Truyện ngắn tác giả trẻ Lã Hoài Mai ở Đồng Nai

Vanvn- Lã Hoài Mai tên thật là Lã Thị Hồng Thuấn sinh năm 1992 ở Đồng Nai. Nhìn cô già dặn hơn cái tuổi U30 của mình bởi tình yêu của cô dành cho sách vở và những chuyến đi xa. Để thử sức mình, và cũng để có cuộc sống tự lập, Lã Hoài Mai đã làm nhiều công việc khác nhau, song vẫn luôn dành một góc quan trọng nhất cho văn chương, chữ nghĩa. Văn của Lã Hoài Mai nhiều hoài niệm, mang đến cảm xúc sâu sắc và hoài cổ.

TRẦN THU HẰNG giới thiệu

Tác giả trẻ Lã Hoài Mai

NGÔI NHÀ XƯA

Nhiều đêm muốn quay về

Ngồi yên dưới mái nhà.

T.C.S

Xóm có tên là Hồ, vì trước kia ở đó có rất nhiều hồ nước. Trong trí nhớ của tôi, khi còn là một đứa trẻ, ngôi nhà của chúng tôi nổi lên giữa một hồ nước như một hòn đảo cô độc giữa thế gian mênh mông này. Mà kỳ thực, tình cảnh gia đình tôi lúc ấy cũng có khác chi ngôi nhà đang hiện hữu này. Tôi không hiểu vì sao bọn nhóc trong xóm thường chặn đường, chọc phá tôi mỗi khi đến trường. Tôi cũng không hiểu vì sao mỗi một phát âm của tôi vừa dứt, các bạn lại cười trêu hoặc dè bỉu. Sau này, khi lớn lên, bắt đầu hiểu chuyện, tôi mới biết rằng chúng tôi không được chào đón ở miền quê nghèo đó.

Gia đình tôi là một gia đình người Bắc chính cống, bữa cơm với món rau muống luộc chấm tương bần là món ăn quen thuộc với tôi, và vì nó là món khoái khẩu của ba. Vì nói giọng Bắc, chị gái tôi thường bị bạn bè chòng ghẹo, cuối cùng, chị tập đổi giọng, nói ra giọng miền Nam. Chúng tôi – những đứa em sau đó – không một ai nói được giọng Bắc cả. Mỗi lần họ hàng ngoài quê vào thăm, nghe giọng chúng tôi đều cười, quở: “Bọn này mất gốc”.

Cái cười đó không khiến tôi lưu tâm, nhưng cái tiếng gọi “tụi Bắc Kỳ” của những người trong làng dành cho khiến tôi buồn nhiều. Gia đình tôi không có họ hàng thân thích, hàng xóm cũng không mấy người lui tới. Họ không thích người Bắc. Mẹ tôi nói vậy, rồi từ đó cũng ngại giao thiệp với bên ngoài. Cuộc sống của bà quanh quẩn với khoảnh đất nhỏ với vài luống rau, đàn vịt đẻ. Ngôi nhà giữa hồ nước như một hòn đảo cô độc, chúng tôi sống vỏn vẹn trên mảnh đất nhỏ ấy, cảm tưởng rằng cả thế giới bên ngoài chẳng có chút liên hệ nào với mình. Chỉ có con đường đê rộng vừa đôi bàn chân do ba tôi đắp trồi lên là cánh cửa nối kết giữa chúng tôi với thế giới bên ngoài. Thế nhưng có hôm nước lên cao chẳng còn thấy đâu nữa.

Tôi đi học trường làng. Đám trẻ dần quen với một con bé da đen nhẻm, đuôi tóc vàng hoe do cháy nắng, là con của ông “Bắc Kỳ” nhưng nói giọng miền Nam. Rồi tôi cũng có bạn, có những đứa ngày trước hay chặn đầu chòng ghẹo tôi, có những đứa cũng tử tế, hiền lành. Chúng kể cho tôi nghe chuyện ngày gia đình tôi mới đến, chúng tò mò như thế nào khi nghe người lớn kể lại về người Bắc. Con Liên gần nhà tôi nhất, cũng thường rủ tôi hái me ăn, kể lại rằng người lớn trong xóm kháo nhau dân Bắc Kỳ hay trở mặt, không đáng tin. Vì ghét, nên tụi nhỏ tìm cách chọc phá để gia đình tôi rời đi. Có lần, tụi nó lấy đất cục ném vào nhà tôi lúc ban đêm, và thích thú nhất là chặn đường mấy chị em tôi để chòng ghẹo. Sau này chơi thân với tôi rồi, nó thú nhận với tôi hết. Tôi cũng không bận tâm nhiều, đơn giản là vì bây giờ tôi đã có bạn để chơi cùng.

Mùa nước rút đi, chỉ còn trơ lại vài vũng bùn nhỏ trên cánh đồng, con đê nối nhà tôi với ngoài lộ biến mất. Bốn phía là đất rắn, tôi chạy, tôi chơi, tôi lăn lê bò toài trên mảnh đất trống ấy. Rồi tôi nhập bọn với đám trẻ quanh đấy. Đó là những mùa hè đi thả diều, đá banh với tụi con trai trong xóm, nhiều hôm xách cần theo ba đi câu ếch, móc cua. Có chiều thả bộ theo mẹ ra chợ, lắng tai nghe tiếng loa phát thanh mỗi chiều thông báo tình hình lúa má vụ xuân hè thế nào hay vụ hè thu ra sao. Có những ngày nằm dưới gầm xe ba gác của ba ngóng nụ mai vàng đang chớm trong vườn nhà bên cạnh, cùng đám trẻ chơi trốn tìm quanh đống rơm để rồi về bị ngứa khắp người vì rệp. Mùa nước nổi, Tôi theo các chị đi khều thằn lằn, chặt tre, vót cần câu ếch. Cần câu giăng tứ phía quanh nhà, ếch, cá đều mắc câu, có khi đến cả rắn cũng ăn mồi. Có đêm trăng sáng, nước lên, chị rửa chén ngoài sân giếng, thấy đàn cá lội, liền xua đám em mang rổ hớt. Cá chẳng thấy đâu, chỉ thấy té nhào, ba xách roi đét mông từng đứa. Khóc một hồi, rồi leo lên giường ngủ ngon lành.

Rồi nước dần cạn, đất như bồi cao lên, người đến mua đất, xây nhà san sát nhau, khoảnh đất trồng rau của mẹ tôi không còn, cái chuồng vịt cũng bỏ không. Xóm Hồ đã không còn cái hồ nào nữa.

Một năm thất mùa làm ăn, ba mẹ tôi bán nhà, bán đất, tiếp tục di dời đến một miền đất khác. Những ngày gói ghém lại đồ đạc trong nhà, tôi bần thần, nghĩ phận mình lữ khách, có miền đất nào để hứa đâu? Trong tôi lúc ấy bỗng nảy ra một hành động rất trẻ con. Tôi lấy thỏi son của chị gái bên nhà hàng xóm vứt đi, viết lên một góc tường tên một bài hát tôi rất thích khi đó. Ba chữ “ngày xưa ơi” in hằn lên bức tường rõ mồn một như niềm tin vào sự vĩnh viễn của tôi lúc đó.  Tôi không nói tạm biệt với đám trẻ trong xóm, lặng lẽ tay xách nách mang, lóc cóc theo chân ba đi trong màn đêm. Một người đàn ông với bốn đứa trẻ con như một gia đình tị nạn, rời bỏ một miền này để đến một miền khác, đi đâu, cũng là phận lưu dân.

Trong nhiều năm, tôi luôn mơ thấy mình trở về ngôi nhà ấy như chưa từng rời đi. Gian phòng của ba mẹ, kệ sách làm vách ngăn phòng của mấy chị em với phòng khách vẫn còn vẹn nguyên, giá võng tôi vẫn thường đánh đu học bài và hát véo von mỗi trưa nằm yên như đợi người trở về. Mọi thứ mồn một trong trí nhớ. Vậy mà khi thức giấc, biết là nằm mơ, bất giác buông một tiếng thở dài.

Mấy mùa trước, tôi trở về thăm nhà, thấy cánh cửa gỗ rách bươm như thân xác già nua, tiều tụy qua mấy mùa mưa bão. Áp tai lên cửa còn nghe tiếng gió rít gầm u u hoang vắng. Tôi rụt mình, có chút sợ hãi. Từ độ rời đi, nghe bạn bè nói lại, chẳng còn ai lui tới ngôi nhà đó, ngoại trừ vài khách vãng lai. Nhưng ở góc tường cũ, kỳ lạ là ba chữ “ngày xưa ơi” vẫn còn lại những dấu mờ. Chưa mất.

Nhưng, nó đã vỡ, theo những nhát búa đập vào vách tường. Ngôi nhà trở nên nhỏ bé, lạc hậu giữa những gương mặt kiến trúc mới. Nó không có ý nghĩa gì với những người chủ đến sau. Lần trở lại sau cùng, bóng dáng ngôi nhà đã biến mất. Tôi một mình đứng trước bãi đất hoang trơ trọi. Dấu tích còn lại là cái thành giếng đã lấp đầy những đất cạn nhô lên vài nhúm cỏ xanh lơ thơ. Vậy là mọi thứ trở lại như chưa từng có sự hiện diện của một gia đình người Bắc ở cái xóm nghèo nàn ấy. Tôi đi dọc con đường nhựa hai bên đã phủ đầy đất cỏ, không còn thấy một hình dung nào quen, lũ trẻ năm ấy đã tản mác đi muôn phương. Chỉ còn lại vài mái tranh dột nát, lụp xụp nép mình bên hông những ngôi nhà cao tầng sang trọng. Thảng đâu đó, tiếng vọng về của những ngày xưa bỗng trở thành nỗi bơ vơ đến lạ.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

LAM

 

“Má đã nói nó rồi. Nó cũng đồng ý chờ gặp. Mày liệu mà về. Đừng để mất mặt gia đình.”

Má cúp máy cái rụp. Vậy là xong. Má gửi “tối hậu lời” lên tới nơi rồi. Nhiều khi nàng hận cái thời buổi công nghệ, gì cũng nhanh như… à, còn hơn cả chớp.

Nàng mở facebook. Một tài khoản muốn kết bạn. Bạn chung của cả hai chỉ có 1 người: Má nàng. Chà, má hạ quyết tâm lên tới tận “phây búc”. Nàng soi thật kỹ cái avatar. Tóc mái thưa, đeo mắt kiếng, cưỡi con exciter, áo sơ mi, quần jean, dép Lào. Dân mần ăn đơn sơ chánh hiệu. Nàng chặc lưỡi: “Hờ, có hơi nữ tánh”.

“Lúc trước bà cũng phán lão Lam như vậy”. An đáp lại sau khi nhận được cái tin nhắn mè nheo kèm hình ảnh của “anh rể” tương lai từ bà chế.

“Nhưng lão khác. Lão chỉ có bàn tay đẹp như tay con gái thôi”.

Cậu em vừa biết yêu đập cái tin nhắn vào mặt nàng. “Chưa gặp người ta mà bà đã như vậy rồi. Có những người mình nghĩ vậy mà không phải vậy. Chế cứ đi gặp người ta đi”.  Cậu chàng cả quyết. Nàng cự nự: “Nhìn mặt là hết muốn gặp. Kèm theo những thông tin tui khai thác được thì tui từ chối có cơ sở”.

“Hèn chi bà ế.”

Đèn xanh phụt tắt. Hắn off rồi. Chắc đang bận mê mải với cuộc tình vừa chớm non nửa tháng. Không dưng một con mọt bỗng đâm ra lãng mạn, thích nói chuyện yêu và ngắm trăng sao trên trời.

Nàng không ế. Ít ra nàng tin là thế. Nàng có một người để mơ. Là Lam. Lam đúng kiểu nàng thích. Bụi bặm. Vai balo đi đây đi đó. Nhưng cũng lãng mạn, đa tình, biết làm thơ. Và cũng thư sinh lúc cần. Áo quần bảnh bao, sơ mi tối màu, lịch lãm, “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Ngon lành cành đào chớ bộ. Lam cho nàng một thế giới kỳ diệu. Lúc mơ, khi thực. Nàng như Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Mọi thứ nơi Lam đều quen mà lạ, khi rực rỡ, lúc u trầm.

Nàng trốn luôn ở phố. Không về. Má tức giận gửi tối hậu lời lần hai. Nếu không nghe, sẽ cắt hết trợ cấp. “Ai đời con gái ngấp nghé 30, chẳng chịu lấy chồng, còn đua đòi bút sách”. Nàng thở dài. Chồng con? Phiền. Nàng còn trẻ. Nàng vẫn ham chơi.

Tuổi 30 còn cách nàng 3 năm. Má khéo lo. Từ đây tới đó, nàng nhủ, sẽ kiếm được một chàng rể ra trò, đàng hoàng, tử tế. Hứa. Có ế cũng không lấy đại. Lấy chồng chứ đâu phải mua rau. Nhìn ngon mắt thế, nhưng ai biết có bao nhiêu lượng thuốc trừ sâu?

Nàng tới Văn, quán quen. Người ta tới chùa cầu duyên, nàng tới quán cafe để chờ duyên. Nàng chờ ai? Còn phải hỏi. Ngoài Lam ra, nàng còn muốn chờ ai?

Quán mở nhạc Khánh Ly, giọng thu âm trước bảy lăm. Không gian đặc trưng mùi gỗ cũ, tường lở loét xi măng. Anh chủ cố tình đập cho cũ bớt. Thời này lạ. Hồi xưa thích khang trang, sạch sẽ. Bây giờ cũ kỹ, bụi bặm thành “trend”. Mà nhờ vậy, nàng có chỗ lui tới, Lam cũng có nơi để về.

Phố lên đèn. Ly cacao sữa đá vơi phân nửa, đá tan ra. Loãng. Vị ca cao nhạt hoét. Nước pha không ngon so với những quán khác. Nhưng nàng thích những bông cúc vàng và ngọn đèn dầu có tay vặn bấc lên xuống. Hơi dầu hăng hắc. Nàng thấy phảng phất đâu đây cõi trời xưa.

Người rục rịch tới nghe nhạc. Đêm nay có chương trình ca nhạc Thương một người. Nàng cố tình chọn đêm này để đến Văn, đợi Lam. Nếu Lam đến, nghĩa là nàng và chàng có duyên.

Nhưng Lam không đến. Quá nửa chương trình Lam vẫn không đến. Ly cacao bây giờ chia làm hai tầng, phần trên lõng bõng nước nhạt, phần đáy là bột cacao đọng. Nàng lười khuấy. Nhấp đại cho đỡ khát. Ca sĩ đang hát Thương một người. Giọng ca nội lực, nhưng thiếu cảm xúc. Thế bao nhiêu cho vừa nỗi lòng kẻ đang yêu? Nàng hát theo, khe khẽ. Rồi rưng rưng. Nước mắt tự nhiên trào ra. Nàng cúi đầu. Hai tay chắp lại, kề môi. Mùi dầu hăng hắc. Ánh lửa bập bùng mỗi đợt quạt gió quay tới. Nàng mơ màng nhìn cánh hoa run rẩy giật mình. Ca sĩ vẫn hát. Tới đâu rồi nhỉ? Đã Xin trả nợ người rồi. Chúng mình có nợ nhau gì không, Lam?

Nàng về. Đại lộ thênh thang gió và trăng. Nàng ngẩn ngơ, trời cao đất rộng. Mỗi nàng. Mỗi mình nàng như chiếc bách lênh đênh giữa dòng đời bất tận cuồng quay này. Đêm nay, không có bờ vai Lam cho nàng tựa như đêm năm xưa. Cũng chẳng có vòng tay nào ấp ôm nàng nữa. Lam đi đâu, chẳng biết. Bao lần đến Văn là bao lần về trống không. Cung đường nào đang giữ Lam lại? Lam mơ hồ quá. Lam xa xăm quá. Vậy mà có lúc nàng tưởng nàng và chàng đã thật gần nhau rồi.

Cuộc gọi đến. An hỏi nàng đi đâu mà nhắn tin không trả lời. Nàng bảo đến Văn. “Trời, bà còn chưa từ bỏ lão hả? Đừng chờ lão nữa”. Nàng nghèn nghẹn ở cổ. “Tui có chờ đâu, có đợi đâu”. “Thôi đừng chối. Bà yêu lão vì gì?” Nàng im lặng. “Chẳng qua vì lão vẽ ra cho bà một thế giới quá đẹp. Bà đã sẵn mộng mơ, gặp tay này nghệ sĩ, lão tiện nước đẩy thuyền thôi. Thực ra, bà chẳng yêu lão. Cái bà yêu là tính nghệ sĩ của lão. Là cái nghệ sĩ trong lòng bà”.

An nói một hơi. Nàng nghe rõ cơn bực bội trong từng lời thốt ra. Rốt cuộc nàng yêu cái gì?

Trong lúc đợi tin nhắn từ An, nàng nhận tin má: “Mai cuối tuần, về nhà ăn cơm. Má đã nhắn nó. Kiểu gì cũng phải về gặp một lần. Còn chần chờ gì mà chưa chịu lấy chồng?”.

Đã xem. Nàng tắt đèn, buông mình chăn gối mệt nhoài. Ánh trăng mờ tỏ một góc phòng. Chắc gió ngoài kia liu riu. Nàng nghe phảng phất hơi đèn dầu, tiếng nhạc và giọng người xôn xao. Nhưng giữa những huyên náo, tuyệt không có giọng Lam.

Tranh của họa sĩ Uyên Thao

HẮN

 

Hắn gục đầu lên bàn, cây bút chì trong tay bị vứt lăn lốc cách đấy một quãng, tập giấy trên tay nhàu nát và dứoi chân hắn có không biết bao nhiêu cục giấy vo tròn nhìn hắn nhàu nhĩ. Hắn nghiến răng, cố rít lên thành một thứ tiếng bi phẫn mà rồi âm thanh không thoát ra đựoc khỏi cổ họng. Hắn hít một hơi sâu trong xót xa và chát đắng, nghe luồng thở của mình chạy dài từ mũi vào cuống họng.

Đêm đã khuya lắm. Hắn vẫn ngồi đó, ôm đầu nghe tiếng thạch sùng tắc lữoi lẫn với tiếng chuột chạy trên mái nhà.  Hắn lại ngồi dậy, tựa lưng vào ghế, rồi nhặt bút lên viết lấy vài chữ loằng ngoằng mà chính hắn cũng không biết mình đang viết cái gì.

Hắn là “nhà văn”.

Bạn bè hắn bảo thế. Hắn tuy không ra mặt những cũng ngầm nhận lấy cái “thiên chức” ấy. Và vì thế mà hắn tâm huyết lắm, đạo đức lắm. Hắn làm thơ, viết truyện cho đời dù rằng ông Tản Đà vẫn bào với hắn là “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nhưng hắn thây kệ. Chắc gì ông Tản Đà đã đúng. Mà với hắn, văn chương là đam mê, là lý tưởng. Mà đã là đam mê, lý tưởng lại đem đo bằng giá trị kim tiền thì thật rẻ rúng quá. Văn chương là cái gì vừa thiêng liêng lắm, cao sang lắm mà không phải ai sinh ra cũng làm đựơc. Hắn tự hào vì điều ấy, vì tin rằng hắn là một trong số ít những kẻ có thể viết văn chuơng.

Hắn đã từng tự hào như thế, và lấy làm hãnh diện. Khi đang học đại học, hắn đã có vài chục cái truyện ngắn trong tay, dù chưa hề đăng lên bất kỳ tờ báo nào. Ừ thì có hề gì? Văn chương của hắn, với những giá trị nghệ thuật mà hắn đề cao, biết đâu một ngày nào đó sẽ vang danh, hắn sẽ chẳng nổi tiếng sao?

Nhưng hắn nghe chuyện một gã nhà văn trẻ từng nói “nhà văn cũng cần phải sống”. Ban đầu, hắn cho là bậy lắm, viết văn tào lao để bán, bám vào thứ văn chương phuờng phố thấp hèn mà sống là kém cỏi lắm. Văn của hắn là văn bác học, văn triết lý không phải ai cũng viết đựơc, đọc đựơc. Thế mới là văn. Thế mới là trí tuệ. Hắn duơng duơng tự đắc trong lòng, tin rằng mình hay hơn tay nhà văn nọ.

Bây giờ thì hắn không tự đắc đựơc nữa, vì rõ ràng hắn đang nghèo kiết xác, vì rằng văn của hắn chẳng ai đăng, chẳng bán đựơc cho ai. Còn gã nhà văn trẻ kia đang lên như diều gặp gió, sách bán chạy từng ngày, từng giờ. Gã đựơc tung hô. Gã đựơc vang danh. Còn hắn, vẫn là một thằng sinh viên đang leo lắt trứơc nguy cơ thất nghiệp ngày mai. Hắn nhận ra rằng hắn cũng phải sống. Nhưng làm thế nào để sống mà không bán rẻ văn chương của mình mới là điều hắn lo nghĩ.

Hắn nghe mấy đứa bạn đi làm thêm ở mấy tờ báo nào đó hắn nghe tên cũng lạ, về kháo nhau: “Viết dễ lắm, ngon ăn mà lại có tiền”. Hắn lao theo, hỏi dò rồi cũng dò dẫm đi xin việc.

Hắn đem hồ sơ vào đài truyền hình xin một chân biên kịch. Hắn rất tự tin. Dù sao thì hắn cũng từng có kinh nghiệm viết lách, làm sao nhà tuyển dụng lại có thể để sót hắn đựơc. Nhưng hắn truợt. Ngừơi ta bảo hắn viết tốt nhưng còn văn chương quá, kịch cần lời nói thường ngày gần gũi với quần chúng hơn. Không nản chí, hắn xin làm báo. Hắn tin viết tốt như hắn có chỗ nào mà không làm đựơc. Nhưng đi đến đâu hắn cũng bị từ chối.

Rồi hắn nghe một ngừơi bạn khác của hắn, đang làm cho một tờ báo mạng, nói: “Mày không biết chỗ xin rồi. Viết báo bên tao nhiều tiền lắm, lại dễ viết, không cần chuyên môn cao…”. Hắn đánh liều gửi thử một bài viết đã lâu, hồi hắn còn học phổ thông. Rồi đựơc đăng. Hắn đến xin làm cộng tác viên rồi từ đấy nhận đề tài về nhà viết.

Hắn thấy công việc này quả thật dễ như lời bạn hắn nói, lại nhẹ nhàng, chẳng cần phải chạy đôn chạy đáo viết tin, chỉ cần ngồi ở nhà, bịa ra vài chuyện, viết vài dòng tản mạn lâm li, bóng bẩy  một chút là đựơc đăng. Đựơc đăng rồi hắn chỉ cần chia sẻ cho bạn bè, ngừơi thân đọc. Luợng ngừơi xem càng tăng thì hắn càng có nhiều đơn đặt bài, đồng nghĩa với việc số tiền chui vào túi hắn sẽ ngày càng nhiều hơn. Nhuận bút không quá bèo, vài chục ngàn một bài. Thế cũng đủ tạm qua ngày. Cái cần câu cơm của hắn tuy mỏng, nhưng cứ kiên trì, biết đâu? Hắn lao vào vòng vây mưu sinh, dần dần hắn nhận viết thêm cho một số tờ báo khác. Không có thời gian suy nghĩ, lên ý tuởng cho bài viết, hắn lên mạng, tìm bài viết của những ngừơi khác viết rồi “xào nấu” lại, thêm chút mắm, bớt chút đuờng. Vậy là hắn đã có bài nộp. Công việc đơn giản, cũng chẳng mất quá nhiều công sức. Và hắn mỉm cừơi với bứơc đi đầu tiên trong đời viết của mình mà hắn cho là thành công bước đầu.

Giờ thì hắn thấy nhục nhã. Lòng tự trọng của một gã sinh viên ngành văn “chính chuyên” đang bị đời vùi dập. Hắn không thể viết tiếp những bài báo đựơc đặt hàng theo kiểu sáo rỗng, vô vị mà chẳng cần phải học ngành văn, bất kỳ ai cũng có thể viết được. Hắn không thể ngồi nhà bịa ra những câu chuyện tình yêu lâm li, bi đát, những cuộc tình tay ba hay những câu chuyện sặc mùi tình dục vẫn phổ biến trên các trang báo mạng cho giới trẻ. Hắn đau đớn khi phải đặt bút viết ra những bài báo rẻ tiền mà thời trước hắn đã viết. Một lần, hắn lên facebook, lứơt qua tường nhà mấy đứa bạn cùng làm. Hắn hãi hùng với những bài viết được chia sẻ có “tít” “Thà lấy đĩ làm vợ chứ không lấy vợ làm đĩ” hay “chàng trai “bảnh như rồng” đốn tim fan nữ”. “Trời!”, hắn kêu lên, rồi hốt hoảng, rồi bàng hoàng. Hắn tắt vội máy tính, đạp xe ra phố. Hắn lặng mình trong công viên suốt buổi chiều hôm đó.

Hắn mở máy tính, tìm lại những bài viết xưa hắn cất trong một file đã lâu rồi chẳng đụng đến. Những cái truyện hắn viết một thời nằm chỏng chơ, buồn hiu và lặng lẽ. Từng con chữ lướt qua mắt, qua óc rồi chạy vào tim hắn. Đã một thời hắn viết những câu chuyện đọc đến nao lòng, tình cảm khi ấy hồn nhiên làm sao. Hắn giật mình không nhớ nổi làm thế nào hắn lại viết đựơc những câu văn đẹp như thế. Hắn nhìn đôi bàn tay mình, bần thần nhớ lại những đêm ròng thức đến tận khuya sáng, tốc ký viết cho xong một cái truyện mà hắn phải ấp ủ rất lâu mới thành hình. Hắn làm việc không biết mệt, những lúc ấy hắn chỉ biết là hắn viết, bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ của hắn. Hắn nhìn hắn bây giờ, cơm, áo, gạo, tiền bủa vây, hắn chẳng còn nhớ hắn trước kia ra sao nữa. Những con chữ, bản thảo vẫn chạy qua óc hắn như níu hắn bây giờ về với hắn trước kia. Những những con số, những chi phí ngày mai đang đợi hắn, bảo hắn phải trang trải, phải suy tính. Hắn ngây ngừơi như một bức tuợng, mắt đăm đăm nhìn vào tập giấy trắng trứơc mặt. Tiếng đồng hồ tích tắc bên tai, và bên ngoài căn gác trọ xập xệ của hắn, trời vẫn khuya.

LÃ HOÀI MAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *