Vanvn- Khi tiếp xúc với cử tri Cần Thơ trong dịp bầu Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ”. Đúng thế, càng dân chủ càng đón nhận được nhiều những trí tuệ, tư tưởng, tư duy thông minh, sáng suốt để lựa chọn…

“Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại”, đó là câu nói nổi tiếng của René Descartes (1596–1650). Ông là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học nổi tiếng người Pháp, được người xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Câu nói của René Descartes đã tồn tại gần 400 năm và sẽ còn tồn tại mãi mãi khi mà loài người vẫn còn tồn tại. Hẳn là thế vì con người muốn tồn tại được thì trước hết phải có tư duy và sau đó mới đến hành động. Tư duy luôn luôn đi trước và dẫn dắt hành động; tư duy đúng thì hành động đúng, tư duy sai thì sẽ dẫn dắt hành động sai.
Nhìn rộng ra, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển được thì cần có tư duy của chính mình, phù hợp với thời đại. Năm 1986, nhờ có đổi mới tư duy, chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường mà nước ta nhanh chóng thoát khỏi sự trì trệ, nghèo đói, ngày một phát triển đi lên.
Ngay tại phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự, ngày 15.4.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu, từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, “lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện”.
“Nhất là ý kiến phản biện”, câu nói này của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay lập tức gây được sự chú ý của nhân dân, đặc biệt là giới trí thức. Đây là tư duy không mới nhưng nó được nói ra từ phát ngôn của tân Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ đầu tiên mà ông điều hành thì tư duy này đã gieo vào trong lòng dân chúng một niền tin về sự đổi mới trong tư duy và hành động của Chính phủ.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật mà xem, trong rất nhiều cuộc họp các Bộ, các ngành, các cơ quan, khi người đứng đầu phát biểu chỉ đạo thì các ý kiến đóng góp thường là một chiều khen đúng khen hay để lấy lòng lấy lãnh đạo mà ít có ý kiến phát biểu phản biện- tức chê sai, không đúng cho dù nó sai thật, vì họ sợ làm phật lòng lãnh đạo, thậm chí sợ lãnh đạo trù dập. Chính vì chỉ nghe ý kiến một chiều, không nghe ý kiến phản biện nhất là ý kiến phản biện của những nhà chuyên môn giỏi nên có nhiều chính sách, công trình, dự án đã sụp đổ ngay sau khi nó được thực thi, kéo theo đó là hệ quả hàng ngàn, hàng trăm ngàn tỷ vốn lãng phí. Thế nên việc Thủ tướng khuyến cáo các thành viên của Chính phủ, nhất là các tư lệnh ngành phải cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là ý kiến phản biện có thể nói là tư duy cầu tiến!
Cuộc sống luôn luôn thay đổi nên tư duy cũng phải thay đổi theo để tồn tại; thế nhưng đâu đó ở chính người có vai trò lãnh đạo, dẫn dắt vẫn còn nặng tư duy nhiệm kỳ. Vì thế mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ. Điều này rất thực tiễn bởi không ít cán bộ vì tư duy nhiệm kỳ; ta chỉ làm nhiệm kỳ này nữa là nghỉ hưu nên cần tranh thủ thu vén cho cá nhân hoặc cứ theo nếp cũ mà làm, tránh va chạm, tránh sai sót để cho hạ cánh an toàn; hay nhiệm kỳ tới ta cần trụ lại hoặc tiến lên một bước thang mới nên cũng cần” đi nhẹ nói khẽ” để được lòng trên vừa lòng quần chúng, đến khi Đại hội còn được nhiều phiếu bầu tín nhiệm. Do đó vì tư duy nhiệm kỳ nên không có tư duy đột phá và chúng ta luôn luôn đi sau luôn luôn tụt hậu.
Không có ai, ngay cả thánh nhân cũng có nơi có lúc mắc sai lầm; người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm cũng có khi mắc sai lầm nhưng mắc sai lầm do việc chung, vì lợi ích của nhân dân cũng có thể được lượng thứ nếu hậu quả không quá nghiêm trọng. Cũng có khi người có tư duy đột phát, mở đường rất đúng, đem lại lợi ích cho dân cho nước nhưng cá nhân mình lại chịu hậu quả; không sao, nhân dân và lịch sử luôn công bằng, họ sẽ ghi nhận công lao của họ. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Kim Ngọc là một ví dụ, ông đã nhìn rõ vấn đề mô hình hợp tác xã nông nghiệp máy móc thập niên 60 của thế kỷ 20 đã khiến xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng vì thế phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình. Do vậy mà ông đã đề xướng “ khoán hộ” hợp với nông dân nhưng lúc đầu ông Kim Ngọc phải làm kiểm điểm và tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”, chỉ đến khi “Khoán 10” hay là “Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988”, tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới thì Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc mới được đánh giá là người có công, có tư duy đổi mới về chính sách nông nghiệp.
Bây giờ thì tư duy khoán hộ của ông Kim Ngọc đã làm xong nhiệm vụ của mình và không còn phù hợp nữa; nhiều nơi người nông dân đã bỏ chính mảnh ruộng của mình để chuyển sang làm việc khác hoặc lên thành phố để kiếm sống vì chi phí đầu vào cho cây lúa cao, thu nhập lại thấp. Một tư duy mới về nông nghiệp, nông dân đã và đang được hình thành có hiệu quả; đó là những Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, những ông chủ thuê lại ruộng đất của nông dân làm những cánh đồng hàng chục, hàng trăm ha để sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi bằng các loại máy móc hiện đại; đó là những tỉnh, những huyện đã phát huy thế mạnh để nuôi trồng thủy hải sản, hoa quả đặc sản để xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ vv… Không chỉ có thế mà nhiều tỉnh, thành phố còn có những bước đột phá trong việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài về tỉnh mình để hợp tác làm ăn. Và Quảng Ninh là một điển hình, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Phạm Minh Chính đã thực thi tư duy “Làm tổ đại bàng”. Cần nhìn nhận ở đây, tư duy làm tổ đại bàng không chỉ là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số và nguồn nhân lực lao động chất lượng mà còn có cả tư duy quan trọng đi trước một bước đó là tư duy phần mềm, là cơ chế chính sách thuận lợi, phù hợp để “ đại bàng” bay đến làm tổ. Chính nhờ có tư duy ”làm tổ đại bàng” này mà Quảng Ninh đã có nhiều bước đi đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa.
Dân chủ là một bước tiến lớn là thành tựu vĩ đại của xã hội loài người; nó xóa bỏ chế độ độc tài, xóa bỏ chế độ phong kiến mà ở đó ông vua có quyền lực cao nhất, quyết định vận mệnh của đất nước của nhân dân; gặp phải ông vua u tối thì nhân dân chìm trong đói khổ; gặp phải ông vua sáng suốt thì đất nước được cường thịnh nhưng sự cường thịnh này cũng không được mãi mãi vì chế độ cha truyền con nối kiểu gì cũng sẽ dẫn đến một ông vua kế nghiệp bất tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng Tháng 8 năm 1945, lập nên “ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Người thường nói :“Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhà nước do nhân dân làm chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”.
Khi tiếp xúc với cử tri Cần Thơ trong dịp bầu Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ”. Đúng thế, càng dân chủ càng đón nhận được nhiều những trí tuệ, tư tưởng, tư duy thông minh, sáng suốt để lựa chọn. Những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước khó khăn đến mấy mà biết phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân thì cũng nhất định thành công trong mọi lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết nước nhà. Hội nghị Diên Hồng được xem như Hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta, được tổ chức năm 1284 tại kinh thành Thăng Long do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2 với một đội quân hùng hậu, 50 vạn quân từ phương Bắc tràn xuống kết hợp với cả gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên, giặc tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt. Các phụ lão điều nói “đánh”, muôn người cùng đồng tâm. Và lần thứ 2, quân dân Đại Việt lại đánh tan quân Nguyên Mông.

Thế giới đang phải đối mặt với thảm họa đại dịch Covid-19 khiến cho hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng triệu người tử vong, kinh tế lao dốc, đời sống nhân dân khó khăn. Việt Nam là một nước phòng chống dịch tốt nhất nhưng cũng không tránh khỏi hậu quả to lớn của dịch bệnh. Chúng ta đang chuyển từ tư duy phòng chống dịch với khẩu hiệu “ 5K” sang tư duy tấn công, nhanh chóng nhập và sản xuất vắc xin trong nước để tiêu diệt tận gốc dịch bệnh
Kinh tế nước ta đang nghèo, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên đe dọa; Đảng, Quốc hội, Chính phủ biết phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân, lấy nhân tài là bước đột phá thì chắc chắn nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn thử thách, trở thành một nước giàu mạnh trong khu vực và châu Á trong một tương lai rất gần. Và Những gì mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nội các của ông đang làm đã mở ra một đại lộ mới cho đất nước. Điều vô cùng quan trọng là trên đại lộ ấy, chúng ta bước đi về phía tương lai với một niềm cảm hứng mới.
VŨ ĐẢM