lên trên khi nói về Nhà giáo là đã giữ được cái gốc của đạo làm người. Những lời ông nói, “mình một đời đi dạy” với bạn văn, trân trọng lắm! Văn chương là cuộc đời, nên trong sáng tác, hoặc trong nghiên cứu LL-PB văn học, Văn Giá luôn thể hiện được cái tâm của người cầm bút. Cái tâm mà ông thể hiện là cái tâm thiện, trong sáng. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn tận tâm, tận lực, giữ được cốt cách thanh cao. Với mấy chục năm làm nghề dạy học, kể từ ngày chàng trai trẻ Văn Giá ra trường dạy học tại Tây Bắc cho đến khi về trường viết văn Nguyễn Du, nay là trường Đại học văn hóa Hà Nội, viên phấn trắng trên tay ông, vẫn mang theo suốt cuộc đời với bao ký ức. Vui có, buồn có, khó khăn có, nhưng đem lại niềm vui là hàng nghìn học sinh được ông đào tạo ra trường, có nhiều người thành danh, đều có một tấm lòng quí trọng và biết ơn ông sâu sắc. Hơn nữa, gắn với sự trải nghiệm một đời dạy học, ông đã có những công trình nghiên cứu khoa học, được giới học thuật trong giới văn sĩ nước nhà trân trọng, đánh giá cao.

Trong đời dạy học, nhà văn, nhà giáo Văn Giá luôn quan tâm đến cái chung về chất lượng của nền giáo dục nước nhà. Ông đã đưa ra một thông điệp, thời sự văn học đối với đời sống văn học nhà trường rất quan trọng, cần thiết. Văn học nhà trường nên có sự liên thông tương tác với nền văn học đương đại. Bởi một cách lý giải của ông, có lý, với tầm nhìn mang tính khả thi cao. Ông cho rằng: Các giá trị văn chương trong sách giáo khoa đã tương đối ổn định, trong đó nhiều giá trị đã trở thành cổ điển, nhưng đi liền với nó bao giờ cũng có nguy cơ trở thành giá trị tĩnh, bị đóng băng xơ cứng, ít nhiều mang tính bảo thủ. Cho nên, với các trường hợp cũ, luôn phải có con mắt mới để nhìn vào, để khám phá, hòng phát hiện những tầng vỉa, những nét nghĩa mới và vẻ đẹp nghệ thuật mới. Để đạt được điều này làm sao có thể ngơ được với cách tiếp cận mới, mặt bằng tri thức lịch sử, lý luận, phê bình văn học mới”. Có nhiều góc độ ông đề cập, được cụ thể hóa liên quan trực tiếp đến đối tượng giáo viên, học sinh, với một cách nhìn biện chứng, nhân văn, thuyết phục. Nhiều cách lý giải, đem theo hiệu ứng mới. Tôi nghĩ, cái quyền của người dạy và người học trong suy nghĩ của Văn Giá đề cập, rất hiện đại, phù hợp qui luật phát triển tất yếu trong đời sống văn học hiện nay. Ông còn chỉ rõ, Văn học nhà trường phải được đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, phải nhìn nhận rõ về văn hóa văn nghệ trong sự dịch chuyển tương ứng với thời đại. Từ đội ngũ hoạt động trong đời sống văn học đến thực tiễn sáng tác, các thể loại văn học, tất cả đều phải đổi mới và có sự liên quan chặt chẽ hai chiều với văn học nhà trường mới đem lại thành công.

Có thể nói, trong đời dạy học của Văn Giá đã lấy chữ đức làm đầu, kèm theo tài năng, kinh nghiệm, tích lũy văn chương của mình để giúp ích cho đời, cho ngành giáo dục, cho mỗi cá nhân, có tác dụng không nhỏ. Tất nhiên, những kết quả ấy, không phải ai cũng có được.

2. Trân trọng về ông, tôi muốn khám phá cái nghề viết không thể thiếu được trong sự nghiệp của một nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận- phê bình Văn Giá trong lĩnh vực văn chương. Ông là PGS.TS lý luận văn học, hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa Viết văn- Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Với 12 đầu sách in riêng của ông và hàng chục cuốn sách viết chung cho học sinh các trường phổ thông trung học, đại học và cao đẳng sử dụng tham khảo, chứng tỏ ông là người viết có hạng. Chất văn trên mỗi trang viết miễn bàn. Vì đọc vào, biết ngay là văn ngôn của Văn Giá, rất riêng, sang trọng. Gắn với văn chương trong cuộc đời viết của mình, Văn Giá có nhiều bạn văn từ Bắc chí Nam. Ngoài đời, Văn Giá sống với bạn hết lòng. Riêng tình bạn thủy chung giữa Văn Giá và Chu Văn Sơn đã trở thành mẫu bạn bè lý tưởng nhất, đọng lại nhiều tình cảm hơn ai hết với những người yêu văn chương cả nước. Văn Giá đi đến đâu gặp bạn là được bạn OK mời gọi nhiệt tâm. Cái quí của con người ta là chỗ ấy. Thầy quí, bạn quí. Chả thế, mà ở cái thời bao cấp, thời “gạo châu, củi quế” của những năm thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Văn Giá đã được thầy Nguyễn Đình Chú- Giáo Sư có tiếng cả nước, giới thiệu một cậu học trò, học giỏi ưu tú về giảng dạy ở một trường đại học có tiếng ở Thủ đô đó sao! Để bây giờ, có một Văn Giá được đông đảo bạn bè văn chương yêu quí, tôn trọng, trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và sáng tác hôm nay. Bề ngoài, trông dáng Văn Giá rất lãng tử, có mái tóc bồng bềnh, phong cách nghệ sĩ. Ông còn có năng khiếu âm nhạc, hát các ca khúc, đôi khi còn viết một số bài hát. Nhưng chụm lại trong ông hơn cả, vẫn là nghề giáo và nghề viết. Ở đây tôi muốn dùng chữ “viết” để biểu lộ độ tài hoa nghề viết, trong con người Văn Giá với văn nghiệp. Văn Giá viết khá nhiều tác phẩm văn học. Chỉ nhìn vào số đầu sách được xuất bản chính từ năm 2000 trở lại đây, đã thấy năng lượng viết của Văn Giá khỏe như thế nào. Ngoài công việc viết văn, như truyện ngắn, giáo trình sáng tác truyện ngắn, ông tập trung chủ yếu vào nghiên cứu- lý luận phê bình, một bộ môn mà người viết và bạn đọc hay gọi, nhọc nhằn nhất. Để gọi được “hồn vía, chữ nghĩa” ra, phải lao tâm khổ tứ mới có được. Sách ông viết về đề tài này, chưa tính viết chung có tới 7 cuốn. Văn Giá có cái tài thâm nhập thực tế để tìm cảm xúc thực cho nghề viết. Khi viết về thơ Quang Dũng (tác giả của bài thơ Tây Tiến), ông không chỉ có những bài viết hay về thơ Quang Dũng, mà còn đem đến cho độc giả những bài thơ chưa từng công bố của thi sĩ. Lại nữa, nghiệp viết của ông cứ vận vào những người nối tiếng trên thi đàn, để tìm về lời giải cho những người yêu thơ lâu nay. Văn Giá đã tìm đến con trai nhà thơ Thâm Tâm để phát hiện thi sĩ Thâm Tâm ngoài thi phẩm “Tống biệt hành” nổi tiếng ông còn có nhiều bài thơ văn xuôi thế sự. Khi đọc “Vũ Bằng – bên trời thương nhớ”, mới thấu hiểu tấm lòng của Văn Giá khi đi dạy trong Sài Gòn, đã vượt qua khó khăn để có tư liệu đầy đủ viết về Vũ Bằng. Từ đó “tác phẩm của Vũ Bằng được công nhận, in lại, và ông còn được xướng tên đề nghị giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.”

Tên tuổi của Văn Giá được nhiều người yêu quí, kính trọng bởi tài năng, đức độ của một nhà văn, nhà lý luận phê bình sáng giá, hiện nguyên với nhiều tác phẩm đi cùng với văn học đương đại.

Sau nhiều năm với vai trò là giảng viên đại học chuyên ngành đào tạo viết văn, Văn Giá đã chắt chiu từng con chữ, thấm ngấm những ý tưởng hay trên lĩnh vực học thuật. Niềm say mê với những công trình nghiên cứu minh triết, PGS-TS Văn Giá đã được giới học thuật xem như một hiện tượng sắc sảo trong hoạt động nghiên cứu Phê bình văn học hiện nay. Và những lớp học trò ông dạy coi Văn Giá như thần tượng. Những kiến giải về văn chương trong nhận diện, phân tích, khái quát của Văn Giá  tinh và lạ, sắc sảo và uyên thâm. Đặc biệt cách phê bình “lấy người để hiểu văn, lấy văn để hiểu người”, trong mỗi bài viết của Văn Giá, sức sáng tạo nghệ thuật có sức lôi cuốn lớn.

Cuốn sách: “Viết khi tâm đắc”, dưới dạng tiểu luận, phê bình, chân dung là cuốn sách thể hiện đầy đủ tâm thế sự nghiệp của nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá. Đây là một trong những cuốn sách có giá trị về phê bình Văn học Việt Nam hiện nay. Nó được khẳng định chất lượng, khi nhiều bạn đọc đang chờ tái bản để có cho mình một cuốn tham khảo. Và mới đây trong tháng 8 năm 2021, ông lại cho ra mắt cuốn sách “Giáo trình Viết phê bình văn học”. Cuốn sách nhằm trang bị cho sinh viên những tri thức cơ bản của thể phê bình, và những người viết phê bình trong làng văn có nhu cầu, tham khảo. Tôi cũng được P.GS.TS Văn Giá ưu ái tặng một cuốn. Thú thật, mới đọc qua nhưng yêu vô cùng, bởi tính khoa học, tính thẩm mĩ, nội dung cuốn sách chứa đựng nhiều nét sắc sảo gợi mở. Đặc biệt các chương theo hướng cấu trúc, thể loại và cách viết, chứa đựng những tinh hoa được đúc rút mấy chục năm kinh nghiệm trực tiếp nghiên cứu giảng dạy của nhà giáo, nhà văn, nhà PBVH, PGS-TS Văn Giá xứng đáng sách quí, bổ ích, thuyết phục.

Nhìn trong không gian văn học đương đại, những tác phẩm văn học của nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Văn Giá có một vị trí trang trọng trên văn đàn, thể hiện độ nét tài hoa tinh tế trong cảm thụ văn học. Không những phổ tràn năng lực nghiên cứu khoa học đầy năng lượng, mà còn có một tri thức văn hóa sâu rộng, với một tinh thần đối thoại dân chủ, văn hóa.

Có thể nói, một đời dạy và viết của Văn Giá, qua bao năm tháng lỡ bồi, vẫn miệt mài chảy, tích tụ, kết tinh những hạt phù sa trên mỗi trang viết, làm đẹp thêm cho đời, văn chương và cuộc sống hiện nay.

TRỊNH VĨNH ĐỨC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *