Từ chấn hưng Phật giáo đến dấn thân nhập thế trên phương diện giáo dục – Kỳ 2

Vanvn- Thông qua giáo dục, Phật giáo ngày càng gắn chặt đạo Phật vào văn hóa dân tộc và lợi ích quốc dân, góp phần canh tân phát triển đất nước, nâng cao dân trí và đạo đức lối sống. Thông qua nhập thế, người tăng sĩ thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm với cộng động, nối liền nẻo đời và nẻo đạo. Mối quan hệ càng khiến cho đạo Phật phổ truyền rộng rãi hơn trong đời sống con người, chiếm lĩnh vị trí quan trọng nhiều hơn nữa trên tiến trình vận động phát triển của đất nước…

>> Từ chấn hưng Phật giáo đến dấn thân nhập thế trên phương diện giáo dục – Kỳ 1

2. Tinh thần dấn thân nhập thế như là vấn đề giáo dục: nhìn lại và hướng tới

Phải nói ngay từ đầu, nhập thế hay xuất thế là cái nhìn dưới góc độ xã hội của người đời, nếu nhìn dưới góc độ người tu hành, thì chẳng có nhập thế hay xuất thế gì cả. Chỉ có tu hành và hoằng pháp. Ý này, Hòa thượng Thích Huệ Thông đã bàn đến[1]. Sở dĩ phải nhắc lại, để thống nhất quan niệm, tránh những lầm tưởng đáng tiếc. Từ đây, ta nên hiểu dấn thân nhập thế cũng là tu hành và hoằng pháp. Có chăng tùy thời đại và bối cảnh đời sống, việc tu hành và hoằng pháp của giới tu sĩ hẳn có khác nhau. Tựu trung, đều hướng đến chúng sinh và xiển dương giáo pháp Phật đà.

Dưới góc nhìn này, ta liền thấy chấn hưng Phật giáo có thể xem như nhập thế, chấn hưng để giáo hóa tư tưởng xã hội, chấn hưng là tham gia tích cực hơn vào đời sống con người, mang lại sức sống mới cho đạo Phật. Có ai còn nhớ câu đối của Sư Thiện Chiếu ở chùa Linh Sơn năm nào: “Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế / Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”[2], thể hiện tấm lòng cứu độ chúng sinh của giới thiền môn đầu thế kỷ XX, đồng thời với nỗi canh cánh chấn hưng đạo Phật năm nào. Ở chỗ này ta nhận ra nét tương đồng của công cuộc chấn hưng đạo Phật thống nhất với công cuộc vận động canh tân đất nước của nhiều chí sĩ Minh tân đầu thế kỷ XX (ví dụ như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Vĩnh, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương, Nguyễn Anh Ninh). Chưa thể bàn đến mối liên hệ giữa tăng sĩ Phật giáo và chí sĩ Minh tân, nhưng ta có thể thấy mối quan tâm của họ gặp nhau ở chỗ cứu độ chúng sinh/mang lại đời sống tự do độc lập thịnh vượng cho dân tộc và nước nhà. Với tinh thần đó, chấn hưng Phật giáo như một hoạt động nhập thế triệt để. Sư Thiện Chiếu có ý rằng: “Hoặc giả lo rằng nếu nhất đán Phật giáo chấn hưng được rồi, quốc dân đều tín ngưỡng mà chan chứa tấm lòng từ bi bác ái, thì chi khỏi nhụt mất cái nhuệ khí cạnh tranh, mà thành ra khó sinh tồn được trong buổi đời ưu thắng liệt bại. Ta chỉ lo cho quốc dân ta không giàu tấm lòng bác ái từ bi, nên mới hằng thấy cái thảm (nồi da xáo thịt). Nếu quốc dân ta qua được giàu lòng bác ái thời không vì lợi nhỏ mà tương tàn không vì hiềm riêng mà chia rẽ. / Bâng khuâng tấc dạ trung thành đối với quê cha đất tổ không bao giờ lãng xao đi được. Bao giờ cũng tận tâm kiệt lực lo cho tiền đồ nòi giống ta có một ngày vẻ vang cùng thế giới[3]. Tinh thần chấn hưng như vậy, thể hiện thái độ nhập thế triệt để, quả thực có khác gì nhuệ khí và niềm ưu tư của Nguyễn Háo Vĩnh thuở nào.

Nhập thế kỳ thực là cách thế tu hành và hoằng pháp. Dấn thân vào các vận hội lịch sử. Người tu sĩ và tình hình thế giới biến động, nhân loại đảo điên trong lầm than; đây chính bối cảnh cho người tu sĩ dấn thân, cũng là điều kiện cho người tu sĩ trui rèn nhận thức giáo pháp. Nhìn lại những gì Phật giáo Việt Nam làm được trong quá khứ là điều cần thiết. Bởi nhìn lại cũng là hướng tới. Từ hơn nửa thế kỷ trước, Phật giáo Việt Nam đã nhận thấy và tự đặt ra cho mình trách nhiệm trọng đại đối với hòa bình cho quê hương và thế giới. “Tôn giáo phải là con đường giải thoát cho Việt Nam và Thế giới. Thật là một vấn đề vừa quá trọng đại vừa quá khẩn thiết, nhất là trong bối cảnh chiến tranh của nước Việt Nam chúng ta trên ngót 25 năm và sự khủng hoảng giá trị tinh thần mà thế giới hiện tại đang phải trải qua. Nói đến Việt Nam hiện tại là nói đến chiến tranh, nói đến sự phân hóa cực điểm và nói đến sự trụy lạc về văn hóa và phẩm giá con người. Và nếu Tôn giáo phải là con đường giải thoát cho Việt Nam, tôn giáo ấy phải đem lại hòa bình cho Việt Nam, diệt trừ nạn phân hóa trầm trọng và xây dựng lại nền văn hóa dân tộc cho nước Việt Nam chúng ta[4]. Những ưu tư này cho đến nay đã trở thành sự thật, bởi Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng quê hương vượt qua chiến tranh, đem lại hòa bình cho người dân Việt và khắp cả chúng sinh. Tinh thần nhập thế vì hòa bình thế giới của Phật giáo vẫn được tiếp tục phát huy và sáng tạo trong tình hình mới. Cùng với sự phát triển của đời sống vật chất trong xã hội tiêu thụ, Phật giáo ngày càng chứng tỏ vai trò, trách nhiệm đối với đại chúng, giáo hóa và giữ gìn đạo đức nhân sinh, ngày càng có nhiều hoạt động đến gần hơn với thực tiễn đời sống con người.

Chấn hưng Phật giáo cùng với dấn thân nhập thế vì lợi ích chúng sinh, dựa trên nền tảng dân tộc. Ý thức dân tộc thể hiện rõ nét trong quá trình phát triển giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Thậm chí, bản sắc dân tộc còn là yếu chỉ, lấy đó làm nguyên do, cũng là kim chỉ nam cho việc xây dựng chương trình đào tạo nói chung. Sư Thiện Tòng ở chùa Trường Thạnh (Sài Gòn), còn lưu lại vài dòng trên Đông Pháp thời báo: “Tôi thiết tưởng ai cũng là nòi Hồng Lạc, ai cũng là giống Rồng Tiên vì sao mà chia rẽ cái nhân tâm, không đặng hiệp quần cho nhất đẳng, tại sao vậy? Bởi mỗi người mình theo mỗi tôn giáo riêng, thờ mỗi chủ nghĩa khác nhua, cho nên người đồng loạt lúc đối phó cùng nhau, coi tựa hồ như người dị loại pha lẫn, coi mường tượng như kẻ khác giống lộn vào, toan kiếm điều khích bác cùng nhau rồi tế ra nồi da xáo thịt[5]. Nhận thức được vấn đề này, Phật giáo bằng phương tiện giáo dục, đã tuyên bá rộng rãi nhất là trong giới thanh niên, tinh thần nhập thế cứu đời và trách nhiệm với quốc dân đồng bào[6]. Giáo dục như là nhập thế, nhập thế bằng con đường giáo dục, tựu trung vì ích lợi của dân tộc và đất nước. Khía cạnh này càng thể hiện vai trò quan trọng của Phật giáo trong việc giáo dục tinh thần nhập thế và ý thức trách nhiệm của thanh niên mọi thời. Cho đến nay, vai trò này của đạo Phật vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí hoạt động giáo dục đào tạo của đạo Phật mang ý hướng nhập thế có thể tích hợp với chương trình đào tạo hiện nay của hệ thống giáo dục quốc dân (ở những tiết học tích hợp).

Nhập thế trên phương diện giáo dục, người tu sĩ không làm ngơ trước vấn nạn chiến tranh hơn nửa thế kỷ trước trên mảnh đất quê hương, phóng tầm nhìn xa hơn ra thế giới, càng không thể làm ngơ trước thảm trạng xã hội bom đạn và vô minh dày xéo cõi người. Hay nói khác đi, nhập thế trước tiên là giáo hóa. Bản thân người tu sĩ phải được giáo hóa và sau nữa là phổ hóa chúng sinh để giải trừ nghiệp lực của thế gian. Việc này trở thành trách nhiệm của hàng tu sĩ, không riêng gì Phật giáo hay tôn giáo nào khác. Thế nhưng, với con đường tu học hướng đến chánh niệm chánh giác, Phật giáo có căn bản và phương tiện ưu việt hơn cả để thức tỉnh con người, giúp loài người nhận diện bản thân và nhận diện cuộc sống đang diễn ra. Căn bản của hoằng pháp do đó, chính là giáo dục. Trên phương diện này, bằng hoạt động dấn thân nhập thế, người tu sĩ vừa là cánh chim gieo hạt hòa bình, vừa là nhà giáo dục mang lại tuệ giác cho chúng sinh.

Với người tu sĩ, việc học tập không chỉ gói gọn trong nội điển mà còn mở rộng kiến thức ngoại điển. Việc này từ những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước chư vị cao tăng như Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh, sau có Thích Bửu Huệ, Thích Thanh Từ, Thích Thiền Tâm, … đã bàn đến và thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng kể trong giáo dục tăng tài. Chủ trương sáng suốt và công lao to lớn của chư vị đến nay còn soi tỏ khắp chốn Phật đường. Ngày nay việc giáo dục nội điển và ngoại điển còn hướng đến mức độ học thuật (như là hoạt động nghiên cứu khoa học) cũng như gắn kết với xu hướng toàn cầu hóa. Như đã nói, Phật giáo không thể tách rời khỏi vận hội của đời sống con người. Với xu hướng toàn cầu hóa, các tổ chức tôn giáo quốc gia, xuyên quốc gia, tầm cỡ quốc tế, ngày càng trở nên phổ biến. Phật giáo Việt Nam trong những năm gần đây đã tổ chức và hòa nhập tích cực với các hoạt động nhập thế về phương diện giáo dục với Phật giáo khu vực và quốc tế. Mà minh chứng dễ thấy nhất chính là ngày càng nhiều vị cao tăng du học có trình độ chuyên môn cao, có học hàm học vị về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, có khả năng gắn kết với Phật giáo quốc tế trong các hoạt động xã hội dân sinh cũng như giáo dục và nghiên cứu khoa học. Cụ thể hơn, ta có thể nhắc lại lời Hòa thượng Thích Huệ Thông với những ghi nhận chi tiết về hoạt động nhập thế của Phật giáo nước nhà. “Bước vào thời hiện đại, trước những vấn nạn trầm kha của xã hội về môi trường sinh thái, bệnh dịch, mại dâm, khủng bố và chiến tranh, tinh thần tích cực của Phật giáo luôn trải rộng trên các phương diện xã hội, góp phần giảm bớt khổ đau và khủng hoảng trong đời sống. Về vấn đề môi trường, Phật giáo luôn khuyến khích mọi người tôn trọng mạng sống muôn loài, đồng thời tham gia trồng cây gây rừng và bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm. Về bệnh dịch HIV/AIDS, Phật giáo đã cùng các đoàn thể xã hội tích cực tuyên truyền về cuộc sống lành mạnh, ngăn ngừa nhằm giảm đi cường độ lây lan của căn bệnh thế kỷ. Về giáo dục, Phật giáo chủ động tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành giáo dục sư phạm mầm non, tạo điều kiện cho nữ cư sĩ Phật tử phụng sự xã hội trên phương diện nuôi dạy trẻ. Về vấn nạn bạo hành gia đình, Phật giáo đã không ngừng chuyển hóa bằng cách hướng dẫn quần chúng Phật tử sống tôn trọng, thông cảm và có trách nhiệm với nhau theo những điều Đức Phật đã dạy. Về vấn đề chiến tranh, bạo động và khủng bố, Phật giáo luôn khuyến khích quần chúng thể hiện lòng từ bi, sống trong tỉnh thức và chánh niệm vì một đời sống hòa bình, hạnh phúc và an lạc… Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, nhằm chia sẻ đau thương. Các vị giáo phẩm cũng tham gia Quốc hội để đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế và chủ trương chính sách phù hợp với thực tế xã hội, đáp ứng nguyện vọng cử tri, nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp hơn[7]. Đạo và đời không tách biệt, thậm chí nẻo đạo cũng vì cứu đời mà thành ra nẻo đạo. Muốn cứu đời, người tăng sĩ cần chuẩn bị kiến thức vững vàng về Phật pháp lẫn kiến thức cập nhật thực tiễn, nhất là đời sống thông tin quảng bác hiện nay, nhất là tốc độ phát triển khoa học kỹ nghệ như hiện nay. Tựu trung, nhập thế không thể tách rời khỏi giáo dục. Giáo dục vừa là đường hướng vừa là phương tiện nhập thế.

Cho tới hôm nay, Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo thế giới trở thành một bộ phận của sinh hoạt xã hội. Do đó tinh thần nhập thế càng được đề cao hơn nữa. Cụ thể, trong thông diệp của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 kêu gọi Phật giáo thế giới đoàn kết và dấn thân nhập thế nhiều hơn nữa. Phật giáo có trách nhiệm tham gia tích cực triệt để hơn cùng nhân loại đối diện và đề xuất giải pháp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu (một trong số đó có vấn đề phản đối chiến tranh, kêu gọi chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường toàn cầu, các hoạt động cứu trợ nhân đạo, thiện nguyện, giáo dục trẻ em và phụ nữ), cùng hướng tới thế giới hòa bình, an lạc, thịnh vượng và bền vững. Trong đó, thông qua giáo dục và hoằng pháp, Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo thế giới càng nhận thấy ảnh hưởng to lớn của giáo dục trong các hoạt động dấn thân nhập thế. Giáo dục có khả năng tác động đến việc bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng khác biệt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, khắc phục xung đột niềm tin, bảo vệ môi trường sống, … Đặc biệt hơn, Phật giáo thế giới như đánh giá của liên hợp quốc, có vai trò to lớn trong việc sử dụng giáo dục Phật giáo để góp phần vào hoạt động giáo dục đạo đức toàn cầu.

Ở Việt Nam càng rõ ràng hơn, bởi chúng ta nhận thấy vai trò quan trọng của đạo Phật trong việc giữ gìn đạo đức lối sống con người hiện đại. Trước sức ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa mới, con người dễ lầm lạc khiến suy đồi đạo đức hành vi. Bằng khả năng và phương tiện thiện xảo, đạo Phật có thể góp phần giữ gìn đạo đức con người bằng hoạt động giáo dục. Huống hồ, Phật giáo Việt Nam đã có lịch sử du nhập và phát triển lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, có chỗ đứng vững vàng trong nền văn hóa dân tộc bao đời nay, sẵn có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức người Việt; thế nên việc xây dựng hoạt động giáo dục Phật giáo tích hợp với hệ thống giáo dục dân sinh hoàn toàn khả thi và hứa hẹn mang lại ích lợi to lớn cho đời sống đại chúng hôm nay.

3. Hoạt động đào tạo tăng tài đương thời – thách thức và triển vọng

Cuộc vận động chấn hứng Phật giáo hơn một thế kỷ trước diễn ra ở Nam kỳ gắn liền với hoạt động đào tạo tăng tài. Bởi yếu tố con người là hạt nhân cốt cõi cho việc chấn hưng, gây dựng lại sức sống mới cho đạo Phật. Do đó, chư vị Hòa thượng hồi đầu chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ đã chú ý đến thành lập Phật học đường. Có thể gợi nhớ đến chư vị Hòa thương Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Liên Trì, Thiện Niệm, Huệ Quang, Từ Nhẫn, tại Linh Sơn tự (Sài Gòn) thành lập Hội Nam kỳ Phật học. Trong việc này, chú trọng hơn cả ở ba việc, lập Phật học đường đào tạo tăng tài, phát triển cơ quan ngôn luận, nghiên cứu nâng cao Phật lý. Công lao của Hòa thượng Khánh Hòa trong việc này ở giai đoạn đầu chấn hưng và xây dựng hệ thống đào tào Phật giáo, có thể nói là rất lớn. Hòa thượng phải lao tâm khổ trí, huy động khắp nơi, chưa kể sang tận Nam Vang để tìm hiểu cách thành lập và xây dựng Phật học đường, lại còn chịu điều tiếng không hay, phải thanh minh trên tập chí Duy Tâm[8].

Tiếp nối truyền thống chấn hưng Phật giáo trên phương diện giáo dục, hoạt động đào tạo tăng tài hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu, thế nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức mới. Kể từ sau 1975, hoạt động đào tạo của những cơ sở đào tạo Phật giáo như Viện Đại học Vạn Hạnh không còn nữa, hay trường hợp Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm tiếp tục các khóa cao học đến những năm 1977-1979 thì cũng kết thúc, trở lại với khóa tu nội điển thông thường (do Hòa thượng Trí Tịnh đảm nhiệm). Thế nhưng, sau khi thống nhất Phật giáo 1981, nhiều vận hội mới mở ra cho hoạt động tu tập và giáo dục đào tạo.

Trong bối cảnh văn hóa chiều hiện nay, thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng dẫn đến sai lạc, có nguy cơ suy đồi nhân cách đạo đức. Ý thức trách nhiệm giáo dục song hành hoằng pháp, Phật giáo đứng trước thách thức thời đại trong việc rèn luyện xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ hiện nay. Cụ thể, thanh niên hiện nay thường sa vào lối sống vội, thậm chí sống bất chấp, phần nhiều vị kỷ, ưa hưởng thụ cá nhân, sống thiếu lý tưởng và nền tảng đạo đức. Giáo dục xã hội, giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình hiện nay, dường như cũng đang thiếu một lập trường đạo đức mà chúng ta có thể nhìn thấy ở đạo Phật – tức là từ bi hỷ xả. Do đó, đạo Phật có khả năng kèm theo đó là thách thức, đòi hỏi đạo Phật đưa giá trị từ bi hỷ xả vào bài học đạo đức cho lứa tuổi thanh niên, làm sao vừa thiết thực vừa thuyết phục.

Nhưng trước hết, dạo Phật làm sao phải đủ tươi mới và thu hút thanh thiếu niên và tất cả đại chúng, tránh những cảm dỗ bủa vây chung quanh. Nhứt là thời đại công nghệ thông tin, thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận với những luồng văn hóa ngoại lai, nguy hại. Việc này ảnh hưởng, phá hủy thế giới quan nhân sinh quan lành mạnh của thanh thiếu niên cũng như đại chúng nói chung. Phật giáo cần nhận thức nghiêm túc vấn đề này. Bởi lẽ, chẳng riêng gì đại chúng và thế hệ thanh thiếu niên, giới tăng sĩ tu học hôm nay cũng dễ dàng tiêm nhiễm những tệ lậu trên không gian thực tế ảo, phần nối dài của đời sống thực tiễn mà sinh hoạt trên không gian đó cho tới nay ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.

Nhà nghiên cứu trẻ Võ Quốc Việt ở Long An

Thực tiễn cho thấy, hiện nay vẫn tồn tại hai quan niệm đối với giáo dục Phật giáo. Một đằng chủ trương, người tu học chỉ nên tu trì Phật học, tránh can dự và thế sợ, nói khác là tự rào vuông bản thân trong môi trường tự viện. Một đằng chủ trương mạnh dạn cải cách, đưa giáo dục Phật giáo tiếp cận với sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên nếu chỉ hướng nội, dễ biến việc giáo dục tu học trở thành lý thuyết suông. Huống hồ giáo dục căn bản đã là một hoạt động nhập thế (như đã nói phần trên), cho nên một khi tiếp cận hoạt động giáo dục thời không thể né tránh đối diện với thực tiễn xã hội. Ngược lại, việc hăng hái tham gia các hoạt động xã hội cũng đưa người tăng sĩ đến chỗ xa rời chánh pháp, dễ như người đi đêm, sương mỏng lâu dần cũng ướt áo.

Để hướng tới tương lai giáo dục Phật giáo, cũng như đề xuất giải pháp khả dĩ, ta cần xác định lại hình tượng con người mà giáo dục Phật giáo muốn hình thành. Hẳn nhiên, trước hết là tấm lòng tín ngưỡng đạo Phật; nhưng ngoài ra hình mẫu con người mà giáo dục Phật giáo hướng tới còn gắn liền nhu cầu thời đại, sao cho phù hợp và đáp ứng xu hướng phát triển trong tương lai. Đó là hình mẫu con người vừa có kiến thức, am hiểu về tư tưởng triết ký, lịch sử và văn học Phật giáo, mà còn trở thành người có khả năng ứng dụng kiến thức Phật lý, áp dụng thực hành tu tập cho bản thân và cộng đồng, có lý tưởng sống tích cực cống hiến cho xã hội, đồng thời không ngừng thích nghi cập nhật thực tiễn đời sống nắm bắt xu thế phát triển.

Do đó, giáo dục Phật giáo hôm nay càng muốn hướng đến tương lai, càng phải trở lại gắn kết chặt chẽ với cốt lõi Phật pháp. Trong số đó, bát chánh đạo chính là nền tảng đúng đắn, thiết thực và gần gũi nhất. Ví dụ như, chánh kiến “là sự hiểu phải, hiểu đúng đắn, theo thông thường cả bên đời và bên đạo, cả phàm pháp lẫn thánh pháp”[9]. Cho nên, chẳng riêng gì người thế tục, người tăng sĩ cũng xác định việc giáo dục trước hết là việc tìm cái hiểu đúng đắn, rộng rãi. Không phân biệt cái hiểu của nẻo đời hay nẻo đạo. Nhất là hiện nay, người tăng sĩ dễ sa ngã bởi những cám dỗ của đời sống thế tục nên càng phải được trang bị những kiến thức giáo dục về đời sống xã hội nhiều hơn nữa, gần gũi hơn nữa. Đó là tạo ra sức đề kháng cho người tăng sĩ trước sức xô đẩy của đời sống xã hội hôm nay. Chánh kiến giúp cho người thế tục cũng như hàng tăng sĩ lúc nào cũng giữ được trạng thái tỉnh thức, không bị đảo điên trong tà kiến. Thế nhưng, việc mở rộng phạm vi giáo dục như vậy cũng ẩn tàng nguy cơ lung lay tâm trí. Do đó, vai trò của người đạo sư càng quan trọng hơn. Lấy người tu học làm trung tâm, nhưng không vì vậy mà hạ thấp vai trò của người giảng dạy. Chánh tư duy “là suy nghĩ phải, chỉ về suy ngĩ trong việc tìm phương pháp để ra khỏi ngũ dục, suy ngĩ trong việc không thù oán chúng sanh; suy nghĩ trong việc không làm khổ chúng sanh cho thân tâm được giải thoát khỏi các sự thống khổ”[10]. Tựu trung, chánh tư duy là sự băn khoăn suy nghĩ đưa tới tìm ra phương pháp thoát khỏi thống khổ, giúp giải thoát con người khỏi thống khổ. Điều này cũng là lời nhắc nhở chúng ta trong việc truy vấn và phản vấn trong tiến trình dạy học. Mối quan hệ trực tiếp giữa người dạy và người học biểu hiện dễ thấy nhất là hành vi hỏi và trả lời. Thế nên, người học cần được điều chỉnh và định hướng đến với những phát vấn đúng đắn; phát vấn đúng đắn đưa tới suy nghĩ đúng đắn. Việc này khiến ta nghĩ tới cần xây dựng phương pháo giáo dục phù hợp, làm sao vừa đảm bảo ứng dụng các phương pháp dạy học hiện đại vừa đảm bảo người học không bị trì kéo vào những suy tư có hại. Chánh ngữ “là không nói 4 lời dữ (nói dối, nói lời chia rẻ, mắng chưởi, nói lời vô ích)”. Ngôn ngữ là phương tiện tư duy, cho nên chánh ngữ kỳ thực là phương pháp giữ gìn cho thân khẩu ý chánh tư duy, không sa vào suy tưởng hàm hồ vô ích nguy hại.

Dựa trên bài học lịch sử của quá trình chấn hưng và dấn thân nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại, có lẽ chúng ta có thể rút ra bài học giáo dục cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo hôm nay. Đó là tinh thần tiến bộ, mạnh dạn đổi mới và vận động liên tục với thời đại. Ngoài ra, trên quá trình phát triển, không ngừng trau dồi bảo toàn chánh pháp, gắn bó máu thịt với đời sống dân gian và văn hóa dân tộc. Việc này mang lại sinh khí luôn tươi mới hiện đại và sức sống bền bỉ cho đạo Phật, trải qua nhiều thời kỳ.

Kết luận

Khởi đầu làm cuộc chấn hưng, Phật giáo Việt Nam nhận thức rõ ràng vấn đề con người là mối quan tâm hàng đầu. Dầu cuộc chấn hứng trải khắp ba miền nước Việt, nhưng mỗi nơi có đường hướng khác nhau. Nam kỳ thiên về đường giáo dục, Trung kỳ thiên về đường kiện toàn tổ chức tăng đoàn chỉnh lý giới luật, Bắc kỳ thiên về đường nghiên cứu dịch thuật chỉnh lý kinh điển. Có thể nói, ba phương diện này cùng góp phần làm cho cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà trở nên hoàn thiện hơn. Ba đường hướng chẳng mâu thuẫn mà ngược lại bổ sung cho sau. Kể từ thời kỳ đầu xây dựng cuộc chấn hưng, trải qua vài thập kỷ đã gặt hái không ít thành tựu. Kéo theo đó, Phật giáo Việt Nam đứng trước yêu cầu hợp nhất tăng đoàn, nhằm tạo sức mạnh tổng lực thúc đấy cuộc chấn hưng. Để thực hiện ý hướng này, giáo dục phải là ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, giáo dục đáp ứng yêu cầu nhân lực cho cuộc chấn hưng. Đào tạo tăng tài mang lại nội lực cần thiết, thi triển ra các phương diện khác của cuộc chấn hưng: dịch thuật, nghiên cứu, ngôn luận, tuyên truyền, hoạt động cộng đồng, … Vấn đề giáo dục và đạo tạo cũng đóng vai trò cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa.

Trải dài hơn một thế kỷ, giáo dục Phật giáo Việt Nam dần hình thành và phát triển. buổi đầu vận động nhiều gian khó của nhiều bậc cao tăng đến này còn là tấm gương sáng cho hậu thế. Cho đến khi trái ngọt cây lành trổ ra xanh mát, giáo dục tăng tài đi từ chỗ kiện toàn bộ máy tổ chức cho tới kiện toàn chương trình và nội dung đào tạo. Dần dà phát triển các bậc học, hướng tới đào tạo hình mẫu con người vừa ở vị thế người tăng sĩ giữ gìn chánh pháp lẫn vị thế người trí thức của thời đại mới ý thức rõ ràng trách nhiệm xã hội, đó là cả tiến trình cộng lực gian nan của nhiều thế hệ tăng sĩ và cư sĩ, cũng như tấm lòng hộ pháp của nhiều tín đồ nhiệt thành.

Tìm hiểu công cuộc chấn hưng trên phương diện giáo dục, chúng ta còn có thể rút ra nhiều bài học đáng quý khả dĩ ích lợi cho bối cảnh đương thời. Trong đó, đáng chú ý nhất là ý hướng đưa giáo dục Phật giáo vào giáo dục gia đình. Nhất là hiện nay, giáo dục gia đình chưa được chú ý đúng mức. Dưới mái gia đình, sinh hoạt tinh thần có mức độ gắn bó cao độ, là môi trường thuận tiện cho việc gieo trồng chánh pháp. Thế nhưng hiện nay, giáo dục gia đình và giáo dục Phật giáo chưa đạt được mức độ gắn kết chặt chẽ. Phần nhiều vẫn là các tín đồ ở lứa tuổi trung niên, giáo dục Phật giáo dường như chưa chú ý nhiều đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc này khiến chúng ta nhìn nhận lại phương thức tiếp cận và nội dung truyền giảng sao cho gần gũi và thiết thực với đối tượng này.

Từ chấn hưng đến giáo dục và nhập thế, đây là quá trình gắn kết chặt chẽ, ảnh hưởng qua lại, biểu hiện sức sống và sự vận động của Phật giáo qua các thời kỳ. Nhìn lại giáo dục và nhập thế, chúng ta nhận thấy Phật giáo Việt Nam dẫu ở thời kỳ nào cũng song hành với vận mệnh đất nước. Thông qua giáo dục, Phật giáo ngày càng gắn chặt đạo Phật vào văn hóa dân tộc và lợi ích quốc dân, góp phần canh tân phát triển đất nước, nâng cao dân trí và đạo đức lối sống. Thông qua nhập thế, người tăng sĩ thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm với cộng động, nối liền nẻo đời và nẻo đạo. Mối quan hệ càng khiến cho đạo Phật phổ truyền rộng rãi hơn trong đời sống con người, chiếm lĩnh vị trí quan trọng nhiều hơn nữa trên tiến trình vận động phát triển của đất nước. Nhìn từ phía giáo dục, Phật pháp, đạo đức và văn hóa dân tộc, là một thể thống nhất không thể tách rời, tương hỗ vận động giữa dòng chảy thời đại.

Rừng Dầu, 30.3.2021

VÕ QUỐC VIỆT

Tài liệu tham khảo:

– Ban khảo cứu (1935), Lời mở đầu, Kỷ yếu Phật giáo hội Bắc kỳ số 1 (năm 1935), Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội.

– Ban sáng lập (1934), Điều lệ Lưỡng Xuyên Phật học hội, đăng lại trên Nguyệt san Phật học Viên Âm năm thứ II số 14 (tháng 3&4/1935), tr.60-64.

– Ban trị sự (1935), “Kính trình các giáo hữu hội viên Hội Phật giáo”, Tuần báo Đuốc Tuệ ra ngày thứ ba năm thứ I số 2 (17/12/1935), Phật giáo hội, Hanoi.

– Ban trị sự (1938), Phật học tổng hội (Bức thơ công khai gởi cho các Hội Phật học miền trong Nam kỳ và Cao Miên). Tập chí Duy Tâm Phật học năm thứ IV số 28 (tháng 1&2/1938), Lưỡng Xuyên Phật học hội, Travinh, tr.153-155.

– Thích Minh Châu (1967), Tôn giáo phải là con đường giải thoát cho Việt Nam và thế giới, Tạp chí Tư Tưởng SỐ 1 {1} (01-08-1967), Viện Đại học Vạn Hạnh, Saigon, tr.363-371.

– Thích Trí Chơn (dịch, 1972), “Sự phục hưng Phật giáo ở Tích Lan”, Từ Quang Phật học, số 234, tr.29-34.

– Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

– Tâm Đức (2010), Như áng mây bay – Cuộc đời của Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thất chúng môn đồ, Hoa Kỳ.

– Nguyễn Đại Đồng (2009), Thiện Chiếu – Nhà cải cách Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3, tr.25-29.

– Nguyễn Đại Đồng và Nguyễn Thị Minh (Sưu tầm và biên soạn, 2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam  từ 1927-1938), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

– Hòa thượng Khánh Hòa (1929), Mầy lời bày tỏ. Tạp chí Pháp Âm số 1, (chùa Sắc Tứ ở Xoài Hột, Mytho), tr.2-4.

– Hòa thượng Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mươi năm về trước”, Tập chí Duy Tâm Phật học, Năm thứ hai số 16 (1/1/1937), Lưỡng Xuyên Phật học hội, Trà Vinh, tr. 229-232.

– Hội Phật giáo Trung Quốc (1936), Tiếng Chuông sớm, số 15.

– Hội Phật học Việt Nam (1952), “Lời nói đầu”, Nguyệt san Viên Âm, số 112.

– Hội Phật học Việt Nam (1952), “Thái Hư Đại sư”, Nguyệt san Viên Âm, số 112.

– Thích Gia Quang (2003), Thiền sư Thiện Chiếu – Một nhà sư cách mạng, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 3/2003, tr.35-40.

– Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục (tập 1), Tổng hội Tăng già Trung Phần xuất bản, Huế.

– Thanh Tâm cư sĩ (1936), Phật giáo để nung đúc tinh thần dõng mãnh cho quấc dân. Tập chí Duy Tâm Phật học năm thứ II số 7 (1/4/1936), Lưỡng Xuyên Phật học hội, Travinh, tr.369-373.

– Thanh Tâm cư sĩ (1937), Thanh niên đối với Phật giáo nước nhà, Tập chí Duy Tâm Phật học năm thứ III số 23 (1/8/1937), Lưỡng Xuyên Phật học hội, Travinh, tr.606-608.

– Thích Huệ Thông (2020), Nhận thức về tinh thần nhập thế của Phật giáo, Tạp chí Văn hóa Phật giáo chuyên đề Cư trần lạc đạo số 358 (15/12/2020), tr.51-55.

– Tỳ khưu Hộ Tông (2504/1961), Bát thánh đạo (in lần thứ II), Nhà in Hạnh Phúc, Saigon.

– Tỳ khưu Hộ Tông (2518/1974), Phật giáo (Chính lời Phật thuyết), Nhà in Hạnh Phúc, Saigon.

Ngoại văn:

– Mandakini Dubey (2003). Esotericism and Orientalism: Nineteenth Century Narrative Initiations. Durham: Duke University Press.

– Stephen Prothero (1996). “Henry Steel Olcott and the Sinhalese Buddhist revival”, in The White Buddhist: The Asian odyssey of Henry Steel Olcott. Bloomington: Indiana University Press, pp. 13-19.

– Gauri Viswanathan (1998). Outside the Fold: Conversion, Modernity and Belief . Princeton: Princeton University Press.

____________________________

[1] Thích Huệ Thông (2020). Nhận thức về tinh thần nhập thế của Phật giáo. Tạp chí Văn hóa Phật giáo chuyên đề Cư trần lạc đạo số 358 (15/12/2020), tr.51-55.

[2] Thích Gia Quang. (2003). Thiền sư Thiện Chiếu – Một nhà sư cách mạng. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3/2003, tr.35-40.

[3] Thiện Chiếu (1927), Cái vấn đề chấn hưng Phật giáo ở nước nhà (Đông Pháp thời báo số 532 ngày 14.1.1927), trong tài liệu của Nguyễn Đại Đồng và Nguyễn Thị Minh (Sưu tầm và biên soạn, 2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam  từ 1927-1938), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.17-18.

[4] Thích Minh Châu (1967), Tôn giáo phải là con đường giải thoát cho Việt Nam và thế giới, Tạp chí Tư Tưởng SỐ 1 {1} (01-08-1967), Viện Đại học Vạn Hạnh, Saigon, tr.363-364 (363-371).

[5] Thiện Tòng (1927), Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà (Đông Pháp thời báo số 538 ngày 26.1.1927), trong tài liệu của Nguyễn Đại Đồng và Nguyễn Thị Minh (Sưu tầm và biên soạn, 2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam  từ 1927-1938), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.26.

[6] Xem bài của Thanh Tâm cư sĩ (1937). Thanh niên đối với Phật giáo nước nhà. Tập chí Duy Tâm Phật học năm thứ III số 23 (1/8/1937). Lưỡng Xuyên Phật học hội. Travinh, tr.606-608.

[7]Thích Huệ Thông (2020). Nhận thức về tinh thần nhập thế của Phật giáo. Tạp chí Văn hóa Phật giáo chuyên đề Cư trần lạc đạo số 358 (15/12/2020), tr.54-55 (51-55).

[8] Hòa thượng Khánh Hòa (1937), “Người mượn chữ lục hòa cách đây mươi năm về trước”, Tập chí Duy Tâm Phật học, Năm thứ hai số 16 (1/1/1937), Lưỡng Xuyên Phật học hội, Trà Vinh, tr. 229-232.

[9] Tỳ khưu Hộ Tông (2504/1961). Bát thánh đạo (in lần thứ II). Nhà in Hạnh Phúc. Saigon, tr.9.

[10] Tỳ khưu Hộ Tông (2504/1961). Bát thánh đạo (in lần thứ II). Nhà in Hạnh Phúc. Saigon, tr.11.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *