Truyện ngắn tác giả trẻ Trần Phan Đinh Lăng ở Bình Dương

Vanvn- Trần Phan Đinh Lăng sinh ngày 12.4.1997, hiện là giáo viên ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Chị đã có nhiều tác phẩm văn xuôi đăng trên báo chí, đoạt Giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật “Đất và người Bình Dương” lần thứ III – năm 2019; Giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật “Đất và người Bình Dương” lần thứ IV – năm 2020.

Nghĩ về công việc sáng tác, Trần Phan Đinh Lăng quan niệm: “Con đường tìm hiểu văn chương cũng giống như con đường muốn hiểu bản thân mình. Khi đủ hiểu mình ta sẽ hiểu người”. Vì thế, truyện của chị thường chọn ngôi trần thuật thứ nhất xoáy sâu vào đời sống nội tâm, trong cuộc rượt đuổi truy tìm bản ngã, chị đã gặp gỡ bản ngã chính mình. Xin giới thiệu đến bạn đọc chùm truyện ngắn sau của chị.

HOÀNG THỤY ANH giới thiệu

Tác giả trẻ Trần Phan Đinh Lăng

 

TÌNH THUỞ BAN SƠ

 

“Nếu có một người toàn tâm toàn ý yêu thương mày thì mày có đáp lại tình cảm của họ không Xa?

“Ừ… tao… tao…không chắc.”

Tình đầu là tình thuở ban sơ, khi trái tim chứa đầy sự ngây thơ nhưng không bao gồm sự cố chấp để níu lấy tình yêu cho đến mãi ngày sau.

Tôi là Bách, tôi đem lòng thương Xa từ thời học chung cấp II và tuyệt nhiên cô ấy không biết.

Trường ở huyện chỉ cách trường làng vài ba cây số nhưng vì những hàng cây to, ngôi trường cũng khang trang hơn nên lũ nhóc chúng tôi xem đây là niềm tự hào khi không phải học ở ngôi trường ọp ẹp kia. Mùa này những cây tràm trổ bông vàng rực, rơi rụng khắp sân trường. Đám con gái giờ ra chơi nào cũng hú hí nhau đi lượm những bông tràm rồi say mê thu hoạch chúng. Bọn con trai chúng tôi thì có nhiều cái vô tình để rắc bông tràm lên đầu bọn con gái.

Phòng học thì nhỏ nhưng cũng chứa ngót nghét 35 đứa. Tôi chọn cho mình chỗ ngồi an toàn ở góc lớp và những bạn nữ siêng năng sẽ luôn dành ngồi ở các dãy bàn đầu tiên. Xa ngồi ở bàn đối diện với giáo viên. Ngồi ở đây tôi dễ dàng ngắm nhìn cô ấy.

“Em kia. Tên gì nhỉ?”

“Dạ cô… dạ em có.”

Cả lớp bỗng cười ồ lên, cô cũng bịt miệng cười.”

“Có ai điểm danh đâu mà có. Tâm hồn treo ngược cành cây ha.”

“Nó tên Bách á cô.”

Thằng Sơn lanh chanh mách lẻo.

“Bách lên trên đây ngồi, nhỏ con ngồi dưới đó không thấy.”

“Ở đây cũng dễ nhìn mà cô.”

“Dễ nhìn cô nào chứ không dễ nhìn bài giảng đâu.”

Thế là tôi được chuyển lên ngồi phía sau Xa. Tuy gần nhưng thật khó để thấy hàng mi dài của cô ấy.

“Bách có bút chì không? Cho Xa mượn nghe.”

“Ờ …ờ có.”

“Tui có nè, lấy đi.”

Thằng Hưng ngồi bên nhanh nhảu đưa ngay cây bút trên bàn. Tôi chúa ghét nó vì nó vừa lanh chanh lại còn để ý Xa. Nó khi nào cũng sơ vin bóng bẩy, mấy cái áo của nó trắng tinh à. Sáng đi học bố nó chở nó trên chiếc xe 67 xịn hết biết. Còn tôi, lúc nào cũng phải cuốc bộ bốn cây số. Nhưng không sao vì má nói “ Mày muốn thành công thì phải đi trên chính đôi chân của mình”.

Hàng dâm bụt bên xóm Ngự ra bông đỏ khắp cả con đường. Tôi, thằng Minh và con Nhi hay rủ nhau qua bển hái bông về để làm nước thổi bong bóng. Nhà con Nhi và nhà tôi cũng chỉ cách nhau cái hàng rào kẽm nên tôi chơi thân với nó từ ngày bé. Nó lúc nào cũng nói luôn miệng. Nhưng có một điều là nhà tôi theo đạo công giáo còn nhà con Nhi theo đạo Phật. Cứ đến xế chiều thì cái đài Radio của ngoại nó sẽ được bật lên và đọc mỗi một câu “Nam mô A Di Đà Phật”, niệm hoài, niệm hoài như thế.

“Bố ơi, Phật với Chúa ai mạnh hơn thế bố?”

“Ai lại hỏi kỳ vậy?”

“Con Nhi nó cứ nói với con là Phật của nó còn mạnh hơn cả Chúa Jesus của chúng ta ấy.”

“Không ai đem so sánh họ với nhau cả. Mỗi người đều có tín ngưỡng riêng. Chúa hay Phật thì cũng đều muốn mang đến hạnh phúc và dạy con người sống tốt hơn thôi.”

Chiều hôm sau, trên đường đi học về tôi cũng phân tích cho nó biết Phật với Chúa bằng nhau như y lời bố nói nhưng nó lại bĩu cái môi ra trông phát ghét. Đến trước ngõ, con Nhi dặn tôi thay đồ nhanh để qua xóm Ngự hái dâm bụt về làm nước đặng sáng mai ra đồng thổi bong bóng. Tôi mang theo cái rổ đan của má để đựng cho thiệt nhiều. Nhi nhanh tay lắm, nó hái lia lịa còn thằng Minh chỉ lo tìm cây cỏ tranh để làm ống hút.

“Ê Bách, nhà có cây ổi kia là nhà của Xa ớ. Qua đó rủ Xa ra chơi hông?”

“Vậy sao… mà thôi, rủ làm gì?”

“Ơ, mày không rủ thì tao rủ.”

“Xa nó thấy tao hái bông cái nó nghĩ tao chơi trò con gái à?”

“Thì không phải sao?”

“Thôi dẹp. Vậy mày chơi đi, tao về.”

“Về đi. Tao rủ Xa ra chơi với tao. Khoái muốn chết mà bày đặt.”

Giọng con Nhi cứ the thé lên, nó đứng ngoài ngõ thò cái đầu vào hàng rào được đóng bằng tre của nhà Xa mà gọi, gọi liên tục. Đáp lại toàn tiếng mấy con chó thi nhau sủa inh ỏi.

“Đứa nào đó?”

“Dạ con tìm Xa.”

“Xa nhà bên kia.”

Một người phụ nữ trạc 40 tuổi quần ống trên ống dưới, tay chỉ về phía nhà đối diện. Tôi với thằng Minh được cớ cười nứt ruột.

“Này thì nhà Xa ở đây nè.”

“Im. Trứng còn lộn huống chi người.”

“Nãy tao gọi rồi giờ mày vô gọi Xa đi.”

“Sao lại là tao?”

Thằng Minh nhìn tôi.

“Chả nhẽ tao?”

Tôi lò mò đi vào ngõ. Nhà Xa không có cổng chắc chắn mà chỉ là cái cửa được đóng bằng những thanh tre yếu ớt. Hai bên nhà là hàng rau kiểng, có cái lồng chim được treo trên giàn hoa thiên lý. Ngôi nhà ba gian tường đất, những cái cột thì được làm bằng gỗ. Trông ngôi nhà mát mẻ lắm. Tôi cất tiếng gọi.

“Có ai ở nhà không ạ?”

“Ai đó?”

Một bà cụ từ trong bếp bước ra, mắt còn nhíu lại do khói, cụ ho sặc sụa rồi hỏi tôi.

“Con nhà ai?”

“Dạ? con là con ba Tuấn.”

“Tuấn nào?… mà có chuyện gì?”

“Con tìm bạn Xa ạ.”

“Bạn học à? Xa đang ngoài vườn tưới rau phụ má nó. Con ra đó mà gọi nó.”

“Dạ. Mà bà ơi, con gọi hai bạn con vô đi cùng được không ạ?”

“Được. Gọi chúng nó vào mà chơi.”

“Dạ.”

Ba đứa tôi lần theo lối dẫn nhỏ về phía vườn rau nhà Xa. Những luống rau cải xanh mướt, hàng ớt thì trái chín đỏ cả cây. Xa đứng cạnh mẹ mặc bộ đồ bộ màu hồng càng làm Xa nhỏ nhắn hơn.

“Ủa, Nhi…, mọi người sao biết nhà Xa mà tới hay vậy.”

“Tụi tui biết lâu rồi, mà công nhận vườn rau nhà bà xinh ghê.”

Xa cười tít cả mắt, rồi má Xa bảo đi cắt ít rau cho ba đứa tôi lát mang về ăn.

“Mà mấy bạn tìm Xa có chuyện gì không?”

“Rủ Xa ra ngõ hái dâm bụt để mai ra đồng ông Bảy Cò thổi bong bóng nè.”

“Sáng mai Xa phải lên chùa với Ngoại rồi.”

Tôi trố mắt ngạc nhiên vì mai có phải là rằm gì đâu.

“Xa đi tu sao?”

“Ừ.”

Ngày đó tôi lại đi tin chữ “Ừ” của Xa, đêm về cứ nghĩ đến việc Xa cạo đầu trọc rồi ngồi nghe cái đài radio như ngoại con Nhi cả ngày trời. Lớn dần tôi mới biết chỉ có tôi bị lừa.

Chúng tôi lớn lên bên nhau nhờ vào những cái hẹn ở hàng cây dâm bụt. Ngày đi học thằng Minh chở con Nhi, còn tôi sau một thời gian dài cũng có được chiếc xe đạp mặc dù nó đã qua tay chục người chủ. Tôi xung phong qua chở Xa đi học. Xa ngồi phía sau xe kể luyên thuyên về những bó rau, những cây hoa vừa kết nụ, về tổ chim trên cành khế vừa được xây. Cô ấy để ý đến mọi sự nhưng lại không để ý gì về trái tim đang thổn thức của tôi.

“Tuần sau má mua cho Xa chiếc xe đạp mới rồi nên Bách không cần qua chở Xa nữa đâu.”

“Vậy tui qua chờ Xa đi chung nha?”

Cô ấy chẳng nói gì chỉ cười rồi ôm cặp bước vào nhà. Từ ngày đó, Xa không còn ngồi phía sau xe tôi nữa nhưng bù lại tôi đạp xe cùng cô ấy mỗi khi tan học về. Đến đoạn ngã ba Dốc Chùa tôi chỉ dám vẫy tay tạm biệt Xa, nhưng chỉ là cái giơ tay nhẹ gần cái khung xe. Tôi chả hiểu vì sao ngày đó tôi lại sợ người khác biết, sợ bị bạn bè trêu chọc nếu lỡ ai đó phát hiện được bí mật của tôi.

Nhà Xa vừa chuyển qua gần cầu Ông Lãnh nên tôi ít có dịp “tiện đường” để đưa Xa về. Tôi hay rủ con Nhi đi cùng để có cái cớ chở nó qua thăm vườn cúc nhà Xa vừa ra bông.

“Tuần rồi tao với mày qua ngắm cúc rồi mà, giờ qua chi nữa?”

Nhi bực dọc cằn nhằn tôi.

“Tuần rồi cúc nở còn tuần này hướng dương nở. Thế có muốn đi ngắm hướng dương không?”

“Không đi, tao có hẹn rồi. Mày đi mà rủ thằng Minh.”

“Ai lại hai đứa con trai đến nhà một đứa con gái.”

“Bình thường mà, chỉ có những đứa làm chuyện gì mờ ám mới sợ thôi.

“Tao mờ ám cái gì?”

“Mày thích con Xa chứ gì?”

“Nói linh tinh.”

“Thề là không thích đi?”

“Mắc gì tao phải thề.”

“Hừm. “Nắng mưa là bệnh của giời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”

Tôi tức cay vì cái miệng bô bô của nó nhưng không hiểu sao lòng lại nở hoa, vui như trẩy hội.

Chiều đó, không kiềm lòng được tôi lại xách xe tò tò đến nhà tìm Xa. Ngoại Xa bảo cô ấy không có nhà nên tôi lại đạp xe về. Đứng trên cầu Ông Lãnh nhìn dòng nước chảy sao mà buồn thiu, đám lục bình cứ trôi bất chấp, hình như chúng chẳng có ý định dừng lại. Tiếng bàn đạp cứ ken két, ruộng lúa cũng sắp vàng rồi nên hương thơm cũng bắt đầu thoang thoảng. Nhìn ra phía đồng, ai như Xa. Tôi nhíu mắt lại nhìn thật kỹ rồi gọi to thử.

“Xa ơi? Làm gì ngoài đó vậy?”

Xa quay phắc người lại, dưới nắng chiều yếu ớt đổ xuống cô gái bé nhỏ. Tôi thấy cô ấy cười tít mắt. Xa nhanh chóng nhận ra tôi rồi vẫy vẫy cánh tay.

“Xa nè, ra đây đi Bách ơi.”

Tôi gạt chân chống xe rồi men theo mấy con mương để lần ra chỗ cô ấy đứng.

“Xa làm gì ngoài này vậy?”

“Thả mấy con cá nè, Hưng cho Xa nuôi nhưng nghĩ hoài… thấy nuôi thì tội nó quá nên Xa thả đi. Đừng nói Hưng biết nghe.”

“Sao không thả thẳng xuống dưới suối kia?”

“Bơi hết cái mương này là ra suối rồi, để bọn chúng bơi cùng nhau một đoạn mặc dù khó khăn, chứ ra suối rộng thì dễ gì gặp nhau.”

Tôi đứng nhìn mấy con cá nhỏ quẫy quẫy cái đuôi tìm lối thoát trong những cái hố bé tí được tạo ra từ bước chân của các bác nông dân. Xa cầm cái cây nhấn xuống lớp bùn để dẫn cho chúng một lối đi dễ dàng hơn.

“Bụt dạy không nên sát sanh vì mọi con vật đều có sinh mạng.”

“Bụt là ai?”

“Là Phật đó Bách.”

Câu hỏi ngày xưa giữa tôi và con Nhi cứ vọng lại.

“Xa?”

“Sao Bách?”

“Phật với Chúa ai mạnh hơn?”

Cô ấy không cười như cái cách bố cười với tôi ngày đó, cái cách nghe được câu hỏi của một đứa con nít.

“Họ đều tốt, nhưng là hai tín ngưỡng khác nhau, hai ngã rẽ khác nhau.”

“Khác nhau? Vậy hai người yêu nhau mà ở hai đạo khác nhau thì cũng không đi cùng nhau được à?”

“Ừ.”

Cô ấy quay người lại nhìn thẳng vào mắt tôi, hàng lông mi dài ngày xưa vẫn đẹp như thế. Ánh nắng rọi lên mái tóc thề, cơn gió nhẹ thổi qua làm bay bay tóc Xa trong gió. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy rõ và gần như thế. Tim tôi như đập nhanh hơn, tôi ước mình có đủ can đảm để đưa tay lên vén tóc cho Xa. Giọng Xa nhỏ như lời tâm tình của bọn dế.

“Sẽ không đi cùng nhau được đâu Bách.”

Xa về, tôi cũng về. Trên đường về tôi tự hỏi liệu ra suối sâu mấy con cá có gặp lại nhau không hay chỉ thoáng qua rồi biệt tâm ngàn đời. Đến ngõ tôi không rẽ vào nhà mình và quẹo thẳng vào nhà con Nhi. Ngoại Nhi ngồi trên tấm phản nhai miếng trầu đỏ hết miệng và cái đài radio vẫn đang được bật.

“Tìm Nhi hả con?”

“Dạ không ạ.”

“Ngoại ơi, người theo đạo Công giáo và đạo Phật thì không được yêu nhau hở Ngoại?”

“Được… nhưng khó.”

“Khó là thế nào ạ?”

“Người theo đạo Phật phải bỏ đạo, bỏ cái tín ngưỡng của mẹ cha. Thế nên tình yêu phải đủ lớn thì mới đi với nhau được.”

Tôi không hiểu “tình yêu đủ lớn” theo ngoại nói là nó phải thế nào. Tôi nằm dài trên tấm phản với ngoại nghe tiếng gõ mõ đều đều và nhìn bọn nhện tỉ mẩn giăng tơ.

Hôm sau, tôi gặp lại Nhi, không rõ ngoại đã nói gì mà đi học hay tan trường về nó không còn đợi tôi về chung nữa. Tôi cũng ít qua chơi với nó hơn trước, đám cúc nhà Xa cũng dần bị chúng tôi quên mất. Giờ đây Xa lại khiến tôi thấy xa như cái tên của cô ấy vậy.

Tiết học cuối của thời cấp III vừa kết thúc, liệu rằng tôi đã bỏ lỡ quá nhiều điều hay chưa? Khoảnh khắc của những năm tháng dần trở về. Tôi sẽ không còn ngồi ở dãy bàn gần khung cửa sổ để nhìn ai đó khi họ bước ngang qua. Tôi sẽ không còn được đứng ở cổng trường đợi Xa về và giữ một khoảng cách khi chạy theo cô ấy, những ngôi sao và con hạc sẽ không cần phải được gấp tiếp nữa. Tháng sau tôi rời làng để lên phố ôn thi, bỏ lại làng tình yêu của thời niên thiếu. Xa không đi học nữa, cô ấy sẽ nhanh lấy một người nào đó để cùng họ chăm lo cho mẹ Xa. Xa sẽ có một gia đình nhỏ bên khóm cúc vàng ươm, và người đó không phải tôi. Con Nhi thì theo dì nó ra Đà Nẵng để học nghề. Đến bây giờ tôi mới rõ người bỏ lỡ quá nhiều thứ chính là tôi.

Tình đầu là tình thuở ban sơ, khi trái tim chứa đầy sự ngây thơ nhưng không bao gồm sự cố chấp để níu lấy tình yêu cho đến mãi ngày sau.

“Mày sẽ gặp lại Xa chứ?”

“Chắc sẽ gặp lại.”

“Sẽ như thế nào nhỉ?”

“Tao không biết sẽ như thế nào. Nhưng dù sao thì đó cũng là chuyện của ngày xưa rồi.”

Tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng

ĐỪNG ĐẶT TÊN CUỘC ĐỜI

 

Wabi – sabi là từ mà người Nhật dùng để diễn tả nghệ thuật trong sự không hoàn hảo. Khi đại đa số cuống quít bên sự chỉn chu và hào nhoáng của những thứ hữu hình thì ở đâu đó, sự rạn nứt, mất cân đối, dị hình vẫn được trân quý hơn bao giờ hết. Bởi lẽ nó được ví von theo đúng bản chất của cuộc đời – Vô thường, không có gì là tồn tại mãi mãi, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối.

8 giờ sáng, tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ đặt ở góc bàn, kim dài, kim ngắn nhẫn nại làm công việc nhàm chán nhưng có ích của mình. Hít một hơi thật sâu và thở dài là cách tôi đẩy bao nặng nhọc trong lòng ra khỏi thân xác. Con bé Thỏi vẫn ngủ, nó nằm co, ôm hai đầu gối như con tôm nhỏ ngoan ngoãn lặng thinh nằm trong rọ. Thỏi là con của chị gái tôi. Chị ấy vừa được chôn cất cách đây hai tuần, và ba nó cũng mất vì tai nạn cách đây sáu năm. Khi tôi vô tình đọc được một đoạn ngắn về Wabi-sabi, một góc nhìn khác của sự không hoàn hảo, trái tim tôi như quặn thắt khi nghĩ về sự ra đời của Thỏi là điều không ai mong muốn. Chị tôi có thai trước khi cưới và cái thai được biết ngay ngày anh Huôi qua đời. Gia đình anh Huôi không nhận cháu vì họ nghĩ:

“Ai biết được giọt máu đó có phải của thằng Huôi không, nhất là khi thằng Huôi mới vừa nằm xuống. Cho dù chuyện tồi tệ này không xảy ra thì Me à, mày nghĩ mày có thể bước chân vào ngôi nhà này sao? Thằng Huôi nó bị mày bỏ bùa rồi, thứ quê mùa như mày bám vào nó cho nên nó mới ra nông nổi thế này, tại mày, tại mày con ạ”.

Ngón tay dì ta dí vào đầu chị tôi và cứ nhấn nhấn xuống, khoảnh khắc đó khiến tôi như ám ảnh về sự cay nghiến của người dì thứ lên thân xác và tâm hồn của chị gái mình. Dì ta gào thét và đuổi chị tôi đi trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trong ngày đưa tang anh Huôi. Mới đó đã sáu năm rồi, người ta thường bảo thời gian có thể khiến mọi vết thương chóng lành nhưng dường như không phải, thời gian chỉ khiến những vết thương được giấu đi dưới hình hài của sự cố gắng lãng quên.

Thỏi cựa mình trở dậy, tỉnh bơ, không khóc, nó tuột xuống giường và đầu tóc bù xù tiến về phía tôi.

“Út ơi, con đói!”

Một tay nó dụi dụi vào mắt, gò má bên phải còn vài vết lằn của chiếc chiếu để lại. Tôi nâng cầm của Thỏi lên, nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của nó.

“Ừ, Thỏi ra sau nhà tự rửa mặt nhé, Út hâm lại cháo cho con.”

“Dạ.”

Tiếng “dạ” ngân ra sao mà ngọt ngào và ngoan ngoãn. Thân hình nó bé với mái tóc thề hằng ngày mẹ nó vẫn hay vuốt.

“Con xong rồi Út ơi.”

“Ừ, Út để cháo trên bàn đó, ăn từ từ khéo nóng nghe.”

Vừa nói tôi vừa chăm chú nhìn vào từng mũi thêu trên mảnh vải Linen màu kem. Giọng Thỏi vang lên.

“Mà Út này, xí Út cho con đi chợ với nghe.”

“Sao nay lại đòi đi chợ với Út? Con thích ăn gì? Nói Út mua cho.”

“Dạ không, con muốn tự đi mua cá, mua rau, mua kẹo, ờ… gì nữa ta? Mua thịt nữa. Mẹ dặn con lớn rồi, phải biết chăm sóc cho bản thân với chăm sóc Út Quỳnh nữa.”

Mũi kim dừng lại, tôi như sững người rồi đành bật một tiếng

“Ừ.”

Nghề giáo đã theo tôi cũng ngót bảy, tám năm rồi. Tư duy giáo dục trẻ nhỏ tự lập vẫn luôn là phương châm giảng dạy của bản thân. Với Thỏi, có khi đây lại là lúc để con tự học được nhiều thứ khi không có người làm thay con.

Ngồi sau chiếc xe đạp, nó vòng tay ôm lấy tôi, thân hình nhỏ, vòng tay của Thỏi cũng nhỏ nên nó chỉ thể tì vào hai vạt áo để làm điểm tựa. Tôi biết ánh mắt nó đang dáo dác nhìn mọi vật. Khu chợ quê mở từ sáng sớm và bán đến tận chiều. Chợ nằm giữa cánh đồng khô khốc bởi đã cuối vụ mùa, nhìn vào thửa ruộng thấy được hẳn lớp phù sa cố bám víu vào từng vết nứt.

“Con bướm là con bướm xinh, con bướm là con bướm hồng. Bướm ơi là bướm … là la lá là…”

“Sao không hát nữa?”

“Con quên rồi, mà Út này hôm qua con đi học bạn Tít bảo con là tuần tới sẽ mang cho con mượn hộp màu vẽ đó, còn chỉ con tô màu siêu nhân. Con thích tô màu nhưng con không thích siêu nhân.”

“Thì con có thể tự vẽ công chúa của con mà.”

Cứ mỗi lần tôi chệch tay lái vào hố gà thì giọng nó lại nấc lên một tiếng như nấc cục, đôi bàn tay lại cố siết chặt hơn để không tuột khỏi chiếc xe.

“Chắc Tít mê con, mà Tít học dở òm, bài nào cô giao bạn ấy cũng bảo bối rối. Mà bối rối là gì vậy Út?”

Tôi bật cười thành tiếng vì câu chuyện đáng yêu của chúng.

“Cậu bé dùng từ chưa đúng rồi. Bối rối là mất bình tĩnh, xảy ra trong một số tình huống bất ngờ. Giống như khi có ai đó tặng con một món quà bất ngờ và con không biết nên nhận hay nên từ chối ấy.”

“À, dạ, con sẽ nói lại Tít. Vậy Út có bối rối trước cậu Luân không?”

“Hả? ờ… thì…”

“Út, Út, bạn Sẻ kìa. Đạp nhanh lên Út.”

Thỏi giật mạnh tà áo tôi, làm câu trả lời bỏ ngỏ.

“Con chào dì Út” – Sẻ nói, giọng nó líu lo.

“Ừ chào con.” – Tôi quay sang nhìn Thỏi

“Thỏi, con muốn chơi với Sẻ hay vào chợ với Út?”

Một tay nó cầm lấy tay tôi trong khi tay kia nắm lấy tay bé Sẻ. Cô bé lắc lư như tiếc nuối rồi buông tay Sẻ ra, ngước lên nhìn tôi.

“Con đi với Út. Bai bai Sẻ nghe.”

Bàn tay Thỏi nhỏ xíu huơ huơ trong gió. Chợ bây giờ đã nhộn nhịp, tuy làng nhỏ nhưng vì đất lành mà dân tứ xứ mỗi ngày một đông đúc. Họ sống với nhiều nghề, làm thuê là chủ yếu.

“Đi nhanh nào Thỏi, không trời lại nắng sớm. Hôm nay Út nấu canh bí đỏ hầm xương cho cả nhà.”

“Hôm nay cậu Luân đến chơi hở Út?”

“Sao lại hỏi thế?”

“Cậu nói với con là cậu thích ăn canh bí đỏ của Út.”

“Vậy sao? Cậu bận rồi, chắc cậu không đến nữa đâu.”

Tôi nhìn vào một khoảng không vô định nào đó rồi thôi tự kéo mình về với thực tại.

“Chà, Thỏi của Năm nay đi chợ với dì nữa à? Đến đây Năm thơm một cái nào.”

Từ ngày chị Me mất nó trở nên gần gũi với mọi người hơn, dễ ôm, dễ bày tỏ tình cảm với những ai yêu thương nó. Chị Năm là con chú ruột tôi, nhà bên kia sông, một người phụ nữ chất phác và tần tảo.

“Mày đi mua gì rồi tí ghé tao cho miếng thịt về kho cho con Thỏi.”

“Con không ăn thịt heo đâu, tivi nói ăn thịt heo bị bệnh đó.”

“Cha mày.”

Giọng cô Năm cười giòn tan, khiến con bé ngơ ngác.

“Thịt heo của Năm ăn không có bệnh đâu nha, ăn vô Thỏi mau lớn, mau cao hơn nữa.”

“Chị cứ cho mãi, hôm qua em còn ít thịt trong tủ đủ cho hôm nay rồi, em đi mua ít rau củ thôi.”

“Tao cho cháu tao chứ có cho mày đâu.”

Nói rồi chị lấy nhanh miếng thịt bỏ vào bị, nhét vào giỏ của tôi.

“Mày với thằng Luân sao rồi? sao hổm tao nghe nó theo xe lên Sài Gòn.”

“Em không biết. Nay chị bán được không?”

“Đừng có đánh trống lảng nghe, cỡ mày mấy đứa trong làng có con kẹp hai nách rồi. Thằng đó nó là người tốt, nó sẽ thương Thỏi.”

“Dạ… Thôi em đi nghe, trời gần nắng lên rồi.”

Mặt chị như nhíu lại rồi huơ huơ cái bị để đuổi vài con ruồi bay qua bay lại.

“Ừ đi đi. Mốt tao qua chơi.”

Trời mới sớm đó mà giờ nắng đã trải khắp con đường nhỏ dẫn vào các thôn xóm. Cơn gió nhẹ thổi qua lũy tre làm chúng cựa vào nhau mà phát ra âm thanh như đang trò chuyện. Thỏi cứ nhắc về anh Luân mãi, có thể nó mến anh. Người ta hay bảo rằng trẻ nhỏ không biết gì nhưng nào có phải, chúng biết tất, kể cả những thứ không thể nhìn thấy như tình cảm. Chúng sẽ dễ dàng nhớ một người nào đó khi họ cho chúng biết họ yêu thương chúng chứ không phải nhớ đến người đã cho chúng kẹo.

Nhà anh Luân nằm ẩn trong vườn chè của nhà ông Sáu Tượng, chúng tôi biết nhau từ hồi Xóm Mới xây cây cầu nối liền hai xóm. Ngày còn là cô nữ sinh cấp III, chúng tôi hay tạo ra nhiều cái vô tình để được thấy nhau trên con đường làng xuyên qua đám cỏ lau khô cằn. Anh cố tình đạp xe thiệt nhanh chỉ để thảy thanh kẹo đậu phộng vào giỏ xe, tôi cố tình làm hỏng dây sên chỉ để người ta dừng lại sửa giúp. Trên đời này có những thứ tình cảm sao thiệt ngộ, chúng trong trẻo và đáng được mơ ước, không vụ lợi, không lý trí.

Thấm thoát trôi qua, tôi trở thành cô giáo làng, cất giữ niềm thương như kho báu. Anh trở thành chàng trai kiệm lời sau biến cố gia đình. Chúng tôi vẫn thế, cất ở đâu đó trong tim như một kỷ vật của tình yêu, tôi không hỏi, anh không nói, cứ thế thôi. Anh hay đến chơi với Thỏi, mang dăm ba cái bánh. Như một người tri kỷ đã đi với tôi từ thời niên thiếu. Ngày đi anh ghé nhà tặng tôi xấp vải áo dài.

“Tặng Quỳnh, mai anh lên Sài Gòn phụ chú Ba ít hôm…ừ… Anh không biết lựa đồ nên cũng không biết là Quỳnh có thích không?”

Anh nhìn tôi âu yếm như biểu lộ cho dấu hiệu của sự chia ly.

“Thôi Út không nhận, sao tự dưng lại tặng Út.”

“Ừ, thì để … đặt cọc.”

Tôi thấy má mình như ửng hồng bẽn lẽn, sao bờ vai lại nặng như thế, đôi mắt không dám ngước lên nhìn, ngón tay vân vê tà áo.

“Quỳnh, chúng ta đã đủ lớn để biết những điều em và anh ngại nói.”

Anh tiến một bước về phía tôi, chưa bao giờ tôi thấy anh gần như thế. Tôi ấp úng.

“Dạ. Nhưng anh Luân.”

“Sao?”

“…Anh đừng đến nữa.”

Tôi quay người và chạy vào nhà, bỏ lại đó chàng trai đứng chôn chân dưới bóng cây xoan cằn cỗi.

Tôi sống với chị từ ngày bé, chẳng ai nhắc về người sinh ra chúng tôi, ngoại không cho phép. Tôi chứng kiến những thăng trầm của cuộc đời chị rồi dần như trở thành chất bôi trơn khiến tôi trở nên mạnh mẽ để chống lại những lời đàm tiếu về chị. Họ bảo chị Me của tôi không ra gì vì chị được sinh ra bởi một con đĩ và có thể tôi cũng không phải là em ruột của chị. Chị khóc, chị đã khóc rất nhiều. Tôi luôn nhớ bàn tay ấm của chị lúc chị bịt tai tôi khi có ai đó nói những lời không hay về mẹ. Chị dạy tôi sống chân thành và tử tế như cách để đáp trả lại cuộc đời này. Nhưng tôi đã không hiểu vì sao chị chọn cách ra đi bỏ lại Thỏi.

Ngày chị đi, với Thỏi tôi như một người mẹ, một người quan trọng. Tôi cho phép bản thân bỏ qua thứ tình cảm riêng tư, không máu mủ. Tôi sẽ là mẹ Thỏi cho đến ngày con tự lo cho bản thân của con. Còn với Luân, thôi chỉ cần kỉ niệm. Tôi không thể để anh bận lòng.

“Út ơi, có mùi gì vậy Út?”

“Chết chết, cháy nồi rồi. Lấy cho Út ca nước bên kia.”

Nó nhanh nhảu chạy đến, hai tay ghì chặt sợ nước chao đổ ra nền nhà.

“Út sao thế?”

“Ừ, tại Út lo nghĩ linh tinh.”

Đầu ngõ có tiếng xe quen thuộc. Thỏi bỏ nhanh ca nước xuống rồi vừa chạy ra nhà trước vừa hét lên.

“Cậu Luân, cậu Luân Út ơi. Con đoán là cậu cho xem.”

Tôi thầm cầu mong đừng là anh. Thật khó để giấu cảm xúc của bản thân, và tôi không thích phải trải qua nó thêm lần nào nữa. Đứng lặng thinh bên bếp lửa, nghe tim mình nao nức, tủi thân và một chút lo lắng. Thỏi vào bếp, trên tay cầm thứ gì đó và đang lẩm bẩm đánh vần.

“Tr..ân Trần Thanh Luân, tên cậu Luân hở út?”

Nó đưa tôi lá thư gửi từ 21/9 đường Nguyễn Công Trứ, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Người gửi Trần Thanh Luân.

“Ừ của cậu Luân, thôi con lên nhà đọc truyện đi, rồi xí xới nồi cơm cho Út nha.”

“Dạ.”

Xé bao thư, tôi nghe như tiếng thở chậm lại, sợ rằng anh sẽ đáp lại một tiếng “ừ”.

Gửi Quỳnh em,

Sài Gòn này người ta bảo hoa lệ và hào nhoáng, nơi đẹp đẽ mà con người ta luôn muốn hướng đến. Ở đâu cũng có tiếng nhạc xập xình, tiếng xe cộ hối hả. Những ngày ở đây anh không thôi nhớ về sự im lặng nơi em, nhớ cả tiếng thở dài khi em cố giấu điều gì không muốn nói cùng anh. Anh biết tất cả, về ánh mắt của em khi em nhìn Thỏi. Anh chưa từng nghĩ về sự hy sinh nếu chúng ta cùng nhau chăm sóc Thỏi, dù một lần. Không cần phải quá hoàn hảo, mỗi thứ điều có giá trị riêng của nó, chỉ cần chúng ta luôn hướng về những giá trị tốt đẹp. Phải không em?

Em là một phần của anh… và anh luôn hạnh phúc khi thấy em hạnh phúc bên Thỏi…và bên anh em nhé!

Tuần sau anh sẽ về, đừng tránh ánh mắt của anh.

Thương em.

Anh Luân.

“Sao út khóc vậy?”

“Ừ …tại nồi canh. Út đợi lâu quá mà giờ nó mới sôi.”

“Đủ lửa là nó sôi mà Út. Đừng khóc nữa nghe.”

Nói rồi, nó lấy thêm cây củi bỏ vào bếp như nhúm thêm cuộc tình tưởng đã hết của tôi.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

CHUYẾN TÀU ĐI NGƯỢC

 

Trời xế chiều, đám cỏ dại trước hiên nhà được ngọn gió đùa giỡn, gió rít qua. Vài con chim cu đất bé nhỏ nhảy nhót trên bậc thềm xi măng tinh nghịch. Chúng kiếm tìm một thứ gì đó, như tôi đang cố kiếm tìm một buổi chiều của những ngày trước đây…

Một sớm thức dậy, tôi quyết định vào miền nam ở một thời gian. Tôi đến ga và bắt chuyến tàu vào tầm giờ trưa. Sàn tàu trông hơi bẩn, chiếc ghế gỗ dài dành cho hai người bỗng trở nên chật chội vì nó khiến tôi phải cố ngăn mình không được chạm vào người ngồi cạnh. Âm thanh còi tàu và đường ray vang lên xình xịch liên hồi, màn đêm bên ngoài khung cửa buông nhanh để nhường chỗ cho thứ ánh sáng lập lòe của những ngôi nhà dọc đường ray hay bên rìa núi. Mọi thứ làm tôi nhớ về “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, chỉ bất chợt nhớ thôi. Chiếc ba lô không nặng nhọc mấy vì tôi chỉ để vài thứ linh tinh cho chuyến đi không chút kỳ vọng này.

Người đàn ông ngồi ở phía đối diện trạc 40 tuổi. Ông mặc một chiếc áo sơ mi sọc dọc, nhăn nhàu vì không được ai là thẳng, có vẻ ông ta là người nghiện thuốc lá, hơi thở nặc mùi, môi thâm và màu da trở nên sậm. Cứ tầm 30 phút người đàn ông lại cúi đầu xin phép đi ra để vào nhà vệ sinh. Ngồi ở đây tôi quan sát làn khói mờ ảo chen qua khe hở nhỏ phía trên căn phòng cuối dãy. Sự tảng lờ nhưng khó chịu của người phụ nữ ngồi cạnh bên thật dễ dàng nhận thấy. Cô ta có dáng người mảnh mai nhưng khuôn mặt đầy đặn, mái tóc đã bị cháy xém có lẽ do nhuộm quá nhiều lần.

“Anh nhà tôi bị nghiện hút, thật phiền mọi người quá.” Cô ta cúi đầu liên tục để thể hiện sự lịch thiệp khi ông ta vừa bước đi.

Đi được nữa ngày thì anh chàng ngồi kế bên tôi xuống tàu, không chút ấn tượng gì đặc biệt ngoài việc anh ta không có ngón tay trỏ. Chàng trai lặng lẽ bước đi. Tôi hình dung một ngôi nhà tường đất, những lời càm ràm của người cha khi gánh lúa về lúc trời chập tối. Và chiều nọ ngón tay trỏ của đứa con trai trưởng “nên được” chặt lìa đi.

“Nó ở nhà sẽ nuôi được cái gia đình này, đi rồi lấy gì mà ăn.”

Lúc nửa đêm người phụ nữ ngồi đối diện tôi xuống tàu trong khi ông chồng vẫn còn ngủ. Tôi hơi bất ngờ về sự rời đi thầm lặng. Trời trở sáng, ông ta nháo nhào tìm cái ví tiền.

“Mẹ kiếp đứa nào trộm cái ví tiền của tao.”

Ông ta nhìn tôi với sự tức giận nhưng thực ra là vẻ cầu khẩn nói cho ông ta biết điều gì đã xảy ra.

“Cô ta bảo ông là chồng của cổ.” Tôi ngừng nói và giấu đi việc nhìn thấy cô ta tự nhiên thò tay vào chiếc ba lô lấy thứ gì đó trong đêm . Ông ôm đầu ngồi rũ rượi rồi lục tìm bức hình cuối cùng của người vợ quá cố.

Miền Nam không khác mấy như tôi tưởng tượng, nhưng sự hoang sơ dần trở nên vắng bóng. Đón tôi ở ga Sài Gòn là thằng Thuận. Nó vẫn thế, điệu bộ không khác mấy, có chăng là cái đầu ba phân. Anh chàng ngồi trên dãy ghế chờ và đang quan sát một mảnh giấy dưới lòng bàn tay. Tôi bước chậm đến rồi vỗ vào vai nó khiến nó giật mình quay phắc ra sau.

“Ơ, tới rồi à. Đói chưa tao dẫn đi ăn nhé.”

“Chưa, nãy tao ăn ổ bánh mì rồi. Cho tao về phòng mày đi, người mệt quá!”

Từ đoạn ở ga đến khi về đến nhà hai chúng tôi nói qua loa vài ba thứ chuyện. Chuyến đi phải mất hơn một ngày trời để di chuyển. Người tôi nặc mùi dầu máy. Ở dọc hai bên đường quán xá cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn. Khu trọ của Thuận nằm trong con hẻm nhỏ của một cái đường lớn. Đó là căn phòng số bảy, tuy nhỏ nhưng cũng gọn gàng, sạch sẽ lắm. Thuận ở chung với một đứa khác, hình như cùng lớp đại học. Lát sau nó quăng cho tôi cái gối, tôi nằm ngủ suốt sáu tiếng liền. Khi thức dậy đã là mười giờ đêm, bên ngoài có một cái sân đủ rộng cho vài ván cầu lông ra trò, gió cứ thế thôi vào, mát lạnh. Tôi tắm rồi thấy ở bàn có hộp cơm để sẵn.

“Tao mua cơm cho mày á, ăn đi.”

“Cảm động quá đi.”

“Ăn đi rồi ra ngoài đây ngồi uống trà.”

Ngoài hiên có tiếng cười nói rôm rả và tiếng hát nhè nhẹ của một cô bé nào đó. Là một bản nhạc không mấy quen với tôi, phần lời là một chuyện tình dang dở. Tôi bước ra, cũng phải khoảng năm đến sáu bạn trẻ quay nhìn tôi. Thuận giới thiệu.

“Đây là Minh, bạn anh, vô đây chơi vài tuần.”

“Ngồi xuống chơi anh.” – Một cậu bạn nhích người qua nhường chỗ.

“Anh cùng quê với anh Thuận hở?”

“Ừm, anh ở chung xóm với nó, học chung từ hồi cấp II.”

“Dạ, em là Nga, học chung ngành với anh Thuận nhưng sau một khóa.”

Những khuôn mặt tuấn tú này phải hai đến ba hôm sau tôi mới nhớ được hết tên. Quả thực để nhớ tên người nào đó với tôi thì không mấy dễ dàng.

Thuận kiệm lời nên điều cũng đó ít nhiều giúp tôi cảm thấy thoải mái. Có những lúc tôi thầm cảm ơn nó đã vì nó không hỏi bất cứ điều gì về vấn đề của tôi nhưng lại có lúc tôi ước giá mà nó hỏi “Mày có chuyện gì phải không?” để tôi có thể nói ra hết, rằng tôi là đứa con hoang. Nỗi đau không đến từ sự bất ngờ mà nó khởi sinh từ sự lừa dối. Mẹ tôi, bà sinh tôi ra và giờ đây tôi lại mang thứ cảm giác tội lỗi với cha mình.

“Mày đâu phải con của tao, mẹ mày đi rồi, rồi mày ở đây làm cái gì nữa, đi luôn đi cho khuất mắt ?”

Cha đau xót, ổng đau là lẽ đương nhiên, trong giây phút đó tôi biết ông ấy đang tua lại những thước phim từ ngày tôi lọt lòng. Ổng thương tôi nhiều đến thế cơ mà. Nỗi đau thật dễ dàng khiến người ta muốn khước từ những gì đã xảy ra dù nó đẹp đến thế nào. Bỗng chốc tôi trở thành kẻ mồ côi trong khi có cả cha lẫn mẹ.

Ở dãy trọ có con mèo hoang, cứ đêm về, nó đến rồi đi qua đi lại trước khoảng sân, kêu ngao ngao ai oán. Có thằng nhóc đi ngang bảo:

“Chắc chị mèo lại đòi theo đực rồi!”. Nói xong anh chàng cười khanh khách. Tôi thấy bụng nóng lên và lao thẳng tới đấm nó một phát vào quai hàm rồi bỏ vào nhà trong sự bàn hoàn của mọi người. Sau đó là một loạt những âm thanh nhốn nháo trong khi tôi vùi mặt vào cái gối ở góc tường.

“Tao biết mày đang phải trải qua một số vấn đề. Mọi thứ kinh khủng thật, nhưng chuyện mày đánh thằng Sơn vô cớ thì không chấp nhận được.” – Thằng Thuận ngồi cạnh tôi thả từng từ thật chậm rãi.

“Tao biết, sáng mai tao sẽ đến gặp nó để xin lỗi.”

“Ừ…mà Minh, tao nghĩ mày nên về đi, đừng để ông già một mình, tội nghiệp lắm.”

“Ai chứa tao nữa mày?”. Tôi cười thành tiếng để dịu đi sự căng thẳng trong căn phòng chật hẹp này.

“Không phải khi tin yêu điều gì đó quá mức sẽ càng khiến họ đau lòng sao. Vốn dĩ chú Hai không muốn nhìn mày vì ổng có cảm giác bị đánh cắp mọi thứ thôi…Mẹ của mày đánh cắp quyền làm cha của ổng một cách ngang nhiên. Ổng thương mày, kỳ vọng ở mày. Thử hỏi có đứa con trai nào khi được sinh ra lại không chứa khao khát tuổi trẻ của một người làm cha. Ổng đã ở bên mày trong ngần ấy năm và hân hoan nhìn những thành công của mày như niềm hạnh phúc với những điều ông đã không làm được. Giờ thì mất hết, không phải vậy sao?”

“Nhưng tao đâu có ghét cha.”

“Vậy thì về đi, lăn tăn cái gì nữa.”

“Đối diện thế nào đây Thuận ơi? .” – Tôi nhíu mày lại hỏi.

“Có một chút lấn cấn nhưng mày hãy bỏ những thứ quái quỷ trong đầu ra rồi mọi chuyện sẽ trở lại ban đầu thôi. Tình thân không hẳn chỉ xuất phát từ những người ruột thịt đâu mày.”

Tôi im lặng và hình ảnh bàn tay không có ngón tay trỏ cùng với vẻ đau đớn khi ông già trên tàu nhìn tấm hình của người vợ vô tình lại hiện ra trong đầu tôi.

Sáng hôm sau gặp Sơn xong tôi ôm ba lô trở về quê. Thuận nhìn tôi qua khung cửa sổ tàu hỏa rồi nở nụ cười chào tạm biệt. Nó bằng tuổi tôi và cững chẳng ai ngờ nó là đứa bạn tôi luôn tìm tới trong khi mẹ tôi đã có lần bị mẹ nó giật tiền rồi biến mất.

Con tàu chạy xình xịch rồi lăn bánh nhanh hơn. Người phụ nữ dãy bên kia đang quát tháo thằng con khi nó cứ đòi ăn cá khô mãi.

“Ăn mặn vậy khát nước chết cha mày.”

Thằng nhỏ khóc om sòm. Tôi nực cười khi thấy đời mình hình như đang “khát nước”. Ngồi đối diện tôi là một cô bé tầm lớp 2, lớp 3 gì đó. Cô bé chăm chú tô màu xanh đỏ trên một tấm giấy được lót bìa cứng phía sau. Một lát lại ngước lên nhìn tôi. Người mẹ hiền từ ngồi kế bên hôn vào mái tóc của cô bé rồi hỏi.

“Con gái mẹ vẽ đẹp quá đi, mốt lớn lên muốn làm gì nè?”

“Con muốn là con thôi!”. Mẹ nó đứng hình ba giây rồi nhìn tôi mỉm cười.

Rồi tàu cũng đến sân ga, mọi người hân hoan, mừng rỡ trước những mối nhân duyên được lần nữa nhen nhóm. Tôi lại thấy mình như đi ngược, nửa muốn đến nơi, nửa sợ hãi về sự chối bỏ.

Chưa bao giờ tôi thấy sợ khi trở về nhà như lúc này. Tôi đã cố bước thật nhỏ để khoảng cách về nhà thêm xa hơn. Lớp đất cát bên đường trở nên mịn do xe cộ đi lại nhiều lần, đám cỏ mọc dưới đất cũng bị cán dập hết lá và thân. Ở phía bên kia đường tôi thấy ai như cha, ổng đi nghiêng qua xẹo về, chắc lại say. Rồi tự dựng cha lao vào hai, ba người đang đứng cách đó vài mét đánh họ túi bụi. Ông hét lên, những cú đấm yếu ớt cùng với tiếng khóc than.

“Nó là con tao sao mày dám nói nó là con hoang…Nó… Nó là con của tao…là con của tao.”

Tôi chỉ còn nhớ mình vùi đầu vào tấm lưng nhiều mồ hôi và cát bụi của cha. Vị mặn ở khóe mắt chảy dài xuống miệng. Sau lớp nước mờ trong đôi mắt ấy tôi thấy ông quay người hôn lên mái tóc đầy mùi nắng của tôi.

TRẦN PHAN ĐINH LĂNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *