Truyện ngắn tác giả trẻ Lệ Hằng ở Đà Nẵng

Vanvn- Lệ Hằng tên khai sinh Lê Thị Lệ Hằng, sinh ngày 01.5.1988, hiện là cô giáo dạy tiếng Anh, sống ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Tuy công việc bận rộn nhưng Lệ Hằng đam mê sáng tác và đến với văn học như một nhu cầu tự thân. Lệ Hằng sáng tác cả thơ, trường ca, truyện ngắn và viết tiểu luận phê bình. Thể loại nào Hằng cũng có điểm nhìn mới và lạ. Trong những năm qua, Lệ Hằng đã xuất bản 3 tác phẩm. Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, chúng tôi trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn tác giả trẻ Lệ Hằng ở Đà Nẵng.

NGUYỄN NHO KHIÊM chọn và giới thiệu

Tác giả trẻ Lệ Hằng

BÁN CHÚA CHO TAO

 

Gã chỉ ngoài năm mươi trong vẻ ngoài hoàn hảo của một cụ ông bảy mươi.

Phải!

Chỉ ngoài năm mươi thôi. Gã mò mẫm lại những sự kiện chính của đời gã. Ừm, dễ chi đã qua lục tuần. Nhưng chỉ nói ngoài năm mươi e là chưa đủ, gã sẽ cần một con số. Phải rồi, một con số cụ thể, năm ba hay năm sáu, hay năm mốt. Sớm thôi gã phải chọn cho mình một con số làm tuổi cho giống với người ta. Ở đời làm chi có người không biết tuổi của mình. Một con người sống trong ngôi nhà khang trang có cái sân vuông vức gọn gàng sẽ không thế. Một con người sống trong ngôi nhà có hòn non bộ hữu tình lá chen bên đá, đàn cá lượn quanh trước sân sẽ không thế. Một con người sống trong ngôi nhà có con chó Phú Quốc thuần chủng trứ danh sẽ không thế. Một con người sống trong ngôi nhà có cái bàn nước đặt trước sân với chồng sách báo lúc nào cũng nửa úp nửa mở sẽ không thế. Sẽ không thế… sẽ không thế…

Vậy nên gã cần một con số. Gã sục sạo ký ức tìm một cột mốc thời gian. Khi ấy, gã ở cùng cha nuôi. Gã được cha nuôi cho đi học. Gã biết các con số. Gã nhớ ra con số ngày nào gã cũng chép trong tập vở. Gã đã có một năm để làm mốc. Nhưng năm ấy gã lên mấy gã lại không biết. Cha nuôi của gã cũng không biết. Gã đoán vậy, ông chưa bao giờ nói với gã về chuyện này. Khi ông nuôi gã thì gã cũng đã lầm lầm biết đi. Hình như gã bị bỏ rơi ngoài chợ, hình như gã đã khóc, hình như có bàn tay ai đó quờ quạng sờ đầu sờ mặt rồi ôm lấy gã, rồi hình như gã được ngủ trong cái chăn vải hay cái ổ rơm gì đó, nói chung là ấm… Kí ức nhòe nhoẹt khiến gã đau đầu nhưng gã vẫn không thể nào lần ra được năm gã đã chào đời.

Rồi người ta sẽ hỏi tuổi. Nhất định sẽ có người hỏi. Nhất định sẽ có nhiều người hỏi khi gã rời cái xóm mả dời thổ tả này và sở hữu một ngôi nhà. Một ngôi nhà trên đất hẳn hoi. Một ngôi nhà có cổng cao ngút nhưng hàng rào sẽ thưa, và cánh cổng cũng sẽ thưa vừa đủ để người qua lại trên đường kịp ngắm hòn non bộ và nếu tò mò họ sẽ thấy bầy cá cảnh nhịp nhàng lượn giữa đám rong mà gã vớt từ một ao sạch nào đó. Và họ cũng sẽ thấy cái bàn nước cùng ấm trà của gã. Cả cái ghế tựa bằng gỗ đánh véc-ni láng bóng của gã. Cả con chó Phú Quốc trứ danh của gã nữa. Phải, họ sẽ thấy một ngôi nhà đáng sống. Một ngôi nhà đáng sống như ngôi nhà gã đã thấy nhiều năm về trước. Gã làm sao biết chính xác khi ấy gã bao nhiêu tuổi, nhưng gã chắc chắn gã đã lớn và gã biết mình muốn gì.

Ngôi nhà trong phố cảng ấy, ngôi nhà mà gã đã đứng hàng giờ để ngắm nó qua hàng rào ấy bây giờ gã sắp sắm vai chủ nhà. Và dĩ nhiên qua hàng rào họ sẽ thấy gã. Họ sẽ thấy gã muôn phần lịch lãm với cuốn sách hay tờ báo trên tay. Gã biết chữ và gã bắt đầu đọc sách. Nếu ai đó bắt chuyện với gã, họ sẽ được nghe lời hay ý đẹp. Và nếu may mắn, gã sẽ vớ phải người cả đời không đọc nổi một cuốn sách, hắn ta sẽ xuýt xoa xem gã là túi khôn của nhân loại. Một trí thức đáng kính. Đó là gã, chính xác là gã. Rồi sẽ có ít nhất một đứa rách rưới nào đó âm thầm ngắm ngôi nhà của gã qua hàng rào. Nếu nó dại dột tiến gần sát cổng, gã không cần suỵt nhẹ con chó Phú Quốc vẫn sẽ chồm lên sủa. Loài chó kị người rách rưới. Gã cũng kị người rách rưới.

Ngôi nhà của gã, hòn non bộ của gã và cách gã cho cá ăn sẽ y chang như những gì gã thấy ở phố cảng. Nhưng gã không về phố cảng. Tuyệt đối không về phố cảng. Và tuyệt đối không ở nơi có lắm nhà thờ. Đúng vậy, gã phải chọn một nơi khuất bóng các nhà thờ. Có thể gã sẽ về một miền quê, một thị xã hay một phố núi heo hút nào đấy. Khốn nạn thật, chẳng có phố thị nào mà vắng bóng các nhà thờ và tiếng chuông ám ảnh của nhà thờ. Và gã cũng phải chọn một nơi sạch sẽ không có người tàn tật tới lui như âm khí, một loại âm khí nặng nề dai dẳng. Một nơi sạch sẽ để đôi mắt mù lòa như dị nhân ấy không còn ám lấy gã…

– Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…

Hừ, thằng Đao làm gã hơi giật mình. Chẳng có ma quỷ hay thánh thần nào khiến gã sợ. Gã chỉ ngán cái giọng ồm ồm ngọng nghịu của thằng Đao. Cái giọng ấy cứ như vọng từ âm ty lại. Gã nhếch mép. Cái nhếch mép nhanh cỡ ngang tốc độ ánh sáng. Hình như gã có ý muốn cười. Quả vậy, gã đã cười. Ánh mắt gã nói lên điều ấy. Rồi gã nhổ nước bọt. Chúa thần là thứ vớ vẩn nhất con người có thể nghĩ ra. Nhưng nhờ Chúa, nhờ Thần, nhờ Phật mà gã ăn nên làm ra. Càng vớ vẩn càng dễ mang tiền đến. Và mang rất nhiều tiền đến két của gã.

– Để tao phụ mày…

Gã cúi xuống, đầy thành kính, đầy sốt sắng, đầy vẻ yêu thương, gã phụ thằng Đao đóng đinh để hai khúc gỗ dính vào nhau thành hình chữ thập.

Vẫn đầy thành kính, gã làm dấu Thánh Giá rồi cùng thằng Đao đọc kinh.

“…Lạy vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.”

Gã kéo giọng dài, đọc to rền rĩ lấn lướt giọng ồm ồm của thằng Đao. Thằng Đao chia cho gã một nửa thức ăn và một nửa tiền nó được bố thí hôm nay.

***

Rồi gã cũng cần một gốc gác. Người ta sẽ hỏi gã từ đâu mà đến. Gã có nơi để về thì phải có nơi từ đó gã ra đi. Gã không thể trả lời là gã không biết, gã không nhớ hay gã đục đất nẻ chui lên. Một con người lịch thiệp sống trong một ngôi nhà khang trang như ngôi nhà gã đã thấy ở phố cảng thì không thể không có lấy một gốc gác đàng hoàng. Nhất là khi ngôi nhà ấy còn có khoảng sân vuông, còn có hòn non bộ, còn có đàn cá cảnh, còn có con chó Phú Quốc, còn có cái bàn nước và sách báo… thì chủ nhà càng phải có một gốc gác đàng hoàng. Phải, một gốc gác đàng hoàng! Gã phải có gốc gác và phải có quê hương để nhớ thương kể lể. Một quê hương! Phải rồi, một quê hương. Ý tưởng về một quê hương lóe lên trong đầu gã như chùm pháo bông rực lên trên nền đen của một đêm ba mươi nào đấy, nó chấp chới rồi lịm vào đêm. Mấy chục năm trong nghề, gã qua biết bao phố thị nhưng không chốn nào cho gã gọi một tiếng quê hương. Trống rỗng thay, gã phải tìm nơi để neo lòng mình. Đành vậy, gã quay về nhận phố cảng như một-quê-hương.

Phố cảng ấy, so với nhiều nơi gã đã qua, thì hoa lệ hơn nhiều. Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Gã thuộc về nhóm thứ hai. Bên rìa thành phố, bên rìa những rạp xi-nê, những nhà hàng, những khán đài sân vận động… có một ngôi nhà ấm-cúng và đầy-đủ. Ngôi nhà của gã và cha nuôi. “Ngôi nhà ấm cúng” là từ mà cha nuôi gã đã dùng. Và chỉ là từ mà ông dùng còn gã thì không. Với gã, nó là cái hộp diêm nằm cuối một hẻm nhỏ trong một hẻm lớn. Nơi ấy, suốt ngày tuyệt không một bóng người nào qua lại ngoại trừ cha con gã. Không một ai, thực sự là không một ai. Tối tăm, ẩm thấp, mốc thếch…

Gã rùng mình. Xộc vào mũi gã là cái mùi của nhà cũ trên quê cũ. Không! Gã không thể nhận nơi ấy làm quê hương, không thể nhận cái mùi ấy làm cái nôi nuôi gã lớn. Không thể nào! Gã như mắc ói. Thật ghê tởm và bệnh hoạn.

Rồi gã sẽ có một kịch bản khác hoàn hảo cho gốc gác của mình. Có tiền là có tất cả, sớm thôi gã sẽ có tuổi và sẽ có quê. Không phải phố cảng cũng chẳng phải cái nơi mả dời thổ tả gã đang ở mà là một nơi sạch sẽ. Một nơi sạch sẽ, theo ý gã, là nơi không có người tàn tật tới lui như âm khí. Một nơi sạch sẽ, theo ý gã, là nơi đôi mắt mù lòa như dị nhân ấy không còn ám lấy gã. Một nơi sạch sẽ, theo ý gã, là nơi khuất bóng nhà thờ, khuất bóng tiếng chuông và cả tiếng kinh cầu…

– Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…

Giọng thằng Đao như vọng từ âm ty lại. Chúa thần là thứ vớ vẩn nhất con người có thể nghĩ ra. Càng vớ vẩn càng dễ mang tiền đến. Và mang rất nhiều tiền đến két của gã. Gã quỳ xuống bên thằng Đao.

Giờ đọc kinh kết thúc.

– Mày muốn được khôn ngoan thông sáng?

Thằng Đao gật đầu lia lịa.

– Chúa của mày đang ở bên mày đây Đao. Mày không cần phải cầu xin Cha trên Trời nữa đâu. Tao sẽ cho mày khôn ngoan của tao nhưng để xem hôm nay mày có kiếm được nhiều tiền không đã.

Thằng Đao nom ngơ ngác. Gã nom hào hứng.

– Ăn mày là một nghề nghiêm túc và trí tuệ. Trí tuệ, mày hiểu không? Nghĩa là mày phải dùng cái này nè.

Gã chỉ tay lên đầu gã, rồi lên đầu thằng Đao. Dưới ánh hoàng hôn, mắt gã sáng lên. Thi thoảng thằng Đao gật đầu. Thi thoảng thằng Đao lắc đầu. Còn gã say sưa nói.

– Có lẽ tao phải dạy cho mày cả tuần mới hết, có khi cả tháng cả năm mới xong.

Gã mơ màng. Gã thấy mình đã thành trí thức. Có lẽ gã phải viết một cuốn sách. Phải rồi, một cuốn sách với tên tác giả là Cu Mù! Và gã phải gửi cuốn sách về phố cảng cho cha nuôi của gã. Thậm chí, ông phải là người đầu tiên đọc nó. Ông phải đọc nó để thấy ăn mày là một nghề nghiêm túc và trí tuệ. Ông phải đọc nó để thấy ông đã sai khi phản đối gã lúc gã đề nghị dắt ông đến nơi mà gã đã phải đánh đổi rất nhiều mới có được sự bảo kê. Ông phải đọc nó để thấy rằng cái ước mơ ông dành cho gã thật bệnh hoạn. Làm người tử tế không mang lại cho gã nhiều tiền và không mang lại cho gã ngôi nhà có sân vuông, có hòn non bộ, có đàn cá cảnh, có con chó Phú Quốc, có bàn nước, có sách báo, có sự xuýt xoa của người qua kẻ lại… Ông phải đọc nó để thấy rằng ông đã sai khi muốn gã học nghề, một thứ nghề tử tế và mạt kiếp như chính ông. Và ông phải đọc để thấy nhờ ăn mày gã đã có thể có những thứ gã muốn, những thứ mà cuộc đời tăm tối của ông trong cái hộp diêm mục nát ấy không bao giờ có thể tưởng tượng ra. Môi gã cử động. Hình như gã có ý muốn cười. Quả vậy, gã đã cười. Rồi gã lại nhổ nước bọt.

Cha nuôi của gã sẽ là người duy nhất cần đọc cuốn sách ấy, nhưng cha nuôi của gã còn sống hay đã chết? Gã không biết.

Gã đứng dậy. Thằng Đao chia cho gã một nửa thức ăn và một nửa tiền nó được bố thí hôm nay.

***

Rồi gã cũng sẽ cần một cái tên. Khốn nạn, cái tên còn quan trọng hơn tuổi tác và quê quán của gã. Cái tên là thứ người ta muốn biết đầu tiên khi họ muốn biết về gã. Rồi họ sẽ gọi gã là “ông…”, “chú…”, “bác…”, “anh…” gì đấy, phải có một cái tên lịch thiệp tử tế vừa xứng với ngôi nhà khang trang của gã. Xứng với khoảng sân vuông vức gọn gàng, xứng với hòn non bộ hoa đá hữu tình, xứng với lũ cá lập lờ dưới lớp bèo, xứng với con chó Phú Quốc trứ danh, xứng với chồng sách báo phảng phất mùi trí thức… Trời đất quỷ thần ơi, gã cần một cái tên để làm người!

Kí ức lại chạy lộn ngược trong đầu gã. Cha nuôi của gã cũng từng chọn cho gã một cái tên. Phải, gã đã nhớ ra, một cái tên thánh thiện và nghèo nàn như mơ ước ông dành cho gã. Thành Nhân. Gã phải Thành Nhân, phải làm một người tử tế, sống một cuộc đời tử tế, có một nghề tử tế và… mạt kiếp. Sém chút thì nó trở thành tên của gã trên giấy tờ. Chỉ “sém” thôi vì cái tên không hợp với gã hoặc gã không hợp với cái tên…

“Xoạch!”

Thằng Đao húc phải người gã. Khẩn trương và đầy vẻ ăn năn, thằng Đao ngọng nghịu xin lỗi gã, hai tay nó giữ chặt túi ni-lông đựng xi măng trắng trước bụng.

– Để tao phụ cho.

Hôm nay thằng Đao muốn làm tượng Chúa Cứu Thế.

Chúa Cứu Thế là một người đàn ông gầy rạc trần truồng. À không, vẫn còn cái khố rách. Nom Chúa Cứu Thế chẳng giống ai ở cái xứ này. Tóc nè, tóc thì xoăn và dài tới vai. Rồi thì đầu, đầu đội vòng gai nhọn hoắc. Và Chúa chết, chết ngoắc ngoẻo trên cây thập giá. Đây, chỗ này nè, cạnh sườn bên phải là một vết đâm… Thằng Đao hì hục phụ gã, gã nhảy một bước từ thợ phụ lên thợ chính lúc nào chẳng hay. Chúa Cứu Thế đẹp và thật vô cùng qua lời của gã. Y như mùa Phục Sinh nhiều chục năm về trước, khi gã ngồi bên cha nuôi của gã trong nhà thờ. Ông ngồi bất động ngắm Chúa Cứu Thế cả giờ đồng hồ. Bất chợt, ông quay sang nhờ gã tả Chúa Cứu Thế trên thánh giá cho ông nghe. Gã tả đến đâu ông chùi nước mắt đến đó. Ông bảo chưa bao giờ ông thấy Chúa Cứu Thế rõ ràng đến thế. Rồi ông nắm tay gã:

– Nghe này, nhà mình sẽ có Chúa. Ý ba là sẽ có một tượng Chúa Giê-su trên Thánh Giá y như con vừa tả. Chúng ta sẽ để Chúa của chúng ta ở chỗ đẹp nhất. Nghe này, con có thể sẽ thấy khó tin nhưng ba đã chọn được chỗ đẹp nhất rồi đấy. Trên bàn nước của chúng ta, ngay trước bàn thờ. Ba sẽ chạm vào chân Chúa vào mỗi buổi sáng và sẽ chạm vào vết thương của Chúa vào mỗi đêm trước giờ chúng ta đi ngủ…

Phải mất mấy năm, gã chẳng thể lẩy ra một con số, nhưng chắc chắn là không dưới ba năm kể từ chiều hôm ấy cho đến ngày cha nuôi gã dắt gã vào một tiệm sang trọng. Ông sờ soạng tìm Chúa của mình. Dĩ nhiên ông tìm được. Như lời gã đã tả hay chỉ là cảm giác của ông theo lời gã, gã chẳng quan tâm và cũng chẳng nhớ họ đã nói gì với nhau trong cửa tiệm sang trọng chiều hôm ấy. Gã chỉ nhớ hơn một năm sau cha nuôi của gã dúi vào tay gã một thứ gì đó như là cái túi bạc.

Phải rồi, một cái túi bạc! Chính xác là một cái túi bạc.

Ông nắm tay gã, như đã nắm tay gã mùa Phục Sinh mấy năm về trước khi họ ngồi bên nhau trong nhà thờ, trước tượng Chúa Cứu Thế. Giữa cơn ho sù sụ, ông dặn dò gã cặn kẽ đến từng li đường đi đường về để Chúa của họ được rước về nhà cẩn trọng và hoàn hảo nhất. Gã nhìn cha mình. Hình như đó là lần đầu tiên gã chủ động nhìn cha mình lâu đến thế và nhìn vào đôi mắt mù lòa không cử động như dị nhân của cha mình lâu đến thế. Khốn nạn, trên gương mặt xanh như tàu lá vì bệnh tật ấy và trên đôi mắt mù lòa không cử động như dị nhân ấy lại ánh lên thứ gì đó rất rạng rỡ. Sớm thôi, ngay hôm nay thôi ông sẽ được chạm vào chân Chúa của ông vào mỗi buổi sáng và chạm vào vết thương trên ngực Người vào mỗi đêm trước giờ hai cha ông lên giường đi ngủ…

Gã xuống phố đi về hướng cửa tiệm có tượng Chúa Cứu Thế mà cha gã đang chờ, như lời cha gã dặn. Gã bước vào cửa tiệm. Gã nhìn Chúa Cứu Thế chết ngoắc ngoẻo trên thập giá. Gã đẩy cửa bước ra, cánh cửa đóng sầm sau lưng gã. Gã nhếch mép. Cái nhếch mép nhanh cỡ ngang tốc độ ánh sáng. Hình như gã có ý muốn cười.

Gã vào bến xe. Gã mua vé. Gã lên xe. Gã chọn một chỗ ngồi dễ chịu. Gã rời phố cảng khi nhà thờ gióng hồi chuông chiều rền rĩ.

Gã rời phố cảng. Bức tượng lùi dần sau lưng. Chúa Cứu Thế lùi dần sau lưng. Nhà thờ lùi dần sau lưng. Tiếng chuông chiều rền rĩ lùi dần sau lưng. Tiếng kinh cầu tha thiết đêm đêm lùi dần sau lưng. Những bữa ăn mạt kiếp lùi dần sau lưng. Những lời tạ ơn như khuôn vàng ý ngọc của người cha nuôi trước những bữa ăn mạt kiếp lùi dần sau lưng. Cái hộp diêm tối tăm, tồi tàn, mốc thếch lùi dần sau lưng. Người đàn ông mù lòa rạng rỡ chờ ôm Chúa của mình trong cái hộp diêm ấy cũng lùi dần sau lưng. Và cả mùi của nó, mùi của phố cảng, mùi của thứ gọi là quê hương cũng thế. Tất cả lùi dần…

Lùi tất cả khi trước mắt gã là ngôi nhà có khoảng sân vuông, có hòn non bộ, có đàn cá cảnh, có con chó Phú Quốc, có cái bàn nước và sách báo phảng phất mùi trí thức. Gã đã chịu đựng quá nhiều. Và gã đã quá thiếu thốn. Quá tuyệt vọng. Quá đau khổ. Quá mỏi mòn chờ đợi. Gã chờ ngày mà cảm giác thiếu thốn nảy nở sinh sôi trong lòng cha nuôi của gã như đã nảy nở sinh sôi trong lòng gã. Làm sao, gã phải làm sao để ông thôi thấy ông đang đủ đầy dư dật? Để ông thôi thấy Chúa vẫn yêu thương và ban hồng ân cho ông nhiều vô kể? Để ông thôi tạ ơn Đấng vô tâm vô hình vô tướng ấy? Làm sao, gã phải làm sao để cha nuôi của gã thấy cuộc sống này không đẹp như trong đôi mắt mù lòa của ông? Làm sao cho cha gã nghĩ đến thứ gì đó khác hơn và lớn hơn ngoài Chúa Cứu Thế ấy? Gã bất lực. Cái ngày gã được hả hê có lẽ chẳng bao giờ đến…

Vậy nên gã rời phố cảng. Thật vậy. Gã đã rời phố cảng. Gã đã có tự do. Gã đã có cuộc đời như gã muốn. Và gã sắp sửa có ngôi nhà như gã muốn. Ngôi nhà với cái sân vuông, với hòn non bộ, với bầy cá cảnh, với con chó Phú Quốc và với cái bàn nước cùng chồng sách báo thơm lừng trí thức mà gã đã thấy ở phố cảng. Gã có mọi thứ. Thật vậy, mọi thứ chỉ trừ cảm giác đủ đầy và chỉ trừ cảm giác được an ủi hằng đêm trong lời cầu nguyện…

– Đao, cho tao cái tượng này nhé.

Thằng Đao đang chăm chú xoa bàn chân của Đấng Cứu Thế, nó không nghe thấy.

– Hôm nay tao không đói, tao không lấy đồ ăn của mày. Mày cho tao Chúa Cứu Thế này nhé.

Thằng Đao lắc đầu.

– Tao cũng không nhận tiền mày chia. Cho tao nhé.

Thằng Đao lắc đầu.

– Tao sẽ cho mày tiền.

Thằng Đao lắc đầu.

– Đây nè, tao cho mày hết, mua đồ ăn cho sướng nhé.

Thằng Đao lắc đầu. Gã kéo phéc-mơ-tuya quần dài, móc tiền trong túi quần đùi ra.

– Đây nữa. Bằng này tiền mày ăn cả tháng không hết. Bán Chúa cho tao đi!

Thằng Đao lắc đầu. Nó bắt đầu lo lắng.

– Tao còn tiền ở nhà nữa. Mày ăn cả năm không hết.

Thằng Đao lắc đầu. Nó đứng dậy ôm Chúa Cứu Thế vừa đúc còn chưa kịp ráo toan bỏ chạy. Gã kéo tay thằng Đao lại.

– Đây. Chìa khóa két của tao đây. Mày ăn cả đời không hết. Mày có thể mua cả nhà nữa. Một ngôi nhà đàng hoàng. Nhà có sân nè. Có hòn non bộ nè. Có cá cảnh nè. Có cả con chó Phú Quốc với cái xoáy đẹp hết sảy. Mày biết giống chó Phú Quốc, đúng không Đao? Còn có cái bàn nước nữa và sách báo nữa… Có hết, có hết, có tất cả…

Gã hét lên. Thằng Đao sợ hãi ôm Chúa của mình chạy bán mạng. Gã lao theo tóm lấy lưng áo nó. Cái áo thằng Đao mỏng như lá lúa rách toạc dưới bàn tay của gã. Loạng choạng, thằng Đao tiếp tục chạy. Gã dí sát sau lưng nó. “Bịch!” Gã vấp thanh gỗ, ngã nhào trên đất. Như người chết đuối, gã tóm cổ chân thằng Đao.

– Đao, Đao! Bán Chúa cho tao! Tao cho mày tất cả.

– Không!!!

Thằng Đao run lẩy bẩy, tay khư khư ôm đống xi măng trước ngực. Gã lao vào. Thất thế, hoảng hốt, thằng Đao lấy hết sức bình sinh tung cú đạp trí mạng vào ngực gã rồi ôm Chúa Cứu Thế trong lòng chạy biến. Trên Đấng Cứu Thế, nước mắt nhòe nhoẹt. Ngực thằng Đao dính bê bết xi măng. Ngực của gã cũng bê bết nhòe nhoẹt. Gã ôm ngực, như cười, như khóc.

Một phần Chúa Cứu Thế vừa dính được vào người gã.

Tranh của họa sĩ Lê Thừa Khiển

BÍ MẬT TRONG GÓC TỐI TỦ THỜ

 

Chiếc xe chòng chành dằn xóc qua một khúc cua có cái ổ gà lởm chởm, tiếng sỏi lạo xạo dưới mặt đường đánh dấu một quãng đường quen thuộc dẫn về nhà. Họ không đóng cửa mà tranh thủ hít lấy hít để thanh lọc cho buồng phổi chứa đầy khói bụi thị thành. Ở thành phố kiếm ra tí dưỡng khí thế này là phải trả tiền và trả nhiều tiền nữa là đằng khác. Tấn quàng tay qua vai vợ vỗ nhẹ.

– Em, gần tới rồi nè, dậy ngắm cảnh. Mới năm năm không về mà thay đổi nhiều lắm. Bữa nay toàn nhà lầu không à.

Hiên nhấc dần đôi mi mơ màng nhìn quanh. Cạnh bên, đứa con gái nhỏ của họ đang nhìn cảnh quê với đôi mắt trong ngần thích thú. Hai mắt Hiên đã mở to, mọi thứ từ nhập nhòe mờ ảo hiện rõ dần rõ dần rồi thành sống động nhảy múa trước mắt. Hiên vén lại đám tóc mai đang tung đùa trong gió ngơ ngác quan sát hai bên. Đáy mắt của người đã vắng bóng quê hương, vắng bóng kỉ niệm, vắng bóng ký ức sao mà chơi vơi lợt lạt quá! Ý nghĩ đó một lần nữa cào xé ruột gan Tấn và chắc chắn sẽ còn cào xé vò nát lòng anh đến tả tơi nếu lần này vẫn không giúp vợ tìm lại được phần ký ức vừa bốc hơi. Vụ tai nạn khủng khiếp đã lấy đi của vợ chồng anh hơn một năm đi lại trong bệnh viện và lấy đi của anh người con gái có đôi mắt thẳm đen sâu hun hút. Anh chưa bao giờ thực sự bước vào đôi mắt ấy đến nơi tận cùng của tâm hồn ấy vì lúc nào cũng có một bức tường ngăn đúc bằng bê tông cốt thép thời gian mà bàn chân anh dẫu có là đồng nung trong quặng cũng không đạp đổ để bước qua được. Dù vậy, đó là đôi mắt thuần khiết đầy bí ẩn anh đã say trọn tuổi trẻ của mình và đặt cược cả cuộc đời để say. Và đó chính xác cũng là việc anh đang làm, đặt cược hết niềm tin cho chuyến đi này. Khi Hiên trở về với anh và con cùng một tâm hồn trống rỗng và đáy mắt cạn đến tầng cao nhất anh hụt hẫng đau đớn mất mát vô cùng. Tình nghĩa vẫn còn đây, đong đầy, nhưng người trở về không còn là người ấy nữa. Anh không thể xúc động trước một đôi mắt không cảm xúc cũng như không thể yêu một tâm hồn hiu quạnh. Cuối cùng, chỉ có nơi này, quê hương của Hiên, tuổi thơ của Hiên, cội nguồn của đáy hồn sâu hun hút nơi Hiên mới mang lại hy vọng cho tình yêu của anh. Tuổi thơ của Hiên, Hiên thường né tránh mỗi khi nhắc đến và trước đây, anh đã luôn thích tìm ẩn số ấy. Giờ thì không phải là tò mò nữa mà anh phải tìm nó như tìm một chỗ cho con tàu hi vọng chơi vơi lúc này.

Xe đỗ lại ở ngã ba đường cái. Ba người họ dắt díu nhau đi vào ngõ, bóng họ lọt thỏm giữa hai hàng chè tàu xanh bóng bẩy. Dưới chân họ cỏ gà, cỏ ấu xao xác níu theo và nắng bảng lảng rớt từng chấm tròn trên tóc. Tiếng gió ru rào rạt trong vườn chè, vi vút trên đọt tre khiến lòng Tấn man mác như hồn đang du miên đến cõi nào lạ lắm. Anh là người thuộc về thành phố một trăm phần trăm, cứ ngỡ chỉ có phố phường lộng lẫy mới mang lại cảm xúc mạnh cho anh nhưng kỳ thực hôm nay, đứng trước cảnh này lòng anh xao động vô cùng. Hi vọng nhóm lên anh liếc nhìn vợ. Vẫn vậy, vẫn là ánh mắt lạ lẫm hoang hoải của Hiên, lòng anh chùng xuống. Chân đã giẫm trên sân, họ lướt qua cây bồ đề được uốn nắn làm bức bình phòng đi vào trong nhà. Tiếng mõ và tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật từ chiếc đài nhỏ vang đều đặn rõ rành nghe như tiếng vọng từ chốn thâm nghiêm nào lại. Nội của Hiên, cố ngoại của con gái anh, đã sống gần trọn một thế kỷ trong ngôi nhà này. Ông đã yếu dạo này chỉ còn nằm nghỉ ngơi nghe niệm Phật tịnh dưỡng chứ không tự mình đi lại như mấy năm trước nữa. Tiếng mõ và tiếng niệm cứ dội vào đầu anh và mỗi lúc vang một to như loa công suất lớn, âm thanh ấy có sức mạnh vừa đẩy anh lên lại vừa kéo anh thụt lùi. Mỗi bước cất lên gánh trong nếp chân mình một niềm hi vọng và một niềm lo sợ.

***

Hai vợ chồng lúi húi tìm chiếc bật lửa thắp hương trong gian thờ, gian bên con gái họ ngồi chơi nắn bóp chân tay cho cố ngoại, giọng thánh thót của đứa trẻ lên chín lên mười đan vào giọng trầm đục yếu ớt của người sắp sửa kết thúc chuyến hành hương về bên kia sự sống khiến lòng Tấn nao nao. Loay hoay cả chục phút vẫn chưa kiếm ra bật lửa đâu nhưng Tấn sợ phiền ông nên không lại hỏi. Mọi khi Hiên làm tất cả, cô chỉ cần đưa tay ra quờ theo thói quen cũng tóm được cái bật lửa và anh chỉ việc cầm nhang vòng quanh thắp cho hai cảnh thờ ngoài sân. Hiên rụt rè ngay chính trong ngôi nhà đằm hết năm tháng ấu thơ của mình, Tấn phải nhắc đến lần thứ hai cô mới mở tủ thờ tìm bật lửa. Tay cô quờ quạng vào khoảng tối bên trong tủ thờ tìm. Bất chợt bàn tay vướng vào kẹt cửa nơi miếng gỗ bị sứt. Những tế bào xúc giác trên đầu ngón tay vô hồn lướt trên vết sứt đã nhẵn nhụi thời gian. Một luồng điện hay thứ gì đấy có sức mạnh tương tự hoặc khủng khiếp hơn truyền thẳng lên não Hiên. Hiên choáng váng, những vòng tròn dữ dội xoáy thẳng xoáy thẳng vào đầu cô cuốn cô vào một chiều không gian khác. Trong khoảnh khắc, Hiên như bước một bước dài từ thời điểm mình đang sống lùi về rất nhiều năm về trước.

***

Viên bi trong leo lẻo có cánh màu ngọc bích bên trong lăn một đường dài đẹp mắt. Miệng lỗ bi đang chực sẵn để đón nó nhưng những nỗ lực cuối cùng của người chơi chỉ giúp nó dừng lại ở cạnh lỗ bi và không chạm bi nào khác.

– Tới lượt mi.

Thằng bé có quả đầu tổ quạ hất cằm nhìn đối thủ của nó thách thức, nó nghĩ thầm: “Dòm cái tướng ẻo lả là biết bắn bi ngu rồi, để đó tau hốt sạch cho coi.” Đối thủ của nó đang căng mắt căng não định vị đường bi nên không thèm lia mắt nhìn trật sang nó dù chỉ một lần. Cả hội năm đứa nín thở nhìn đường bi, quá xuất sắc và chắc rụi. Viên bi cam chạm nhẹ viên màu ngọc bích, thằng bé đầu tổ quạ thở dài tức tối, nét mặt huênh hoang mười phần đã vơi đi ba, bốn phần. Cạnh lỗ bi, tay chơi thứ thiệt đang tập trung cao độ, mồ hôi chảy dài trên trán. Viên bi đã dí chặt điệu nghệ vào ngón tay giữa, đôi mắt đăm đăm không chớp, con ruồi vù vờ bay trước mặt cũng không làm đôi mắt ấy rời mục tiêu được. Phát “nã” bi quá đẹp. Mấy thằng đứng sau hú lên.

– Xù, dòm tướng thằng ni ẻo ẻo rứa mà bắn hay ghê bây!

Thằng đầu tổ quạ trầm trồ, giờ thì chẳng còn phần huênh hoang nào đậu lại gương mặt phừng phừng ấy nữa. Nó tiếc số bi đứt ruột nhưng nó là một đứa chính nhân quân tử, chịu thua và thán phục đối phương. Đám phía sau cười ran như bắp nổ.

– Ha ha, hô hô… Cái thằng mô ra rứa bây? Hắn đái ngồi. Hắn là con gái đó. Ha ha…

Cả một trời nắng hạ rộn ràng, tiếng cười sằng sặc lảnh lót vang lên mặc kệ gương mặt đang ngượng chín như bồ quân của thằng đầu tổ quạ và mặc kệ tia nhìn như lửa đang vùn vụt đốt hỏa diệm sơn trước mặt Hiên. Thằng đầu tổ quạ quay lại nhìn Hiên, Hiên không nhìn nó. Dòng máu trong người Hiên đang nóng dần và xộc lên đầu cơn cuồng phong giận dữ kèm bất lực. Tụi nó luôn đem chuyện Hiên đi đái phải ngồi ra để trêu tức, trêu tức khi cay cú không thắng được Hiên và trêu tức khi Hiên kém hơn chúng trong trò chơi nào đó. Cuối cùng, sau mỗi trò chơi Hiên đều là kẻ chịu trận. Hiên luôn sẵn sàng đá thùng phi, vật lộn hoặc đấm vào mặt mấy thằng cà chớn ấy và luôn sẵn sàng nhận lại những quả đá, quả đấm tương tự. Nhưng hôm nay thì không. Ngày mai nhà Hiên có đám giỗ, không thể để cái mặt bầm dập cho bà con chào xáo được. Cơn tức giận cùng với sự kìm nén làm hai tai Hiên lùng bùng. Hiên cúi nhặt những viên bi đã thuộc quyền sở hữu của mình. Bất chợt, thằng đầu tổ quạ phủi tay đứng dậy.

– Cho mi hết đó, tau không thèm chơi bi với con gái mô!

Nó vùng chạy, khuất dần trên con đường liên xóm dẫn về làng bên. Đám con trai đằng sau dạt ra dần, tụi nó kéo nhau đi kiếm trò khác. Hai tay Hiên nắm chặt, những viên bi trong tay xát vào nhau nghe như tiếng người nghiến răng ken két lạo xạo. Chợt, Hiên vung tay vứt hết số bi vào bụi mâm xôi cạnh đường. Những mâm xôi run rẩy đón trận cuồng phong từ Hiên. Đất dưới chân Hiên văng lên tung tóe, bi xanh bi đỏ nằm khóc chỏng chơ.

***

Hiên về nhà, mừng rơn khi thấy chiếc xe đạp dựng bên hiên, chắc mẩm sẽ có quà bánh gì đó từ buổi chợ chiều cho Hiên. Trong nhà, dưa hành, củ kiệu, nếp hương, đậu xanh… bày la liệt trên tấm phản. Chị Thí – mẹ Hiên – đang lui cui trong bếp sửa soạn để sớm mai mọi thứ lên mâm lên cỗ suông sẻ gọn gàng. Chẳng có quà bánh gì trất. Hiên ngồi xuống phụ mẹ, bụng reo như tàu hú. Hiên phải cố gắng làm thật nhanh thì chị Thí mới sớm rỗi tay lo cho bữa cơm chiều được. Lửa bập bùng hắt bóng hai mẹ con in lên vách bếp, những mảng đen do khói ám và lọ nghẹ như chực vùng lên bập bùng theo tia lửa sau hai chiếc bóng. Khu vườn bên ngoài rào rạt gió, bụi tre bên chái bếp vi vu nghiêng hẳn cái đuôi như cánh én xuống chái nhà. Đêm đã dần bao trùm lên mái ấm của họ, chỉ có tiếng lách cách bát đũa soong nồi vang lên. Sự im lặng của họ làm ngôi nhà càng thêm tĩnh mịch nhá nhem.

Bàn ăn đã bày sẵn cơm canh, Hiên ngồi chầu rìa đợi ăn.

Anh Cả rẽ từ con đường hun hút tối bước vào nhà.

– Ông chưa về à?

Tiếng anh cất lên khuấy động sự tĩnh lặng trong gian nhà, lòng chị Thí như bớt được đôi phần nặng gánh khi thấy bóng dáng người đàn ông của cuộc đời mình.

– Dạ chưa. Ông đi mời đám giỗ dễ chi về sớm được, cũng phải nói dăm điều ba chuyện thưa gửi trước sau e là về muộn lắm.

Chị Thí dừng lại mấy giây rồi thở dài:

– Lúc chiều em gặp bác Tho dưới chợ, em có thưa chuyện mai nhà mình lo đám giỗ… Riết rồi em cũng ngại gặp người quen luôn ấy. Lại hỏi chuyện con cái, còn nói bóng nói gió chuyện đẻ không được thì để anh đi kiếm…

– Kệ họ. Nghe tai này cho qua tai kia. Vứt!

Anh Cả quăng cái nón lên phản, bực dọc gắt. Không nhìn mặt vợ con giây nào, anh đi vội ra giếng múc nước dội ào ào. Nước giếng chảy từ mạch ngầm trong lòng đất ra mát rượi, nước làm dịu đi cơn thịnh nộ như chảo lửa trong lòng anh. Anh cũng vừa nghe những điều ấy, rằng không kiếm thằng con trai mai này vô tự mà vô tự trong trường hợp của anh cũng là bất hiếu với cha mình. Trong bếp, chị Thí quệt mồ hôi, chị bị gắt mà lòng nhẹ bẫng. Thôi thế mười phần cũng yên tâm được tám, chín phần. Anh sẽ không xẻ đôi trái tim san bớt tình yêu cho người phụ nữ nào khác.

Hiên đói rệu rạo. Hiên chứng kiến cảnh này đã quen nên chẳng quan tâm gì đặc biệt, nó chỉ nghĩ không biết chừng nào ông Trưởng về để được ăn cơm. Chuyện Hiên là con gái đã từ lâu trở thành vấn đề lớn của gia đình và mối quan tâm của bà con thân thích. Lúc Hiên còn bé, nhiều người còn không biết Hiên là con gái vì lúc nào Hiên cũng mặc quần xà lỏn áo ba lỗ như tụi con trai và tóc tai thì khỏi cần bàn đến, ba trăm sáu lăm ngày như một hớt gọn gàng ngắn quá tai. Bây giờ tóc Hiên vẫn ngắn như thế và vẫn là những bộ đồ sọc xanh đỏ rộng thùng thình nhưng chuyện Hiên là trai hay gái thì không còn là dấu hỏi nữa rồi. Gần mười năm chứ ít chi, làm sao có thể không biết cho được!

Người ta xầm xì bàn tán rồi góp ý, nhắc nhở từ khi Hiên mới lên ba lên bốn. Rằng vợ chồng anh chị tính đi chứ, chí ít cũng phải kiếm thêm thằng cu. Nhiều người bảo cho đủ nếp đủ tẻ, âm dương cân bằng mới sung túc thịnh vượng. Số khác lại ra bề thương cảm Hiên “có một đứa thôi thui thủi một mình tội lắm. Mẹ đẻ thêm em cho nó có bầu có bạn…” Ối dào, anh chị biết tỏng họ nghĩ gì. Đúng ra họ phải thẳng thắn nói thế này: phải sinh con trai chứ, phải có người nối dõi chứ, để sau này anh chị chết còn có con trai đường đường chính chính ôm bát nhang và gần nhất là để ông Trưởng mất đi sẽ được cháu trai đích tôn cầm con cúi đi đầu trong đám tang. Vậy đó, người ta nói xa nói gần mấy năm thì gần đây cũng đã nhiều người nói thẳng. Chị Thí ngậm ngùi. Anh Cả hằn học. Hiên dần dà hiểu ra ý nghĩa của cháu đích tôn và con trai nối dõi. Nó muốn làm vui lòng ba mẹ, nó muốn được làm thằng con trai hay ít ra phải sống như một thằng con trai. Bắn bi, bắn ná, đá gà… trò nào Hiên cũng mon men học lỏm và phải học phải chơi cho thật cừ. Ừ, xét về mọi mặt Hiên có thua thằng nào trong xóm đâu. Ngoại trừ việc Hiên là “hoàng tử đái ngồi.”

***

Một năm trôi qua nhanh chóng mặt, chị Thí lại sửa soạn cho đám giỗ. Chị đứng cạnh bàn nước nghe ông Trưởng dặn dò trước buổi chợ. Năm nay là lần đầu tiên làm đám giỗ chay nên chị lo lắng bỡ ngỡ vô cùng. Dặn dò xong xuôi, ông Trưởng đằng hắng ậm ờ mấy lần mới bật ra được điều cần nói.

Chân tay bải hoải, chị Thí phải cố gượng bám chắc và giữ thẳng hai chân trên đất để không ngã gục. Chị xoay người với tay lấy nón, chị nuốt đến mấy lần dù họng khô ran bỏng rát như sa mạc đã hàng nghìn hàng vạn ngày không mưa. Nước miếng cạn nguồn không chảy ra làm trơn họng được mà chỉ có nước trong lòng và những con mưa ồ ạt trút xuống tâm hồn, những con mưa dâng lên thành lũ cuốn chị theo nỗi tủi cực tận cùng. Dù vậy, chị vẫn cuốn hơi từ luồng phổi lên để cất thành tiếng “dạ” trước khi bước ra khỏi cửa chính. Ông Trưởng nhìn theo chua xót biết những gì mình vừa nói có thể bức tử một người phụ nữ đến một lời phản kháng cũng không được trang bị. Nhưng ông tin, thể nào chị Thí cũng gắng gượng đi cùng nỗi bất bình này vì còn Hiên. Hiên là điểm tựa níu chị ở lại và Hiên cũng là điểm tựa cho quyết định của ông. Mai này già đi mọi chuyện sẽ nguôi ngoai, ông tự an ủi cho cõi lòng đang dập dềnh sóng lớn của mình.

Cạnh song cửa sổ, Hiên thập thò dưới hàng trầu không xanh bóng bẩy. Những lá trầu vờn cùng đuôi gió lượn lờ trên đám tóc cụt cỡn của Hiên. Hai mắt Hiên đỏ kè, mớ bi xanh bi đỏ rớt vương vãi trong vườn theo nhịp bước chân dồn dập của Hiên. Hiên lao về hướng chị Thí đang đạp xe, đó là hướng về chợ nơi chị phải đon đả nói cười dù lòng tím bầm lạnh cóng như băng. Những giọt nước mắt của Hiên cuống cuồng lên trong cơn hoảng loạn và ngả nghiêng xiêu vẹo của những vòng quay xe đạp từ đôi chân rệu rã của chị Thí. Hiên ngã nhào, dáng chị Thí xa dần xa dần khuất sau lũy tre xanh um ngoài đường cái.

Hiên học lớp bốn, Hiên mười tuổi và Hiên đang chơi vơi trong cơn vật lộn với sự thay đổi của bản thân. Những chuyển dịch mạnh mẽ bên trong một cơ thể đang đòi lớn là điều Hiên không thế cưỡng lại được và không ai có thể cưỡng lại được. Hiên giấu giếm, dằn vặt và sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua nỗi ám ảnh lớn thêm một chút. Đã nhiều ngày Hiên co ro trong buồng tối đối mặt với viễn cảnh đáng sợ nhất dành cho mình: trở thành con gái. Dạo gần đây ai cũng nói Hiên ra vẻ con gái và dù tóc cụt cỡn đến đâu thì cũng không còn thằng con trai nào khoác tay Hiên lôi đi bắn bi, chọi gà nữa. Cùng với sự lớn lên của Hiên, những lời bàn tán xầm xì cũng lớn lên và ý nghĩ khuyên anh Cả kiếm thằng cu nối dõi tông đường cũng lớn lên trong lòng ông Trưởng. “Con gái ngoại tông” Hiên đã đủ lớn để hiểu được câu nói ấy và nó cũng nhận thức được rằng không có con trai thì ba nó sẽ mất đi tiếng nói giữa làng giữa họ, không được người ta coi trọng. Nhưng nó làm sao biến thành con trai được và nó chỉ ước gì mình không – được – sinh – ra. Nếu nó không được sinh ra thì mẹ vẫn có thể sinh thêm em, một em hay nhiều em nữa nó không biết nhưng nó chắc là sẽ có con trai để không vô tự. Nếu nó không được sinh ra thì mẹ nó không phải buồn vì chia sẻ ba nó với người nào khác. Chỉ vì nó, tất cả là vì nó đã có mặt trên đời. Hiên uất ức. Những lời cô Gái nói chiều qua khi thấy nó làm ná bắn chim vang rõ từng từ trong đầu nó.

– Rõ khổ, con gái con lứa ai lại chơi bắn ná. Bây có cố chơi mấy trò đó thì bây cũng không thể thành con trai được đâu! Tội ba bây ghê, hồi đó bác sĩ nói giữ bây lại là mẹ bây sẽ không sinh con được nữa, ba bây biết bây con gái nhưng nhất quyết chọn bây cho bây được sinh ra. Gặp nhiều người thì bây đã… Còn mẹ bây nữa, mang thai được đúng một lần thì chừ phải để ba bây đi kiếm con. Rõ khổ!

***

Hiên chùi nước mắt, những vệt nước lem nhem trên má và trên tóc. Nó đã trốn trong góc nhà gần hai tiếng, hai chân tê cứng. Nó tiến lại gần tủ thờ mở toang cánh cửa để nhét cuốn sổ bé tí nó tự khâu bằng mớ giấy vở học còn thừa. Kẹt của tủ thờ chỗ bị sức ấy là nơi an toàn nhất cho nó nhét bí mật của mình. Chợt nó ngước lên và sững sờ. Ba nó đang nhìn nó đầy yêu thương trìu mến. Nó bật khóc tức tưởi rồi vùng chạy. Anh Cả đuổi theo Hiên nhưng càng chạy anh càng chùn bước. Anh biết chuyện gì đã xảy ra trong mấy ngày qua với vợ và con mình. Con bé đã lớn và không thể trong một vài lời trấn an hay bảo vệ cho nó khỏi sự tấn công về tâm hồn được. Anh lặng lẽ quay vào trong mở cánh cửa tủ thờ. Trong cuốn sổ nhàu nhò ấy là chi chít chữ và bê bết nước mắt. Màu mực lem với nước nhòa ra đứt gãy. Những con chữ non nớt vẫy vùng. “Xin lỗi ba mẹ vì con là con gái… Ba mẹ sinh con ra làm gì?… Con là đồ vô dụng… Ước gì con đừng sinh ra… Ước gì ba mẹ bỏ con đi…”

Hiên rón rén tiến lại gần tủ thờ dù chỉ còn mình nó ở nhà. Nó biết hôm qua anh Cả đã nhìn thấy nó ghi nhật ký và nó không biết cuốn sổ còn trong kẹt cửa không. Ý nghĩ ba nó đã biết về bí mật của cuốn nhật ký làm nó lo sợ. Nó hồi hộp khi thò tay vào mảng tối bên trong tủ thờ nơi kẹt cửa có miếng gỗ bị sứt. May quá, sổ vẫn còn ở đó. Nó lật ra và bật khóc.

“Hiên con,

Ba biết tất cả những gì đang diễn ra mấy ngày qua và ba đảm bảo sẽ không có chuyện đó. Gia đình chúng ta mãi mãi sẽ chỉ có ba người và ba hạnh phúc với điều này. Ba không biết ai đã kể chuyện đó cho con nhưng con đã biết thì ba nói luôn ba chọn giữ lại con vì con xứng đáng được sinh ra. Ba không thất vọng vì con là con gái và ba mong con cũng thế. Con là tất cả những gì ba mẹ muốn lựa chọn, con phải tự hào về điều đó và chăm lo học hành. Ba sẽ thất vọng nếu thấy con như hôm nay dù chỉ thêm một lần. Con nghe ba, lo học cho giỏi, chuyện người lớn cứ để đó ba lo.”

***

Hiên loạng choạng vin vào cột nhà, mọi thứ ập đến y như ngày hôm ấy.

Tiếng mõ vẫn đều đặn, Hiên nhìn ông Trưởng nước mắt chảy dài. Đâu đó một nỗi buồn vắt qua ba thế hệ.

Đà Nẵng, 23.5.2019

Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong

NHỮNG CÚ LỪA NGOẠN MỤC

 

Xin nước mắt sẽ vơi

nơi giọt buồn đọng lại.

Xin ban mai tỏa rạng

hong khô vạn vũng sầu.

Ông Đài rướn người lên kéo tấm rèm cửa sổ cho nắng hắt vào phòng. Lúc trưa, thằng Quang – cháu ông – đã thả hai cánh rèm xuống đặng che nắng xế chiều, nó không biết rằng ông ghét cái thứ cứ chận ngang tầm mắt ấy lắm. Chói quá, ông nặng nhọc đưa tay che mắt. Mới cuối xuân nhưng nắng đã đanh và xót xáy lắm. Gió thổi lao xao trên chòm lá vối bên hiên nhà bà Quế, đối diện chỗ ông nằm. Chợt, ông thèm ly nước lá vối tươi quá thể. Cả tuần nay rồi ông chỉ mới uống được mấy ngụm bà Quế dè dặt mang sang. Buồn thay cho ông, đang mạnh phơi phới ngày nào cũng đạp một vòng xe ra chợ rồi hiên ngang chở về giỏ thức ăn cho hai ông cháu, thỉnh thoảng còn mua hộ cho cả bà Quế neo đơn, vậy mà bất cẩn một giây trượt chân có phát rồi nằm cả tuần không ra khỏi giường vạ khổ cho thằng cháu. Nó phải chăm đàn gà, gom trứng bán, lo chợ búa, nấu nướng, giặt giũ và cả bưng bô cho ông. “Thiểm quá!” Ông nghẹn ngào tự vả mình. Nước mắt ông trào ra, đục ngầu, chẳng khác gì màu của mảng ký ức cứ sóng sánh theo từng ngày, từng tuổi của thằng Quang.

Ba mẹ thằng Quang kết thúc cuộc hôn nhân sóng gió trong yên ắng bằng những văn bản và lời phán quyết rõ rành của tòa án. Thế là li hôn, là hết chung đụng dưới một mái nhà chứ chẳng phải là kết thúc một cuộc tình vì giữa họ tình yêu là cây nến thiếu tim nên chẳng bao giờ có thể thắp lên được. Tại ông, tại ông tất cả. Ông lại tự vả mình cả trăm cả ngàn lần mà không nguôi được. Ông biết rõ ba thằng Quang không hề yêu mẹ nó nhưng vẫn cố ép duyên như “ép dầu, dép mỡ” vì mẹ nó là con nhà tử tế còn cô gái kia là “đầu đường xó chợ” tình cờ lang bạt đến đây, gốc tích, gia cảnh chẳng biết hỏi ai mà lần. Ăn đời ở kiếp không chỉ cần “tình” mà còn cần “nghĩa”, có “nghĩa” ắt sẽ có “tình”. Như ông và bà lúc được hứa gả cho nhau có thấy mặt mũi nhau sứt mẻ hay lành lặn thế nào đâu, vậy mà vẫn mặn nồng vẫn yêu vẫn ghen cho tới ngày chẳng thấy nhau được nữa. Và dù bà đi sớm vẫn không người phụ nữ nào chen vào tim ông được. Đó, cuộc đời ông là minh chứng hùng hồn nhất rồi còn gì. Nhưng không có nghĩa cuộc đời con trai ông cũng thế. Gần mười năm chung sống, thằng Quang sáu tuổi thì họ bỏ nhau và bỏ đi. Thành phố này không thiếu việc làm cho họ nhưng nó nhỏ quá, họ sợ lại thấy nhau trên bước đường đời và thành phố này cũng u ám quá vì nó đã chất ngất những kỉ niệm buồn, những đổ vỡ tột cùng trong câm lặng nên họ phải đi, mỗi người một hướng. Chỉ có thằng Quang – hình bóng cuối cùng của cuộc hôn nhân – ở lại với ông. Nó thành đứa mồ côi tình cảm gia đình, mỗi năm chỉ mong duy nhất ngày sinh nhật được ôm quà và thư ba mẹ nó gửi về.

Ông Đài nhấc tay quệt ngang nước mắt, hình như nước mắt làm ông thấy mình yếu hẳn. Ông dỏng tai ngóng thằng Quang. Thì giờ trôi qua chậm chạp, chẳng biết khi nào mới nghe tiếng xe đạp cọc cạch vọng trên lối vào con hẻm hun hút này. Còi xe máy dội từ xa lại làm ông thèm nhấc chân lên và đi lại, như những chiều trước đây ông đi bộ ra vào hẻm hít thở khí trời.

Nôn nao như ai đốt lửa vào lòng, ông Đài với tay cầm sẵn cuốn vở và cây bút đặt trên đầu giường. “Lạy Chúa, xin cho con…”

Bà Quế mừng mừng tủi tủi run rẩy trả chiếc điện thoại cho thằng Quang. Cuộc điện thoại lịch sử sau ngót nghét chục năm chờ đợi. Cuộc điện thoại chuộc vớt tâm hồn bà từ vũng lầy nhơ nhớp của ăn năn, giải phóng cho tháng ngày tội lỗi. Thằng Quang vẫn chưa về, nó sợ bà lăn ra xỉu. Lát sau, hai đầu gối lẩy bẩy va vào nhau, bà nhờ nó đỡ dậy đến bên giường lôi ra một xấp thư xếp ngay ngắn dưới gối. Nơi hốc mắt tưởng rằng suối lệ đã già nua, những giọt nước non nớt lại rỉ ra. Những giọt nước trong veo rỏ xuống xấp thư. Thằng Quang đứng cạnh mắt cũng đỏ kè, nó quay mặt ra hiên nhìn cây lá vối rỡn gió lao xao, gạt vội.

Trong khoảnh khắc được tha thứ, bà nghẹn ngào tua lại cuộc đời mình từ sai lầm đầu tiên. Bà bất chấp cuồng nộ của gia đình để chạy theo người đàn ông bà quen và yêu chớp nhoáng. Khi ấy, bà đang là sinh viên khoa văn, số ít người xinh đẹp và có học thức trong xã hội nên bà kiêu hãnh rạng ngời. Tình yêu lãng mạn sét đánh và bất chấp càng khiến bà kiêu hãnh rạng ngời hơn. Sau cuối, không rạng ngời nhưng bà kiêu hãnh bước khỏi vòng tay trăng hoa của người đàn ông ấy để một mình nuôi con. “Ba con chết trước khi con được sinh ra.” Bà nói với con gái mình như thế, luôn luôn và duy nhất một câu trả lời hơn ba chục năm không thay đổi. Con gái bà lớn lên với một tâm hồn không cân đối, khuyết nửa tình thương của người cha và khát mãi câu trả lời cha mình là ai. Không một di ảnh hay một kỉ vật nào trong ngôi nhà cho cô bé tìm thấy chút ấm áp hay đôi tí bóng dáng người cha. Và khi đã đi qua hơn nửa đời người, khi đã làm mẹ cô bé ấy mới tìm thấy câu trả lời: Cha mình lâu nay vẫn sống, sống gần mình và sống sờ sờ ngay trong thành phố quê hương mình. Khi ván bài đã đến hồi lật ngửa, bà thừa nhận bà không bao giờ muốn cô nhìn mặt cha. Thậm chí, lúc ông đã già nua ốm yếu, đã không còn nhiều thời gian, đã sám hối, đã cầu xin bà tha thứ và cho nhận con một lần, bà vẫn thẳng thừng nói không. Bà đanh thép: “nếu ông gặp con bé thì tôi chết cho ông coi!”

Bà không phải chết nhưng ông và hơi thở của ông đã thành hư vô trước khi kịp nhận con và nhận lời tha thứ từ bà. Hơn ba chục năm khắc khoải, con gái nhìn mặt cha mình khi chỉ còn trên di ảnh. Yêu thương và tôn thờ mẹ bao nhiêu bây giờ cô quay sang hờn hận và trách móc trái tim sắt đá của bà bấy nhiêu. Bà chẳng yêu cô như bà đã nói, bà chỉ nghĩ cho mình, cho sự hả hê trong thù hận của mình. Không chấp nhận được sự thật, cô dắt díu gia đình nhỏ của mình rời thành phố vào Nam. Chỉ một lần duy nhất, sau khi rời thành phố được một năm cô viết thư cho bà để báo là cô vẫn ổn. Và chỉ một lần thư ấy, bà gửi bao nhiêu thư sau đó cô cũng không hồi đáp, chỉ có tiền là cô vẫn đều đặn nhờ bà con gửi về. Giá mà cô đừng làm thế thì bà còn đỡ đau khổ hơn… Cô ghét sự sắc lạnh của bà nhưng chính cô ngày càng trở nên giống bà, sống trong hình ảnh của bà…

Bà còm cõi héo hon, bà khóc mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều, mỗi tối. Hai mắt bà mờ đục. Bà không còn tự viết thư được nữa, bà phải đọc nhờ ông Đài chép. Thư đi mãi rồi cũng có hồi âm, mấy năm trở lại đây bà nhận được đều đặn hai tháng một lần. Thời đại này rồi, điện thoại đầy cả ra nhưng cô chẳng bao giờ gọi điện cho bà dù lá thư nào bà cũng nhắc ông ghi kèm số điện thoại của ông và thằng Quang. Bà biết cô chưa thể tha thứ hoàn toàn cho bà và bà cũng biết mình không đáng được tha thứ dễ dàng như thế. Cuộc gọi vừa rồi của cô khiến bà chấn động. Chấn động hơn nữa khi cô thú nhận nhiều năm qua cô không hề viết lá thư nào cho bà. Mãi đến hôm nay, khi cầm trên tay lá thư cuối cùng của ông Đài vết thương lòng của cô mới chịu kéo da non làm lành những nỗi đau âm ỉ.

Hơn bốn giờ sáng, thằng Quang trở mình dậy dù đêm qua nó ngủ rất muộn. Nó sang gian bên ngồi vào chiếc bàn học đã trống trơn. Nó nhìn lại ngôi nhà xập xệ, tất cả đều đã trống trơn. Chốc nữa thôi nó sẽ ôm di ảnh ông lên xe theo ba nó vào miền Nam. Nó nhìn qua nhà bà Quế, nó muốn sang tặng bà một kỉ vật của ông nhưng nhà bà điện vẫn chưa sáng, chỉ có bóng ngọn đèn ngoài hẻm hắt vào cây lá vối thân quen. Nó cất con dấu có khắc chữ “Bưu Điện Tỉnh Bình Dương” làm giả vụng về vào ba lô, cái con dấu mà ông và nó cất công đẽo gọt bắt chước con dấu của bưu điện. Và nó đủ lớn để thấy đó là một trò trẻ con!

Xe khởi hành, nó rời hẻm nhỏ. Sáng Chúa Nhật, dù mới tờ mờ đường vào nhà thờ ông hay đi lễ cũng đã rộn ràng. Bất chợt, nó xin bác tài cho xe dừng lại. Lần đầu tiên sau mười lăm năm có mặt trên cuộc đời, nó thấy mình cần được ngước nhìn Đấng cao hơn và quỳ dưới chân Người. Trên cao, Thiên Chúa đang nhìn nó. Tất cả nước mắt nó cất nín lâu nay tuôn chảy thành dòng trong lời kinh cầu nguyện cho ông nó, cho ba nó, cho bà Quế và cho chính nó nữa.

Lạy Chúa! Từ nay, sẽ chẳng có ai lừa phỉnh nó nữa. Sẽ chẳng còn ai giả làm ba nó để viết thư cho nó trong ngày sinh nhật nữa. Sinh nhật lần thứ mười hai của nó, ba nó vô tình gọi điện về lúc ông không ở nhà. Ba nó thậm chí không nhớ nổi năm ấy nó bao nhiêu tuổi. Và mẹ nó cũng thế. Họ còn có cả một gia đình phải xây đắp và họ cũng chật vật đủ điều. Nó chỉ thương ông, mấy cái sinh nhật rồi nó vờ vịt vui vẻ khi nhận quà và viết thư lại, như thể nó chưa từng nhận cuộc điện thoại chiều hôm ấy.

Thằng Quang hít thật sâu lôi chiếc điện thoại ra xóa một nick Facebook có tên Vinh Nguyễn – tên của ba nó. Đó là tài khoản Facebook nó lập cho ông, vì ông. Hai năm nay, nó thấy ông mỗi ngày một già đi. Ông không còn minh mẫn như trước nữa. Ông kể đi kể lại ngày cả chục lần những mẩu chuyện chắp vá hồi ba nó còn ở thành phố. Từ sở thích ăn chè đậu ván, ăn cá nục kho ớt xanh, ăn canh rau ghét canh bầu cho đến mùi mồ hôi trên áo ẩm ương, cho đến việc ngủ ngáy, cho đến cái đánh rấm cũng nên câu nên chuyện. Và càng ngày nó càng hiểu ông nhớ ba nó quay quắt. Mười bữa như chục, nó đạp từ trường về dựng xe trên hiên là nghe ông kể ba nó mới gọi điện hỏi han ông, nhắc nhở nó. Nó đủ lớn để biết lúc nào ông nói dối. Nó ở gần ông lâu ngày lây “bệnh”, nó quay lại lừa phỉnh ông. Ông thấp thỏm đợi tin nhắn từ Messenger của Vinh Nguyễn – con trai ông – hằng ngày. Nhưng từ giờ sẽ chẳng còn ai lừa nó và cũng chẳng còn ai cho nó lừa nữa rồi…

Bóng thằng Quang vừa khuất thì anh Vinh xuống xe. Trong tiết trời se se một sớm đầu xuân, những ngọn đèn trên lối đi dẫn vào thánh đường hắt ánh sáng vàng mờ ảo trong sương. Đôi chân anh nhấc lên vài bước rồi khựng lại. Không! Anh phải để thằng Quang vào đó một mình, anh không thể là chiếc bóng bám sau cuộc đời nó, càng không thể làm gián đoạn khoảnh khắc nó đến quỳ dưới Đấng giàu lòng thương xót ấy.

Thằng Quang mười lăm tuổi, vậy là ngót chục năm anh không đặt chân lên con đường thênh thang, sạch sẽ và mầu nhiệm này. Lần đầu tiên anh thấy nó mầu nhiệm. Anh làm sao có thể tưởng tượng nổi đến một ngày, sau khi trải qua hết thảy khổ đau và lầm lạc, anh lại thấy thân mình nhẹ nhõm, lòng mình đơn sơ như ngày bé anh cùng người cha vừa khuất dắt tay nhau vào thánh đường. Chuông nhà thờ vang trên ngọn tháp, mảnh trăng già chìm dần xuống phía Tây. Bầu trời lồng lộng. Anh ngước lên cao, giọt nước mắt ăn năn xuôi gò má tuôn dài.

– Đi được chưa con?

– Rồi ạ.

Giọng thằng Quang chắc nịch. Trước mắt nó là con đường thênh thang dẫn đến phi trường, nơi có chuyến bay đã sẵn sàng cất cánh. Nó cũng đã sẵn sàng cho chuyến bay của cuộc đời mình. Mười lăm tuổi, nó đủ lớn để biết ba nó sẽ nhiều trăn trở khi lo cho một gia đình có con của vợ cũ lẫn vợ mới, nó đủ lớn để muốn mình trở thành một chàng trai vững vàng ghé hộ một vai sớt gánh nặng cùng ba và đủ lớn để biết yêu thương những đứa em mà nó chưa một lần thấy mặt.

Cuối con hẻm, bà Quế vừa dậy. Bà múc tưới cho cây lá vối nhớ những ngày cố bấm đọt cho cây đừng lên cao quá để ông dễ bề hái lá. Nắng đã lên, nắng hiu hiu rớt trên hiên nhà bà mấy chấm tròn thật dịu. Bà đứng trông sang, chợt gọi: “Ra hái lá ông ơi!”

Đà Nẵng 13.6.2019

LỆ HẰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *