Vanvn- Lê Quang Trạng sinh năm 1996 ở Mỹ Luông, TP. Long Xuyên, An Giang; hội viên Hội VHNT An Giang. Anh viết văn từ lúc còn học cấp II, năm 20 tuổi đã xuất bản tập truyện ngắn Dòng sông không trôi (NXB Văn hóa Văn nghệ). Liên tiếp hai năm sau đó là tập thơ Áp tai vào đất (NXB Hội Nhà văn, 2017) và truyện dài Thủ lĩnh băng vịt đồng (NXB Kim Đồng 2018).
Lê Quang Trạng đã đoạt rất nhiều giải thưởng văn học: Giải Tư cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2017, Giải Tư cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018 – 2019, Giải Tư cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2015 – 2017, Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2016, Giải A – Giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI, 2016-2020…
Lê Quang Trạng chịu khó tìm hiểu tường tận vấn đề, viết già dặn hơn so với tuổi của mình. Anh sớm ý thức và nghiêm cẩn với nghề văn. Cách đây gần chục năm, khi về An Giang, tình cờ được Lê Quang Trạng dắt đi vãn cảnh nhiều nơi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về sự am hiểu văn hóa và kiến thức lịch sử của một cậu sinh viên năm thứ hai lại giỏi đến như vậy. Nay anh làm ở Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh nhà, công việc nhất định sẽ chắp cánh cho việc viết của anh thêm thăng hoa.
TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu

ĐÒ DỌC SÔNG TRÔI
Miếu thờ Bà Cậu cũng là bến đò dọc. Một bữa nắng trải đầy sân, con sáo già nua rướn cổ gọi “Đò qua, đò qua”. Có bà già héo hắt, lưng còng queo như cái lưỡi câu, chạy vụt qua. Mặc kệ đò có qua hay không, bà vẫn tư thế chổi cặp sát vào hông như tướng thủ gươm, chân nhanh nhẹn như con sóc, rượt đánh thằng con tóc bàng bạc màu bông. Vừa rượt, bà già vừa hét thánh thót, như rọi lại giọng con sáo, suốt đời gọi khơi khơi hai chữ: Đò qua…
Đứa con vừa chạy, vừa ngó lại để điều chỉnh tốc độ sao cho cân đối. Chạy chậm thì bị ăn đòn, bà già còn khỏe lắm, ăn một chổi của bà cũng ê ẩm. Nhưng nhanh quá thì bà mẹ già chạy không lại, sẽ tức tối lên, tim bà sẽ rung như cái chuông đồng hồ báo thức.
Cuộc rượt đuổi như diễn tuồng đã có ở xóm sông Trôi từ lâu, khi người mẹ còn ở tuổi ba mươi và thằng con trai già nua kia, khi ấy chỉ là đứa trẻ lên ba lên bốn. Như một cuốn phim không hồi kết, diễn viên mẹ và con tiếp tục hoài một kịch bản, mặc cho cả xóm đã chán òm từ rất lâu rồi. Người ta (trong đó có cả trẻ nít) cũng không còn hào hứng nữa, nói chi là một sự hoảng hốt hay bất ngờ dành cho khán giả. Khi thấy bà mẹ già vừa quơ cây chổi, vừa chửi vang vang: “Mầy không phải con tao, Tum ơi là Tum!” thì mọi người biết chút nữa thôi bà sẽ lôi tai thằng con về, như chiếc máy cày kéo theo rờ mọt. Bà thả những lời giận dỗi, rầy la, hù hét… dọc theo sông Trôi, rằng “Bà Cậu bắn mầy, tại sao lấy dầu lửa đổ vô hủ đường cát của má?”, “đem cái mùng đi ra đìa bắt cá tế ông nội mầy hay gì Tum?”. Bà thấy rõ những lời rầy mấy mươi năm trải chật kín bờ sông, mà đứa con vẫn ngu ngơ không lớn lên sau những mùa cấy lời của mẹ. Không buồn trách, vài hôm lại tức nước vỡ bờ thì bà cầm chổi rượt thôi.
Đứa con tóc bạc mà thần trí cũng bạc phếch, vẫn không khác gì đứa trẻ lên mười, vẫn nét mặt sợ sệt, vừa chạy, vừa mếu, vừa thở. Chạy được một đoạn thì tìm bụi lùm nào đó chui vào trốn, hồi hộp và lo sợ rằng mẹ già sẽ đứt hơi vì mệt. Hơi thở bà mấy mươi năm qua đã bị thời gian bào mỏng díu rồi. Dẫu rượt đứa con như thể dục hàng ngày, nhưng Tum vẫn sợ một lúc nào đó mẹ không thở nữa. Đó là nỗi sợ duy nhất mà ý thức tỉnh táo mong manh có được của Tum tạc lại. Nó vẫn sợ cho đến lúc ngủ, bật dậy trong đêm, giật tay mẹ mếu máo “rượt con đi mẹ, đánh con đi, mẹ đừng bỏ con”, làm bà già xúc động nghẹn ngào. Nếu là lúc bình thường, bà sẽ nệnh cho nó một chổi, nhưng thôi, bà nghĩ gì đó mà nhẹ giọng, “Ngủ đi nè, con!”.
Tum không nghĩ đó là lần đầu tiên, hay sẽ là lần cuối cùng mẹ dịu dàng với mình. Đứa trẻ được đút cho ăn viên kẹo lạ, nhưng vị ngọt làm nó đê mê, không lo lắng nghĩ suy, cũng không bất an chút nào. Tum tóc bạc, ôm lời mẹ ngọt ngào vào giấc mơ thần tiên của tuổi tóc xanh, rồi chìm nhanh vào cơn mơ lắng…
Có lẽ vậy, nên cho đến lúc ra bến đò dọc, Tum vẫn không mảy may lo nghĩ. Mãi đến khi thấy mẹ lạnh lùng đẩy mình xuống đò với mớ hành lý, cùng lời nhắn gửi chuyến sang sông. Mắt mẹ ngấn ướt mênh mông làm Tum bật lên sự hoảng hốt tột cùng. Phóng lên bờ, Tum chạy theo ôm chầm lấy chân mẹ già mà khóc như mưa bấc. Đứa con quỳ trên bến, ngước mặt lên nhìn. Dáng mẹ già còng queo như cây bông trong vườn nhà, rủ xuống vì héo hắt, mà vẫn không thôi tỏ vẻ dửng dưng.
Thằng Tum khóc rấm rứt ngó lên, mẹ già vẫn không cảm xúc gì, lôi nó xềnh xệch như hồi năm nẵm bà lôi thằng con lớn thây ham vui ở sân miếu Bà Cậu mà bỏ học. Tum ngó mẹ hồi lâu, rồi khóc lớn lên. Tiếng khóc như muốn ăn vạ. Chiêu này Tum chỉ xài trong quá khứ đôi ba lần, bị bà mẹ đánh bằng cán chổi, nên bỏ luôn. Nay không hiểu sao mà khóc lại, khóc như muốn nằm mãi ở chỗ này.
Đoạn vài mươi giây sau, không hiệu nghiệm, Tum vẫy vùng như đứa trẻ đòi theo mẹ ra chợ, không được nên bắt đầu lăn lộn bất chấp bờ sông vừa mới mưa xong, đất sình dậy lên lầy lội. Lúc này, đứa con ghì nặng hơn. Bà mẹ già không cách nào kéo nổi nên đành ngước xuống vuốt mái đầu con trai, nơi đó đã bạc phếch màu vàng nhạt như khói rơm chiều, không thua kém gì bà. Vừa nói, mẹ vừa chỉ tay lên trán đứa con, rằng: “mầy không thương má thì cũng phải thương người ta, rồi mầy phải thương cái thân mầy nữa Tum à”. Đứa con lớn chồng ngồng vẫn không thôi vừa khóc vừa lắc đầu lia lịa, một tay buông mẹ ra để quẹt nước mắt tèm lem trên mặt, rồi nhanh chóng nắm lại cái tay già nua như cọng dây chuối cũ, như sợ sẽ bị bỏ rơi một cách chóng vánh, lạnh lùng, dứt khoát.
Người lái đò đã bước lên lấy cái giỏ đệm và xấp giấy tờ xuống mui tự bao giờ. Ông vẫn kiên nhẫn cầm cây sào chấm xuống lòng sông Trôi để chờ. Cảnh này mấy mươi năm trước khi còn là chàng trai trẻ, ông đã từng chứng kiến, nên giờ cũng không mấy lạ gì. Nhưng ông biết, lần này Tum đi, sẽ có nhiều nỗi niềm ở lại. Không biết rõ là nỗi buồn hay vui, nhưng trong dạ ông – là một “người dưng”, cũng thấy chạnh lòng.
Có tiếng con sáo nào đó gọi “đò qua”, làm ông chợt nhớ chuyện cũ năm nào…
Cứ mỗi sáng, khi mặt trời còn ngái ngủ ở phía trời xa, đường quê tù mù tiếng dế, người mẹ đơn thân đội thúng cốm dẹp ra chợ. Thằng con trai bám theo đến bến đò dọc rồi ôm chầm chân mẹ đòi theo ra chợ cho bằng được. Người lái đò năm ấy phải ra vẻ hung hăng như thủy quái, hù hét thì đứa nhỏ mới buông mẹ để chạy một mạch về nhà. Có lúc ông thấy mình hơi ác, nhưng thằng Tum chỉ sợ chút thôi, trí óc nó trắng phau, không ghi lại quá lâu điều gì, nên sự ám ảnh không hề đọng lại. Vậy nên nó cũng không có bất kỳ sự ghét dơ nào, điều đó cũng làm lòng ông nhẹ đi như lòng sông tên Trôi mà phẳng lặng.
Nhưng lúc này thì ông biết, việc hù ấy cũng vô phương rồi. Thằng Tum có một nỗi sợ khác lớn hơn, nên dẫu có thủy quái thật hiện ra ở đây lúc này, nó cũng không sợ đến mức nghe lời mà chạy lẹ xuống đò sang sông, lìa bỏ mẹ. “Mà thôi, bây giờ hù làm gì nữa” – ông nghe lòng mình dậy lên tiếng nói – “trời ơi, đứt ruột lìa gan”.
Ông thương cảm, ắt có cái lý của ông. Bởi mấy chục năm ròng, ông đưa không biết bao nhiêu chuyến đò, nhưng vẫn không thể nào quên được hình ảnh người con gái sang sông hồi trại lính mới mọc lên phía xa xa, đêm đêm ánh đèn rọi sáng rực một góc trời xao động. Cuộc sang sông như cuộc sang đời. Phía đây tối tù mù, nhưng phía kia xa là phố xá đêm rừng rực sáng. Cô gái thắp cuộc đời mình như ngọn đèn. Cháy sáng và lộng lẫy cả xóm sông Trôi nghèo xơ xác. Ban đầu cháy chập chờn, rồi cháy đượm, cháy sáng cả một khung trời. Như đèn, có lúc tan dần, lịm dần và chỉ còn là đốm lửa nhỏ nhoi, có thể tắt bất cứ lúc nào gió nổi.
Người con gái ông thương, ngày ấy không thương ông. Không biết lý do là gì. Chỉ biết không lâu sau cuộc “đưa người thương sang sông Trôi, đò dọc chở đầy nước mắt” ấy, thì cô gái è ạch bụng bầu từ phố trở về, với gương mặt tưởng chừng như vĩnh viễn rơi mất ở một hẻm hóc tù mù nào đó. Người lái đò dọc sông Trôi lại đưa người thương quay về bến cũ, sóng cứ bám táp lấy bụng đò, như mừng vui đón người trở về, mà người thì lặng thinh không nói. Bữa đó đò cũng xốn xang, nếu không láy khéo thì chắc đã chìm, sau mấy đợt sóng muốn nuốt lấy cho hả dạ.
Căn nhà cũ sau mùa cày bừa của lửa đạn, không còn nữa. Dấu vết là một hố bom hun hút, nước đọng lại xanh trong, mấy bầy lòng ròng đỏ ao đang bơi theo cá mẹ. Người ta ra công đốn cây cối, đan lá dừa thành một cái chòi cho người phụ nữ khốn khổ. Lâu lâu thấy bóng dáng anh đưa đò ghé qua cho đút đồ đồng quê, lúc con cá, lúc trái bí trái cà. Người tưởng chết đi cũng dần sống lại. Như cái dây leo héo úa, có cơn mưa qua, đất giàu phù sa thì lẽ nào chết khô cho được.
Người xóm nhớ đứa trẻ ra đời sau đó không lâu lắm, bởi những con lòng ròng hôm nào nay mới chừng cùm tay. Bà mụ vườn đỡ đẻ xong, vừa thở vừa xá mấy xá, nói chắc thằng nhỏ có căng con Bà Cậu. Nó không giống bất cứ đứa trẻ nào trong xóm: nó nặng tới năm ký lô, nằm lì như trâu nằm nước, mắt xanh như viên đạn cu li. Bù lại da nó trắng phao, trắng như bông bưởi. Để nó dễ nuôi, bữa đầy tháng, bà mụ “quăng” đứa trẻ ra sân miếu ở bến đò dọc sông Trôi rồi nói, “cho nó làm con Bà Cậu”. Mẹ đứa trẻ lò dò bồng bế con về, từ đó đứa nhỏ có cha, một người mù mờ nào đó được cả làng kính nể gọi là Bà Cậu.
Dù đã quen với câu chuyện, quen với thằng cháu bất đắc dĩ, nhưng nhiều lúc cắm sào chờ khách, ngó lên bờ, người lái đò vẫn thấy rõ đứa trẻ con trai Bà Cậu lẫn trong đám con nít quê, đang đu đưa trên nhánh bần ven sông rồi nhảy đùng đùng xuống nước. Lòng ông dậy lên một nỗi niềm gì đó lạ thường. Cảm giác như dưới con đò, Bà Cậu đang cuồn cuộn trăm ngàn con sóng dậy, ôm lấy đứa con ruột của mình.
Hay cũng cảnh quen, trong đám trẻ đen nhẻm quê mùa có một đứa cao to, da trắng tóc vàng, xưng là con trai của thần linh trong miếu. Nhưng thằng “Thái tử Bà Cậu” ấy đang bị bọn trẻ đè đầu đánh cho một trận vì “tội… nổ như bom Mỹ, lép”. Mặc cho bầy sáo rát cổ gọi “đò qua, đò qua”, đám trẻ vẫn không tha. Như bầy sói say mồi cấu xé con nai vàng ngơ ngác, lăn lộn nát lá vàng rơi. Thấy cảnh đó từ xa, ông bỏ đò, nhảy ùm xuống sông lội lẹ vào bờ rồi phóng một mạch thật nhanh, vừa chạy tới vừa hét như lùa đám vịt đang cấu xé một con lạc đàn. Từ bữa đó, ông thấy sao mình thương thằng bé, như chính thằng con mình đến như vậy?
Rồi mười sáu tuổi, mười bảy tuổi đi qua… Thần trí đứa trẻ tên Tum ở xóm nhỏ ven sông vẫn không mấy lớn lên theo tuổi đời. Dường như nó đứng lại mãi mãi ở tuổi mười hai, hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác bầu bạn với Tum, rồi năm sau nó lại có lớp trẻ mới tiến lên. Và nó thì mãi đứng yên, như chờ đợi một điều gì đó, như bí mật dúi vào trong tay cầm hoài không dám mở.
Có người biểu, hay là mầy kêu ông lái đò bằng cha đi. Tum nhất quyết không chịu. Nó nói, nó có cha rồi, cha nó làm lớn lắm, giàu có lắm, mẹ nó dạy như vậy. Người lái đò cúi mặt, như không nghe thấy rồi lặng lẽ tách bến, chèo dọc sông Trôi.
Mẹ già từ bỏ thúng cốm dẹp theo đò dọc ra chợ mỗi sáng, thay vào đó xấp vé số gieo những hy vọng vào cái xóm sông Trôi nghèo như muốn trôi đi được. Bà cũng không quên chừa lại một tờ mỗi ngày, như cấy vào lòng một hạt mầm đổi đời dù đã tuổi xa trời gần đất. Dẫu rằng nhiều năm qua, hy vọng lên đời vẫn chưa đến với bà. Nhưng là con người, cần có một ước mơ bám víu vào, để háo hức chờ đợi một nỗi gì đó ngay phía ngày mai, như bón thêm cho cuộc sống phần nào ý nghĩa.
Nhiều năm, xóm sông Trôi quê ngoại cưu mang hai mẹ con một già đi, một trẻ hoài; như hai nốt trầm, tựa vào nhau, lui cui cuối xóm. Lâu lâu cao hứng tại tưng bừng rượt đuổi nhau như trò chơi. Họ quen vậy, và chấp nhận vậy.
Một bữa sau cơn giông, miếu Bà Cậu bị gió tốc mấy tấm ngói rêu phong bay đâu mất biệt. Con sáo già thê thiết gọi “đò qua đò qua”. Lần này đò qua thật, đưa người từ phương xa tìm đến xóm sông Trôi. Mẹ Tum khóc ròng ngay lúc gặp đầu tiên. Bà không thể nào ngờ rằng, anh lính đánh thuê năm nào vẫn còn sống và canh cánh về một người thương cùng đứa con thất lạc. Bà càng không ngờ rằng cuộc sống lại thay đổi đến chóng mặt chỉ trong mấy tháng. Nhanh và bất ngờ hơn cả những việc bà liệu định trong giấc mơ trúng số. Nhà cửa xong rồi, giấy tờ cũng xong, giờ là lúc bà tiễn thằng con xuống lên đò dọc, theo cha. Nó hỏi cha có phải là Bà Cậu không? Cha nó không hiểu, còn mẹ thì ngó xa xôi, mắt không thôi ngừng ướt.
Đứa con gần quá tuổi trung niên, ôm chân mẹ già nua khóc ròng. Bà cố đẩy nó xuống đò để ra đi xa một cách lạnh lùng nhất, dứt khoát nhất. Bà thấy trong mơ, phía xa xôi là bao điều màu đỏ, đỏ như rượu van, đỏ như hoa hồng, mà sao cũng đỏ như máu rớm trong lòng, nhăn nheo, teo tóp…
Đứa con hỏi mẹ sao không đi với nó về xứ Bà Cậu? Bà lạnh lùng nói “không”. Bà không thể đi xa mồ mả ông bà, cũng không sao rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đứa con chăm chú nhìn mẹ và lắng nghe nhưng vẫn không sao hiểu được. Nó lay tay mẹ hỏi, vậy nơi đâu mới là nơi chôn nhau cắt rốn của Tum? Bà mẹ không trả lời, dùng hết sức bình sinh đẩy đứa con xuống đò, rồi nhanh tay đẩy luôn cái mũi đò ra xa. Đò chầm chậm trôi đi, bà lạnh lùng quay lưng, không ngó theo, cũng không có dấu hiệu lấy tay quẹt nước mắt. Đứa con bặm môi khóc không thành lời, ngó bờ không rời mắt.
Lúc đò ra giữa sông trôi dọc một đỗi, tại đôi mắt mờ hay tại đò đã đi xa quá mà bà không còn thấy đứa con của mình nữa. Người mẹ cô đơn trên bến vắng ngó quanh chỉ còn Bà Cậu là ở lại với mình. Bà ngồi sụp xuống bất lực. Cái lưng như dấu hỏi còng queo, như bông hoa héo úa giữa miền đất phù sa ăm ắp. Bà thấy mình sao giống đứa trẻ năm nào xưa thật là xưa, ngồi bên miếu Bà Cậu khóc ròng khi mẹ ra chợ huyện. Dẫu biết mẹ sẽ về nhưng lòng cứ ứ đầy mất mát. Con sáo rướn cổ gọi đò qua đò qua, như nó cũng muốn níu lại hơi người. Bà mẹ cố gom hết những hơi thở già nua còn có được, gọi “Tum ơi, Tum ơi…, về với má Tum ơi…, về với mắm với cà con ơi là con”.
“Thằng” Tum vẫn không thôi ngó lại mẹ mình, người con trai cũng không biết rõ mình đang đi, hay là đang về. Sông Trôi vẫn cứ trôi về một nơi vô định mênh mông, gió chướng đang mùa trở ngọn. Tiếng nói của bà mẹ già biết có đến được đò không?

BIỂN VỌNG
Mẹ phát hiện gần đây tim mình nhiều khi đau thắt, không giống kiểu đau như lúc nhận tin cha Hải chìm trong một ngày biển không bão động, chỉ có những con tàu dong buồm theo gió mùa Đông Bắc vượt qua biên. Từ đó cha mãi mãi ở lại một đoạn biển buồn, buồn đến nỗi không ai dám ngoái nhìn khi nhắc lại. Từ đó cha và khoảng biển chỉ còn là cọng khói vọng xa xa, thường mất hút khi mặt trời ngập ngụa đỏ chói, lênh loang nơi đường chân trời hải phận. Những lúc vậy, cha hay len lén về thăm trong giấc mơ nhập nhòa của mẹ, trong những tiếng rên xa xôi tận đáy lòng, vẫn quặn nồng lên mặn rát mùi máu biển.
Ban ngày nắng gắt gỏng khắp bờ cát trắng, mẹ không dám nghĩ nhiều. Lâu lâu chỉ dám lén vén nỗi nhớ ra, để chực giật mình khi thấy nỗi đau năm nào sao lại có bóng dáng tiếng rên của đứa cháu nội đích tôn mới vừa bập bẹ. Trùng hợp ngay khi đứa trẻ rên ngẩu hứng trong cơn mơ, mẹ cũng thấy đau tim, như ai đó bóp nghẹn hơi thở của mình. Gần như đang đứng bên một ô cửa, một chân của mẹ đã bước qua phía bên kia, lạnh ngắt.
Cảm giác đó cũng giống với lúc vợ Hải bó tay và mẹ bó lòng. Cầm tờ giấy kết luận trắng toát trên tay mà nghe sóng biển như đổ sập lên mái nhà chất chứa ngập đầy gió chướng. Mớ giấy tờ truy tìm căn bệnh cho con ngày một dày hơn và những cuộc ở nhà của Hải dần ngắn lại. Biển không thôi ngừng sóng, tiếng rên của thằng con không ngừng thôi thúc cha. Mặc cho những chuyến ra khơi có dày thêm cách mấy thì mọi thứ vẫn vô vọng. Tất cả những nơi vợ chồng Hải tìm đưa con đến, đều nêu cùng một câu, “không tìm ra căn nguyên bệnh lý”. Đôi mắt thuồng luồng đỏ quạch chưa kịp khô, thì chiếc ghe lại phải ì ạch thở hắt ra những luồng khói đen kịch màu uất chứa. Ra khơi! Mặc cho cơn sấm hầm hừ cảnh báo đang vào mùa biển động.
Thằng bé có nước da trắng như bông, ngồi trong ngôi nhà ngó mặt ra đại dương xanh thẳm. Trước mắt là những cây cột hàng ba nhà, xơ xác trơ xương, lỏng lẻo như không có quá nhiều sự níu kéo sau nhiều năm gió táp. Biển như khoảng sân vô tận, lúc xanh tươi nhưng cũng có lúc xanh xao. Mớ đồ chơi Hải mang về sau mỗi chuyến ra khơi không gì khác hơn vỏ xò vỏ ốc. Thằng nhỏ trải mớ bảo bối mới ra chiếu, chúng vẫn còn ngai ngái mùi muối mặn, hơi tay nó có nặng cách mấy vẫn không sao lấp nỗi ám ảnh đại dương, mênh mông, bất tận và có nét gì đó của sự lo sợ… Hải chăm chú nhìn theo từng cử động của con, như chờ đợi một điều gì đó đang thập thò trong cuốn họng đứa nhỏ, sẽ phóng ra như con rắn biển khổng lồ và nham nhúa, nó đang lườm lườm Hải. Có điều gì đó sờ sợ khi đứa trẻ nhìn cha, Hải ngó sang chỗ khác để con không thấy mình đang bị theo dõi. Thằng nhỏ không hờn trách, tiếp tục chơi với món biển không hề chán. Hải thở phào ra một luồng hơi muối, như vừa xém bước hụt ở cổng trời.
Mải mê với mớ ốc biển mới, đứa nhỏ quên cả bước chân từ từ rời đi của cha. Bà nội nó nhẹ nhàng thế vào chỗ ngồi, sao cho đứa cháu có ngó ra biển vẫn không nhìn thấy Hải đang nhổ dây tàu. Sự thay thế ăn khớp làm bà nội an nhẹ trong lòng. Nhưng thằng nhỏ có linh cảm lạ, nó dừng tay, nhìn ra biển như tìm thêm một món gì đó cho bộ đồ chơi sắp ráp xong. Thấy bà nội ngồi chình ình ngay cửa, nó nghiêng qua trái rồi nghiêng qua phải. Không sao ngó thấy ra cửa được. Nó khóc ré lên. Mẹ Hải nghĩ, “thà nó khóc vầy còn hơn là nó…”. Nhưng thằng nhỏ chựng lại, rồi cất lên tiếng rên dài, như chó tru giữa đêm khuya, xong đợt nó lại nghẹn, từng tiếng lục cục như chim cu mắc nghẹn. Mặt đứa bé dần chuyển sang xanh, vợ Hải phải xốc con lên vai chạy mấy vòng thì mới kịp nắm lại màu da hồng hào như máu còn chảy được, xém chút là màu ấy sẽ bay đi mất, vĩnh viễn.
Mùa biển động kéo theo những lợi lộc trong những chuyến ra khơi của Hải. Đứa con trai buộc lòng phải nương vào mớ thuốc Nam thuốc Bắc. Nghe danh thầy nổi lên ở đâu, là vợ chồng Hải bồng con tìm đến, mấy đợt đi rong cả tháng trời. Hết tiền thì nương nhờ chùa chiền, “không chết vì đói, chỉ sợ chết vì rầu” – Hải vừa và mớ cơm chay vừa nói như uất nghẹn. Cạn niềm tin sau sáu tháng đi rong, vợ chồng cõng đứa con trở về nhà, Hải nói sẽ ra biển để nạp thêm niềm tin cho đứa nhỏ.
Tàu của Hải khuất ở biển lâu rồi, đứa con sau những cơn xanh tím tái vẫn không thôi rên những hơi dài thườn thượt. Vợ ngồi sau nhà tìm quanh coi có ai nghe thấy không, sợ rồi họ quở thì tổn thọ. Đó là mớ vô thức phản bội con người nhất đời, chẳng phải xóm này đã lục đục dọn đi hết rồi sao, khi mỗi lần thằng nhỏ rên, thì xóm sẽ có người trôi lềnh bềnh trên biển. Cứ như rằng, rên ngắn thì thấy xác đem về, rên dài thì chỉ còn cầm được cái mùi người níu lại, không ở xóm này thì cũng huyện này, tỉnh này, đất nước này và đại dương. Y như rằng!
Người xóm ban đầu thông cảm, sau bắt đầu than vãn, dần dần thì quở phạt và chịu hết nổi thì lục đục dời đi. Không ai dám bước lại nhà nói một lời chia tay với mẹ con bà cháu nhà Hải. Lâu lâu không thấy bà bạn đi chợ, thì biết bà ấy đã dời đi cách đó không xa, chỉ cần không còn nghe tiếng rên của đứa nhỏ. Bắt gặp ngoài đường hỏi cớ sao, người bạn xóm nhìn dáo dác rồi nói nhỏ vào tai mẹ một điều gì đó khá phũ phàng nhưng có lý.
Thằng nhỏ lên bốn tuổi, tiếng rên có phần thê thiết hơn, đậm đặc hơn mùi khàn của biển. Bữa giận quá, Hải lôi thằng nhỏ quăng ra mé biển, hét lớn: “mầy làm ơn rên cho biển chết điiiiiiiiiiii”. Thằng nhỏ nhìn cha, mặt mếu, không nói, cũng không rên. Hải hâm he mấy lần, nó mới cất tiếng rên dịu vợi. Người ta nói, sau tiếng rên ấy vài tháng, có một ngày rất lạ, biển không động, mưa cũng yên, cá chết dạt vào bờ như rạ.
Hải bắt đầu thấy sợ, ngay cả đứa con mình sinh ra. Đến nỗi ngồi kề bên cũng sợ, tiếng rên của nó phát ra bất cứ lúc nào, có thể hóa thành một thòng lọng xiếc lấy cổ mình cho đến nghẹt. Vợ Hải thì không nghĩ vậy, đứa nhỏ vợ sinh ra, dẫu nó có là thần thánh hay quỷ ma thì nó cũng từng nằm ngoan tròn chín tháng trong bụng mình. Vợ không sợ, chỉ thấy hoang mang, không biết những tai vạ gì sẽ ập xuống với mình, khi tiếng rên của đứa nhỏ vẫn không hồi dứt.
Những chuyến buôn hàng trong chiếc ghe đánh cá có phân ra ngăn “bí mật” vẫn không làm biển bớt dài hơn. Hải ngồi ngó về phía nhà, khói thuốc vừa phà ra đã bị gió ngoạm mất, “không biết chừng nào mới đủ tiền đưa thằng nhỏ đi tìm thầy trị bệnh”. Cứ sáu tháng lênh đênh trên biển xong, Hải trút hết mớ tiền lo cho sáu tháng đi rong tìm thầy cho đứa con mắc chứng bệnh “oan gia trái chủ”. Bà thầy lơ lớ giọng Quảng Đông ở Bắc Tế Miếu nói vậy, Hải nửa tin nửa ngờ, nhưng biết còn chỗ nào gửi nỗi lòng này nữa?
Cõng thằng con ra khỏi cổng miếu, nó trờn trợn như mắc nghẹn, Hải nói với vợ “thôi, đi, tìm thầy khác”. Câu nói rất quen, mỗi khi thầy nào đó bó tay, nhưng lần này thì lại khác, Hải bó tay trước mớ tiền trị bệnh cho con, nên “thôi…”. Câu nói trượt dài nghe rười rượi hơi muối mặn của biển, của mồ hôi và của cả nước mắt. Chuyến tìm thầy khác lại kéo dài, thuốc núi này đến hang nọ mấy năm rồi vẫn không ăn thua.
Có người bạn biển dúi vào tai Hải rằng, “vùng núi cách biên thổ hai trăm cây số, có ông thầy tóc thắt hình con rết, chuyên trị bệnh cho trẻ con bằng cách mài khúc xương người đã thủy tán bốn mươi năm, bài thuốc rất linh nghiệm. Trị không hết bệnh, ổng trả lại tiền gấp mười lần. Hay là đem đứa nhỏ sang đó trị thử xem sao, trời đâu đày ai đến đường cùng bao giờ, may thầy thuốc chủ”. Hải liệu định rồi, chuyến đi ấy sẽ ngắn thôi, nhưng mớ tiền sắp ra trước mắt thì phải rất dài. Không biết những chuyến buôn “hàng” và bán sự liều của mình có kịp đưa đứa con xuất ngoại hay không?
Và bây giờ, mẹ Hải, cũng là người còn lại mãnh liệt nhất trong gia đình tuyên bố “không bị động” trước tiếng rên của đứa cháu, nay lại thấy mình rung rinh. Mẹ khóc không thành tiếng, nhưng mường tượng rằng nếu chụp hình mẹ lúc này, sẽ ghi lại rõ rành cái nhói ran đang ăn dần trên khuôn mặt một cách không khiên cưỡng. Mẹ ôm đứa nhỏ ru ngủ, nó lại rên. Tim mẹ lại lênh khênh trước từng hơi thở, như đang đi những bước nặng nhọc trên một sợi dây mỏng te, mỏng y hệt lưỡi lam, và mỗi bước chân có thể bị cắt như người ta xẻ ván gỗ, bất cứ lúc nào. Mẹ thở hơi dồn, đứa nhỏ ngó bà nội rồi hoang mang tột độ. Nó nhảy xuống võng chạy đi tìm mẹ, nói rằng bà nội sao thở kỳ lạ quá. Vợ Hải đến nơi thì mẹ trợn tròng không nói nên lời. Mẹ được đưa đi cấp cứu. Tin báo cho Hải cũng bay đi ngay lúc chiếc xe cấp cứu đổ hồi còi đầu tiên rời nhà.
Hải ở biển khơi xa đang lấy mớ “hàng” vào khoang, đập tay lên đùi chửi đổng mà không biết chửi mình hay chửi biển: “bà mẹ nó, đồ chó”. Tàu bỏ ngang phi vụ, xé biển chạy về hướng nhà. Khi đến nơi thì mẹ đã qua cơn nguy kịch. Hải nhìn thằng nhỏ một cách tha thiết, không biết phải nói với con ra sao. Đứa trẻ không hiểu sao tiếng mình lại có những oan khiên đến như vậy. Đáng lý trong lúc buồn tủi đó sẽ rên lên một tiếng, nhưng nó sợ bà nội sẽ đứt hơi, bệnh viện này sẽ có người tắt thở. Nó ngậm miệng, như ngậm lại lời tiên đoán cho đến lúc ra biển thì mới dám xả cho hả hê lòng dạ.
Thằng nhỏ không còn rên nữa, trước mặt mọi người trong một tháng qua. Mẹ đã qua cơn nguy kịch, vợ mừng rơn, sắc mặt Hải có phần tốt lại. Một bữa tiễn cha ra biển, đứa nhỏ ngậm đầy lời, nhưng không nói ra. Hải ậm ừ nghi ngờ, sao lần này đứa nhỏ lại lặng im đến lạ. Vừa mừng lại vừa lo, chuyến đi mới này, lần đầu tiên Hải “liều” bán đứt luôn chữ “liều” cho một người xa lạ. Họ nói chỉ cần dong tàu đến đảo, sẽ có người đón Hải tận tình. Vết ở bụng sẽ nhỏ thôi, nhanh hơn người ta mổ bắt con nữa mà. Hải vẫn sẽ sống tỉnh bơ với mớ tiền không biết đào đâu ra được. Đó là một khoảng đủ cho đứa con sang phía bờ màu khói xa xa kia, trị bệnh.
Hải không nói điều đó với ai, ngoài biển. Bữa nay bờ vắng lạ thường, biển lặng như một nốt trầm trong bản nhạc nhiều tiết tấu, những hải lý xa xa tự dưng gần đến lạ. Tưởng tượng mớ tiền trong tay, đứa con không còn gây nên bao cơn chập chờn trong giấc ngủ, Hải nhẹ lòng như mớ rong nổi trên mặt biển. Phía đó là đảo, chỉ cần dịch mũi tàu chạy hai mươi mốt giờ là đến. Cuộc hẹn đã được lên lịch rồi, chiếc kim đồng hồ rơi những bước chân như tiếng guốc cao và đế nhọn. Hải vò đầu đứa con. Nó lặng im nhìn cha rồi cười tươi rói. Không một tiếng rên nào. Biển mù xa bỗng dưng vắng ngắt.
Tàu đi một đoạn xa, gọi về nhà. Hải cố phân tách tiếng nói ngọng lếu của con với tiếng xôn xao của sóng, cố tìm cho được một chút tính hiệu gì đó vừa hồi hộp, vừa lo âu. Nhưng suốt cuộc gọi ấy đứa nhỏ vẫn tươi vui. Không hỏi nhưng mẹ cũng nói, “thằng nhỏ không rên chút nào!”. Lòng dậy lên những dấu hỏi giăng như chùm móc câu bén ngót. Nghi lắm?
Có thể lần đầu, duy nhất, Hải quyết định bán mình cho biển vắng. Chiếc tàu chạy băng băng về phía người lạ. Vẫn còn ở biển nhà mà sao những con sóng chồm lên lạ quá, làm Hải thấy mình như đứng giữa một lằn ranh mờ mờ ảo ảo. Hình như biển đã bị phân ranh, một bên là nỗi sợ người – một bên là nỗi sợ mình. Hình như từ lâu, trong người đều luôn có một tiếng vọng nào đó của biển. Thầm, ngấm và lúc sôi lên lúc lặng mất…
– Tiếng rên đó có phải của con mình không?
Không biết đang hỏi chính mình hay hỏi biển.

LƯỠI CÂU NGƯỜI
“Con không thương ông Mồi!” – mỗi lần Thủy nói vậy, là má lại ôm hũ tro cốt của tía khóc than: “Ông ơi, suốt đời mình đến chết cũng không có đất mà gửi xác hay sao vậy ông ơi!”. Thủy không thể nào hiểu được, chuyện lấy Mồi làm chồng và đất để chôn tro cốt tía, có liên quan gì nhau? Em càng không hiểu được, má đang kêu tía hay đang méc với ông trời. Cảm giác như má đang lấy cái lưỡi câu mang hình chữ “Hiếu” móc vào lòng Thủy, thách thức. Em thở dài, đau cho nắm tro tàn của tía bị xao động trong cái hũ sành. Ắt là tía đang lắc đầu ngậm ngùi: “Không phải ý tía đâu con, không phải tía”.
Hình như má đã chán chường kiếp sống hàng bông lang bạt kỳ hồ, coi ghe là nhà, coi sông là đất. Nỗi lòng như mớ lục bình trôi, một bữa giữa cơn mưa, thấy sắp tấp vào bờ. Chỉ cần níu lấy là an yên suốt quãng đời còn lại, có thể vậy mà trổ bông. Nhưng dường như trong má còn có một cái bến mông lung khác rất mù khơi và mang tên nỗi sợ…
Nỗi ấy thấp thoáng dáng hình của tía, hay ùa về mỗi lần con cá Hổ quẫy đuôi động nước ngoài vực xoáy lòng sông. Thế nào trong chập chờn, má cũng mường tượng thấy tía lấy cái neo nhọn như lưỡi câu, cùng cọng xích sắt quấn quanh bụng, từ từ lặn chìm xuống đáy sông; mắt nhắm, tay lần mò cưa từng miếng sắt tàu bị thủy lôi đánh chìm hồi kháng chiến. Má hét ú ớ trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, “ông ơi lên đi, cá động, về đi ông?”. Tía ngó lại nhìn bằng ánh mắt bén ngót và lạnh lùng như một lưỡi câu, rồi lặn chìm xuống sâu hơn và biến mất; không một dấu vết nào trên sông, phẳng lặng.
Qua cơn mơ, má sẽ kể lại cho Thủy nghe kèm theo mấy câu, “đời tía đến từ sông, thì tía trở về lại với sông. Cũng như má, má đến từ đất thì khi về, má nhất định cũng phải trở về với đất”. Tuổi già làm má thấy rung rinh, trái tim mấy lần loạn nhịp thì sẽ có ngày nó lặng lẽ, không huênh hoang co đập nữa. Tim sẽ chiến thắng má sau những tháng ngày ngang ngược. Và má sẽ bất lực xuôi tay, như tía; buông trong lúc cố vói lấy cái ly nước, hay nhắm mắt ngã vào sông khi nghe con cá Hổ quẫy sát bên sườn.
Nỗi sợ làm má ủ ấm ước mong, dù gì trước giây phút lặng lẽ đó, má phải được vài bữa an yên trên mảnh đất mang tên của mình. Ngày đó chập chờn vừa gần vừa xa, như cái roi quất vào mông con ngựa chứng, chạy bán sống bán chết trên chiếc đồng hồ tít tắt liên hồi. Má lại thấy con sóng mỗi lúc một hung, mà bờ sông cứ không thôi rơi ùy ầm, ùy ầm… Má nghèn nghẹn không nên lời, nhưng Thủy biết má muốn nói rằng, “má sợ”…
Nhìn sông nổi sóng lưỡi búa, mỗi mùa nước lớn lại kéo về thêm đông. Má không thể nào bình tĩnh được; nói vu vơ bằng mấy câu, “thằng Mồi coi vậy mà thương con, hay là con về với nó, bán ghe gom góp đưa tía con lên bờ”. Hoặc câu kinh điển hơn như, “năm sau vào tuổi ba mươi, tuổi đó Bà Cậu sẽ đãi cho thằng Mồi cá Hổ, đủ bỏ nghề hạ bạc để lên bờ, cất nhà, trồng rẫy. An yên!”.
Thủy không biết lời nguyền của dân hạ bạc có linh nghiệm hay không, nhưng sự thật bốn đời nhà Mồi, hễ cứ đúng vào hai đốt tuổi ba mươi hoặc sáu mươi là bắt được nhiều cá Hổ, có thể phất lên đổi đời. Cho là tin điều ấy đi, thì có ăn thua gì chuyện Thủy về làm vợ của Mồi? Má lại ôm hũ tro cốt của tía, giãy khóc: “Con vì má một lần không được sao Thủy. Hay con muốn má nhảy sông mò tìm hồn vía tía, con mới chịu?”. Lần đó má ngồi ở đuôi ghe, một chân đã đụng mặt nước, sóng như cố đớp lấy chân má. Thủy cảm giác như có cơn lạnh chạy tận xương tủy mình. Bậm môi, em gật đầu mà không biết là vì đâu. Vì đâu?
Em đám cưới với Mồi, trên chiếc ghe chày bốn đời theo nghề hạ bạc. Đám xong hôm trước thì hôm sau má bán ghe hàng bông. Cùng mớ tiền cưới, má lên bờ mua một xéo đất ở bờ sông, cất một căn nhà nho nhỏ. Vài hôm lại ngó ra sông chăm chú, má coi ngọn đèn câu nào của vợ chồng đứa con gái rượu; rồi thả bao hy vọng lên ngọn đèn ấy, như những phao mồi lấp lánh trong đôi mắt cá Hổ, lung linh. Ngó đèn hồi lâu, thế nào má cũng sẽ nhớ lời Mồi: “Nào con bắt được cá Hổ, con sẽ đem cặp mắt cá hấp bún tàu cho má ăn. Người Chà nói, ăn được mắt cá Hổ thì sẽ tan hết cườm”…
Đêm, sau mỗi lần thả lưới và câu chờ cá động, Mồi ôm Thủy vào lòng rồi kể. Tía Mồi lúc vào tuổi sáu mươi, đã bắt được liên tục ba con cá Hổ nặng gần hai trăm ký. Ông bỏ sông lên bờ, trả nợ, cất nhà. Dúi lại lòng anh em Mồi mấy câu dặn dò gan ruột, “đời tía bắt được bây nhiêu cá Hổ là đã đủ…”. Tía để ghe chày, lưỡi câu đồng đen và lưới cho hai anh em, cùng lời nguyền của dân hạ bạc. Lời nguyền cũng như con cá Hổ, mơ mồ, mê hoặc và thách thức. Lâu lâu vẫn hay trồi lên trong giấc mơ của hai anh em bằng những cảnh hư hư thực thực. Nhà to, đất rộng, vợ đẹp, con ngoan, xe hơi chạy vù vù gió cứa… Lúc mơ tới gió thường sẽ giật mình, nghe thấy gió xe cũng giống gió rú bên hông ghe…
Ba năm trước, anh của Mồi bắt được cặp cá Hổ lúc anh đang ba mươi tuổi. Trước hôm cặp cá sa câu, anh chìm vào giấc chiêm bao kỳ lạ. Thấy rằng anh là con cá, sắp đớp lấy lưỡi câu treo từ trên trời, rung rinh trước mặt. Lưỡi câu treo những bó vàng thẻ, căn nhà to và cô vợ đẹp. Căn nhà thắp đèn sáng rực, cô vợ vẫy tay kêu cứu, vàng thẻ sáng lóa mắt. Anh sắp đớp lấy mồi như quán tính thì chợt quẫy đuôi nhớ lấy cảnh hồi ba năm về trước. Ba tía con cầm xâu vàng khâu, khóc ròng khi nhìn thương lái xẻ thịt con cá Hổ. Đôi mắt cá đỏ bầm nhìn chầm chầm uất nghẹn. Cảm giác như người ta xẻ thịt anh em mình, không cách nào chịu được! Nghĩ vậy nên cá quẫy đuôi đi. Cú quẫy đó cũng là cú đạp mạnh vào ba sườn của thằng em. Mồi đau, la hoảng làm anh thức giấc.
Giấc mơ cá Hổ vẫn chập chờn trong anh cho đến lúc thả câu, anh lầm rầm “chắc cá Hổ sẽ… Nhất định cá sẽ…” Và đúng hôm đó Bà Cậu đãi anh, cặp cá Hổ sa lưới. Thương lái đến cân được gần ba trăm ký thịt. Lúc cầm vàng trên tay, anh dúi vào tay Mồi mấy khâu, rồi nói nhỏ: “Em lấy mớ này làm vốn hoặc cưới vợ đi, để chờ cá dính câu có khi đã trễ”… Chữ “trễ” của anh mang bao ý nghĩa, mà Mồi cứ nghĩ hoài, nghĩ hoài vẫn không biết mình sẽ trễ điều gì ở trong đời…
Đời Mồi sẽ không bao giờ quên được mùa nước nổi của ba năm về trước. Mùa đó tía treo mình lơ lửng trong vườn xoài sau sòng bài, trong túi vẫn còn một sấp giấy nợ vay nóng chưa trả hết. Mắt trừng trừng như một nỗi hận thù lá bài không mang hình cá Hổ mà lại mang hình bà đầm già mắt xếch long lanh. Cũng năm đó anh vào tuổi ba mươi, bắt được cặp cá Hổ rồi lên bờ trả nợ, chuộc lại căn nhà của tía. Mấy tháng sau thì anh cưới vợ. Mồi ở lại một mình dưới ghe khi vừa bước sang tuổi hai mươi bảy.
Mỗi chiều, khi mặt trời mửa máu ở bờ tây, Mồi đem cái lưỡi câu to như neo ghe lớn, bằng đồng đen, ra chùi sạch. Bên cạnh là nồi thuốc với ba mươi sáu vị dược liệu hái ở Thiên Cấm Sơn. Mồi tỉ mẩn tra mồi vào lưỡi câu, vừa tra vừa tập trung cao độ, nín thở đọc mấy câu phù bùa: “Um la sóc, mờ um sóc, la um um”…
Tra mồi xong, thì phải lấy lọ mỡ người ra thoa vào. Không hiểu sao cứ mỗi lần mở lọ mỡ ra là Mồi lại thấy rờn rợn, lạnh sống lưng. Mồi nghi ngờ mớ mỡ đó, nhưng lại phải tin. Vì lời truyền rằng, mớ mỡ đó có từ đời ông xơ. Lúc ông còn là thổ phỉ, đã tích góp mớ mỡ người để dành câu sấu. Nhưng không may một hôm sa chân, ông bị cá Hổ tấn công, giũ cho đến chết. Từ đó dòng tộc truyền nhau lời nguyền “có vay thì phải có trả…”. Phải diệt cho hết loài cá sát nhân, bằng lưỡi câu đồng, bài thuốc bí truyền và mớ mỡ người mà ông xơ để lại. Đấy là bí kiếp gia truyền, tất cả đều phải nghiêm ngặt và chi li đúng bài bản mới hy vọng bắt được con cá Hổ tinh ranh. Càng gần tuổi ba mươi, Mồi càng tin điều ấy. Cứ vài ba ngày vào cuộc câu, ngó số vạch trên ghe, Mồi lại thầm vái cụ xơ, xin cụ sống khôn thác thiêng…
Mồi nhẹ nhàng cho ghe ra vùng ổ cá, ở giữa rốn sông. Nơi con nước xoáy dữ nhất. Người ta đồn rằng, dưới con nước quay ấy chính là hang của cá Hổ. Lưỡi câu lìm lịm chìm dần dưới đám lục bình, mỗi lúc một nặng thêm. Mồi nhẹ lui ghe cho lưới bủa quanh, những ánh đèn bắt đầu lấp lánh.
Gạch một gạch vào mạn ghe, Mồi nói với lòng mình sẽ sớm bắt được cá Hổ trước khi qua tuổi ba mươi. Còn không, bao giờ hơn ba trăm lẻ ký lô mồi câu thì mình biết, trời đã không cho bắt được cá, kể như lời nguyền đã giải. Thủy ngó chỗ mạn ghe chi chít lằn gạch dấu, cẩn thận đếm được hơn hai trăm năm chục dấu gạch. Ngó xuống bụng như có con nòng nọc vừa mới tượng hình, em biết, cuộc câu này không còn dài lắm…
Hôm qua, ghé nhà thăm má. Má không ôm hũ cốt tía giãy giụa khóc lóc như mọi khi. Mặt má hơi đâm chiêu, đôi mắt bị cườm nước mờ mờ ảo ảo, ngó ra bờ sông lở sắp tới chân hàng ba, má nói: “Chắc không lâu nữa là sông ngoạm đến nhà mình”. Thủy ngó Mồi đang ngồi vấn điếu thuốc rê, ý hỏi rằng, Mồi có kịp bắt được sự thiêng của lời nguyền, nhanh hơn là dòng sông ngoạm đất?
Lúc hai đứa trở xuống ghe chày để đi, Mồi soạn lưỡi câu và mớ xiệc điện trước bàn thờ Bà Cậu, nói với má, nhưng Thủy biết là Mồi nói luôn với mình: “Má đừng lo nghen, con sẽ kịp bắt cá Hổ!”. Má rưng rưng. Mỗi đêm nghe con cá trúng câu rồi giật thoát ra được. Giận dữ, cá nhảy lên mặt nước rồi rơi một tiếng “ầmmmmmmm” dữ tợn, động cả khúc sông. Không biết lúc vuột con cá Hổ, Mồi đã tức tối cầm cây mác phóng vào bụng sông đâm cho tứa máu như thế nào? Nghĩ vậy, đứng trong hàng ba nước liếm, ngó phía neo đậu ghe của con gái và chàng rể là má rầu. Căn cớ gì mà sông lại giận dỗi như vậy, ắt là đất sẽ lở thêm và cuộc chạy đi… Đi đến nơi đâu?
Có lần, thấy Thủy đem mớ cá con nhỏ như chân nhang ra chợ bán, má định nói với Mồi rằng, hay là con đừng giăng điện vào lưỡi câu cá Hổ nữa. Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá… Biết đâu, con ơi! Nhưng má không nói được, không hiểu sao nghĩ thật kỹ càng rồi mà má vẫn không nói được. Có lẽ chục lượng vàng từ thịt cá Hổ sẽ an yên hơn là sông lặng sóng…
Mồi bước qua tuổi ba mươi, số vạch trên mũi ghe cũng quá mức ba trăm. Dân hạ bạc nói, có thể cá Hổ đã bị tuyệt chủng. Lời nguyền rửa hận của Mồi chắc cũng đã hoàn thành. Mồi bần thần rất lâu, ngó lưỡi câu và mớ xiệc điện rồi bấm bụng bán ghe để phóng thích nỗi hận thù truyền kiếp. Ôm lưỡi câu và lọ mỡ người, Mồi cùng Thủy lên bờ ở với má. Cũng căn nhà ở bờ sông, con nước mùa này về, lại sắp liếm đến nền. Tiền bán ghe không đủ trả nợ bấy lâu nay. Nền nhà như bị tứ bề đe dọa…
Mồi xin đi làm bốc vác ở bến cá. Ý nghĩ trong đầu cứ rối bời, không bắt được cá Hổ thì phải làm sao? Mươi bữa nữa là đứa con chào đời, nhà phải chật vật thêm mớ tiền thuốc men sữa tả… Lẽ nào lời nguyền đã giải thiêng? Lẽ nào…
Sáng nay má nói đêm qua sóng dữ quá, má sợ nhà mình không chịu được lâu, nên rầu không ngủ được. Thủy lặng im, hai tay ôm bụng nhìn mớ cá hủn hỉn kho đã ba hôm nước sắc cạn queo, ngao ngán… Mồi coi lịch, ba bữa nữa là đến ngày đóng lãi cho chủ nợ… Ý nghĩ về lời nguyền cuộc câu cá Hổ có cơ hội dậy lên, không thôi sinh sôi càng lúc càng đầy như sông đang mùa nước đổ. Mồi lại đem lưỡi câu ra giũa, cảm giác độ bén có thể cứa đứt cả những cơn gió bay qua…
Một bữa vác hàng ban đêm, gió im, sông dát vàng trăng rọi. Mồi lơ mơ nghĩ đến món tiền cần có gấp, miệng lẩm bẩm như đang đọc chú thì chợt nghe vọng từ xa mỗi lúc một gần. Tiếng con cá Hổ quẫy đuôi, ẩn hiện trước mặt, bơi quanh rốn sông, vừa bơi cá vừa thả sóng. Vảy cá Hổ màu vàng nhũ, lấp lánh kỳ bí như một kho báu.
Mồi tức tốc chạy về nhà, đem lưỡi câu đồng ra, quên cả việc tra mồi và thoa mỡ. Ôm lưỡi câu, Mồi phóng xuống chiếc xuồng đậu ở ven bờ, bơi nhanh ra chỗ nước động. Cá Hổ mỗi lúc quẫy mạnh hơn, vẫy lấp lánh dưới ánh trăng như thách thức. Ra gần giữa sông thì Mồi ôm lưỡi câu nhảy xuống quầng với cá. Tiếng hét của Mồi vang lên, mỗi lúc một vọng đi xa.
Má hoảng hốt đứng trên bờ nhìn sông mà nghe lòng như sôi bọt. Mồi vừa quầng vừa hét. Đến một lúc sông hết cuồn cuộn xoáy, sóng đã lặng im thì không thấy đâu Mồi nữa. Mắt má chợt ứa nước, như ngọn suối lòng khô cạn đã lâu giờ vỡ mạch nguồn tuôn. Dòng sông chảy qua đáy mắt mang một màu đo đỏ, không rõ là máu cá hay máu người. Má thất thần thấy con rể lờ đờ trôi giữa bụng sông, hằng hà sa số cá con lúc nhúc rỉa lấy Mồi… “Trời ơi, Mồi ơi, con đã về với sông rồi sao?” – Nơi người đàn bà đau bụng đẻ trên ghe, chờ chồng bắt xong con cá Hổ hả vào bờ, và đẻ rớt… Đứa nhỏ nằm trên mớ lưới ẩm, mở mắt khóc dưới ánh trăng, sóng từ từ lặng im, chỉ lời người đàn ông vang động, “Mẹ nó, lại vuột con cá to!”…
Còn Thủy, đứng chết trân trước sông, hai tay ôm bụng, đứa nhỏ chòi đạp đếm lùi ngày chào đời. Em thấy mình man mác cảm giác của chồng, hồi bị vuột con cá Hổ to, bụng mang bầu trứng màu vàng khé, mỗi trứng là một điều ước vọng… Hình như em luôn tin rằng, chỉ là vuột con cá thôi, chồng em đang rượt theo cá hay đang đi câu đâu đó, nay mai lại về đưa em lên trạm xá sinh con chứ gì…
Cuộc đi của Mồi bí ẩn và dài đến ba ngày. Con cá Hổ không xuất hiện trên đoạn sông này từ đó và vĩnh viễn. Mồi như còn luyến tiếc điều chi đó nên trôi đi khá xa, người ta rượt theo tìm thì thấy xác kẹt trong đám chà sắp dỡ, cách đó gần chục cây số đường sông, lờ lững…
Xóm hạ bạc lục đục đem ghe chày ra đón. Mồi nằm im lìm rỉ nước, gồng mình và mang nhiều dấu vết như con cá mắc câu. Đôi mắt đục ngầu không nhắm như lườm trực điện với ông trời đang tung nắng chang nhức nhối. Lúc đó, Mồi vẫn ôm khư khư cái lưỡi câu bằng đồng đen, không dễ gì tháo ra được.
LÊ QUANG TRẠNG