Văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một góc nhìn khoa học

Vanvn- Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy, còn được biết đến với bút danh Doãn Thụy Như, một nhà thơ, một nhà khoa học, hiện nay đang công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM vừa cho ra mắt cuốn sách chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”. Sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành vào tháng 8.2023, ra mắt đúng vào dịp Lễ Quốc khánh 2.9 và kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy (Doãn Thụy Như) trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Định vị di sản văn chính luận của chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử dòng mạch văn chính luận của dân tộc Việt Nam

Là một công trình chuyên khảo có độ dài gần 300 trang, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã khảo sát một khối lượng tư liệu lớn, không chỉ là trên cơ sở bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật ấn hành gồm 15 tập, mà còn khảo sát tư liệu ở nhiều cơ sở lưu trữ cấp Trung ương và địa phương. Với một phạm vi tư liệu lớn như vậy, cuốn sách chuyên khảo này bao quát rất nhiều vấn đề, tạo dựng được một chân dung toàn cảnh về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh Lời giới thiệu, Lời nói đầu, Danh mục các chữ viết tắt, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, cuốn sách được chia thành bốn chương chính, đi từ những vấn đề chung đến những vấn đề cụ thể trong việc khảo sát văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

Chương 1: “Những vấn đề chung” gồm giới thuyết về văn chính luận, từ định nghĩa đến ngôn từ, chức năng, tính thẩm mỹ đặc thù của văn chính luận, lịch sử nghiên cứu vấn đề, những cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu.

Chương 2: “Định vị di sản văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong dòng mạch văn chính luận dân tộc” khảo sát dòng văn chính luận thời trung đại, sang thế kỷ XIX, ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh như là một tác giả văn chính luận.

Chương 3: “Ý thức về đối tượng tiếp nhận và mục đích viết của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” đề cập đến các đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến khi viết văn chính luận, sự công khai mục đích viết và tinh thần cách mạng, giá trị nhân văn của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chương 4:“Nghệ thuật tuyên truyền của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhìn từ phương diện cách viết như thế nào” nêu rõ quan niệm sử dụng ngôn từ, cũng như vấn đề tích hợp thể loại và hệ thống các biện pháp nghệ thuật của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác phẩm “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” của Phạm Thị Như Thúy

Ngay ở đầu công trình chuyên khảo, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã dày công ghi nhận, giải thích, lý giải về khái niệm văn chính luận thông qua những cuốn sách đáng tin cậy như “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010; “Từ điển văn học bộ mới”, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đồng chủ biên, Nhà xuất bản Thế giới, 2004; “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt” của Cù Đình Tú, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983… cùng với những giáo trình khác về Lý luận văn học. Xác định rõ khái niệm nghiên cứu chủ chốt và triển khai nghiên cứu dựa trên khái niệm ấy là một thao tác khoa học cẩn trọng và cần mẫn, tỉ mỉ của tác giả Phạm Thị Như Thúy.

Tác giả Phạm Thị Như Thúy cũng đã đúc kết được lịch sử vấn đề nghiên cứu văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới. Qua đó người đọc thấy được nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới và ở Việt Nam đã lưu tâm nghiên cứu nhiều vấn đề xoay quanh văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Có những nghiên cứu mang tính khái quát, ngắn gọn, thường là bày tỏ cảm nhận và suy nghĩ về những bài viết cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có những nghiên cứu đặt văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối liên hệ xã hội và sự tiếp nhận. Có những nghiên cứu đi sâu vào phương diện ngôn từ. Có những nghiên cứu tìm hiểu về tính tuyên truyền trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lại có những nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa lãnh đạo thông qua văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh v.v…

Như vậy có thể thấy văn chính luận của chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài nghiên cứu lớn, có thể triển khai từ nhiều góc độ. Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có một công trình mang tính bao quát nhất, nghiên cứu chung nhiều góc độ. Tác giả Phạm Thị Như Thúy đã cố gắng lấp khoảng trống này bằng cuốn sách chuyên khảo của mình và đã có những thành công ban đầu.

Từ trước đến nay, văn chính luận luôn là một thể tài đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc. Do hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội nên trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam, thể văn chính luận khá phát triển và ghi được những dấu ấn nhất định với những tác phẩm như “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, “Nam quốc sơn hà” tương truyền của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Xuất phát từ nền tảng ấy, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã khẳng định được vị trí, vai trò của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dòng mạch văn chính luận của dân tộc. Văn chính luận của Việt Nam thời trung đại có nhiều hình thức như hịch, cáo, chiếu, biểu, tấu, bi, điều trần… nhưng sang thời hiện đại đã có những đặc tính mới, với những hình thức biểu đạt mới, thông qua các bài văn, bài thơ, một thể tài giao thoa giữa văn chương và khoa học chính trị, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả tiêu biểu.

Sau khi điểm qua dòng văn chính luận trong lịch sử dân tộc suốt một ngàn năm thời kỳ trung đại, đến những tác giả hiện đại như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Hải Triều… tác giả Phạm Thị Như Thúy đã nhận định về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn chính luận có một vai trò đặc biệt trong cuộc đời cách mạng, trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước của Người. Những tác phẩm văn chính luận được viết ra chủ yếu với mục đích đấu tranh chính trị, nhằm tiến công trực diện kẻ thù hoặc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng qua những chặng đường lịch sử… Có thể nói, văn chính luận tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có được sức tác động sâu sắc đến công chúng chính bởi tầm vóc tư tưởng và khả năng chinh phục, truyền cảm sâu rộng (“Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2023, trang 93, 94, 98).

Những nghiên cứu công phu và những phát hiện mới về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để chứng minh cho nhận định trên, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã đưa ra những con số thống kê thuyết phục và đáng lưu tâm khi khảo sát về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh viết văn chính luận trong khoảng 56 năm, từ năm 1913 đến năm 1969, ký 174 bút danh dưới các tác phẩm chính luận, và tổng số tác phẩm văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khoảng 3.300 tác phẩm. Đây là một khối lượng tác phẩm đồ sộ, với những nội dung phong phú, từ đấu tranh chống thực dân Pháp đến các lĩnh vực như: quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa v.v…

Một đóng góp đáng lưu tâm của chuyên khảo này là nghiên cứu về đối tượng tiếp nhận văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả Phạm Thị Như Thúy đã khái quát hai loại đối tượng chính mà văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới. Thứ nhất là kẻ thù giai cấp và đối lập về tư tưởng; thứ hai là quần chúng nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đồng thời chuyên khảo cũng vạch rõ giá trị, đóng góp về mặt nội dung và nghệ thuật của văn chính luận Hồ Chí Minh là hướng tới các đối tượng khác nhau trong cùng một văn bản chính luận rất thành công.

Chuyên khảo cũng nêu rõ việc công khai mục đích viết, thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại những giá trị nhân văn lớn lao cả trong thực tiễn đời sống xã hội và trong văn chương. Nhấn mạnh việc kết tinh văn hóa Đông – Tây trong văn chính luận của chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Phạm Thị Như Thúy viết: “Văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh khai thác tinh hoa tư tưởng Nho giáo trên nền tảng thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng Mác xít, trên cơ sở vốn văn hóa phương Tây phong phú, và luôn gắn liền với việc khai thác các di sản tư tưởng – văn hóa, với thực tiễn giải phóng và phát triển đất nước, với việc giải quyết những vấn đề mà thực tại đặt ra” (“Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2023, trang 159). Từ đó, tác giả Phạm Thị Như Thúy liên hệ mở rộng đến vấn đề tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện thông qua văn chính luận, trong đó bản “Di chúc” chính là một áng văn chính luận đỉnh cao, tập hợp những gì quý báu nhất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân – tác giả bài viết

Dành một thời lượng trang viết đáng kể, sau khi điểm qua những thành tựu về mặt nội dung, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã đề cập đến những đặc sắc nghệ thuật trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là quan niệm sử dụng ngôn từ linh hoạt cho từng đối tượng, khi hùng hồn, đanh thép, khi mỉa mai, giễu cợt, khi chân tình, yêu thương… Đó là sự tích hợp nhiều thể loại trong văn chính luận của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ diễn ngôn người quan sát (viết từ nhiều góc nhìn, nhiều vai khác nhau) cho đến diễn ngôn thông tin tư liệu đầy ắp, đáng tin cậy; là diễn ngôn luận chiến dành cho kẻ thù, đả phá cái xấu, cái tiêu cực; là diễn ngôn trữ tình thể hiện niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống, vào tương lai cách mạng, thể hiện tình yêu thương con người Việt Nam, yêu thương nhân loại, mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc, xúc động. Đó còn là những biện pháp nghệ thuật đa dạng như trùng điệp từ ngữ; ghép mảnh chữ nghĩa thành bài văn chính luận như một bức tranh nhiều lớp lang, nhiều đường nét, hình khối, màu sắc; chơi chữ theo nhiều cách thức; dùng các câu hỏi phản vấn để tăng ấn tượng cho người đọc…

Bằng những nghiên cứu công phu, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã nêu bật được chân dung văn chương chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, thông qua một chuyên khảo có tính khoa học. Chuyên khảo có những đóng góp quý báu, có tính gợi mở vào việc nghiên cứu văn chương chính luận nói riêng và sự nghiệp văn học nói chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phạm vi và đề tài của một chuyên khảo như thế này có lẽ chỉ đủ thời lượng cho việc tập trung vào nghiên cứu mang tính lý thuyết, cụ thể là tập trung vào nghiên cứu nghệ thuật tuyên truyền, mà chưa có điều kiện triển khai nghiên cứu trên thực tiễn.

Vì vậy với tư cách là một độc giả có quan tâm đến vấn đề nghiên cứu này, tôi mong ước tác giả Phạm Thị Như Thúy sau chuyên khảo“Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, sẽ tiếp tục có thêm những nghiên cứu mới về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những phương diện lý thuyết khác và cả trên thực tiễn. Có thể triển khai so sánh văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các tác giả như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh dựa trên lý thuyết văn học so sánh. Cũng có thể triển khai nghiên cứu sự tiếp nhận của đối tượng học sinh, sinh viên trong nhà trường phổ thông và đại học đối với việc học văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua khảo sát xã hội học văn học v.v… Như vậy thì dễ thấy rằng văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn có thể nghiên cứu từ nhiều phương diện, làm sống động không khí nghiên cứu trầm lắng về đề tài này trong thời gian vừa qua.

HÀ THANH VÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *