Vanvn- Trên Vanvn.vn ngày 7.9.2021, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng có bài trả lời phỏng vấn về sách giáo khoa. Trước hết phải nói rõ rằng, việc mạng xã hội và báo chí lùm xùm gần đây quanh những sai phạm của bộ sách “Kết nối tri thức” với cuộc sống do PGS-TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm Chủ biên là bao gồm sách Tiếng Việt 1, sách Tiếng Việt 2 tập 1 và sách Ngữ văn 6 tập 1 chứ không chỉ dừng ở sách Tiếng Việt 1 như bạn đọc đã được biết.

Tổng chủ biên sách giáo khoa, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng đã có nhầm lẫn đáng tiếc giữa khái niệm đổi mới trong sách giáo khoa và lỗi trong quá trình biên soạn sách giáo khoa. Vì lẽ, khi hàng triệu học sinh đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2002 thì Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 vào cuộc sống. Đó mới là sự đổi mới thực sự.
Việc phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo phát hiện trong sách Tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) của bộ Kết nối tri thức không dạy viết chữ hoa là một lỗi không thể chấp nhận được, vì lẽ trong quy định về mục tiêu cần đạt, nội dung dạy trong sách giáo khoa lớp 1 được quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, bắt buộc dạy các em học sinh viết chữ thường và chữ hoa. Chẳng lẽ cắt xén nội dung này lại là “đổi mới”!
Việc đưa bài văn “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh hiện đang được dạy trong sách Tiếng Việt 3 của chương trình GDPT 2002 xuống dạy ở lớp 1 là không phù hợp với quy định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, vì nó quá sức cảm thụ của học sinh lớp một. Hơn nữa, bài văn “Tôi đi học” do PGS TS Bùi Mạnh Hùng gọt giũa đã không còn là một tác phẩm văn học, không còn giữ được hồn cốt của nguyên tác “Tôi đi học” mà bao thế hệ học trò đã học trong một nỗi niềm xúc động. Việc sử dụng tác phẩm ấy để gọt giũa mà người đọc chỉ còn thấy một giọng văn của PGS-TS Bùi Mạnh Hùng đã được người thừa kế hợp pháp của nhà văn Thanh Tịnh cho phép hay chưa?
Với ba vấn đề xung quanh bài tập đọc “Tôi đi học”, tôi cho rằng nó hoàn toàn không phải là một sự đổi mới, mà là một lỗi trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mà Tổng chủ biên đã tạo nên.
Sang đến sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1, người ta lại phát hiện ra những lỗi liên quan đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học. Những lỗi này nếu không được kịp thời sửa chữa sẽ là đi ngược lại với mục tiêu giáo dục ở cấp tiểu học mà Luật giáo dục 2019 đã quy định tại điều 27 Khoản 2 như sau: “Giáo dục tiểu học nhằm hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên trung học cơ sở.”
Luật giáo dục quy định là vậy, nhưng sách Tiếng Việt 2 tập 1 (trang 17,18 bài “Niềm vui của Bi và Bống”) đã dạy cách em học sinh những ước mơ hão huyền, cứ thấy vàng là lấy, là mang đi mua sắm những gì mình thích không cần biết nguồn gốc của vàng từ đâu mà có! Cũng trong sách Tiếng Việt 2 tập 1 tại trang 96, câu chuyện “Chúng mình là bạn” đã gieo vào lòng các em học sinh một sự an phận, không cần vươn lên trong cuộc sống vì số phận đã an bài, học bài học ấy các em học sinh sẽ thủ tiêu mọi sự phấn đấu vươn lên. Cũng trong cuốn sách giáo khoa này, tại trang 174 với bài tập “Ăn gì trước”, tác giả cuốn sách đưa ra một câu chuyện rằng, chiếc ô tô sẽ biến thành cái bánh ga tô thì nên ăn gì trước. Một em bảo, em sẽ ăn cả bốn cái bánh để ô tô không chạy được nữa và em sẽ ăn cả chiếc ô tô. Tác giả đã nhầm lẫn giữa trí thông minh và sự khôn vặt đến tham lam như vậy. Hơn thế nữa sách giáo khoa lớp 2 tập 1 trang 128 và 129 trong phần bài tập có một bài thơ không ghi tên tác giả, và hai bức tranh minh hoạ mặc định công việc của mẹ là bếp núc, rửa bát, làm những việc vụn vặt còn ba thì làm những công việc to tát. Nội dung những ngữ liệu, những bài tập này thể hiện rõ định kiến về giới, đã được Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 33/2017/TT-BGDDT nghiêm cấm đưa vào sách giáo khoa. Đó là điều kiện tiên quyết cho một cuốn sách giáo khoa.
Có thể nói, để xảy ra những lỗi trên trong sách Tiếng Việt 2 tập một là do người biên soạn đã không thực hiện đúng định hướng mục tiêu của giáo dục tiểu học mà Luật Giáo dục 2019 đã quy định tại khoản 2 Điều 27, có thể làm cho học sinh méo mó về nhân cách ngay từ khi các em còn rất nhỏ.
Sang sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 tập một, Tổng chủ biên và nhóm tác giả đã mắc một lỗi mà muốn sửa nó chỉ còn cách viết lại cả cuốn sách. Bởi lẽ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT- BGDĐT) trong phần mục tiêu dạy môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở đã định hướng là dạy theo thể loại văn học và thể loại văn bản. Lên cấp Trung học cơ sở học sinh được học các thể loại văn học là một bước tiến vượt bậc. Sau mỗi bài học, các em nhận biết được thể loại văn học mà mình đã học, bước đầu cảm thụ được cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm đã học. Không thực hiện.quy định trên, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã day nội dung theo chủ đề giống như dạy phân môn tập đọc ở tiểu học.Vì vậy mà trong suốt cả cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một dù trong phần bài tập có đến sáu, bảy câu hỏi gợi ý mà lại không có một câu hỏi nào để gợi ý các em học sinh cách nhận biết bài mình đã học thuộc thể loại văn học nào!
Từ sai phạm trong việc không tuân theo định hướng của Chương trình đối với việc dạy môn Ngữ văn ở trung học cơ sở mà Tổng chủ biên đã tiếp tục có những sai phạm khác trong việc không phân biệt được quy định về dạy các thể loại văn học ở khối lớp sáu và lớp bảy khác nhau ở điểm nào! Cụ thể là, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định ở lớp 6 dạy thơ lục bát thì Tổng chủ biên bộ sách Kết nối tri thức lại cho dạy thơ năm chữ, thơ tự do (bài “Bắt Nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, bài “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh, thơ tự do “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông, thơ văn xuôi “Mây và sóng” của Tagore). Kỳ lạ hơn nữa Tổng chủ biên bộ sách còn mang ngữ liệu đang dạy ở tiểu học lên làm ngữ liệu dạy cho học sinh lớp 6 (Bài thơ “Chuyện cổ nước mình” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ).
Về văn xuôi, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định lớp sáu chỉ học về các thể loại: Truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại, hồi ký thì Tổng chủ biên bộ sách “Kết nối tri thức” lại đưa bài “Cây tre Việt Nam” – một tuỳ bút của Thép Mới vào dạy, trong khi đó thể loại tuỳ bút được Chương trình quy định dạy ở lớp bảy.
Việc tuỳ tiện đưa các ngữ liệu văn học vào dạy không đúng quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, không tuân thủ định hướng mà Chương trình trên nêu rõ trong mục tiêu dạy môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở là vi phạm vào những quy định của Luật giáo dục 2019 và Thông tư 32/2018/TT- BGDĐT cần phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời chấn chỉnh. Ngay những người làm sách giáo khoa còn coi việc vi phạm các quy định về biên soạn sách giáo khoa là sự đổi mới thì đó là một tín hiệu đáng lo ngại trong việc thực thi và phổ biến pháp luật trong xã hội. Viết sách giáo khoa đòi hỏi phải đúng về nội dung đẹp về hình thức, mọi ngữ liệu lựa chọn phải đảm bảo tính tiêu biêu cho loại hình tác phẩm, đã được thời gian và đông đảo bạn đọc kiểm chứng. Viết sách giáo khoa không phải là trại sáng tác văn học đề bất kỳ ai cũng có thể nhân danh “đổi mới” mà quên đi việc biên soạn sách giáo khoa còn phải theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định của Luật Giáo dục.
Để xảy ra những sai sót này, tạo dư luận xấu cho ngành giáo dục, lãng phí tiền của của Nhà nước, trách nhiệm thuộc về Tổng chủ biên bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã được quy định tai Điều 32 Luật Giáo dục 2019.
Hà Nội 12.9.2021
THUẦN KHANG