Vanvn- Võ Chí Nhất sinh năm 1993 tại huyện Củ Chi, TPHCM hiện đang công tác trong ngành công an tại quê hương đất thép, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM. Anh đã xuất bản Hoàng cung (tiểu thuyết, NXB Văn hóa Văn nghệ 2016); Khiếu ăn mày (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa Văn nghệ 2018), Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình (tập truyện ngắn, NXB Tổng hợp TPHCM 2020).
“Tôi viết truyện để thỏa chí đam mê chứ thật sự cũng không dám nghĩ đến việc sẽ trở thành nhà văn hay gì cả”. Nhỏ nhẹ khiêm tốn tâm sự như vậy, nhưng chàng trai trẻ Võ Chí Nhất cho thấy năng lực và đam mê bền bỉ với con đường sáng tạo văn chương, khi anh không ngừng học, đọc và tự làm mới trang viết của mình. Ưu thế làm việc trong ngành công an cùng cái máu phiêu lưu bẩm sinh sớm hình thành trong Võ Chí Nhất chất trinh thám và anh thể hiện điều ấy một cách hấp dẫn trên trang văn, khởi đầu là kể chuyện, càng về sau càng uyển chuyển, góc cạnh, giàu sức liên tưởng, kỳ khu hơn.

GÃ SĂN CỔ VẬT
1. Lĩnh “đồ cổ” đã đợi ngày này lâu lắm rồi!
Cả tháng nay trong đầu gã chỉ có ngày 2 tháng 9. Ngày mà gã được trả tự do. 18 tháng “nghỉ đông” đột nhiên bị phá bĩnh bởi hai từ đặc xá. Không quen lắm nhưng gã thích sự phá bĩnh này, nhiều đêm rồi gã không thể chợp mắt vì mừng. Ở đây, sự buồn chán khiến Lĩnh thiếu kiểm soát. Gã chẳng biết làm gì ngoài việc tiêu hao năng lượng cho việc giảm thiểu sự nhàm chán bằng cách đan những con thú bằng nilon. Cứ nghĩ tới những ngày “đi sứ”(1) sắp tới, những món cổ vật “ngon lành” đang chờ, lòng gã lại rộn lên như một tay săn sách tóm được bản thảo gô tích cổ. Lĩnh đứng ngồi không yên, cứ đi tới đi lui đến nỗi bạn tù phải thốt lên: “Đít mày có nhọt à” gã mới chịu gieo mình xuống sàn ôm ấp sự im lặng – người bạn đồng hành kiệm lời. Chúng ta thường ngăn sự nhàm chán bằng cách giữ mình bận rộn. Bởi thế, tâm trí gã vẫn cứ mải đuổi theo mớ đồ cổ chạy lung tung trong đầu mình.
Giới săn đồ tận dụng mấy tháng mùa khô để đi sứ. Những lúc rảnh rang thì buôn bán nhì nhằng hoặc ngồi lê la tổ tôm, bù khú với đám thợ săn già nghề. Hết tiền lại lên rừng làm xu(2). Thường thường, Lĩnh “đồ cổ” sẽ hóa trang thành thợ săn ảnh để có thể tự nhiên săm soi vào mọi xó xỉnh mà không bị ai để mắt tới. Hễ chỗ nào có món đồ ngon thì y như rằng nhà có gái đẹp. Không sớm thì muộn Lĩnh “đồ cổ” cùng bọn đàn em cũng đánh hơi ra được. Đó là kỹ năng đặc biệt của người làm nghề. Mỗi năm chỉ cần trúng vài “quả” là đủ ăn. Còn năm ngoái, quả lớn nhất của gã là quả… Chí Hòa. Lĩnh cay còn hơn cắn ớt.
Nghĩ đến ngày tháng ăn nên làm ra trước kia mặt Lĩnh thuỗn ra như cái lưỡi cày bị cùn. Những ngày chờ đặc xá rặc cái đồng hồ chết giờ, nhìn đâu cũng thấy tuyển thủ đội Juventus. Gã chán. Chán. Chán lắm rồi. Gã thở dài đánh thượt rồi lấy cái gương ra soi. Cái gương nhỏ mà người bạn kết nghĩa trong một chuyến đi sứ tặng Lĩnh trước lúc vào đây. Lĩnh “đồ cổ” đưa tay vuốt tóc. Mái tóc mà 18 tháng trước gã chải như Đan Trường. Nhưng giờ thì thảm hại rồi. Mái tóc bị cắt cụt lủn như một cây chổi lông rẻ tiền. Đến nỗi mỗi khi tắm xong, gã phải thốt lên trong nỗi tái lịm: “Thợ săn đồ cổ lừng danh một thời đây sao?” Rồi gã giận một khối căm hờn sau song sắt. Mặt Lĩnh co rúm lại, răn reo như vừa tốn một khoảng ngu phí cho một món hàng rởm, sau đó là một tiếng gằn thật dai xả hết sự bực tức vào cái gương. Gã lăn dài ra sàn tiếp tục ôm ấp sự im lặng, chỉ nhớ rằng ngày mai đây, Lĩnh “đồ cổ” sẽ được tái xuất giang hồ.
Lĩnh thôi vò đầu bứt tóc ngồi trầm tư như một vị ẩn sĩ quan sát nhân tình. Lúc này gã chỉ muốn nghiền ngẫm những việc đã qua, tỉ mỉ toan tính những dự định ấp ủ bấy lâu. Vì sắp đến lúc để thực tiễn kiểm chứng mớ lý thuyết hàn lâm đó rồi. Gã sực nhớ bạn tù xung quanh vẫn còn đang nghỉ ngơi nên miễn cưỡng đặt đít xuống chiếc chiếu bóng lưỡn quen thuộc.
2. Sáng hôm sau, khi tiếng chìa khóa keng keng vang vang rồi tiếng kéo then cửa lách cách gần bên tai, gã xốn xang như đứa trẻ dậy thì sớm. “Tự do, tự do rồi”, gã nói bụng thế. Rồi hai người, một Trung úy, một Thiếu úy bước vào phòng giam dõng dạc đọc tên những con người may mắn được đặc xá, trong đó chắn chắn có tên Lĩnh “đồ cổ”. Gã đã nhận lại đồ lưu ký, giờ đi lăn tay rồi có thể cầm quyết định đặc xá đường đường chính chính rời khỏi nơi này. Gã bị giam ở đây cũng như một món cổ vật nằm sâu dưới lòng đất đến bây giờ mới được đào xới lên, mang vào viện bảo tàng trưng bày một cách đúng nghĩa. Rồi người ta sẽ biết đến giá trị của gã. Việc cần làm lúc này là Lĩnh “đồ cổ” làm ra bộ dạng nghiêm túc cho dù quá khứ đầy biến động của gã đã được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, một vụ lừa đảo đầy tai tiếng.
Về lừa đảo, gã có những bậc tiền bối lừng danh(3). Vì thế, Lĩnh “đồ cổ” chẳng hề thấy áy náy.
Lĩnh đi như chạy nhưng bị Trung úy vịn lại:
– Lo mà làm ăn cho tử tế, tao không muốn gặp lại mày đâu. – Trung úy nghiêm giọng nói.
Lĩnh dám cá rằng, sự ra đi của gã đã mang lại một niềm vui không nhỏ cho Trung úy nhưng niềm vui đó không hề được biểu lộ trên khuôn mặt cứng cát kia. Thế nên Lĩnh “đồ cổ” giả lả, cười như không cười vì gã nhận ra con người chúng ta không bao giờ nói những điều có thể đi vào trái tim nhau mà chỉ nói toàn lời đắng cay. Cuộc đời luôn trái khoáy như thế.
– Tôi làm gì phạm pháp thưa cán bộ?
– Phải rồi! Hiện tại thì không nhưng sau này thì khó mà nói trước được. Dù sao cũng mừng cho mày, hòa nhập cộng đồng cho tốt nhé!
– Tôi còn nhiều dự định phải thực hiện ngay sau khi rời khỏi nơi này. Thôi, chào cán bộ!
Lĩnh “đồ cổ” từ biệt nơi đã che chở gã suốt mấy mùa mưa gió bằng điệu Moonwalk nổi tiếng trước con mắt đầy ganh tị của các bạn tù khác. Có người nói với ra: “Nhớ thường xuyên vào thăm tụi tao nghen Lĩnh đồ cổ” rồi cả đám tù cười ồ lên.
Câu đùa làm Lĩnh chạy trối sống. Một lần này thôi là gã tởn tới già: “Tao còn phải lo làm ăn hơi đâu vào thăm tụi mày, lũ điêu”. Việc đầu tiên sau khi ra tù là Lĩnh đi gặp thằng đệ kết nghĩa của mình. Thằng Thạch. Cái thằng có cặp mắt to như con khỉ cú, mũi như khỉ vòi, một ví dụ xuất sắc khi tìm hiểu về loài khỉ. Thạch đương nhâm nhi cuốn “Đập cái bình cổ” bổ sung kiến thức để có thể mang ra tiếp chuyện mấy tay thợ săn lúc cần thiết. Thấy Lĩnh, Thạch “khỉ” vứt ngay quyển sách đi vì chính Lĩnh đã là một cuốn sách chuyên về khảo cổ rồi. Ngay cả những cuốn sách khảo khổ bán đầy thị trường đấy là người ta viết thế thôi, nhưng chính tác giả cũng chưa bao giờ được kiểm chứng những gì mình viết có đúng thực tế không.
Thạch nhảy cẫng lên sui sướng khi gặp lại Lĩnh “đồ cổ”. Rồi Thạch đưa gã vào nhà, chính xác là cái kho, nơi mà Lĩnh ký gửi đồ trước khi “nghỉ đông”. Sự am tường đồ cổ của Thạch chỉ lõm bõm nên gã cũng chả thèm rớ tới mấy món đồ đó làm gì. Vả lại Lĩnh sa chân Chí Hòa cũng là rồng mắc cạn, sớm hay muộn cũng được trả tự do. Thằng đàn em như gã sức mấy mà dám qua mặt. Vừa thấy, Lĩnh nhảy tới nâng niu từng món một:
– Cái này là đèn dầu Hoa Kỳ, này là đèn bầu pha lê Pháp, mảnh giấy cói, cái bi đông thời chiến… mớ đồng xu cổ, vẫn còn thiếu một vài thứ nữa. – Gã ngoái mặt lại nhìn Thạch đương ngoáy mũi – Ngày mai tao sẽ tới viện bảo tàng nhận về một vài món đồ. Tới lúc giải phóng mớ đồ này kiếm chút đỉnh bồi dưỡng rồi. Trong đó ăn uống sa sút quá, tao sụt hơn 10 ký lô đấy. – Lĩnh nhìn khuôn mặt béo bệu của Thạch “khỉ” mà tủi. Gã hít mũi làm ra vẻ oan khuất, mặt đỏ dừ như muốn khóc. Nhưng điều gã tiếc không phải là 10 ký lô mà là mái tóc, mái tóc hệt thần tượng. Rồi gã nghĩ đến mỗi việc tụ tập tại quầy bar, làm một cốc bia lạnh sủi bọt tự do ngắm các cô em thỏa thích mà không bị bé cưng ngồi kế bên ngắt hay nhéo.
Dường như Thạch “khỉ” chả quan tâm mấy đến chuyện Lĩnh “đồ cổ” nói. Hắn cười suốt buổi. Nếu để mớ đồ cổ dày công sưu tầm trong tay một người thiếu I-ốt như thằng Thạch cất giữ thì thật lo lắng, bởi thế nên trước khi đến Chí Hòa, Lĩnh đã gửi hết số ngon ở viện bảo tàng. Gửi vào đó để chuyển tải thông điệp lịch sử đến người dân mà lại được bảo quản kỹ càng chẳng phải hay hơn sao? Vậy mà thằng đệ vẫn chưa chịu hiểu ra, cứ thể hiện sự ngớ ngẩn của mình bằng những lời lẽ ngu xuẩn. Gã lắc đầu nguầy nguậy kèm theo lắm nỗi lo. Lĩnh không ngờ sau 18 tháng gặp lại thằng Thạch khỉ vẫn không tiến bộ lên chút nào. Sự kỳ vọng của thằng đàn anh đối với hắn là vô vọng.
– Mày khờ quá khỉ à! Theo tao mà không khôn lên được là tại mày đó.
– À, đại ca – hắn vò mái đầu bờm xờm, ấp úng – có chuyện này em không biết có nên nói hay không. Lúc anh đi vắng, lão Khánh Tường ở Hóc Môn vừa tầm được chiếc đĩa trà Khánh Xuân Thị Tả, đẹp như Ngọc Trinh(4)! Đại ca thấy mà không mê thì gì em cũng chịu – Hắn vừa nói vừa xuýt xoa hai bàn tay tỏ ý thèm muốn.
Mặt dù đương mệt nhưng nghe tới đồ cổ là mắt Lĩnh sáng lên như ánh lửa pháo hoa:
– Thật sao? Cái đĩa đó thời giá bây giờ ít nhất cũng 8000 USD. Nhưng với tao thì tiền bạc chỉ là phụ, đam mê mới là chính. Nhưng sống được với đam mê mới khoái.
– Phải phải, đại ca nói đúng lắm. Mình đi xem thử không?
Lĩnh im lặng rồi đảo mắt một vòng trên trần nhà như đang dự tính điều gì. Lão Khánh Tường mà thằng đàn em vừa nhắc tới gã còn lạ gì nữa. Một con người cao giá, nổi tiếng trong nghề với lối sống lập dị thế cũng chẳng trách. Điều đáng trách là lão không xem anh em trong nghề ra gì. Hồi mới vào nghề Lĩnh bị lão cho một vố nhớ đời. Qua các mối lái, Lĩnh mua được chiếc lọ độc bình đời Minh của một gia đình người Hoa ở phố đồ cổ. Gã mừng lắm. Vài hôm sau, Lĩnh mang đến mấy tay đầu nậu bán để ăn chênh lệch thì họ lắc đầu, cười: “Đồ giả chú mày ạ”. Nghe thế Lĩnh hoảng quá, đành bán thốc bán tháo cho lão Khánh Tường giá hai triệu đồng để hòa vốn. Ít lâu sau, Lĩnh mới biết chiếc độc bình về tay chủ mới với giá gấp 80 lần nhờ thủ đoạn của lão Tường và thói đỏng đảnh của thị trường đồ cổ. Giờ nghĩ lại gã vẫn còn tức cành hông. Tâm tư của gã lúc nào cũng bị ám ảnh bởi hành vi của con người lập dị kia. Nghĩ cách trả thù cho lòng tự ái bị tổn thương là điều cần thiết, và bất kỳ một tay buôn đồ mẫn tiệp nào trong hoàn cảnh này cũng sẽ làm thế. Lĩnh “đồ cổ” lầm bầm: “Hồi đó mình còn non tay nên mới tuột xích thôi. Còn giờ thì phải cho lão một vố rồi”.
Ngay hôm sau, Lĩnh “đồ cổ” phone cho đám bạn cũ để dò hàng nhưng mục đích chính là thông báo cho họ biết sự trở lại của một thợ săn lành nghề. Cốt yếu là để bọn đàn em dò hỏi cái đĩa Khánh Xuân Thị Tả mà lão Tường đang sở hữu thực hư thế nào. Mỗi ngày đều có cả chục thương lái tới hỏi thăm lão cái đĩa ấy. Vì đây là món hàng nhà Nguyễn đặt làm ở Trung Quốc nên lão ta chưa dám ra giá chứ đồ Việt xưa lão sành như lòng bàn tay. Khánh Tường sinh lo vì mười người đều cho mười ý kiến khác nhau, lão chỉ biết cái đĩa của mình có giá 8000 USD mà thôi. Ngay ngày hôm sau, lão nhận một nhân viên để làm công việc cao quý là canh giữ cái bình cổ ở phòng trưng bày nhà lão. Khi phỏng vấn, lão cho người nhân viên ăn một bát xúp(5). Sau khi ăn xong bát xúp thì công việc của hắn chính là canh giữ cái đĩa kia cho đến khi lão tìm được người để gả nó, hoặc nó được di chuyển an toàn đến viện bảo tàng, nơi những ánh mắt thèm thuồng đều hóa thành những giọt nước dải. Thế nhưng bọn cò bọng chả dẫn người nào tử tế đến mua, toàn gạ gẫm. Lão còn lạ gì bọn man trá ấy. “Một lũ bịp” lão phải thốt lên như thế để đuổi cổ cả đám ra về.
Lâu nay lão muốn giải nghệ vì cái tên Khánh Tường sớm đã vang khắp giới buôn cổ vật. Con người ta khi đạt tới đỉnh danh vọng thì họ chỉ muốn phủi bỏ mọi thứ để quay về với căn phòng riêng. Lão sẽ bán sạch sành sanh kiếm một số vốn rồi cuốn gói về Củ Chi gầy dựng một trang trại, rũ bỏ mọi cám dỗ của nghề buôn đồ cổ. Ngặt một nỗi nó thú quá, chưa bỏ được. Ý định này có từ rất lâu, nói tới nói lui lại chìm vào quên lãng. Cho đến khi bà vợ phải nhắc lại đến lần thứ n lão mới ầm ừ đồng ý. Cái đĩa này là thứ cuối cùng lão động tới. Sau này nhớ quá thì vác xác đến viện bảo tàng ngắm cho thỏa. Lão nghĩ vậy.
3. Nửa đêm, lúc lão đương say giấc nồng thì nghe “có trộm… trộm…”. Tên trộm không hề biết người bảo vệ được lão an bài cho một vị trí vô cùng đẹp, có thể quan sát được toàn bộ phòng trưng bày nên sa lưới. Việc không ngoài dự đoán nhưng khi nghe người bảo vệ kêu gào, lão Tường tức tốc tới ngay. Còn tưởng là ai, hóa ra là Lĩnh “đồ cổ” – kẻ được đặc xá tuần rồi. Khuôn mặt kẻ trộm được người bảo vệ soi sáng một cách cẩn trọng.
Cơn cuồng nộ bùng lên một cách thiếu kiểm soát do tác động mạnh của cái tên: Lĩnh “đồ cổ”. Lão biết trăm sự từ thằng này ra. Chỗ ánh mắt đã từng ngắm hàng trăm món cổ vật đỏ giờ đây đỏ lửa, sâu hoắm. Lúc này, lão được phép xả hết nỗi niềm dồn nén trong lòng mấy hôm nay. Hai mắt lão bắn ra một tia nhìn nhắc nhọn trước khi sấn tới cho Lĩnh hai cái tát.
– Thì ra là mày? Hôm kia mày qua xem hàng là tao nghi rồi. Ngựa quen đường cũ, lần này cho mày đi tù mọt gông luôn. Hết chuyện lại đi trộm đồ nhà tao.
Mặt Lĩnh “đồ cổ” đỏ tưng bừng. Gã cảm nhận được sự bất hạnh dội xuống đầu mình nhưng không né được. Một sai lầm không thể vãn hồi, đành bất lực chịu sự khống chế của lão. Có lẽ Lĩnh cần nhiều lần giáp mặt với lão Tường trong một hoàn cảnh tương tự mới có thể chế ngự được cảm xúc này. Gã bối rối nhìn quanh như người mộng du bừng tỉnh. Gã nhớ những bước chân do dự đầu tiên, câu nói mà bạn tù trêu khi bước ra khỏi Chí Hòa. Câu nói đó cứ vẳng bên tai, cứ bám lấy gã như một cái ghẻ độc. Lĩnh “đồ cổ” ngắc ngứ vì ngay chính gã cũng không ngờ trước được gã bị tóm một cách dễ dàng như vậy.
– Anh Tường bỏ qua cho em lần này, em chỉ vào xem cho đỡ ghiền chứ có định trộm đâu…
Lão Khánh Tường sửng cồ, phóng tới vỗ vào đầu hắn cái độp:
– Mày nói nghe hay quá! – Rồi lão quay sang nhân viên bảo vệ – Gọi cảnh sát cho tao.
Vẻ lúng túng của Lĩnh “đồ cổ” làm nhân viên bảo vệ thích thú, hắn cười rất kịch. Tiếp xúc nhiều với cảnh sát lẽ ra Lĩnh phải dạn dĩ mới phải. Thật không như những gì hắn hình dung ban đầu – hắn kéo một hơi dài khinh bỉ. Không suy nghĩ thêm, hắn cho ý kiến:
– Dạ em nghĩ không cần gọi cảnh sát làm gì cho ồn ào. Cảnh sát mà tới đây thì dựng hiện trường, lấy lời khai tới sáng. Theo em, mình trói tay hắn lại rồi giải lên phường làm việc là được rồi, đêm khuya không phiền anh chị làm gì.
Đôi mắt đỏ ké sau cặp kính dày cộp dịu đi đôi chút vì lão Khánh Tường thấy nhân viên bảo vệ có lý. Lão gật gù, giọng phấn khích kỳ lạ. “Không uổng công tao bỏ tiền thuê mày. Hà hà”. Nói sao, làm vậy. Nhân viên bảo vệ dựng Lĩnh dậy, bẻ quặt hai tay gã ra sau như phụ nữ gài móc áo nịt vú bằng cái áo sơ mi gã đương mặc rồi cẩn thận đặt chiếc đĩa vào trong hộp xốp một cách rành rẽ như chính hắn đã từng là nhân viên gói hàng chuyên nghiệp.
– Ôi cái thằng, mày làm khỉ gì thế? Cái dĩa của… – Khánh Tường rú lên inh ỏi khi chứng kiến hành động của tay bảo vệ.
Hắn giải thích:
– Phải có tang vật mới xử lý hắn được chứ ông chủ? Cảnh sát luôn đòi hỏi thế mà…
Nghe vậy, lão Khánh Tường vỗ đùi cái đét, xuống giọng ngay:
– Hà hà, thằng này được. Giao cho mày đó. Mang đi lập biên bản rồi mang về giùm tao. Mẻ một miếng thì chết với tao.
– Dạ! Chắc chắn rồi!
– Khoan. Để tao viết mấy chữ cho công an đã! – Khánh Tường ra hiệu chờ rồi mở ngăn kéo, lấy giấy bút viết tháu gì đó. Xong, lão gấp lại, nhét vào cái hộp xốp đựng chiếc dĩa bảo vật rồi gật đầu – Xong rồi! Giải nó lên phường cho tao.
Người bảo vệ mở cửa phòng trưng bày, đá cái phạch vào đít Lĩnh rồi dẫn hắn đi. Lúc này Lĩnh loạng choạng bước đi, đến khi chìm hẳn vào màn đêm, nơi ánh đèn đường vàng khé trên cao không tài nào soi tới, Lĩnh “đồ cổ” mới rền rĩ một cách vui sướng:
– Cởi trói cho tao nhanh đi Thạch.
– Dạ, đại ca.
Lĩnh “đồ cổ” xuýt xoa gò má đỏ chét rồi hít hà trước khi cười ré lên một cách ngây dại, Gã xoa xoa nắn nắn hai bàn tay:
– Xem nào xem nào, hà hà. Tao không ngờ thằng cha lập dị này lại ngu xuẩn đến thế! Cuối cùng thì tao cũng rửa được mối hận trong lòng…
– “Ấm” rồi đại ca ơi. Lần này có tiền nhậu thả ga rồi hé hé… – Thạch khỉ cũng vui mừng không kém.
Lĩnh nhanh tay tháo hộp xốp ra. Tờ giấy gấp tư từ trong chiếc hộp tuồn xuống đất. Lĩnh “đồ cổ” nhặt lên, vì tò mò nên mở ra đọc thành tiếng:
“Chịu khó trả tiền lương cho thằng bảo vệ phản trắc thay tao nghe Lĩnh! Rồi lo mà biến cho xa. Nhớ giữ cái đĩa này cho kỹ, chừng trăm năm nữa thì giá nó không kém giá cái đĩa thật của tao là mấy”.

MỘT CÚ LỪA
Ở một huyện nhỏ phía tây thành phố có một khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Nơi mà các bạn nhỏ gọi là WIN. Đến với WIN, bọn trẻ cứ ngỡ lạc vào xứ thần tiên. Vì thế mà đại đa số phụ huynh không thể khước từ lời đề nghị đến WIN vào những ngày cuối tuần. Nhiều khi phụ huynh còn mong muốn được “đóng gói” mớ tuổi tác đánh dấu sự trưởng thành của mình “chuyển phát” ngược về quá khứ để được hòa nhập với bọn trẻ nữa là. Ai đó hãy chỉ cho tôi một nơi tuyệt hơn thế trong mùa hè này đi? Nhưng ngặt một nỗi, các cung đường ở nơi đây giằng dịt như bàn cờ tướng nên các bậc phụ huynh hiếm khi cho con trẻ đi một mình. Nhiều khi có những vị khách mới đến, sau khi đi hết đoạn đường này, gặp đoạn đường khác rồi bị lạc ở đâu đó cho đến khi nhận được sự giúp đỡ của cảnh sát. Những chuyến đi đến đây để thể hiện sự giúp đỡ của kẻ phải làm dâu trăm họ vẫn được Đại uý Hà gọi là những “đợt tập vật lý trị liệu” để chữa chứng đau lưng kinh niên vốn là đặc trưng của dân văn phòng. Vừa trở về từ đường số 8 khu WIN để tìm lại bà mẹ cho một thằng bé bị lạc, mới ngồi vào ghế để lo chạy xong báo cáo về thu thập Thông tin Dân cư, một cú điện thoại lại nhấc, Hà phải quay lại đó. Và lần này không phải chỉ trị liệu cho mầm bệnh đau cột sống mà còn phải chuẩn bị giáp bảo hộ cùng vũ khí, vì tin báo cho biết không phải giải quyết trẻ lạc mẹ nữa mà là trẻ bị bắt làm con tin.
Dường như đây là vụ cướp ngân hàng đầu tiên ở huyện này kể từ khi Hà về nhận công tác. Một vụ cướp trắng trợn được thực hiện giữa ban ngày, ngay trên địa bàn Hà quản lý. Theo thông tin ban đầu từ cơ sở thì bọn cướp vẫn chưa tẩu thoát được, do bảo vệ ngân hàng làm dữ quá, nên chúng phải tóm một thằng bé gần đó để làm con tin. Nhận thấy vụ việc nghiêm trọng nên Hà vội báo cáo gấp với Ban chỉ huy đơn vị cùng lực lượng nhanh chóng đến nơi xảy ra vụ cướp.
Năm phút sau, Đại úy Hà và đồng đội đã có mặt tại hiện trường. Cô kịp nhận ra thằng bé đi lạc mà cô vừa trao về tay mẹ nó cách đây ít phút. Vừa về tới cơ quan ngồi chưa nóng đít lại một chuyện rắc rối xảy đến với hai mẹ con. Thằng bé khóc ngất trong tay tên cướp. Thấy cô, nó giẫy nảy lên như một con mèo bị phỏng xém. Nhưng con mèo nhỏ làm sao thoát khỏi tay tên cướp. Hắn gầy như một cọng dây. Thấy hắn, Hà nghĩ ngay đến Tree men – kẻ chuyên bắt cóc con nít. Nhưng cho dù có là gì đi nữa thì cô thề sẽ nắm cổ hắn như nắm cổ bọn choai choai đua xe trên phố vào những tối cuối tuần. Tâm trí Hà dồn hết vào biểu cảm của thằng bé. Ánh mắt đó. Ánh mắt đã làm cô xốn xang. Còn chị Yến – mẹ nó thì đang ngã ngồi sau tốp nhân viên bảo vệ đang vây lấy bọn cướp với vẻ oán hận. Họ vẫn không thể làm được gì vì bọn cướp sử dụng hàng nóng. Xem ra bọn chúng cũng có kế hoạch hẳn hòi khi đi ăn hàng nhưng phải bắt con tin kiểu tài tử này cho thấy hình như vận số của chúng không mấy tốt. Và với Hà thì tình huống này vô tình lập lại một chi tiết phát sinh trong đợt diễn tập tháng vừa rồi, cô hoàn toàn nắm được thủ đoạn của bọn cướp, cả những đòi hỏi bọn chúng sắp nói ra đây. Giống như những cặp vợ chồng già, chẳng còn gì để tìm hiểu nhau nữa, trừ những cuộc cãi vả triền miên. Và chị phát loa. Một câu nói kinh điển mà hầu hết các vụ uy hiếp con tin người ta đều dùng tới:
– Alo, alo… các anh đã bị bao vây, không được manh động! Hãy thả con tin ra để hưởng sự khoan hồng của pháp luật…
Nếu là những tên cướp chuyên nghiệp với những bộ não đầy nếp nhăn thì bọn cướp biết phải làm gì. Chúng dáo dác quan sát từng hành động của Hà như đang phải hiểu một ngôn ngữ xa lạ. Chúng còn lạ gì Hà “ớt” nữa. Hà mà tóm được thì có mà no đòn. Với bọn chúng, bây giờ tẩu là thượng sách. Hắn túm cổ thằng bé như một thằng hình rơm, chĩa mũi súng lạnh ngắt vào thái dương nó rồi gào váng lên:
– Lùi ra… mau lùi ra, không tao bắn…
– Các anh cần gì … chúng tôi sẽ đáp ứng. Chúng ta có thể thương lượng… Xin đừng làm hại thằng bé. – Đại úy xuống nước, nét mặt sa sầm. Đối với bọn này phải cương quyết, nhưng thật khôn khéo.
Hai tên đang cảnh giới phía sau bước lên, quát:
– Bọn tao cần nửa tỷ tiền mặt và một chiếc ô tô. Trong vòng 10 phút, nếu không có thì các người hiểu rồi đó…
Thằng bé cứ ré lên mỗi khi hắn kết thúc một câu. Cô cũng đã đoán được những gì xảy đến, bao gồm cả tình huống xấu nhất. Thời bây giờ, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Hà bật máy bộ đàm rù rì một lúc rồi hầm hừ đồng ý. 500 triệu đổi lấy đôi mắt mầm non thì lời quá đi chứ, ngân hàng thừa số tiền ấy mà. Ngay sau đó, những yêu cầu của bọn cướp được thực hiện. Chị Yến đứng tựa vào góc tường phủ đầy rêu cách đó không xa theo sự hướng dẫn của một nữ bảo vệ dân phố. Chị lầm rầm khấn vái rồi khóc cho đến khi xấp khăn giấy trên tay tơi tả thành bột trắng. Đại úy Hà và lực lượng hỗ trợ vừa mới được huy động đến lùi ra sân, mở rộng kế hoạch tác chiến. Tốp nhân viên bảo vệ ngân hàng cầm roi điện chực sẵn sau lưng chiếc xe mà bọn cướp sẽ tẩu thoát chờ cơ hội…
Chỉ vài bước nữa thôi bọn cướp sẽ tẩu thoát. Và có điều chắc chắn rằng thằng bé sẽ bị bỏ rơi ở một đoạn đường nào đó trên những cung đường dày đặc ở phố huyện. Đại úy nhắm mắt lại như đang chờ đợi điều gì, mặt cô đỏ nhừ lùi về sau theo yêu cầu của tên cướp.
Nếu bọn trẻ trông thấy chị lúc này chắc sẽ liên tưởng ngay đến mụ phù thủy mà chúng thường thấy trên ti vi. Bởi đôi mắt cô bây giờ đã long lên như đạn lên nòng.
PANG! Một tiếng khô khốc vang lên như bánh xe ô tô bị nổ lốp. Từ trong xe, một chiến sĩ đặc nhiệm trong bộ áo quần hoá trang bao tải tiền đã mở cửa sau xe cho tên cướp và ra tay bằng khẩu súng giảm thanh của mình.
Tên cướp trúng đạn vào vai phải, đổ sụm xuống. Hai tên còn lại giật mình toan xông tới tóm giữ thằng bé trong tay đồng bọn thì vội đứng ngây như trời trồng khi thấy nòng khẩu súng giảm thanh chĩa thẳng vào mình.
Thằng bé ré lên vì hoảng hốt rồi bước giật lùi. Mặt nó xám ngoét kinh hãi… Nhanh như sóc, Hà xô tới ôm chặt nó vào lòng như vớt một con chim non đuối nước. Lúc này, khuôn mặt chị Yến sáng bừng, chỉ muốn vù tới ôm nó thôi dù nỗi sợ hãi vẫn còn lẩn quất trong đôi mắt đỏ hoe. Đang lúc phải xé hàng rào người để chen vào với con, bỗng chị nghe Hà hô lớn:
– Kết thúc diễn tập! Yêu cầu tất cả giải tán!
Hà dứt câu thì mọi người cũng bắt đầu bàn tán: “Thì ra chỉ là diễn tập”, “Làm người ta sốt cả lên…” “Nhưng mà kinh thiệt đó, đạn mã tử sơn đỏ bắn trúng y hệt đổ máu há?” “Bé con khóc nhè chi nữa con, công an diễn tập thôi mà”. Thằng bé ngừng khóc và đưa đôi mắt tròn xoe ngây dại rân rấn nước nhìn mẹ như muốn xác nhận những gì người cảnh sát tốt bụng kia vừa nói là sự thật. Chị Yến ôm thằng bé vào lòng, gật gù: “Cô nói đúng. Diễn tập thôi, không có gì đâu con. Cô Hà thử lòng can đảm của con đó… Con trai của mẹ giỏi quá!”. Cô xoa đầu thằng bé, xí xóa nỗi sợ hãi đang tạm trú vì niềm vui đã đủ điều kiện đăng ký thường trú. Nụ cười như một ngôi sao bắt nhịp với một ngôi sao khác cùng tỏa sáng bên trời. Thằng bé nhìn chăm chăm vào cô Hà như muốn gọi tên sự thật vừa diễn ra mà nó bất đắc dĩ trở thành diễn viên chính trong buổi diễn tập. Hà áp vào tai nó một nụ hôn:
– Cháu trai diễn tốt lắm, thật đáng khen. Coi bộ cô cháu mình có duyên lắm đó, một ngày gặp nhau đến hai lần. Hy vọng tương lai không xa cháu sẽ là đồng nghiệp của cô nhé!
– Cô ơi… Con muốn làm…công an! – Thằng bé thốt lên với một giấc mơ chất chứa trong âm vực thổn thức…
Sau khi thu xếp ổn thỏa mọi việc, anh chàng cảnh sát đóng vai bao tiền kéo Hà ra một đoạn khá xa mới mở lời:
– Sao chị lại hô như thế? Đã có buổi diễn tập nào đâu?
Có lẽ Hà đã đọc được ý nghĩ trong đầu người đồng nghiệp nhưng vẫn thản nhiên lướt qua vỉa hè và thọc tay vào túi quần lấy khăn lau đám mồ hôi vã trên trán.
– Khi tiếng súng vang lên, tôi chắc chắn thằng bé sẽ bị ám ảnh vì sự sòng phẳng của người lớn nhưng chúng ta chẳng có sự chọn lựa nào khác. Khi ôm nó vào lòng tôi cứ tưởng mình đang ôm một Pinocchio(6) có lẽ vì thằng bé quá sợ hãi. Tôi hối hận lắm. Tôi phải nghĩ ra một câu chuyện để khỏa lấp sự sợ hãi đó và buổi diễn tập chống biểu tình bạo động hồi tháng trước tại sân Công an huyện nhá lên trong đầu tôi. Rất may là mọi người hiểu ý và phối hợp…
– Dẫu là vì điều tốt đẹp, nhưng phải lừa dối trẻ em, tôi thấy… thế nào ấy.
– Tôi cũng không thích sự lừa dối. Nhưng với sự lừa dối chân thành này, thằng bé sẽ không bị ám ảnh và có thể phát triển lành mạnh. Khi lớn lên nó sẽ hiểu và cảm ơn những người hiểu rõ câu chuyện mà sẵn lòng lừa gạt nó. Tôi tin chắc như thế! Còn sự thật à? Sự thật luôn tồn tại nhưng vấn đề là người ta cần đón nhận nó vào lúc đã sẵn sàng.

DƠI ĐÊM
1. Mong ước của hầu hết các đối tượng sau khi ra tù là nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Đó không chỉ là mong muốn của họ mà cũng là ước mong của cả cộng đồng.
Mỗi ngày Hà đều dành 2/3 thời gian ở địa bàn, ngoài việc nắm tình hình an ninh trật tự khu vực ra Hà còn thăm hỏi bà con trong khu phố, đặc biệt là những con người lầm lạc đang hướng thiện. Bởi chị tâm niệm rằng trong chúng ta ai cũng có quá khứ, cũng một lần sai, đâu thể mỗi lần giẫm cứt là một lần chặt chân được. Ai cũng có phẩm chất tốt đẹp, quan trọng vẫn là cách thể hiện. Cũng không ít trường hợp muốn gạt quá khứ sang một bên vì tương lai hướng đến là cuộc sống mới, một điều mới mẻ hơn mà ở quá khứ người ta chưa bao giờ nghĩ tới. Quán cóc của Lê Hoàn trên đường số 8 là một nơi Hà ghé lại hôm nay. Sau khi ra tù, Hoàn thể hiện quyết tâm làm lại cuộc đời với sự so sánh mình cũng có nhiều điểm giống ông vua dầu mỏ Rockefeller mồ côi đã lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng và chưa bao giờ nghĩ đến việc khuất phục số phận. Quán cà phê cóc của Hoàn luôn đông khách ngày cuối tuần với cung cách phục vụ “thuyết thoại nhân” trong mấy phim võ hiệp Tàu : một ông già ngồi nói chuyện tiếu lâm thế sự và so sánh thuở Tống, Nguyên, một gã vừa bị phạt hành chánh về đánh bạc kể về mấy món đồ nghề bịp của thầy thợ, một cô ả khoe về thuật phòng the của chồng mình với mục đích quảng cáo cho thuốc tráng thận cường dương Việt Nam sản xuất mang tên Rockett… Khách ở đây tha hồ bàn luận mọi chuyện trên đời, từ LON cho đến LU, mỗi nội dung được bàn đến đôi ba lần… một địa chỉ cụ thể để những ai quan tâm dư luận xã hội tìm đến. Tất cả những gì nghe được mà cần thiết, Hoàn đều “tấu” lại với Hà như một lời nhắc về quyết tâm làm lại cuộc đời của anh ta không phải chỉ là mớ lý thuyết màu mè mà người ta quen miệng nhắc tới rồi đề vài chữ đưa vào hồ sơ lưu một cách rập khuôn, mà phải bằng những việc làm có thực. Mới đây Lê Hoàn còn tấu bọn đinh tặc một sớ, Hà định xây dựng anh ta làm “tai mắt” cho mình ở cơ sở nhưng còn phải thử thách thêm vì đâu phải ai cải tạo rồi cũng tốt. Người xấu chưa hẳn xấu hoàn toàn, người tốt có thể xấu trong một vài thời điểm có ai mà biết được. Những quyết định nông nỗi bao giờ cũng sai lầm. Hơn nữa, một điều khiến Hà hơi “dị ứng” khi nhìn thấy tay Hoàn này là hàm răng thưa rỉnh của anh ta, khiến cho mỗi cái ngáp thành tiếng của khứa bao giờ cũng kết thúc bằng một tiếng rú kéo dài. Chính nhờ may mắn “phát hiện” nhiều nét đẹp của bọn đàn ông nên đến nay Hà vẫn chưa chịu lập hộ. Độc thân muôn năm, qua rồi cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bởi những thứ quý giá trong cuộc đời chúng ta chỉ sở hữu được một thời gian thôi, nếu không trân trọng thì chẳng có lần thứ hai để học cách làm điều đó đâu.
Hôm nay Hà chỉ ghé quán một lát rồi đi vì phạm pháp hình sự trên địa bàn huyện tháng này tăng bất thường, cụ thể là hai vụ trộm chưa khoanh vùng được đối tượng hiềm nghi, y chang những vụ trộm xảy ra ở Long An hồi tháng trước. Hà cũng đã liên hệ đơn vị bạn để nắm thêm thông tin vụ việc, kinh nghiệm mách Hà rằng không nên bỏ qua bất kỳ một manh mối nào, vấn đề là bọn chúng chỉ ghé thăm những “địa chỉ đỏ”, những khu biệt lập chung quanh trống trải chứ chẳng hề mó tới những căn hộ gần quanh đó. Các vụ trộm cách nhau 7 ngày, thường vào đêm Thứ Bảy vốn là ngày mà gia chủ ngủ vùi vì say mèm sau trận nhậu chiều và dậy trễ vì Chủ Nhật không phải làm việc. Hai vụ vừa xảy ra cũng thế và cấp trên chỉ thị Hà phải bắt tay vào điều tra vụ này ngay vì một lý do hết sức nhạy cảm: hai nhà bị “thăm viếng” đều là nhà của… lãnh đạo huyện.
Hà đã trích xuất dữ liệu video do camera ghi lại nhưng chỉ thấy kẻ đột nhập hành động một mình. Trước khi ra tay, hắn rọi đèn pin để xác định mức độ ngủ say của chủ nhà và hàng xóm xung quanh mới bắt đầu thuốc chó, vô hiệu hóa camera. Hắn mặc đồ đen, đeo mặt nạ nên hầu như chẳng nhận diện được. Hai ngày trôi qua, đối với ban chuyên án BM88 kẻ đột nhập đó vẫn còn là một ẩn số chưa lời giải. Đối tượng trong khu vực thì Hà đã gọi hỏi hết nhưng họ chẳng xì ra chút gì cho gọi là manh mối. Chỉ còn thiếu thầy pháp là chưa hỏi đến mà thôi.
Địch tối ta sáng, trước mắt cứ để hắn tung hoành, vì để tìm ra tung tích của hắn còn khó hơn tìm ra Tông đồ thứ 13 nữa.
Trong lúc này chỉ còn cách đợi hắn xuất hiện và lộ ra sơ hở. Nhiều khi phải có án mới xảy ra mới phá được án cũ, điều đó hết sức bình thường. Trường hợp này đúng là Hà mong muốn như thế. Theo như cô suy đoán thì vụ thứ 3 cũng phải cách vụ thứ 2 đúng 7 ngày và cũng chỉ nhắm vào một “địa chỉ đỏ”. Bằng biện pháp ghi nhận thông tin về lịch sinh hoạt của các gia đình “thế gia vọng tộc” huyện nhà, Hà “khoanh” được “điểm hẹn lý tưởng” để tên trộm “ăn hàng” vào đêm thứ bảy tuần này. Nhưng ở đời ai mà đoán được chữ ngờ, “cũng có thể hắn sẽ hành động ở ngày thứ sáu, có thể là ngày chủ nhật lắm”, Thiên Minh góp ý với Hà như thế. Tất nhiên là Hà cũng đoán được câu chuyện diễn ra sau đó nên cũng không yên tâm chút nào dù là Hà đã cầm trong tay kế hoạch A nếu hắn hành động một mình như chị được biết và kế hoạch B dành cho những tay cản địa. Hồi còn SBC Hà té sấp mặt không phải vì bọn cướp mà vì bọn cản địa này mà.
Kế hoạch vừa xong thì Thiên Minh gõ cửa, đẩy vào. Ra chiều vội vã lắm. Cái vẻ vội vã đó làm Hà ớt phải ngó lại kế hoạch của mình trước khi bắt chuyện.
– Chắc em có chuyện muốn bàn với chị?
– Đã có bốn lần em nghe bọn máu mặt tụ tập ở quán cà phê của Lê Hoàn nói tên trộm đã biết Hà “ớt” đang điều tra vụ này nên chuyển địa bàn rồi. Hóc Môn cứ chờ đó.
– Láo thật. Thằng đó cũng sợ Hà “ớt” nữa à? Hài hết sức. – Hà vỗ bàn rồi ngước mặt nhìn Thiên Minh – Còn em, em nghĩ sao?
– Nếu nguồn tin chính xác thì chúng ta phải liên hệ ngay cho Công an huyện Hóc Môn để có kế hoạch đón lõng đối tượng mới được. Quăng một mẻ lưới tóm gọn bọn chúng vậy là vụ này chúng ta có thể kết án rồi.
Hà cười mỉm. Chính cậu ta cũng không hiểu tại sao chị lại cười như thế. Nụ cười thương hiệu của Hà. Hà “ớt”.
– Em trai bị lừa rồi. Báo cho Hóc Môn để người ta cười vào mặt mình hả? Có bao giờ chú em đi trộm mà báo trước để người ta phòng bị không? Cũng có khả năng là người đó quá lậm Agatha(7) mà thôi. Chị đoán là hắn vẫn còn lảng vảng ở đây, khi chưa đạt được mục đích hắn chưa đi đâu. Kế hoạch sẵn sàng rồi, tiếp tục theo dõi địa chỉ mà chị ghi chú trong sổ bìa đen là được. Cứ chờ xem…
Tối hôm đó, Hà đợi hắn ở biệt thự số 88, chưa lúc nào Hà “ớt” sốt ruột như thế. Khi hắn mò vào, cô đã phục kích sau tủ sách, một niềm hân hoan bùng lên trong lòng Hà khi mọi chuyện đều trong tầm kiểm soát. Cô siết chặt khẩu súng hình bút trong tay mình khi hắn bước tới. Bây giờ thì Hà có thể nã hắn bất cứ lúc nào.
– Giơ tay lên – Hà hét lớn – Tao chờ mày ở đây lâu lắm rồi.
Hắn chậm rãi xoay người lại, nhìn Hà “ớt” rồi bật cười, hàm răng thưa rỉnh nhô ra như cái mỏ quạ. Khi hắn bước vào là chị nghi rồi vì chiếc mặt nạ Ghostface làm sao mà che được hàm răng đặc trưng của hắn? Chính hắn!
Hắn trố mắt ngạc nhiên. Ngạc nhiên lắm. Cặp mắt linh lợi đảo một vòng…
– Không phải Hà “ớt” đang trực ban tại đơn vị sao?
– Mày giỏi lắm. Đúng vậy. Tao biết mấy hôm liền mình bị theo dõi nên cố tình để bọn bây thấy tao trực ban đó. Rồi tao lòn cửa sau đến đây đợi mày ba tiếng đồng hồ rồi. Nhưng có chuyện tao nghĩ mãi vẫn không hiểu được là điều gì đã làm cho một thằng ngọng nói chuyện lưu loát thế hả?
Hắn nhếch môi cười, tháo mặt nạ xuống một cách ngoan ngoãn như bị Hà “ớt” thôi miên. Một khi người ta đã nhìn rõ bộ mặt thật của mình rồi còn che giấu làm chi nữa. “Đến lúc phải đối diện với Hà “ớt” rồi”, điều mà hắn chưa bao giờ nghĩ tới. Sau khi ý nghĩ điên cuồng đó ghé qua thì cái cảm giác thỏa mãn kỳ lạ hiển hiện trên khuôn mặt nhầu nhĩ của hắn như đang khiêu khích Hà “ớt”. Khi đó, Thiên Minh và hai trinh sát nữa nghe được tiếng hét của Hà cũng vừa ập vào, tay lăm lăm khẩu ngắn.
– Đúng là có khéo cỡ nào cũng không thể qua mặt được Hà “ớt”. Nhưng để xem Hà “ớt” làm sao bắt tao đây? Chào tạm biệt nhé!
Hắn búng ngón tay đánh tách một cái, chào đúng kiểu điều lệnh kèm một nụ cười tự mãn rồi thụt lùi ra ban công, giang hai tay phóng khỏi khuôn viên biệt thự. Lớp da mỏng nối liền hai tay trước với thân mình của hắn hình thành một đôi cánh đặc biệt giúp hắn tẩu thoát dễ dàng. Cũng vì thế nên hắn luôn chọn vị trí thích hợp để khi cần bay lượn hắn chỉ việc thả mình xuống, lợi dụng lực cản không khí hỗ trợ cho việc lượn xuống đất.
Hà lịm người đi bởi một khoảng tối đen ngòm bùng lên trước mặt và một hệ thống “tình báo” ngầm sẵn sàng phát đi những việc xảy ra tối hôm nay với một cái tít giật gân “Một sự thất bại của Hà “ớt””chôn vùi sự kiêu hãnh của một thợ săn có nghề và điều đó cũng được xác nhận bởi những hình ảnh in đậm trong tâm trí cô. Đúng là cô chưa lường được thủ đoạn này từ một điểm chung của tất cả vụ việc liên quan trong hồ sơ : nhà bị trộm là nhà biệt thự cao tầng, chung quanh trống trải…
Thiên Minh rít lên :
– Khốn nạn thật. Thì ra là thằng Lê Hoàn. Vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng hắn hoàn lương rồi. Hóa ra đó chỉ là cái vỏ bọc che đậy cho những hành vi của hắn, một vỏ bọc hoàn hảo.
Hà xoay người lại nhìn Thiên Minh:
– Không chỉ có mình cậu bị hắn gạt đâu. Hắn làm việc tốt không phải là con người hắn tốt mà đó là cách tốt nhất để hắn che giấu cho những hành vi động trời. Vẻ bề ngoài đôi khi chỉ là vỏ bọc cho vô vàn những thói hư tật xấu được che đậy một cách thận trọng bên trong. Người ta có thể làm bất cứ điều gì để có tiền, điều này thì chúng ta còn lạ gì nữa. – Hà vỗ vai Thiên Minh – Mau đuổi theo hắn. Con Civic đen nổ máy rồi kìa…
2.
– Tống Thanh Tuấn sinh năm 1995, quê quán Xóm Trại, An Nhơn Tây, có một tiền án cố ý gây thương tích, án phạt 18 tháng. Tao nói có đúng không?
Hắn câm như hến. Bao giờ cũng thế, những gì Hà có là những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa mà cô chắt chiu được trong đống tro than nguội lạnh. Nhiệm vụ bây giờ là phải thổi nó bùng lên thành một ngọn lửa lớn. Để làm được việc này không còn cách nào khác là đào sới thông tin từ thằng “cản địa” có bộ râu cá trê mà Thiên Minh tóm được đêm hôm qua. Cho đến bây giờ Hà vẫn chưa rời mắt khỏi bộ râu đó:
– Mày biết tại sao tao túm đầu mày không?
– Khỏi tốn nước miếng. Tôi sẽ không nói gì cho tới khi gặp luật sư. – Hắn vẫn ghì mặt xuống bàn trả lời Hà “ớt” như ai đã xén bớt của nả nhà mình. Dạng này Hà “ớt” gặp cũng không phải ít, có điều đòi gặp luật sư thì đã vượt quá giới hạn của một chuyện khôi hài sâu sắc bởi hắn đang trong vòng thẩm vấn, Hà kiềm chế không được là hắn mệt. Cái camera trên góc tường khó mà bảo vệ được hắn. Nhưng dù thấy khôi hài thì Hà cũng không cười nổi, vì cô không có nhiều thời gian. Việc tên chủ mưu thoát mất ngay trước mũi mình đã kích hoạt một thách thức đầy cảm hứng săn đuổi của dân nhà nghề như Hà, và chuyện một tên “cản địa” yêu cầu được có luật sư bảo vệ mình cùng cái camera trên tường đã khiến Hà trở lên lạnh hơn với thằng ngu này.
– Mày nghĩ coi có nên khai không? Bọn mày làm gì tao biết hết. Có một điều mày phải nhớ cho rõ là mày chỉ là một con rối bị thằng Hoàn lợi dụng thôi. Động não đi, thằng đầu đất. Thằng chó đó nó khôn trật đời, nó muốn gây án ở đây mới thu nạp bọn mày để làm cản địa, làm tay sai cho nó, đến khi xong việc thì nó cao bay xa chạy. Mày không nói thì tao cũng tìm nó thôi hà, nhưng việc đó chỉ làm cuộc đời mày chỉ khổ thêm thôi. Mày không nghĩ cho mày thì nghĩ cho cô vợ mới cưới đi. Cô ta đang chờ mày ở phòng tiếp công dân ngoài kia kìa. Cô ấy nhờ tao chuyển lời đến mày là có tin vui rồi… Mày liệu mà làm cha đó.
Hắn giật mình, mặt hớn hở: “Thiệt hả…”
Cũng nhờ Hà nhắc hắn mới nhớ, nói đúng hơn là hắn trở nên tỉnh táo như ai đó vừa dội một gáo nước lạnh. Hắn chột dạ lắm, chỗ đôi môi mím chặt bắt đầu mấp máy, chưng ra cái răng cửa bị khuyết còn Hà thì đã lắng tai nghe từ nãy giờ. Không ngờ cái chiêu này lại có tác dụng như thế.
– Cô muốn biết gì?
Hà chống hai tay trên bàn, nhìn thẳng vào mặt thằng cản địa:
– Bộ đồ mà thằng Hoàn mặc từ đâu mà có?
Hắn đảo mắt, ra vẻ cố nhớ hoặc có thể là đang phịa ra một sự tích nào đó.
– Tôi nghe đại ca nói bộ đồ đó mua của một người bên Trung, giá bao nhiêu thì không rõ. Tôi chỉ biết là bộ cánh đó được làm từ da cá mập, có khả năng tăng lực cản của không khí thêm 4% và chỉ dùng được 6 lần, khá giống với bộ cánh của Người Dơi.
Người Dơi? Câu chuyện bắt đầu hấp dẫn và kích thích theo kiểu một bộ phim Mỹ mà người khán giả khó tính như Hà đây không phải mất một xu lẻ để mua vé. Điều đó gợi cho Hà nhớ đến một mớ lý thuyết tương đối khó nhai về “hiệu ứng cánh dơi” nhưng thật không may khi đó là một bài học cô không hề chú ý.
– Đồ “Xi” thì ra gì? Nhái của người Dơi thì đúng hơn – Hà chỉnh lại – Mày giúp thằng Hoàn mấy vụ rồi?
– Hai vụ. Vụ này thì hỏng bét. Chắc chị cũng biết là Hoàn đến địa bàn nào thì hắn sẽ thâu nạp anh em địa bàn đó dễ bề hành sự và cũng để che giấu thân phận của hắn. Trên đường đi hễ thấy ngôi biệt thự nào bề thế là hắn sai anh em tôi đi nghiên cứu quy luật sinh hoạt của các thành viên trong gia đình họ, đến khi nắm được phần thắng mới hành động.
Hà giơ tay, ngăn lại:
– Cái đó tao biết. Bổn cũ soạn lại thôi. Cái tao quan tâm là bộ đồ của thằng Hoàn, tao chỉ thua bộ đồ đó thôi.
Xong việc Hà đi ngay. Chắc chắn vợ chồng Hoàn vẫn chưa đi xa. Hà đã định vị những cột ATM và các cơ sở cho thuê lưu trú vì đi xa người ta chỉ cần bao nhiêu đó.
3.
– Chủ nhà ơi, tôi đến sửa điện…
Hoàn hé cửa, ghé mắt ra ngoài song sắt lạnh. Chả biết hắn đánh hơi được gì mà sủa ầm lên:
– Sửa con mẹ mày. Biến!
Đứng dưới đường, người thợ sửa điện mặt đỏ bừng, hai mắt lóa lên như khi xem bức ảnh tua nhanh của hàng trăm hoàng hôn, chút xíu nữa là xỉu rồi. Bây giờ thì người thợ sửa điện mới ngộ ra một điều: Nếu muốn nghe những lời tử tế ngọt ngào thì tự mình nói mà nghe, không ai rảnh để làm việc đó cho mình đâu, đặc biệt là những kẻ bốp chát như người này. Người thợ sửa điện vừa xách túi đồ nghề quay đi bất ngờ đạp bung cánh cửa dưới nhà chỉ bằng một cú đá. Từ trên gác, Hoàn biết ngay là “cớm” nên lao ra cửa sau, phóng xuống mái tôn căn phòng cho thuê cạnh nhà hắn để chuồn nhanh. Đột nhiên hắn nghĩ đến Hà “ớt” và sự kiện này cũng như một thông điệp “trò chơi kết thúc” mà hắn gửi đến Hà bằng cái chào đúng kiểu ngành hôm trước. Chợt Hoàn thấy chân trái mình như vỡ vụn kèm tiếng súng chát chúa. Hoàn cắm đầu xuống đất, rú lên đau đớn…
– Đi đâu mà vội thế người Dơi?
– Hà ơi, mày đừng có ám tao nữa… tao lạy mày đó!
Hoàn vừa nói vừa bụm vết thương phứa máu trên đùi, rên rỉ khi viên đạn đã găm sâu vào da thịt hắn. Hắn cố gắng vùng vẫy như một con côn trùng yếu ớt vật vã trong đám tơ nhện chết tiệt. Kết thúc như thế này thì tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà hắn hình dung từ khi gặp tay thợ sửa điện.
– Tao chết hồi nào mà ám mày? Chắc mày ngạc nhiên vì tao tìm ra mày hả? Chỉ vì bộ đồ bay lượn của mày chỉ dùng được 6 lần mà đã qua 6 vụ, chắc chắn mày sẽ phải mua bộ mới để hành nghề. Mày thì không dám thò đầu ra đường, nên sẽ phải nhờ người khác. Trinh sát công an cứ bám mấy mối buôn áo quần, đồ da cho mấy chợ là tìm thấy… vợ mày. Thì vợ mày đã dẫn trinh sát đến đây. Sau đó là cho người vào vai thợ sửa điện để tiếp cận mày. Chắc mày cũng biết cả khu nhà trọ chỉ có con hẻm này là dẫn ra Quốc lộ nên cứ đón lõng ở đây là mày bít đường. Tao tính như vậy đúng chớ hả? Bây giờ thì tao đoán là anh em đang khám xét và thu giữ bộ đồ của người Dơi đó.
Hoàn thở dài rồi gục mặt xuống đất.
VÕ CHÍ NHẤT
______________________
(1) Săn cổ vật rong
(2) Đào tìm tiền xu cổ
(3) Những tiền bối nổi tiếng về lừa đảo: Tason trộm bộ lông cừu vàng, Achaean đánh bại thành Troie bằng cách kéo con ngựa gỗ.
(4) Nữ hoàng nội y nổi tiếng thân hình gợi cảm.
(5) Một kiểu thử phản ứng xem đối tượng có đòi hỏi nhiều về điều kiện làm việc không, nếu người được mời nêm thêm gia vị cho vừa ăn thì sẽ bị loại.
(6) Chú rối gỗ. Một nhân vật hư cấu và cũng là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi: Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio (1883) của nhà văn Ý Carlo Collodi. Pinocchio được coi là một biểu tượng văn hóa hiện đại, và là một trong những nhân vật được tái hiện nhiều nhất trong kho tàng văn học thiếu nhi.
(7) Nữ hoàng chuyên viết truyện trinh thám nổi tiếng thế giới.