
Vanvn- Lê Thịnh là một cây bút mới hoàn toàn, tác giả vừa có truyện ngắn xuất hiện trên chương trình phát thanh Văn học tuổi xanh của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM nên ít người biết đến. Tên khai sinh đầy đủ của tác giả là Lê Thị Thịnh, sinh ngày 8.6.1991, quê quán Triệu Thành, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Hiện đang sống và làm việc ở TPHCM.
Lần đầu tiên xuất hiện tôi đã chú ý ngay bởi câu văn nén như lò xo, chỉ cần chạm tới là nó nở bung ra thành ý tứ và phát triển thành chuỗi. Đọc văn của Thịnh cứ thấy xuôi xuôi, tiếp tí nữa thì là nhoi nhói. Và cuối cùng không biết tự lúc nào mình chảy nước mắt. Với nền tảng như thế này tôi tin rằng tác giả Lê Thịnh sẽ là một cây bút tương lai đóng góp cho nền văn học những tác phẩm có bề dày và chiều sâu hơn nữa…
NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TĨNH giới thiệu
Hoa xuyến chi nở muộn
Mùa hè năm ấy mẹ nói muốn tìm một chốn riêng cho cả gia đình chúng tôi, ba thương mẹ nên đồng ý. Cả nhà tôi trả căn phòng trọ chật chội ở Bình Dương, ba bỏ nghề xe ôm gắn bó ngót nghét chục năm trời, đành mang cả nhà về quê ông bà nội ở. Mẹ tôi sau khi sinh em Thương thì yếu lắm, phải nghỉ làm công nhân ở nhà máy đóng giày cả năm.
Quê ông bà nội tôi ở Triệu Sơn, nơi có nhiều ngọn đồi xanh mướt xen lẫn những cánh đồng lúa chín vàng bao la. Ông bà dành hết tiền tiết kiệm tuổi già mua một căn nhà khác gần chợ để làm hàng xáo, nhường lại căn nhà trong làng cho chúng tôi. Nhà tôi không có ruộng để làm, chỉ có một mảnh vườn không nhỏ cũng không to. Nhà mới nằm quay lưng lại với ngọn núi Nưa đứng sừng sững đằng xa. Vườn có một cái ao đầy váng vàng bên hông nhà, vài con cá trắm ngoi lên đớp đớp mấy tàu lá chuối xanh. Một cây cầu nhỏ bắc dưới thân cây dừa mọc bên bờ ao làm cầu tiêu, xung quanh không gì che chắn. Sau này tôi mới hiểu vì sao mẹ nói muốn một căn nhà của riêng chúng tôi, chỉ là như thế thì không cần trả tiền phòng trọ mỗi tháng, tiền sinh hoạt và học hành của chúng tôi ở quê cũng rẻ hơn rất nhiều. Mẹ cũng không còn phải thấp thỏm lo âu cả ngày lẫn đêm chuyện tai nạn khi ba chạy xe ôm ngược xuôi ngoài đường.
Vùng quê này ban đêm tối đen như mực, yên tĩnh đến đáng sợ, chỉ có tiếng côn trùng và ếch nhái, hoàng hôn thì buồn đến nao lòng. Nhưng tôi thích chợ quê, thích khung cảnh hoang tàn của chợ vào ban trưa, những túi ni lông và vỏ bánh trái rơi vãi đầy mặt đất, chó mèo lê lết mũi đi lùng sục kiếm ăn, có thứ mùi đặc trưng bao trùm dày đặc trong không khí.
Có một điều mà cuối cùng mẹ cũng hiểu, nếu đã nghèo thì dù trốn chạy đến đâu nó cũng sẽ bám riết lấy mình không buông. Những luống rau xanh mướt mẹ trồng, những con cá béo múp câu lên đem bán không thấm tháp vào đâu. Ba đi làm phụ hồ nhưng người mướn cứ ngày một ít. Chán nản đâm ba sinh ra rượu chè, rượu vào ba như trở thành một con người khác. Ba chửi mẹ, đánh mẹ có bữa thâm tím cả người, sáng ra lại xin lỗi với vẻ mặt ân hận. Mẹ sợ em Thương ngã xuống ao trong lúc không ai để ý nên ba dành hơn nửa tháng làm một hàng rào chắc chắn bao quanh ao. Thế mà một buổi tối ba uống say vô rồi đập vỡ bát cơm, đạp ngã một đoạn hàng rào, chửi oang oang:
– Ba mẹ con mày ôm nhau nhảy xuống ao chết hết đi, cho đời ông hết khổ.
Mẹ ôm chúng tôi vào lòng chỉ biết khóc, mẹ không trách móc cũng không phản kháng. Tình yêu hai người dành cho nhau có phải là chẳng thắng nổi áp lực cơm áo gạo tiền không? Bệnh lo âu của mẹ ngày càng nặng, mẹ bắt đầu lo lắng cả những chuyện còn chưa xảy ra và đôi khi là vô lý.
Sáng sớm hôm sau ba cẩn thận gia cố lại hàng rào bao quanh bờ ao. Trời đang giữa đông nên nước ao lạnh ngắt, ba chỉ mặc một cái quần đùi xuống ao bắt cá, cả người tím tái đi vì lạnh, rồi ba đi hái rau mùi tàu nấu một nồi cháo cá thơm phức cho cả nhà. Ba nhẹ nhàng hỏi mẹ tối qua có bị ba làm đau chỗ nào không, mẹ chỉ cười xòa nói không bị làm sao cả. Làn khói nghi ngút bốc ra từ nồi cháo cá nóng hổi sưởi ấm cả mùa đông lạnh lẽo.
***
Cuối năm lớp bốn, bức tranh vẽ cảnh chợ quê của tôi được giải nhất cuộc thi vẽ tranh cấp huyện. Tôi mơ mộng sau này sẽ trở thành một họa sĩ tài năng, vẽ những điều bản thân yêu thích. Tiền thưởng tôi dự định đưa hết cho mẹ, bảo mẹ đi mua thuốc chữa bệnh. Cầm tờ giấy khen và phong bì tiền thưởng trên tay, đôi chân nhẹ tênh của tôi như đang bước đi trên những đám mây màu hồng, ngọn tre đầu làng hò reo trong gió và bầu trời trong xanh cao vút rộng thênh thang.
– Tiền con cứ giữ lấy sau này phòng khi cần dùng đến. Vân này, cô Hồng em ruột ba con ở trong Nam hiếm muộn nhiều năm nay, giờ cô muốn có một đứa vào ở với cô chú cho vui. Ba mẹ thương cả hai đứa, nhưng em con còn nhỏ nên ba mẹ để nó ở nhà. Mong con hiểu cho ba mẹ.
Tấm giấy khen và phong bì tiền thưởng từ trên tay tôi vô thức rơi tuột xuống nền nhà.
– Con không hiểu, người một nhà thì phải ở chung với nhau chứ tại sao con lại đi ở nhà người khác. Con sẽ ăn ít hơn, viết ít tốn giấy mực hơn, không đi học thêm nữa, không mua quần áo mới, giày dép mới và ăn quà chợ nữa. Xin ba mẹ cho con ở nhà mình. Con cũng không muốn phải xa em Thương.
Tôi vừa nói vừa khóc nấc lên, ngước đôi mắt đáng thương rưng rưng nhìn mẹ. Khuôn mặt mẹ tôi bỗng trở nên lo lắng đến phát hoảng, ôm chặt tôi vào lòng:
– Được rồi, được rồi, không đứa nào đi đâu nữa, mẹ sẽ nuôi hết cả hai đứa.
Rốt cuộc tôi được ở nhà, nhưng chỉ một năm sau, một năm mà sao dài đằng đẵng đến thế, đứa trẻ mười một tuổi là tôi buộc phải chín ép, buộc phải hiểu chuyện mà lớn lên. Những cơn say của ba tôi ngày càng nhiều, những trận đòn roi mẹ phải chịu, những giọt nước mắt của em Thương, những bữa cơm ngày càng đạm bạc, những cơn lo âu không đầu không cuối của mẹ ngày càng nặng. Cuối cùng vào một buổi trưa mùa hạ nóng như thiêu như đốt, tôi nằm trên giường dịu dàng thủ thỉ vào tai mẹ:
– Hay là mẹ cho con vào ở với cô Hồng đi, ở quê mình buồn quá à, vào trong đó có khi lại vui hơn. Vào trong đó cô Hồng nhất định mua cho con nhiều truyện tranh và cả quần áo đẹp. Vả lại năm sau con vào cấp hai, chuyển trường cũng tốt.
Mẹ rốt cuộc tin lời tôi nói, lần đầu tiên trong đời tôi học cách nói dối trắng trợn đến như thế. Hai mươi bảy ngày sau, cô chú ra tận quê đón tôi vào miền Nam. Bữa tôi đi, ba chỉ ngồi uống rượu, mẹ khóc dặn tôi phải hiểu chuyện, phải ngoan ngoãn. Em Thương cũng khóc nắm chặt lấy tay tôi không buông, bảo chị Vân đi nhanh rồi về chơi với em. Nó đưa cho tôi con cào cào khô gấp bằng lá dừa mà nó thích nhất. Hoàng hôn ở quê chiều hôm đó buồn đến nao lòng. Ngọn núi Nưa sau nhà vẫn sừng sững đứng đó, nhưng tôi phải rời đi rồi.
***
Kể từ ngày hôm ấy, dù chỉ là một đứa trẻ, tôi nghĩ mình đã triệt để hiểu đồng tiền ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của chúng ta. Tôi bắt đầu học cách nuốt ngược nước mắt vào trong, học cách ngẩng đầu lên mỉm cười bước đi. Cô tôi làm giáo viên dạy tiểu học, chú làm việc trong một doanh trại quân đội gần nhà. Chú không hút thuốc, rất hiếm khi uống rượu mà có uống cũng không say, không to tiếng chửi ai bao giờ. Cô tôi thì khó tính và nghiêm khắc, nhưng tôi tự nhủ nó sẽ tốt cho việc vào đời của tôi sau này. Tôi tỏ ra hiểu chuyện và ngoan ngoãn như mẹ dạy. Tôi biết vị trí của mình, cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, đôi khi trong cả nhịp thở. Tôi luôn cố gắng học thật giỏi, từ nhỏ tôi đã học được một điều, người lớn lúc nào cũng yêu quý và dành nhiều thiện cảm cho những đứa trẻ học giỏi. Tôi chăm chỉ làm hết việc nhà từ nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa sau giờ học. Nhưng tôi nhớ nhà da diết, tôi dành thời gian vẽ tranh vào tối muộn khi mọi người đã đi ngủ. Tôi vẽ em Thương với đôi mắt to tròn bướng bỉnh, vẽ mẹ xinh đẹp nhưng xanh xao và vẽ ba có làn da nâu rám nắng, đôi mắt lúc nào cũng buồn rười rượi, tôi sợ mình sẽ quên mất khuôn mặt của cả nhà. Tôi vẽ lại cảnh chợ quê, vẽ những cánh đồng lúa chín, vẽ cây dừa bên bờ ao, vẽ cả ngọn núi Nưa với những đám mây mù bao quanh vào mùa đông.
Tôi được lo ăn học đàng hoàng suốt những năm cấp hai và cấp ba, thi thoảng được nhận quà, khi thì cuốn truyện tranh mới ra, khi thì đôi giày mới, khi thì hộp bút chì màu. Tôi được về nhà tất cả hai lần, tôi nhét tất cả giấy khen nhận được vô một cái hộp bánh bằng thiếc, đem về khoe với ba mẹ. Có cái váy đẹp nhất, tôi cố tình không mặc từ mấy năm trước để dành còn mới nguyên mang về cho em Thương. Tôi dùng tiền tiết kiệm mua cho em một con gấu Teddy màu be đang cười rất dễ thương. Mẹ tôi gầy sọp đi, mắt thâm quầng, mẹ bị thêm bệnh thiếu máu tim cục bộ và đau lưng. Ba vẫn uống nhiều rượu và tự trách mình vô dụng. Không biết ba mẹ có nhận ra không, em Thương của tôi ngày càng lì lợm và bất cần, cô giáo nói em rất thông minh nhưng lại không chú ý việc học. Em cũng không còn quấn quýt tôi như ngày xưa. Bản thân tôi muốn làm rất nhiều thứ, muốn thay đổi rất nhiều chuyện, nhưng một đứa bé như tôi, thì có thể thay đổi được chuyện gì đây?
Thời điểm chọn trường để thi đại học cuối cùng cũng đến. Tôi không chọn thi vào mỹ thuật, bỏ lại phía sau niềm đam mê trở thành họa sĩ. Tôi từng đọc được một bài báo với tựa đề thế này: “Vì sao con nhà giàu chọn học nghệ thuật, còn con nhà nghèo chọn học kinh tế?”. Năm ấy tôi đỗ á khoa Đại học Kinh tế TP.HCM, người vui nhất là ba tôi, ông cười suốt cả tuần nhưng sau đó tôi để ý thấy đôi mắt ông lại buồn nhiều hơn cả ngày xưa. Kể từ dạo ấy ông cai rượu thật, không đụng đến một giọt. Mỗi chiều hoàng hôn, ông bắc chiếc ghế đẩu ra hiên nhà ngồi rít thuốc lào, đôi mắt buồn nhìn xa xăm, thi thoảng đôi lông mày nhíu chặt lại.
Tôi mới nhập học được hơn hai tháng thì nhận được điện thoại bàn từ em Thương vào tối muộn. Nó nói không rõ lời vì khóc nghẹn.
– Chị Vân ơi ba mất rồi, chị nhanh về nhà đi.
Tôi ngã khuỵu xuống nền nhà khi nghe tin. Tôi được biết xác ba hiện giờ còn đang ở tận bên Campuchia chưa được đưa về nhà. Mẹ thì bị ngất đang nằm ở bệnh viện huyện. 5 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau tôi có mặt ở sân bay Sao Vàng, sau đó bắt taxi tới bệnh viện huyện thăm mẹ. Khi tôi tới nơi trời cũng vừa sáng, mẹ đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu. Em Thương vừa phải về nhà lo cho lợn gà và con chó mực nhà tôi nuôi. Mẹ nhìn thấy tôi thì nước mắt không ngừng rơi:
– Ba dặn mẹ là đừng kể với con, để cho con yên tâm học hành. Mẹ vay ông bà nội được hai mươi triệu đưa cho người ta để ba con được đi Campuchia chặt cây thuê. Được hơn một tháng thì người ta báo tin là ba con bị cây gãy đè vào đầu.
Mẹ nói tới đây thì lại chảy nước mắt, nhìn mẹ xanh xao quá, tôi thấy xót xa vô cùng. Tôi đưa cho mẹ hộp sữa mình mới mua ở cổng bệnh viện.
– Mẹ ơi mẹ gắng lên được không, mẹ nghĩ cho con và em Thương nữa. Bọn con giờ chỉ còn có mẹ thôi.
Câu nói của tôi hình như có tác dụng với mẹ, ba ngày sau mẹ được xuất viện, nhìn có sức sống hơn một chút. Nhìn mẹ cố nhai từng miếng cơm như người nhai rơm, tôi đau đớn trong lòng. Em Thương cả người cứ ngẩn ngơ suốt mấy ngày nay, nhiều lúc nó cư xử như ba tôi vẫn còn sống, chỉ là ông đi xa chưa về nhà thôi. Tôi ôm chặt nó vào lòng, hết vuốt tóc rồi vuốt má nó. Nhưng tôi biết nó hay trốn ở trong buồng khóc một mình, mũi miệng như bị ai đó bịt chặt. Vì ba tôi đi chui sang Campuchia nên phải qua xác minh lòng vòng, chi phí để đưa được về quê nhà an táng cũng nhiều. Ông bà nội và cô chú đứng ra lo phần lớn, mẹ tôi góp vào sợi dây chuyền vàng ông bà ngoại cho lúc cưới. Hôm đưa ba tôi đi chôn ngoài đồng, mưa phùn bao trùm xóm làng, từng cơn gió đông bắc ùa về lạnh thấu xương, con đường ra ngoài đồng lầy lội bùn đất.
Khuôn mặt rám nắng của ba tôi cười thật tươi, nấu nồi cháo cá nghi ngút khói cho cả nhà vào mùa đông tám năm trước hiện lên trước mắt tôi, như chỉ mới ngày hôm qua. Rốt cuộc tôi không thể kìm nén nổi nữa, ôm mặt khóc rống lên như thể trời long đất lở cho tới khi cạn sạch sức lực, tôi cào từng nắm bùn đất cho xuống nơi ba sẽ an nghỉ, cầu trời đừng cho mưa nữa.
Ông bà nội mất đi đứa con trai duy nhất, đứa con từng được giao cho trọng trách sẽ giữ hương hỏa của gia đình. Cô tôi thì hiếm muộn, ba tôi lại sinh liền hai đứa con gái. Sau khi ba tôi mất thì ông nội đau buồn nhiều quá lại thêm có bệnh trong người, ông bệnh mấy tháng trời rồi nằm liệt giường không đi lại được nữa. Bà nội đem hết mọi đau buồn mất mát đổ lên đầu mẹ tôi và hai chị em tôi. Bà cứ đay nghiến đi đay nghiến lại những câu không bao giờ chán:
– Không vì nuôi hai chị em mày ăn học thì bố mày đâu phải sang nơi đất khách quê người đi làm rồi chết khổ sở như thế. Mẹ mày là vợ mà không làm được cái tích sự gì cho gia đình này, suốt ngày chỉ biết khóc lóc.
Bà nội trong lúc căm phẫn đã đòi lại căn nhà từng nhường cho chúng tôi. Giờ chẳng còn nhà của riêng chúng tôi nữa. Tôi bảo mẹ hay là đi với con, cả em Thương nữa, cả ba người chúng tôi vô Nam thuê phòng trọ sống cùng nhau. Nhưng mẹ bảo sống chết gì cũng phải ở lại với bà nội. Mẹ bảo mẹ nợ bà nhiều thứ lắm, nợ bà một mái nhà, nợ bà tiền bạc, nợ bà cả mạng người. Mẹ sẽ trả hết, khi nào trả hết mẹ sẽ đi với tôi, mẹ hứa. Em Thương nó đã quyết định bỏ học để đi làm, ai khuyên gì nó cũng bỏ ngoài tai, nó càng lớn càng lì, không ai thuyết phục được. Nó bảo có chết cũng không sống cùng bà nội, nó sợ không nhịn được lại hỗn láo với bà. Nhưng nó bảo nó sẽ xin việc làm ở Hà Nội, dù gì cũng dễ về thăm mẹ hơn là tận trong Nam xa xôi.
Khi tôi học đại học cuối năm thứ hai, cô tôi sau bao tháng ngày chạy chữa và cúng bái khắp nơi đã mang thai một bé trai. Cả nhà ai cũng vui mừng. Tôi tự nhủ mình sẽ không làm phiền cô nữa vì cô còn phải nuôi con của cô, tôi lao vào làm thêm bất kể công việc gì miễn là được trả công, tranh thủ học bài vào tối muộn. Mùa hè năm ấy, trong một buổi trưa khi tôi đang đi bán hàng ở hội chợ thì nhận được tin nhắn của em Thương: “Chị Vân ơi, em phải làm sao đây, em mang thai rồi, thằng Quân nó không chịu nhận con, bỏ qua Malaysia đi xuất khẩu lao động rồi”.
Đầu óc tôi choáng váng, ráng hết sức bán hàng cho xong cái hội chợ vào chiều muộn rồi nhận tiền ra về. Trong suốt đoạn đường, đầu óc tôi rối như tơ vò, không nghĩ ra được cái gì thông suốt. Tôi là ai, tôi rốt cuộc là ai mà nó thể quyết định sống chết của một đứa bé, nhưng nếu đẻ ra thì ai nuôi, em tôi thi thoảng vẫn phải xin tiền người này người kia để sống, tôi thì đang đi học chưa lo nổi thân mình, mẹ tôi bị bệnh không đủ lo tiền thuốc, bà tôi thì có ông ốm nằm liệt giường, cô tôi thì mới mang thai. Tôi dùng hết lý trí mình có đảo qua một vòng hết những người xung quanh nhưng vô vọng. Tôi đành nhắn tin lại cho em tôi: “Em cho chị ít thời gian suy nghĩ”. Những đêm sau đó tôi thường nằm mơ thấy em Thương ngày nhỏ phải chứng kiến cảnh ba say rượu rồi đánh chửi mẹ, chứng kiến cảnh mẹ ngày ngày đau yếu mà không có tiền chữa bệnh, ăn uống đạm bạc, quần áo sách vở không đầy đủ. Có lẽ những năm tháng đó khi nghĩ tới tôi thấy xót xa, nhưng ở trong hoàn cảnh đó mà lớn lên thì không hề dễ dàng. Em tôi trở nên lì lợm và sống buông thả cũng là điều không thể trách nó hết được. Tôi chẳng có tư cách gì để mà đem đạo lý ra nói nó.
Mấy ngày sau tôi bắt tàu về quê, không nói cho ai biết cả. Đôi khi tôi muốn ích kỷ tạo nên một thế giới của riêng mình, hoàn toàn được yên tĩnh ở trong đó. Tôi đi về căn nhà cũ của chúng tôi. Hàng xóm cạnh nhà tôi có hai hộ, một hộ chỉ có người đàn bà điên là mẹ đơn thân từ mười mấy năm nay, đứa con đi làm ăn xa ở thị xã. Một hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống, cửa nhà im lìm đóng chặt. Hai bên ngõ vào nhà tôi hoa kim xuyến chi cánh trắng nhụy vàng mọc khắp nơi, cỏ xanh um tùm. Tôi đến bên bờ ao, ngồi ngắm nhìn hoàng hôn buồn đến nao lòng dần buông cho đến khi trời tối hẳn. Buổi tối mùa hạ, trăng sáng vằng vặc, một mình tôi lang thang ra ngoài đồng thăm mộ ba tôi. Cánh đồng vừa gặt trơ ra những gốc rạ, mùi bùn bốc lên nồng nặc dưới cái nóng hầm hập của mùa hạ, tiếng ếch nhái ồm ộp kêu vang đồng. Tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ trò chuyện với ba tôi, tôi kể rất nhiều chuyện, nhưng ba tôi chỉ im lặng, ngay cả một tiếng ừ đáp lại cũng không có. Nói hết những gì muốn nói thì tôi ra về, mở cửa ngủ lại nhà tôi một đêm trên chiếc giường trải lá dừa khô, sáng sớm bắt tàu về lại Sài Gòn. Ngày hôm đó tôi như một người mộng du, hoàn toàn không theo những gì mà lý trí làm khi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho em tôi, rốt cuộc tôi đã có câu trả lời cho nó, dĩ nhiên đó chỉ là ý của tôi, người quyết định cuối cùng vẫn là nó. Nhưng vừa bắt máy, đầu dây bên kia đã vang lên một âm giọng khô khốc:
– Em phá rồi, đi với bạn. Giờ chỉ ra ít máu và còn đau hơi đau bụng. Bác sĩ nói uống thuốc nghỉ ngơi vài tuần sẽ khỏi, chị khỏi lo.
Khốn nạn là trong lòng tôi lại có một cảm giác nhẹ nhõm, cái cảm giác ấy mạnh hơn cả cảm giác đau lòng và tội lỗi. Sau này tôi mới biết đó chỉ là cảm giác nhất thời. Khi tôi bế đứa con trai của cô tôi vào lòng, tôi đều nhìn thấy đâu đó hình bóng cháu tôi, nó đang cười, đang khóc, đang tập đi, tập nói rồi bỗng dưng tan biến vào không trung, trở thành một lớp bụi mờ. Cảm giác như có ai đó bóp nghẹt trái tim tôi đến khó thở, tôi loạng choạng bám lấy cầu thang nhà cô tôi, từ từ ngồi xuống cố thở hắt ra từng hơi.
Tết năm ấy tôi và em tôi về quê ăn tết khi tiết trời vẫn còn lạnh. Em Thương giờ trông cũng xanh xao ốm yếu như mẹ tôi, nhưng em tôi mới chỉ có hai mươi mốt tuổi. Tôi lại vuốt tóc rồi vuốt má nó, bảo nó em còn có chị và mẹ, nó chỉ nhìn tôi rồi gượng cười một cái. Bà tôi giờ suốt ngày ho sù sụ, cũng chẳng còn mấy sức mà chửi, cũng có thể nỗi đau của bà cũng nguôi ngoai dần theo thời gian. Ông tôi nằm lâu, da lưng lở loét nhiều chỗ, chân tay chỉ còn da bọc xương, ông thấy con cháu về cứ cười ngơ ngơ, đầu tóc bạc phơ.
Thấy ba lô của em Thương lấm lem bùn đất, mẹ tôi đem đi giặt, trong lúc giặt thì lấy hết đồ bên trong ra. Mẹ bất ngờ khi nhìn thấy tờ giấy siêu âm cái thai của em tôi, mẹ sa sầm mặt mày chạy vào nhà hỏi nó:
– Đứa bé này rốt cuộc là thế nào?
– Không còn nữa, con phá rồi. Đẻ ra thì ai nuôi?
Mẹ nhìn em tôi kinh ngạc không chớp mắt, những giọt nước mắt chưa kịp rơi ra thì mẹ đã ngã gục xuống nền nhà ngất đi. Cả nhà tôi hốt hoảng gọi xe cấp cứu, bác sĩ nói tim mẹ đã ngừng đập sau cơn nhồi máu cơ tim, không cứu được nữa. Mẹ tôi bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nhiều năm nay, bệnh đã trở nặng và biến chứng do không được điều trị tốt.
Mộ của mẹ được chôn cạnh mộ của ba. Đời mẹ khổ nhiều quá rồi, tôi mong rằng ở thế giới bên kia mẹ sẽ có một cuộc sống vui vẻ bình an. Tôi xếp mấy hòn đá nhặt ở khe suối chồng lên nhau, làm cho cháu tôi một cái mộ nhỏ xinh. Tôi trồng xung quanh rất nhiều hoa kim xuyến chi, loài hoa này mọc nhiều ở nhà cũ, từ trước khi chúng tôi chuyển tới đó sinh sống. Đi Nam về Bắc, tôi vẫn thấy kim xuyến chi là loài hoa đẹp nhất. Bà tôi cho hai chị em căn nhà trong làng, nhưng chúng tôi đã quyết định có thiếu tiền đến mấy cũng sẽ không bao giờ bán. Cô chú hỗ trợ ông bà thuê một người giúp việc, phụ bà chăm sóc ông nội. Em tôi trước khi ra lại Hà Nội, có nói với tôi một câu: “Những người em yêu thương cuối cùng cũng bỏ em mà đi hết”.
Ngày tôi bước lên bục nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc (chỉ có bốn sinh viên trong khoa tôi được nhận tấm bằng ấy). Nước mắt tôi cứ thế tuôn ra không ngừng, làm cô hiệu phó đang trao bằng cũng phải bối rối. Cô nói chưa bao giờ trao bằng cho sinh viên mà thấy một em nào khóc nhiều đến thế. Cô không biết vì sao tôi nhất định phải lấy về cho được tấm bằng đại học ấy và trả giá đắt ra sao để được đứng ở đây. Tôi vì muốn chứng minh cho ông bà nội tôi, cho bố tôi rằng dù mẹ sinh ra hai đứa con gái nhưng con gái cũng sẽ làm nên chuyện, tôi muốn sau này sẽ kiếm việc làm thật nhiều tiền, mời bác sĩ giỏi nhất chữa bệnh cho mẹ, lo cho em Thương của tôi đi học lại hoặc ít nhất là đi học nghề, và tôi đã bỏ lại phía sau cả ước mơ trở thành họa sĩ của mình. Nhưng chỉ trong bốn năm đại học, bốn năm ngắn ngủi nhưng dài đằng đẵng đã cướp đi ba tôi, cháu tôi, rồi cả mẹ tôi, mẹ rốt cuộc cũng chẳng đợi được tôi.
Tôi bắt tàu ra Hà Nội gặp em Thương, mùa thu đẹp quá, cây cối trút từng cơn mưa lá vàng xuống lòng đường, thời tiết lành lạnh dễ chịu, những chiếc xe đạp chở đầy cúc họa mi nhuộm trắng cả phố phường. Tôi hít một hơi thật sâu đầy lồng ngực rồi thở ra nhè nhẹ. Tôi đợi em tôi ở một quán trà đá vỉa hè, nằm bên dưới một tán cây hoa sữa đang nở rộ, hương hoa sữa nồng nàn trong không khí.
Em tôi vẫn gầy và xanh xao, khuôn mặt nó đượm buồn nhìn tôi cười gượng một cái. Tôi rút từ túi áo ra con cào cào khô gấp bằng lá dừa. Vẻ mặt em tôi ngạc nhiên:
– Chị vẫn còn giữ à?
– Dĩ nhiên, đây là món quà chị thích nhất mà.
Em tôi bỗng nở một nụ cười thật tươi hiếm thấy.
– Thương này, em có muốn hai chị em mình sống cùng nhau không? Nếu em muốn ở Hà Nội chị sẽ ra đây sống với em, nếu em muốn vào trong Nam thì chị sẽ đón em vào trong đấy. Giờ chỉ còn có hai chị em mình, chị sẽ chăm sóc em thật tốt, không rời xa nhau nữa.
Em tôi nhẹ nhàng gật đầu đồng ý.

Tranh lụa
Những đôi mắt thật trong, nét màu thật thắm vuột trôi như chưa từng tồn tại. Thứ bản năng và cảm xúc mãnh liệt Lam dành cho hội họa giờ đây nguội lạnh như một đám tro tàn. Cô từng yêu lụa, óng ả mượt mà và cả mong manh đầy bí ẩn, vì thế mà cô chọn trở thành họa sĩ vẽ tranh lụa. Nhưng khi tình yêu lớn ra đi cũng là lúc cô biết mình không thể vẽ nữa. Lam nhẹ nhàng đặt cây cọ xuống, khép lại cánh cửa căn phòng vẽ tranh, đi về phòng ngủ.
Lam nằm vuốt ve những vết rạn nứt chằng chịt như đàn giun và những mảng thâm sì nhăn nheo trên bụng. Cô không dùng thuốc trị sẹo bởi vì không muốn chúng biến mất. Đây là nơi mà con cô từng ở trước khi đến với thế giới này, là kỷ niệm về sự hiện diện của nó. Lam không khóc được, nhưng cô cũng không thể cười, chỉ là một cảm giác trống rỗng đến đáng sợ. Mọi đồ dùng trong nhà vẫn nguyên vẹn như trước đây. Chiếc nôi cũi bằng gỗ sơn vàng lặng lẽ buông màn, nhưng bên trong không còn tiếng khóc, không còn đôi bàn chân bé xíu ngọ nguậy. Chiếc chuông gió cá heo xanh kêu leng keng bên cửa sổ trong gió chiều. Một con gấu bông màu be trông vô hồn, tủ đồ đầy bỉm, quần áo, tất tay, tất chân. Chỉ có mùi hương trẻ sơ sinh là nhạt dần cho đến khi biến mất vĩnh viễn khỏi căn nhà.
Viên là chồng của Lam, anh là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu. Anh đang nằm cạnh Lam nhưng cảm thấy cô thật xa lạ, đã một khoảng thời gian dài hai người chẳng trò chuyện với nhau. Căn nhà không còn là nơi anh từng biết, mọi thứ quá đỗi trống vắng và lạnh lẽo.
– Em cần ra đi một thời gian, chỉ mình em thôi. Xin anh.
Viên hiểu rằng khi Lam muốn ra đi nghĩa là cô đang bất an. Nhưng cô đã chọn đi một mình nghĩa là anh sẽ không thể thay đổi được gì, cô luôn kiên định quá mức trong những chuyện mình đã quyết định. Sự im lặng bất thường của Lam trong thời gian gần đây làm Viên lo lắng. Giá như cô cứ khóc lóc, la hét, giận giữ, thậm chí là mắng chửi thì anh không phải lo lắng thế này. Lam bỏ mọi thứ vào một chiếc ba lô du lịch cỡ vừa. Cô chọn vài bộ áo quần đơn giản và vài đồ lặt vặt cần thiết.
Lam bắt tàu đi về phía nam, tạm biệt Hà Nội những ngày cuối thu, tạm biệt những phố cổ đầy hoài niệm. Cô mua một cốc cà phê đen và bánh mì cho bữa tối trong khi ngồi chờ tàu. Sân ga vắng lặng, lâu lâu vang lên tiếng thông báo đoàn tàu đến và đi. Cô lên chuyến tàu SE9 chiều Hà Nội – Sài Gòn, khởi hành lúc 8 giờ 50 phút tối. Toa tàu lưa thưa vài người do đang mùa vắng khách, bên ngoài mưa phùn bao phủ màn đêm. Đêm tối ngoài kia giống như cây cầu vô hình bắc giữa thế giới những linh hồn lạnh lẽo và thế giới cô đang sống. Khi màn đêm buông xuống, Lam chần chừ đứng dưới chân cầu, nửa muốn lặng lẽ bước qua nửa muốn dừng lại. Cô nhìn thấy ánh mắt con mình cứ mở to đợi mẹ về trước khi trút hơi thở cuối cùng, chồng cô làm thế nào mắt con cũng không thể khép lại. Khi về tới bệnh viện cô vẫn bình tĩnh hát ru cho con nghe bài hát yêu thích, khi cô bắt đầu hát thì mắt con dần khép lại.
Đoàn tàu xình xịch đều đặn lao đi trong đêm thu, không khí càng về đêm càng lạnh. Tới nửa đêm Lam nghe tiếng hai người đàn ông trò chuyện với nhau. Người đàn ông đang kể chuyện khoảng 50 tuổi, có đôi mắt buồn và bộ râu hình tam giác.
– Tôi từng có hai thằng con trai. Một đứa mất khi lên 3 vì tai nạn, đứa còn lại lúc đó 7 tuổi. Thay vì dành thời gian để đau buồn và nhớ thương thằng nhỏ, tôi đã biến cuộc đời của thằng lớn thành địa ngục. Thật ra lúc đầu tôi không biết là thế, ý là không biết về cái địa ngục của con. Vì nỗi sợ mất luôn đứa còn lại, tôi tạo ra một nhà tù đẹp đẽ dành cho nó. Tôi không cho nó đi đâu một mình mà không có bố mẹ, không nói chuyện với người lạ, không tắm mưa, không đi cắm trại, không chạy xe đạp, không leo trèo … Mọi việc ấy đều được làm nhân danh tình yêu và sự bảo vệ. Tôi đặt quá nhiều hy vọng vào con và dễ dàng nổi điên nếu nó không đạt kết quả tốt trong học tập. Cho tới ngày nó để lại bức thư tuyệt mệnh và nhảy xuống từ tầng 14 của chung cư, năm đó nó chỉ mới 15 tuổi. Tôi hoàn toàn không thể chịu đựng nổi cảm giác đau đớn của việc mất cả hai đứa con nên đã bỏ nhà ra đi như một thằng hèn. Tôi để vợ mình ở lại trong căn nhà, với tận hai cái bàn thờ của hai thằng con. Khi đang trên một chuyến nhảy tàu, tôi nhận được cuộc gọi từ người thân báo vợ tôi đã treo cổ tự sát tại nhà. Cô ấy cũng để lại một lá thư, nhưng không một lời trách móc, không kể gì về nỗi buồn của cô ấy, cô ấy chỉ yêu cầu là thiêu cô ấy thành tro rồi rải xuống dòng sông Lam ở quê Nghệ An nhà cô ấy, Lam cũng là tên thằng con lớn của chúng tôi. Nếu anh hỏi tôi đang về đâu, thì tôi đang về nơi để thực hiện nguyện vọng cuối cùng của cô ấy.
Ba giờ sáng, Lam quyết định xuống ga Vinh. Nghệ An cô chỉ biết có ga Vinh. Lam không biết người đàn ông với bộ râu hình tam giác xuống ga nào, Nghệ An nhiều ga tàu lắm, không riêng gì ga Vinh, Lam xuống tàu trước ông ta. Ánh đèn nê ông nhà ga sáng trưng, chỉ lác đác vài người ở sân. Những tủ kính bày bán đồ lưu niệm, bánh kẹo và đủ thứ mà người ta có thể cần. Không khí vẫn lạnh. Lam ngồi một lúc ở sân ga rồi đi bộ ra ngoài đường bắt xe đi về phía cầu Lệ Thủy – cây cầu nối đôi bờ dòng sông Lam. Cô tới cầu lúc chạng vạng, nước sông bên dưới đục ngầu cuồn cuộn chảy. Lòng sông bao la thăm thẳm kia có thể dung hòa được nỗi đau của cô không? Lam thầm hỏi.
– Cho bà hỏi có phải họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng Hoàng Lam đó không?
Lam giật mình quay lại phía sau, bắt chuyện với cô là bà cụ ngoài bảy mươi. Tóc bà bạc phơ, khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn, đôi mắt mờ đục và lõm sâu. Bà cố nở nụ cười thân thiện với Lam. Có lẽ bà cụ đã xem thấy mình trên báo không chừng, Lam thầm nghĩ, vì cô không nhớ là đã từng gặp bà ở đâu.
– Vâng cháu đúng là Hoàng Lam.
– Cô họa sĩ trẻ ơi, bà già này có thể xin cháu một ân huệ có được không?
Bà cụ nói với giọng như van lơn, đôi mắt ánh lên tia hy vọng xen lẫn ngại ngùng nhìn Lam. Cô để ý thấy bà một tay bưng thúng xôi, một tay bấu chặt vào gấu áo.
– Vâng bà cứ nói đi ạ.
– Con trai của bà chết trong kháng chiến chống Mỹ, bà chỉ có mỗi mình nó. Bà chẳng có bức ảnh nào của nó, nhưng cháu có thể vẽ giúp một bức chân dung đặt lên bàn thờ được không?
Khuôn mặt của bà cụ khẽ co giật phần vì xúc động, chắc là vì thương nhớ con trai. Lam biết mình không thể từ chối người mẹ ấy mặc dù cô sợ làm bà thất vọng, gần đây cô không thể vẽ cái gì cho ra hồn. Trong điều kiện thế này thì không thể vẽ một bức tranh lụa được, nhưng cô sẽ cố hết sức để hoàn thành một bức chân dung bằng chì trong khả năng có thể. Bà cụ đưa Lam về nhà, một căn nhà lụp xụp đơn sơ, chỉ có một cái kệ bát nhỏ bằng tre, một cái giường gỗ và một bộ bàn ghế cũ. Trong nhà có hai cái bàn thờ, một bàn thờ có ảnh, có lẽ là của chồng bà, một bàn thờ không ảnh có lẽ là của con trai bà. Bà vào nhà lấy ra vài tờ giấy và một cây bút chì như đã chuẩn bị từ lâu, thêm một con dao màu đen để vuốt bút chì và khung ảnh nhỏ bằng gỗ. Bà cụ rót nước chè xanh mời cô họa sĩ, rồi bà bắt đầu miêu tả con mình, những chi tiết khiến họa sĩ tài giỏi nhất cũng phải rối trí.
– Nó giống bà nhiều hơn là ông ấy, lúc cười thì hiền như cục đất, mà lúc khóc nhè trông cũng buồn cười lắm. Lúc mới đẻ ra đã có một cái chàm trên má gần tai, một cái chàm ở rốn, một cái nốt ruồi ở mông. Lúc mấy tháng tuổi thì bắp tay bắp chân như củ sen ấy mà lớn lên thì cứ dài ngoẵng ra như cọng rau muống. Mắt nó sâu giống bà mà đen hơn, lúc nào cũng buồn rười rượi như người bị lấy mất sổ gạo, tóc thì mỏng mà óng như tơ, chả được mấy cọng. Khuôn mặt nó vuông góc cạnh nhưng nhỏ lắm. Gò má cao, lại còn bị sứt một cái răng cửa và hai cái răng nanh vì cái tội vừa ngủ vừa nghiến răng ken két. Mũi thì thấp tẹt nhưng mà cười thì duyên lắm, con gái trong làng nhiều đứa mê. Nó cao có mà phải hơn một mét bảy, có điều gầy và xanh, cứ bữa cơm ăn được một tí rồi lại bảo đầy bụng không ăn được nên bố mẹ ăn hết đi. Lúc đi cân người ta bảo thiếu cân rồi về nó lén đeo đá vô người cho đủ cân để được đi bộ đội. Trong đôi mắt buồn rười rượi của nó lúc nào cũng ánh lên vẻ căm thù bọn cướp nước.
Nói đến đây thì giọng bà cụ lạc hẳn đi, không nói được rõ lời nữa vì nghẹn ngào. Khuôn mặt khắc khổ của bà nhăn nhúm lại và bà bắt đầu khóc, đôi mắt trở nên mờ đục hơn.
– Lúc nhận được tin con hy sinh thì bố nó buồn lắm, chả chịu nói năng và ăn uống gì, rồi ông ấy ra đi vì bị viêm phổi trong mùa đông cùng năm.
Nãy giờ Lam chỉ ngồi im lặng lắng nghe bà cụ nói, cô quên cả việc vẽ. Những xung động chầm chậm len lỏi vào trái tim cô cho tới khi đau nhói. Có lẽ mối đồng cảm sâu sắc giữa những người đàn bà mất con đã khiến trái tim cô rung động, dù họ thuộc về hai thế hệ hoàn toàn cách xa nhau.
Lam bắt đầu cầm bút, và cứ vẽ được một lúc lại nghe bà cụ nói.
– Giống quá, giống quá đi thôi, đúng là nó rồi.
Rồi bà lại bắt đầu khóc mãi cho tới khi hoàn thành xong bức chân dung và trân trọng đặt nó lên bàn thờ con trai. Khuôn mặt bà rạng rỡ trở lại, cứ như một đứa trẻ vừa khóc đó rồi lại cười. Bà đứng ngắm nhìn bức chân dung trên bàn thờ lâu thật lâu, rồi bà lại bắt đầu khóc.
Đã gần trưa, bà cụ nói Lam ngồi trông nhà hộ rồi ra đồng bắt một giỏ cua mang về thiết đãi cô họa sĩ. Canh cua đồng nấu với rau đay và mồng tơi, mát ngọt từ tận đáy lòng.
Tối đó Lam quyết định trở về nhà. Cô hiểu rằng Viên cần cô hơn bất cứ ai trên đời vào lúc này.
***
Chớm đông bình yên và lặng lẽ bên ngoài vườn nhà, gió đầu đông hanh và lạnh, nắng nhạt dần hé sau những đám mây bàng bạc. Lam mở cửa sổ căn phòng vẽ tranh đã nguội lạnh từ lâu. Cô lấy ra một tấm lụa tơ tằm được dệt thủ công, ngón tay nhẹ nhàng miết lên để cảm nhận sự mềm mại mỏng manh của lụa. Cô cẩn thận căng tấm lụa lên khung tranh bằng gỗ sao cho thật đều rồi làm ẩm lụa. Lam luôn bỏ qua công đoạn hồ lụa, cô thích khai thác những nét nhòe, loang, tạo sự mơ màng của tác phẩm trên nền lụa thô. Với Lam vẽ tranh lụa là một thứ gặm nhấm, gặm nhấm từng giờ từng ngày, không thể vồ vập vội vã nếu muốn cho ra một tác phẩm êm ả và sâu lắng. Cô không phác thảo trước, cứ thế chậm rãi vẽ từng lớp màu được pha loãng chồng lên nhau, từ nhạt rồi thành đậm. Tình yêu, nỗi nhớ thương, sự đau đớn, bất lực và ân hận dần nhuộm từng lớp lên những thớ lụa mỏng tang. Khi đôi mắt mở to đợi mẹ về trước khi trút hơi thở cuối cùng của con cô hiện ra trên tấm lụa, Lam bất chợt quay lại thấy Viên đã đứng sau cô tự lúc nào. Anh đang cầm trên tay bức tranh sơn dầu vẽ một đứa bé đang ngủ ngon lành, đôi môi chúm chím đỏ hồng. Lam bất ngờ ôm chầm lấy Viên mà khóc, tiếng khóc nghẹn ngào rồi trở nên nức nở, cuối cùng cô gào khóc lên như một đứa trẻ ăn vạ. Viên cũng bắt đầu khóc và ôm chặt cô nhiều hơn. Căn nhà đã từ rất lâu, mới trở nên không còn lặng lẽ đến đáng sợ
Nắng cuối đông
Sương nhẹ nhàng gấp lại tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”. Cô mở cửa bước ra ngoài sân. Trong thứ không khí lạnh buốt của mùa đông, dưới ánh trăng soi rét mướt, cô thấy mình đơn độc như một vì sao đêm. Bao quanh Pù Luông nơi cô sống là bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh ẩn hiện trong mây mù, những dãy núi đá vôi chạy dài và suối trong lành chảy róc rách ngày đêm. Căn nhà sàn xiêu vẹo hai mẹ con cô ở nằm vắt vẻo trên một triền đồi.
Trong nhà tiếng thở của mẹ đều đều. Bà không biết và nếu có biết cũng không quan tâm vì sao giờ này cô còn chưa đi ngủ. Bởi lẽ từ xưa đến nay việc cô ốm đau thế nào, học hành ra sao, có tâm sự gì bà cũng chưa từng quan tâm. Vì điều gì đó mà chính Sương cũng không được biết, có lẽ là một nỗi đau đến tột cùng, mẹ cô phát điên lúc chỉ mới hai mươi tuổi. Khi bừng tỉnh khỏi cơn mê man, bà đã bỏ quê đi tha phương cầu thực và chọn làm mẹ đơn thân ở chốn núi rừng hoang sơ này. Những năm tháng đã qua, luôn có một bức tường vô hình ngăn cách giữa hai mẹ con, Sương chưa bao giờ cảm nhận được sự gần gũi và hơi ấm từ mẹ. Nhiều lúc cô vẫn nghĩ những cơn mê man của bà vẫn còn ở đó, đeo bám dai dẳng cuộc sống của hai mẹ con.
Năm nào mùa đông cũng là lúc Sương buồn nhiều nhất, cô tắm hàng giờ dưới thời tiết lạnh cóng và kỳ cọ cho đến khi cơ thể đỏ rát. Hoặc cô sẽ ngâm mình ở hồ nước gần nhà vào mỗi đêm mùa đông cho đến khi toàn thân tê cứng. Gã đàn ông khiến cô có những hành động kỳ quặc ấy đã rời bỏ Pù Luông từ lâu, nhưng những gì thuộc về hắn cô vẫn nhớ rõ mồn một. Kể cả đó là chuyện của mùa đông mười ba năm về trước, khi Sương vẫn còn là một đứa bé ngây thơ. Hắn ta có cái mùi của một con bò mộng và khắp lưng hắn, mặt hắn đầy những nốt ruồi lởm chởm. Bàn tay đen đúa của hắn lần mò trên cơ thể nhỏ bé của cô như một con rắn nước. Đôi mắt hắn đỏ ngầu như bọn thú dữ đói ăn lâu ngày. Những chiếc râu cứng đâm lên người cô đau nhói và phần da thịt dưới đũng quần cô đỏ rát, đau đớn. Gió mùa đông lạnh ngắt khiến làn da mỏng manh của cô nhanh chóng tím tái. Sương sợ hãi đến mức cả người cứng đờ, mắt nhắm chặt nhưng cô không khóc. Cả không gian chìm trong im lìm, chỉ có tiếng sột soạt của quần áo và tiếng gió xào xạc khe khẽ trên ngọn bạch đàn trắng. Khi hoàng hôn buông xuống sau núi, Sương khẽ nở một nụ cười khi tưởng tượng ra cảnh mình đang đợi bố – một người mà cô chưa từng gặp. Chỉ cần bố tới là cô sẽ được bảo vệ và không còn phải sợ bất cứ điều gì trên thế gian này nữa. Sương lẩm nhẩm cái ý nghĩ đó đã hàng ngàn lần.
Vì điều gì đó, có lẽ là ý thức được thời gian, hắn đột ngột dừng lại rồi rút từ trong túi quần ra đưa cho Sương một nắm kẹo. Đôi mắt hắn không hề có chút ân hận nào, như thể hắn cho rằng nắm kẹo là quá đủ cho chuyện vừa xảy ra. Mãi mãi về sau, với Sương đó là phần ký ức mà cô chỉ muốn tẩy sạch chúng đi bằng bất cứ giá nào. Cũng từ cái buổi chiều ngày hôm ấy, Sương mang cho mình một đôi mắt buồn, buồn tới xót xa.
Những ánh mặt trời đầu tiên rơi trên khoảng sân trước nhà. Sương ngồi dậy đi thay bộ quần áo đã ướt đẫm sương đêm và rửa mặt cho tỉnh táo. Mẹ cô cũng đã thức dậy, chuẩn bị đi làm.
– Con mua vé tàu rồi. Ba ngày nữa con đi Sài Gòn.
Mẹ Sương xem như chưa nghe thấy gì và vẫn tiếp tục thay bộ quần áo lao động màu xanh bạc màu rồi đi ra ngoài ngõ. Bóng bà khuất dần sau làn sương sớm mùa đông. Những ngày sau đó hai mẹ con chỉ im lặng, không ai nói với ai câu gì. Nhưng đến khi Sương xách ba lô lên đường thì bà lại hét lên ầm ĩ với theo cô:
– Không có tau rồi mi sẽ chết mục xương ở cái đất đó cho mà coi. Đồ vô ơn, đồ bất hiếu không biết thương cái con già này.
Sương không ngoảnh lại nhìn, nước mắt cô ứa ra nóng hổi trên hai gò má xanh xao. Trời đổ cơn mưa bụi lạnh lẽo, từng tảng mây trôi lờ đờ trên nền trời mùa đông xám ngắt, mấy cọng rơm khô phất phơ trên mái nhà chào tạm biệt cô.
Lên tàu rồi Sương mới bóc lá thư từ Nương – người bạn thân duy nhất của cô ra đọc. Cả Sương và Nương đều là những đứa con của các bà mẹ đơn thân chuyển từ dưới xuôi lên vùng cao Pù Luông này. Sương nhớ mãi những nét chữ nghệch ngoạc bạn viết: “Với mình, cậu vĩnh viễn là người vô cùng quan trọng. Vào trong đó nhớ giữ gìn sức khỏe và thi thoảng viết thư về cho mình nhé. Một ngày không xa biết đâu mình cũng vào đó. Tiểu thuyết “Cuốn Theo chiều gió” tặng cậu giữ nhé, mong đến một ngày sẽ được đọc tác phẩm vĩ đại do chính cậu viết”. Sương gấp thư lại, trong lòng dâng lên chút lưu luyến dành cho mảnh đất cô vừa chọn rời bỏ.
Sài Gòn không hổ danh là vùng đất hứa cho những ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ. Ban ngày ánh mặt trời lấp lánh trên các ô cửa kính của những tòa nhà cao tầng. Ban đêm ánh đèn rực rỡ đủ sắc màu trên khắp các con phố cho tới tận sáng hôm sau. Người Sài Gòn nhiệt tình phóng khoáng, nơi đây cũng không quá khó để kiếm một việc làm mưu sinh. Nhờ sự giới thiệu của chị Hương, người cùng làng vào đây lập nghiệp đã nhiều năm, Sương xin được chỗ làm đầu tiên ở một quán ăn, thực ra ban ngày nó là quán ăn, ban đêm nó trở thành quán nhậu với cái tên Ngọa Long. Cô được ăn ở miễn phí và buổi tối thì ngủ trên gác ngay trong khuôn viên quán cùng các chị. Chị Hương với đôi môi dày gợi cảm và mái tóc ngắn cá tính, mặc một bộ da beo bó sát, nhìn Sương một lượt từ đầu tới chân rồi mỉm cười hài lòng:
– Yên tâm đi, người như em thì kiếm đâu chả được việc. Mà cũng may cho em là quán này có đồng phục đấy, chứ không thì…
– Vâng, em mong chị giúp đỡ ạ!
***
Một buổi tối nóng nực và oi nồng. Ông khách được giới thiệu là giảng viên triết học của một trường đại học danh tiếng bỗng dưng nắm chặt lấy tay Sương, tay kia sờ lên đùi, bảo cô giới thiệu về mình. Cô vừa nói vừa lấy tay gạt phắt đôi bàn tay càn rỡ.
– Em tên Sương, mới vào đây được ít tháng, em đang chuẩn bị dự thi vào trường của thầy đấy ạ.
Có lẽ đôi bàn tay không vâng lời của cô làm ông khách nổi cơn tam bành. Ông ta lớn tiếng quát tháo, mặt đỏ gay còn người thì nồng nặc mùi rượu.
– Con đĩ, làm ở đây mà còn bày đặt tri thức, cứ làm như mình thanh cao lắm. Cái bản mặt này thì nằm mơ mà trở thành sinh viên được đấy.
Không ai ở quán ngờ rằng cái đứa bình thường vẫn nhu mì ngoan ngoãn ấy lại dằn cái ly đến cạch xuống bàn, rượu bắn tung tóe văng lên mặt ông khách. Không chút chần chừ, Sương chạy thật nhanh ra khỏi quán. Chị Hương vội vàng xuýt xoa xin lỗi ông khách vì em nó còn nhỏ người non dạ chưa hiểu chuyện. Có thể mọi người trong quán chỉ cho rằng đó là câu nói của một người say chứ bình thường người tri thức như ông khách đời nào lại thốt ra câu nói ấy, mà ai đời lại đi chấp một người say làm gì. Chính Sương cũng hiểu trong cái nghề này tình huống khi nãy là không thể tránh khỏi. Nhưng rốt cuộc câu nói của ông khách lại khiến cô nhói đau trong lòng. Sương cứ chạy về phía trước mà không cần biết mình chạy về đâu, cuối cùng cô dừng chân tại chiếc ghế đá trong công viên vì quá mệt.
– Muốn khóc thì cứ khóc to ra đi, kìm nén làm gì hả cô bé.
Sương giật mình quay sang nhìn anh chàng ngồi gần đó. Trông anh ta gầy và rách rưới, mái tóc mỏng nhẹ ít khi được cắt tỉa bay phất phơ trong gió. Anh xanh xao tựa như một tàu lá chuối.
– Nhìn anh bằng con mắt ấy làm gì, anh không phải là ăn mày đâu.
– Nhưng sao anh lại ngồi đây? Nhìn bộ dạng của anh đúng là khiến người ta hiểu lầm.
– Em có biết Van Gogh cũng như anh đó, tự cắt tai mình trong lúc nổi cơn điên.
Câu nói của anh bạn mới quen khiến Sương tò mò. Hỏi ra Sương mới biết anh ta vì quá si mê viết sách mà bị những người xung quanh cho là gàn dở, họ nói anh mắc chứng bệnh tâm thần. Không hiểu vì sao nói chuyện với anh người lạ này lại làm Sương thấy thoải mái và dễ chịu đến thế. Ánh nhìn thân thương của anh khiến cô rũ bỏ đi lớp áo giáp lạnh lùng và thấy mình như là một em gái bé bỏng đang nói chuyện với anh trai. Cô thầm nghĩ có lẽ Sài Gòn là nơi mình sẽ gặp gỡ được nhiều người bạn hay ho.
– Nếu em có ý định tìm kiếm một việc làm mới thì hãy tới chỗ này nhé. Đừng tới trễ quá!
Anh người lạ vừa nói vừa lấy bút và giấy ra ghi cho cô địa chỉ kèm thêm: “Anh tên Nhật, có duyên ắt gặp lại”.
Sương cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều và cảm ơn anh. Nhưng ngay sau đó anh người lạ nằm xuống bãi cỏ, đặt cái mũ lên mặt và chìm vào giấc ngủ.
Sương thuê một phòng trọ nhỏ và miệt mài ôn thi. Đền đáp lại những nỗ lực ấy, cô đậu trường Đại học Y Dược TP.HCM theo nguyện vọng. Lúc nhận giấy báo Sương vừa mừng vừa lo. Mong muốn của cô là sau này sẽ trở thành một bác sĩ khoa thần kinh giỏi.
Sau khi làm xong các thủ tục nhập học, cô đạp xe tới cái địa chỉ mà anh người lạ đưa cho ngày trước. Thật ra cô mong muốn được gặp lại anh để mà trò chuyện nhiều hơn là tìm việc vì hiện tại cô cũng đang làm phục vụ ở một quán cà phê. Nhưng khi cô tới nơi thì một người đàn ông ăn mặc lịch sự, ngay cả cung cách đi đứng cũng thế bước ra mở cửa. Người đàn ông ấy toát ra vẻ chững chạc và đứng đắn. Nhưng khuôn mặt làm cô phân vân không biết nên gọi thế nào.
– Anh Nhật giới thiệu cháu tới đây tìm việc ạ.
– Mời em vào nhà, tôi đang cần tìm một gia sư cho con trai của mình.
– Em tên Sương, sinh viên năm nhất trường Đại học Y Dược TP.HCM. Em có thế mạnh trong tất cả các môn học và yêu trẻ con.
– Giới thiệu với em một chút, tôi tên là Đạt, con trai tôi tên là Minh, bé mất mẹ từ lúc mới sinh. Tôi hy vọng ngoài việc dạy học, em còn mang đến cho bé thêm một chút tình cảm ấm áp, dành thời gian tâm sự thêm với bé. Về lương thưởng tôi sẽ trả cao hơn mức em thường nhận được rất nhiều nếu em làm tốt.
Sương nhìn quanh ngôi nhà rộng lớn nhưng lạnh lẽo, trong nhà chỉ có hai tông màu trắng đen. Đồ đạc vô cùng ít, có lẽ chủ nhân của nó theo đuổi lối sống tối giản của người Nhật, hoặc có khi chỉ là lười sắm đồ. Còn về chuyện của người giới thiệu cô đến đây thì chủ nhà cũng không biết hiện giờ anh ấy đang ở đâu, Sương hụt hẫng khi nghe tin.
Nhờ đứa bé làm cầu nối, Sương và chủ nhà thường xuyên trò chuyện với nhau. Tới một ngày anh kể cho cô nghe về người vợ đã khuất của mình, từ đó tới nay anh chưa từng có người đàn bà nào khác. Sương kể anh nghe về gia đình mình, về mẹ của cô và mối quan hệ của hai mẹ con. Chủ nhà sau khi nghe câu chuyện càng thêm muốn che chở cho cô. Sương bắt đầu dựa dẫm vào anh với thứ tình cảm của một đứa con gái dựa dẫm vào bố mình. Đâu đó trong trái tim cô còn có cả sự lưu luyến và nhớ nhung của một thiếu nữ dành cho người mình yêu. Sương biết điều đó.
Một buổi tối sau giờ dạy kèm thì Sài Gòn mưa giông dữ dội, thời sự đưa tin cây gãy đè chết người trên đường Nguyễn Tri Phương. Vì sự an toàn nên Sương ở lại chờ mưa tạnh rồi mới về. Bỗng đèn trong nhà vụt tắt vì mất điện. Sương đang loay hoay trong bóng tối thì một đôi môi ẩm ướt bất ngờ đặt lên môi cô. Chủ nhân của nụ hôn nhanh chóng mất kiểm soát, hơi thở trở nên dồn dập, những ngón tay bắt đầu lần mò vào bên trong lớp áo của Sương. Cảm giác con rắn nước lần mò trên cơ thể từ mười mấy năm về trước ùa về ngay tức khắc, Sương rùng mình một cái thật mạnh và đứng phắt dậy tát thẳng cái bốp vào mặt người đàn ông nhờ vệt sáng yếu ớt từ những tia chớp xuyên qua ô cửa sổ.
– Cút, cút khỏi đây ngay, tránh xa tôi ra đồ khốn.
Sương nói gần như gào lên, nhưng sau phút im lặng cô nhận ra chính mình mới là người phải đi khỏi căn nhà này. Mặc cho cơn giông đang dữ dội, Sương lao vào màn mưa trắng xóa, những hạt mưa lạnh buốt rơi xuống người cô đau rát, Sương dừng xe lại bên vệ đường, ôm mặt khóc nức nở.
Sương cố trốn khỏi người đàn ông ấy và không trả lời bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn xin lỗi nào. Không hoàn toàn là vì cô sợ người đó, chính cô cũng sợ bản thân mình. Sương lao đầu vào học hành chăm chỉ để nhận được học bổng và thời gian còn lại dành cho việc làm thêm. Thi thoảng cô nhớ và gọi điện về cho mẹ, thực ra cô thương mẹ rất nhiều nhưng cảm thấy mình bất lực với tình thương ấy. Nếu cô ra đi sẽ có một tia hy vọng mong manh nào đó dành cho hai mẹ con, nếu ở lại cô chỉ thấy toàn sương mù và đêm đen bủa vây. Sương chưa bao giờ thôi nghĩ về bố, cô vẫn mong ngóng cảm giác được che chở, bảo vệ mà mình chưa từng có. Một trong những lý do Sương cố gắng học hành đàng hoàng là mong rằng đến một ngày nếu gặp ông, cô sẽ khiến ông cảm thấy tự hào về mình.
***
Tiếng xe cấp cứu bệnh viện huyện Bá Thước – Thanh Hóa vang lên liên hồi vào gần sáng. Sau khi Sương hoàn thành xong ca mổ cấp cứu cho một nữ bệnh nhân viêm ruột thừa thì trời cũng vừa sáng. Ca mổ thành công, vết khâu cũng rất đẹp. Sương đi ra ngoài căng tin mua cho mình một ly cà phê nóng. Mặt trời cuối đông ló dạng sau dãy núi đá vôi, ánh nắng ấm áp dịu dàng xua đi những ngày đông buốt lạnh và ẩm ướt. Mấy con mèo mướp đang phơi mình trên bậc thềm đón nắng, tâm trạng những con người vùng cao cũng vui lên thì phải.
Sương không ngờ rằng sau cùng bản thân cô lại chọn quay trở về với nơi mình từng chọn rời bỏ. Làn khói nghi ngút bốc ra từ ly cà phê nóng hổi đưa Sương trở lại một vài ký ức cũ:
“Vào một buổi chiều hanh khô của Sài Gòn, lúc đó Sương đang là cô sinh viên năm cuối, khi đang trên đường đạp xe tới chỗ làm thêm thì cô nhận được điện thoại từ một số lạ. Từ đầu máy bên kia, giọng người đàn ông lạ tự xưng là bố.
Trống ngực Sương đập liên hồi, tay bấu chặt lấy chiếc túi vải đeo chéo vai. Trong mắt cô dường như đường phố lúc này hoàn toàn im ắng, người và xe biết mất, chỉ còn lại mỗi mình cô. Vì hồi hộp nên Sương nghe câu được câu mất, tuy vậy vẫn nắm đại ý rằng bố cô đi tìm và mong muốn đoàn tụ cùng hai mẹ con. Vợ của bố đã mất nhiều năm vì tai nạn. Sương sẽ có thêm một chị gái và hai anh trai cùng cha khác mẹ. Đám lá khô xào xạc theo gió cuộn tròn trên đường, bụi bay mù mịt trong không trung. Sương cứ đứng im trên lề đường như một pho tượng với biết bao cảm xúc đan xen, vừa bất ngờ, vui mừng, vừa lo lắng, bối rối. Lúc đó cô vẫn gọi bố là bác, gọi vậy cho tới tận ba năm sau mới đổi cách xưng hô. Và hồi ấy mẹ cô vẫn cứ im lặng, sự im lặng mà nếu không phải bố cô thì một người nào đó đã nản lòng bỏ cuộc.
***
Sương mở điện thoại đọc tin nhắn vừa được gửi đến, bố cô nhắn bảo về nhà ăn sáng vì mẹ đang nấu cháo gà với nấm. Hôm nay cuối tuần nên các anh chị mang mấy đứa cháu về nhà ông bà nội chơi. Mọi người sẽ cùng bàn kế hoạch tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ. Cô còn nhớ lần đầu tiên mẹ cầm tờ giấy kết hôn trên tay là năm sáu mươi tuổi, ba năm sau ngày bố và mẹ gặp lại, lần đầu tiên Sương thấy mẹ cười hạnh phúc. Bố Sương chưa từng nói lời xin lỗi, cũng chưa từng giải thích. Nhưng những gì ông làm trong suốt năm tháng vừa qua còn quan trọng hơn thế. Mẹ cô chính là minh chứng cho câu nói: Con người khi được yêu thương đúng nghĩa sẽ học được cách quan tâm yêu thương người khác.
Vừa về tới nhà thì Sương thấy một chậu hoàng phi hạc đặt ở trước cửa. Sương rất thích loài hoa lan này, đẹp nhẹ nhàng và dản dị, hương thơm thoang thoảng nhưng quyến rũ. Vấn đề là người biết cô thích loài hoa này chỉ có duy nhất có một.
– Anh Nhật, sao anh về bất ngờ quá. Không báo với em.
Mẹ Sương trong nhà nói vọng ra với cô rồi lại quay sang trò truyện tiếp với khách. Thằng cháu con chị cả giục cô nhanh rửa tay vào ăn sáng, cả nhà đang đợi. Sương bỗng cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. Sự kiên nhẫn chờ đợi của cô cuối cùng cũng được hồi đáp, vào một ngày nắng dịu dàng cuối đông.
LÊ THỊNH
- Hội Nhà văn Việt Nam triển khai công tác văn học 2023 và kết nạp hội viên mới
- Phát hiện cách có thể kéo dài tuổi thọ của bạn lên đến 20 năm
- “Hầu như tôi chưa phản biện… sai!”
- Nguyên Viện trưởng Toán học: ‘Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới’
- Truyện ngắn Mai Tiến Nghị: Mặt trời chói lóa & Mùa cua rận