Từng ngày ba mẹ thở theo con – Tùy bút của Lê Minh Quốc

Vanvn- Thương yêu con là hành động bản năng. Tình cha mẹ với con là tình cảm thiêng liêng mà bất cứ cha mẹ nào cũng làm được, nhưng viết cho con, viết sách vì con, không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng làm được như Lê Minh Quốc. Sau tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến (NXB Văn hóa Văn nghệ) xuất bản năm 2019, nhà thơ Lê Minh Quốc cho ra đời tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con năm 2022. Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Vanvn trân trọng giới thiệu bài viết của Trương Anh Quốc về tập sách Từng ngày ba mẹ thở theo con.

Nhà thơ Lê Minh Quốc và con gái.

Ở tuổi 60, lần đầu tiên trong đời nhà thơ Lê Minh Quốc được làm cha. Quá đỗi bất ngờ và hạnh phúc. Anh không ngờ rằng mình cũng được làm cha. Nhà thơ bảo, cũng do thời trẻ không chịu nghe lời người lớn lấy vợ sớm để khi về già mới sinh chút con mọn. Tuy có phần hối tiếc, nhưng muộn còn hơn không. Có con, mệt nhưng vui vô cùng!

Ai có con sẽ biết thương cha mẹ nhiều hơn. Lê Minh Quốc vì quá thương mẹ, sống hiếu thảo với mẹ già mà không chịu lấy vợ. Khi mẹ lớn tuổi qua đời, năm mươi chín tuổi nhà thơ Lê Minh Quốc mới lập gia đình. Nhưng nếu nhà thơ của chúng ta lập gia đình và có con từ thời trai trẻ, chúng ta chưa chắc có được những cuốn sách viết về con xúc động đến thế. Khi có được thứ ta mong mỏi, trông chờ sẽ quý giá hơn bình thường bội lần. Cảm giác có con đầu lòng khi ngoài 20 nhất định sẽ khác khi ở tuổi 60. Cái tuổi chăm cháu mới bắt đầu chăm con trẻ sơ sinh, tình yêu thương với con cũng sẽ khác biệt.

Hồi hộp, mong ngóng. Khi đến bệnh viện đón con sơ sinh về, Lê Minh Quốc mang theo tỏi củ, bôi son vào mặt con… Anh sẵn sàng làm theo bất cứ lời dặn nào của bạn bè truyền kinh nghiệm dân gian để mang lại điều tốt lành cho con. Gia đình đơn chiếc không thể trông nhờ vào cha mẹ hai bên, cha già phải tập chăm con mọn. Cũng như bất cứ ông bố bà mẹ nào, nhà thơ cũng tập ẵm con, tập thay tả, tập cho con bú…

Nhà thơ Lê Minh Quốc lắng nghe từ khi con mới thành hình, quẫy đạp trong bụng mẹ, đến lúc ra đời, nóng sốt mọc răng, biết nói biết chựng, đi mẫu giáo… Mọi hành động của con đều được để ý, lắng nghe, ghi lại dưới con mắt và tấm lòng yêu thương vô bờ bến của một người cha – nhà thơ. Nhà thơ vốn nhạy cảm sẽ càng nhạy cảm hơn khi chăm con mọn. Từ khi có con, Lê Minh Quốc sống cuốn theo con, sống vì con mà quên bẵng đi bản thân mình. Bao nhiêu tâm trí, sức lực, tình thương anh đều dành hết cho con. Sinh con và nuôi con, có lúc anh sụt mười ký lúc nào không hay.

Nhà thơ tâm sự, từ khi có con, anh không thích ngồi làm một bài thơ tình về tình yêu nam nữ nào nữa. Đàn ông ở tuổi 60 khô héo tình yêu chăng? Anh không biết, nhưng khi làm thơ, anh không còn cảm xúc về tình yêu lứa đôi. Hiện giờ mà ngồi làm thơ tình thì phù phiếm và vô nghĩa. Con tim và tâm trí của anh đã dành cho đứa con bé bỏng hết rồi. Anh bảo, ngoài nghiên cứu văn hóa, bây giờ chỉ viết về con. Với anh, viết về con mới có ý nghĩa nhất. Sau này, 10 hay 20 năm, thậm chí lúc mình không còn trên cõi đời nữa, những thứ mình viết con mình sẽ đọc, cháu mình sẽ đọc.

 

Dành nhiều nhất thời gian cho con có thể

Chăm con, người đàn ông mới thấy mình trở nên vụng về và yếu mềm hơn bao giờ hết: “Hỡi các đấng mày râu quân tử dù to thân lớn xác cỡ nào đi nữa nhưng lúc chăm con, mỗi đêm dăm ba lần phải thức giấc ẵm bồng, ru con, pha sữa, thay tả… có chịu nỗi không?… Từng đêm lặp lại từng đêm chăm con đã khiến tôi mặt mày xụi lơ như bong bóng xì hơi. Rã rời… bần thần như gà nuốt dây thun…”. Trong khi đó người mẹ vẫn chăm con bền bỉ từ ngày này qua tháng nọ mà không một lời than vãn. Khi có con, đàn ông mới thấy sức chịu đựng của phụ nữ dẻo dai phi thường. Người mẹ thầm lặng hy sinh vì con, tất cả vì tình yêu thương con: Con là hoàng thượng trong nhà/ Mẹ là tì nữ tận tình lo toan.

Nhà thơ của chúng ta thương con nhưng không nói suông, ngoài sự chăm con tận tụy hàng ngày, anh còn tranh thủ viết về con. Con là nguồn cảm hứng vô tận, là lẽ sống của Lê Minh Quốc trong thời gian này. Từ khi có con, Lê Minh Quốc viết báo khỏe hơn. Những bài báo viết về đứa con thương yêu anh luôn kiếm ba tờ. Một tờ đọc, một tờ làm khung treo và một tờ cắt dán vào cuốn nhật ký. Mấy cuốn sổ nhật ký cắt ghép những bài báo, ghi chú từng ngày từng giờ con vào bệnh viện chữa bệnh, ngày tiêm chủng của con…

Căn nhà yên ắng trong ngõ vắng đường Thích Quảng Đức ngập tràn không khí trẻ con: tranh ảnh, đồ chơi, tranh vẽ khắp phòng. Không gian toàn ngôi nhà là của con, tất cả như dành hết cho con. Căn nhà như một ngôi nhà trẻ, tựa như không có sự hiện diện của của người lớn, kể cả cha mẹ. Trên nóc tủ chất cao ngất từng chồng vỏ lon sữa. Lê Minh Quốc muốn giữ hết những gì thuộc về con, những gì con đã dùng đến. Những đồ chơi hư hỏng anh cũng gói lại cất giữ cẩn thận. Anh bảo, sau này con lớn lên không muốn giữ nữa thì thôi. Đó là quyền của con.

Lê Minh Quốc bảo, không như thời trẻ, ai viết bài khen thì mình mừng vui hàng tháng trời. Bây giờ, tầm tuổi này, ai khen hay chê không còn quan trọng nữa. Thời gian không còn nhiều như thời trai trẻ, anh không phung phí nữa, không tốn nhiều thời gian vào những việc vô bổ. Bao nhiêu thời gian mình dành hết cho con. Cứ chập tối thì tắt điện thoại, không coi cả ti vi để vui đùa cùng con. Vui đùa cùng con sẽ tăng thêm cảm hứng viết về con. Viết về con hiện giờ là hữu ích nhất mà thôi.

Những ai đã làm cha làm mẹ, đọc tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con như đồng cảm sẻ chia, những ai sắp làm cha mẹ sẽ chuẩn bị tinh thần để đón nhận thiên thần, thiên thần do nhúm ruột của mình rứt ra, không thương không yêu sao đặng.

Lối viết văn xuôi hóm hỉnh của nhà thơ

Tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con còn lồng ghép nhiều khổ thơ, bài thơ vui về việc nuôi và chăm sóc dõi theo từng bước chân con, thở theo nhịp thở của con. Đứa con như một loài hoa: Loài hoa kỳ diệu ấy/ Hiện diện ở quanh ta/ Phúc cho mọi đứa trẻ/ Được gặp ngay trong nhà. Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng chăm con là niềm vui lớn nhất của anh: Yêu con nên da sắt/ Xương thịt như hóa đồng/ Qua nhọc nhằn mỏi mệt/ Ẵm con là thong dong. Bởi Khi có con là lúc ba có thêm một sức mạnh lớn lao. Khi có con ba có cơ hội thấu cảm tình yêu của con dành cho ba mẹ và ngược lại. Ấy là nhân duyên. Sáu mươi năm cuộc đời, lần đầu Lê Minh Quốc được làm cha, lần đầu được nhìn mầm sống rứt ruột của mình. Nghe tiếng oe oe của con, tiếng khóc đầu đời của đứa trẻ ghim vào trí não bền theo năm tháng. Oe oe…óe óe… òe oe…/ Từ trong giọng hát, còn nghe tiếng đàn.

Cũng có lúc hai vợ chồng nhà thơ cùng viết chung bài về con. Sách ra anh vui vô cùng, khác hẳn với những cuốn trước đây. Niềm vui khó tả lắm. Lê Minh Quốc bảo, chỉ cố gắng viết vì con chứ làm nhà văn tài năng thì không dễ. Anh cố gắng xóa khoảng cách với bạn đọc. Theo nhà thơ thì tác giả và bạn đọc xích lại gần nhau, tương tác, đồng cảm thì tác phẩm càng có giá trị. Tác giả tài ba sẽ mượn cái cá nhân, riêng tư để nói cái đại chúng, phổ quát. Tác phẩm hay, bạn đọc và tác giả sẽ đồng cảm, như hai bàn tay úp chồng vào nhau… Tài năng của tác giả bao nhiêu thì lòng đôi bàn tay sẽ chồng khít được nhiều bấy nhiêu.

Ở nước ngoài, có nơi mẹ chỉ nghỉ tám tuần thai sản, còn ở ta, người mẹ nghỉ thai sản đến cả sáu tháng. Người nước ngoài thường cho con trẻ ngủ riêng, còn ta, con cái thường ngủ đến lớn. Con cái ở ta phần lớn sẽ có tình cảm với cha mẹ hơn. Tình yêu thương, hơi ấm đong đầy nên con cái thường bện hơi mẹ. Cha mẹ sống cùng con, thương yêu con thì sau này con sẽ hiếu thảo với cha mẹ và cũng thương yêu con của mình như thế. Cứ tiếp nối đời này qua đời khác, gia đình nhiều thế hệ sẽ bền chặt hạnh phúc.

Đến chơi nhà nhà thơ Lê Minh Quốc vào một ngày giữa tuần, anh hồ hởi mang sách viết về con ra tặng. Trước đây, in nhiều sách nhưng nhà thơ ít tặng sách cho ai. Với sách về con Lê Minh Quốc lại hào phóng, tặng sách như muốn chia sẻ niềm vui cùng con, cho bạn cũng có niềm hạnh phúc cùng con như chính anh vậy. Ý định chụp một tấm chân dung bất thành khi chủ nhà không ưng bụng cho lắm. Theo cách nói của cụ Nguyễn Du thì người buồn ảnh có vui đâu bao giờ. Lê Minh Quốc không được vui vì bé Mì con anh đang học ở trường chưa về. Với anh, không có con thì chụp hình có ý nghĩa gì!

Thương yêu con là hành động bản năng. Tình cha mẹ với con là tình cảm thiêng liêng mà bất cứ cha mẹ nào cũng làm được, nhưng viết cho con, viết sách vì con, không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng làm được như Lê Minh Quốc.

TRƯƠNG ANH QUỐC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *