Truyện ngắn tác giả trẻ Mạc Yên ở Cần Thơ

Tác giả trẻ Mạc Yên

Vanvn- Mạc Yên tên thật Nguyễn Mạc Yên Hải, sinh năm 1992, theo đuổi chuyên môn kiến trúc, đạo diễn, hiện đang học tại Đại học Cần Thơ.

Truyện của Mạc Yên thiên về tư duy gợi hình, mang tính chất trừu tượng, khi đọc phải phát huy trí tưởng tượng xem hành động của nhân vật chúng ta mới có thể hình dung ra được ý tác giả muốn gửi gắm. Là một tác giả trẻ nhưng đã có nhiều truyện ngắn, như “Lời của thời gian”, “Cái chết pruh nơi lưng chừng trời” được giới thiệu trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam là một thành tích đáng quý…

TRẦN ĐỨC TĨNH giới thiệu

 

LỜI CỦA THỜI GIAN

 

– Đó là một sự xúc phạm!

Không. Nó không chỉ dừng lại ở đó, Tùng chỉ muốn hét toáng lên nó là một ý tưởng phỉ báng, một sự báng bổ tôn nghiêm của người thầy.

– Khi người ta thỏa mãn với những gì mình đã biết thì cánh cổng tri thức đã đóng lại! – Thầy hiệu trưởng nhẹ nhàng nhưng hết sức cương quyết – Với tư cách là học sinh thì đó cũng là sự báng bổ khi một ông thầy không chịu học hỏi lại có quyền đứng trên lớp thao thao bất tuyệt dạy dỗ người khác. Khi thốt ra câu nói đó thì thầy không có quyền và nghĩa vụ phải ở lại ngôi trường này nữa!

Tùng trợn mắt nhìn thầy hiệu trưởng, con người đó dám đuổi anh? Một người đã dạy học ở cái trường này hơn chục năm nay và liên tục nhận được giải giáo viên giỏi cấp thành phố! Ông dám đuổi một cây săn giải thưởng báo cáo kinh nghiệm và được rất nhiều thầy cô lão làng khác nâng đỡ.

– Đừng quá ngạc nhiên. Tôi có trong tay bốn mươi tờ đơn đóng sẵn con dấu của Sở ở đây, và bốn mươi bản hợp đồng khác đang chờ tôi kí. Tôi không ngại nói thẳng cho tất cả những con người đang mệnh danh nhà giáo trong căn phòng tồi tàn này, rằng tôi có quyền rất sâu và rất xa để cho các bạn nghỉ việc không ăn lương dài hạn. Cơ hội duy nhất cho mọi người cứu vớt cái ghế giáo viên nát bấy kia chỉ có một cách, đó là phải tham gia vào chiến dịch của tôi.

Thầy Tùng trợn mắt nhìn thầy hiệu trưởng, mạch máu trên cổ trên trán ông giật đùng đùng như muốn xé toạc những mảng da đỏ quạch đang nổi gai ốc. Và khi thầy hiệu trưởng lôi tờ giấy với dấu mộc đỏ son đè lên trên chữ kí của tay giám đốc Sở, thì anh biết ông hiệu trưởng này không đùa chút nào.

– Thầy Tùng. Hoặc là thầy giải chức, hoặc là thầy tham gia. Thầy chọn đi!

Tùng cố nuốt cục nghẹn xuống bụng nhưng nó cứ mắc lại nơi cổ họng anh. Anh không bao giờ nuốt trôi được, không bao giờ. Bằng đôi mắt cay cú cực độ, anh cố gắng tìm một chút động lực ở bốn mươi hai con người còn lại trong căn phòng. Tất cả bọn họ đều hoàn toàn im lặng, hoàn toàn tảng lờ đi chỗ khác. Có người còn bình thản chờ đợi thời gian cuộc họp này trôi đến cuối. Anh đã bị họ lừa, tất cả chỉ muốn đẩy anh lên làm phòng tuyến đầu tiên và cuối cùng của họ, để anh chết thay họ.

– Thầy Tùng?

– Tôi không đồng ý! – Tùng hét lớn, tất cả máu nóng trong người anh chỉ muốn phun hết ra ngoài bằng câu nói đó – Tôi không đồng ý để người mới thay thế chúng tôi, họ không có đủ kinh nghiệm. Chính vì lẽ đó, chúng tôi sẽ tham gia!

Thầy hiệu trưởng rút lại tờ đơn trên tay mình, khuôn mặt không hề dấy lên bất kì cảm xúc nào cả. Cứ như thể đó là chuyện tất nhiên phải vậy.

***​

Ngôi trường tôi đang học là một ngôi trường đã từng rất nổi tiếng trong thành phố này. Hơn mười năm về trước, những đàn anh đàn chị mà giờ đây đã làm đến giám đốc bệnh viện này, viện trưởng viện kia đã đem về trường cơ man nào là giải thưởng. Giải quốc gia, giải Olympic, giải quốc tế có lẽ chỉ là một trong số đó. Tên của họ được khắc lên một tấm bảng gỗ mà giờ đây đã đóng nhiều lớp bụi dày trong phòng thầy hiệu trưởng. Dường như lớp bụi đó, và những vòng tròn đồng tâm trên gốc cây trước cửa lớp tôi, là một minh chứng rằng: Từng đó năm trôi qua là từng đó thế hệ học trò rời khỏi trường và mãi mãi không trở lại. Ra khỏi ngôi trường này, chẳng biết từ khi nào trở thành một niềm hân hoan kì lạ, như thể một linh hồn tội lỗi vừa thoát khỏi cõi luyện ngục vậy. Bố khỉ! Nói trắng ra là họ quá chán ngán để quay lại.

– Trò nghe cái tin gì chưa?

Thằng quỷ Tân, nếu lớp nào cũng cần có một đứa õng à õng ẹo chuyên đi hóng hớt chuyện thiên hạ rồi học cho người này người kia biết, thì vai trò của thằng quỷ Tân chính là thằng xăng nhớt lẫn lộn đó.

– Nói lẹ không là lột trần!

– Hoy! Tha đi mờ! Trò nhớ chỉ tui mấy bài cuộn cảm đi rồi nói! – Thằng Tân bắt đầu cất giọng “dịu dàng kinh điển”.

Tôi gật đầu chiếu lệ.

– Thầy hiệu trưởng vừa lau sạch cái bảng tên danh dự trong phòng đó!

– Hết chuyện, coi như chưa nghe thấy gì.

– Khoan! Còn! – Thằng quỷ Tân níu tay áo tôi lại bằng một nỗ lực hết sức mềm mỏng, cầu trời là nó đừng phải lòng tôi – Thầy nói với tui là trường sắp diễn ra một cuộc thi! Cuộc thi tuyển chọn giáo viên mà học sinh là người chấm!

Tôi tròn mắt nhìn thằng bạn. Thằng quỷ này mỗi khi nói láo là nó sẽ cười cười với khuôn mặt hết sức ngây thơ. Nhưng lần này nó không cười, đôi mắt cũng tròn xoe như tôi đang xoe tròn nhìn nó. Láo! Một cái tin động trời thế này mà không phải là nói láo thì đúng là quá láo!

– Làm sao ông biết! Nói láo là tội lột trần và phơi ra thị chúng!

– Thầy nói cho tui biết! Chính miệng thầy nói là trường sẽ tổ chức trong tháng tới mờ!

Và trong vô thức, bàn tay thần thánh của tôi đã thọt vào đũng quần, á nhầm, vào túi quần, rồi lôi ngay cái Iphone 7 bé bỏng của mình ra. Bằng một thao tác tự sướng điêu luyện, khuôn mặt xinh đẹp đang hoàn toàn kinh hoàng của tôi đã được ném thẳng lên trang “mặt sắt” với hơn năm ngàn bạn bè: “Sốc! Không còn cú sốc nào hơn cả! Làm sao đây? Những tháng ngày tẻ nhạt và buồn bã ở cái trường này dường như sẽ bắt đầu chấm dứt ư? Chúng tôi, những người làm học sinh, sẽ được trao vào tay cái quyền chấm điểm… cho chính những giáo viên của mình!”.

***​

Thầy hiệu trưởng nhìn lại tấm bảng danh dự trong phòng mà thở dài tiếc nuối. Vậy là đã hơn hai mươi mấy năm trôi qua từ khi ông tốt nghiệp ngôi trường này, nó đã không còn là của ông nữa. Bạn bè ông người ở Đông kẻ ở Tây, chẳng ai lại nghĩ về một ngôi trường đã tuyệt tình chối bỏ sự cưu mang của họ. Những giáo viên kì cựu mà ông được học thì người hoặc đã mất, hoặc quá già nua. Họ bán hết hơi thở của mình vào quá khứ, để hiện tại giờ đây chỉ là một bông hoa giả tạo luôn tỏa ra thứ mùi ngai ngái của những lò thuộc da động vật. Phải, học trò của ngôi trường này chẳng khác gì hơn là những sinh vật đang chờ được giết thịt, từng mẩu trên thân xác chúng đều được tận dụng hoàn toàn vào mọi ngóc ngách. Để làm gì ư? Để đem về những thành tích ảo từ tư tưởng của thời cuộc. Những người thầy trẻ tuổi này nói cho cùng cũng chỉ là những tảng thịt viên bốc mùi được ngâm đi ngâm lại vào hàng loạt hóa chất. Liệu ông có cứu được ai trong đó chăng? Ông hi vọng là thời gian không tàn khốc như người ta vẫn thường nói.

– Thầy ơi, mấy người khách tới rồi! – Cô hiệu phó vui mừng thông báo.

– A, chào anh Bằng! Bây giờ là hiệu trưởng rồi ha? – Trung, đàn em dưới ông một khóa – Anh coi tụi này đã tập hợp được bao nhiêu người đây?

Trung nói và nhìn ra phía cửa, theo sau cậu là hàng loạt tiếng cười chào rổn rảng cùng những dáng người đã bị thời gian bào mòn đi. Kia là chị Thắm khóa trên lúc nào cũng năng động và hài hước, là Phước chuyên sinh lại rất giỏi lịch sử và chính trị, là Thanh tròn trịa năm nào luôn thật tình và sâu sắc, là Thành chân thành như cái tên của cậu. Rồi có cả Ngọc, cả Nguyên, bộ đôi luôn đưa ra hàng loạt lời nhận xét chí lý chí tình, cả An cả Sang một thời cùng ông nói đủ chuyện trời đất, cả bí thư của lớp, cả cô bạn mà ông từng thầm thương nhớ. Và còn nhiều nhiều người bạn quá đỗi thân quen. Họ bước qua cánh cửa đó như đã lật lại những trang lưu bút cuối cùng, những kỉ niệm tưởng sẽ mãi mãi chỉ còn lại trong trí nhớ lúc được lúc mất. Ông cảm thấy mình đang sống ý nghĩa hơn bao giờ hết. Vô thức, nước mắt ông chợt trào, thời gian có tha thứ cho ai bao giờ.

– Được rồi! Vui mừng đủ rồi! – Ông cất tiếng nói sau một quãng dài mọi người cười nói về những kỉ niệm – Chúng ta nên bắt đầu thôi.

– Cậu Bằng chưa có cho tụi tui biết vai trò của tụi tui là gì đó! – Chị Thắm nói.

– Chắc ai có mặt ở đây cũng đọc sơ qua đề án của tôi, đề án lần này là một cuộc cải tổ chưa từng có trong lịch sử giáo dục. Mọi người ở đây, chính là làm những người ra đề, những giám thị cho cuộc thi tài này! – Bằng nói, cơn đau đầu của ông cũng không thể so sánh với niềm vui đang chiếm ngự trong tâm trí ông. Tháng sau, cuộc thi sẽ bắt đầu.

***​

Luân bước vào trường, đây là ngày trọng đại nhất trong đời cậu tính đến giờ. Không biết bốn mươi mấy người đang sát cánh bên cậu có cùng cảm giác ấy không, nhưng Luân chắc chắn đây là một cuộc thi lạ lùng nhất mà chỉ có người trong cuộc mới biết mức độ nghiêm trọng của nó. Bốn mươi lăm giáo viên, bốn lăm học sinh các khối, đồng thời cùng ngần ấy giáo viên mới ra trường khác. Cả ba sẽ thi đấu với nhau về tất cả các mảng kiến thức được ban giám hiệu và hội đồng cố vấn ra đề, trước sự chứng kiến của hàng ngàn học sinh, phụ huynh và cư dân trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Nghe đâu ông tổng giám đốc đài truyền hình và ông giám đốc Sở, những người đang ngồi trong hội đồng cố vấn, đã đồng thuận phát sóng. Chỉ có hiệu trưởng của trường là chẳng hiểu vì sao lại vắng mặt.

– Bây giờ là thể lệ cuộc thi… – Cô hiệu phó bắt đầu nói – Chúng ta có ba đội thi đại diện cho giáo viên, học sinh và giáo viên danh dự. Đề thi hoàn toàn là những câu hỏi ngắn hay trắc nghiệm do hội đồng cố vấn soạn. Chúng ta có bốn lượt như sau. Lượt thứ nhất mỗi đội trả lời bốn mươi câu hỏi, người nào chọn đúng được tính một điểm. Lượt thứ hai có bốn mươi câu hỏi khác, cả ba đội sẽ nhấn chuông giành quyền trả lời, nếu đội nhấn chuông trước trả lời đúng đội đó được mười điểm, nếu sai, cả ba đội mất mười điểm. Lượt thứ ba, cả ba đội sẽ trả lời bốn mươi câu hỏi do hai đội kia soạn, mỗi câu đúng tính một điểm. Lượt thứ tư, mỗi thầy cô giáo sẽ phải trả lời một câu hỏi của học sinh, phần này được năm trăm học sinh của trường chấm. Cuộc thi sẽ diễn ra trong năm phút nữa.

Luân hít một hơi thật sâu. Trong trò chơi này, học sinh chính là những người được lợi nhiều nhất, còn những người đang treo mình trên những sợi tơ lại là chín mươi thầy cô giáo ở đây. Cậu chợt cười, không nghĩ là hiệu trưởng lại có một cách làm táo bạo đến như vậy. Cậu lại nhìn sang chiếc ghế của con người táo bạo đó, nó vẫn trống không.

Tiếng trống nổi lên. Trò chơi đã bắt đầu.

Câu 1: Hãy cho biết kí hiệu thiên văn của Kim tinh.

GV: 37 điểm

GVDD: 41 điểm

HS: 44 điểm
Một tiếng “ồ” vang lên khắp sân trường. Và có cả những tiếng “ồ” vọng lại đâu đó từ khắp nơi trên thành phố này.

***​

Hiệu trưởng vẫn chăm chú nhìn vào màn hình. Lúc này mới là lúc ông có thể mỉm cười. Chẳng ai ngờ rằng kiến thức chiêm tinh của học sinh lại cao hơn hẳn những giáo viên, chẳng lạ gì khi chuyên mục báo học trò ngày nay có phần Horoscope, chúng phân tích rõ đến mức sao hỏa tiến về cung nào hay sao mộc có nghịch hành hay không. Cũng chẳng phải ai cũng biết Light Novel có nguồn gốc từ Nhật Bản, đất nước đã tạo ra Manga và Anime. Càng không nhiều giáo viên biết nham trà là gì, hay Wasabi là hạt hay củ. Giáo viên ngày nay đều ngập đầu trong núi việc, đâu mấy ai có nhiều thời gian để đi tới quán Sushi mới mở, xếp hàng chờ chỗ và học những gì được quảng cáo trong thực đơn.

Câu 32: Martini là:

1. Tên một loại rượu.

2. Tên một loại cocktail.

GV: 1091 điểm

GVDD: 1103 điểm

HS: 1183 điểm

Hiệu trưởng lại phì cười, đây là câu của Phước đưa vào, cậu vẫn cay cú về ly cocktail đầu tiên không hợp khẩu vị của mình tí nào. Kí ức cứ vô thức ùa về. Hình ảnh cậu trai trẻ hai mươi mấy tuổi đang căng tràn niềm tin và hoài bão, Phước từng nói cậu muốn làm doanh nhân hay chính trị để quay về xây dựng ngôi trường mới hơn, phúc lợi tốt hơn cho giáo viên và học sinh. Đáng tiếc, khi cậu trở thành tổng giám đốc truyền hình thì ngôi trường này lại phủi đi mọi ý muốn trợ giúp từ cậu.

Câu 39: Phương trình tuyến tính hay phương trình phi tuyến tính được ứng dụng để tính chu kì sinh trưởng của động vật biến nhiệt?

GV: 1239

GVDD: 1283

HS: 1434

Hiệu trưởng lại bật cười. Chẳng có chuyên gia nào trong ngôi trường này cả. Và khi họ nhận ra cũng là lúc để thức tỉnh.

***​

Câu 40: Hạt của Chúa là tên gọi khác của loại hạt cơ bản nào?

Mồ hôi Tùng rơi xuống như mưa. Anh chưa hề tưởng tượng là những câu hỏi lại khó khăn thế này. Khi những câu đầu tiên bên học sinh đúng nhiều hơn, anh đã vô cùng tức giận và không thể nào chấp nhận được là có sự công bằng nào ở đây. Nhưng lúc này, việc chiến thắng những học trò của mình cũng không làm anh cảm thấy khá hơn. Anh đã đánh hú họa rất nhiều lần, và không ít lần anh đã liếc sang những người bên cạnh. Lòng tự tôn của anh bây giờ lại bị chính anh phá hủy, không còn gì cay đắng hơn việc khi nhận ra rằng: anh vẫn chỉ là một đứa học sinh không hơn không kém. “Khi người ta thỏa mãn với những gì mình đã biết thì cánh cổng tri thức đã đóng lại.”

Trả lời: Hạt Quark.

Đáp án: Higgs. Ngày 4 tháng 7 năm 2012, một loại hạt được phát hiện và có tính chất tương đồng với hạt Higgs, sự công bố sau đó đã làm xôn xao dư luận suốt một tuần liền.

Tùng thở dài nhìn lên bảng điểm. “Khi người ta thỏa mãn với những gì mình đã biết thì cánh cổng tri thức đã đóng lại.”

***​

Nếu nhiều năm sau mấy tay paparazi có hỏi tôi đâu là chuyện khó tin nhất trong đời mình, tôi thề sẽ đá đít thằng ngáo ấy vì nó dám đi phỏng vấn người nổi tiếng mà không đọc tiểu sử của họ. E hèm. Nhưng mà để giữ hình tượng ngôi sao thanh lịch, tôi sẽ nhẹ nhàng bảo họ xem lại kết quả của vòng một.

– Dẫn điểm rồi! Dẫn điểm!

– Yeah! Thắng vòng một rồi!

– Đội học sinh cố lên! Cố lên!

Phải, reo hò nữa đi nào các anh em, chúng ta đã dẫn trước đầy thuyết phục. Hãy đòi lại tiếng nói của chúng ta mặc kệ có ai nghe thấy hay không.

– Cái đề này tụi mình không thắng mới lạ đó! – Thằng Tân chõ mõm qua thì thầm. Nếu bạn hỏi tôi vì sao một tên lắm mồm nhiều chuyện như thằng quỷ Tân lại có thể cùng tôi đại diện cho khối 12. Xin thưa, câu trả lời là vì nó quá nhiều chuyện đi! Tôi dám cá mười ngày khóa “phây búc” là cái gì trong thành phố này nó cũng biết!

– Thầy hiệu trưởng quá sức anh minh. Thần tượng của lòng em hôm nay lại vắng mặt mới ghê chứ!

“Vòng hai bắt đầu.”

Câu 1: Nghĩa đen của danh pháp khoa học loài người là gì?

Reng!

Yeah!

Cả ngàn học sinh reo ầm. Quyền trả lời đã thuộc về thằng Tân danh giá.

– Có nghĩa là người đàn ông thông minh.

Tíc tắc tíc tắc. Thời gian chờ đợi tính hiệu chỉ có vài giây lại kéo cả trường chìm trong im lặng.

Dong dong!

– Yeah! Dé…

Đám học sinh gào rú, bất chấp sức chịu đựng của cái cổ họng bé nhỏ đáng thương đã tới giới hạn cuối cùng. Tôi dán mắt lên màn hình, quyết không để thằng bạn “mõm dài” cướp mất vinh quang.

Câu 2: Trong bài hát “Sa mưa giông” có câu: “Dẫu mà cơn nắng bấy lâu, mà dây bầu mày còn không héo mới mưa dầm mày lại héo dây.” Hãy giải thích hiện tượng này.

Reng.

Tôi dõng dạc trả lời:

– Bầu là cây chịu hạn không chịu ngập úng.

Chiến thuật của bọn tôi là nhấn chuông nhanh nhất để cướp quyền trả lời để bảo toàn khoảng cách điểm số. Chuyện đúng sai là phụ. Đấy, chủ nghĩa anh hùng phải là như thế!

Dong dong!

***

Giáo viên: 1249

Giáo viên danh dự: 1303

Học sinh: 1468

Mồ hôi Luân đổ ra như tắm. Vòng hai kết thúc và nhóm học sinh tiếp tục dẫn điểm. Khó khăn lắm đội giáo viên danh dự mới gỡ được vào phút chót. Nhưng vòng ba này là lợi thế của đội cậu.

Luân chợt mủi lòng, giáo viên danh dự chỉ là một cụm từ hoa hòe mà chỉ có thầy hiệu trưởng mới trân trọng trao cho bốn mươi lăm con người thất nghiệp. Sau bốn năm học sư phạm, Luân đã thấy cánh cửa nghề giáo hoàn toàn đóng lại trước những người như mình. Những người không bao giờ chấp nhận đánh đổi lý tưởng truyền đạt kiến thức thành cuộc đời kiếm tiền từ dạy học. Luân chẳng thà từ bỏ bốn năm tiếp theo của tuổi trẻ, bỏ thêm bốn mươi triệu đồng để học một ngành nữa.

Những giáo viên người tối sầm mặt, người thì thất vọng. Luân hoàn toàn hiểu, họ không có lựa chọn thứ hai nào cả.

Câu 13: Câu hỏi từ học sinh: Xác định đâu là lượng đâu là chất giữa người và nghệ thuật.

Luân trố mắt đọc đi đọc lại câu hỏi vài lần mà vẫn không tài nào tin được. Cậu chợt thấy buồn cười, rồi rất nhanh, cậu thấy câu hỏi này không hoàn toàn ngớ ngẩn. Ngôi trường nào cũng có những học sinh như thế, luôn muốn thoát ly ra khỏi những trang sách để giải thích tất cả những gì chúng muốn biết. Câu trả lời chân lý có lẽ Luân không dám khẳng định, nhưng nếu yêu cầu cậu phải trả lời đúng đáp án của mấy nhóc vị thành niên thì hoàn toàn không khó.

Trả lời: Người là lượng, nghệ thuật là chất.

Đáp án: Đáp án của học sinh: Người là lượng, nghệ thuật là chất.

Giáo viên: 1283

Giáo viên danh dự: 1343

***

Câu hỏi: Có bao giờ khi đang đứng lớp, thầy bỗng nhiên muốn phá bỏ giáo án của mình không?

Tùng cầm micro nhìn một lượt năm trăm khuôn mặt đang gắn lên những cặp mắt chờ đợi. Trong lòng vẫn biết chúng muốn nghe điều gì, nhưng đã làm một người thầy, Tùng không cho phép mình quyền nói dối.

– Giá như thầy có thể trả lời là có thật dõng dạt như các giáo viên danh dự. Nhưng thầy không có quyền mạo hiểm với tương lai của học sinh.

***

Cô hiệu phó buông tay cầm điện thoại nhìn lên bảng điểm. Các đội chỉ còn chênh lệch nhau vài điểm. Các giáo viên của trường từ vòng hai đã bắt đầu nhận ra, cuộc thi này là vì họ chứ không phải vì những học sinh kia. Để họ thức tỉnh rằng kiến thức có ở khắp mọi nơi, và sự hàn lâm chính là chiếc chìa khóa đến với mê muội. Họ nghĩ rằng chỉ cần những cuốn sách chuyên ngành là đủ để làm một người thầy, nghĩ rằng cố bơi theo những tấm huy chương rẻ mạt là chân lý của sự học hỏi, họ đã quên cách dạy chân chính nhất chính là mở rộng tầm mắt, không nhồi nhét, không hàn lâm, không vô dụng ngoài đời thực.

Lượt bốn đã bắt đầu, những học trò kia vẫn dõi theo những thầy cô của chúng. Dù tốt hay xấu, giỏi hay tệ thì họ vẫn là những người thầy của chúng. Những điểm số của chúng dành cho họ là lời thức tỉnh cuối cùng, rằng dù họ có tệ đến đâu thì học sinh của trường vẫn tin vào họ hơn cả những người xa lạ kia.

GV: 343

GVDD: 157

Thầy hiệu trưởng, ở trên trời thầy có thấy không?

Cần Thơ, 4.2014

Tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng

LIÊN TRUYỀN

 

Ánh đèn vàng đáp lên bộ quân phục. Từng đợt, từng đợt. Đám hình nhân bất động, hít hà mùi gió nóng của một đêm hè đầy mây đuổi nhau trên gầm trời lặng lẽ. Giữa đám hình nhân bất động, sự im lặng luồn lách qua khe khiên kẽ nón rồi trớt vào vành tai rỉ đầy nước lạnh trật ra một âm vang lặng thinh. Đám hình nhân bất động, liếc con đường bất động chôn sâu dưới chân những tòa nhà lừng lững lấp lánh ánh kính phản theo tràn hình quảng cáo.

Đám hình nhân bất động xếp thành hai hàng. Chờ đợi.

Cuối đoạn quanh chìm dưới dãy nhà vời vợi, một đốm mờ lũ rũ thướt tha tiến tới trong bộ áo chùng trắng muốt. Đi trước bộ áo chùng gió múa phất phơ, hai bàn tay màu da người thò hẳn ra, úp hờ vào nhau thành tư thế đậy điệm gói ghém. Chêm giữa sự ấp ủ ấy, một chiếc khăn lụa cũng màu trắng muốt.

Rập!

Dãy hình nhân đồng loạt xoay ra đường, khiên thép dựng thẳng chắn khuất đám con người vừa quỵ hẳn xuống.

Đường phố hóa thành một lòng chảo bất động, hứng lấy dáng người phiêu dật với đôi tay chắp hờ.

***

“Tôi đã từng có một giấc mơ”.

Giáo sư G. nghiêng nghiêng đầu nheo mắt lên góc màn hình, không có vẻ gì đang bận hồi tưởng giấc mộng cũ rích nào đó, mà rõ ràng là biểu cảm diễn xuất không thèm giấu giếm.

“Rằng tôi sẽ đem tới cho nhân loại những sự thật phi thường về cách con người vận hành trong quỹ đạo tiến hóa của mình. Và thất bại. Nhưng ái chà… tôi lại vừa thành công nữa nên ước mơ về sự thất bại có lẽ là thứ thất bại duy nhất trong đời tôi. Thật là nghịch lý!”. Vẻ chiêm nghiệm lố lăng trên mặt giáo sư G. tuột veo đi. “Các bạn sẽ không biết được thứ cảm giác khổ tâm của một người cứ thành công suốt cuộc đời mình đâu. Nó là loại khổ cực hiếm người trải”.

Gã chủ quán háy mắt vào màn hình, khịt mũi đánh hừ một cái rồi ném bẹp chiếc nùi giẻ lau bàn vào lavabo với nỗ lực cục súc nhất có thể.

– Không thể tin được ông trời lại cho cái thứ bố đời này đoạt giải Nobel!

– Có khi nhờ cái thói rác rưởi đó mà lão ta đoạt giải Nobel đấy – Một ông khách cười hô hố vào vẻ bất bình của tay chủ quán.

“Nhưng đêm nay, kính thưa toàn thể các khán giả đáng thương của tôi. Có lẽ ước mơ còn sót lại của tôi sẽ trở thành hiện thực, khi mà tôi sẽ không thể nhìn thấy mình thành công thế nào. Và câu đố cho các bạn đây, tôi đang cầm gì?”.

Hình ảnh đôi bàn tay già cỗi run lên bởi sức nặng của vật tròn tròn nhỏ nhắn bị bọc hững hờ bằng một tấm vải đỏ.

“Câu chuyện về món đồ chơi này tôi dám cá là câu chuyện quái đản nhất trong hành trình tìm tòi của nhân loại. Cách đây ba tháng có lẻ, tôi đã âm thầm phát động cuộc điều tra với quy mô đáng tự hào rằng, đó là cuộc điều tra lớn nhất trong toàn bộ lịch sử. Cuộc điều tra, đáng lẽ chỉ là một cuộc điều tra tầm thường để biết đâu tôi thực hiện được ước mơ về sự thất bại. Thế nhưng hỡi ôi, có lẽ đời tôi quá bạc, tôi lại thành công một cách chẳng ngờ. Cuộc điều tra đã rọc sâu vào con người, xé toạc ý thức nhân loại, để nhấn chìm chúng ta vào phần sự thật bạc bẽo. Bên dưới màn sương ngọt ngào và sủng ái là những thứ nguy hại đến tận cùng tồn tại. Tất nhiên, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang sống trong vô số màn kịch giả dối. Ví dụ như tôi đã phát hiện vợ anh quay phim đây đang ngoại tình với ông chủ nhiệm sản xuất đứng kia chẳng hạn”.

Hình ảnh giáo sư G. bỗng trượt khỏi màn hình. Cảnh đột ngột chuyển qua góc quay khác, ánh sáng lờn vờn trên mặt ông ta cùng những tiếng nhốn nháo đổ vỡ. Ông nhẹ nhàng xoay lại.

“Ồ, hóa ra anh ta chưa biết điều đó à? Cũng không quan trọng lắm. Để cho hấp dẫn chương trình, tôi sẽ công bố kết quả cuộc điều tra kia thay vì phát biểu về giải thưởng mà ai cũng biết giải gì. Phiền phòng máy cho tí hình ảnh nhé!”.

***

Những hình ảnh đường phố rung lắc dữ dội, cố đuổi theo người phụ nữ trẻ trung nhỏ nhắn đang luồn thuổn qua các ngách quẹo chật hẹp của con ngõ nhỏ. Cô ta liên tục ngoắt tay gọi khung hình tăng tốc, trong khi tiếng thở hồng hộc vang lên mồn một của người vác máy đang có dấu hiệu tăng dần. Nhưng, thứ ồn ào nào đó cũng dần trồi lên, lớn hẳn dậy và có nguy cơ đạp bẹp mọi âm thanh trong con hẻm này.

Cô gái rẽ ngang. Đường lớn đã hoàn toàn bị bịt kín bởi thứ vật chất vô định hình tràn xuống mọi khoảnh đất trống. Thứ vật chất có khả năng bám dính đến sửng sốt, lớn mạnh đến bất ngờ, hung hăng và đầy đe dọa phá hủy mọi thứ trật tự bình yên trên đường đi của nó.

– Hãy trả tự do đây! Con người man rợ!

– Chúng tôi phải được sống, chúng tôi phải được là chính mình!

Cô phóng viên lặng người trước dòng người đan vào nhau theo cả linh hồn lẫn thể xác. Cô gào vào micrô.

– Đằng sau tôi thưa quý vị, có lẽ là hàng trăm, không, có thể là hàng ngàn người tuần hành tự nguyện. Toàn bộ trường học đã phải đóng cửa. Vẫn chưa thấy sự vào cuộc của các cơ quan an ninh. Chúng tôi là những người đầu tiên tới đây…

Màn hình quay về phía dòng người đang chậm chạp đi tới. Kì lạ làm sao, họ liên tục vấp ngã, trầy trật trong tiếng nghẹn khuất không rõ nguồn cơn nào.

– Có lẽ tôi sẽ tiến tới gần chỗ họ hơn để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Dường như có điều gì đó khiến họ đi rất chậm… Đúng rồi, mọi người nhìn thấy dải khăn đỏ trên mặt họ chứ?

Hình ảnh phóng to hơn, nhòe rồi lại rõ, trên mặt hàng ngàn con người đã thắt chặt dải lụa che kín mắt.

– Giáo sư G. còn sống chắc chắn cũng phải kinh hoàng với kết quả này. Nhưng thưa quý vị… – Máy quay lại thu về cô phóng viên nhỏ nhắn – Liệu đây có phải là trách nhiệm của một mình ông ấy không? Các vị hãy nghe đi, những con người đó đang gào lên điều gì kia?

Đằng sau cô, những con người chầm chậm tiến tới.

– Hãy để chúng tôi phá hủy tất cả! Hãy để tất cả được phá hủy!

Màn hình hướng lên các tòa cao tầng, đằng sau hàng trăm khung kính xanh lờ mờ hiện ra bóng dáng con người. Họ đứng đó, như những hình nhân bất động.

***

Một người phụ nữ luống tuổi chạy xộc vào căn phòng đông ngót trăm mạng.

– Chúng đang tụ lại rất đông ngoài kia. Chúng ta phải có câu trả lời ngay!

– Chúng ta phải trả lại tự do cho chúng, tất cả chúng ta đều không xứng đáng để tiếp tục công việc này. Nó không còn thiêng liêng nữa! – Một người phụ nữ đứng dậy nói lớn – Xin hãy soi lại chính mình, có ai trong căn phòng này thật sự vô tư và không mang theo chút xíu ích kỉ lẫn tham vọng nào không?

Một người phụ nữ thấp đậm bật ngay dậy, giọng cô ta nồng nặc mùi thuốc súng.

– Nhưng nếu như mọi kiến thức đều là xiềng xích, mọi tình cảm đều ràng buộc thì xã hội không phát triển! Chẳng lẽ chúng ta vứt hết văn hóa tri thức xuống và sống tơ hơ như bầy vượn trong khu bảo tồn sao?

– Cô ấy không có ý đó – Một người đàn ông phản bác – Ý của cô ấy là chúng ta phải trả lại đúng bản chất của vấn đề, ngừng thúc đẩy dưới bất kì hình thức nào, để chúng tự nhiên và phải tự nhiên.

– Tự nhiên chính là phải chấp nhận có những ràng buộc và đấu tranh cùng nới rộng khuôn khổ! Tự do toàn tập là mầm mống của hỗn loạn, của sự diệt vong…

– Mọi người! – Người phụ nữ luống tuổi trong bộ đầm trắng đã tìm lại được tiếng nói của mình sau cú điện thoại chóng vánh – Chúng ta phải có câu trả lời ngay lúc này, không thể trì hoãn hơn được nữa: Tự do hay xiềng xích?

***

“Các vị thấy đó, chúng ta sinh ra trong xiềng xích, tự do là điều không bao giờ tồn tại, bản ngã cũng là thứ không bao giờ tồn tại. Chúng ta đang sống trong sự dối lừa. Tất cả chúng ta đều dối lừa nhau và dối lừa mình”.

Giáo sư G. cắm đôi mắt sắc sảo đầy tinh nghịch thẳng tới mọi người. Toàn thể mọi người trong quán đều đã bất động, chìm xuống cảm giác tởm lợm chính sự tồn tại của mình. Họ vừa chứng kiến cái gì đấy? Một sự thật ghê gớm và điên khùng nào lại được phép xuất hiện trên truyền hình thế kia? Làm sao họ có thể tiếp tục tồn tại với xã hội này, với bất cứ niềm tin nào, với con cái của chính họ, và thậm chí là làm sao có thể tiếp tục tồn tại với chính bản thân họ?

“Chúng ta là loài động vật sống bầy đàn, có thể nói ngay từ bình minh của nhân loại, tạo hóa đã dẫn chúng ta vào sự bế tắc này. Rằng bất cứ giá nào tập tính xã hội cũng sẽ lên ngôi, những khuôn mẫu rồi sẽ ra đời. Chúng ta, cho dù có minh triết đến tột cùng ở tất cả các chiều tư duy, bất kể chúng ta rẽ sang hướng nào đi nữa, có chắc rằng đó không phải sản phẩm đi khỏi cái hộp trước đó? Dù đồng thuận hay phủ quyết sạch trơn tất cả, chúng ta đều là nô lệ của những khuôn mẫu. Đó là quỹ đạo tất yếu của tâm trí. Thôi nào, chúng ta đi tìm tự do bởi chúng ta biết định nghĩa về cầm tù”.

Giáo sư G. đứng hẳn dậy, tay vẫn không rời món đồ bị giấu kín. Ông tháo xuống chiếc khăn đỏ. Bên dưới chỉ là một viên hình cầu đen nhũi.

“Tôi có một giải pháp, dù hơi điên rồ, nhưng con người sẽ tìm ra giải pháp. Hãy bắt đầu đến với câu chuyện của nó. Nó được tạo ra để dành riêng cho hôm nay. Chuyện về một người đã nhận ra con đường của mình sẽ sớm đi vào ngõ cụt, và con đường nhân loại thì chẳng khá hơn quỹ tích điểm lòng vòng. Anh ta đã tìm người bạn mới quen để hỏi về giải pháp. Hóa ra rất đơn giản, chúng ta hãy gỡ bỏ từng nút thắt một, nếu chúng ta bị trói buộc quá nhiều, đơn giản là hãy làm nó đơn giản đi. Hãy cùng chúng tôi phá hủy nó. Hãy để bản chất bị phân rã đến tận cùng. Hãy cùng tôi đi tìm tự do chân chính”.

Giáo sư G. buông tay. Toàn thể mọi người đều nín thở. Họ đã đoán đúng, ngay tích tắc quả cầu chạm đất, quầng hào quang chói lòa phóng vọt lên không trung, túa ra những vân hoa nhuộm thẫm cả một vùng.

***

– Hãy để chúng tôi được tự do! Hãy để chúng tôi phá hủy tất cả!

– Vâng tôi đã tiến tới gần để mọi người quan sát tốt hơn… – Cô phóng viên bỗng nhiên nín bặt – Trời ơi cái gì kia? Ở đó kìa, trên cẳng tay của họ!

Hàng ngàn con người cột tay chân vào nhau bằng dây thép. Họ không bước đi, họ lê lết từng nhịp một. Thép cứa vào da thịt họ toét máu. Họ bịt mắt, lèn chặt tai, họ chắp hai tay trước ngực. Giữa khoảng trống của hai bàn tay, một mảnh vải đỏ bọc lấy vật hình cầu mê hoặc. Họ gào, họ thét và họ đồng thanh.

– Ngàn năm, vạn năm, triệu năm. Da thịt và sắt thép. Hãy phá hủy chúng! Sự cầm tù. Hãy để chúng tôi phá hủy!

Trong phút chốc cô phóng viên thấy mình đã hóa thạch.

***

Trong hội trường đông đảo hàng trăm nhân mạng, sự nhốn nháo và kinh hoàng đã gióng tới đỉnh tận cùng hỗn loạn. Vốn ban đầu họ thì thầm, rồi những đợt gằng giọng xuất hiện với tần suất dày hơn, cho đến khi chỉ còn những gào thét văng tán loạn từ người này qua người khác. Vốn ban đầu vài tụm nhỏ, sau đó là đám lớn đông đúc rồi cuối cùng đã tách thành hai tuyến, đứng trên nền, đứng trên ghế, thậm chí là đứng hẳn lên bàn, chỉ tay vào nhau, quất những nắm đấm ra không trung với vẻ thèm khát ịn nó lên mặt cái đứa láo toét đứng cách họ vài mét.

– Chúng ta không phải là chúa trời toàn năng toàn đức, chúng ta vẫn đang cố hoàn thiện chính mình! Anh nói để tự nhiên, vậy xin hỏi anh một đời người có đủ dài để đi từ cách dựng chòi thẳng tới thi công dầm móng chịu lực trong vài ba năm không hả?

– Thế thì hãy vứt cái dầm móng đó đi! – Người đàn ông bên này sửng cồ đánh trả – Tại sao chúng ta phải đáp ứng cho cái xã hội này trong khi nó liên tục đặt ra vô số các mệnh đề trừu tượng không có thực để đóng khung con người, để chúng ta phải đảm bảo nó tồn tại? Thế thì chúng ta tồn tại vì chúng ta hay chúng ta tồn tại vì xã hội muốn chúng ta tồn tại để phục vụ cho sự tồn tại của nó?

Một người bên kia đáp lại.

– Chúng ta muốn tồn tại thì thưa anh, chúng ta phải tồn tại vì xã hội. Chúng ta và xã hội là hai con súc vật ăn bám nhau mà sống! Không có cái khung đó, thưa anh, chúng ta sẽ chẳng được sinh ra đâu! Đó là tất yếu, là hiển nhiên và là thứ chúng ta không thể chối bỏ!

– Nó là dối trá! – Một bà béo phệ bước lên từ cánh trái.

– Chính cô mới dối trá, đừng quên cái mặt cô từng hiện ra trong clip đó! – Một người đàn ông bước hẳn lên bàn ở cánh trái.

– Đúng, bản chất cũng không thể so sánh với những lý tưởng cao cả mà chúng ta đem lại – Lại một ông khác từ cánh trái trồi lên – Điều chúng ta đã không thể thực hiện được rõ ràng là hoàn toàn tốt đẹp, xứng đáng được tiếp diễn và hiện thực hóa nó ở tương lai.

– Sự thật chính là sự thật, và sự thật thì không thể bẻ cong! Tất cả chúng ta đều là một lũ cặn bã, cho dù có hướng tới mục đích gì thì chúng ta đều là lũ cặn bã cả! – Một giọng nói không nhìn rõ mặt nữa ở bên này.

– Nếu không có chúng ta thì tất cả cái xã hội này sẽ sụp đổ, tương lai cũng sẽ sụp đổ. Các người chọn sự thật, chọn tự do để rồi tất cả sẽ chết hết! Nhìn đi, tự do chính là hỗn loạn…

Đùng!

Một tiếng súng vang lên xé nát sự ồn ào.

Người quân nhân đứng gác ở cửa cuối cùng cũng giằng lại được khẩu súng khỏi tay người đàn bà trong bộ đầm trắng.

– Các người đang làm gì đấy? – Bà ta trợn mắt nhìn một lượt các khuôn mặt thảng thốt cùng hàng trăm cặp mắt lom lom đáp trả – Các người nhìn lại xem các người đang đứng ở đâu?

Bà chỉ tay vào người đàn ông gần nhất, đầu ông ta đang phải vẹo qua một bên để tránh đi chùm đèn thòng xuống từ trần nhà.

– Các người ở đây và tự do nói mọi thứ kể cả áp đặt, kể cả tự do, để đấu tranh cho mọi người hay đấu tranh cho bọn chúng? Mà bất kể cho ai, thì việc chúng ở dưới kia có gì khác? Có gì sai nào?

Những con người hùng hổ thoáng nhìn lại mình, như chợt tỉnh, họ lục tục trèo xuống, xô lệch những thứ bốn chân thành hàng lối tạm bợ và tọa hình lên đó.

– Các người sẽ truyền cảm hứng cho ai với bộ dạng thế này? – Bà tiếp tục cất lời xuyên qua tiếng ma sát của bàn ghế – Thật là nhục nhã!

Bà đi lướt qua những con người đang cố né tránh ánh nhìn của bà, những con người bỗng trở nên im lặng và ái ngại đến kì cục một người phụ nữ nhỏ bé.

– Bản chất cũng không thể so sánh với lý tưởng? – Bà cười lớn – Theo tôi nhớ Hitler cũng có một lý tưởng. Và không có chúng ta, tất nhiên tương lai cũng sụp đổ.

Một người đàn ông dè dặt thốt lên.

– Thế thì chúng ta phải làm sao? Công bố của giáo sư G. đang đẩy mọi thứ khỏi tầm kiểm soát rồi!

Mọi người đều chìm vào im lặng. Người phụ nữ thở hắt ra đầy bất lực.

– Chuyện rất cấp bách, tôi đề nghị chúng ta cứ tạm hòa hoãn rồi từ từ tìm cách giải quyết…

– Chúng cần một câu trả lời rốt ráo! Chúng ta phải thực hiện sự áp đặt, trước tiên là phải gọi bên an ninh nội địa đàn áp cuộc tuần hành này…

Người đàn bà quay phắt lại, nhìn trừng trừng vào người đàn ông vừa thốt lên điều đó. Bà bước nhanh về phía cửa sổ, với tay lên chiếc rèm, bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng rành rọt cương quyết.

– Đàn áp chúng? Chúng là con cháu của chúng ta, là máu thịt tương lai của chúng ta. Anh đàn áp chúng ư? – Bà kéo mạnh rèm cửa, bên ngoài là khoảng không gian xám mù – Máu của chúng đang đổ, trong khi các người cứ cãi vã, cãi vã và cãi vã bất tận ở đây!

***

Cơn mưa xám xầm mặt đất, tiếng bước chân lép nhép ấn xuống nước liền bị những đợt sóng khác khỏa đi mất dấu.

– Ôi trời ơi… họ chỉ là… chúng chỉ là những đứa trẻ! – Cô phóng viên trân trân nhìn dòng người rất chậm rất chậm bước tới.

Máu đã đổ, tràn ra trên da thịt, tràn xuống những thân thể kiệt quệ trong trói buộc tù túng. Máu loang xuống nước, nước cuốn thành dòng. Những trận lũ máu ào ào thoát qua, biến thứ xù xì thành mượt mà tê tái. Dòng nước trôi, tuột vào miệng cống. Dòng người đi, tuột vào hư không hỗn độn.

Miệng chúng vẫn vang lên lời ai oán, mặc cho tiếng trời át đi giọng người. Nước đã tràn ngập họng, từng làn hơi đứt quãng bật ra tựa hồ bầy cá đang chết ngạt dưới bầu trời ngập tràn dưỡng khí.

– Hãy… để chúng tôi… phá hủy!

***

Hình ảnh được chiếu ra, giữa căn phòng sơn trắng ngà ấm cúng với những kệ sách và thảm lót màu nâu trầm, hai chiếc ghế được bày sẵn. Một dài thượt và đầy vẻ êm ái, một đơn giản và không có đệm ngồi. Trên ghế dài có một người đàn ông đang nằm trong bộ dạng thư thái hết cỡ.

Giáo sư G. đang đứng bên cửa sổ lớn nhìn ra vườn, hai tay ông chắp phía sau và cất giọng thân tình.

– Nói vậy là anh đã từng mơ ước trở thành một nhà toán học sao? Dù nói điều này không đúng đắn lắm, nhưng với tài năng của anh thì thật tiếc.

Người đàn ông, khẽ cười rồi gật đầu. Đôi mắt bỗng nhăn lên những nếp hằn vô hình của một đời bất lực.

– Căn bệnh đã khiến trí nhớ bị ảnh hưởng. Nhưng không sao, vẫn đủ để tôi truyền lại ngọn lửa ấy cho các thế hệ.

Giáo sư G. quay người lại nhìn người đàn ông, trong một thoáng ngập ngừng, sự quả quyết của một con người đủ nhẫn tâm với tổn thương đã thắng thế.

– Tôi hỏi cái này nhé. Anh có bao giờ nhận ra rằng, bởi không thực hiện được nên anh mới trở thành thầy giáo không? Mang đem ước mơ của mình lan tỏa cho người khác để họ thực hiện thay mình?

Người đàn ông ngẩng hẳn đầu khỏi ghế nhìn vào mắt vị giáo sư già. Trong một thoáng ngập ngừng, sự dối trá của con người không đủ nhẫn tâm đã bại trận. Người đàn ông nằm xuống ghế, đôi mắt hướng thẳng lên chùm đèn trên trần.

– Hình như… Không, chính xác như thế. Bởi tôi không thể thực hiện nên tôi muốn những đứa trẻ ấy sẽ thực hiện thay tôi.

– Anh có biết rằng, có thể nếu chúng không nhận được định hướng từ anh, bất kể vô tình hay cố ý, chúng có thể phát huy tiềm năng vô hạn của mình ở tất cả các lĩnh vực khác? Nói cách khác là tiềm năng phóng xạ.

– Tôi biết.

– Anh biết anh, kẻ hoàn toàn có quyền lực và địa vị, đang ngấm ngầm thúc đẩy những đứa trẻ ấy vào cái khuôn cá nhân anh vẽ ra?

– Tôi… tôi biết…

Vẫn là căn phòng đó, nhưng trời bên ngoài đã tối hơn và một người phụ nữ thấp đậm đã thế chỗ trên chiếc ghế dài.

– Vậy là, vì những kẻ tai ù mắt lác đó nên ước mơ của cô đã hoàn toàn bị dập tắt sao? – Giáo sư hỏi.

– Tôi đã sinh không đúng thời, đáng lẽ tôi nên sinh ra vào lúc này, khi những con người đang tập tành lắng nghe quá khứ nhiều hơn.

– Thế những nghiên cứu sử học của cô giờ đang ở đâu?

Người phụ nữ cười, tràng cười kẹt vào không gian, lơ lửng không rơi nổi vào đất, chấp chới bay lên theo luồng khí nóng và đứt lìa giữa không trung.

– Có lẽ chỉ còn trong đầu tôi. Chúng đã bị họ tiêu hủy, tất cả những bằng chứng gốc đã cùng ngôi nhà hóa ra tro rồi.

Giáo sư kề thái dương mình lên những ngón tay dài cong queo, nhìn đôi mắt long lanh của người đàn bà đang bị thời gian chiến thắng.

– Vậy, cô có đưa những điều đó cho bọn nhỏ không?

– Tất nhiên, chúng cần biết sự thật.

– Cô có bao giờ nghĩ rằng, bên cạnh những thông tin đơn thuần, cô đang cố khoáy động tâm trí chúng nổi lên sự chống trả, truyền lại sự bất đồng. Hay nói cách khác, khiến chúng không còn ứng xử tự nhiên với những thông tin đó nữa?

Người đàn bà nhếch mép cười.

– Tôi biết chứ, tôi hoàn toàn biết. Tôi muốn điều đó xảy ra, sự thật không thể chối cãi và chúng sẽ tiếp tục con đường đưa sự thật ra ánh sáng.

– Cô đang ép chúng làm điều đó thay cô à?

– Thì đã sao?

Cảnh lại chuyển đi, lần này là một người phụ nữ khác.

– Cô có chắc rằng sự đóng khung đó là hoàn toàn đúng đắn không?

– Đúng đắn. Chúng cần phải biết chúng nên làm gì, đó là vai trò của chúng tôi, nhiệm vụ của chúng tôi.

– Đó là nhiệm vụ của người truyền thừa, hay nó là nhiệm vụ của cá nhân cô đặt ra cho mình.

– Tôi…

– Ôi cô gái – Giáo sư G. cắt lời một cách ôn tồn – Hãy lắng nghe chính mình. Cô làm điều đó vì nhiệm vụ hay vì chính cô?

– Vì…

Một khoảng im lặng.

– Không, không… nó là vì chính tôi.

Cảnh lại chuyển sang một người đàn ông khác.

– Thật sự nó chỉ đến từ cá nhân của anh sao?

– Thật sự là vậy, hoàn toàn không cần chối cãi.

– Thế thì cho tôi hỏi, điều đó có phản giáo dục không? Chúng ta cho bọn trẻ biết thông tin và để chúng tư duy, nhưng chính anh thừa nhận anh làm điều đó vì bản thân mình. Nó có phản giáo dục không?

Người đàn ông cười lớn, tiếng cười đứt loảng xoảng rơi va vào đất. Và cảnh lại chuyển, một người phụ nữ khác cũng đang cười.

– Xin lỗi. Tôi xin lỗi. Đó không phải là giáo dục. Tôi đã lừa gạt bọn chúng. Tất cả những cảm xúc đó, những hướng đi đó, tất cả những gì chúng tôi đã đưa ra, hoặc ít nhất ở riêng tôi đi, nó là một sự định hướng rõ ràng, tôi muốn chúng nó làm điều đó thay tôi. Chúng sẽ làm điều đó thay tôi chứ? Tôi không biết, thế nên tôi càng phải khéo léo hơn, tôi càng phải thâm sâu hơn, tôi càng phải định hướng chúng nhiều hơn.

Cảnh lại đổi.

– Cô cố tình nâng cao khả năng truyền đạt của mình để đồng thời che giấu và tải đi định hướng một cách hiệu quả nhất đến bọn trẻ sao?

– Phải, chúng tôi phải làm như thế, thông tin thuần túy khô khan luôn bị lên án. Nó đã bị lên qán từ rất lâu và đã bị xóa sổ rồi. Và bởi chúng tôi là những người truyền cảm hứng, những người vẽ đường, nên chúng tôi phải thật kín kẽ khiến chúng đi theo đường chúng tôi vạch ra.

– Bất kể chúng có chịu được những khắc nghiệt bởi xã hội luôn cản trở?

– Bất kể.

Cảnh lại đổi.

– Tôi phải xác định lại điều này. Anh chắc chắn là anh không hề cho chúng tự do.

– Không đâu, chúng tôi, hoặc ít nhất là tôi, giả vờ cho chúng tự do. Tất cả đều là giả vờ, bởi không giả vờ chúng sẽ biết ngay tôi đang phản giáo dục. Không giả vờ, tôi sẽ thất bại. Nhưng có sao đâu? Tôi cho chúng con đường tốt để đi đó chứ.

– Anh chắc chắn đó là con đường đúng và tốt?

– Tôi hoàn toàn chắc chắn điều đó.

– Chỉ bởi trí lực của một mình anh?

– Giáo sư à, cho dù thông tin thuần túy đi nữa, ông có chắc nó vô tư và tự do không? Nó phải đến từ một ai đó, tệ hơn cả là một ai đó đã chết, vậy thì chỉ thêm chút định hướng từ một người đang sống có là bao chứ.

– Vậy nên anh rất vô tư nêm nếm cái tôi của anh vào đó? Có thể là thái độ và quan điểm của anh sẽ gây ra sự quay lưng với các khái niệm của nhân loại?

– Nó hợp lý với xã hội này giáo sư ạ.

Cảnh lại đổi.

– Cô có nhận ra điều đó không? Xã hội tạo ra vấn đề, chèn ép, khuôn mẫu, khéo léo hay thô bạo. Những tôn giáo, niềm tin, văn hóa, văn minh, tri thức, chân lý, định nghĩa… Tất cả những thứ đó từng chút, chậm rãi, gián tiếp và trực tiếp tác động lên cô, khiến cô thất bại, thất chí.

– Đúng vậy.

– Cô có nhận ra cô là một xã hội hiện thân không? Tất cả những hiện thân của xã hội nhân loại và riêng cô đều tìm đường rót vào đầu các đứa trẻ.

Người phụ nữ im lặng lắc đầu, rồi chậm dần, cô ngừng lại và gật đầu. Và cô bật cười với những giọt nước mắt. Và cảnh lại đổi.

***

– Chúng ta phải làm gì đó! Cuộc tuần hành đang đe dọa an ninh quốc gia thưa sếp! – Viên sĩ quan khẩn thiết van nài.

– Cậu nói xem chúng ta phải làm gì nào?

– Chúng ta phải dừng chúng lại và đưa tất cả về nhà.

– Bằng cách nào? Vòi rồng? Dùi cui? Bằng khiên thép và lựu đạn cay? Trên những cái xe tù? Anh hãy mở con mắt ra đi! Chúng là con cháu của chúng ta, là con tôi! Trong đó có con tôi! Anh nghĩ tôi không muốn thộp cổ nó rồi tống vào phòng khóa trái cho yên lành chắc? Nhưng hãy mở mắt ra mà nhìn những dây thép quanh người chúng! Máu của tôi, máu của chúng ta đang đổ!

– Nhưng… chúng ta phải làm gì đó chứ? Chúng ta phải bảo vệ chúng chứ? Nếu không có phép tắc, luật lệ, những văn minh văn hóa, nếu không có những điều tốt đẹp với niềm tin thì chúng ta phải sống như bầy quỷ sao?

– Làm gì? Chúng đang đòi câu trả lời, chúng ta phải cho chúng câu trả lời. Tất cả những gì giáo sư G. đưa ra không hề sai, tất cả lịch sử con người, tất cả những luân lý con người dù nhân danh tốt đẹp cũng không thể che giấu sự lôi kéo. Chúng ta lúc nào cũng lôi kéo và đưa ra những cái khuôn cho chúng chui vào! Trời ạ, cho dù anh nhân danh điều tốt đẹp, anh cũng chỉ rao giảng để đáp ứng mưu đồ của anh mà thôi! Và tất cả những gì tôi nói ra cũng có khác gì hơn là một đống phép tắc quân lệnh? Anh có thấy chưa? Anh có thấy xiềng xích trên tay anh chưa?

***

– Hãy để… chúng tôi được phá hủy nó.

Cô phóng viên bước đi, cô không thấy đường phía trước, không nghe thấy mưa quanh mình. Cô chỉ bước đi, nghe xiềng xích cứa vào người mình.

Đoàn người đan vào nhau bằng dây thép. Máu thẫm tràn khắp nơi. Trên những tòa cao tầng kính phủ, hàng trăm nhân hình bất động đứng nhìn.

“Các bạn của tôi”.

Bỗng đoàn người dừng lại.

“Các bạn cần câu trả lời đúng không?”.

Những băng lụa đỏ được gỡ xuống.

***

Hội trường bỗng chốc lặng thinh, giữa màn hình là vị cựu thống lãnh của ngành. Trên chiếc xe lăn, trong bộ đồ trắng, bàn tay bà chắp hờ đậy điệm một món đồ hình cầu đã phủ lên tấm vải trắng muốt. Từ trong tấm vải trắng rủ xuống những dòng khói trắng kì lạ.

“Giáo sư G. nói không sai, xã hội là tập hợp những quy tắc vô hình lẫn hữu hình. Chúng ta vẫn luôn tiếp diễn sự đóng khuôn con người vào các giá trị văn hóa, tri thức. Mỗi người sinh ra không tồn tại thứ gọi là bản ngã, tất cả những điều chỉ là những tập hợp riêng lẻ vô hình, cô đọng từ xã hội vào nhân cách con người”.

Bà chợt mỉm cười và khẽ nói những tiếng nặng nhọc hơn.

“Giáo sư G. đã nói, chúng ta sinh ra với tập tính xã hội đã trở thành một đặc điểm di truyền. Và các bạn có thể trách chúng tôi, nhưng tự do vốn đã không tồn tại ngay từ đầu, chúng ta có thể chối bỏ điều đó không? Chúng ta có thể phá hủy xiềng xích không khi sinh ra, nó và chúng ta giúp nhau tồn tại? Các bạn có thể phá hủy xiềng xích này khi phá hủy nhân loại. Nhưng đó là quỹ đạo tất yếu của tâm trí chưa có lối ra, một khi bất kì giống loài thông minh nào tiến hóa theo con đường ấy, chúng sẽ loại tiến hóa để tự tuyệt diệt sao?

Phải, chúng tôi đã thúc đẩy, đã đóng khung, đã lừa dối các thế hệ trẻ thực hiện những điều mà chúng tôi không thể. Có thể chỉ là ý chí cá nhân cho rằng đường đi nào đó là đúng. Nhưng các bạn của tôi, các bạn có thực sự đi trên con đường đó không? Chẳng ai chắc chắn cả. Heraclitus nói không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Nhưng tôi chắc chắn một điều là chẳng ai tắm trên cùng một dòng sông mà người khác đã tắm. Xã hội đi tới không ngừng, bởi đó là sự đi tới cái đích giải thoát xã hội, chúng ta còn tồn tại bởi chúng ta phải tiếp tục tồn tại để phá bỏ xiềng xích đó, để giải thoát mọi ràng buộc của con người đến với tự do chân chính. Chỉ có một xã hội tiến hóa đến tận cùng mới làm xã hội biến mất thật sự, còn một xã hội thoái hóa chỉ là ta chối từ nhìn vào ly để nghĩ rằng cái nó cạn khô.

Tự do chân chính, có thể mất một ngàn năm, một vạn năm tiến hóa xã hội như thế để được đặt một cái tên khác, những vấn đề hoàn toàn khác. Và có thể tự do chân chính sẽ không còn là một mệnh đề bế tắc như lúc này.

Phải, những lời nói của tôi chẳng khá hơn những lý lẽ định hướng khác. Bởi tôi ngu ngốc và tôi là con người. Tôi sai lầm, chúng ta sai lầm, quá khứ cũng sai lầm. Nhưng tôi sòng phẳng lắm, hãy cứ chống đối và khước từ các bạn trẻ ạ, nếu các bạn mong muốn điều đó, dù thực tế là sự chống đối cũng là khuôn mẫu đã tồn tại rất lâu trong lịch sử con người.

Tất cả chúng tôi cũng là con người. Nghề này vốn là truyền lại tất cả những khuôn mẫu tới thế hệ tiếp theo bằng tốc độ nhanh nhất với mức chuẩn xác tuyệt đối, những cái khuôn chúng tôi và toàn thể những người duy trì xã hội cho là cần thiết. Sự thật là chúng ta chỉ có thể tìm cách thanh toán cái xã hội này khi người ta còn nằm trong xã hội. Hoặc may mắn hơn, một tai ương nào đó xảy ra. Còn bằng không, các bạn của tôi ơi, các bạn bảo chúng tôi để các bạn phá bỏ xiềng xích, các bạn phá nó bằng cách chi? Tự các bạn tìm lấy. Còn với tôi, thế giới lý tưởng là một thế giới không hoàn hảo.

Chúng tôi có quyền tự do để lan truyền, như các bạn. Và chúng tôi cũng có quyền lắng nghe hoặc chối từ, như các bạn. Hãy lắng nghe và chối từ nếu các bạn thích. Và hãy để chúng tôi nói và lan truyền, nếu chúng tôi thích. Trong cái xiềng xích của xã hội giữa dòng này, chúng ta công bằng với nhau”.

Bà từ từ mở hai bàn tay mình ra, kéo xuống tấm khăn trắng. Bên dưới nó là một viên đá khô tròn lẳn, nó liên tục tỏa ra những làn khói lạnh rút qua kẽ tay bà. Rồi bỗng nhiên, nó tí tách nứt.

“Hãy cùng chúng tôi phá hủy nó. Hãy để tự do chân chính được tìm ra. Và để làm được điều đó, xin hãy sòng phẳng và ngay thẳng với nhau, rằng chúng ta đều là những kẻ cảm tính, các bạn đồng nghiệp của tôi ạ. Cứ phơi ra thứ trần tục của con người trần tục. Hãy phá bỏ xiềng xích đi”.

Người đàn bà gục xuống. Từng mảnh đá khô rơi xuống, để lộ bên trong nó một đóa hoa trắng tinh.

***

– Tôi rất tiếc, người bạn mới quen, có lẽ cuộc sống hơi khắc nghiệt với chúng ta rồi – Giáo sư G. lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh bà, gác chiếc gậy lên hai chân mình rồi phóng mắt nhìn ra mặt hồ tĩnh lặng.

– Giáo sư G. phải không? Không ngờ được gặp ông ở đây.

– Tôi cũng không ngờ được gặp bà ở đây – Giáo sư quay sang nhìn người phụ nữ già cỗi nhưng lực sống vẫn tràn ngập trên từng tế bào bên cạnh mình mà bất ngờ – Hình như bà đang tâm đắc điều gì lắm?

– Tôi đang nghe lại một câu chuyện rất xưa. Một câu chuyện để tôi bước hết chặng đường này thật thanh thản.

– Lại loại kinh nào đó sao? Bà biết không, tôi nhận ra rằng con người thật ra vốn luôn bị cầm tù trong những tư duy cổ đại, không có gì thật sự là của cá nhân chúng ta, mọi vấn đề có dây mơ rễ má hết cả.

Bà cười hiền khô, lắc đầu.

– Không phải kinh. Câu chuyện về một ông thầy hiệu trưởng đã dành những ngày cuối đời mình để thức tỉnh những người thầy khác.

– Ồ, một câu chuyện hư cấu sao? Thêm một ví dụ điển hình cho việc tâm trí chúng ta chẳng hề độc lập và tự phát như chúng ta thường nghĩ.

– Thì đã sao, chúng ta sinh ra vốn là như thế mà.

Giáo sư G. thoáng ngạc nhiên nhìn người đàn bà. Phải rồi, người phụ nữ quyền lực này là một trí giả thực thụ, không phải hạng tôm tép khúm núm trước mặt giáo sư G. như những kẻ khác. Thậm chí là những kẻ đã mang tới tờ giấy báo tử nằm trong túi áo ông.

– Chúng ta vốn không có bản ngã, sự láo toét của tôi cũng chẳng hề riêng tôi, sẽ có thằng láo toét hơn, và có thể được đề cử nhiều Nobel hơn – Giáo sư thở dài, có lẽ đây là lần đầu tiên thở dài của ông trong suốt cuộc đời mình. – Giá mà chúng ta có thể tự do chân chính, chứ không phải gánh chịu những xiềng xích của ngàn năm tri thức.

– Ồ, chúng ta sẽ, nhưng không phải là tôi và ông thôi.

– Lại một thước phim viễn tưởng à? – Giáo sư cười ha hả.

Người đàn bà đưa cho ông nửa bên tai nghe. Giáo sư nghe vài đoạn lại cười một chút, cái tay nhà văn đẻ ra câu chuyện này chắc đã chết mất xác, viết cái giống truyện cũng cũ mèm cả ra. Thế nhưng bằng lý lẽ nào đó, hắn khiến ông mỉm cười. Chợt ông thấy người phụ nữ nhăn trán lại.

– Bà còn tâm nguyện chi à?

– Tôi đang nghĩ về những điều ông nói – Người đàn bà bỗng trở mình khỏi vẻ trầm ngâm – Liệu có phải chúng tôi là những kẻ ích kỉ không? Chúng tôi không chỉ khuôn con người bằng hàng ngàn năm văn hóa tri thức, chúng tôi còn khuôn bọn trẻ bằng chính cái tôi. Một cái khuôn bên trong một cái khuôn. Nếu vậy thì những đứa trẻ của thời này khác chi những đứa trẻ ngàn năm trước đâu chứ?

Giáo sư nhíu mày. Đó là điều ông chưa chạm tới. Còn ba tháng, liệu ông có thất bại không? Biết đâu đấy, khi mà người đàn bà này đã từng vài lần khiến ông khâm phục.

– Bà muốn thử một lần cuối như tay hiệu trưởng điên kia không?

Người đàn bà nhìn ông trân trân, rồi bà lại nhìn về cái hồ trước mặt. Những nụ hoa đang từ từ trồi lên.

***

Dãy hình nhân bất động quỳ sau hàng khiên chắn. Trên tầng cao sau những ô kính đã thôi phản sắc màu quảng cáo, những đoàn hình nhân khác cũng bất động đứng nhìn.

Những cơn mưa lại bắt đầu rơi xuống.

Đoàn người lũ rũ áo thụng trắng muốt, lặng lẽ bước đi. Những thấp thấp cao cao không đồng hàng đồng lứa, chậm rãi bước đi. Những đôi mắt đã mở, những đôi tai lắng nghe. Và trên tay họ, những đóa sen trắng rung động theo từng kẽ gió lùa.

Cần Thơ, 12.2019

Tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng

CÁI CHẾT PRUH NƠI LƯNG CHỪNG TRỜI

 

Hắn cắn ngập nanh vào lớp da xù xì, tuốt ra một tràng nổ lóc bóc. Hắn chậm rãi trườn đi, ngốn dần mọi thứ ngược lên miền non tơ.

Hóa chết sững trước tấm phông rừng rực. Là ai làm? Cô vụt chạy. Quá nhanh, hắn cuốn mình theo làn sóng của nhịp chân hối hả. Mắt cô phóng tới một tọa độ chênh vênh giữa trời. Dường như cơn tai ác này vẫn chưa chạm đến đó.

– Cháy rồi! – Hóa xộc vào phòng, bỏ qua người đàn ông đang ngồi gõ báo cáo, cô tức tốc vớ lấy bộ đồ bảo hộ. Khi anh ta còn đang nhấn nút gọi lên Cục thì Hóa đã phóng vù ra ngoài. Nhanh như một con bửa củi bay khỏi vòng vây, bóng Hóa lướt qua phải lách qua trái độ chừng hai lượt rưỡi là mất dạng. Cái món băng rừng của người K’ho luôn làm anh phải ngượng mận cả mặt mỗi lần ì ạch theo sau.

Khi anh đuổi tới bồn cứu hỏa thì Hóa đã cắm sẵn một ống phun nước vào đó. Tạo liếc qua cái ống còn lại nằm cuộn tròn đằng xa, lòng tấy lên cảm giác lo đến rợn gáy.

– Em đi cẩn thận. Anh sẽ qua ngay!

Hóa nhìn anh, môi mím chặt, nặn ra một nụ cười chèn lên vẻ hốt hoảng mãi chưa kịp tuột đi. Tạo cũng cố cười, nhưng khi đôi môi chỉ mới nửa chừng đường cong thì cô đã biến mất sau lùm cây với hai thùng nước lớn.

Tạo ẵm ống nước hộc tốc chạy về đám cháy. Chợt, anh dừng lại ngay lằn ranh vô hình. Sau lưng anh là rừng nguyên sinh, dưới kia là vạt thứ sinh bốn chục năm tuổi. Khoảnh rừng ấy đã cháy hoác thành một lõm lớn như đốm xà mâu kì dị trên bộ lông bóng mềm lộng lẫy. Và nó đang manh nha níu theo hướng gió bay ùa lên đây.

Tạo lao ra, với những thao tác đã được dợt đi dợt lại nhiều lần, thậm chí đến trong mơ anh còn thấy mình phải xịt vào chỗ nào để cắt gốc, để dập cái thứ lửa ăn lòn dưới đất không trồi lên trở lại.

Nhưng thực tại không đơn giản!

Lửa đã bén rất cao. Những mảng đỏ táp tới tấp vô người anh, tràn ra dưới chân anh, trải dài qua bên kia những vùng không khí rúng động. Tàn tro bay lất phất, chấp chới không thể đậu víu vào đâu, cứ hất lên lộn xuống trong cuộn xoáy hừng hực. Những đốm lửa thi nhau trút xuống. Thậm chí vài nhánh cây đã bắt đầu gãy.

Chợt, thứ gì đó rớt bụp vào đầu Tạo, trượt qua cái mũ chống cháy rồi lăn lông lốc trên nền đất. Cổ Tạo nghẹt lại: Đó là một con cu li!

Bên cạnh nó, những thi thể nằm đầy đất, xương thịt vón từng cục. Đen đúa. Co quắt. Rúm ró trong sức nóng toan kéo giãn mọi chiều không gian. Khuất sau vòng lưỡi lửa, một con cheo cheo đang giãy giụa dữ dội. Tạo phá đứt vòng vây, ào tới xốc nó lên. Da nó nứt rữa ra sau vài cú giật yếu ớt cuối cùng.

Tạo bàng hoàng nhìn quanh.

Rừng vẫn cháy.

***

Thanh mân mê trang giấy. Đây là điểm cuối cùng. Đã mười hai hè qua, Thanh lên xe rong ruổi khắp thư viện và hiệu sách cũ. Từ Nam ra Bắc, rồi lại xuôi vào Nam. Chẳng nơi nào có thứ cậu cần. Bỗng, cậu ngừng lại: Thần thoại lăng mộc – phụ lục quyển III, dãy L, kệ 2, ngăn 4/6. Khi tay Thanh còn luống cuống đóng tủ, đôi chân cậu đã dốc bước qua hàng kệ cao ngất.

Dãy L chứa hàng ngàn cuốn trong đề tài Thần thoại lăng mộc hay văn hóa làng Têh. Khấp khởi lần tìm theo trục tọa độ, nhưng cơn ác cảm kinh điển nhanh chóng ập xuống đầu Thanh.

Người ta cứ xếp hàng tá thứ tự nhận là hay ho về truy tìm kho báu cổ xưa giữa lô khảo cứu văn hóa từa tựa nhau, đôi khi còn chẹt vào vài cuốn yêu đương sướt mướt hay mấy quyển du hành du hí chiêm lộng cuộc đời. Ném cái nhìn rẻ rúng lên đám gáy loang loáng, Thanh bất giác tính ra bao nhiêu cây ngã xuống, bao nhiêu nước trôi vào họng tử thần không hồi sinh nữa.

Một trường văn hóa bị xào nấu, bòn rút bởi những kẻ gặm nhắm nhân danh tác giả. Họ sẵn sàng thêm mắm thêm muối rồi phung phí lý sự trên xác chết của những thân cây. Người ta cứ tìm lăng mộc để bất tử, nhưng chiến thắng tử thần vốn đã là vô nghĩa. Bởi trước mắt Thanh là cấp độ cùng cực của chiến thắng.

Họ nô lệ hóa cái chết.

Hàng kệ dài đằng đẵng kia như những ngôi nhà mồ, những tấm bia mà trên đó phải viết bằng thứ ngôn ngữ dị chủng, vô tri và đầy vụ lợi. Những xác cây của làng Têh chưa một lần được khắc tên mình. Buộc phải kể câu chuyện lạ lẫm cho thú vui chóng vánh xa lạ.

Có lẽ, chỉ một bộ duy nhất cất tiếng tri ơn cây rừng, đó là mười ngàn trang của ba quyển Thần thoại lăng mộc. Chúng quý đến mức, nhà sách hay thư viện phải đặt riêng một bục ngay dưới camera quan sát. Nhưng phụ lục vài trăm trang dễ trở thành nạn nhân, đặc biệt là phụ lục quyển III chỉ in đúng một đợt từ mười lăm năm trước.

Ngăn kệ không có quyển phụ lục.

Thanh úp mặt xuống bàn, nhắm nghiền mắt.

Vậy là bí ẩn này sẽ mãi mãi im lặng. Một cái xác nữa đã sẵn sàng thực hiện chuyến đi cuối cùng về phía lãng quên, như những cái xác đã từng sống bên những cái xác.

***

Gã nép ngoài cửa ngó vào. Như xác chết cứng đờ trôi đi giữa bầu không khí trắng tuột, cô ta gục đầu lặng thinh. Hàng chục ống ly tâm đã nằm gọn vào vòng tuyệt vọng. Không dấu vết gì. Cô ngước khuôn mặt mệt mỏi tìm Hoàng. Chợt cô dừng lại.

– Nó hơi chớp chớp? – Cô hỏi.

Gã khẽ nấp sâu hơn khi Hoàng bước tới cạnh cô. Ánh sáng thâm trầm tím ngắt chiếu vào chiếc ống nghiệm dịch tủy. Sự thật bị phơi ra.

– Nó… dạ quang? – Hoàng nói.

Đèn cực tím tắt đi, thức chất lỏng trở lại hồng nhạt. Cô ta lắc đầu.

– Huỳnh quang. Electron thăng giáng qua các lớp rồi phát xạ bước sóng dài hơn ngay lập tức nằm trong dải biểu kiến.

– Này! – Hoàng thở dài – Cô nên dịch nó ra tiếng Việt.

Gã rướn người để nhìn rõ cô đang trợn mắt bất bình.

– Huỳnh quang là tính chất vô cùng đặc trưng của diệp lục tố. Nó được dạy ở phổ thông.

– Diệp lục màu xanh mà?

Cô nhếch mép cười, có vẻ là nụ cười đầu tiên của tối nay, nhưng đầy phật ý.

– Tôi có bảo đây là diệp lục tố đâu.

Như chớp được vàng trong đống cát, cô liến thoắng đi lại, đổ chất dịch vào các ô giếng tròn. Gã tò mò nhón chân. Một số đục hơn, một số trong suốt. Nhưng chỉ một ô phát ra màu vàng mật dưới ánh cực tím.

– Loại sắc tố khác.

– Vậy… thì sao?

Cô lướt qua chiếc máy phân tích quang phổ.

– Dịch huyền phù, là vi sinh vật. Nồng độ… – Cô nín bặt, quay hẳn người về phía cửa buộc gã rời đi.

– Mới ba mươi phút?

Cô ta nhắm mắt nhẩm tính. Bỗng, mắt cô mở to, môi cô run lên, hơi thở nghẹn lại trong cổ. Rồi cô vùng chạy.

***

Mấy tên phiền phức cứ muốn xoa dịu tâm hồn khi cố nhấn vô đầu những chuyến cuốc bộ hời hợt xuyên rừng? Hay đang tụng niệm sự giải thoát phi thường khỏi lớp bê tông cốt thép khô đét, bằng cách hít hà bầu không khí bị ghẻ lạnh bởi các nền văn minh?

Đây chỉ là một vạt rừng tiu nghỉu.

Sau bao nhiêu tháng năm cô và dân làng tranh đấu bảo vệ thẻo rừng này khỏi hàng trăm cuộc xâm lấn và hàng tỷ tên lâm tặc, giờ đây tới lượt đám du khách nhăm nhe cuốc mòn gót giày, vặt trụi cây cỏ nơi đây mà bù khú bia rượu cùng hát hò. Thật là báng bổ sinh thái khủng khiếp nếu cô không tống cổ mấy âm mưu đó.

– Xin lỗi, đây là trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và dịch tễ, không phải quầy hướng dẫn du lịch lùi qua lùm cây tìm kho báu.

– Không. Cô đã hiểu sai vấn đề!

Cô nhướn một mắt nhìn gã trai trẻ sắp nổi nóng. Rõ vớ vẩn, cô mới là người cần phải nổi nóng ở đây!

– Thông cảm… – Hoàng cười hề hề giả lả – Cậu ta hơi bị kích động từ khi tới đây, chắc do phong thủy.

– Anh im đi! Anh cũng chẳng hiểu gì cả! – Gã trai hất bàn tay đang vỗ vỗ trấn an trên vai mình – Lăng Mộc không phải là hầm mộ hay kho báu.

Gã lôi ra tờ giấy thô ráp, Linh đã từng thấy loại giấy này, nơi làm ra nó chỉ cách trung tâm một cây số đường mòn. Lại một huyền tích bị hiểu sai! Như bao lần khác, cái kho báu giúp người ta bất tử hoặc giàu có, hoặc cả hai.

– Tôi biết chính xác Lăng Mộc là gì. Một phép đảo âm và ghép chữ! Từ này phải tách ra là Linh Tỗ Mộc.

Cô đứng thẳng người dậy. Không. Đây không phải trò đùa. Cô đã từng nghe tới nó. Cô đã từng thấy cái tên đó. Không phải một mà rất nhiều lần trong đời. Thậm chí là mỗi ngày trong đời cô.

***

– Viết này! – Một thằng con trai giật cuốn sổ khỏi tay Linh, bắt đầu chuyền từ thằng này đến thằng khác.

– Thôi đi mấy thằng quỷ! – Thằng bạn định làm thân với Linh chụp được cuốn sổ, và may thay nhờ quyền uy của chức lớp trưởng, trò chơi lố bịch ngừng hẳn.

– Trò viết gì mãi thế? – Thằng bạn sau bao ngày chột dạ vì tò mò cũng chịu phọt ra câu hỏi này.

– Mình sẽ viết một cuốn sách để đời!

– Chuyện làng Tê… hê…

– Tễ. Trong tiếng của làng mình chữ H ở sau đọc như dấu ngã Chuyện làng Tễ.

– À há! Giống tên trò hả? Chưa từng nghe ai họ Tễ hết. Mà Tỗ Linh nghĩa là gì?

– Tên một vị thần – Linh cười vui – Tục của làng mình, đứa trẻ sinh ngày nào phải lấy tên thần của ngày để đặt. Linh Tỗ là vị thần thứ một trăm mười một đại diện sự lưu truyền. Thần có thể nhìn rộng một trăm mười một dãy núi, nhìn xa một trăm mười một con suối. Bất cứ nơi nào cây mọc lên, thần có thể lắng nghe qua lá. Bất cứ nơi nào ánh sáng vươn tới, thần đều có thể nói chuyện.

– Rồi trong thành phố này là thần khỏi nghe – Thằng bạn thân cười ha hả. Nhưng nó chợt nhận ra sự đùa giỡn đã thái quá khi bắt gặp ánh mắt nghiêm nghị của Linh.

– Nó không vui! Nó là chuyện tồi tệ. Linh Tỗ Mộc truyền thừa tất cả những điều đẹp đẽ cho thế hệ sau. Sẽ vô cùng khủng khiếp nếu tất cả những thần tích, thần thoại biến mất. Con người nếu không có đức tin thì con người sẽ chẳng thể đi được tới đâu cả, bất kể đó có phải là đức tin về một tôn giáo nào không.

Thằng bạn trân trân, nó hoàn toàn chẳng hiểu bất cứ từ ngữ nào trong đám chữ vừa tuôn khỏi miệng Linh. Nó từng nghe nhỏ sẽ làm nữ tù trưởng của cái làng kì lạ nào đó. Và có lẽ, để yên thân, từ hôm nay nó sẽ thôi ý nghĩ làm bạn thân nhỏ.

***

– Cậu chắc?

– Tất nhiên! Tôi đã nghiên cứu tờ giấy mười hai năm. Tôi sẽ không tìm lên đây nếu không nắm chắc câu chuyện ẩn về Linh Tỗ Mộc.

Linh ngồi sụp xuống ghế. Bằng sự dại dột của tuổi trẻ, bằng khát khao truyền thừa ngay từ cái tên mình, cô đã dịch rất nhiều bản thần thoại của làng và xuất bản chúng. Cô đã tưởng đó là cách tốt nhất để những câu chuyện được thăng hoa và lưu truyền mãi mãi. Cô đã tưởng người đọc được sẽ trân trọng mảnh rừng của cô và họ. Nhưng không. Hết năm này đến năm khác, câu chuyện đã nhồi khu rừng vào những gian bếp nghi ngút khói tỏa, tựa miếng mồi béo ngậy treo lủng lẳng cần được tiêu thụ trong ngày. Bằng cách này hay cách khác, câu chuyện chỉ còn là những câu chuyện im lìm trên xác giấy.

– Đi… Đừng bao giờ trở lại đây. Nhân danh trưởng làng, hai cậu đi ngay!

– Tôi sẽ không đi cho tới khi tìm ra Linh Tỗ Mộc! – Khi Linh đứng bật dậy nắm cổ áo gã bằng sự điên tiết, gã nói thêm – Tôi phải thấy hết câu chuyện.

– Hết chuyện rồi! Chúng ta đã giết hết các vị thần! – Linh gào lên, hai tay dùng mọi sức lực lắc cổ áo gã – Ngôi làng này chỉ còn những con người mòn mỏi qua ngày, không còn vị thần nào che chở cho chúng ta đâu!

– Pruh tím nở rồi!

Tiếng nói của gã đánh bạt hồn Linh. Như xác chết tới hồi trương cứng, Linh trợn tròn nhìn gã. Pruh màu tím? Gã đang nói cái điều chỉ những vị trưởng làng mới biết. Điều mà Linh chưa bao giờ viết trong Thần Thoại Lăng Mộc.

***

Hóa đứng sững nhìn đóa hoa giữa khoảng rừng thưa. Lạ lùng làm sao, giữa trảng cỏ mỏng dờn mọc lên mười tràng tím mọng nước mà đầy vẻ cứng cựa. Trên cánh hoa còn phủ một lớp lông tơ trắng muốt. Như hai bàn tay ôm lấy nhau của nàng vũ nữ, mười cánh hoa ấy vừa uốn dợn vừa gấp khúc đưa thẳng lên trời huyễn hoặc. Người chưa từng đi rừng sẽ vô cùng bất ngờ khi thấy hoa mọc lên từ đất trống như vậy. Loài Pruh thật ra là một dạng thân rễ, những thứ vươn lên như lá gừng phía xa chỉ đơn giản là lá, còn hoa sẽ mọc từ phần thân dưới đất.

Nhưng Hóa đã tìm rồi, không có lá Pruh nào quanh đó cả! Cô nhìn đến nín thở. Cái gì kia?

Mười cánh xếp thành hai vòng. Hoa mẫu năm! Pruh thuộc lớp đơn tử diệp, số cánh phải là bội của ba. Hóa nhảy cẫng lên sung sướng rồi quỳ sụp xuống bên cạnh bông hoa nhỏ, cô đưa tay chạm khẽ, bàn tay run lên vì cảm giác êm mượt và ấm áp tràn đầy.

Hóa lấy sợi dây buộc lên thân cây gần đó, buộc dần tới khi về đến đường mòn quen thuộc. Cô lướt qua một quãng rừng, lướt khỏi bãi tập kết những khối gỗ lậu thì trạm hiện ra. Đúng lúc cô chạy vù vào, Tạo cũng vừa về tới sau lưng cô. Và chỉ nhìn cái vẻ hốt hoảng lẫn vui sướng ấy, anh đã đoán ngay được.

– Em lại tìm được cái gì mới à?

– Một loài mới! Nó… nó giống bông Pruh mà màu tím!

Tạo vừa ngồi xuống ghế liền bật hẳn dậy. Anh tròn mắt nhìn cô. Hóa lục tìm chiếc máy ảnh rồi kéo anh đi theo cô. Nhưng Tạo đã kịp giữ Hóa lại.

– Chúng ta phải báo cho trưởng làng trước đã.

– Sao vậy?

Tạo lấy khỏi tủ một hộp gỗ rất đơn sơ. Anh mở hộp lấy ra bức tranh vẽ chì đưa cho Hóa. Chỉ là những cung tròn kì lạ bên hàng dài các chữ Latinh.

– Trưởng làng có nói về một loài hoa tím mọc trên đất trống, nếu thấy phải báo ông ấy ngay. Ổng đưa bản vẽ này mà anh nhìn không hiểu.

Nhưng Hóa biết đó là gì.

– Hoa đồ! Mỗi vòng năm cánh hoa, tiền khai hoa thìa. Chính là nó! Chính là bông Pruh em thấy. Đi kiếm ông ấy nhanh lên, trước khi trời tối!

***

– Nhanh lên! Đưa cậu ta vào bóng tối! – Linh vừa chạy vừa gào. Nhưng bỗng, cô sững người ngay ngạch cửa đã mở toang của phòng cách ly. Nhanh như cắt, cô phóng tới tìm ở các phòng bên cạnh. Hoàng nhìn vào trong, trên giường đã không còn gã nữa.

– Cái thằng này đi đâu? – Ý nghĩ xẹt qua đầu Hoàng – Hay nó quay lại chỗ đó?

Linh nhìn anh, cả hai vùng chạy ra cửa.

***

Linh Tỗ Mộc thấy một dòng sông phẳng lì dựng đứng. Hình dáng thần mờ nhạt trên mặt nước. Bên kia, một thế giới khác. Rất khác. Những câu chuyện nhiệm màu, thần cần phải kể. Và bóng dáng thần bước qua thế giới ấy. Bước khỏi thế giới những vị thần.

***

– Tôi phải tìm chỗ đó! – Gã thì thầm, đôi mắt mở to trong hơi thở nông dần. – Tất cả những chữ Latinh này đều bị khuyết, không có chữ nào hoàn chỉnh.

Linh khẽ gật đầu.

– Chữ thiếu kí tự của trưởng làng đời trước. Chỉ mỗi chữ Linh Tỗ Mộc hoàn chỉnh.

– Tôi cần bản đầy đủ. Xin cô!

– Tôi làm gì có mà đưa cho cậu.

Lời nói nhẹ nhàng một cách hiển nhiên của Linh làm gã chưng hửng.

– Cậu có nhận thức về văn bản của chúng tôi rất tốt. Nhưng thiếu một thứ là tư duy khoa học. Vì sao mọi trưởng làng buộc phải học ở cộng đồng anh em?

– Vì họ phải lưu lại câu chuyện bằng ngôn ngữ phổ biến nhất thời đó.

– Đúng. Nhưng bởi lý do khác nữa. Linh Tỗ có một câu chuyện riêng được kể đi kể lại hằng thế kỉ.

Gã im lặng lắc đầu, lục lọi trong trí nhớ điều Linh đang nói.

– Linh Tỗ Mộc “bước khỏi thế giới những vị thần”. Và cái gì đã đi qua lằn ranh?

Gã ngước hẳn dậy, rạng rỡ.

– Cái bóng!

– Ánh sáng và bóng tối. Hai mặt của đồng xu.

Linh đi thẳng vào phòng làm việc của mình rồi trở ra với tờ giấy khác. Trong một thoáng gã tưởng đó là bản đồ chỉ dẫn. Nhưng không, nó là tấm bản đồ bình thường với những kí tự Latinh rời rạc.

– Hai mươi năm nay, tôi không muốn giải bí ẩn này. Giờ, chứng minh là cậu xứng đáng đi.

Gã dò xét tờ bản đồ trên bàn. Những kí tự dường như đã điền đúng vào mảng khuyết trên tấm hoa đồ, nhưng lại viết ngược. Và vị trí đâu? Ánh sáng. Hai mặt đồng xu. Gã úp nhanh bản hoa đồ lên đó, đúng lúc Linh bật đèn soi trứng công suất lớn. Bóng chữ lồng vào nhau, mô tả đầy đủ về loài Pruh màu tím. Nhưng, mắt gã cứ dừng hoài trên chữ Hóa ở dưới cùng tất thảy.

– Vậy là chỗ đó.

– Đâu? – Gã bối rối nhìn – Đâu chỗ nào được đánh dấu.

– Cô ấy là nhà thực vật học. Nhìn đi, năm đài tiền khai van, hai vòng tràng thìa. Nhưng chưa đủ một bông hoa – Linh từ tốn nói thêm – Hoa không thể chỉ có đài và cánh.

***

– Không! Khoan đã – Linh cản Hoàng ngay trước cửa chính – Cần tìm hiểu về nó trước.

– Cái gì? – Hoàng kinh ngạc nhìn Linh.

– Ánh sáng. Nó hấp thu ánh sáng chuyển thành năng lượng hoặc tín hiệu. Đó là lý do nó mang sắc tố. Trời tối làm nó phát triển chậm hơn.

– Vậy chia ra, tôi tìm người, đánh dấu bằng vải phát quang.

– Và tôi sẽ đi đúng con đường đó khi anh đưa cậu ta về, chỉ mất nửa thời gian.

Linh nói rồi quay ngược vào phía phòng thí nghiệm sáng đèn. Còn Hoàng nhập mình với bóng tối.

***

Ánh sáng chan hòa xung quanh gã. Thứ ánh sáng rạo rực vờn động. Nó cháy bỏng mà đầy dịu dàng. Giữa vùng ánh sáng kì lạ mọc lên những đường gấp khúc lan nhanh về phía trước. Gã bước theo những thân leo nhỏ nhắn ấy. Và kia! Bóng hình mà gã vẫn khát khao được gặp. Bóng hình mà trí nhớ của gã đã không còn lưu vết lại.

“Hãy lắng nghe chúng tôi”.

Gã giật mình nhìn quanh. Ánh sáng trong không gian nhạt dần, để rồi cuối cùng tựu thành từng điểm, những điểm sáng mang dáng hình thân cây. Nhưng, dưới nền đất lại rực lên một mạng lưới chằng chịt hàng tỉ đường sáng lớn nhỏ thông suốt nhau như một thảm bông gòn. Có những gốc cây đặc biệt sáng chói, và cũng có vài điểm nằm chơ vơ không thuộc về gốc nào.

Người phụ nữ của gã. Dưới chân người đó, và gã, cũng là một điểm sáng chói.

***

Linh choáng váng khi thông số nhảy ra trên màn hình. Thậm chí cô chưa từng nghĩ tới việc, nó không phải kí sinh trùng.

– Linh! – Hoàng xộc vào phòng.

– Tôi thấy nó rồi – Linh chạy đến toan kéo anh lại màn hình nhưng Hoàng tránh đi rất nhanh.

– Đừng! Tôi bị lây rồi. Lúc đi trong rừng tối, tôi đã thấy ảo ảnh.

Linh sững người nhìn Hoàng. Cô khẽ lắc đầu.

– Đó chỉ là một loài nấm gây ảo giác.

Hoàng bật cười. Nước mắt anh vô thức chảy xuống.

– Tôi thấy nó đứng dưới ghềnh nhưng không với tới. Nó… giống như mọc rễ xuống đá.

Mặc lời anh, Linh vẫn nhìn Hoàng trân trân, một ánh mắt thèm khát và tò mò. Cô từ từ bước tới, đẩy Hoàng lại cái gương gần nhất. Đèn cực tím bật lên, từ mắt anh, một dòng nước vàng cam đang chảy.

***

Bằng tất cả sức lực và trợ giúp từ đồng đội chi viện, cánh rừng phía Tạo đã ngừng cháy. Nhưng anh không thể nghỉ lại quá lâu, vợ anh đang một mình bên kia, đốt trước lớp thực bì để bảo tồn giống loài quý nhất khu rừng: Cây Pruh tím.

Trên con đường đằng đẵng và tăm tối, Tạo sững người trước khoảng trống mà trước kia là nơi tập kết hàng tấn gỗ lậu. Anh bừng tỉnh, trận hỏa hoạn này hóa ra là màn giương đông kích tây đầy bẩn thỉu.

Đùng!

Một tiếng nổ kinh hoàng vang lên chênh vênh giữa trời.

***

– Cuối cùng con cũng tìm được ba mẹ.

“Vẫn luôn ở đây đợi con”.

– Đây là đâu? Thiên đường sao? Con đã chết vì căn bệnh lạ đó?

“Thanh. Con vẫn còn sống. Vì con là niềm hi vọng duy nhất của chúng ta”.

– Con không hiểu. Con không tìm được cây Pruh tím mẹ vẽ lại. Con xin lỗi.

“Pruh tím đã ở trong mẹ khi mẹ chạm vào nó, và ở trong con ngay từ lúc mẹ sinh ra con”.

– Con không hiểu gì cả?

“Rừng là nơi trí tuệ nhất của muôn loài, là kí ức của sự sống. Hãy thay rừng kể tiếp câu chuyện sự sống”.

***

Linh chết sững bên ghềnh thác. Không chỉ thân thể Thanh, cả khu rừng đêm bỗng rực lên vô số những sợi chỉ lân quang. Ánh sáng chảy dài trên người cô, soi tỏ khuôn mặt cô và thắp lên mắt cô vầng hào quang kì lạ.

Dáng hình hàng triệu sinh linh quá khứ đang nhảy nhót khắp nơi. Ngay đằng kia, những linh ảnh vùi mình vào nhau tránh cái rét mưa rừng. Và bên này, những con voi già nhảy xuống vách đá cứu con và vĩnh viễn không quay lại.

Những thân cây kì vĩ trồi lên từ đất, dang tán rộng hơn mấy mảnh trời ghép lại. Những bông hoa nở ra tràn dưới lối đi, ngập trên mặt suối và lòng nước, trong chiếc lá rũ mềm, trên thân cây ảo ảnh. Chúng mọc cả trên người cô. Quả của chúng bay lên không trung, chấp chới rãi một trận mưa lung linh lên bầu trời vô tận.

***

Thanh thấy mình bổng khỏi đỉnh cây. Bên dưới, một thiên hà ngập tràn tinh tú, và dường như, hàng triệu đôi mắt vô hình đều ngước nhìn cậu.

Thanh bay đi, qua một vũ trụ tối tăm và cô quạnh, tới những vì sao lang thang le lói trong vùng tịch mịch lãng quên. Cậu dừng lại bên một ngôi sao cô đơn. Ánh sao dần lặn bớt, tụ thành dáng dấp con người. Người con gái mở choàng mắt nhìn Thanh. Cô run rẩy đưa tay áp lên bàn tay cậu. Và ngôi sao bùng cháy dữ dội. Cô ngồi bệt xuống, bỗng chốc ánh sáng lóe trên tay cô thành hình hài bút viết. Từng đường nét vẽ ra, từng vệt sáng theo Thanh múa lượn.

Thanh bay khắp nơi. Cậu xuyên qua những bức tường rắn chắc, thấm qua những bóng hình lạnh lẽo âm u, cắt đứt những bờ rào lưỡi chém. Cậu đưa tay về phía họ, ánh sáng mọc vào tăm tối. Vô số những ngôi sao nguội lạnh rực lên thứ hào quang huyền dịu, đan xuyết vào chân không.

Những linh hồn cùng nhau đứng dậy. Những sinh linh lẩn khuất bỗng chốc nhận ra nhau. Họ từ bỏ vết mực hạ sát. Họ cầm lên cán cân công lý. Họ đàn và hát và loan ca. Để hơi ấm tạo hóa truyền vào nhau như hàng ngàn cuộc đời một lúc, hàng triệu sinh mệnh đã và đang sống cùng nhịp đập. Để ngập tràn trong trí óc dòng kí ức rừng ngàn năm. Kí ức lan đi. Và kí ức lại dày thêm.

Một thiên hà cô đơn đã đầy ắp người, cứ thế, trỗi dậy từ lặng thinh.

Vũ điệu vần xoay từ hành triệu vòng xoáy sáng dịu nhàng cuốn quanh Thanh, đưa cậu về ghềnh thác.

Dáng hình Tạo, Hóa nhạt dần sau lưng cậu.

– Khoan đã. Đừng đi!

“Can đảm lên con trai. Chúng ta đã và sẽ mãi mãi bên nhau”.

Ánh sáng chợt chói lòa rồi co rút vào điểm đỏ hồng nơi chân trời. Thanh cảm thấy mình tỉnh táo hơn bao giờ hết. Cậu nhận ra vòng tay Hoàng đang siết lấy cậu. Trên bờ đá, Linh đang kéo hai người vào bờ.

***

– Bức tranh của rừng! – Linh chỉ vào tấm ảnh chụp những đường phát sáng trên nền đất – Đây là mạng lưới rễ và nấm rễ. Điểm cực sáng là các cây mẹ lưu lại trí nhớ các thế hệ. Và…

Thanh chợt thấy ấm áp với cái chấm chơ vơ không thuộc về gốc nào. Nơi Pruh hai mươi bốn năm trước đã mọc lên. Cũng là nơi ba mẹ cậu đã quyết bảo vệ tới hơi thở cuối cùng một năm sau đó.

– Giờ thì em hiểu bí ẩn của thần Linh Tỗ Mộc rồi.

– Một câu chuyện khoa học hay thần thoại? – Hoàng hỏi.

Thanh chậm rãi nói.

– Nấm Pruh là loài duy nhất có thể đưa trí tuệ liên loài nảy nở ở nơi khác bằng bào tử vô tính. Nấm lớn lên trong hệ thần kinh và các hợp chất hóa học sẽ khải thị chúng ta. Một cách liên lạc với thần linh trong văn hóa cổ xưa.

– Ờ… tự nhiên thành nhà nấm học vậy? – Hoàng ngập ngừng.

– Không phải em, là mẹ và chị Linh.

– Không hiểu sao… anh lại có cảm giác đã từng biết điều này – Hoàng vẫn ngập ngừng.

– Kí ức sẽ từ từ thức dậy – Linh mỉm cười.

– Kí ức của mẹ trong bào tử nấm đã gọi em về đây. Bởi trí tuệ ngàn năm biết các điểm sáng này không hề bất tử, khi những cây mẹ ngã xuống, kí ức sẽ vĩnh viễn bị lãng quên.

Hoàng nhìn vào những điểm sáng của đồng vị phóng xạ rồi nhìn lên tấm sơ đồ não bộ treo trên vách. Chợt, anh mỉm cười.

***

“Khi Pruh tím nở, mọi vị thần trở về nhà của Linh Tỗ Mộc. Các vị sẽ kể lại câu chuyện của mình, lần lượt trong mười hai ngày. Những câu chuyện được Linh Tỗ Mộc thì thầm qua ánh trăng, reo tới tai những người con của làng.

Tới lượt người làng tôn vinh vị thần mình mang tên, họ kể lại thần thoại. Nơi đó, vị tù trưởng sẽ là người ghi chép tất cả và truyền lại nó.

Để tạo hóa không bao giờ bị lãng quên”. Phụ lục quyển ba, Thần thoại lăng mộc.

Đà Lạt, 01/2020

MẠC YÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *