Truyện ngắn tác giả trẻ Lý Thăng Long ở Đồng Nai

Vanvn- Lý Thăng Long hiện là sinh viên năm thứ ba của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Cha Lý Thăng Long là một quân nhân nên ông rèn giũa con mình sống kỷ luật, chuẩn mực và có tinh thần trách nhiệm. Tuy vậy, chạm ngõ văn chương qua những trại sáng tác trẻ của Hội VHNT Đồng Nai, Lý Thăng Long đã dồn thật nhiều tâm huyết để đọc và viết. Những truyện ngắn, tiểu thuyết của Lý Thăng Long lần lượt được hình thành. Mong rằng những phẩm chất đáng quý được gia đình, nhà trường truyền lại sẽ giúp Lý Thăng Long có những tác phẩm thành công.

TRẦN THU HẰNG giới thiệu

Tác giả trẻ Lý Thăng Long

EM LÀ MÙA HẠ TRONG TÔI

 

Năm, mười… mười lăm… Hai mươi…

1.

Nhỏ ngồi kế bên tôi nhưng dường như lúc nào nhỏ cũng thích chơi trò chơi trốn tìm. Bây giờ vẫn vậy và tôi tin có lẽ, mãi mãi… sẽ vẫn vậy. Khi mà hoa bằng lăng đang vào mùa nở rộ cũng là lúc em và tôi chính thức xa nhau.

– Sao bạn vô duyên quá vậy?

“Một con báo! À, không. Một cô gái với mái tóc nhuộm vàng một cách tự nhiên”. Chỉ sau này, khi được mím môi một vài lần vào mái tóc ấy… Phải mất cả năm trời, tôi mới biết đó là gen di truyền thẳm sâu trong huyết quản nơi em.

Không tiếng đáp trả.

Định lí thứ nhất. – “Người ta sẽ vui vẻ và tiếp tục làm bạn, nếu bạn cãi lại với người ta. Nhưng sẽ là một nỗi nhục nhã cho đối phương nếu bạn im lặng”.

Mặc cho nhỏ đứng đó mặt hết biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Tôi vẫn tỉnh bơ ngó vào mấy dòng thơ viết cho bạn gái lớp kế bên với nôi dung như sau:

“Em đẹp nhất khi em cười

Anh yêu em, muốn nhiều hơn thế nữa

Chỉ giây phút này

Xin em một cái…”

“Xoẹt, xoẹt…” – Tôi mắt mở to, còn chưa kịp phản ứng gì, chắc bạn có xem phim Tàu cảnh rải tiền hoa cho người chết. Những mảnh giấy trắng phau lả tả bay. Nghẹn ngào trong cổ họng.

Có mấy lí do sau đây, mà tôi thấy cay đắng vô chừng: “Một là tôi tiếc hùi hụi những dòng thơ tôi cố công nặn ra còn chưa kịp nhớ, còn chưa kịp nhờ thằng Hóa. – Chim xanh của tôi đem đi. Hai là, giả sử lúc ấy nhỏ cầm lên xem xong rồi hẵng xé, còn an ủi cho tôi ít nào. Ba…”

*

Nhỏ tên Ái Vy, có nước da trắng ngần. Nằm trong đôi mắt đen tuyền của nhỏ là cả một bầu trời mà tôi ước mơ chạm tới. Gương mặt thanh tú toát lên vẻ thu hút lạ kì, sống mũi cao, cao lắm.

Nhỏ không có cha. Từ nhỏ chưa từng thấy ông ấy dẫu chỉ một lần – nghe nói ông bỏ mẹ con Ái Vy từ khi cô ấy chưa ra đời…

Trong lớp, nhỏ thành lập một “băng đảng” riêng dành để áp đảo lũ con trai mỗi khi bọn chúng tôi ve vãn. Dù chỉ mới chuyển vào lớp mới được hai tuần, nhưng nhỏ đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực về phe mình từ tay Kim Anh – lớp trưởng. Nửa tháng tiếp theo, danh hiệu cao quý đó cũng bị Ái Vy chiếm đoạt một cách lạnh lùng. Có thể nhỏ từ trường chuyên chuyển về, hoặc vì mái tóc đặc thù “Kim Mao Sư Vương” của nhỏ?

Tôi vẫn không nói gì. – Môi bặm lại. Mặt có đỏ lên hay không, tôi không biết, chỉ thấy nóng ran. Hai tay tôi hình cái búa, mồ hôi theo đó túa ra, kéo lê muốn mủn mặt bàn. Ngước mắt nhìn. Tôi đứng lên, bước qua thanh chắn. Mặt đối mặt.

– Nhặt tất cả chúng lên! – Tôi gằn giọng, bộ dạng hung dữ, đồng thời đưa tay ra chắn ngang trước ngực nhỏ. Khi ấy, nhỏ như một con thú hoang đang hùng hục định lao vào chỗ ngồi. Tôi thấy nhỏ thoáng đỏ mặt. Thái độ của tôi làm nhỏ hết chuyển từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Thật ra lúc đầu tôi chỉ tính chọc nhỏ chút thôi. Mấy đứa con gái trong lớp bảo tôi có cảm tình với nhỏ, kiểu rơm bén lửa gần gì đấy. Điều đó thật hay. Nếu nhỏ khoái tôi sẽ tới luôn, còn không sẽ nghiêm túc và bảo: “Giỡn thôi, tưởng thật hả?” – Phải giữ lấy danh dự của mình chứ! Ai ngờ nhỏ “ngũ mã phanh thây” điều tôi yêu quý. Và tim tôi đã đạp phanh, câu nói ấy sẽ mãi mãi chẳng bao giờ có cơ hội xuất hiện.

Sự thật là nhỏ chưa từng để ý gì đến tôi, – vả chăng tôi lại ít nói. Và “những đứa ít nói bao nhiêu, khi lên tiếng lại càng có trọng lượng bấy nhiêu” – Định lí đảo.

Mặt nhỏ xám ngắt khi thấy những đường gân nổi lên trên cánh tay tôi. Nhưng làm sao mà nhỏ chịu đầu hàng – một chị cả trước mắt “đám lâu la” sẽ mất hết cái uy. – Dĩ nhiên, bây giờ mọi đứa con gái trong lớp đều tròn mắt, nín thở theo dõi trận sinh tử giữa sẻ non và đại bàng.

Đám con trai như được rửa mặt. Chúng reo hò ầm ĩ cho tôi kiểu Quang Trung đại phá quân Thanh:

– Được lắm đấy!

– Mày hãy cho lũ con gái thấy sức mạnh của đàn ông đi! Tao sẽ bao mày một viên kẹo đường nhà bé Mập…

Mấy lần nhỏ cố gạt tay tôi ra là y như rằng tay tôi lại búng lên như một cái bập bênh loại mạnh.

Tôi không biết cái sức mạnh chúng nó nói là gì nhưng vẫn cảm thấy sướng rung tai. – Tôi đã trở thành người hùng trong mắt anh em. Mai đây anh em sẽ hô hào, kính nể. Nhưng tôi không biết cảm giác này liệu có còn giữ được lâu? Tôi càng không biết làm vậy là đúng hay sai.

Giờ đây sống lưng tôi đang tháo mồ hôi lạnh toát, xả tràn qua làn áo sơ mi trắng mỏng. Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra: “Nhỏ có thể sẽ tát vào má hay đá vào vùng hiểm, kéo thắt đến nghẹt cổ bằng khăn quàng đỏ trước gió tung bay…” Bất kể điều gì độc ác nhất mà lũ con gái có thể rỉ tai nhau. Cho các suy nghĩ ấy, cũng vì nhỏ khá lùn. – Nhận xét cao đến ngang ngực tôi sẽ là một ưu ái cho nhỏ.

– Mắc mớ gì mình phải nhặt cho bạn! Đó là giấy của bạn… Bạn đi mà nhặt. – Nhỏ nói quả quyết, cố tỏ vẻ khinh khi nhưng có phần hơi giật.

Có lẽ nhỏ cũng sợ tôi sẽ làm điều tương tự như tôi nghĩ khi nãy. Điều đó làm tôi thoáng mềm lòng. Những giọt mồ hôi rơi xuống nền gạch hoa đen để lại những vết loang lổ. – “Không thể tha thứ… Mày có nhớ con bé đã làm gì với mày không?”

Tôi vẫn đứng như đá. – Cái thế mà Chu Du chết trước Gia Cát Lượng… “Ừ nhỉ, biết nói cái gì bây giờ? Chẳng lẽ tát nhỏ một phát?” – Tôi chỉ đang tự vấn mình một cách vô bổ. Ba phút sau… tôi vẫn là con hến ngậm mồm.

Như một sự thỏa hiệp ngầm, cứ thế nhỏ lầm lũi đi vào trong, ngồi thụp xuống. Cả lớp vẫn bặt thanh âm, không khí căng thẳng vô cùng tưởng như muốn bóp người ta đến vỡ tim.

“Thùng… thùng…” – Tiếng trống vang lên phá tan đi cái ngột ngạt báo hiệu phải thu quân.

– Cô sắp vào rồi tụi mày! – Thằng Khoa bống là đứa cả lớp cắt cử do thám ngày hôm nay.

– Còn hai bước… Ba bước…

– Mày vẫn còn ở đó đếm hả? Về chỗ lẹ lên! – Con Xoan ngồi đầu bàn kéo tay thằng Khoa như bà thánh nói.

– Đâu? Mày phải thấy khoảng cách giữa “ta và địch” đang dần giãn ra chứ! – Thằng Khoa phản biện.

– Ừ hén!

Con Xoan giờ mới để ý ngoài cửa sổ, hai tà áo dài đang nói chuyện với nhau.

– Đứa nào giục thằng An đi. Để “bà” cô vào là có chuyện đó. – Có mấy đứa gào lên, nhưng chỉ đủ cho đứa bên cạnh nghe thấy. “Lớp không khác gì cái chợ vỡ nát!” – Đó là phần nhận xét của cô Thanh dạy Địa lí mỗi khi có tiết.

Ái Vy bắt đầu chột dạ, nhấp nhỏm. Ban đầu nhỏ còn giả vờ cắm mặt vào quyển sách mắt lé dòm tôi.

Có một loạt các lý do đang rộn ràng nổ ra như pháo hoa trong đầu nhỏ: Lớp sẽ bị trừ điểm thi đua, lao động phạt… – Dĩ nhiên, ban cán sự lớp sẽ bị khiển trách và liên lụy đầu tiên. Nhỏ Ái Vy lại vừa mới tiền nhiệm được ba hôm và trước thanh thiên bạch nhật nó đã hứa với cả lớp x, y, z.. lên tận cung trăng.

– Vào chỗ đi! Cô sắp vào lớp rồi. – Nhỏ đánh bạo nhắc tôi, giọng có phần mỏng hơn nãy nửa phân.

Tôi chẳng việc gì phải ngồi ngay theo lệnh của nhỏ. Vì việc đó sẽ đi toi hết công sức bặm môi, trợn mắt từ nãy tới giờ. Một tiết ra chơi – hai mươi phút cuộc đời, lắm khi còn hơn ấy. Một đứa con nít có thể ăn được vài chục tấm hình và một nhà phi hành gia có thể đã lên đến sao Thiên Vương Tinh… Nhưng dĩ nhiên, dù có muốn tôi cũng không thể đứng được lâu hơn.

– Chúng em kính chào cô và lớp ạ! – Tiếng đồng thanh lớp 9/3 vang lên và nhanh chóng tan ra như mây trời.

Khi đó, giữa lối đi xuống cuối lớp, có một “thanh niên” đang lom khom cần mẫn dọn vệ sinh công ích cho nhà trường. – Điều đó khiến cô giáo Nguyễn cảm thấy rất hài lòng cho thế hệ học trò trẻ hôm nay…

Từ tiết đó trở đi, tôi và Ái Vy không hề mở miệng với nhau lấy một lời. Có chăng chỉ là những cái huých tay thô bạo mà tôi và nhỏ dành cho nhau khi ai đó cố tình len qua đường “biên giới” – kiểu nước Trung Hoa và Đại Việt thời xưa.

*

Nhà Ái Vy nằm trong con hẻm nhỏ thông với một đại lộ theo hướng “sau lưng bà bán bánh chuối chiên”. Trong một lần tình cờ đạp xe từ lớp học thêm toán về. Tôi tình cờ thấy nhỏ được một đứa con trai hơn tôi cỡ hai, ba tuổi có con xe Deam màu xám than đang hú hí bên nhau. – “Nhỏ có người yêu rồi sao?”

Tôi chưa từng để ý nhỏ đến lớp bằng phương tiện gì, nhưng kể từ ngày hôm đó… – Tôi bần thần. Vậy thật ra tôi với nhỏ có quan hệ như thế nào? Sao cuộc đời cứ mãi thích trêu ngươi người ta kia chứ?

Đó là một căn nhà kiểu Pháp, ai đó bảo nó đẹp nhưng sau này tôi chỉ thấy nó là một thứ đen ngòm và đáng kinh tởm. Nhà chỉ có hai mẹ con, càng thêm cô quạnh. Bà là một con người kín tiếng và kiệm lời. Mỗi lần bà thấy bóng tôi lảng vảng trước cổng nhà là lại nhìn với một cái vẻ rất đỗi xa xăm…

Trước nhà nhỏ có trồng một cây hoa bằng lăng, có từ bao giờ tôi không biết. Thân cây cao lớn và xù xì dễ sợ, tôi luôn nghe các anh chị lớp trên kể lại rằng: “Yêu ai thì đừng đứng ở đây, chỉ toàn những đắng, cay…”

– Ờ thì hòa. Con trai không thèm chấp! – Tôi lạnh lùng, nhưng trong bụng gõ phách lung tung khi nghe “một lời đề nghị”. Khi ấy nhỏ đã biết tôi có cảm tình với nhỏ nên động lòng trắc ẩn.

– An nói vậy nghĩa là sao?

– Không có gì. – Tôi nói cụt lủn.

– Vậy được rồi. Từ mai có thể bỏ cái khuôn mặt đăm lê ấy giùm đi nhé! – Ái Vy tươi cười nhưng có phần hơi gượng gạo.

– Cái gì? – Tôi trố mắt. – Sau đó, tôi rơi vào một thoáng im lặng lâu thật lâu.

– Ừm… chắc Vy biết rồi nhỉ?

– Biết gì?

– Tôi có cơ hội không?

Ái Vy lại cười, một nụ cười khó hiểu:

– Không thích bạn trai cùng tuổi cho lắm!

– Có hay không? – Tôi thẹn đỏ mặt, tôi chỉ đang cố tự bào chữa cho chính mình.

– Ba mươi phần trăm. Ai biết được? Hưm.. Thử đi!

Nhỏ nháy mắt tinh nghịch.

2.

Rời xa con phố ồn ào. Tôi rẽ nhanh, đánh đầu chiếc xe Martin 107 xanh lá vào con hẻm vắng. Tôi đang thèm một bát canh cá lóc trong lồng bàn của mẹ. Dưới ánh đèn tiết kiệm nhàn nhạt, tôi thoáng thấy màu tóc đuôi gà rất quen.

– Ái… Vy! – Tôi gọi với thanh âm cao sau đó nhanh chóng chuyển sang trầm và đục hẳn.

– Ai đó? – Một tên con trai đứng khuất sau hàng trà sữa Mèo Múp lên tiếng.

– Kệ nó đi anh. Chắc nó nhầm người rồi.

Một làn gió lạnh u ám kéo qua tóc mái tôi. Tất cả, giờ chỉ còn là ánh mắt lạnh lùng của gã xe Dream xám than, và cả nụ cười nhạt của “kẻ-không-đội-trời-chung” kia.

Định lí thứ hai. – “Không có gì cả, chỉ là những vị khách qua đường” .

Cả ngày hôm đó, tôi ngồi ảm đạm, khuôn mặt buồn xo ngó ra ngoài sân trường đầy nắng và gió. Cái hình ảnh ấy cứ ám mãi trong tâm trí tôi chẳng thể nào dứt ra được.

Cũng không còn trò chuyện được tự nhiên với nhỏ như mọi khi nữa. Thi thoảng Ái Vy cố ý gõ nhẹ xuống mặt bàn như thể thông báo là mình vẫn còn tồn tại.

– Lê Hiểu An. Tình hình kinh tế nước ta từ năm 1997 – 2002 thay đổi như thế nào qua đồ thị? – Tiếng gõ thước kèm theo câu hỏi của cô Thanh khiến tôi giật bắn người.

– Ơ… Dạ… cô… em… – Tôi đứng ngẩn tò te. Môi mấp máy, tần số cao thấp bất thường.

– Sao? Hay cô nói nhỏ quá! Em có cần cô nhắc lại? – Cô Thanh có phần hơi mỉa mai, một cách ngờ vực.

– Dạ cô, em chưa nghe rõ.

– Đề bài nằm trong sách ấy em.

Cả lớp cười rộ lên. Những tràng vỗ tay tán thưởng đểu. Sự thật là tôi có nghe đến bảy bảy bốn mươi chín lần nữa cũng sẽ vẫn câu nói ấy. Bởi sách tôi còn chẳng thèm đặt lên bàn nữa là. Mang tiếng là một học sinh giỏi của lớp mấy năm liền, lại được các thầy cô ưu ái hơn hết vì tiết nào cũng góp ý xây dựng bài. – Và hôm nay là một ngày bất thường nếu không có cánh tay của tôi…

Tôi đang cúi mặt ngó xuống xem có cái lỗ nào chui được để độn thổ cho đỡ ngượng. Thật xấu hổ. – Kìa, một quyển sách được đẩy từ bên trái qua.

Câu trả lời được khoanh tròn, rõ ràng lù lù ngay trước mắt. – Nhỏ đang có ý muốn giúp. Nhưng tôi không thèm. Mặc dù tôi rất muốn. Làm sao nhận cho được, khi nhận tức đồng nghĩa với việc mắc “Mai An Tiêm”.

Không thể tha thứ cái lỗi lầm của nhỏ theo cách này. Tôi sẽ tự thấy mình thật rẻ rúng. Nhỏ sẽ không có gì phải ân hận.

Ngày hôm ấy, hai án ngữ “không quen” của nhỏ đã lấy đi tất cả cảm giác ngưỡng mộ về một người con gái trong tôi. – Tôi thấy mình như cái nhà xí! Xin lỗi bạn nhưng đó là sự thật.

Tôi nhắm mắt lại, không thèm nhìn gì cả, mặc cho mọi thứ cứ thế đi qua. Kể cả cái tai đang muốn rớt ra khi bị kéo lên từ cô Thanh… – “Không tập trung trong giờ học này!” Đó là một vết thương khó xóa trong lòng tôi.

Dĩ nhiên, tên tôi đã được phê chễm chệ lên sổ hồng. “… vô lễ với giáo viên” – dòng chữ nắn nót của Minh Anh lớp phó học tập. Sao giờ tôi muốn vằm mặt con bé Minh Anh ra quá. “Tôi vô lễ hồi nào? Chỉ hỏi và không trả lời thôi mà.” – Não tôi đang bị đầu độc một cách man rợ và tàn bạo nhất có thể.

Tôi ghét tất cả mọi thứ đang trước mặt mình lúc này. Những lời bàn tán sau lưng. Rồi đây, giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện về báo cáo “thành tích” của tôi cho cha mẹ. Họ sẽ lọc tôi ra và cho một trận no và căng mông.

“Thùng…” – Tan học, tôi xách cặp ra về thẳng. Hôm nào cũng vậy và hôm nào cũng vậy.

Giờ đã vào cuối tháng tư. Khi mà những cơn mưa rào kèm theo hơi nóng bắt đầu lan tỏa từ nền đất đá áp mặt lên nhau. Và mối thâm thù giữa tôi và nhỏ Ái Vy cũng dai như vậy. Cần phải có một giải pháp, giống như một ly trà chanh đá muối giữa cái hanh, héo của cổ họng vừa bị cái nắng gay gắt xỏ xiên.

Mấy lần nhó cố nói lời xin lỗi, tôi mặt lạnh không thèm đếm xỉa.

*

Nhỏ có một tình yêu.

Nhưng dường như cái tình yêu ấy đã bị đặt sai chỗ và sai cả người. Hai mươi giờ ba lăm phút – đó là con số trên cái đồng hồ điện tử kịp đánh điện cho mắt trái của tôi. Bên bờ sông, ánh trăng lấp loáng.

– Mày có biết tại sao tao lại yêu mày không hả, con khốn kia? – Hắn. Cái tên xe Dream hất hàm hỏi, tiến sát lại gần một cô gái dáng nhỏ bé, tóc đuôi gà.

– Anh… anh nói gì vậy? Anh Tuấn. Chẳng phải anh bảo hôm nay là ngày kỉ niệm quen nhau của hai chúng ta hay sao. Em không hiểu? – Ái Vy nói với giọng run rẩy. Cô thở gấp, từ từ lùi bước ra sau.

– Mày không cần phải hiểu. Lũ con gái chúng mày là một giuộc với nhau cả.

Ái Vy bàng hoàng, chết lặng như bông hoa tàn trước gió.

– Mày phải đền tội. Trả tất cả cho tao! – Hắn nói rồi tát Ái Vy ngã lăn xuống nền cỏ. Hắn toan xé hết nửa tấm áo trắng mỏng trước ngực Vy.

– Ối! – Gã “xe Dream” la lên đau đớn.

Một cú đá con nhà nghề tống vào mạn sườn đang hừng hực lửa của con thú hoang. Hắn ngã văng xa ra mấy mét.

– Đừng sợ! An đây, Vy mặc vào. – Tôi lấy áo khoác mình đắp lên phần cơ thể trắng ngần của Vy. Cô ấy không dám nhìn tôi, thoáng vẻ ngại ngùng và xấu hổ. Chợt, Ái Vy mở to đôi mắt tròn, đen láy thét:

– Hiểu An!

Tóc tôi bị túm, kéo ngược ra sau. Cả cơ thể bỗng bị nhấc bổng lên. – Tôi tưởng như mình đang giống Hầu Tử đằng vân. Nhưng Đại thánh lên trời, còn tôi cắm mặt vào bụi cỏ.

Hắn to và khỏe như một con trâu đất. Bấy giờ tôi mới lờ mờ nhận ra đối thủ. Mắt hoa lên, tôi nhìn ánh trăng khuyết vàng vọt qua giọt sương còn in trên nền cỏ non ướt át.

Hắn đang tiến lại gần Ái Vy. Cô ấy giờ hồn vía còn đâu. Hắn lại cười, cái điệu cười man rợ đến gai người. – Một con quái vật. Tôi nhắm mắt và nguyện cầu ánh trăng kia ban cho tôi sức mạnh. Hắn chỉ còn cách cô ấy nửa bước chân trần.

“Bốp!”.

– Mẹ mày! Mày là con đỉa đói! – Hắn đang đá và đấm rất mạnh về phía trước, gần như là loạn xạ không thương tiếc vào đỉnh đầu và thái dương tôi. Hắn dày lên sống lưng một cách sung sướng…

– Tại sao mày phải làm thế? Tại sao mày phải bảo vệ cho con bé dơ bẩn này? Nó là gì của mày? – Tên Tuấn hỏi. Tôi ngất đi, tỉnh lại mấy lần trên cơ thể Ái Vy nằm bất động. Tay bóp chặt toàn nắm đất tạp nham.

Tôi tỉnh lại giữa không gian đen kịt. Cái cảm giác lạnh sống lưng đã không còn nữa, thay vào đó là toàn thân ê ẩm. Người tôi tanh nồng mùi máu và bùn đất. – Tôi đúng là từ âm phủ chui lên. Nếu bạn có gặp chắc cũng không thể nhận ra. Ống quần Kaki của tôi đầy đá và cát. Cùng lúc tôi có cảm thấy một làn hương nhẹ nhàng nơi tóc một người con gái tuổi mới lớn… Tôi lại lịm dần đi.

Một sáng chủ nhật. Thằng “chim xanh” đang băng bó khắp người tôi như thương binh loại A.

– Á… á… á… “Mày ngồi im! Thuốc gia truyền nhà tao.” – Tiếng của hai thiếu niên chí chóe với nhau làm lũ chim sẻ đang gà gật bay đi mất hút.

– Mày làm sao mà ra thế này? Chắc mày lại đi đánh nhau chứ gì? Mày! Tao nói mà không nghe. – Thấy tôi bắt đầu hết rên la, thằng Hóa tự hỏi tự đáp một mình. Tôi chẳng buồn trả lời, nhăn răng qua loa.

– Ba má mày sáng nay mới gọi điện cho tao đấy! – Thằng Hóa nói giọng đầy khiêu khích đã kích thích cái miệng của tôi.

– Sao? Thế mày đã nói gì? – Tôi thảng thốt la lên.

– Mày đừng lo. Tao bảo mày hôm qua đã trốn học, ý lộn, mày học mệt nên vẫn còn ngủ nướng. – “Chim xanh” cười nham nhở. Mặt tôi xanh ngắt như tàu lá xong lại tím bầm như cà.

Quả thật nếu tôi mà còn khỏe nó sẽ ăn mấy cái tát tai vào mỏ ngay tức khắc. Gia đình tôi vốn nề nếp, dẫu là một trong hai lí do kể trên… Tôi không biết nó lộn thật hay lộn giả, tôi đều phải luyện cái mông mình thành mông thép. Mà thôi, vẫn may. Nó mà kể hôm qua thằng An đã ngủ với ai, chắc là rất là “vui”.

Dĩ nhiên, thằng Hóa sẽ không hề biết gì về chuyện đó. Nó kể sượng ngấm với tôi như sau: “Khoảng bốn giờ năm phút sáng, có tiếng gõ cửa khe khẽ nhưng liên hồi trước cửa nhà. Bố mẹ nó đi công tác cả. Thật đầu, nó sợ không dám thò đầu ra. – Kiểu nó nhớ lại chuyện “Chó sói và cừu non”của Laphong Ten. Đến khi tiếng gõ cửa im bặt gần như là bất lực. Nó mới tung chăn, nhỏm dậy bật đèn trước ban công. Qua khe cửa hẹp có một tờ giấy. Bản năng phân tích của “chim xanh”thừa cơ bộc phát. Xong nó thấy cái bóng đen của ai đó thấp thoáng xa xa rồi mất hút…”

“Chim xanh” khiêng tôi về nhà bằng bằng cái xe rùa mà bố nó dùng để bón phân heo cho cây. Cái mùi kinh khủng ấy như lẫn cả một liều amoniac kích thích mạnh lên thần kinh đại não của bất kì ai. – Tôi đã kịp tỉnh lại trước khi nó hất tôi ra sân nhà toàn cứt gà sát.

– Mà mày không còn cái thứ nào tốt đẹp hơn để đưa tao về sao? Kinh quá! Mày phải đền cho tao bộ áo kẻ karô của mày! – Tôi cố tình chọc thằng Hóa, ai dè nó tức thật:

– Dẹp mày đi. Tao kệ xác mày đấy! – Nói rồi nó quăng cho tôi gói mỳ và bỏ đi. Cửa phòng đóng sập lại.

Từ nhỏ đến giờ lần nào cũng vậy. Mỗi khi tôi trốn học và bỏ đi đánh lộn… (Cảm ơn Hóa, cậu mãi là người anh em tốt. Mặc dù chưa lần nào “chim xanh” gửi thành công cho tôi lấy một bức thư).

Nắng đã lên cao sưởi ấm cõi lòng tôi. Những vết thương cũng bớt đau hơn, may là toàn ở vị trí quần áo có thể che đi. Ba má tôi cũng rất bận rộn làm ăn, họ chắc sẽ không để ý.

– Ái! – Vết sưng ở đuôi mắt làm tôi nhói và khó chịu.

Tôi nhớ mang máng cái tên Tuấn lầm lũi biến vào trong bóng tối khi tôi nói điều đó trước mặt em..

3.

Về em… Đối với tôi vẫn là một dấu chấm hỏi. “Tại sao em lại bỏ tôi lại mà đi? Tôi vẫn là cái nhà xí sao? Tên Tuấn kia thật ra là ai?”… Có quá nhiều thứ phức tạp không thể hiểu hết được.

Đã hơn nửa tháng trôi qua, tôi không nhìn thấy Ái Vy. Tất cả những đứa bạn thân của em – ai cũng lắc đầu. Cô giáo chủ nhiệm cũng không thể bắt liên lạc với gia đình.

Tôi có ghé nhà em nhưng lại thập thò như một tên ăn trộm dưới tán bằng lăng đang ngày một trĩu hoa tím phớt. Cửa nhà em đóng chặt, im phăng phắc bất kể ngày, đêm. Thất vọng, chán nản tôi lang thang với những chuỗi ngày như một kẻ tự kỉ.

Định lí thứ ba. – “Thanh xuân trên trang giấy trắng, một ngày nào đó vô tình mở ra xem”.

– Mày biết gì chưa? Ái Vy… – Thằng Hóa liếm môi nói giọng đầy tiếc nuối.

– Sao? Mày nói gì? – Tôi chồm tới, lắc mạnh vai thằng Hóa. Tai tôi điếc tạm thời khi nghe thấy tên cô ấy.

– Mẹ nó dắt nó đến chia tay lớp. Ái Vy cũng hỏi mày luôn nhưng… mày đến muộn rồi.

– Hóa! – Tôi hét vào tai nó, cùng lúc tay chỉ ra phía trước cổng trường. “Phải chiếc xe màu ghi đó hay không?” – Thằng Hóa giật mình.

Không đợi nó trả lời, tôi ném cặp xuống đất – cho phép mình quên đi tất cả ánh mắt đang đổ dồn. Cô Thoan chủ nhiệm vẫn đứng đó: Đồng tử căng cứng, thái dương phập phồng.

Tôi lao ra ngoài hành lang. Hơn hai mươi bậc cầu thang phóng qua bằng hai, ba bước nhảy. Bình thường có lẽ đã sái chân. Người đàn ông lạ hoắc đeo kính đen “nhét” em và mẹ em vào xe. – Một lực đẩy vô hình cứ thế tiếp thêm sức mạnh tống tôi đi.

Chiếc xe Lexus RX 300 lăn bánh. – “Các người tính mang Ái Vy, Ngô Ái Vy đi đâu?” Muộn rồi. Bụi đường tung mịt mù, trắng xóa.

Trong khoảng khắc, mái tóc vàng đó, chắc em chẳng thể thấy tôi. Nắng vẫn đổ dài xuyên qua lớp màn kí ức cứ thế nhạt phai. Tôi mặc cho ông bác bảo vệ cứ thế nắm cổ áo và lôi đi xềnh xệch, đầu rũ xuống như một cái giẻ bị vắt nước đã lâu ngày.

*

“Em là mùa hạ trong tôi”. – Sẽ chẳng có một định lí nào đúng đắn nếu chúng ta mãi mãi không thể chạm đến trái tim nhau.

Đã hơn mười năm trôi qua kể từ ngày ấy…

Tôi may mắn đã trở thành một họa sĩ trẻ lừng danh. Các tác phẩm đoạt giải của tôi chủ yếu đều nghiêng về người con gái với một loài hoa màu tím. Hạnh phúc hơn, những bức tranh đã trở thành một phần trong quỹ “Từ thiện và Bảo vệ trẻ em Việt Nam”.

Trong một bài phỏng vấn của đài truyền hình toàn quốc, trước ống kính tôi đã mở lòng mình ra rằng: “Có nhiều màu vàng trong nghệ thuật, nhưng duy chỉ có chất màu tự nhiên không thể lẫn lộn với bất kì màu vàng nào khác được: Đó là màu của cái nắng mùa hạ và…”

Cô giáo đưa tôi về chỗ ngồi.

“Lê Hiểu An. Cảm ơn anh, vì đã nói yêu em. Ngô Ái Vy”. – Khe bàn là nơi có trò chơi mang đến tuổi thơ bất diệt.

Tôi lại đưa mắt ra ngoài khung cửa. Từ bao giờ mà bằng lăng ở góc trường đã tím ngát cả một khoảng trời. Trong giây phút ấy lại là cái mùi hương quen thuộc. Thâm tâm chợt nhận ra: Ai cũng muốn được làm một người tự do.

– An! Mày còn nhớ Ái Vy không? – Trong men say túy lúy, thằng Hóa buột miệng hỏi vu vơ. Lúc này nó đã làm quản lý cho The Garlik Restaurant – Đề Thám, nơi mà chính tôi và nó đang ngồi túy lúy tại đây.

– Vy nào nhỉ? – Tôi lè nhè trước ánh đèn mờ ảo.

Ly rượu vang sóng sánh trên tay tôi nửa vơi nửa đầy.

– Mày say rồi! Đúng là não cá vàng. Vậy mà lúc ấy làm như ghê lắm… Thôi, rót… rót đi! – Thằng Hóa gắt.

Tôi mỉm cười, thằng Hóa lắc đầu khó hiểu.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

MẮT EM VẪN THẾ

 

Mưa… 2025.

Anh bước chầm chậm ra hiên nhà, ngắm nhìn chân trời xa vợi, áp chút cà phê đắng, lạnh lên môi.

Tạch!

Li café như thể được bắn pháo hoa đắm mình trong từng sợi vải của đôi giày bata trắng tinh khôi. Nếu đó được coi là học thuyết âm dương đen – trắng ngũ hành từng làm anh “khóc” hàng mấy đêm liền: Thì những gì cần xảy ra tiếp theo sẽ lại là một ví dụ trực quan và dễ hiểu.

Thế nhưng đôi giày anh, nó la lên rồi. – Nó bắt anh phải tìm cho được thủ phạm đã làm vấy bẩn sự “trinh nguyên” của nó. Đôi mắt anh đang đắm chìm trong đôi mắt của nàng Mona Lisa – bức tranh của họa sĩ Leonardo da Vinci người Ý ngay lập tức rơi tự do xuống sàn nhà. Giữ bình tĩnh, anh ngước nhìn.

Đôi mắt anh một lần nữa như rơi vào vô định trong đáy mắt của một người con gái mà anh cho là nó còn bí ẩn hơn cả ánh mắt của nàng “La Gioconda”… Một giây… hai… ba giây, phải tỉnh lại ngay thôi. Anh không thể để cho người ta biết anh đang nghĩ này nọ mông lung.

Tóc ngắn ngang vai, bờ môi pha màu đỏ lựu. Quần jean, sơ mi trắng đều ống loe, trước ngực áo gài chiếc kính mát màu vàng, tay phải cầm con cảm ứng mới toanh. Tất cả thật giản đơn nhưng cũng đủ cho người nhìn say đắm, nổi bật lên cá tính mạnh nơi một người con gái. “Thủ phạm đây rồi!” – Đôi giày như lên tiếng một lần nữa khi anh có cảm giác lành lạnh của nước đá lang thang trên những đầu ngón chân. Anh thoáng đã quên mất tại sao mình lại có những hành động kì khôi như vậy.

Không để cô gái kịp mở lời xin lỗi, nhặt li café lên. Anh mỉm cười, rồi quay đi như không có chuyện gì xảy ra, để lại trong ánh mắt cô gái và nhóm bạn đi cùng một sự tò mò với những dấu chấm hỏi lạ lùng khó hiểu…

– Này, cậu quen anh ấy đấy à?

– Không. Có lẽ… đây là lần đầu nhỉ? – Cô có phần hơi bối rối.

*

Gốc cây thân quen sao hôm nay bỗng lạ!

Ánh trăng xối mát lòng cỏ non, anh mơ mơ nghĩ liệu có được chị Hằng ghé chơi như Tản Đà đã gặp. Anh lại nghĩ: Mà hình như ông Tản Đà cũng chỉ “muốn” mà thôi! Anh bật cười trong lòng… Có tiếng vỗ tay khe khẽ bên cạnh anh khi tiếng đàn vừa dứt.

Quá ái ngại! Anh buông đàn, chậm rãi đứng lên mà không khỏi ngạc nhiên.

Ngay lúc này, người con gái mà anh vẫn ngày đêm thầm thương trộm nhớ. Người con gái mà anh nghĩ là anh chỉ yêu đơn phương thôi. Anh vẫn hằng mong được nói chuyện với em dẫu chỉ một lần: “Ly café bé nhỏ ạ”.

– “Chắc ai đó sẽ về” phải không? Anh hát hay lắm! – Cô gái nọ hơi nghiêng đầu sang trái.

Anh cười ngại ngùng:

– Rất vui vì cô thích…

– Anh đang đợi ai “về” à? – Một câu hỏi tinh ngịch.

– A! Không mà.

Anh trả lời một cách ngập ngừng trông có vẻ đầy “đau khổ.”

– Nói dối quỷ rút lưỡi!

– Thì quỷ rút lưỡi. – Anh mạnh miệng.

– Ế suốt đời?

Đến đây anh liếm môi ngập ngừng:

– Ế… in ít thôi.

Cô cười khúc khích.

– Anh này, chuyện lần trước cho tôi xin lỗi, tôi thật vô ý quá! – Thái độ khác hẳn lúc trước. Cái đầu nhỏ nhắn hơi cúi xuống trông có vẻ giống một con thỏ con biết hối lỗi.

Trong anh bắt đầu vẽ ra sắc nét từng chi tiết khi ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh…

– Xin cô đừng bận tâm. – Anh nhoẻn miệng, vẫn nụ cười đó – dẫu cho trời có đẫm sương đêm cũng đủ khiến đối phương cảm thấy có những tia nắng ấm áp kéo đến lạ lùng.

– Tôi tên An! – Đỗ Như An. Rất vui khi được gặp cô, Vũ Tương Như! – Nói rồi anh đưa tay ra phía trước.

Thật là có lực “vạn vật hấp dẫn”: Hai bàn tay vui mừng thắm thiết ôm nhau.

Tương Như rất hạnh phúc, khuôn mặt không khỏi ngạc nhiên đến có chút xao xuyến trong lòng:

– Sao anh biết tên tôi? – Đôi mắt cô chớp liên hồi.

Anh chỉ cười, bất giác nhướn nhẹ khóe môi.

– Vậy là anh nói đấy nhé! Không cho tôi đền phải không? – Cô lấy tay nghịch mái tóc của mình, đầu hơi nghiêng nghiêng ra vẻ trăn trở suy nghĩ lắm!

– Thật mà… – Anh hạ giọng.

– Kết thúc một vấn đề! Nếu đã miễn cưỡng vậy… Cũng không ép, nhưng anh “bắt buộc” phải dắt tôi đi chơi. Sẽ đợi anh ở đây vào bảy giờ tối mai. Anh cứ để tôi mất ngủ đi! – Giọng cô nửa đùa nửa thật. Tương Như nói một tràng dài. Dường như cô gái này rất sợ người ta cắt lời của mình.

– Ơ? – Anh há mồm kinh ngạc. Con gái con lứa gì mà lạ lùng khác hẳn so với vẻ kiều diễm bên ngoài. Nhưng… trái tim anh lại đang trở nên đập liên hồi.

Thấy anh tần ngần một lúc lâu cô giục:

– Sao, anh có chịu không? – Cô mở to mắt nhìn anh, anh chả biết ất giáp gì cả gật đầu bừa. Cô vù té chạy, lại không để anh kịp nói thêm bất cứ câu nào.

– Cái quái gì thế nhỉ? – Anh lại tự hỏi đến chính bản thân cũng còn ngờ nghệch chẳng hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao…

Đỗ Như An mãi nhìn theo cái chấm trắng. Ánh trăng tiễn cô qua hết cổng trường đại học Bách Khoa mà như thấy ngàn dấu chấm hỏi nhỏ xong to dần đáp về phía mình.

Anh quay gót về phòng với một nụ cười phấn chấn trên môi, suy nghĩ miên man: “Mình còn chưa biết cô ấy ở đâu nữa kia mà, sao mình lại hồ đồ đến vậy nhỉ? Mình già rồi hay sao?” (cái tật cứ gặp con gái lạ là lên mây vậy đó).

Mặt trời hé ra. Là một sinh viên năm thứ hai, nhưng việc “cúp” tiết với anh lại thật đáng xấu hổ, nhà anh cũng thuộc hàng khá giả: Bố mẹ là công chức nhà nước, nhưng nói chung kinh tế hãy còn khó khăn.

Bởi vậy có biết bao mối tình thoáng qua, anh đều phải dặn lòng tôn thờ chữ “học” của anh đội lên đầu, – hy vọng mai sau có công ăn việc làm ổn định mới thật thỏa chí học hành. Nhưng mới đây thôi, chao ôi! Anh bị rung động bởi một người con gái mà anh chưa hề quen biết. Thật “tai hại”! – Bởi anh lại cảm thấy điều đó rất vui, kiểu như mới đào được mỏ vàng, saphia hay titan chắc niềm vui ấy cũng chỉ mong bằng có thế.

– Đỗ An! Về sớm thế, nhậu tối nay không? – Không cần quay lại, anh vẫn rõ đó là “Toàn hen”, chỉ buột miệng xã giao:

– Hôm nay có việc rồi. Hôm khác vui vẻ sau nhé!

– Bye bye!

Đã hơn hai mươi phút kể từ giờ hẹn hôm qua, anh đi đi lại lại. Sơ mi trắng, quần tây xanh, áo khoác đen, đầu tóc chỉnh chu. Mỗi bước đi anh lại liếc nhìn đồng hồ trên tay một lần… hai lăm, ba mươi rồi bốn mươi phút đều lần lượt cắp nón ra đi. – Anh giận lắm, anh nghĩ mình bị cho leo cây… chắc rồi! “Sao mình khờ thế không biết? Tin một đứa con gái nhố nhăng.” – Anh lẩm bẩm một mình như thầy tụng kinh cầu an.

Anh đã xoay gót có “nhã ý” quay về, như tát nước – có tiếng gọi lanh lảnh vang lên từ phía xa:

– Anh Đỗ Như An! – Muốn cho cả thế giới biết đây mà!

Anh cứ nghĩ là đôi guốc cả tấc kia sẽ níu cô lâu hơn nữa cơ. Không thèm chào, anh quay mặt giả đò không nghe thấy. – Ngặt nỗi, trong thâm tâm lại như nước réo ngược dòng thời gian: “Cô gái mộng mơ của nhà ngươi tới rồi kìa! Ngươi đành lòng làm thế sao?”

Chưa kịp nghĩ, cánh tay anh được một bàn tay mềm mại nắm vào kéo đi. Bàn chân anh hiển nhiên vô tư cất bước mà chẳng cần phải hỏi tại sao? – Phía trước có là thiên thần hay ác quỷ cũng mặc thôi! Bây giờ là anh hạnh phúc lắm rồi.

*

Chẳng biết từ bao giờ, anh và cô đã thân nhau lắm. Cô thua anh chưa đầy một tuổi, học tại trường Đại học Quốc tế – có bố mẹ đều là nhà văn khá nổi tiếng trong thành phố. Anh biết điều đó vì cô thường tâm sự với anh về chính bản thân mình.

Hôm ấy, dẫu chỉ là lần đầu “hẹn hò” với nhau. Hay đặc biệt hơn, với anh đó chính là lần đi chung đầu tiên với một người con gái lạ. Anh rất ít khi ra ngoài. – Anh càng không biết có phải mình là con mọt sách hay không? Nhưng việc học thật sự bận rộn. Nếu có ai đó hỏi anh hạnh phúc là gì? Anh sẽ trả lời là…

– Em định nắm tay tôi đến bao giờ nữa? – Cô vội buông ra quay ngoắt đi có vẻ hờn dỗi. – Một cô gái thông minh và nhạy cảm! – Anh nhận xét chủ quan.

– Em khó đoán nhỉ? – Anh hơi nghiêng đầu nhìn, cô vội vàng né tránh.

Cô im lặng. Anh và cô giờ tựa hai thái cực, luôn cạnh bên mà chẳng thể đồng màu. Anh bất giác nhướn mày. Cô cúi đầu lặng lẽ.

Như để chuộc “lỗi” vừa rồi. – Anh đoán thôi, anh cũng khờ lắm! Anh khẽ lấy bàn tay trái của mình đan vào lòng bàn tay phải của cô, không quá chặt cũng không quá nhẹ.

Họ cùng nhau bước từng bước xuống bậc tam cấp men theo bờ hồ gần đó. Cả hai ngồi trên thảm cỏ, không ai nói gì mặc cho tình đuổi tình theo. Cô liếc nhìn trộm anh, anh đã nhìn cô từ trước.

Trời dù tối, song ánh trăng thấp thoáng, mặt hồ gợn sóng lăn tăn cũng đủ cho anh biết cô đang cười…

Anh và cô kể cho nhau nghe về những ngày thơ ấu, họ yêu quê hương mình thiết tha. Anh lại càng mến cô hơn. Ngửa mặt lên trời cao, anh mong sao sẽ mãi được như thế này. Chẳng biết cô có đang nghĩ như anh.

Trời thất tình đổ mưa to. Cô nép sát vào anh, cô thấp hơn anh cả cái đầu. Bờ vai anh như rộng hơn khi lấy áo khoác che cho cả hai. Họ cùng nhau chạy dưới cơn mưa rả rích. – Cái cơn mưa mà mãi sau này đã mang lại hơi thở nhẹ nhàng trong suốt cả cuộc đời của Đỗ Như An…

Anh chọn bàn, nhấc ghế cho cô:

– Em ướt hết rồi kìa!

– Còn anh thì sao?

Cả hai nhìn nhau cười thật lâu. Bản nhạc “Kiss the Rain” ngọt ngào vang lên.

Mưa tạnh, anh tính bắt taxi đưa cô về vì đi cũng khá xa. Mà cô lại mang guốc.

Nhưng cô lại nũng nịu:

– Anh cõng em về được không? (không biết nói thật hay chơi, nhưng trông cô rất tỉnh)

Anh ngẩn người, anh chưa tính xa đến thế. Sau cũng đánh bụng quân tử làm “liều” xả thân vì tiểu thư đài các. Hơi hạ người xuống, đưa đôi vai phong trần của mình ra. Cô leo lên không chút ngại ngùng, lại cười thầm “hi hi” khó hiểu.

Đã hơn hai năm trôi qua kể từ ngày anh và cô chính thức quen nhau. Thế nhưng, vẫn có một lời mà anh chưa hề… Chỉ vỏn vẹn có ba tiếng, mà bất cứ người con gái nào cũng muốn chàng trai của mình nói ra.

Dẫu đã bao lần cô bật đèn xanh, anh lại hò mớ kiến thức bao năm đèn sách ra cùng nhau đánh trống lảng… Thực lòng, anh đâu có muốn. Chẳng biết có hiểu cho anh không mà mấy lần “nàng thơ” chỉ chực dọa dẫm:

– Thôi anh đừng đi với em nữa, người ta nhìn! – Anh bật cười, câu nói này rõ là của anh lần đầu gặp cô ấy. – Vậy mà anh vẫn đành “ngậm đắng nuốt cay”, “lấy bồ hòn làm ngọt”.

Kể cũng uất lắm. Thế nhưng lời mẹ dặn đã trở thành cả một bản khế ước: “Chừng nào chưa có công ăn việc làm ổn định, mẹ cấm mày không được yêu ai hết. Sẽ chỉ làm khổ con nhà người ta thôi biết chưa… Hả?”

Phận làm con nào dám trái ý mẹ cha, thế nên với cô, anh chỉ dám giữ tình cảm của mình trên mức bạn bè, không hơn chẳng kém…

Anh đâu dám cho cô biết trái tim “băng đá” của mình.

Thời gian thấm thoắt trôi xa, anh tốt nghiệp được cấp văn bằng loại giỏi. Nhà trường tạo điều kiện muốn giữ anh lại làm giảng viên.

Như diều gặp gió anh nằm trong danh sách tân cử nhân được cử đi du học tại Nhật Bản để “ứng” thêm văn bằng thạc sĩ. – Anh bàn với gia đình và… cũng không quên nói với người con gái anh thương.

Ngày tiễn anh ra phi trường, cô nước mắt đầm đìa tuôn rơi lã chã. Anh xin phép chia tay bố mẹ trước rồi ôm cô thật chặt vào lòng.

– Sao anh cứ bắt người ta đợi mãi thế? – Cô nức nở.

Gạt những giọt nước mắt đang lăn trên má cô, nhòe cả phấn son. Anh nhìn thật chậm và lâu:

– Anh xin lỗi, em đừng buồn, cũng đừng nhớ, đừng thương. Cho anh hai năm nữa thôi, anh sẽ về thưa chuyện với ba má em.

– Hai năm, anh có biết… cũng là quá dài đối với một người con gái không? Người ta có “hạn” nữa đó, anh biết không? – Cô hỏi dồn, cô nói như mếu, nhưng anh vẫn thoáng thấy nụ cười trên môi cô…

Thời gian đã điểm, anh siết cô thật chặt vào lòng một lần nữa. Hôn nhẹ lên má cô. – Thình thịch… thình thịch… Lần đầu tiên cô thấy tim mình đập nhanh và mạnh đến vậy. Nó như cộng hưởng theo tiếng bước chân anh chạy đi xa dần xa, tay vẫn vẫy chào tạm biệt.

Cô có cảm giác bất an – đây có thế là cái hôn đầu tiên anh dành cho cô và phải chăng… cũng là nốt nhạc đen chấm dôi cuối cùng.

Hai cái Tết ở nước ngoài sao mà khó nuốt với anh đến thế. Ở một nơi được mệnh danh là “đất nước mặt trời mọc” mà lòng anh lúc nào cũng cảm thấy giá băng. Một ngày kia anh bỗng cảm thấy nhớ nhà, nhớ Tổ quốc, nhớ hình bóng người thương.

“Không biết mọi người giờ thế nào?” – Chữ “tình” là thế nhưng lắm khi anh cũng phải tự dằn lòng mình lại. Anh không thể để chuyện tình cảm chi phối bây giờ. Tương lai đang rộng mở, chỉ cần ráng thêm chút nữa.

Tích tắc… tích tắc. Anh đi dạo quanh thành phố Edo mua món Takodaki mà mình thích. Rồi lại ghé một quán ramen mà mình ghiền – chỉ để chia tay ông chủ ở đó.

An mua một ít quà lưu niệm… Đêm nay anh phải làm cho hết những việc mà mình chưa làm, đi những nơi mà mình thích, xem những nơi mà mình muốn xem. Anh “chơi bù” cho những tháng ngày bận rộn vì mai đã là ngày anh được trở về phục vụ cho đất nước thân yêu… Dù sao, anh cũng đã ở Nhật ngót nghét hai năm trời rồi, phải có cái gì gọi là kỉ niệm chứ!

Mười hai giờ đêm, anh về đến chung cư, hơi chùn chân. Tiếng gió eo óc luồn qua tán cây hoa anh đào mãi còn chưa chịu nở…

Việt Nam, ngày 28/12/2022. Vũ Tương Như nay trông vui vẻ hơn mọi hôm kể từ ngày ra trường. – Cô vừa hát vừa dọn bàn ăn sáng trong phòng làm việc của mình. Ánh mặt trời đặt một cái hôn nhẹ lên má cô mừng cho sự chờ đợi kiên nhẫn của cô cuối cùng cũng có kết quả.

Trên tivi, bản tin thời sự quốc tế cho hay: “Một vụ nổ kinh hoàng đã diễn ra vào lúc 0h10 phút ngày… tại khu chung cư Kanji đã đánh sập hoàn toàn mọi thứ: Được cho là không ai còn sống sót. – Đa số là sinh viên người Nhật. Trong đó có năm sinh viên mang Quốc tịch Việt Nam: Vũ Hà Sinh, Đỗ Như An..”

Tai cô như ù đi, sống lưng lạnh toát. Chiếc đĩa trên tay cô rơi tự do nát tan thành từng mảnh. Khuôn mặt trắng xanh. Hình ảnh những kỉ niệm, hy vọng giờ đây bỗng chốc lanra, tan thành sương thành khói.

Nhà anh phát tang, khăn trắng một màu. Từ già đến trẻ, ai cũng khóc thương:

– Nghe đâu, vừa tốt nghiệp bằng thạc sĩ… nay đến cả tro cũng chẳng còn. -Những lời xót xa. – Tội gia đình quá! Có mỗi một thằng con trai, thành danh rồi mà lại… nơi “đất khách quê người”.

Tương Như cắn môi, bịt tai chạy thật nhanh qua đám người dọc đường mình gặp. Tiếng kèn, hoa nghe tan nát cõi lòng. Thái Nguyên – quê nhà anh: Chẳng phải anh đã kể nơi này “xanh” lắm hay sao? Giờ đây còn lại gì? Anh bảo sẽ nắm tay em, sẽ không để em lẻ loi nữa kia mà? Anh sẽ đón em lên xe hoa cơ mà? Anh ở đâu? Anh ở đâu? Ở đâu? Đỗ Như An!

Cô khóc, cứ thế cô khóc từ cổng vào cho đến khi hình ảnh anh hiện trên bàn thờ khói nhang nghi ngút cô vẫn không muốn tin. Cô nghĩ mình mơ, cô như rơi vào hoảng loạn. Bố mẹ anh hiểu ra tất cả, họ ôm cô vào lòng.

Bầu trời cao ảm đạm, xám ngắt đến một màu thê lương…

Xuân xa, thu ngã, hạ vắt, đông tàn… Một năm… Hai năm rồi ba năm.

Có tiếng trẻ con khóc trên tay một người phụ nữ.

– Để mẹ dỗ con nhé, con yêu – “ầu ơ ví dầu cầu…” – Dòng người vẫn ầm thầm tấp nập.

Kể từ ngày đó, bất cứ khi nào cô cũng khóc khi nghĩ về anh, mơ về anh. Gia đình cô không hiểu, chỉ thấy cô gầy và xao xao hơn trước. Họ định mời cả thầy về giải trừ vì tin là cô bị ma ám.

Năm hai mươi sáu tuổi ba má cô không thấy cô nói gì về việc cưới xin. Họ rất buồn: Nghĩ con mình “ế”, họ ép cô yêu và và lấy một tên công tử con nhà giàu. Cô bỏ việc tại cơ quan ngang xương mà chẳng ai hiểu tại sao? Cũng không ai liên lạc với cô được nữa. Nhìn chung cô có một cuộc sống hôn nhân gia đình không hạnh phúc, đời thường cũng thật tẻ nhạt.

Tên công tử từ khi cưới cô về: Hắn rất hay quát mắng, dọa nạt và thường bỏ đi ăn chơi bạt mạng. Có hôm cô kinh hãi khi thấy hắn uống rượu xong cầm dao dí mình, – thật thất kinh hồn vía.

Có lúc Tương Như đã định tự sát, nhưng lại nghĩ thương con. – Tiền nhiều để làm gì? Đối với Như bây giờ… thật ra chỉ có đứa trẻ trên tay là động lực duy nhất để bước tiếp những chuỗi ngày còn lại. Sông dài, biển rộng ngoài kia: Có nơi nào hiểu được nỗi lòng người nơi đây?

– Vũ Tương Như, có phải em không?

Âm thanh quen thuộc đâu đó vội vang lên. Ly café đen đá trên tay cô rơi rơi…

*

Tôi – Đỗ Như An đây.

Thật đúng với cái tên của mình. Có lẽ An nằm trong hai chữ “bình an”. Và nếu còn ngồi đây, viết lên những trang nhật kí này hẳn có lẽ bạn cũng đã biết tôi là người hay ma rồi nhỉ?

Ở đời chắc chỉ có khoảng 0.01% phép màu không tưởng. Tôi đã luôn tự nhủ thầm rằng: Mình là một người may mắn…

Đêm đó, tôi về đến chung cư nhưng chưa lên phòng vội. Phía bên kia đường, tối nhác thấy một cún con đi lạc đang nhìn tôi đau đáu – bụng nó lép kẹp như cái ổ bánh mì rỗng ruột. Xong, mặt nó gằm xuống đất ngửi ngửi.

Tôi bỗng nhớ lại cái ước mơ “xa xỉ” của mình ngày trước… Đã lâu lắm rồi, tôi muốn trở thành một bác sĩ thú y…

Sẵn có một ít xúc xích, thịt nguội trên tay, tôi lại gần ngồi xuống đút cho nó ăn. Xong, còn ẵm nó lên tay ru nó ngủ nữa cơ. Bất thình lình, một áp lực rất lớn phía sau khiến tôi văng xa bất tỉnh nhân sự…

Nắng mặt trời khẽ áp lên khuôn mặt xanh xao, vàng vọt. – Mở mắt ra từ từ nhìn quanh, những tưởng mình đã lên thiên đàng, chân tay tôi đau không nhấc lên được.

Tôi ngửi thấy mùi thuốc nấu, đầu óc tôi quay cuồng. Một cụ già mà tôi cho là thầy thuốc nhẹ nhàng đến bên hỏi han ân cần đút, mớm cho tôi.

Ông hỏi tôi là ai? – Tôi lắc đầu. Ông hỏi tôi là người nước nào? – Tôi không biết nốt. Tất cả các “dấu móc chấm nhẹ ở đuôi” của ông nêu ra đều nhận được một phản hồi chung chung từ tôi kiểu như “thà cụ đừng hỏi cháu thì hơn”!

Thế nhưng ông cụ chẳng buồn, mà trái lại còn cảm thấy vui. Mắt ông đã sụp xuống vì sức nặng của tuổi già, vậy mà giờ lại đang hấp háy như một đứa trẻ lên ba.

Phải, vườn hoa đã giữ được tính mạng. Cơ duyên đã cho tôi gặp cụ. Với tài chữa bệnh xuất quỷ nhập thần. – Chỉ sau ba tháng từ một cơ thể tưởng như “sống tàn”, tôi đã có thể đi lại và làm một số việc nhẹ. Mất một thời gian ngắn nữa là lành lặn hẳn. Nhưng dĩ nhiên, tôi vẫn là một con bệnh mất trí – đồng nghĩa tuyệt giao với thế giới bên ngoài.

Bạn cứ thử hình dung xem một thanh niên vạm vỡ được một cụ già ngoài chín mươi chỉ cho cách nấu cơm, giặt đồ… có đáng buồn không cơ chứ? Tôi như người tiền sử sống lại giữa thế kỉ hai mươi mốt lóng ngóng tay chân.

Hằng đêm, tôi chưa lúc nào ngon giấc. Câu hỏi về: “Tôi là ai?” cứ dấy lên và thường trực. Cảm giác đó khó ở lắm, ngợp hơn cả bóng đè. Tôi có mơ, tôi mơ về đôi mắt của một người con gái, quái lạ chưa! Ban đầu là sự ngỡ ngàng, vui sướng rồi hạnh phúc. – Về sau là sự chia li… Tôi cảm thấy vị mặn và rát nơi đầu ngón tay.

Mưa… tôi choàng tỉnh! – Cửa sổ quên đóng. Tôi chợt thấy một cặp tình nhân phía xa nép bên nhau. Tôi thoáng thấy hình ảnh mình hiện về kế bên là một người con gái thật đáng yêu.

– A! Đau đầu quá. – Tôi khẽ rên lên, sợ cụ nằm bên thức giấc.

Những mùa lá cứ thế thi nhau rơi rụng dần. Tôi húp một bát canh Miso ấm nóng cho qua cái tiết trời mùa đông lạnh giá.

Khi nom thấy tôi ngó nghiêng qua lại như con lật đật thì ông cụ lại nhịp tay nhắc khẽ:

– Con nên dùng cái tâm của mình để cảm nhận lấy từng nhịp tim, hơi thở của người bệnh.

– Dạ, con xin lỗi…

Tôi ngừng tay giã đài hoa Hibiscus (hoa Bụp giấm hay còn gọi là đay Nhật) đang đan lại với lá cải cúc khô gãi đầu cười trừ, ánh mắt biết ơn vô hạn hướng về phía cụ.

Bất giác, tôi lại nghiêng ánh mắt ra ngoài khung cửa. Ánh nắng chan hòa. Hoa anh đào đã nở rộ khắp hai bên đường kia, riêng lòng tôi trống vắng lạ! Đã có khi nào tôi ước mong được ngắm loài hoa này kĩ hơn? Những đôi nam nữ, những đứa trẻ con cùng nhau lang thang trên quả đất vừa tròn lại rất phẳng..

Ba năm sau, cụ di chúc để lại cho tôi một số tài sản kếch xù đủ cho tôi sống trọn đời no ấm mà tôi không nghĩ có thể có trong cái cửa tiệm ọp ẹp này.

Là một bậc thầy lão luyện vốn đã nắm được “sinh kí tử quy”. – Một luật chơi của cuộc đời mà bất kể ai trong chúng ta cũng đều phải tuân theo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cụ nắm tay tôi và kể cho tôi nghe mọi thứ.

Cụ bảo tôi rất giống anh con trai đã mất – khóe mắt chợt rưng rưng… Trong thâm tâm, từ lâu tôi đã coi ông như cha đẻ của mình. An táng người xong xuôi, tôi lo hoàn thành một số việc còn lại. Cũng cuối hạ năm ấy, tôi nhận ra tất cả – qua ánh mắt của em…

Nhờ số tài sản trên, tôi về nước thành công “trót lọt”. Tại Việt Nam, tôi chưa về nhà ngay. Bởi tôi biết lúc này nếu xuất hiện sẽ là một cú sốc lớn với gia đình. Tôi thuê một căn hộ.

Ngày qua ngày, tôi tìm mọi cách liên lạc với em nhưng đều thất bại. Ngay đến cả văn phòng nơi em làm việc họ cũng chối phăng. Chắc em quên tôi rồi. Tôi đau lắm nhưng vẫn cài một niềm hy vọng lên đâu đó, dẫu thật sự là mong manh.

Tôi lại đi dạo trên đất Sài Gòn xưa ôn lại chút kỉ niệm nơi có dấu chân hai đứa từng qua. Tại đây, tôi nhác thấy dáng ai như dáng người con gái tôi thương…Tôi đã đánh liều gọi. Nhưng trực giác đã cho tôi biết phải làm gì khi thấy đứa trẻ bụ bẫm trên tay em.

Hai ánh mắt cạn nhau, gật đầu chào, tôi rảo bước thật nhanh – tôi đi như bay mặc cho cô ấy đứng hình tan bóng. Chốt cửa lại. Dưới ánh đèn khuya, mắt tôi đã ướt tự lúc nào, tôi tin chắc rằng mình không khóc.

Đêm nay tôi vẫn còn thức. Tôi phải đối diện với lòng mình viết lên những trang nhật kí của đời tôi. Chuyện tình yêu chưa ai nói trước được điều gì…

“Yêu em”. – Anh còn chưa kịp nói mà, Như ơi!

Ngoài hiên, mưa rơi. Mưa rơi từng đợt, mưa cứ thế tuôn rơi xối xả như muốn rửa trôi đi tất cả những phiền muộn trên thế gian này.

Ly cà phê đen đá đang tan ra, hạt nước đọng lại, lăn lăn tựa như dòng nước mắt của người con gái năm xưa.

Mắt em vẫn thế…

LÝ THĂNG LONG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *