
Vanvn- Chắc hẳn cô bé này đã đọc rất nhiều văn học kinh điển, thường thường các bạn trẻ xuất phát điểm từ những cái gì thân thuộc với gia đình và quê hương của mình. Thế giới nghệ thuật của họ được thể hiện qua cảm xúc cá nhân. Nhưng với một người đọc nhiều, nhất là với tư duy của ngành toán học thì lại khác. Họ sẽ đi thẳng trên sân chơi văn học, có thể những bước đầu còn yếu do nội lực chưa biết tiết chế, nhưng trải qua vài cuộc thử thách họ lại tích lũy được kỹ năng rất chắc. Và thậm chí có thể trở thành một ngôi sao. Hoàng Thị Hạnh sinh năm 1993, quê ở Hưng Yên, hiện đang giảng dạy toán học ở Hà Nội là một trường hợp mà tôi muốn nhắc tới.
NHÀ VĂN TRẦN ĐỨC TĨNH giới thiệu
Mảnh trăng giữa đại ngàn
“What is it good for? – Absolutely nothing!”
(Chiến tranh có mang lại điều gì tốt đẹp không?
– Hoàn toàn không có gì cả!) – War, Edwin Starr.
Đêm nay lại là một đêm trăng tròn.
Ánh trăng bàng bạc bao phủ khắp cánh rừng mênh mông. Trăng vấn vít trên từng ngọn cây. Trăng khe khẽ cựa mình trong từng tán lá. Trăng hiền hòa và đôn hậu soi sáng nhân gian bằng mối giao tình ngàn năm keo sơn gắn chặt. Trong suốt những năm tháng ấy, trăng đã trở thành người bạn tri kỉ của chúng tôi – những đứa con xa nhà mang trong tim ngọn lửa hừng hực khí thế xông pha trong trận chiến giải phóng dân tộc.
Chúng tôi ngồi kề vai bên nhau dưới tán lá của một cây chò cao vút. Tôi nhẩm tính những tháng ngày chờ đợi. Ngày nối ngày. Tháng nối tháng. Không biết đã có bao nhiêu năm tháng trôi đi, chúng tôi vẫn nối dài thêm những niềm hi vọng có một ngày được trở về với quê hương, gia đình, trở về trong vòng tay của những người thân yêu dấu.
Dũng lắc đầu thở dài. Tôi biết nó nhớ nhà, nhớ mẹ. Ngày nó ra chiến trường khi ấy, nó mới chỉ vừa tròn mười tám. Thằng Dũng là con một. Nó kể rằng, ngày đó nó lén giấu cha mẹ để đăng kí đi nhập ngũ, nó cũng không biết tại sao lúc ấy, ngoài ý chí nung nấu bằng mọi giá phải ghi danh, tham gia vào trận chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược, nó không còn nghĩ đến điều gì khác. Nó có thể bỏ lại tất cả phía sau, mắt chỉ hướng về một phương nơi chiến tuyến. Khi gia đình nó biết chuyện, họ chỉ nín lặng giấu những giọt nước mắt vào trong, động viên và dặn dò nó sớm ngày quay trở về. Thằng Dũng là một đứa sống tình cảm. Trong những tháng ngày chúng tôi cùng nhau chiến đấu, mỗi ngày nó đều viết một lá thư cất vào ba lô mang theo bên mình, đặng may mắn có thể gặp được một ai đó nhờ trao gửi về với người thân nơi quê nhà. Thế nhưng, trong những năm tháng đó, điều kiện khó khăn, thư từ thất lạc, hàng chục, hàng trăm lá thư của nó gửi về quê, chỉ nhận lại được duy nhất một lá thư hồi âm lại. Nó giữ mãi lá thư ấy trong ba lô như một kỉ vật quý giá và cho tới tận bây giờ lá thư vẫn đang nằm bên cạnh nó. Bức thư dài gần chục trang giấy, chúng tôi đã cùng chuyền tay nhau, đọc không sót một chữ nào. Tưởng chừng như ngày ấy, mỗi một cánh thư ở nơi tiền tuyến đều chứa đựng biết bao nhiêu hơi ấm từ hậu phương nơi quê nhà, là trọn vẹn những tình cảm thiêng liêng quý báu nhất từ mỗi người cha, người mẹ, những người thân đang ngày đêm mong ngóng.
Mạnh ngồi trầm tư. Thi thoảng nó lại ngân nga một vài giai điệu mà đã từ lâu, tôi cũng đã chẳng còn có thể nhớ ra nổi tên bài hát. Chiến tranh. Bom đạn. Chết chóc. Tất cả những thực tại hà khắc ấy cũng chưa bao giờ dập tắt đi ở nó niềm say mê âm nhạc. Trước khi cầm súng đi chiến đấu, thằng Mạnh đã từng là một cây văn nghệ của trường. Nó cùng với người con gái mà nó thầm thương đã từng là một đôi chim sơn ca ngày ấy. Nó đã từng khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng nhất định sẽ có một ngày nó phải trở về để bày tỏ tình cảm với cô gái mà nó thầm yêu. Thế nhưng, nó vẫn chưa thể kịp làm điều ấy cho đến tận bây giờ.
Tôi say sưa ngồi ngắm ánh trăng non, bấy giờ đã trôi về phía cuối rừng. Mảnh trăng lung linh, lấp lánh như xua tan đi những nỗi quạnh hiu của một đêm buồn cô tịch.
Tôi cũng nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết giống như thằng Dũng, thằng Mạnh. Có đôi lúc thi thoảng tôi còn nhớ đến cả những mùi hương mà bấy lâu nay chúng chỉ còn là kí ức: từ hương lúa chín thơm lừng nơi đồng nội cho tới mùi ngai ngái của đất bùn. Tôi nhớ cả cỏ cây, ruộng đồng, nhớ từng ngôi nhà tranh, vách đất. Tôi nhớ tất cả những gì thuộc về nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà từ lâu tôi đã không còn được trông thấy.
Tôi, thằng Dũng và thằng Mạnh đã cùng nhau nằm lại ở nơi đây suốt bốn mùa thu – đông – xuân – hạ. Không biết có bao nhiêu vầng trăng khuyết lại tròn, tròn lại khuyết nhiều không đếm xuể. Cũng không thể đếm nổi có biết bao nhiêu mùa lá rụng qua đi rồi lại đến mùa cây cối đâm chồi. Tôi chỉ biết rằng: mỗi ngày chúng tôi đều ngồi kề vai bên nhau, thao thiết ngóng trông về quê hương và đợi chờ một ngày nào đó những người đồng đội thân thiết sẽ quay trở lại đây đón chúng tôi trở về với làng quê yêu dấu.
Những người thân yêu của chúng tôi, không biết bây giờ họ đang sống ra sao? Liệu họ có được mạnh khỏe và bình yên không nhỉ? Tôi đã tự hỏi không biết bao nhiêu lần rằng họ có trách cứ chúng tôi vì sao đã đi lâu như vậy không? Lòng tôi day dứt và cồn cào như sóng cộm. Tôi đã vô cùng cảm thấy có lỗi vì đã ra đi mà không nói một lời từ biệt.
Một ngày của rất nhiều năm sau đó, có những người xa lạ đến tìm chúng tôi. Những gương mặt mà có lẽ rằng chúng tôi đã chẳng còn có thể nhận ra bởi những dấu vết của bánh xe thời gian vẫn lăn đều không nghỉ. Chúng tôi không già đi. Nhưng họ thì có.
Một nhóm gần chục người đem theo cuốc xẻng và nhiều thứ đồ đạc lỉnh kỉnh khác nữa. Chúng tôi lặng lẽ đứng quan sát. Bên trên chiếc bàn gỗ gấp là một bát nhang nghi ngút khói hương. Họ rì rầm khấn vái. Trong làn khói lảng bảng đang vấn vương nơi đầu mũi, chúng tôi nghe thấy tên của thằng Mạnh. Chắc là người nhà của thằng Mạnh tới để đón nó về. Ơn giời, không biết làm thế nào, sau bao nhiêu năm thất lạc cuối cùng họ cũng đã tìm được tới đây.
Người đàn ông quỳ mọp trước bát nhang, lẩm nhẩm khấn cầu thằng Mạnh soi đường chỉ lối để mau chóng tìm ra phần mộ. Họ đào bới xung quanh nơi thằng Mạnh đang nằm, chỉ là không hiểu vì sao chỉ còn cách một vài phân thước nữa lại không thể nào chạm tới. Chúng tôi cùng nhau đứng trước phần mộ của nó, ra sức chỉ trỏ, gào thét nhưng vô ích. Âm dương cách trở. Đã từ lâu, họ đã chẳng thể nghe được lời nói của chúng tôi. Cuối cùng, không còn cách nào khác, chúng tôi đành cố gắng tận lực thổi bay mảnh giấy đang nằm trên mặt bàn đến chỗ thằng Mạnh. Mảnh giấy yếu ớt bay như một thông điệp được gửi đi. Những người trong đoàn lúc này bắt đầu cảm nhận thấy sự lạ. Họ ra sức khấn vái, khẩn thiết cầu mong thằng Mạnh có thể hiển linh chỉ dẫn. Chúng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn nữa chỉ đành ngồi đợi chờ kết quả. Họ đào lên từng lớp, từng lớp đất. Bụi tung mù mịt. Những dấu vết đã ngày càng lộ rõ. Chúng tôi hồi hộp. Ngày hôm nay, không biết liệu thằng Mạnh có thể trở về nhà được hay không? Cho tới khi đầu mũi xẻng chạm vào mảnh xương tay của nó, chúng tôi gần như đã vỡ òa vì vui sướng. Linh hồn của ba chúng tôi cùng ôm lấy nhau, đứa nào đứa nấy mắt ngân ngấn lệ.
Họ cẩn thận xếp từng mảnh xương lên bề mặt ni lông. Quần áo của nó cũng đã mục nát hết cả. Chỉ còn nhìn thấy thấp thoáng những mảnh vải vụn từ bộ quân phục màu xanh lá. Tôi thoáng rùng mình. Có lẽ ở sâu bên trong lớp đất kia, hình dáng của chúng tôi bây giờ đều đã trở thành như thế.
Họ lần lượt thắp nhang cho thằng Mạnh. Mùi nhang phảng phất hòa quyện vào trong không khí. Thắp nhang xong, người ta bắt đầu sắp xếp từng mảnh xương vào chiếc hộp gỗ. Thằng Mạnh vui mừng khôn xiết khi nó vừa được khoác lên mình lá cờ tổ quốc thân yêu. Chúng tôi chia tay nó trong mừng tủi, dặn dò nó từ nay về sau hãy sống vui vẻ và nhớ đến những tháng ngày mà chúng tôi ở bên nhau. Thằng Mạnh chỉ ngậm ngùi gật đầu. Nó cất bước, từng bước đi nặng trịch. Nó cố ngoái đầu lại, giơ tay vẫy chào tạm biệt. Tôi đứng nhìn theo mà nghe lòng chùng xuống. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nghe lại những giai điệu mà nó vẫn thường ngân nga nữa. Sẽ chẳng bao giờ nữa!
Bấy giờ chỉ còn lại thằng Dũng đứng kế bên tôi. Nó đưa tay gạt đi những giọt nước mắt vừa lăn. Có một nỗi buồn mơ hồ vừa mới rụng xuống cả hai đứa chúng tôi. Không. Phải là mừng vui mới đúng. Vui mừng vì chú chim sơn ca của chúng tôi cuối cùng cũng đã bay về với tổ.
Những đêm trăng sau đó, chỉ còn lại mình tôi và thằng Dũng. Ánh trăng cao vời vợi vẫn soi sáng cho chúng tôi trong những đêm buồn lẻ loi, cô quạnh.
Thằng Dũng kể cho tôi nghe về mối tình đầu của nó. Một cô bé học dưới nó hai khóa. Trước ngày nó ra chiến trường, nó có đến nhà cô bé ấy và hai đứa đã cùng nhau ngồi dưới giàn hoa thiên lý. Nó có tặng cho cô bé một bài thơ, đại để trong ấy, nó còn nhớ được mấy câu như thế này:
Em có nghe trong chồi non lộc biếc
Có mầm cây đang khe khẽ đâm chồi
Em có nghe trong đất trời da diết
Có người vừa cài nhung nhớ lên tôi…
Tôi hỏi nó, tại sao khi thằng Mạnh còn ở đây, chúng tôi không bao giờ nghe thấy nó nhắc đến chuyện này. Thằng Dũng bấy giờ mới từ tốn đáp; nó sợ thằng Mạnh sẽ buồn vì lời yêu của nó vẫn còn chưa kịp thổ lộ. Và có lẽ nó cũng chẳng bao giờ còn có cơ hội đó nữa. Bấy giờ tôi mới càng nể thằng Dũng hơn. Bởi vì bấy lâu nay, nó vẫn giữ kín câu chuyện tình của mình, chỉ để thằng bạn thân không còn cảm giác day dứt và tiếc nuối.
Tôi lại hỏi thêm nó, rằng cô bé ấy có yêu nó không? Nó ngập ngừng giây lát rồi ngẩng đầu lên nhìn ánh trăng huyền ảo một cách say đắm, giọng nói có chút bùi ngùi:
“Cô ấy nói là sẽ chờ tao về. Và đến giờ tao cũng không biết cô ấy có còn chờ tao nữa hay không?”.
Năm tháng trôi đi. Vật đổi sao dời. Sinh ly tử biệt chỉ là chuyện xảy ra trong thoáng chốc.
Chúng tôi của những năm tháng ấy, theo lời hiệu triệu, theo tiếng gọi của từng nhịp tim thổn thức để lên đường bảo vệ tổ quốc thân yêu. Dẫu có khó khăn, dẫu có vất vả, dẫu có mất mát, hy sinh cũng nguyện dâng hiến hết mình cho tình yêu dân tộc.
Tôi chạnh lòng nhớ về cha. Cha tôi cũng từng là một chiến sĩ quả cảm. Và có lẽ bây giờ ông cũng giống như tôi, đang gửi gắm một phần thân thể ở một nơi nào đó trên dải đất hình chữ S.
Cái tên Đỗ Anh Hùng mà sau bao nhiêu tháng ngày suy nghĩ trăn trở, cha tôi mới chọn lựa ra được để đặt cho tôi. Cha đã từng nói với tôi, ông tin rằng sau này tôi nhất định sẽ trở thành một người lính anh dũng. Và cho đến bây giờ, tôi nghĩ mình đã không làm cho cha thất vọng.
Những ngày tiếp nối sau đó, tôi và Dũng vẫn tiếp tục kề vai sát cánh. Chặng đường phía trước vẫn còn xa xôi. Chúng tôi sẽ phải cố gắng hết mình để trở thành chỗ dựa cho người đồng đội thân thiết. Chúng tôi phải giữ vững lòng tin vào ngày trở về. Tôi tin chứ. Tin rằng mình sẽ không phải nằm đây mãi mãi. Giống như ngày trước, khi đã một lòng tin tưởng vào ngày mai toàn thắng.
Rồi một hôm, thằng Dũng vẫy tôi lại gần cái cây mà nó đang đứng. Nó đưa mắt hướng về phía xa xa, trong giọng nói ngập tràn hy vọng:
– Có người đang đến đấy!
Tôi mừng rỡ cũng dỏng tai lên nghe ngóng. Đúng là có tiếng những bước chân người đang nhịp nhàng tiến lại. Lòng tôi tiếp tục nhen lên những đốm lửa mong chờ.
Họ đã tiến lại gần phía chúng tôi. Người trưởng đoàn cầm theo một tấm bản đồ đã cũ nát. Tôi ngó lại gần, bên trên là những kí hiệu chằng chịt đan vào nhau như lưới nhện.
Sau khi trải một tấm áo mưa xuống mặt đất rồi xếp một chiếc bàn gỗ đặt lên trên đó, người trưởng đoàn quỳ phủ phục đốt một nén nhang. Chúng tôi nghe thấy những tiếng thì thầm khe khẽ, những tiếng nói tưởng chừng quen thuộc mà cũng vô cùng xa lạ:
– Các đồng chí! Hôm nay chúng tôi đến đây để đón các đồng chí về nghĩa trang cùng với các anh em! Các đồng chí có sống khôn thác thiêng, mong các đồng chí hãy soi đường chỉ lối.
Tôi nghiêng nghiêng nhìn mái tóc hoa râm của người đàn ông đang đứng trước mặt. Gương mặt ấy rất đỗi quen thuộc nhưng tôi cũng chẳng thể nhớ ra nổi đó là ai. Những dáng hình mơ hồ cứ dần dà hiện lên trong tâm trí tôi lúc ẩn lúc hiện. Bởi từ lâu chúng đã nằm sâu trong miền kí ức ngủ vùi.
Người đàn ông ấy nói với những người anh em xung quanh rằng tạo hóa trớ trêu, dòng đời khắc nghiệt, thời gian theo năm tháng qua đi bào mòn thực tại, ông ấy đã không còn nhớ nổi chính xác vị trí mà chúng tôi đang nằm nữa rồi.
Ông run run cầm tấm bản đồ cũ kĩ trên tay. Quanh quẩn nơi đây, chỗ chúng tôi đang đứng, cảnh vật đã không còn giống với nhiều năm về trước.
Tôi và Dũng quay sang nhìn nhau. Trong ánh mắt đều hiện lên niềm ngóng chờ mong mỏi.
Những gốc rễ chằng chịt, cỏ cây um tùm hoang lạnh bao quanh nơi chúng tôi đang nằm. Mặc dù chúng tôi đã cùng nhau cố gắng hết sức gạt bỏ chúng ra nhưng không được.
Lúc này, người đàn ông đi đi lại lại quanh khu vực ấy, rồi như có linh tính mách bảo, ông ta dừng lại ở chỗ gốc cây của chúng tôi. Ông cúi xuống mặt đất nhặt lên một mảnh vỏ đạn, rồi mừng rỡ nói với các đồng đội:
– Chính chỗ này. Đúng là chỗ này rồi.
Ai nấy đều khấp khởi vui mừng. Lòng chúng tôi cũng hân hoan vui sướng.
Lại là từng lớp, từng lớp đất được tung lên. Chúng tôi nghẹn ngào trong những dòng cảm xúc khó tả.
– Thấy rồi! Thấy rồi!
Những người đồng chí ấy cùng phấn khởi reo lên. Họ đưa chúng tôi lên mặt đất. Hai chiếc ba lô, hai chiếc mũ tai bèo từ lâu đã không còn nguyên vẹn. Và chúng tôi lại được khoác lên mình màu Quốc kỳ của tổ quốc thiêng liêng.
Tôi thấy thằng Dũng sờ tay vào túi áo ngực. Hình như trong túi áo của nó vẫn còn cất giữ một vật gì đó xem chừng quan trọng lắm.
– Anh ơi, lại đây xem này!
Người đồng chí kia lần vào trong túi áo của thằng Dũng lôi ra một mảnh bom. Trên đó có khắc mấy dòng chữ: “Con yêu tổ quốc và mẹ…”.
Họ xếp thành một hàng đứng trước mặt chúng tôi. Những tấm lưng thẳng tắp. Từng người chia nhau nén nhang, thắp lên và sưởi ấm hơi lạnh cho chúng tôi bằng nghĩa tình đồng đội trân quý.
Chúng tôi cùng nhau hát vang bài “Tiến quân ca”. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng để lên đường.
Theo chân những người đồng đội nhẹ nhàng cất bước, tôi lẩm nhẩm nói lời từ biệt với cây chò cao vút giữa đại ngàn, với những đêm trăng huyền diệu bên vạt cây trong rừng núi… Tạm biệt nhé! Nơi đã bao dung, che chở chúng tôi trong những ngày tháng cô đơn giá lạnh.
Đã đến lúc chúng tôi phải về với những người đồng đội của mình rồi!
Chúng tôi được quy tập trở về nơi nghĩa trang liệt sĩ. Suốt chặng đường trở vào trong, những người đồng chí mà chúng tôi chưa hề quen biết đã xếp thành một hàng ngang giơ tay đón chào chúng tôi. Trên mỗi ngôi mộ là một người đồng đội. Họ từ khắp các miền quê của tổ quốc, tuy không cùng một nơi sinh ra, nhưng khi mất đi lại có chung một mái nhà. Mỗi một người trong số họ đã để lại một phần xương máu của mình cho quê hương đất mẹ, sẵn sàng chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ nền hòa bình cho dân tộc. Họ cũng giống như chúng tôi, anh dũng, can trường và có một niềm tin không bao giờ buông bỏ.
Đêm hôm ấy, giữa ánh trăng tròn nơi nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài ca “Đồng đội”. Những năm tháng rực lửa vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi, cho hôm nay và cho cả mai sau:
Chúng tôi ngồi kề vai bên nhau trăng trôi trên đầu súng
Ánh lửa hồng bừng soi đêm sâu, làn khói che sương mờ
Bạn tôi đang mơ nơi làng quê yêu dấu
Có con kênh đào lúa xanh hai mùa mát cánh đồng
Còn tôi đang đang mơ, mơ người tôi yêu dấu
Cách xa muôn dặm mà lòng không xa.
(Lời bài hát Đồng đội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp).
Hà Nội, 2021

Chuyện tình ở Sankt-Peterburg
Mùa đông năm ấy có thể coi là mùa đông lạnh giá nhất ở Sankt-Peterburg.
Tôi đã đón sinh nhật lần thứ hai mươi ba của mình trên đất nước Nga xa xôi cùng với đó là những khoảng trống cô đơn và lạnh lẽo nơi xứ người.
Mùa đông bắt đầu khi thành phố đón những cơn gió buốt lạnh, tuyết rơi trắng xóa khiến cho vạn vật ngập trong một sắc buồn ám ảnh. Tiết trời lạnh là vậy nhưng dường như nó lại khiến cho vẻ đẹp của những hàng Bạch Dương càng trở nên đắm say và quyến rũ. Khi mùa đông đến, Bạch Dương bắt đầu cởi bỏ lớp áo vàng, áo đỏ, chỉ còn trơ trọi với những cành cây gầy guộc, xám xanh, giăng lối đan vào nhau như một tấm lưới che phủ bầu trời. Tuyết rơi xuống, tấm áo lưới như được khoác thêm màu trắng u buồn giữa mùa đông cô tịch. Một vẻ đẹp mong manh tựa sương khói giữa những bão tố, chông chênh.
Không giống như những du học sinh khác, tôi đến Sankt-Peterburg theo diện “tự túc”, hay nói thẳng ra, đó là “gia đình phải nuôi” và lo toàn bộ chi phí ăn học. Cha tôi cũng không kì vọng quá nhiều về thành tích của tôi. Bởi vì trên thực tế, việc tôi đi học chỉ là một hình thức để sau này có thể hợp pháp hóa những nguồn thu nhập không rõ nguồn gốc của ông. Tôi đã sống cuộc đời của một “cậu ấm” không phải lo nghĩ đến “cơm ăn áo mặc” như thế giữa thành phố nước Nga cho đến buổi tối định mệnh ngày hôm đó.
Khi đang mê mải với những trang thơ của Puskin, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận được một cuộc gọi từ quê nhà. Cha tôi hiếm khi gọi điện thoại cho tôi. Bởi lẽ, cuộc sống của ông từ lâu đã không còn có đủ thời gian để quan tâm chăm sóc cho đứa con này. Tôi nhấc máy nhưng càng sửng sốt hơn nữa khi ở đầu dây bên kia, không phải là tiếng nói của cha tôi mà là giọng nói run rẩy của một người phụ nữ:
“Kiên à! Cha con … cha con… bị người ta bắt rồi…”
Tôi giật mình đến nỗi đánh rơi chiếc điện thoại đang cầm trên tay, phải mất đến vài phút sau mới có thể trấn tĩnh. Tôi vội vàng giở lại lịch sự cuộc gọi, quay số điện thoại gần nhất mà trong lòng dấy lên những nỗi bất an lo sợ. Phải khó khăn lắm, tôi mới có thể điều hòa hô hấp và lấy lại bình tĩnh.
“Alo, dì… phải không…?”
Tôi ngập ngừng, giọng nói có chút rụt rè. Kể từ khi cha lấy dì tôi, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cam tâm tình nguyện mà gọi bà như vậy.
“Đã xảy ra chuyện gì?”
Tôi tiếp tục hỏi. Trong ống nghe chỉ thấy vang vọng lại những tiếng nấc dài không dứt:
“Cha con bị làm sao?”.
Tôi cuống cuồng hỏi dồn dập.
“Cha con… cha con bị nghi ngờ dính líu đến một vụ tham nhũng, giờ đang bị tạm giam. Dì gọi để nói với con, trong khoảng thời gian tới chi phí sinh hoạt của con… có lẽ con sẽ phải tự xoay sở lấy. Dì xin lỗi…”.
Lại là những tiếc khóc nức nở bên đầu dây bên kia. Tôi khó nhọc kìm nén những nỗi đau đang day dứt âm ỉ, lên tiếng trả lời:
“Vâng. Dì không cần quá lo lắng cho con”.
“Trước khi cha con đi, ông đã căn dặn dì phải nói lại với con. Xin con hãy thông cảm cho ông ấy”.
Lồng ngực của tôi chợt râm ran đau buốt. Thì ra, ông ấy không phải hoàn toàn đã quên mất sự có mặt của tôi. Sự việc chấn động này dường như đã khiến cho những ác cảm của tôi về ông được xóa sạch. Giờ phút này đây, tôi chỉ cảm thấy hận chính bản thân mình vô dụng, bất tài, không thể làm được bất cứ việc gì trong lúc ông ấy gặp khó khăn.
“Mọi việc giờ trông cậy cả vào dì. Xin dì hãy lo cho cha con và an ủi ông ấy. Dì hãy nói với ông ấy con tự biết chăm sóc bản thân, ông không cần quá lo lắng”.
Vào lúc ấy, tôi chẳng biết mình sẽ phải nói thêm điều gì. Đầu óc trống rỗng. Tay chân bủn rủn. Tôi dặn dì giữ gìn sức khỏe để lo cho cha rồi ngại ngùng lên tiếng:
“Dì… Con thật sự xin lỗi dì”.
Tôi nói rồi vội vàng dập máy, trốn vào một góc tối trong căn phòng. Sau cái chết của mẹ tôi, có lẽ đây là lần thứ hai tôi cảm thấy mình bất lực đến thế. Tôi ôm trọn bóng tối cô độc. Cả khoảng không gian xung quanh bức bối đến nghẹt thở.
Những ngày tháng khó khăn mới chỉ thực sự bắt đầu.
Cô đơn. Lạc lõng. Hoang mang. Tôi loay hoay trong từng cơn ác mộng.
Chẳng mấy chốc, số tiền dành dụm của tôi đã sắp cạn kiệt. Tôi chẳng biết mình sẽ phải sống tiếp những ngày còn lại ra sao? Rồi cuộc đời của tôi sẽ trôi qua như thế nào?
Tôi bước vào trong một quán bar. Vẫn là những cô gái Nga quyến rũ đê mê với cặp giò trắng nõn . Tiếng nhạc xập xình như quyến dụ tôi – một kẻ chỉ biết “ăn chơi” hưởng lạc bước chân vào khu vườn của những thú vui đầy cám dỗ.
Tôi nốc cạn tám chai bia. Đầu đau như búa bổ. Trong tiềm thức của mình lúc ấy, tôi chỉ còn lờ mờ nhận ra được, đã đến lúc tôi phải trả tiền. Nhưng tôi làm gì còn tiền. Và họ muốn giết tôi. Đúng. Họ đang muốn đánh chết tôi. Một thằng con trai vô dụng nhất trên đời này.
Những nhát đấm đá vung vào đầu tôi dữ dội đau điếng. Xung quanh hỗn loạn. Tiếng chửi rủa liên miên không dứt. Những người đàn ông bản địa to lớn ẩn chứa sức mạnh của loài mãnh thú. Tôi yếu ớt rên rỉ nhưng không phản kháng. Sẽ nhanh thôi. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ đánh chết tôi. Tôi chờ đợi điều đó như một thứ ơn huệ trời ban.
Thế nhưng đột nhiên họ dừng tay lại. Mẹ kiếp. Tôi không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.
Họ rời đi. Và những cơn đau âm ỉ khiến cho tôi mê man. Cho tới khi mở mắt tỉnh dậy, tôi đã cứ ngỡ mình được lên thiên đàng.
“Còn trẻ thế này đã muốn chết sao?”.
Là giọng nói của một người phụ nữ Việt. Đúng. Là thứ ngôn ngữ êm tai và dễ chịu nhất trong cuộc đời tôi. Là chất giọng Việt đặc trưng không – pha – tạp thứ âm thanh mà từ rất lâu tôi vẫn thường khắc khoải nhung nhớ.
Tôi gắng gượng ngồi dậy. Trước mặt tôi là một người phụ nữ xinh đẹp. Một vẻ đẹp mặn mà sắc sảo cuốn hút những gã đàn ông.
“Chị là ai? Và đây là đâu?”.
Người phụ nữ ấy nhìn tôi chăm chú. Chị ta quan sát tôi một lượt từ trên xuống dưới rồi hỏi lại:
“Là du học sinh sao?”.
Tôi không trả lời cũng không phản đối, cố tính nhìn đi chỗ khác.
“Là thế này: tối nay tôi đã nhìn thấy cậu ở quán Bar. Nếu tôi không gọi bọn chúng ra để thanh toán hết chỗ hóa đơn cho cậu thì không biết chừng cậu đã bị đánh chết lâu rồi… ”.
“Chị cứu tôi làm gì? Giờ một xu tôi cũng không có để trả cho chị đâu!”
Tôi thẳng thắn đáp trả dẫu biết rằng mình vừa mới phụ lòng một vị ân nhân.
“Trả hay không tùy cậu. Tôi chỉ không nỡ đứng nhìn đồng hương của mình bị người ta hiếp đáp”.
Tôi lặng người. Hai tiếng “đồng hương” sao mà thân thương đến thế!
Chẳng phải ở nơi “đất khách quê người” này, phải khó khăn lắm người ta mới có thể tìm thấy được một người có cùng chung dòng máu da vàng, cùng chung thứ tiếng mẹ đẻ hay sao?
Khóe mắt tôi rưng rưng. Giữa những đắng cay nơi xứ người, chẳng phải vẫn còn những thứ tình thân đẹp đẽ đến lạ lùng.
Cũng nhờ có chung dòng máu dân tộc đang cùng chảy trong huyết quản, chúng tôi từ những con người xa lạ mà sát lại gần nhau.
Miên là tên của chị. Có thể là Miên trong Mộc Miên. Tôi đoán là như thế. Chị bảo chị cũng không rõ ý nghĩa cái tên của mình, chỉ biết đó là tên do cha mẹ đặt cho. Chị cũng không có hứng thú để tìm hiểu về nó. Chị lại muốn biết về tôi nhiều hơn. Tôi miễn cưỡng phải trả lời hết những câu hỏi của chị. Chị rút bao thuốc châm cho tôi một điếu, điếu còn lại dành cho mình.
“Sao thế? Cậu không muốn hút? Hay là ngạc nhiên vì nó được lấy ra từ một người phụ nữ?”.
Chị có vẻ không vui vì cái nhìn chòng chọc của tôi. Tôi đành phải tảng lờ nhìn đi chỗ khác.
“Không phải. Chỉ là tôi muốn… tôi muốn ngắm chị”.
Chị bật cười, nhả ra khói thuốc, miệng lẩm bẩm:
“Cậu cũng lẻo mép đấy. Chỉ có điều, nếu muốn tồn tại ở nơi đây thì ngoài cái miệng ra cậu còn cần dùng đến cái này”.
Chị nói rồi trỏ tay lên đầu. Tôi cười ngượng. Mới đó mà đã trở nên ngại ngùng hơn trước mặt chị. Cũng may chị khéo léo chuyển chủ đề câu chuyện. Tôi kể cho chị nghe về hoàn cảnh hiện tại của mình, về những khó khăn đang gặp phải trước mắt, về những nỗi lo sẽ phải đương đầu ở tương lai. Chị chăm chú lắng nghe, có chút đồng cảm, lại có chút bâng khuâng. Khoảng cách giữa hai chúng tôi cứ dần dần được gỡ bỏ sau những nỗi trăn trở nơi xứ người.
Chị bảo ngoài giờ học tôi có thể đi làm thuê cho chị. Chị mở một cửa hàng quần áo ở thành phố này. Công việc lúc đầu có thể vất vả nhưng làm rồi sẽ quen. Chị nói với tôi chỉ cần chịu khó lao động thì ông trời sẽ không tuyệt đường của ai bao giờ. Và chúng tôi – hai con người xa lạ đã bắt đầu bước vào cuộc sống của nhau bởi cuộc hội ngộ tình cờ như thế.
Kể từ sau ngày hôm đó, tôi làm việc ở cửa hàng của chị. Công việc cũng khá đơn giản, chỉ là khuân vác, dỡ hàng, kiểm hàng. Những ngày đầu tiên, vai và lưng tôi đau mỏi rã rời, có những lúc tưởng chừng như xương cột sống xém chút là gãy. Sau đó, tôi đã quen dần hơn với công việc. Lúc ấy tôi cũng chợt giật mình nhận ra, muốn có một bát cơm ăn cũng cần phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi chảy xuống. Tôi chạnh lòng khi nghĩ về những tháng ngày xưa cũ. Tôi đã sống như một kẻ vô ơn và chưa từng biết đến giá trị của đồng tiền.
Thấm thoắt cũng đã gần đến tết. Ở Sankt-Peterburg không có tết cổ truyền như người châu Á mà chỉ có tết dương lịch. Thế nhưng, bất kì người Việt nào đang sinh sống ở nước ngoài cũng vẫn gìn giữ nét đẹp truyền thống này. Mọi năm, mỗi dịp tết đến, tôi vẫn thường mua vé máy bay để trở về Việt Nam đón tết với gia đình rồi hết tết mới quay trở lại. Nhưng năm nay thì khác. Tôi sẽ phải ăn tết một mình ở Sankt-Peterburg, sẽ phải đón một cái tết đầu tiên không có gia đình bên cạnh.
Thi thoảng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm dì về tình hình của cha. Dì nói, tình hình đã tạm thời lắng xuống và cha tôi được hưởng án treo. Thế nhưng mọi việc vẫn chưa thể nói trước. Tôi chỉ có thể thầm cầu mong cho cả gia đình luôn được bình an.
Miên bảo tôi mấy ngày tết sang nhà chị. Chị làm một mâm cơm đầy đủ các món đặt lên ban thờ. Tôi hỏi chị, đã lâu chưa chị chưa về quê nhà để đón tết. Chị chỉ ngậm ngùi cười, trong đáy mắt thấp thoáng một nỗi buồn thăm thẳm.
Bỗng có tiếng chuông cửa. Miên ra mở cửa. Là một người đàn ông ngoại quốc cao hơn tôi dễ đến nửa cái đầu. Chị giới thiệu tôi với Jacob – người đàn ông của chị. Jacob cạo trọc đầu, trên tay và lưng anh ta có nhiều đường xăm trổ. Anh ta nhìn tôi không mấy thân thiện, trên gương mặt có nhiều nét bặm trợn của một tay xã hội đen hung dữ.
Trong đầu tôi chợt dấy lên những suy nghĩ vớ vẩn. Tôi ái ngại cho Miên. Tôi lo lắng cho Miên. Và tôi tiếc nuối thay cho Miên.
Miên hôn Jacob trước mặt tôi. Trong lòng tôi chợt nhen lên những cảm giác ghen tuông rạo rực.
Tôi đã yêu Miên mất rồi. Kể cả việc Miên hơn tôi tới sáu tuổi. Kể cả việc Miên đã có một người đàn ông khác không phải là tôi.
Những tháng ngày sau đó, tôi vẫn làm việc bên cạnh Miên. Có đôi lúc, tôi bần thần ngắm nhìn nàng đến ngây dại.
Đôi khi, tôi cảm thấy mình vô cùng hèn mọn khi ở trước mặt Miên. Cuộc sống đầy đủ, an nhàn của Miên là nhờ có Jacob. Cửa hàng quần áo này cũng là do hắn giúp Miên mở . Còn tôi: tôi phải sống qua ngày từ những đồng tiền kiếm được từ tay Miên. Nếu bảo một thằng đàn ông, sĩ diện không phải là thứ quan trọng thì hoàn toàn sai lầm. Lòng tự trọng, tự tôn của tôi đang ngày một khoét vào trái tim tôi những nỗi đau âm ỉ.
Hôm nay, Miên đến cửa hàng muộn hơn thường ngày. Lúc Miên mở cửa, tôi đã vô tình nhìn thấy một vết bầm trên tay cô ấy. Tôi hỏi nhưng Miên gạt đi không nói.
Lửa hận trong lòng tôi lại dâng lên ngùn ngụt. Chắc chắn là Jacob. Vết thương trên tay Miên chắc chắn là do hắn ta. Tôi thầm chửi rủa hắn. Một người con gái giống như Miên, tại sao hắn lại không biết trân trọng.
Ngày hôm sau nữa, Miên lại tới cửa hàng với một vết thương khác trên tay. Lòng tôi muôn vàn phiền muộn lẫn đau đớn.
Rất nhiều hôm sau nữa, Miên không còn vui vẻ cười nói giống như trước. Đôi mắt cô ấy luôn ánh lên một nỗi buồn khôn tả.
Ngày hôm nay, sau khi chờ Miên rất lâu không thấy cô có mặt ở cửa hàng. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi vội vàng chạy tới nhà của Miên.
Cửa không khóa, tôi vội vàng lao vào tìm Miên. Miên ngồi nơi góc nhà, tóc tai buông xõa, nhìn thấy tôi òa lên mà khóc nức nở.
Tôi vội lại gần ôm lấy Miên. Miên nói giọng lạc đi trong làn nước mắt:
“Kiên ơi! Jabob chết rồi…”.
Miên khóc. Mắt nàng ngân ngấn những giọt lệ chảy xuống tim tôi.
Nhưng rốt cuộc tại sao Jabob lại chết?
Miên kể lại với tôi: Jacob vốn là một tên lưu manh. Hắn đâm thuê, giết thuê, hoặc bất kì việc gì một tên lưu manh có thể làm để kiếm được ra tiền hắn đều không từ. Bởi vậy hắn mới có thể kiếm được những món hời lớn.
Những ngày gần đây, hắn đắc tội với một số người, bởi vậy, hắn muốn Miên rời xa hắn, hắn không muốn làm liên lụy tới Miên.
Hắn chuyển hết số tiền hắn tiết kiệm được cho Miên, mục đích dành cho cô một cuộc sống an lành yên ổn. Chỉ cần Miên rời xa hắn, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.
Nhưng Miên lại kiên quyết ở bên hắn, mặc cho hắn đánh, hắn chửi. Hắn tức giận bỏ đi, hai ngày sau, Miên nhận được tin dữ. Hắn bị người ta bắn chết.
Tôi ôm lấy Miên, lau khô những giọt nước mắt nhạt nhòa.
Kể từ khi Jacob chết, Miên không còn để tâm tới công việc kinh doanh. Lúc nào cô cũng như người mất hồn. Còn trái tim tôi cũng đang âm thầm rỉ máu.
Rồi một ngày, Miên ngất đi. Tôi hoảng hốt đưa cô vào bệnh viện. Với vốn từ ít ỏi của mình, tôi không thể hiểu hết toàn bộ những điều mà bác sĩ nói. Nhưng thu thập lại những thông tin mà tôi có thể hiểu được, tôi sững sờ chết lặng.
Miên mắc bệnh nan y nhưng cô lại kiên quyết không uống thuốc, từ chối điều trị. Cô âm thầm chịu đựng nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần đang giày vò. Trái tim tôi tưởng chừng vỡ vụn. Liệu ai có thể hiểu được cảm giác lúc này của tôi: cảm giác nhìn người mình thương tự giày vò bản thân vì một người khác không phải mình. Liệu cô ấy có thể hiểu được những điều mà bản thân tôi đang chịu đựng?
Buổi chiều hôm ấy, Miên nói chuyện với tôi. Cô ấy chuyển cho tôi toàn bộ khoản tiền tiết kiệm, nói nếu cô ấy xảy ra chuyện gì, tôi sẽ dùng để lo liệu. Tôi gắt lên, mắng Miên. Tôi nói hết cho Miên những nỗi lòng mình đang chôn giấu: rằng Miên không thể chết, Miên mãi mãi là người con gái mà tôi yêu thương nhất. Tôi cấm Miên nói ra những lời gở miệng.
Miên vẫn không chịu nghe lời, cô ấy dặn tôi sau khi lo liệu xong cho cô ấy, số tiền còn lại, tôi dùng để trang trải học phí rồi trở về Việt Nam. Miên căn dặn nhất định tôi không được phụ lòng cô ấy. Miên nói sau khi tôi trở về Việt Nam, hãy đưa tro cốt của cô ấy về với quê nhà.
Miên còn nói rất nhiều, rất nhiều. Tai tôi như ù đi. Tôi không thể nhớ được thêm những gì mà Miên nói.
Sau tất cả, Miên nắm lấy tay tôi, miệng lẩm bẩm:
“Kiếp này, tôi là người bảo vệ cậu. Nếu có kiếp sau, cậu hãy là người bảo vệ tôi”.
Miên ra đi trong một đêm Trắng, khi khoảnh khắc hoàng hôn và bình minh chỉ là một ranh giới rất mong manh, mơ hồ.
Kiếp người
Chị với hắn… ngót chục năm trời… hoang hoải, lạc vào những mảng đêm tăm tối.
Chốn thành thị xa hoa, cuộc đời con người giống như một loài đom đóm, nhen nhóm những đốm sáng yếu ớt, lạc lối giữa cuộc sống phồn hoa, rực rỡ ánh đèn. Loài đom đóm ấy chỉ khao khát trở về với chốn cũ nguyên sơ, bình dị, tìm về với những tháng ngày vô cùng bình yên đã từng đánh mất. Thế rồi, có một ngày, nó chợt trở mình vùng vẫy, lăn lộn giữa những bão tố xung quanh, tìm mọi cách lao ra khỏi cái hàng rào chật hẹp đến nghẹt thở để mong quay trở về với những khoảng trời riêng mơ ước giữa không trung.
Chị nhớ, từng có những ngày yên bình, chị đã thư thả mà dựa đầu vào vai hắn để tìm kiếm một loài đom đóm trên bầu trời.
Những lúc như thế hắn đã từng áp bàn tay thô ráp vào bầu ngực căng tròn của chị. Hắn nói muốn cảm nhận từng nhịp tim đang thổn thức của chị.
***
Hắn là một tay giang hồ khét tiếng. Cờ bạc, rượu chè tất nhiên không thể không nhắc tới. Trên đất Hà thành này, không có chốn ăn chơi nào mà hắn chưa từng qua. Cái tên “Phong chột” đi đến nhiều nơi còn có thể khiến cho nhiều kẻ có vài phần nể sợ. Hắn mất đi con mắt bên phải trong một vụ tai nạn ngoài ý muốn. Thế nhưng, con mắt đó không đáng là gì so với một thứ quý giá mà đối với hắn nó còn quan trọng hơn cả mạng sống. Đó là em gái của hắn. Hắn từng kể cho chị nghe: mẹ hắn mất ngay sau khi sinh ra cô em gái, cha của hắn cũng qua đời sau đó ba năm. Kể từ khi đó, hắn chỉ có mình cô bé là người thân duy nhất, nhưng cuối cùng ông trời cũng cướp đi nốt của hắn.
Hắn ho sặc sụa, cố gắng rít nốt một hơi thuốc thật dài. Làn khói trắng phả ra lởn vởn trong không trung.
Chị dựa đầu vào vai hắn, đôi mắt nhắm nghiền.
Chị bồi hồi lật giở lại những mảng kí ức hoen ố, nghẹn ngào với những dòng cảm xúc đang mắc nghẹn.
Ba chị mất khi chị vừa tròn ba tuổi. Mẹ chị đi lấy chồng khác. Chị ở quê với ông bà ngoại tới năm mười lăm tuổi.
Mẹ đón chị về chung sống. Và rồi, cuộc đời chị cũng kể từ đó mà rớt xuống vực thẳm…
Chị bị chính người cha dượng của mình cưỡng bức. Xấu hổ, tủi nhục. Chị bỏ nhà đi lang thang. Cuộc đời chị cũng theo đó mà chìm nổi.
Với nhan sắc trời cho, chị dùng nó để kiếm sống. Chị cặp với các đại gia giàu có. Nhưng cuộc đời nghiệt ngã, bọn họ cũng chỉ coi chị như một món đồ chơi rẻ tiền. Ra sức chà đạp rồi vứt bỏ.
Rồi chị có một đứa con. Nhưng chị cũng không thể cho nó có một người cha đàng hoàng.
Chị tưởng tượng ra hình ảnh của cô con gái bé nhỏ đang nhìn chị đầy âu yếm. Mặt bé bầu bĩnh, đôi má đỏ ửng, xinh đẹp giống như một thiên thần.
Chị giật mình tỉnh dậy gọi con, nước mắt giàn giụa hai bên má. Hắn nhè nhẹ vỗ vào bờ vai chị mà an ủi, dùng khăn lau đi giọt lệ đang lăn dài nơi khóe mi của chị.
Chị gặp hắn lần đầu tiên ở vũ trường. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ ấy, hắn đã để lại cho chị những ấn tượng thật lạ lùng. Và chị đặc biệt chú ý đến hắn. Một người đàn ông luôn tỏ ra ngang tàng và bất mãn với đời. Chị nhận ra hắn bị hỏng mất một bên mắt, nhưng cái vẻ uy mãnh của hắn cũng không vì thế mà giảm đi.
Rồi hắn với chị bắt đầu với cuộc giao dịch đầu tiên.
Từ sau cái đêm ấy của chị và hắn, thỉnh thoảng hắn lại quay trở lại tìm gặp chị.
Hắn trở thành khách quen của chị. Mỗi lần chị qua đêm với hắn, việc đầu tiên chị thường làm sau mỗi sáng thức dậy là lục ví của hắn lấy tiền.
Bởi vì hắn nói, hắn không thích bị ai đánh thức. Trước lúc ân ái, hắn quăng bóp tiền bỏ lên chiếc tủ đặt đầu giường. Sau buổi hoan lạc, chị có thể tự lấy tiền nhưng không được phép quấy rầy giấc ngủ của hắn.
Lúc đó, chị cũng chẳng để tâm nhiều đến hắn. Đối với chị, hắn là một khách hàng qua đường, chị chiều chuộng, âu yếm, phục vụ hắn chỉ để thỏa mãn mục đích kiếm tiền. Chị cần tiền để nuôi con, cần tiền để sống và tồn tại trong thế giới đầy nghiệt ngã này.
Hắn nói hắn thích cá tính của chị. Bởi vì chị biết an phận. Bởi vì chị đã xem mối quan hệ giữa chị và hắn chỉ là một cuộc giao dịch giữa tình và tiền.
Hắn cũng chỉ cần như vậy là đủ. Hắn không cần một cô nhân tình. Thứ mà hắn cần cũng chỉ là một người đàn bà có thể giúp hắn thỏa mãn được những dục vọng của một thằng đàn ông và sau những buổi hoan lạc ấy sẽ không còn liên quan, quấy rầy đến cuộc sống của hắn.
Nhưng rồi, chị đến với hắn, có lẽ là do bàn tay số phận đã an bài.
Cô con gái của chị dưới quê khi ấy vừa tròn năm tuổi.
Một ngày kia, khi chị và hắn đang ân ái, chị nhận được một cuộc điện thoại từ người nhà gọi đến. Chị bàng hoàng đón nhận tin sét đánh.
Con gái chị đã qua đời vì một cơn bạo bệnh!
Chị khóc lóc, vật vã. Lồng ngực như có hàng ngàn, hàng vạn mũi kim châm. Chị đau đớn, điên loạn gào thét gọi tên con trong đêm mưa bão.
Ngày hôm đó, hắn đã ôm lấy chị, ngăn chị khỏi những cơn cuồng loạn trong vòng tay của hắn. Hắn vỗ về chị, xoa dịu những nỗi đau quặn thắt ruột gan khi mất đi người thân của những kẻ đồng cảnh ngộ.
Cơn ác mộng của chị còn kéo dài vài ba tháng sau đó. Khoảng thời gian đó, hắn luôn ở bên chị. Cuộc sống đưa đẩy hai kiếp người bé nhỏ ấy nương tựa lấy nhau, dựa dẫm vào nhau.
***
Nắng ấm tựa vào mái hiên trước nhà. Trên sân thượng, chị cựa mình trong vòng tay của hắn.
Tiếng còi xe rộn rã, những thanh âm náo loạn của một cuộc sống bộn bề lại vang lên tất bật.
Mùi rượu trên người hắn vẫn còn phảng phất. Chị khe khẽ lắc đầu. Không biết đến bao giờ, chị với hắn mới có thể làm lại cuộc đời.
Chị đã bỏ nghề. Hắn cũng mở cho chị một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để có thể ổn định và trở về với cuộc sống bình yên. Chỉ có điều chị lo lắng cho hắn. Không biết đến khi nào, hắn mới có thể gột rửa lại để trở về với cuộc sống lương thiện và trong sạch.
Rồi buổi trưa nay, trời nắng gắt! Tin dữ cũng ập đến bên tai.
Hắn bị bắt. Người ta cũng thấy chị vất cả sạp hàng mà chạy theo giữa ánh trời nắng như đổ lửa.
Phải rồi! Cuộc đời của hắn cũng đã đến lúc phải thay đổi.
Đêm nay, trên sân thượng chỉ có một mình chị mải miết tìm kiếm loài đom đóm giữa ánh đèn. Chị sờ tay lên bụng mình, thiên thần bé nhỏ khẽ cựa quậy.
Hắn sẽ quay trở lại. Trở lại với một tấm thân trong sạch và một cuộc đời lương thiện. Và chị tin vào điều đó!
***
Ba tháng sau, hắn gặp lại chị.
Chị tới trại giam để thăm hắn. Và đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, hắn biết được rằng mình sắp được làm cha!
Hắn khóc. Nhưng đây là lần đầu tiên những giọt nước mắt của hắn không phải dành cho những niềm đau thương, mất mát mà là niềm vui rạng rỡ, tin tưởng vào ngày mai!
Chị cũng nhận ra gương mặt của hắn không còn cái vẻ hung dữ, bặm trợn của một tay giang hồ nữa, mà giờ đây chỉ còn lại gương mặt hiền lành, chất phác của một người đàn ông từng trải qua những tháng ngày giông bão của kiếp người.
Và đó cũng là lần đầu tiên chị với hắn cùng tìm thấy ánh đèn đom đóm trong cuộc đời…
HOÀNG THỊ HẠNH
- Quang Dũng không chỉ có ‘Tây Tiến’
- Thất bại của đế quốc Ottoman và 100 năm xung đột Israel – Palestine
- Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình
- Lựa chọn cách đánh là sáng tạo then chốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ
- Truyền dạy cồng chiêng ở Tây Nguyên: Vẫn theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước?”