Vanvn- Nguyễn Lê Vân Khánh sinh năm 1989 tại Đà Nẵng, học khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Huế, có truyện ngắn in trên nhiều tờ báo lớn từ khi còn là sinh viên. Năm 2020, Khánh đoạt Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn Người lao động hôm nay do Báo Người Lao Động tổ chức với tác phẩm Mùa đông trở về.
Truyện của Nguyễn Lê Vân Khánh viết tự nhiên như không, khéo khai thác tâm lý nhân vật và giàu chất văn. Một cây bút có đi đường dài hay không, hãy xét nội lực văn chương và trí tưởng tượng. Nguyễn Lê Vân Khánh có đầy đủ tố chất ấy với một lối viết có nghề. Vanvn.vn xin giới thiệu chùm truyện ngắn của tác giả trẻ ở thành phố biển Đà Nẵng năng động và xinh đẹp này.
NHÀ VĂN TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu

Mùa đông trở về
Vào khoảng đầu mùa hè chúng tôi bỏ việc. Tôi vẫn nhớ sau đó chúng tôi lên tàu đi đến một vài nơi. Có hôm thì nằm ở bãi biển, trời hôm ấy rất trong và ấm. Buổi sáng chúng tôi thuê một cái ghế nằm dài có đệm, trải một chiếc khăn mỏng rồi cứ vậy thay phiên nhau đọc sách và tắm. Tôi đọc quyển sách vừa mua được ở quầy hàng trong một ga xép nhỏ, chốc chốc lại ngủ quên bởi cảm giác dịu dàng của nắng sáng ngập đầy cẳng chân. Chúng tôi cứ nằm vậy, thức dậy, tắm biển, và đọc sách, rồi lại ngủ, thức dậy, tắm biển, cho đến đầu giờ chiều thì lại tiếp tục lên tàu lửa mà đi tiếp.
Thực tế mà nói, từ chuyến tàu đó tính đến khoảng thời gian về trước, mọi thứ trong trí nhớ của tôi chỉ trôi qua mơ hồ. Một vài điều tựa như hạt bụi trên mặt đường, cơn mưa nhẹ cũng dễ dàng tẩy trôi lúc nào không hay. Cũng có thể ý niệm về thời gian bên trong tôi làm sai lệch một vài thứ. Có lần tôi ngồi xe bus đến chỗ làm, tâm trí miên man nhớ vài gương mặt đã lâu không gặp. Cứ thế không cần nghĩ suy đã thấy mình đứng ở nơi làm việc. Chuyện cũ và hiện tại cứ thế chồng chéo lên nhau, cái tủ đựng ký ức bị xới tung lộn xộn. Ngăn năm ngoái với ngăn năm nay lẫn vào nhau, và không ai có ý định đi dọn mớ hỗn độn đó.
Sau chuyến tàu về quê thì khác. Chúng tôi mở một quán cà phê nhỏ. Những ngày mùa hè đầu tiên ở quê nhà, chúng tôi trở nên bận rộn hơn với cái quán nhỏ của riêng mình. Mọi việc ban đầu có vẻ khá khó khăn, không phải vì công việc quá nhiều, mà bởi vì chúng tôi liên tục rơi vào tình thế phải trả lời mọi người câu hỏi:
– Ơ thế là bây giờ hai cô cậu không đi làm gì cả à?
Hầu như ai nghe đến chuyện chúng tôi bỏ việc văn phòng ở Sài Gòn và về quê mở cái quán nhỏ này, đều hỏi như vậy.
– Vậy bây giờ chị/em/cô không đi làm gì cả sao?
Nếu để viết đầy đủ số lượng câu hỏi tôi đã nghe trong suốt mùa hè này, có lẽ phải tràn đầy mấy chục trang vở. Sao lại không làm gì nhỉ? Ngược lại, chúng tôi còn làm việc hơn trước rất nhiều. Pha trà và pha cà phê, mỉm cười với khách và bưng bê dọn dẹp, nhặt tàn thuốc rơi và tẩy vết cà phê trên khăn bàn, nhiều nhiều thứ khác nữa. Tôi chẳng biết trả lời như thế nào cho thỏa đáng.
Phần lớn những người bạn của chúng tôi thì ngược lại. Mọi người nói rằng chúng tôi đã có cuộc sống dễ chịu và đáng mơ ước. Dễ chịu và đáng mơ ước! Nhưng không ai thực hiện. Bởi vì trong thâm tâm mỗi người có lẽ đều cho rằng con đường mà chúng tôi đi đều có cái gì đó đã sai. Cái sự sai ấy, phải đến lúc dư dả tiền bạc và thời gian, người ta mới cho phép mình “sai” như thế.
– Ồ, thế thì chị bỏ nghề à?
– Ơ thế bao nhiêu năm ăn học, bây giờ lại đi bán cà phê là sao?
– Rồi bố mẹ của anh chị có nói gì không? Họ phản đối chứ?
Buổi chiều trong lúc ngồi xem bọn cá con bơi trong ảng nước, nước mắt tôi đột ngột trào ra không dấu hiệu báo trước.
Nước mắt đi kèm cảm giác cô đơn xâm chiếm. Tôi không biết nói sao cho phải. Tôi chưa bao giờ lăn tăn suy nghĩ chuyện chúng tôi đã đi sai hay đúng đường (và một khi đã phải suy nghĩ, nghĩa là nó sai rồi). Tôi chỉ thấy tôi trơ trọi và lạc lõng, trong một tích tắc. Như cái cây muốn vững vàng trong cơn gió, nó phải nghiêng người một chút. Nước mắt làm cái cây trong tôi nghiêng mình một chút.
Rồi ngay lúc ấy tôi nghe thấy mùi rêu nơi đầu mũi. Tôi tựa cằm lên ảng nước, xem bọn cá vẫn thong thả bơi. Màu xanh rêu trong thấy đáy nước. Tôi thương cái mùi tanh nhè nhẹ của bọn cá như thương cái quán nhỏ. Thương bọn cá nhỏ hồn nhiên dễ chịu, không cần biết đâu là ao đâu là ảng. Hoặc có thể tôi không là cá nên tôi không biết!
Một hôm trong lúc đứng cọ đống ly trong bồn rửa, trong tôi đột ngột dấy lên một cảm giác kỳ lạ lúc cọ mãi cái vết son môi bám trên thành ly thủy tinh.
Vết son lì màu đỏ rouge, hằn những vết môi đổ dọc như chùm cây bụi thấp. Tôi từng có một cây màu này, hoặc tựa tựa thế. Buổi sáng trước khi đến văn phòng bao giờ tôi cũng tô son, nhằm che bớt sự nhợt nhạt từ đêm qua và ngày hôm trước. Rồi tôi đến văn phòng, gặp gỡ vài người. Ra ngoài, gặp gỡ nhiều người khác. À, đã lâu lắm tôi không gặp C. Cả anh K nữa. Bây giờ C. đang ở đâu, làm gì? C. đã từng nói gì với tôi. Tôi gặp K. từ lúc nào. Cả AB và những XYZ… Góc đường gần chỗ làm hay dưới chân cầu chúng mình hay uống rượu ngày cuối tuần. Những gì đau đớn và kết thúc, những vui vẻ và xanh trong, nắng và tán cây. Giờ đây tất cả những điều đó đã ở lại thành phố cũ, chỉ còn chúng tôi ở đây, suốt ngày bị mọi người gặng hỏi mày sẽ làm gì cho tương lai của mày? Nếu có gì bất ổn ai sẽ lo cho mày? Tương lai thì đầy rẫy những bất trắc và khổ đau, mày biết không?
“Mày biết không?”
Tôi thấy dạ dày lộn nhào một cú cật lực. Chỉ một vết son môi xa lạ mà mình đã đưa lối mình về cái mớ trăn trở hỗn độn.
– Em đang làm gì đấy? – Chồng tôi đang đứng pha trà gần đấy.
– Không, em chỉ đang rửa ly thôi.
Chồng tôi ừ một tiếng gọn ghẽ. Anh đang tráng ấm trà bằng nước nóng. Gương mặt anh hơi cúi xuống, vệt hơi nước chầm chậm ngang qua. Việc pha trà cũng cần sự tĩnh lặng tập trung. Nếu không, vị trà hẳn sẽ khác đi rất nhiều.
Thực ra việc tôi cần làm chỉ là dùng bọt xà phòng và cọ sạch cái vết son môi ấy đi thôi, thay vì để nó dẫn mình đi.
Đêm ấy tôi mơ thấy một giấc mơ dễ chịu. Giấc mơ đến tự nhiên như hơi thở, nhanh chóng lẫn từ cơn thức đến tận sâu khung cảnh mới tựa cơn gió mùa hè. Tôi thấy tôi đứng nơi thềm nhà. Bên ngoài khí trời dìu dịu của buổi chiều lay động tâm can. Tôi thấy có sư thầy ngồi bên mộ phần dưới tán cây. Gương mặt quý thầy tươi sáng. Nét chân mày tựa như cánh lá vừa rụng xuống thềm, hẳn còn thoảng mùi nhựa xanh, vừa có chút gì như nỗi bi ai uyên nguyên. Trong tâm thức tôi nghĩ chúng tôi đang đứng trong nhà mình, dù khung cảnh bên ngoài vừa mang cảm giác thân thương, vừa chưa lần nào gặp gỡ. Sư thầy một tay cầm chổi nhỏ, tay kia thầy giữ cho xô nước khỏi sóng sánh. Lá rụng trên mộ phần xanh cỏ. Sư thầy nhúng chổi nhỏ vào xô nước, rồi quét nhẹ lớp bụi mỏng trên phiến đá khắc tên người nằm dưới nấm mồ. Lớp nước mau chóng thấm vào phiến đá, chỉ để lại một lớp áo mỏng ướt và tươi mới. Tôi cứ đứng trông vậy một lúc lâu, đợi sư thầy xong việc rồi mới cất tiếng hỏi:
– Thưa thầy, mộ kia là của ai?
Thầy nhìn tôi, không chút gì dao động trong ánh mắt.
– Mộ phần này của tôi. Phần đã chết ấy nay đã xanh cỏ. Thỉnh thoảng tôi ra quét tước, dọn sạch lại mình.
Tán cây thả thêm vài chiếc lá úa. Không khí nhè nhẹ đưa đi những sợi tơ mong manh lất phất. Trong mơ tôi không nói gì tiếp, cũng không chút gì sợ hãi. Tôi cứ đứng yên vậy, sợ như mình khẽ động đậy sẽ làm sợi tơ nào đứt mất. Sư thầy thả chổi vào xô nước nhỏ, báo hiệu đã xong việc. Nước trong chậu sánh ra ngoài một ít. Tôi nhìn thấy giọt nước sánh ra ngoài ấy vẫn sạch và trong, mang đầy cảm giác tươi mát kỳ lạ. Sư thầy phủi nhẹ cổ tay áo nâu rồi bước đi. Tôi nghe thấy tiếng gió khe khẽ đưa vòm lá. Rồi tôi giật mình thức dậy.
Bên ngoài trời đang mưa rất to. Tiếng mưa dội ầm ào trên mái tôn, đổ xối xả mớ ướt át vào không khí. Tôi vẫn nằm yên vậy nghe đầu mũi mơn man lạnh. Lúc này đây cảm giác ấm áp cọ vào từng ngón chân tôi. Tôi nghe-thấy rõ cảm giác ấy. Tôi nghe thấy lúc này. Cả các ngón tay cũng vậy, tôi lôi chúng ra trước mắt, ngắm nghía bàn tay mình. Ở một chiều không gian nào đó, ngăn tủ lộn xộn đang được sắp xếp lại.
Mùa hè đã dọn sạch mình tự bao giờ, và tôi nghe thấy mùa đông đã về bên quán nhỏ!

Mùa hoa bỏ lại
Hoàng có lẽ là người quyến rũ nhất trong tất cả những cô gái mà tôi từng gặp suốt những năm tháng đến trường. Vẻ quyến rũ bất ngờ. Kiểu như không ai ngờ tới rồi từ từ hạ gục ý nghĩa của những người đứng cạnh. Những cô gái như thế có vẻ tồn tại không nhiều. Mãi sau này tôi cũng thỉnh thoảng bắt gặp vài cô gái có dung nhan khá đẹp, vẻ đẹp bên ngoài chắc chắn hơn Hoàng, nhưng vẻ đẹp về khí chất thì không bao giờ có thể hơn được.
Nàng có cái cổ tay thật quyến rũ. Thật sự phải nói rõ rằng tôi chưa bao giờ yêu Hoàng, mặc dù tôi có khá nhiều cơ hội gần gũi và trò chuyện cùng nàng. Cũng có thể thời bấy giờ chúng tôi còn quá nhỏ để biết đến cái gọi là tình yêu đồng tính. Mọi thứ chỉ hiển hiện theo kiểu tôi thích nhìn nàng trong một vài lúc, như cách tụi trẻ con ngắm nhìn búp bê trong tủ kiếng. Lúc nàng băng qua hành lang một cách nhanh nhẹn và tinh nghịch. Hoặc nàng chạy đi chạy lại trong bộ đồng phục trên sân thể thao. Cái cách nàng vận hành cổ tay rất khác cách của tất cả những bạn học còn lại. Nàng đón quả cầu bằng sự thư thả và uyển chuyển, chậm hơn một giây so với phản xạ của người bình thường. Chân phải nàng luôn đặt ở sau, nhẹ nhàng chuyển trọng tâm về sau trong lúc quả cầu vừa được phát. Cánh tay phải dùng lực đẩy ra sau, sau đó dùng tất cả sự chậm rãi đẩy vợt về trước đón cầu. Quả là rất khác với cách của mọi người thường làm: đẩy lực về trước và một lần nữa, cố dùng lực còn lại để đẩy cầu đi thật xa.
Nàng không phải là tuýp con gái được ưa chuộng trong trường học, ngược lại còn thường bị nhiều bạn học ghét ra mặt. Gương mặt tròn, hàng tóc tơ lơ thơ như trẻ nhỏ dường như chẳng có chút gì hấp dẫn theo chuẩn mực đại trà. Ngực lại quá nhỏ, đến nỗi lớp áo cánh bên trong áo dài thường thùng thình, lộ hẳn một khoảng vải mỏng hình tam giác ở ngang eo, hổng và mang cảm giác khô rát, tựa hồ phiến lá vừa bị bong lớp biểu bì.
Nhưng có một chút mâu thuẫn, Hoàng không bao giờ hiển hiện thiếu sinh động như bất kỳ lời miêu tả nào. Nàng đứng đó, không chỉ với gương mặt tròn hay hàng tóc tơ hay bất kỳ cụm từ miêu tả bất động. Hoàng mỉm cười. Hoàng nói. Hoàng dùng cổ tay để đánh cầu lông trong giờ thể thao. Hoàng múa cũng bằng cái cổ tay uyển chuyển ấy trong giờ nghệ thuật. Chính sự sinh động ấy lôi cuốn bất kỳ ai, và làm mờ nhạt bất kỳ ai đứng cạnh nàng.
Nhìn bên ngoài có vẻ như phần lớn mọi người không thích Hoàng. Những đứa con gái không thích Hoàng lúc nào cũng có một đứa con trai bên cạnh. Những đứa con trai không thích Hoàng lúc nào cũng có một đứa con trai bên cạnh. Những đứa con trai bên cạnh thì lại không thích Hoàng lúc nào cũng chực chờ lôi cuốn người khác. Thực tế mà nói, tất cả điều đó đều không phải lý do để không thích Hoàng. Lý do chỉ vì nàng quá nổi bật!
Cả đến bối cảnh của nàng cũng khiến người khác có cảm xúc kỳ lạ. Có một dạo tôi đến nhà Hoàng vào buổi sáng để cùng nhau đi đến nơi tập văn nghệ cho ngày hội mùa hè. Buổi sáng đó tôi đã đến khá sớm mà chưa kịp ăn gì. Hoàng mang cho tôi hai chiếc sandwiches, kèm theo đó là một thỏi phô mai hình chữ nhật. Tôi thật sự đã lúng túng với thỏi phô mai, vì tất cả mọi hiểu biết của tôi về phô mai chỉ là những mẩu tam giác có hình một chú bò đang cười thật tươi, tai đeo những mẩu phô mai tương tự trên nhãn. Khi đó tụi trẻ con chỉ dám nhắc tới phô mai mỗi tháng một lần, nhin nhín và tập trung ăn như thể trong một phút chốc lơ là chính bản thân sẽ ăn hết mà không hề hay biết. Trong lúc tôi không biết cư xử như thế nào với thỏi phô mai kỳ lạ, Hoàng đã dùng dụng cụ để cắt mỏng nó ra, khéo léo đặt từng miếng lên chiếc sandwich và rồi lấp tất cả bằng miếng sandwich còn lại. Nàng đưa nó cho tôi, tất cả hành động đều diễn ra một cách thành thục.
Không ai nhớ đến bối cảnh gia đình của một người bạn thân chỉ bằng ký ức về một thỏi phô mai, nhưng logic của tôi thời niên thiếu về Hoàng chỉ có vậy! Và khi nghĩ về Hoàng, tất cả mọi ký ức về cô gái nổi bật nhất trường đều chỉ gói gọn trong tất cả những điều ấy: thỏi phô mai hình chữ nhật, cổ tay uyển chuyển, và sự ngưỡng vọng đến phát ghét. Tôi muốn nhớ về Hoàng nhiều hơn một chút, trong khi lái xe đến nơi hẹn gặp nàng. Nhưng tuyệt nhiên không còn gì hơn.
Hai hôm trước nàng đã gọi tìm tôi vào khoảng nửa đêm.
– Có phải Ngân không?
Tôi đã biết là Hoàng ngay từ tiếng đầu tiên bật ra từ ống nghe điện thoại, thật sự không thể khác!
– Dạ… xin lỗi… cho tôi hỏi có phải là Ngân không?
Lần này đã có một chút e dè.
– Là Ngân đây, Hoàng phải không?
– Đã lâu lắm chúng ta không gặp nhau!
Lúc này tôi mới nhận ra bên ngoài đang mưa. Có lẽ là mưa nhỏ, nghe như từng hạt li ti đang gõ nhẹ vào cửa kính. Hơi đất nồng ẩm bắt đầu lẩn quẩn nơi cánh mũi.
– Đúng là đã lâu quá không gặp nhau!
– Mình gọi vì muốn hẹn gặp để đưa thư mời họp lớp cho Ngân. Đã lâu lắm không thấy Ngân đi gặp mọi người vào những dịp như vậy, có lẽ phải gặp trực tiếp mới có thể mời được.
Có lẽ nàng vừa mỉm cười ở đầu dây bên kia. Nụ cười rất khẽ, hầu như không thành tiếng. Nhưng tôi nghe thấy tiếng nàng nén một hơi thở giữa lúc cười, tựa hồ nốt nhạc vừa bị sự lơ đễnh của người nhạc sĩ làm hỏng mất. Mùi hơi đất vẫn lẩn quẩn, mấy hôm nay trời đã quá nóng đến nỗi đất đai cũng ngỡ ngàng với một cơn mưa. Lúc này đồng hồ điện tử trên màn hình địện thoại vừa nhảy 2 giờ đúng.
Tôi hẹn gặp Hoàng ở một tiệm ăn giữa thành phố. Nói là giữa thành phố nhưng đó chỉ là tiệm ăn nhỏ trong con hẻm ít người qua lại, xung quanh lại có khá nhiều hoa thiên điểu. Lúc tôi đến thì nàng đã ngồi sẵn ở đó.
– Ở đây không có gì khác xưa.
Hoàng có vẻ bị giật mình bởi đang tập trung vào điều gì đó mông lung. Nàng không biết tôi đã tiến lại gần trước đó.
– Có lẽ vì vậy mà mình vẫn thường đến đây – Nàng cười, nụ cười thoạt trông có vẻ vẫn giống như cô gái của hai mươi năm trước, nhưng đột ngột lại có điều gì như lưỡi dao xén vào tim tôi.
Lưỡi dao ấy hẳn rất nhỏ và được mài mỏng tinh vi, đến mức tôi cảm nhận được nỗi đau thì lưỡi dao đã ngập sâu trong tim mình.
Tóc nàng cột cao, trước trán rơi vài cọng tóc con. Kiểu tóc có vẻ khác, nhưng vẫn là những sợi tóc tơ mềm mỏng và đáng yêu như ngày xưa. Mắt nàng đã hiện một vệt mờ ở khóe, nỗi sầu muộn mơ hồ đọng lại ở đó.
Tiệm ăn vắng người. Chỉ có một bà lão ngồi ở bàn cạnh cửa sổ. Bà lão đặt cả hai bàn tay lên đầu gậy, cằm tựa nhẹ. Mắt nhắm mơ hồ như thể đã ngủ quên. Trên bàn là đĩa thức ăn chỉ còn vương lại một vệt khói mỏng. Đĩa thức ăn không có rau, nhợt nhạt không màu, không có vẻ gì là hấp dẫn. Bên ngoài chợt có tiếng xe máy vụt ngang. Tiếng động dường như cắt đứt dòng mơ hồ khiến mi mắt bà cụ khẽ lay động. Sự lay động dù rất khẽ, nhưng lại chắc chắn hệt như cành thiên điểu lay trước sân.
Cả hai đều gọi một phần súp nóng, có lẽ vì trời trở gió. Từ nãy giờ chúng tôi vẫn chưa nói gì nhiều ngoài việc chọn thức ăn. Sự yên lặng dễ chịu bao trùm không gian, tôi không định hỏi vì sao nàng gọi mời tôi họp lớp vào lúc hai giờ sáng.
Chúng tôi chọn nơi này vì đây là quán quen suốt thời trung học. Vào mỗi cuối kỳ học, với những tách cà phê nóng thơm vào buổi sáng sớm. Quán lúc nào cũng vắng, và trong tất cả những buổi gặp mặt, hoa thiên điểu luôn lay lay trước sân.
Hoàng mặc một chiếc áo sa tanh màu xanh cô ban cổ rộng. Màu xanh trông rất mát mắt. Hõm da ở xương quai xanh trông khô và mỏng, như thể có thể nhìn tận vào sâu khung xương. Khoảng trống ở đó đặc biệt thu hút, đến mức tôi quên bẵng việc ngắm nhìn cổ tay quyến rũ của nàng. Đôi vai hao gầy giờ đây tiềm ẩn cả lưỡi dao tinh vi khi nãy.
Có tiếng xe máy vụt qua lần nữa, lần này cành thiên điểu trên đôi mắt của bà cụ không buồn lay động.
– Ngân không hỏi vì sao mình lại làm phiền Ngân vào lúc hai giờ sáng sao?
Hoàng cười, nụ cười ngưng một nhịp thở như lúc trò chuyện với tôi qua điện thoại. – Không ai lại đi mời họp lớp vào lúc hai giờ sáng.
– Mình đã nghĩ là Hoàng gặp biến cố gì đó và cần mình, nhưng nghĩ sâu hơn thì không phải. Cô gái nổi bật nhất trường thì khó có thể như vậy.
Lần này đến phiên tôi cười để lấp đầy khoảng trống đằng sau câu nói. Thời đoạn trung học đã trôi xa như thể chiếc hộp Pandora bị quăng vào lỗ đen vũ trụ, không ai nhớ rõ mọi thứ được cất giấu ở trong đó. Vậy mà tôi lại vừa mở nó ra và phần nào chua chát ném một vài thứ không vui vào Hoàng.
– Biến cố của mình có lẽ là phải chia tay thời trung học.
– Nghe có vẻ như một người nuối tiếc quá khứ đẹp đẽ ấy. Rất sến ấy!
– Ngân vẫn nói chuyện giống như ngày xưa. Kiểu một chút châm biếm. Nếu không thân thiết thì không thể nói chuyện lâu với Ngân.
– Đó cũng là lý do suốt từ khi rời trường mình đã không đi họp lớp, mọi người có lẽ không dễ chịu khi gặp mình.
Tôi nói dối một chút. Lý do thực ra rất đơn giản, đã lâu tôi không nhớ đến chuyện họp lớp hay những buổi tụ tập đến thăm nhà thầy cô giáo và bạn bè cũ. Thư mời có lẽ đều đặn được chuyển đến email cũ. Cái hộp thư với địa chỉ nghe rất trẻ con và vớ vẩn được làm từ thời trung học, và cũng vì lẽ đó mà suốt từ bấy đến nay tôi không hề đụng tới. Có lẽ password cũng tự động được xóa mất trong trí nhớ! Điều duy nhất tôi vẫn hay nghĩ thuộc về thời trung học là Hoàng. Mà Hoàng thì vẫn ở đó, đâu đó trong thành phố, dễ dàng liên lạc bằng email hay điện thoại hay thư tay. Bởi vì nàng luôn ở đó, nên tôi đã luôn yên tâm không gặp nàng và rồi hai mươi năm trời trôi qua.
– Vóc dáng của Hoàng có vẻ nhỏ hơn trước thì phải, có phải là do không còn chơi thể thao không?
– Mình vẫn chơi cầu lông đều đặn. Thỉnh thoảng còn đi bơi cùng bạn bè. Nhưng hình như đúng như Ngân nói, mình có vẻ nhỏ đi một chút. Soi trong gương hay thậm chí là đi cân đo cũng không thấy như vậy, nhưng về cảm giác thì là có. Đôi lúc đang đi đường mình lại thấy vai mình rút lại, lưng ngắn hơn một chút.
Câu vừa rồi có lẽ là câu dài nhất của nàng trong suốt buổi gặp gỡ.
– Thời gian qua có phải Hoàng đã mất đi điều gì quan trọng hay là sao?
– Không, mọi người và mọi việc vẫn ở đó, chính xác là mình vẫn sống với mọi thứ như thời trung học.
– Nhưng cuộc điện thoại của cậu như một lời cầu cứu ấy.
Nàng bật cười. Tiếng cười bừng nở đến nỗi bà cụ bừng mở mắt nhìn hai chúng tôi. Lúc này đĩa thức ăn đã nguội lạnh, sợi khói chỉ còn một vệt mơ hồ trong suy nghĩ. Tôi biết nàng cười vì cuối cùng tôi cũng đã nói về điều gì đó nằm sau cuộc điện thoại lúc hai giờ sáng.
– Suốt hai mươi năm qua mình vẫn sống bình thường với mọi người, mọi việc, mọi sự kiện. Không có điều bất hạnh nào xảy đến với mình và cũng không có người nào khiến cho mình đau đớn. Lẽ thường tình đó được gọi là may mắn, nhưng hình như đối với mình, đó mới chính là biến cố.
– Một biến cố xảy ra suốt hai mươi năm sao?
– Đúng rồi. Nó cứ diễn ra tiếp nối suốt hai mươi năm. Mình không biết làm gì với nó. Thậm chí để gọi tên chính xác nó là gì thì mình cũng không biết. Mình không thể đến gặp bác sĩ và nói rằng tôi mắc chứng bệnh sống bình thường. Mình cũng không thể nói với mọi người trong gia đình là vấn đề của mình là mình giống như tất cả mọi người được.
– Có lẽ là mình hiểu!
– Trường học có lẽ là một thế kỷ thu nhỏ và được rào lại bằng cổng trường. Ý mình không muốn nói về thời gian, mình muốn nói về không gian, thế giới quan, mâu thuẫn. Tất cả tụi mình khi đó đều buộc phải sống cạnh nhau, nhìn thấy nhau và va chạm về mọi mặt. Ngân nhớ là có rất nhiều người ghét mình chứ?
– Đó không phải là ghét, là vì Hoàng luôn nổi bật, và tất cả họ thì không.
– Đó là va chạm. Mặc dù cả họ và mình đều không muốn, nhưng tụi mình với cách nhìn mọi thứ, cách làm mọi thứ khác nhau, bị buộc phải va chạm và mâu thuẫn với nhau.
– Vậy là Hoàng bị mắc kẹt ở thời đoạn trường trung học sao?
– Nói là thời đi học thì đúng hơn. Khi mình học xong đại học, mọi thứ cũng chưa rõ ràng lắm. Nhưng tốt nghiệp và bắt đầu đi làm thì biến cố lại trở nên tệ đi, với bề mặt thì luôn có vẻ bình thường, thậm chí là trông tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như mình kiếm được công việc rất nhiều tiền, đồng nghiệp luôn vui vẻ hỗ trợ, mình kết hôn và có một con trai. Mọi thứ, mọi thứ!
Tôi không biết đáp trả Hoàng như thế nào ngoài sự yên lặng. Từ nãy giờ hình như bà cụ cũng đang lắng nghe. Mắt bà chăm chú vào đĩa thức ăn, đôi đũa chỉ hờ hững gắp từng miếng nhỏ. Hoặc cũng có thể vì đĩa thức ăn có mùi vị chán ngắt.
– Thật lạ là chúng ta ở cùng một thành phố không lớn. Công việc lại không quá bận rộn. Cuộc sống không có gì phải suy nghĩ ngoài việc thường nhật. Nhưng hai mươi năm mới lại gặp nhau một lần.
Đến lượt nàng im lặng. Tiếng xe máy bên ngoài không hiểu sao vụt qua mỗi lúc một nhiều, khác hẳn với thời trung học, không có mấy xe cộ lưu thông trước tiệm ăn cũ cùng con hẻm nhỏ thưa vắng.
Không có tiếng nhạc nào chi phối tinh thần của cuộc nói chuyện giữa Hoàng và tôi, chỉ thỉnh thoảng vẳng lại nốt nhạc đứt quãng của người nhạc sĩ lơ đễnh. Cuộc nói chuyện này có lẽ hơi nặng nề nhưng lại cần thiết đối với Hoàng.
– Mình dường như cũng đã sống cuộc sống như cậu nói, với biến cố giống Hoàng. Nhưng may mắn là mình không phải là người nổi bật nhất trường trung học, mình không quyến rũ, và mình cũng không đủ nhạy cảm để cảm nhận được nỗi đau của biến cố đó.
– Thời gian không gặp Ngân dài như vậy cũng là một nỗi đau đối với mình. Đích xác là nỗi đau, không phải là nhớ nhung hoặc là loại tình cảm riêng tư gì cả. Có thể như một sợi dây bị kéo căng ở mức vừa phải, không thể đứt nhưng cứ mãi mãi ở trạng thái căng thẳng như vậy.
– Giá mà chúng ta cứ mãi bị “nhốt” trong thế-kỷ-trường-trung-học.
Tôi nhắc lại cụm từ của Hoàng và phì cười. Nàng cũng cười chua chát, nỗi sầu muộn ở khóe mắt lại lấp lánh như lưỡi dao tinh vi. So với cô gái nổi bật nhất trường năm xưa, dáng vẻ bên ngoài của Hoàng dường như chẳng thay đổi gì nhiều, thậm chí có phần trẻ hơn so với hai mươi năm đã trôi qua. Nhưng mỗi sự thay đổi vi tế, mỗi vết hằn của thời gian hắt lên khóe mắt, hõm xương, cổ tay mờ nhạt, đều khiến tôi cảm thấy đau đớn như thế chính mình là Hoàng.
– Ngân có muốn xem lại ảnh họp lớp vào năm ngoái không? Mình có mang theo, biết đâu vì nhìn thấy nó mà năm nay Ngân quyết định sẽ đi họp lớp cùng mọi người.
– Cuối cùng cũng vào mục đích chính rồi.
Nàng chìa cho tôi xem tấm ảnh chụp rất nhiều người ngồi xếp hàng thành hai dãy phía trước, và phía sau là một hàng người dài đang đứng. Tôi nhận rõ mặt của hầu hết mọi người trong ảnh, có rất nhiều bạn học trở nên xinh đẹp hơn trước. Phụ nữ chủ yếu mặc đầm và váy sáng màu, ngồi nghiêng chân về một phía trông rất điệu đà và kiểu cách. Hàng dọc phía sau trông có vẻ thoải mái hơn rất nhiều. Tất cả đàn ông trong ảnh đều mặc áo phông, polo hoặc không cổ. Họ khoác vai nhau theo kiểu đội bóng trường trung học, trông rất khỏe mạnh và hào sảng. Trong bức ảnh ấy, tôi thấy Hoàng ngồi góc chếch về bên phải ở hàng thứ hai. Người ngồi trước che mất chiếc váy nàng đang mặc. Khóe miệng nàng mỉm cười như thể đang trò chuyện cùng tôi qua điện thoại lúc hai giờ sáng. Hoàng tựa cằm vào tay, để lộ cổ tay nhỏ. Bức ảnh hai chiều làm tôi không thể nhận ra đó có phải là cổ tay đã đẩy quả cầu bằng sự thư thả năm xưa hay không. Và ở góc ấy, nàng ngồi lọt thỏm trong ba hàng người, nhỏ nhắn như thể bị rút mất một đoạn xương vai và cột sống, bởi những gì tất lẽ trôi qua.

Dựng nhà kho
Nàng dừng gõ máy tính. Sau đó một tay chống cằm, dùng móng của bàn tay còn lại cạo dấu sáp nến trên bàn. Chính xác là nàng đặt móng tay bên ngoài dấu sáp, sau đó tấn công từ từ vào trong. Sáp nến bật lên như bọn tàn quân chạy táo tác.
Được một nửa thì nàng dừng lại và gõ tiếp. Tôi vẫn trộm nhìn. Vụn sáp nến màu xanh còn dính lại nơi móng tay cái bên trái. Cảm giác cứ như bọn sáp nến chỉ tạm mạo hiểm ở đó, chờ chực rơi xuống bàn phím bất cứ lúc nào. Nói thêm là tôi vừa lau sạch bàn phím giúp nàng.
– Có một vài người nói em viết khá giống ông Z.?
– Ý họ là bắt chước hả? Thì vì họ cảm thấy vậy, còn sự thực như thế nào thì lại là chuyện khác – Tôi có ý muốn an ủi nàng. Ngẩng lên thì lại thấy nàng không có vẻ khó chịu gì lắm, ngược lại dường như còn có vẻ thích thú. Nét mặt như thể đang mải nghịch một món đồ chơi mới.
– Nếu thực sự giống thì còn tốt. Ngược lại thì rất tệ! Ông Z. là nhà văn nổi tiếng, còn em chỉ là con nhỏ dùng ít chữ viết để kiếm vài đồng nhuận bút sống qua ngày.
Nàng ngừng lại một chút, phần giữa hai chân mày của nàng nhíu lại.
– Vì vậy nên bây giờ em thử đọc một truyện mà em chưa bao giờ đọc, của ổng. Sau đó bắt chước thử xem.
Nàng cười một cách tinh nghịch, sau đó nằm kềnh ra sàn nhà. Khi đó nàng đang bận một cái quần ống rộng. Chất vải lụa màu xanh sáng óng ánh lúc nàng cử động khiến phần thân dưới có vẻ rất gợi cảm. Nhất là khi có nắng chiều hắt vào phòng khách như thế này.
– Anh nghĩ không hẳn là bắt chước. Vì hình như ổng không có vẻ bỡn cợt với công việc của mình, như em!
Nàng cười vang. Mấy ngón chân choài ra từ ống quần lụa rộng thỉnh thoảng nhúc nhích trông như nàng đang rất muốn đứng dậy và nhảy chân sáo. Gót chân thì đã mất tích bên dưới vẻ óng ánh ấy.
– Còn tuỳ đối tượng công việc mà anh nhắm tới là gì. Viết văn là chuyện bỡn cợt, vì cuộc đời toàn chuyện bỡn cợt.
– Nghe như người lớn ấy nhỉ!
Thực ra tôi cũng không mấy để tâm vào câu chuyện của buổi chiều hôm ấy. Tôi cũng chỉ nghe thế rồi thôi, và tôi đã nghĩ rằng nàng cũng vậy. Bằng chứng là tất cả những gì nàng viết ra sau đó đều không nhắc nhớ lại chuyện đã nói. Thật tâm mà nói, công việc viết lách của nàng đối với tôi chỉ cần để tâm vừa phải. Một phần vì đặc trưng công việc khiến tôi không có mấy thì giờ quan tâm nhiều đến sách thuộc thể loại văn học. Phần nữa là công việc này có thể nói, là cách nàng giải khuây. Nhuận bút hàng tháng kiếm được chỉ đủ để mua thêm vài chiếc váy mới hoặc vài món lặt vặt yêu thích. Mọi chi phí trong gia đình chẳng bao giờ cần nghĩ. Thành ra việc viết lách chỉ cần là một niềm vui là được. Mà đã là niềm vui, tôi quan niệm nó vốn chỉ như gió thoảng mây bay, không cần dụng công và bận tâm quá nhiều.
Tuy nhiên cũng có một lần chúng tôi đã nhắc lại chuyện đó. Đó là hôm sau khi chúng tôi bất ngờ gặp lại một người bạn cũ.
Buổi tối đó sau khi đi xem phim, chúng tôi đã ghé tiệm ăn món sủi cảo yêu thích. Khi vừa bước chân ra khỏi tiệm sủi cảo, tôi nghe thấy một điệu huýt sáo từ phía trái. Đột ngột tôi có cảm thấy miệng mình đang có vị canh rau cải xanh.
– Này Lâm, có phải Lâm không?
Người đàn ông dừng huýt gió và quay lại nhìn chúng tôi, vẻ mặt cũng không mấy bất ngờ. Như kiểu đã khá quen với những cuộc gặp như vậy.
– À thì ra là hai người à? Lâu lắm không gặp nhau rồi.
Chúng tôi đã từng là bộ ba trong trường trung học. Nhà tôi cách xa trường nhất. Buổi sáng tôi thường đi bộ đến nhà nàng, sau đó cả hai cùng ghé nhà Lâm rồi đến trường. Đến trường, ăn trưa và rồi đi bộ trở về nhà vào buổi chiều cùng nhau, cứ thế nhiều năm cho đến gần ngày ra trường thì Lâm biến mất.
Gia đình anh ta chuyển đi mà không cả bận tâm đến việc lấy bằng tốt nghiệp cho con trai. Điều đó đồng nghĩa với việc Lâm hoặc phải học lại vài năm học, hoặc còn chưa cả tốt nghiệp trung học.
– Việc đó chẳng có giá trị gì nếu như anh có năng lực.
Lâm ngồi tựa hẳn vào lưng ghế, vì thế dáng ngồi trông hơi kiêu ngạo. Nhìn kỹ thì vẻ bề ngoài cũng không thay đổi gì nhiều từ thời trung học cho đến nay.
Chúng tôi tạt vào một tiệm cà phê ngay gần quán sủi cảo. Tiệm cà phê không có gì đặc biệt, chỉ toàn mùi khói thuốc lá. Cậu ta kêu cho mình một ly cà phê đen ít đường, tôi và nàng uống bia lạnh không đá.
– Nói vậy là khả năng học giỏi văn của em cũng có thể kiếm tiền đấy nhỉ! – Lâm hơi nhoài người về phía với vợ tôi. Nàng học dưới tôi và Lâm 2 lớp, nhưng khả năng viết của nàng từ trung học đã nổi bật thuộc dạng top của trường.
– Vậy em viết về cái gì? Người giàu, kẻ nghèo? Xã hội tha hoá? Vấn đề đạo đức? Chiến tranh và hoà bình?
– Em viết về em – Nàng mỉm cười, không có chút gì lúng túng với câu hỏi của Lâm. Có vẻ như đây là tình huống thường gặp khi phải giới thiệu mình làm công việc viết lách với một người lạ.
– Công việc của cậu thì thế nào? – Tôi hỏi Lâm.
– Này, chuyện này thì phải nói nhỏ!
Ánh mắt Lâm đảo một vòng thật nhanh xung quanh quán cà phê rồi nhoài người về phía chúng tôi. Cậu ta thấp giọng:
– Tôi là chuyên viên điều tra của sở thuế.
Trong ánh sáng vàng tối, khoé miệng cậu ta nhếch mép cười. Kiểu rất giễu nhại.
– Là kiểu đi vạch trần những kẻ trốn thuế hả?
– Cũng không hẳn. Vạch trần là việc của những người làm việc ngoài ánh sáng. Nói nôm na là những kẻ có hợp đồng lao động với sở thuế. Cái đó chỉ là phần ngọn thôi. Anh đâu thể vạch trần người khác nếu cứ thực hiện những phương pháp được liệt kê trong sách giáo khoa. Phải có một vài tiểu xảo và phương pháp ngoài luồng. Hai người hiểu chứ?! Không ký tá, không hợp đồng và không hề tồn tại. Nhưng ý nghĩa công việc thì rất lớn lao!
– Có kiểu công việc như vậy sao?
– Yên tâm đi! Những người làm công việc như vợ chồng cậu thì khó có thể lọt vào tầm mục tiêu của tôi. Lương thiện và nhỏ bé!
Từ nãy giờ tôi vẫn nghe thấy vị canh rau cải xanh trong vòm miệng. Có thể nói đó là mùi vị mà tôi ghét nhất. Từ sau khi tốt nghiệp trung học và không phải ở lại trường vào buổi trưa, tôi đã vĩnh viễn từ giã cái món đáng chán ấy.
– Anh có nhớ món canh rau cải xanh không? – Nàng đột ngột bẻ lái câu chuyện.
– Cái món dễ sợ đó hả?! Toàn là mùi hăng hăng của cải xanh. Chỉ có cải xanh và nước, không có một vụn thịt. Không hiểu sao tụi mình đã ăn nó suốt mấy năm trời. Căn tin trường học làm sao ấy nhỉ, chỉ nấu mỗi một món canh ấy!
– Có thể vì nó rẻ, và dễ mua! – Tôi nói.
Buổi sáng hôm sau khi vợ tôi đang đứng ở kệ bếp nấu món cho buổi sáng, nàng đột ngột lại nhắc về chuyện “viết giống ông Z”.
– Nghiêm chỉnh mà nói thì những thứ ông Z. viết ra thường có-ý-nghĩa với rất nhiều người. Còn của em thì không: giống như giai điệu chỉ để ngân nga, truyện chỉ để đọc.
Tôi nghe thấy mùi sả nhưng không rõ nàng đang nấu món gì. Đột ngột nàng nhắc lại chuyện cũ, tôi nghĩ là vì âm ba của cuộc trò chuyện tối qua với Lâm.
– Kiểu này này…
Nàng quay lại nhìn về phía tôi. Môi hơi mím, ngân vài tiếng ấm ứ trong cổ họng. Nghe như tiếng một con ma hát giữa cánh đồng đêm.
– Đó là một giai điệu hả? – Tôi bật cười.
– Nếu không thì là gì?
Nàng cũng cười to sau khi kết thúc điệu bộ kỳ lạ đó. Nếu giai điệu như thế được trình diễn, tôi trộm nghĩ, khán giả sẽ xem đấy là rác.
– Dù đối với nhiều người rác không là gì, nhưng nó vẫn có mặt trên cuộc đời! – Nàng ngưng cười. Nghe như có vẻ nàng lại đọc được suy nghĩ của tôi.
– Ít nhất thì em cũng sẽ thu hoạch được cà chua và trứng.
Sau buổi sáng đó tôi đã nghĩ thực ra mình khá sai trong cách nhìn nhận công việc của vợ mình. Đôi lúc ở chỗ làm, trong khi đang loay hoay với mớ hồ sơ, tôi đột ngột mường tượng thấy nàng đang ngồi ở bàn ăn trong bếp. Ánh sáng từ cửa sổ hắt lên một nửa gương mặt nàng, lúc này đang chăm chú gõ phím. Có khi nàng dừng lại và cậy lấy vệt sáp nến trên bàn ăn. Nồi hầm trên bếp kêu lục bục. Mùi thức ăn tràn ngập khắp gian bếp. Trong không gian dễ chịu đó, vợ tôi như người thợ với chiếc kim vàng trong tay, tỉ mẫn tỉa giũa.
Về sau đó nhiều năm, khi tôi cố gắng hồi phục ổ cứng giúp nàng, tôi đã đọc được truyện-ngắn-trò-chơi nàng viết năm ấy trong khi kiểm tra lại số bản thảo đã hồi phục được.
Truyện kể về một người đàn ông nông dân cùng với thửa ruộng và cái nhà kho. Vùng đất ông ta sinh sống vốn khí hậu rất khắc nghiệt. Thửa ruộng lại rất nhỏ. Thành ra đã bỏ nhiều công sức nhưng chẳng mấy khi thu hoạch. Ngoài thửa ruộng tội nghiệp, người đàn ông còn tự mình dựng nên một cái kho đằng sau nhà. Đúng mùa ông ta làm đất, gieo hạt, bón phân, làm tất cả mọi việc đều một mình. Thu hoạch xong thì bán bớt nông sản, dùng tiền để tu sửa nhà kho. Sửa xong cánh cửa lại đến mái kho, kèo chống, tấm vách. Xong một lượt tất cả mọi thứ lại tiếp tục thay cánh cửa tốt hơn, mái, kèo, vách… Ngược với thái độ bỡn cợt của tất cả những người trong làng, người đàn ông cứ thế ngày này qua tháng nọ làm công việc tu sửa cái nhà kho rỗng không, thành tâm như một con chiên ngoan đạo hành lễ. Nhiều năm về sau, khi chẳng còn ai trong làng để tâm dè bỉu người đàn ông với cái nhà kho nữa, một buổi sáng nọ người làng tìm thấy người đàn ông đã chết lạnh trong chính cái nhà kho ấy. Cửa kho cũng vừa được lắp xong với một cái mộng đẹp và hoàn chỉnh nhất. Ngoại trừ cái xác của người đàn ông với nét mặt thành tâm và nghiêm cẩn, cái nhà kho vẫn rỗng không và sạch sẽ như chưa từng chứa gì. Lúc đó là buổi sáng, chim vẫn hót trên tán cây gần đấy.
Không hiểu sao ngay lập tức, tôi nhận ra đấy là cái truyện nàng viết với chủ ý bắt chước mà nàng đã nói vào buổi chiều ngày hôm ấy. Có lẽ là vì giọng điệu và cốt truyện hết sức bỡn cợt, đến mức vẻ thành tâm của người đàn ông – vốn chỉ là nhân vật hư cấu – trở nên tội nghiệp vô cùng. Tôi chỉ biết ngồi thừ người sau khi đọc xong. Trùng hợp khi ấy cũng có con chim đang hót trên tán cây gần cửa sổ. Ngay chỗ tôi ngồi có thể nhìn thấy nó, dáng vẻ hót không mấy khẩn trương. Đôi chỗ ậm ừ ríu rít, vậy mà cũng thành một giai điệu!
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH